2 Ảnh

20.12.14

Khiêm nhường đón nhận: Chúa Nhật IV Mùa Vọng (B)

Chúa Nhật IV Mùa Vọng (B): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa


Ân huệ Thiên Chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc… Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vận mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.

Chúa Nhật IV Mùa Vọng - Năm B

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: 2 Sm 7,1-5, 8b-12,14a,16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38
-----------
PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.


1. Khiêm nhường đón nhận.


(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: Thằng bé này dạy được đây. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Đọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến Đức Mẹ. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.

Đức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa.

Đức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gabriel, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Elidabet. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Elidabet đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đức Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Đó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Đức Mẹ theo chương trình của Chúa, Đức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Đức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn. Thánh ý Thiên chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi thưa Xin vâng, Đức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt của người Do thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Đức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên chúa mãnh liệt đến thế nào.

Vì đã thưa Xin vâng, nên Đức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh ý Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại sao Đấng Cứu thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn không hiểu, nhưng Đức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Đức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giê su trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân thánh giá.

Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vân mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.

Lạy Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn có nhận thấy sự khiêm nhường của Đức Mẹ không?

2) Từ bỏ ý riêng có dễ không?

3) Có khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn bất lực để phó thác trọn vẹn trong tay Chúa chưa?

4) Khi đã hiểu rõ gương khiêm nhường của Đức Mẹ, bạn có muốn bắt chước Đức Mẹ không?

2. Khiêm nhường


Người đời thường nói: Một người làm quan cả họ được nhờ. Nếu như chúng ta có một người anh, một người chị hay một người chú làm lớn, hẳn các em sẽ lấy làm hãnh diện lắm lắm. Còn nếu như bản thân chúng ta, một mai khôn lớn và bước xuống cuộc đời, chúng ta gặt hái được những thành quả tốt đẹp, thì người vui mừng nhất, theo tôi nghĩ, đó chính là người mẹ của chúng ta. Bởi vì người mẹ đã tốn biết bao nhiêu công sức để nuôi dưỡng và giáo dục chúng ta. Cũng chính người mẹ thường mơ ước cho chúng ta một tương lai huy hoàng nhất.

Trong trường hợp của Mẹ Maria thì khác. Với lời xác quyết của sứ thần Gabriel: Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao trọng và thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ tiên Người. Người sẽ cai trị nhà Giacob đến muôn đời. Hẳn Mẹ cũng đã biết rằng người con mình sinh ra là ai? Là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Mẹ không bao giờ vênh vang tự đắc về tước vị của mình, trái lại Mẹ luôn khiêm tốn nhận ra rằng: Mình chỉ là một dụng cụ trong lòng bàn tay của Thiên Chúa, vì thế Mẹ đã thưa lên cùng sứ thần Gabriel: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần Gabriel truyền.

Chính thái độ khiêm nhường của Mẹ đã làm cho Chúa được hài lòng và Ngài đã cắt đặt Mẹ lên một tước vị cao trọng, tước vị làm Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Ngài hạ bệ những kẻ quyền thế và nâng cao những người phận nhỏ.

Lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều mẫu gương đáng suy nghĩ về vấn đề này. Một Lucifer kiêu ngạo, không muốn phục tùng Thiên Chúa, nên đã bị kết án hoả ngục đời đời. Một Adong Eva cũng chỉ vì kiêu căng, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, nên đã bị kết án đau khổ và chết chóc.

Trong khi đó những người khiêm nhường luôn luôn được Chúa yêu thương và chúc phúc. Chẳng hạn Đavit, một cậu bé chăn chiên, đã được Chúa nâng đỡ phù trì, đánh thắng Goliah. Và khi Đavit khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình, thì đã được Chúa tha thứ, để rồi Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ dòng dõi Đavit. Và Mẹ Maria ngày hôm nay là một mẫu gương đáng cho chúng ta suy nghĩ. Đang khi Mẹ hạ mình xuống làm người tôi tớ, thì Thiên Chúa đã nâng Mẹ lên làm Mẹ của Đấng Cứu Thế như lời Ngài đã phán: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên.

Cũng như Ngài đã truyền dạy chúng ta: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường để nhờ đó chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, một hài nhi nhỏ bé và yết ớt nơi máng cỏ Bêlem.

