Thiên Chúa là một mầu nhiệm, mà việc Ngài làm cũng là
một mầu nhiệm con người không tài nào hiểu nổi. Thánh Phaolô gọi sự khôn ngoan
của Thiên Chúa là “sự khôn ngoan mà không một thủ lãnh nào của thế gian này đã
biết” (1 Cor 2:8). Việc Thiên Chúa chọn một ngư phủ thất học và bồng bột làm thủ
lãnh Hội Thánh, và một người bắt đạo cuồng tín để truyền giáo là một việc điên
rồ trước mặt thế gian, “vì thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận ra
Thiên Chúa trong sự khôn ngoan của Ngài, nên Ngài đã có ý dùng sự điên rồ của lời
rao giảng để cứu những người tin” (1 Cor 1:21). Chúng ta chỉ có thể hiểu được
Thiên Chúa nhờ ân sủng và qua cặp mắt Đức Tin. Tin rằng Ngài làm được tất cả mọi
sự. Tin sắt đá như hai Thánh Phêrô và Phaolô.
1. Thánh
Phêrô và Thánh Phaolô
Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai người hoàn toàn
khác nhau được Đức Kitô gọi trong hai hoàn cảnh cũng hoàn toàn trái ngược nhau
để cùng rao giảng cùng một Tin Mừng tình yêu và cứu độ.
Thánh Phêrô có tên là Simon trước khi gặp Đức Kitô.
Người đã đồi tên ngài thành Kêpha (Phêrô). Ngài là một ngư phủ sinh trưởng tại
Galilêa, đã có gia đình. Chúa Giêsu đã gọi ngài để biến ngài từ “người đánh cá”
thành “đánh cá người”. Tính tình ngài năng động, nông nổi, hay nói thẳng, đầy tự
tin và nhiệt huyết, nhưng cũng nhát đảm. Vì nói thẳng và hay nói nên dễ lỡ lời
đến nỗi bị Chúa gọi là “Satan” (x. Mt 16:23 ). Vì đầy tự tin và nhiệt huyết nên
đã thề là không bao giờ bỏ Chúa (x. Mt 26:33-35; Mc 14:31). Nhưng sau đó vì
nhát đảm nên đã chối Chúa ba lần (x. Mt 26:69-75; Mc 14:66-72; Lc 22:54-62; Ga
18:15-27). Ngài là một người theo đạo Do Thái theo truyền thống, đơn sơ, không
được học hành sâu sắc. Tuy sống chung với nhiều người Hy Lạp ở Galilêa, nhưng
có lẽ ngài không rành tiếng Hy Lạp lắm, nên khi đi rao giảng ngài cần Thánh
Marcô làm thông dịch cho ngài.
Thánh Phaolô trước khi trở lại có tên là Saulô. Quê
quán ở Tarsô, Cilicia, là con của một người Do Thái lưu vong. Ngài là một người
có học thức, thông thạo cả tiếng Hy Lạp lẫn tiếng Do Thái và tiếng Aram, hiểu
biết cả thần học của Do Thái lẫn triết học Hy Lạp. Vì con một gia đình thế giá,
là công dân Rôma, nên ngài cũng được thừa hưởng quyền công dân ngay từ nhỏ,
nhưng cũng là một Biệt Phái. Được cha mẹ gửi về Giêrusalem để học về Lề Luật
theo Thầy Gamêliên. Vì lòng nhiệt thành với Đạo Do Thái, ngài đã bắt bớ những
người theo Chúa Giêsu thành Nazareth (Tđcv 8:3-9:2). Nhưng trên đường đi
Đamascô để tróc nã các tín hữu, Chúa đã quật ngã ngài và hỏi ngài: “Saulô, Sao
người bắt bớ Ta?” (Tđcv 9:4). Khi đó ngài đã nhận ra rằng Đức Kitô vẫn còn sống
và thật sự là Đức Kitô. Chính Người đã cho Thánh Phaolô hiểu rằng Người và Hội
Thánh là một. Từ sự hiểu biết ấy, Thánh Phaolô gọi Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức
Kitô. Sau khi trở lại và chịu phép Rửa, Thánh Phaolô đã hết lòng phục vụ Chúa
và Hội Thánh bằng chính nhiệt huyết sẵn có của mình.
