2 Ảnh

12.8.14

Tìm hiểu Lược Sử Giáo Hội Đại Hàn nhân dịp Đức Phanxicô sang thăm (2)

IV. Thời khám phá mới

1. Bối cảnh thời gian

Đại Hàn vốn duy trì liên hệ ngoại giao với Trung Hoa và Nhật Bản trước cuối thế kỷ 14 khi triều đại Joseon được thiết lập. Tuy nhiên, các liên hệ ngoại giao vào lúc đó chỉ có tính qui ước và, trong thực hành, rất khác với các qui ước hiện đại.

Năm 1876, Đại Hàn bắt đầu các liên hệ ngoại giao, theo lối hiện đại, với các nước bên ngoài. Hiệp Ước Thương Mại và Hữu Nghị với Nhật Bản đã được ký kết cùng với các Hiệp Ước ký với Hiệp Chúng Quốc, Anh, Đức, Nga và Pháp. Thời kỳ này được gọi là “Thời Chính Sách Mở Cửa” trong khi thời từ 1876 tới lúc triều đại Joseon sụp đổ năm 1910 được gọi là “Thời Chính Sách Mở Cảng” trong lịch sử Đại Hàn.

Đại Hàn đẩy mạnh hơn nữa việc hiện đại hóa của mình trong “thời Chính Sách Mở Cảng”. Trong diễn trình này, một số học giả Khổng Học cổ truyền cực lực chống đối các cải tiến. Tuy nhiên, dòng lịch sử đã xoay chiều, hướng tới một thế giới mới và nhiều nhà trí thức Đại Hàn lấy hệ thống và nền văn minh Tây Phương làm kiểu mẫu cho việc hiện đại hóa đất nước. Từ đó trở đi, thái độ kiêu hãnh qua đó dân Đại Hàn coi nền văn minh Tây Phương là man rợ hoặc chậm tiến đã từ từ thay đổi. Hậu quả là thái độ tiêu cực đối với Đạo Công Giáo, trước đây coi nó như đạo Tây Phương, nay đã thay đổi và các nhà truyền giáo ngoại quốc được chấp nhận. Giáo Hội tại Đại Hàn cố gắng dùng đà này để được tự do tôn giáo.

2. Tự do tôn giáo

Nhiệm vụ khẩn cấp nhất đặt ra cho Giáo Hội Công Giáo thời Chính Sách Mở Cảng là bảo đảm được tự do tôn giáo. Thực ra, kể từ lúc được du nhập vào Đại Hàn năm 1784, quan tâm lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo vẫn là được tự do thờ phượng Thiên Chúa trong bình an. Tuy nhiên, trong hơn một trăm năm, quyền tự do này đã bị từ khước và các tín hữu chịu bách hại nặng nề. Việc tử đạo của các tín hữu là tiếng kêu than nói lên khát vọng được tự do tôn giáo và tự do thờ phượng Thiên Chúa của họ. Cuối cùng, khi tự do tôn giáo được công bố, nó được coi như một chiến thắng của các hy sinh và sự tử đạo của các tín hữu.

Các cố gắng chính thức để có tự do tôn giáo bắt đầu có sau thời Chính Sách Mở Cảng và cuối cùng đã đem lại kết quả. Có thể xét diễn trình này qua hai giai đoạn: Giai đoạn đầu là chính phủ ngấm ngầm bằng lòng cho phép thực hành tôn giáo. Thực vậy, từ năm 1882, tự do tôn giáo hầu như đã được ban cấp dưới lốt khoan dung. Lẽ dĩ nhiên, các luật lệ ngăn cấm đức tin Công Giáo vẫn còn đó và phong trào của các học sĩ Khổng Học chống lại Đạo Công Giáo vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, dù biết có sự hiện hữu của Giáo Hội Công Giáo và hoạt động của các nhà truyền giáo, chính phủ vẫn không bách hại thêm nữa.

