2 Ảnh

26.3.16

Giới trẻ giáo xứ chuẩn bị Trứng Phục Sinh

       
       Trong giáo xứ chúng ta chắc không mấy người biết về trứng Phục Sinh. Bài viết dưới đây sẽ giúp cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu và biết thêm về trứng Phục Sinh.
Tập tục “quả trứng Phục Sinh” phát xuất từ đâu và có ý nghĩa gì?
       Đến lễ Phục Sinh, em thấy các tấm cards hay vẽ hình quả trứng, hoặc có những miếng xô-cô-la hình quả trứng. Tại sao như vậy? (Một học sinh cấp II).
Em thân mến,
      Đây là tâp tục “Quả trứng Phục Sinh” của Âu châu. Sau đây, tôi sẽ trình bày tổng quát cho em thấy nguồn gốc, ý nghĩa... của “Quả trứng Phục Sinh”:   
 1) Nguồn gốc
- Tại Trung Âu, vào đêm Phục Sinh, sau thánh lễ, vị linh mục Chính thống chúc lành cho các giỏ thực phẩm mỗi gia đình mang tới, trong đó có các món dành cho bữa tiệc ngày mai là bánh mì, ga-tô, pho-mát, thịt, và luôn luôn có ít quả trứng có khi được tô vẽ bên trên.
- Tại Biêlorussia và Ukraina, vào sáng Chúc Nhật Phục Sinh, những người chính thống phái Uniát (chấp nhận quyền bính của Đức giáo hoàng) cắt một quả trứng ra, sao cho đủ phần mỗi người trong nhà, và mỗi người ăn cách thật kính cẩn.
            Người Chính thống giữ Mùa Chay nhiệm nhặt hơn ta, và trong bảy tuần, họ không ăn một tí thịt hay một tí mỡ thú vật nào, cũng không ăn cá (trừ một lần giữa Mùa Chay) để rồi vào ngày lễ Phục Sinh, họ ăn trứng: như vậy, quả trứng chấm dứt Mùa Chay và là món ăn có chất prô-tê-in đầu tiên của mùa xuân và trở thành dấu chỉ sự đổi mới và báo tin mừng Phục Sinh.
- Tại Roumania, người ta cầm một quả trứng “cụng” vào quả trứng của chủ nhà và mừng lễ ông: “Christos a inviat” (Đức Kitô đã phục sinh). Người ta cũng thường viết thư trên các quả trứng và gửi cho những người họ thương mến.
Từ đó phát sinh tục lệ gửi trứng Phục Sinh mừng nhau (trên đó có khi ghi một sứ điệp tôn giáo, có khi không), và thành hình một loại nghệ thuật dân gian truyền thống, có những quy luật, những ý nghĩa tượng trưng, khác nhau ít nhiều tùy miền, tùy xứ.
 2) Ý nghĩa quả trứng Phục Sinh
Các ý nghĩa tượng trưng này, phần lớn là của Kitô giáo, nhưng cũng có liên hệ với những tập tục mê tín dị đoan ngoại giáo, vì nghi lễ quả trứng có trước Kitô giáo.
- Vào thời Thượng Cổ, quả trứng là dấu chỉ sự sống được đổi mới vào mùa xuân: gà bắt đầu đẻ lại vào lúc các kho dự trữ mùa đông vừa cạn.
- Trứng cũng tượng trưng sự phong nhiêu. Và đây là nguồn gốc của một vài phong tục đồng áng, còn tới ngày nay:
+ Tại Biêlorussia, người ta đăt một quả trứng có tô màu vào đám mạ lúa mạch, để mạ mọc cho tươi tốt.
+ Tại Roumania, người ta đăt trứng tại bốn góc cánh đồng để chống mưa đá.
- Tại Ukraina, người ta đặt vào luống cày thứ nhất hoăc luống cuối cùng một quả trứng, nhưng vào ngày lễ thánh Gioócgiô (23-4); mà ngày này lại là ngày lễ ngoại giáo kính Thần mùa màng Giaryla. Mẹ của vị thần này có những chìa khóa mở lòng đất làm cho trứng chim nở ra.
Ta thấy Kitô giáo và ngoại giáo lẫn lộn với nhau, và có liên hệ tới việc phụng tự người chết:
1) Tại Yougoslavia và Roumania, có một nghi lễ tưởng niệm người chết tại nghĩa trang. Mỗi gia đình mang theo thực phẩm (bắt buộc có trứng) và chia cho mỗi người, ưu tiên cho người khách. Người khách này, tượng trưng cho người quá cố, phải ăn trước. Nếu họ không ăn, người ta cho rằng người chết sẽ không được yên nghỉ.
2) Tại Hy-lạp và Biêlorussia, vào ngày Chúa Nhật Quasimodo (= Chúa Nhật II Phục Sinh), người ta mang trứng có tô màu hay vẽ hình đến mộ dâng cúng người chết. Ngày hôm ấy được gọi là ngày “Phục Sinh của Nav” (vào thời ngoại giáo, Nav là nơi hạnh phúc trọn hảo của linh hồn người chết).
3) Những thần lực huyền bí của quả trứng
Quả trứng và vỏ trứng có đủ thứ quyền lực thần bí:
- Tại Ukraina, người ta ném vỏ trứng lên mái nhà để bảo vệ ngôi nhà khỏi các thần dữ phá phách; người ta treo vỏ trứng vào cổ các bà son sẻ để họ có con.
- Người Sécbô ở Vojvodin giữ trứng Phục Sinh bên cạnh các thánh tượng (icons) trong 2-3 năm. Nếu ai bị thương, họ đập trứng và nghiền thành bột nhuyễn, rắc lên vết thương cho vết thương mau lên da non.
 4) Hình thức
- Hình vẽ: vẽ đơn sơ, chẳng hạn: một bông hoa; vẽ phức tạp, chẳng hạn: những bình hoa, cây cối, muông thú, những dấu hiệu tôn giáo, lời cầu chúc, bài thơ, …
- Kỹ thuật trang trí, tùy miền và tùy thời, người ta dùng dầu vẽ pha nhựa cây, màu hóa học, bọc một lớp sáp rồi khắc lên, dán lên vỏ trứng những mẩu gỗ, vải, len, rơm, bột đồng...
 Như thế, quả trứng Phục Sinh có trang trí chính là một phương tiện chuyển thông sứ điệp Phục Sinh (= sự đổi mới và sức sống). Hôm nay, chúng ta có thể dùng cách thức đó để cầu chúc cho nhau được đổi mới và có chan hòa sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh.
Tôi cũng cầu chúc cho em được như vậy.

                     Thân mến, 
 Lm PX Phan Long, ofm
Nguồn: "giaophanthaibinh.org"
Hình ảnh giới trẻ giáo xứ chuẩn bị trứng Phục Sinh trong sáng nay




















Giới trẻ giáo xứ chuẩn bị Trứng Phục Sinh
  • Title : Giới trẻ giáo xứ chuẩn bị Trứng Phục Sinh
  • Posted by :
  • Date : 26 tháng 3
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top