Cách hai vị được mời gọi làm tông đồ nhưng nhiệm vụ của
hai vị khác nhau. Thánh Phêrô được gọi ngay từ những ngày đầu cuộc đời công
khai của Chúa. Thánh Phaolô được gọi sau khi Chúa đã về trời. Thánh Phêrô là một
trong những tông đồ được gọi trước hết và được Chúa đặc biệt trao phó nhiệm vụ
hướng dẫn Hội Thánh (x. Mt 6:19; Ga 21: 15 -17) cùng nâng đỡ các tông đồ khác
(x. Lc 22:32 ). Thánh Phaolô được gọi sau cùng và được trao nhiệm vụ rao giảng
Tin Mừng cho dân ngoại. Việc Chúa chọn hai Thánh Phêrô và Phaolô cho thấy
chương trình mầu nhiệm và quyền năng vô biên của Thiên Chúa trong việc biến đổi
những người tầm thường nhất hoặc cứng đầu nhất thành những tông đồ nhiệt thành
của Ngài nếu họ biết hợp tác với ân sủng của Ngài.
2. Các Ngài
giống nhau ở điểm gì?
a) Tâm hồn khiêm nhường biết hoán cải. – Cả hai vị đều
là những người yếu đuối và tội lỗi biết khiêm nhường hoán cải. Thánh Phêrô đã
chối Chúa ba lần, nhưng sau đó hết lòng ăn năn và trung thành với Người cho đến
chết. Thánh Phaolô cố tình tiêu diệt Hội Thánh ngay từ lúc phôi thai, nhưng sau
đó đã đem cả cuộc đời ra để làm cho Hội Thánh được lan rộng khắp nơi, mà không
sợ đói khát, nguy hiểm, tù đầy, kể cả cái chết.
b) Niềm tin chắc chắn rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con
Thiên Chúa. – Trong khi những người Do Thái đồng thời với các ngài đang mong chờ
một Đấng Kitô [theo kiểu thế tục] đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ ngoại
bang, hai Thánh nhân đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đức Kitô. Thánh Phêrô là
người đầu tiên đã tuyên xưng Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng
Sống” (Mt 16:16 ). Còn Thánh Phaolô thường gọi Chúa Giêsu là “Chúa” hoặc là “Đức
Kitô”. Trong các thư của ngài, ngài đã gọi Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” (x. 1
Thes 1:10; Rom 5:10; 8:3; 2 Cor 1:19 ).
c) Lòng yêu Chúa và Hội Thánh thiết tha và làm tất cả
vì Chúa. - Một khi đã trở lại, hai vị đã hoàn toàn quên mình và hiến trọn đời
cho Chúa. Cả cuộc đời còn lại của Thánh Phaolô được Ngài tóm tắt vào câu: “tôi
sống, nhưng không còn là tôi, nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20 ).
Ngài khuyên chúng ta: “dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất
cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cor 10:31 ). Còn Thánh Phêrô thì nhắc nhở chúng
ta: “Hãy tôn thờ Ðức Kitô là Chúa trong lòng anh em, và luôn luôn sẵn sàng trả
lời cho bất cứ người nào hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng nơi anh em” (1
Phr 3:15), và “vì chính Ðức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em
cũng hãy tự trang bị bằng cùng một tâm tưởng ấy, vì ai chịu đau khổ về thể xác
thì ngừng phạm tội, để thời gian còn lại trong thân xác, người ấy không còn sống
theo những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Phr
4:1-2). Cả hai vị đã làm gương trước bằng cách hy sinh chính mạng sống cho Chúa
và Hội Thánh.