Giáo Hội lợi dụng tình thế trên để thiết lập các trường học tại Hán Thành nhằm giáo dục tín hữu và các học sinh khác. Tuy nhiên, hoạt động công khai như thế chỉ có thể có được với sự cho phép của chính phủ. Cho nên, năm 1882 được coi là năm khởi đầu chính sách khoan dung của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo.
Đàng khác, năm 1886, Đại Hàn ký với Pháp một Hiệp Ước Thương Mại và Hữu Nghị. Thành thử, hoạt động của người Pháp tại Đại Hàn được bảo đảm. Nhờ thế, các nhà truyền giáo người Pháp có chiếu khán được tự do đi lại trong xứ dù luật lệ vẫn còn ngăn cấm đức tin Công Giáo. Chính phủ Đại Hàn khoan dung cho các nhà truyền giáo người Pháp hoạt động và để cho các tín hữu Công Giáo được thực hành đức tin.

Sau thời gian khoan dung, hoạt động của Giáo Hội Công Giáo được chính phủ Đại Hàn chính thức cho phép năm 1895. Sau đó không lâu, chính phủ còn ban hành một sắc lệnh ân xá cho một số tín hữu thuộc giai cấp thượng lưu chết vì đạo năm 1866. Hoàng Đế Gojong cho phép Giám Muc Mutel, Đại Diện Tông Tòa tại Đại Hàn, được triều kiến. Dịp này, hoàng đế còn phát biểu ý kiến về tự do tôn giáo và tỏ ý ân hận về việc đã bách hại Giáo Hội Công Giáo. Với nghĩa cử này của Hoàng Đế, chính phủ Đại Hàn chính thức thừa nhận tự do tôn giáo. Năm 1899, Chính Phủ Đại Hàn và Giám Mục Mutel ký Hiệp Ước Tôn Giáo và Nhà Nước. Hiệp ước này sau đó đã được bổ túc bằng Hiệp Ước Truyền Giáo năm 1904.

Chính Sách Mở Cảng, vốn là một đáp ứng hợp thời, đã đóng góp rất nhiều vào việc chính thức cho phép người Công Giáo được hưởng tự do tôn giáo. Tuy nhiên, nó cũng là kết quả của nhiều cố gắng trì chí nơi các tín hữu và các nhà truyền giáo trước thời Chính Sách Mở Cảng. Cùng với việc tuyên bố tự do tôn giáo, các hạn chế đối với việc thực hành Phật Giáo cũng đã được bãi bỏ và Giáo Hội Thệ Phản cũng dấn thân trọn vẹn vào sứ vụ truyền giáo của họ. Xét chung, phong trào đòi tự do tôn giáo do người Công Giáo theo đuổi đã đóng góp rất lớn vào việc cổ vũ dân quyền của nhân dân Đại Hàn.

3. Đời sống tín hữu thời Chính Sách Mở Cảng

Người Công Giáo thời Chính Sách Mở Cảng tập trung các cố gắng của họ vào việc giành tự do tôn giáo trong khi vẫn tiếp tục việc truyền giáo của họ. Nhờ thế, số tín hữu tăng từ 13,625 người năm 1885 lên tới 73,517 người năm 1910, hay 7 phần trăm mỗi năm. Trong hoàn cảnh này, từ năm 1882, Giáo Hội bắt đầu thiết lập các giáo xứ tại Hán Thành và các thành phố lớn và cử các nhà truyền giáo cai quản các giáo xứ này. Từ năm 1885, họ thành lập các chủng viện để huấn luyện các linh mục Đại Hàn và bắt đầu tích cực tìm tòi tư liệu trong đời sống các vị tử đạo Đại Hàn để thiết lập truyền thống tử đạo của Giáo Hội tại Đại Hàn.

Trong số các tân tòng Công Giáo, người ta thấy một số trí thức tuyệt vời thành tâm tìm cách hiện đại hóa Đại Hàn. Tuy nhiên, đa số các tân tòng là nông dân nghèo và một số không ít đến với Giáo Hội với hoài mong thóat được nanh vuốt bóc lột của các viên chức tham nhũng. Một số tín hữu khác từng ẩn trốn thời bách hại nay cố gắng phục hồi địa vị xã hội cũng như sự giầu có họ vốn bị mất thời bách hại. Chính vì thế, tin hữu thời này đôi khi đụng chạm với các viên chức và nhà cầm quyền. Chính phủ gọi diễn trình này là 'gyoan' qua đó, người Công Giáo có thể mở rộng quyền tự do tôn giáo và phát huy địa vị xã hội của họ. Thời 'gyoan', các nhà truyền giáo và các viên chức chính phủ thường hay đối kháng với nhau.

