2 Ảnh

6.4.17

Về Nguồn: 222 Năm Đón Nhận Tin Mừng

Qua bao thăng trầm nổi trôi. Hôm nay, thế hệ cháu con cùng nhau ôn lại những năm tháng ân thiêng và hồng phúc của Cha Ông.


Trở lại những tháng ngày "nguyên sơ khai địa", chúng ta mới tìm về được với nguồn cuội của mình.
Khoảng năm 1794. Ba gia đình Công Giáo gồm, Họ Vũ, Họ Nguyễn và Họ Phạm làm nghề thuyền chài, chuyên đánh bắt cá từ Quỳnh Lang về đây. Nhận thấy nơi đây là một vùng đất thiên thời địa lợi, non nước thơ mộng hữu tình, cho nên có ý định ở lại lập nghiệp. Và từ đó, khởi đầu cho hạt giống tin mừng trổ sinh hoa trái.

Thời gian đầu, các vị dựng nhà ở tạm để đánh bắt xong vẫn thường về lại Quỳnh Lang. Sau này để cho thuận tiện, các ngài đã chuyển cả gia đình và vợ con đến nơi đây sinh sống. Tổng nhân khẩu lúc này là khoảng 27 người. Chồng đánh bắt cá, vợ con thêu thùa may vá và làm nông. Công việc thuận lợi, nên đã rủ thêm người về đây sinh sống.

Để thuận tiện cho việc đọc kinh, cầu nguyện sớm hôm, cho nên các cụ đã cùng nhau dựng một nhà nguyện nhỏ lợp rạ, cột kèo gỗ xoan.

Thời gian sau, được một vị thừa sai từ giáo xứ Lai Ổn- Bồ Ngọc đến truyền giáo. Ngài đã rửa tội thêm một số gia đình lương dân gần đó. Qua thời gian, số người theo đạo mỗi lúc một đông, cùng nhau sớm tối đọc kinh cầu nguyện.

Cộng đoàn mỗi ngày một đông, ngôi nhà nguyện nhỏ không đủ chỗ cho việc thờ phụng. Các Ngài có ý định xây một ngôi Nhà Thờ lớn hơn. Một cụ Trùm giầu có đã hiến tặng khu đất để xây Nhà Thờ. Mọi người góp công góp của, đào hồ, vượt đất làm nền, tạo cảnh cho nơi mới.

Trước khi làm nhà thờ trên khu đất mới, cha xứ và cộng đoàn đã làm đơn xin Đức cha Simon Wenceslao Onate Thuận - Giám mục Tông Toà Địa phận Trung cho thành lập giáo họ và nhận Thánh Vinh Sơn làm Quan Thầy.

Năm 1894, Đức Giám mục chính thức ban Sắc Chỉ thành lập giáo họ Thánh Vinh Sơn thuộc giáo xứ Lai ổn và cho phép xây dựng ngôi nhà thờ sang khu đất mới. Giáo họ phó thác công trình cho Thánh Quan Thầy. Số giáo dân khoảng 350 người.

Sau 5 năm xây dựng (1894 – 1899) vào thời vua Thành Thái ngôi Thánh Đường được hoàn thành (Theo dòng chữ ghi trên cột vì kèo và Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình xuất bản năm 1996), với chiều dài 30m, chiều rộng 12m, tổng diện tích 360m2, chia làm7gian, cột, vì kèo bằng gỗ lim, lợp ngói mũi.

Điều đặc biệt trên tường cuối nhà thờ có ghi lại hai dòng chữ Hán- Nôm song song nhau, các cụ đã dịch ra tiếng Việt có nội dung như sau:

“Lộ Đức Đông Nam Dinh Cùng Hướng, Giang Hồ Tây Bắc Thủy Trường Thanh”. 