d) Khiêm nhường, ý thức được giới hạn của mình và phó
thác cho Chúa. – Mặc dù cả hai vị được Chúa ban cho nhiều quyền năng, kể cả quyền
làm cho người chết sống lại, nhưng hai vị rất khiêm nhường. Đọc Tông Đồ Công vụ
cũng như hai thư của Thánh Phêrô chúng ta không bao giờ thấy ngài tỏ ra hãnh diện
vì quyền năng Thiên Chúa ban cho ngài. Khi chết ngài xin được đóng đinh ngược
vì thấy mình không xứng đáng được đóng đinh như Chúa Giêsu. Còn Thánh Phaolô
thì nhận mình trước kia là “một tên phạm thượng, khủng bố và ngạo mạn.” Ngài nhận
mình là “một đứa bé sinh non, là người bé nhỏ nhất trong số các Tông Đồ, không
đáng được gọi là Tông Đồ” (x. 1 Cor 15:8-9). Vì thế mà Thánh Phêrô khuyên chúng
ta: “Tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường trong cách đối xử với nhau, vì
‘Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.’” (1
Phr 5:5) và “anh em hãy hạ mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Ngài
nâng anh em lên trong giờ đã định. Hãy trút hết mọi âu lo cho Ngài, vì Ngài chăm
lo cho anh em” (1 Phr 5:6). Còn Thánh Phaolô thì nói: “Nếu tôi phải khoe
khoang, thì tôi sẽ khoe về những gì liên quan đến sự yếu đuối của tôi” (2 Cor
11:30), đồng thời ngài khuyên chúng ta: “Vì nhờ ân sủng đã được ban cho tôi,
tôi xin từng người trong anh em, đừng nghĩ tốt về mình quá mức, nhưng hãy nghĩ
về mình cách khiêm nhường, mỗi người tuỳ theo mức độ đức tin mà Thiên Chúa đã
ban phát cho” (Rom 12:3).
e) Không ghen tương, ganh tị, nhưng tận tình giúp đỡ
nhau. - Tuy có nhiều kiến thức hơn Thánh Phêrô, nhưng Thánh Phaolô đã đến ở với
Thánh Phêrô 15 ngày để học cùng Thánh Phêrô những gì ngài đã học từ Đức Kitô
(Gal 1:18). Để chắc ăn, Thánh Phaolô lại lên Giêrusalem một lần nữa với mục
đích trình bày Tin Mừng mà ngài rao giảng giữa các Dân Ngoại riêng với các vị
đáng kính, “vì sợ rằng bằng cách nào đó tôi đã xuôi ngược, và đã xuôi ngược vô
ích” (Gal 2:1-2). Ngài khuyên bảo chúng ta: “Ðừng làm gì vì ganh tị hay hư
danh, nhưng trong tinh thần khiêm nhường, mỗi người hãy coi người khác là hơn
mình” (Phil 2:3). Còn Thánh Phêrô đã bị Thánh Phaolô chỉ trích một lần cách
công khai trước mặt mọi người, nhưng ngài đã không bào chữa (x. Gal 2:11 -14).
Sau này chúng ta thấy chính Thánh Phaolô cũng làm nhiều điều để tránh mất lòng
người Do Thái, như cắt bì cho Timôthê (Tđcv 16:1-3)…. Dù bị chỉ trích như thế,
nhưng hai Thánh nhân vẫn tương đắc với nhau như Thánh Phaolô diễn tả trong
Galatê 2:9-10. Thánh Phêrô cùng thánh Giacôbê và Gioan đã đưa tay phải cho
Thánh Phaolô để tỏ dâu hiệp thông. Còn Thánh Phaolô thì đi đâu cũng lo quyên
góp để giúp đỡ cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem.
f) Giảng dạy bằng gương sáng chứ không chỉ bằng lời
nói. – Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy bắt chước Ngài: “tôi xin anh em, hãy bắt
chước tôi” (1 Cor 4:16 ; Phil 3:17 ) như Ngài “theo gương Đức Kitô” (1 Cor
11:1). Còn Thánh Phêrô thì khuyên các mục tử: “Ðừng thi thố quyền hành trên phần
gia tài đã được trao cho anh em, nhưng hãy trở nên gương lành cho đàn chiên” (1
Phr 5:3).
g) Can đảm đương đầu với thế gian và quyền lực. - Thánh Phêrô đã can đảm đứng
trước Công Nghị mà tuyên bố rằng: “Các ông hãy xét xem có phải là điều đúng trước
mặt Thiên Chúa không khi nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa? vì chúng
tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.” (Tđcv
4:19-20). Còn Thánh Phaolô cũng “chịu đựng trong gian khổ, cùng quẫn, lo âu,
đòn đánh, tù ngục, xáo trộn, lao nhọc, mất ngủ, đói khát” (x. 2 Cor 6:4-5),
nhưng nhất định không nhượng bộ và giữ vững đức tin cho đến cùng (2 Tim
4:7).