Các nhà truyền giáo Thệ Phản bắt đấu tới Đại Hàn năm 1884. Họ khai triển một việc truyền giáo hết sức năng động ngay từ năm 1895 và con số người theo trong năm 1907 vượt quá số người Công Giáo vốn có hơn một trăm năm lịch sử. Nhờ tham dự vào giáo dục và các dịch vụ y khoa, các Giáo Hội Thệ Phản đã có thể thành công trong một khoảng thời gian ngắn ở Đại Hàn. Giáo Hội Thệ Phản cũng có những nguồn tài nguyên về người và vật chất để truyền giáo hơn các nhà truyền giáo người Pháp ở phía Công Giáo rất nhiều. Người Công Giáo bắt đầu tranh luận với người Thệ Phản về các vấn đề tín lý và các vấn đề liên quan tới kiến trúc thánh đường. Từ lúc đó trở đi, các liên hệ giữa các Giáo Hội Công Giáo và Thệ Phản càng ngày càng tệ đi.

VI. Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn và Phong Trào Quốc Gia

1. Đương đầu với các thay đổi của thời đại

Thời kỳ từ cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, trong lịch sử Đại Hàn, được gọi là thời xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Với Chính Sách Mở Cảng, Đại Hàn buộc phải mở các cảng biển của mình do áp lực của các cường quốc bên ngoài và sự xâm lăng của các lực lương quân sự ngoại quốc, dẫn tới việc Nhật xâm lăng và sát nhập Đại Hàn vào năm 1910.

Dưới sự chiếm đóng của Nhật, nhân dân Đại Hàn chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của mình bằng cách thành lập phong trào chống chủ nghĩa đế quốc bằng cả phương pháp bất bạo động lẫn kháng chiến có vũ trang. Các sử gia Đại Hàn tin rằng các phong trào này bắt nguồn từ chủ nghĩa quốc gia Đại Hàn.

Nhiều nước Tây Phương nhìn chủ nghĩa quốc gia một cách tiêu cực vì mối liên hệ của nó với chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc và các cuộc xâm lược của các lân bang vốn tạo ra các tranh chấp về lãnh thổ. Giáo Hội Công Giáo, vào cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, cũng nhìn chủ nghĩa quốc gia một cách tiêu cực. Nhưng đối với các nước yếu kém, chủ nghĩa quốc gia mang một ý nghĩa khác hẳn. Nó cung cấp cho họ một sức mạnh tinh thần trong cuộc chiến đấu duy trì độc lập hay để giành tự do khỏi các cường quốc Tây Phương và chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ.

2. Các phong trào quốc gia theo viễn ảnh bất bạo động

Từ thời Chính Sách Mở Cảng, phong trào quốc gia đã được báo chí và giáo dục tích cực cổ vũ một cách hòa bình. Trong quá trình này, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết phải nghiên cứu phương cách bảo vệ chủ quyền quốc gia và phải thực hiện các cố gắng cụ thể để thực hiện cho bằng được mục tiêu này. Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn vào thời này chấp nhận các phong trào bất bạo động trên nguyên tắc và hỗ trợ chúng. Nhiều người Công Giáo can dự vào các phong trào công dân đòi độc lập. Thực vậy, Giáo Hội và các cá nhân Công Giáo đã đóng góp đáng kể vào sự tiến triển của chủ nghĩa quốc gia Đại Hàn.