Bản dịch Sắc chỉ  thành lập giáo họ thánh vinh sơn
Nhân Danh Đức Chúa Giời  Amen        
Đức cha  Si-mon Wenceslao - Onate Thuận dòng ông Thánh Đaminh  ơn Đức Chúa Giời và ơn Đức Thánh Cha làm Giám mục - Hiệu Tòa Issus - Giám mục Tông Tòa Địa phận Trung trong nước An Nam xin cho các kẻ xem tờ này được bình an cùng làm phép biên xong cho được mọi sự lành.          
            Vốn thói lành các nước có đạo bên phương tây đã quen chọn lấy Đức Chúa Giêsu Đức Bà hay là ông Thánh bà Thánh nào làm quan thầy riêng trong nhà trong nước trong thành trong làng cùng trong nhà Thánh ấy mà có ý cậy công nghiệp và nhờ các Thánh kêu van bầu cử trước mặt Đức Chúa Giời cho ta khi còn sống ở đời này được bắt chước việc lành các Thánh biết đường giữ đạo nên được bình an phần hồn phần xác đời này và đời sau cũng nên thói lành trong Thánh I-Ghê-Li-Xa làm vậy cùng ước ao cho bổn đạo được bắt chước như thể ấy mà đang khi ước ao làm vậy thì dầy thấy bổn đạo làng Nhân Lý là con chiên Địa phận Đức cha có nhiều kẻ muốn hợp một ý cùng nhau cho được giúp đỡ nhau phần hồn phần xác mà chọn lấy ông Thánh Vinh Sơn làm Quan Thầy riêng mình cho nên xin Đức cha cho được lập làm một họ gọi là họ ông Thánh Vinh Sơn thì lòng Đức cha mừng rỡ bội phần cùng cho lập như vậy và truyền cho cha xứ đang coi sóc địa phương này rầy cùng các cha xứ sẽ coi sóc sau này phải ra sức coi sóc họ này cho một ngày một đi đàng nhân đức hơn nữa song le việc chung phải có kẻ cai quản và có thứ tự cùng lề luật phép tắc cho nghiêm trang mới được tốt lành cho nên các kẻ ăn mày thông công trong họ này phải ra sức giữ những điều đã chép trong sách lề luật về họ này thì mới chóng cho được vững vàng chắc chắn mà chớ
Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần   Amen  
 Mà cho ai lấy được làm chắc chắn thì Đức cha đã đóng con dấu cùng phê tên Đức cha và tên thư ký Đức cha trong tờ này
               Ký
Đức Chúa Giêsu ra đời là một nghìn tám trăm chín mươi tư năm (1894)
+ Pr.  Wenceslao - Onate Thuận Giám mục
Giám mục Tông Tòa Địa phận Trung ký

Votdrins Petrus Khâm ký (Tên cha thư ký văn phòng TGM).

Năm 1901, Đức cha Maxime Fernandez Định - Giám mục Tông Toà Địa phận Trung thành lập giáo xứ Quỳnh Lang tách ra từ giáo xứ Lai ổn, giáo họ thuộc về giáo xứ Quỳnh Lang.    
            Ngày 09 tháng 09 năm 1909, Đức Giám mục Giáo phận cho phép cha xứ đặt Đàng Thánh Giá trong nhà thờ được xây dựng năm 1899 và ban ơn Đại Xá cho những ai tham dự.
Theo sử ký Địa phận Trung xuất bản năm 1916 thì số nhân danh của giáo họ Phú Giáo năm đó là 438 người.
            Năm 1933, Đức cha Trung (P. Munagorri Y Obineta)-   Giám mục Tông Toà Địa phận Bùi Chu cắt một số giáo họ của giáo xứ Quỳnh Lang thành lập giáo xứ Mỹ Đình, lúc này giáo họ lại thuộc về giáo xứ Mỹ Đình.
            Năm 1940, giáo họ xây thêm một cây tháp cao 16 m về phía nam, cách đầu nhà thờ 10m và xây nhà Phòng trên trục tuyến nhà thờ - hướng Nam, cách đầu nhà thờ 30m, chia làm 7 gian, dài 16m, rộng 8m, cao 6m.
            Với biết bao thử thách về mặt đức tin, nhiều người đã đổ máu để bảo vệ và trung thành với Đức Tin. Các cụ thời xưa đã để lại cho con cháu cả một kho tàng Đức Tin quí báu, tinh thần giữ đạo vẫn bền vững cho tới ngày nay.