3. Các ngài dạy chúng ta điều gì?
Qua cuộc đời các ngài, Thánh Phêrô và Phaolô đã dạy
chúng ta rất nhiều điều. Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chúng ta
theo gương các ngài thực hành được hai điều chính thôi thì chắc các ngài cũng
vô cùng vui sướng trên trời.
a) Làm mọi sự vì vinh danh Chúa. – Ngày nay sở dĩ
chúng ta có nhiều chia rẽ trong Hội Thánh, trong các cộng đoàn, các giáo xứ vì
nhiều người trong chúng ta đang làm việc vì tư lợi và hư danh. Nếu chúng theo
gương hai Thánh Tông Đồ, quên mình và làm tất cả mọi sự để Thiên Chúa được vinh
danh thì chắc chắn chúng ta sẽ thắng vượt được mọi khó khăn và sẽ dễ lôi kéo
nhiều người khác về với Chúa. Muốn như thế, chúng ta phải “không còn sống theo
những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Phr 4:2). “Nếu
có ai chịu khổ như một Kitô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa
vì danh hiệu đó” (1 Phr 4:16 ).
b) Can đảm đứng lên bảo vệ và rao truyền chân lý. - Giống
như thời đại các ngài, con người thời nay cũng đang thờ ngẫu tượng là tiền tài,
danh vọng và những thú vui xác thịt. Họ đang “theo những dục vọng của lòng họ,
theo những điều ô uế, để họ cùng nhau làm nhục thân thể của họ. Họ đã đổi chân
lý của Thiên Chúa để lấy sự giả trá. Họ đã tôn kính và thờ phượng những loài thụ
tạo, thay vì Ðấng Tạo Hoá” (Rom 1:24 -25). Họ cũng “theo dục tình đồi bại. Phụ
nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên. Ðàn
ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn
ông làm việc tồi bại với đàn ông” (Rom 1:26 -27). Họ đang tìm cách đạp đổ gia
đình là nền tảng của xã hội bằng cách gán cho nó một định nghĩa mới. Họ đang
nhân danh “quyền chọn lựa của phụ nữ” để giết hại hàng triêu trẻ em trong lòng
mẹ mỗi năm. Không những thế họ còn muốn dạy những điều này cho trẻ em, và thay
đổi luật pháp để biến những điều này thành những quyền căn bản ngõ hầu khoá miệng
những ai muốn vạch rõ chân lý cho họ. Là Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ chống lại
“nền văn hoá sự chết này” dù phải chịu mọi thiệt thòi hay phải chết như các
ngài đi nữa.
Kết luận.
Để kết thúc tôi xin mượn chính lời của Thánh Phêrô:
“Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức, vì kẻ thù của anh em là ma quỷ, như một con
sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống lại nó, hãy đứng
vững trong đức tin, vì biết rằng các anh em của mình đang sống trên trần gian đều
phải trải qua cùng những thống khổ như thế. Thiên Chúa của mọi ân sủng, là Ðấng
đã mời gọi anh em vào vinh quang vĩnh cửu của Ngài trong Ðức Kitô, sẽ làm cho
anh em được nên hoàn hảo, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cố sau khi anh em đã chịu
đau khổ một thời gian ngắn. Nguyện chúc Người vinh quang và uy quyền đến muôn
muôn đời. Amen” (1 Phr 5:8-11).
Sau thánh lễ ông trưởng Ban hội đồng Tân - Cựu cảm ơn cha xứ, quý thầy phó tế, quý ban hội đồng mục cùng toàn thể cộng đoàn giáo xứ trong ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phao Lô bổn mạng của ban chấp hành tân cựu
BTT gx Phú Giáo
0 Reviews:
Đăng nhận xét
Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.