Công cuộc giáo dục là một trong các phong trào quốc gia bất bạo động, trong đó, Giáo Hội Công Giáo đã tham gia một cách tích cực. Hệ thống giáo dục hiện đại lần đầu tiên có hình dạng là ở giai đoạn này. Năm 1882, Giáo Hội Công Giáo mở Trường Inhyeon ở Hán Thành, một việc vốn được coi như bước đầu tiến tới việc khởi diễn hệ thống giáo dục hiện đại tại Đại Hàn. Giáo Hội Công Giáo điều hành tới 124 ngôi trường trên khắp đất nước ngay từ thập niên đầu tiên 1900. Các ngôi trường này dạy các học sinh về giáo huấn Công Giáo và đưa ra các cố gắng nhằm khôi phục chủ quyền của họ. Tuy nhiên, phần đông các trường này đã bị đóng cửa vì chính sách giáo dục áp chế của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản và vì các khó khăn tài chánh.

Một phong trào quốc gia khá mạnh nhằm cứu đất nước cũng đã được báo chí khởi xướng. Để sánh bước với phong trào này, Giáo Hội lập ra một tờ tuần san lấy tên là “Gyeonghyang Sinmun". Đây là tờ tuần san do giáo quyền và một số giáo dân Công Giáo có liên hệ tới các phong trào quốc gia như “Hiệp Hội Độc Lập” điều khiển. Tờ tuần san “Gyeonghyang Sinmun” lúc đó là một trong các tuần san có ảnh hưởng nhất trong xã hội Đại Hàn, nhưng chẳng bao lâu sau, bị đóng cửa vì áp lực của chính phủ thực dân Nhật Bản.

Một phong trào quốc gia bất bạo động khác trong Giáo Hội là các buổi tụ tập cầu nguyện. Năm 1904, giới trẻ Công Giáo tại Hán Thành tổ chức một cuộc tụ tập để cầu nguyện tại Nhà Thờ Chánh Tòa Myeongdong nhằm chống lại mưu toan của chính phủ Nhật muốn cưỡng đoạt đất đai quốc gia. Cầu nguyện để bảo vệ xứ sở của mình vốn là một hành vi tự nhiên đối với người Công Giáo Đại Hàn. Trong khi đó, vào năm 1907, một chiến dịch thanh thỏa nợ nần của quốc gia với Nhật Bản đã được phát động. Mục tiêu của phong trào này là bảo vệ đất nước khỏi chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản bằng cách trả lại các khoản tiền quốc gia đã vay. Nhân dân Đại Hàn vào thời này nghĩ rằng chủ quyền của họ bị lâm nguy vì các khoản nợ Nhật Bản. Những người cổ vũ cho chiến dịch lừng danh này là Seo Sang-don, một người Công Giáo nhiệt thành tại Daegu. Chiến dịch này được thi hành tích cực trong Giáo Hội. Nhưng sụp đổ khi Đại Hàn bị sát nhập vào Nhật năm 1910.

3. Kháng chiến có vũ trang

Từ giai đoạn đầu cuộc chiếm đóng của Nhật, các phong trào kháng chiến có vũ trang đã xuất hiện khắp trong nước. Cuộc chiến đấu quốc gia chống chủ nghĩa thực dân Nhật ác liệt đến độ đã có tới 50,000 người Đại Hàn hy sinh từ tháng Tám năm 1907 tới tháng Chín năm 1909. Bất chấp chủ trương chính thức của Giáo Hội Công Giáo là ủng hộ chế độ thực dân, rất nhiều người Công Giáo Đại Hàn đã tham gia phong trào kháng chiến có vũ trang. Những người Công Giáo này theo tiếng lương tâm của họ để tích cực tham gia các chính nghĩa quốc gia.

Tôma An Jung-geun là một trường hợp điển hình. Dấn thân đầu tiên của anh cho đất nước là trong lãnh vực giáo dục, nhưng sau đó, anh chuyển hướng và tham gia kháng chiến vũ trang giành công lý. Khi An Jung-geun ám sát Ito Hirobumi, viên cai trị Đại Hàn của thực dân Nhật, tại nhà ga xe lửa Harbin ở Trung Hoa ngày 26 tháng Mười năm 1909, anh trở thành biểu tượng của lòng ái quốc anh hùng đối với nhân dân Đại Hàn.