3. Thiên Chúa viếng thăm dân Người


(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Vào một buổi tối trong một kỳ nghỉ đông lạnh lẽo, một đứa bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài cửa sổ của một cửa hàng. Cậu bé không có giày để mang, quần áo của cậu thì rách rưới.

Một phụ nữ trẻ đi ngang qua, cô nhìn thấy cậu bé và cô đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu bé. Cô nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu vào trong cửa hàng rồi cô mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.

Sau đó cô dắt cậu trở ra và nói với cậu: "Bây giờ cháu có thể trở về nhà và có một kỳ nghỉ đông thật hạnh phúc".

Cậu bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: "Cô có phải là Thượng đế không?".

Người phụ nữ nhìn cậu bé, mỉm cười và trả lời: "Không cháu à, cô chỉ là một trong số đứa con của Thượng đế".

Quả thực, "chúng ta đều là những người con của Thương Đế thôi". Mỗi người chúng ta đều là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Hình ảnh Ngài là tha nhân, là bạn bè, là những người thân quen hay xa lạ mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Hình ảnh Ngài đang hiện diện qua những người yếu đuối, bất hạnh và nghèo khó đang cần chúng ta chăm sóc chở che. Có thể nói: Thiên Chúa cũng đang viếng thăm chúng ta qua những phận người đói rách lầm than, hay những phận đời bơ vơ túng quẫn trăm chiều. Thế nên, là con của Thiên Chúa chúng ta phải sống yêu thương nhau. Tình yêu sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại để có thể làm điều gì đó tốt đẹp nhất cho tha nhân. Tình yêu sẽ giúp chúng ta liên đới với nhau thay vì vô cảm thiếu trách nhiệm với nhau.

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2,000 năm, một thiếu nữ miền Nagiaret được vinh hạnh đón tiếp Thiên Chúa viêng thăm một cách rất âm thầm nhưng đầy thân tình. Người thiếu nữ ấy tên là Maria. Với lòng quảng đại và với lòng tin tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa, cô đã không để đánh mất cô hội ngàn năm có một là cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cô đã nhanh nhẹn đáp lời bằng hai tiếng xin vâng. Có thể nói: lời thưa xin vâng lúc này là lời đẹp nhất trong cuộc đời cô. Lời thưa xin vâng không những đã làm nên trang sử mới trong cuộc đời cô mà còn đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên mới của lịch sử. Triều đại mới đã bắt đầu. Thời đại hồng ân đã khởi sự. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Ngày hôm nay Thiên Chúa vẫn đang viếng thăm dân Người. Ngài đang đến trong thân phận những con người nghèo khổ, bất hạnh đang cần giúp đỡ, cảm thông. Ngài đang đến trong thân phận những hài nhi yếu ớt đang cần sự đón nhận, chở che. Ngài đang đến trong thân phận những người già neo đơn, bệnh tật đang sống lây lất từng ngày. Ngài đang đến giữa chúng ta. Ngài cũng có thể đã từng bị chúng ta khước từ. Ngài đã từng bị chúng ta xua đuổi, chúng ta tẩy chay, chúng ta loại trừ. Ngài vẫn đang âm thầm đến ngỏ lời từng cuộc đời chúng ta. Hãy rộng lòng đón nhận Chúa. Hãy quảng đại để chấp nhận Chúa. Hãy dấn thân và phục vụ Chúa qua những anh em đang cần sự trợ giúp của chúng ta.

Vâng Thiên Chúa đã hạ sinh làm người và ở giữa chúng ta. Ngài không tự nhốt mình trong cung điện nguy nga tráng lệ, nhưng Ngài sinh ra giữa dân nghèo cùng cực. Ngài ở giữa những cảnh đời tha phương cùng cực nhất của nhân loại là "sinh vô gia cư, chết vô địa táng". Ngài ở giữa nhân trần để chia sẻ cảnh đời vốn dĩ vô thường và lắm nổi trôi. Ngài ở giữa chúng ta để trao ban tình yêu cho những người bất hạnh, ốm đau, bệnh tật, bị ngược đãi, bị bỏ rơi. Ngài còn dành một tình yêu đặc biệt cho những người tội lỗi là phường thu thuế và gái điếm.