Năm 1989, Đức cha Giuse Đinh Bỉnh Giám mục Giáo phận bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Quang Phục nhiệm sở tại giáo xứ Mỹ Đình. Cha đã đối thoại dần với các cấp chính quyền để cho các hoạt động tôn giáo ngày một hoạt động trở lại. Cha xứ đã thành lập thêm một số các ban ngành, hội đoàn. Nhà thờ được sửa chữa lại năm 1991. Giáo dân lúc này tăng lên đến 921 người. Nhưng ngôi nhà thờ gỗ xây dựng năm 1899 đã xuống cấp theo thời gian và thời tiết. Đồng thời, giáo họ muốn có một ngôi Thánh Đường mới trước khi trình đơn lên Đức Giám mục xin thành lập giáo xứ.

Đến ngày 06 tháng 08 năm 2003, cha xứ Giuse Nguyễn Quang Phục dâng Thánh Lễ tạ ơn, dỡ bỏ nhà thờ cũ (xây dựng năm 1899).

Đến ngày 13 tháng 10 năm 2003, Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang chủ sự Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi Thánh Đường mới, được cử hành trọng thể.

Trong vòng 2 năm, vào ngày 08 tháng 12 năm 2005 một ngôi nhà thờ mới chính thức được khánh thành để dâng kính Thánh Vinh Sơn Quan Thầy, với kích thước dài 55m, rộng 18m, cao 13m, 2 tháp cao 45m, 01 tum cao 33m, tổng diện là 990m2.

Năm 2005, giáo họ thống kê được:   
Tổng nhân danh là: 1120 người.
1. Cơ sở vật chất
+ 01 ngôi nhà thờ diện tích 990m2, bên dưới cung thánh có phòng khách, phòng cha xứ và thầy xứ.
            + 01 phòng giáo lý có 50 chỗ cho học sinh.
            + 5275 m2 sân vườn        
            + 8810 m2 ao hồ           
2. Ban ngành đoàn thể 
+ Huynh Đoàn Đaminh 63 người   
+ Gia Trưởng 140 người
+ Hiền Mẫu 58 người
+ Kèn Nam 55 người
+ Ban Ca 30 người
+ Hội Trống 33 người
+ Hội Trắc 26 người
+ Hội Thanh Thiếu Niên Nữ (Têrêsa) 40 người
+ Thiếu Nhi Thánh Thể khoảng 160 người
Theo số liệu thống kê trên, cùng với nhu cầu mục vụ cho đời sống đức tin của cộng đoàn ngày một lớn mạnh, cha xứ và cộng đoàn đệ đơn lên Đức Giám mục Giáo phận xin nâng giáo họ lên hàng giáo xứ. Được Đức Giám mục Giáo phận chấp nhận đơn của cha xứ và cộng đoàn giáo họ.
Đến ngày 02 tháng 12 năm 2006, Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang chính thức ký Văn Thư  thành lập giáo xứ Phú Giáo và Ngài tách hai giáo họ Bùi và Văn Quan từ giáo xứ Mỹ Đình sang giáo xứ Phú Giáo. Tổng số giáo dân của toàn giáo xứ là 1350 người.
Ngày 30 tháng 5 năm 2006, Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang - Giám mục Giáo phận cho phép cha xứ Giuse Nguyễn Quang Phục đặt Đàng Thánh Giá trong nhà thờ và ban ơn Đại Xá cho những ai tham dự.

 Như vậy sau một thời gian chờ đợi khá dài, nhờ hồng ân Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Quan Thầy, Phú Giáo đã bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn mà tất cả giáo dân Phú Giáo đều mong chờ. Một ngôi Thánh Đường nguy nga lộng lẫy cùng dòng chữ Giáo Xứ Phú Giáo là niềm vui khôn tả của mỗi giáo dân nói riêng và toàn thể giáo xứ Phú Giáo nói chung. Niềm vui đó như một động lực lớn thúc đẩy mọi thành phần trong giáo xứ tích cực, hăng say đóng góp công xức xây dựng mọi hoạt động Đức Tin trên mảnh đất Phú Giáo thân yêu.
Về Nguồn: 222 Năm Đón Nhận Tin Mừng
  • Title : Về Nguồn: 222 Năm Đón Nhận Tin Mừng
  • Posted by :
  • Date : 06 tháng 4
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top