Năm 1910, nhà cầm quyền Nhật khám phá ra một phong trào quốc gia sau khi nhận được tin mật từ một nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo. Năm 1911, một số người Công Giáo Đại Hàn tích cực tham gia phong trào giành độc lập. Điều này được xác nhận bởi chính những người Công Giáo bị bắt thuộc Phong Trào Giành Độc Lập Một Tháng Ba. Một số người Công Giáo tham gia Chính Phủ Lâm Thời Đại Hàn ở Thượng Hải. Ở Chien-tao, Trung Hoa, một nhóm kháng chiến có vũ trang đã được các người Công Giáo thành lập, và cùng với Phong Trào Giành Độc Lập Đại Hàn, họ đã chiến đấu anh dũng chống lại quân đội Nhật. Nhiều người Công Giáo tham gia phong trào kháng chiến trên bình diện cá nhân cho tới tận lúc Đại Hàn được độc lập năm 1945.

Tuy nhiên, giáo quyền minh nhiên chống đối cuộc kháng chiến có vũ trang của người Công Giáo Đại Hàn nhằm chống lại người nhật vì các ngài cho rằng chế độ thực dân và việc xâm lăng của chủ nghĩa đế quốc là điều có thể chấp nhận được. Hàng giáo phẩm Công Giáo nhấn mạnh tới việc phân lập giữa Giáo Hội và nhà nước và nhìn chủ nghĩa quốc gia phần lớn theo viễn tượng chính trị. Bởi thế, giáo quyền từ khước không ban bí tích hòa giải và rước lễ cho An Jung-geun. Các ngài cũng đã tuyệt thông một nhà ái quốc Công Giáo, người từng bị cảnh sát Nhật tra tấn dã man vì “tội” tham gia phong trào quốc gia. Trong các hoàn cảnh khó khăn như thế, các người Công Giáo ái quốc vẫn không ngưng hoạt động, vì cho rằng đức tin vào Thiên Chúa của họ và tình yêu quê hương có thể cùng hiện hữu.

4. Kết luận

Đại Hàn liên tục bị chủ nghĩa đế quốc gây hấn suốt từ năm 1876 tới năm 1945. Trong quá trình này, Giáo Hội cho thấy rõ ý định của mình là ủng hộ chủ nghĩa quốc gia bất bạo động và cổ vũ ý thức quốc gia. Tuy nhiên, Giáo Hội phản đối kháng chiến có vũ trang chống người Nhật, vì thừa nhận chế độ thực dân Nhật tại Đại Hàn là hợp pháp, và không ủng hộ việc tín hữu can dự vào phong trào giành độc lập. Bất chấp chủ trương chính thức này, một số rất đông người Công Giáo Đại Hàn không màng nguy hiểm tới tính mạng đã tham gia các phong trào giành độc lập. Giáo Hội đã thất bại trong việc trở nên một với nhân dân Đại Hàn. Hậu quả của thất bại này sẽ thấy rõ trong việc giảm thiểu đáng kể con số tân tòng và hiện tượng bị các nhà trí thức cũng như xã hội nói chung cô lập. Tác dụng xã hội của chủ trương chính thức thời chế độ thực dân của Giáo Hội đã có những hiệu quả tiêu cực sau ngày độc lập khi Giáo Hội có nhiệm vụ định vị mình trong lòng xã hội Đại Hàn.

VI. Tình huống Giáo Hội Công Giáo thời thực dân

1. Bối cảnh thời gian

Năm 1910, Đại Hàn bị Nhật xâm lăng và trở thành một khu khai khẩn của Nhật. Kể từ lúc đó cho tới lúc giải phóng năm 1945, người Đại Hàn liên tục chiến đấu chống chế độ thực dân của Nhật ngõ hầu bảo vệ chủ quyền của mình. Trong các phong trào giành độc lập hồi đó, quan trọng nhất là Phong Trào Giành Độc Lập Một Tháng Ba xuất hiện năm 1919. Phong trào này thúc đẩy việc thành lập Quân Đội Độc Lập Đại Hàn tại Mãn Châu và Chính Phủ Lâm Thời Đại Hàn tại Thượng Hải là tổ chức đã dẫn tới Phong Trào Giành Độc Lập cho Đại Hàn.