Hôm nay, Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy để cho Chúa được tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Hãy để cho Chúa làm chủ cuộc sống của mình bằng việc tuân hành thánh ý Chúa. Hãy noi gương Đức Mẹ, chúng ta hãy dọn cho Chúa một cung lòng để Chúa ngự trị. Hãy đón nhận Chúa. Hãy sống cho Chúa. Hãy phục vụ Chúa trong anh em.

Ước gì trong mùa Giáng sinh năm nay, lời cầu chúc Emmanuel không chỉ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mà ở cùng anh chị em chúng ta. Xin Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel luôn hiện diện sống động trong cuộc đời từng người chúng ta, xin Ngài ban tràn đầy niềm vui thánh ân trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh. Amen.

4. Mừng Vui Lên


(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Khi suy niệm mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta thường nghĩ tới biến cố Chúa sinh ra ở Bêlem. Thật ra mầu nhiệm này đã bắt đầu từ sau tiếng Xin Vâng của Đức Maria ở Nagiarét.

Sau tiếng Xin Vâng ấy, Ngôi Lời đã thành một thai nhi, lớn lên trong lòng mẹ như hàng tỉ con người khác, cần chín tháng mới có thể cất tiếng khóc chào đời.

Ngôi Lời không lẫm liệt từ trời bước xuống. Ngài muốn là người trăm phần trăm, nên Ngài cần một người mẹ. Ngài đi ra từ lòng mẹ: mong manh, yếu đuối. Ngôi Lời đã thành một người như chúng ta, chia sẻ trọn vẹn phận người như chúng ta, trừ phạm tội. Ngôi Lời đã là người, và mãi mãi là người. Ngài đã đi hết hành trình cuộc sống với tất cả nỗi buồn vui, âu lo và trăn trở. Chẳng ai hiểu chúng ta bằng Ngài. Ngài chẳng xa lạ với những gánh nặng của cuộc sống. Hôm nay Ngôi Lời vẫn là người, ngự bên Chúa Cha. Có một người được tôn vinh ở giữa lòng Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Nhập Thể đâu phải chỉ ở Bêlem, vì Ngôi Lời mãi mãi là người, người Anh trưởng, dẫn đưa chúng ta vào cung lòng Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu trái đất. Trái đất chỉ là một trong số hàng tỉ tỉ vì sao, nhưng nó vẫn có thế đứng ưu việt vì là nơi Con Thiên Chúa đã đặt chân, đã sống. Bầu trời, rừng xanh, mạch nước, biển khơi... tất cả phải được gìn giữ cho thanh khiết. Trái đất là nhà của con người, nhưng cũng là ngôi nhà của Con Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu cuộc đời, yêu mảnh đời nhỏ bé của mình. Có lắm người dễ dàng tìm đến cái chết vì thấy bế tắc, tuyệt vọng, vì thấy đời vô nghĩa.

Mảnh đời của Đức Giêsu không phải chỉ màu hồng: long đong với phận nghèo, ê chề vì thất bại, bị tước đoạt đến tột cùng trên thập giá. Nhưng Ngài đã sống mảnh đời ấy cho đến cùng, vững tin đến cùng vào tình Cha, ngay giữa vực sâu và tăm tối.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu mọi người. Từ khi Con Thiên Chúa mang khuôn mặt của con người thì mọi người đều mang khuôn mặt của Thiên Chúa. Tất cả nhân loại đều là anh em dù khác nhau về màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm... Xúc phạm con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Noel đem lại cho ta sự bình an sâu thẳm. Bình an cho trái đất đang bị tàn phá. Bình an cho những người đang sống trong ngõ cụt. Bình an cho chúng ta, cho mọi người. Bình an của Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Nhiều bạn trẻ tự phá hủy đời mình bằng ma túy, thuốc lá, rượu bia, đua xe, ăn chơi trụy lạc... Theo ý bạn, đâu là lý do chính dẫn đến thái độ đó?

Ai trong chúng ta cũng có những người bạn đang mất bình an, đang cần được nâng đỡ hay tha thứ. Mùa Noel này, bạn định làm gì cho họ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Chúa đã làm người như chúng con, nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người. Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt, và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu, nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây, xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc. Xin đồng hành với con, để con không cô đơn. Xin cho con yêu đời luôn dù đời chẳng luôn đáng yêu. Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

5. Mẹ Maria, một kiệt tác của Thiên Chúa


(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”.

Thiên Chúa muốn Con của Ngài xuống thế làm người, để cứu độ nhân loại. Ngài đã muốn người Con ấy là con người giữa nhân loại. Thiên Chúa đã chuần bị cho Con của Ngài một người mẹ trần thế. Người mẹ ấy là Đức Maria, người làng Nadarét, vùng Galilê, nước Paléttin.

Cô Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn vàn phụ nữ trên địa cầu. Ngài chọn Cô chẳng phải vì Cô thánh thiện hơn người khác. Ngài chọn Cô từ khi Cô còn trong lòng mẹ. Ngài tuôn đổ trên Cô tràn trề ân sủng: "Hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Cô" (Lc 1,28). Được tràn trề ân sủng là được Thiên Chúa mến thương, được đẹp lòng Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho Cô Maria. Ngài đã tạo dựng Cô như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn Cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Maria là một kiệt tác của Thiên Chúa, dù bề ngoài Cô chỉ là một thôn nữ của một ngôi làng nhỏ bé vô danh.Thiên Chúa không ép buộc Cô Maria làm mẹ của Con Một Ngài, dù Ngài đã chuẩn bị cho Cô một cách đặc biệt để đón nhận trọng trách cao cả đó. Ngài tôn trọng tự do của Cô, tự do mà chính Ngài đã ban cho Cô trong tư cách là người. Ngài không đặt Cô trước một sự đã rồi. Ngài muốn hỏi ý Cô, và chờ Cô ngỏ lời ưng thuận.

Phúc Âm Chúa nhật hôm nay kể câu chuyện Truyền tin.

Truyền tin là một Tin mừng muôn thuở. Tin mừng này đã được thực hiện qua một cuộc hòa đàm chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Cuộc hòa đàm diễn ra giữa hai nhân vật, đại diện Thiên Chúa và loài người. Đại diện Thiên Chúa là Sứ Thần Gabriel, đại diện loài người là trinh nữ Maria.

Khung cảnh cuộc hòa đàm, không phải trong cung điện vua chúa, lầu các sang trọng. Nơi đó, trong căn nhà thanh bạch nghèo nàn thuộc vùng sâu thôn dã vô danh Nadarét. Khung cảnh thật giản dị, quê mùa, thô sơ, nhưng Thiên Chúa đã chọn làm khởi điểm lịch sử cứu độ vĩ đại.

Maria dù là nữ tỳ nhưng Sứ Thần đến mở đầu cuộc hòa đàm, không phải với thái độ ông chủ truyền lệnh. Ở đây, Sứ Thần hết sức khiêm cung, kính cẩn, lễ phép với lời chào: “Kính mừng Đấng đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Khác xa lời cậu thanh niên chào cô thanh nữ. Tử tế lắm, cậu chỉ nói: Chào cô, chào em.

Sứ thần rất trân trọng thôn nữ Maria: vừa chúc tụng kính phục con người thánh thiện khả ái, vừa tôn vinh chức vụ cao sang của Bà được Thiên Chúa ở cùng.

Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì? Quả là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu, thùy mị.

Sứ thần đã nhận ra ý từ đó và giải thích thật rõ ràng cặn kẽ, trong suốt: “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, Bà rất đẹp lòng Thiên Chúa, Thiên Chúa ban cho Bà sinh con, đặt tên là Giêsu, Người là Con Đấng tối cao, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít …”.

Nhưng, đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria đã tận hiến suốt đời đồng trinh cho Thiên Chúa, nên Maria từ tốn đáp lễ: Làm sao có chuyện ấy được, thưa Ngài, vì tôi đã khấn trọn đời đồng trinh.

Sứ thần liền minh giải: “Việc đó rất chí thánh, do Chúa Thánh Thần với quyền phép Đấng tối cao, sẽ soi bóng trên Bà, nên Hài nhi khi Bà sinh ra là Đấng thánh, là Con Thiên Chúa..”

Nhận ra đó là thánh ý Thiên Chúa, Maria đã sấp mình tôn thờ Thiên Chúa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hết lòng vâng theo thánh ý Chúa như lời sứ thần truyền dạy”.

Sứ thần đã thành công trong sứ mạng vô cùng trọng đại. Maria đã hoàn toàn làm đẹp lòng Thiên Chúa, trọn vẹn hiến dâng đồng trinh với chức vụ thiên mẫu lạ lùng.

Đây thật là một cuộc hòa đàm gương mẫu cho muôn đời. Gương mẫu vì cuộc hòa đàm đã diễn ra đúng tinh thần đối thoại và hòa giải.

Đối thoại cần thiết phải có ba tính chất đặc biệt:

- Thứ nhất, hai bên rất khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau.

- Thứ hai, hai bên thưa đáp trình bày ý tứ của mình rất trong sáng, rất đơn sơ và chân thành, mình nghĩ thế nào, lập trường làm sao, cần những điều gì mới đưa đến thành công.

- Thứ ba, hai bên đã nhận ra những ân huệ rất ích chung, rất thánh thiện mà Thiên Chúa muốn thực hiện.

Đây cũng là một cuộc hòa giải hoàn hảo:

- Vì đã giải quyết được những nỗi khó khăn vô cùng phức tạp, loài người không thể gỡ mối tơ vò, chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới giải quyết được vấn đề: vừa đồng trinh, vừa sinh con, con Bà vừa là người, vừa là Thiên Chúa.

- Vì đã giải quyết được chương trình cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã bao lần hòa giải thất bại với bao nhiêu nhân vật từ Ađam Evà cho đến nay. Nay Thiên Chúa mới thực hiện được chương trình thương yêu của Người nơi Đức Trinh nữ Maria.

Thiên Chúa đã giao ước với Ađam Evà, nhưng Nguyễn tổ đã trở mặt theo con rắn satan. Thiên Chúa đã giao ước với Noe, nhưng con cháu đã xây tháp Babel kiêu căng. Thiên Chúa đã giao ước chọn lựa Abraham làm tổ phụ dân Người, nhưng con cái Giacob hằn thù chia rẽ, bán Giuse làm nô lệ cho con buôn Ai cập. Thiên Chúa đã giao ước với Môisen đưa dân về quê cha đất tổ để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng dân Israel đã chiều theo lối sống thờ thần Babylon. Giờ đây, Thiên Chúa chỉ còn cách duy nhất là ký kết với Đức Maria, một đầy tớ trung tín và khôn ngoan, luôn luôn làm theo ý chủ mình là Thiên Chúa, một tôi tớ dâng hiến trọn vẹn toàn diện đời mình từ trong bào thai cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã toàn quyền sử dụng Maria theo thánh ý Người. Và Con Thiên Chúa đã xuống cung lòng Maria để ở cùng loài người cho đến tận thế.

Bài Tin Mừng hôm nay thường gọi dưới tựa đề là " Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ". Nhưng Sứ Thần và Đức Mẹ đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là Đức Giêsu. Trang Tin Mừng này giới thiệu căn tính của Đức Giêsu. Đó là nội dung chính của Truyền Tin. Qua lời của Sứ Thần mà chúng ta biết Giêsu là “Con Đấng Tối Cao", là “Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”.

Đức Maria sẽ nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ sẽ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần "Thánh Thần sẽ ngự trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.". Vì thế Đấng Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Nếu việc thụ thai Gioan Tẩy Giả đòi hỏi một phép lạ, thì việc thụ thai Đức Giêsu đòi hỏi một phép lạ lớn hơn nhiều, đó là Ngài được thụ thai bởi một Trinh Nữ. Đức Giêsu không phải chỉ là Đấng Mêsia mà dân Do thái hằng mong đợi. Ngài còn là Đấng cao cả, thánh thiện hơn nhiều. Ngài là "Con Thiên Chúa" theo nghĩa viên mãn chưa từng có.

Sau tiếng Xin Vâng đầu tiên, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm nhập thể đã bắt đầu ngay từ giây phút này.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ cao cả, thánh thiện, đáng yêu, đáng mến. Mẹ cầu bàu cho chúng ta trước tôn nhan Chúa. Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa.

Xin Chúa cho chúng con được trở nên con ngoan thảo của Mẹ, để Mẹ dễ dàng tỏ cho chúng con thánh ý Chúa và hướng dẫn chúng con biết sống đẹp lòng Chúa hàng ngày. Amen.

Nguồn" Giaophanvinh.net"
Khiêm nhường đón nhận: Chúa Nhật IV Mùa Vọng (B)
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top