Trong quá trình trên, Nhật càng tăng cường chế độ thực dân của họ tại Đại Hàn. Các nhà cấm quyền Nhật hứa hẹn tự do tôn giáo cho các nhà truyền giáo Tây Phương, nhưng họ thường xuyên vi phạm quyền tự do này bằng cách đàn áp và hạn chế hoạt động truyền giáo của các ngài. Thời kỳ này, Đại Hàn trở thành bàn đạp để Nhật xâm chiếm các nước Á Châu khác. Hậu quả là nhân dân Đại Hàn chịu đủ mọi hình thức bóc lột. Giáo Hội Đại Hàn đã phải thi hành công việc truyền giáo của mình trong những điều kiện khó khăn như thế.

2. Chủ trương của các nhà lãnh đạo Giáo Hội về chế độ thực dân

Khi Đại Hàn bị sát nhập vào Nhật năm 1910, có tất cả 73,517 người Công Giáo, và đa số hàng giáo sĩ đều là các nhà truyền giáo ngoại quốc kể cả vị Đại Diện Tông Tòa tại Đại Hàn. Các nhà truyền giáo này tạo thành giới lãnh đạo Giáo Hội lúc sát nhập vào Nhật. Nấp đàng sau nguyên tắc phân lập Giáo Hội và các nhà cầm quyền thực dân, các ngài cố gắng giập tắt tiếng nói của người Công Giáo Đại Hàn đang chiến đấu cho chủ quyền của họ. Do đó, các nhà truyền giáo, cả Thệ Phản lẫn Công Giáo, đều sẵn sàng chấp nhận bất cứ tình huống chính trị nào miễn là tự do tôn giáo được bảo đảm. Nhà cầm quyền Nhật, bằng mọi phương tiện, cố gắng hòa hoãn với các nhà truyền giáo ngoại quốc tại Đại Hàn ngõ hầu ngăn chặn công luận quốc tế khỏi chống lại việc họ sát nhập Đại Hàn. Thành thử, các nhà truyền giáo ngoại quốc kết cục đã tin tưởng nhà cầm quyền Nhật vì họ hứa hẹn bảo đảm tự do tôn giáo, và chấp nhận chế độ thực dân của Nhật áp đặt lên nhân dân Đại Hàn. Các ngài sợ rằng việc can dự của người Công Giáo Đại Hàn vào các phong trào quốc gia sẽ gây ra một cuộc bách hại đối với Giáo Hội. Tuy nhiên, một số nhà truyền giáo ngoại quốc vẫn phát biểu nhiều tâm tư chống Nhật của mình và cương quyết chống chế độ đàn áp của thực dân. Một số linh mục Đại Hàn đã liên lạc với Chính Phủ Lâm Thời Đại Hàn ở Thượng Hải và hỗ trợ họ một cách gián tiếp. Như đã nhắc trên đây, những người Công Giáo này coi thường việc cấm cản của Giáo Hội và đã tiếp diễn các hoạt động của mình dựa trên quan điểm lương tâm. Tình huống này tiếp diễn tới tận ngày giải phóng Đại Hàn khỏi chế độ thực dân Nhật vào năm 1945.

3. Tình hình truyền giáo của Giáo Hội

Từ ngày sát nhập Đại Hàn vào Nhật năm 1910, chính phủ thực dân đưa ra chính sách hai mặt đối với các sinh hoạt của Giáo Hội: hòa hoãn và đàn áp. Họ kiểm soát Giáo Hội một cách gián tiếp, cho tới năm 1915, qua việc qui định về giáo dục, truyền thông và văn hóa. Họ lập “các qui định về tôn giáo” để kiểm soát các sinh hoạt của giáo xứ một cách hữu hiệu hơn. Theo các qui định này, mọi nhà truyền giáo, giáo sĩ và nữ tu, bao gồm luôn các nhà lãnh đạo các địa điểm truyền giáo, buộc phải có phép của nhà cầm quyền Nhật mới được thi hành công việc truyền giáo. Các ngài không được lập nhà thờ hay các địa điểm truyền giáo mới nếu không có phép của nhà cầm quyền Nhật. Giấy phép chỉ được ban cấp khi nhu cầu cần xây dựng nhà thờ hay địa điểm truyền giáo mới, và chứng cớ có nguồn tài chánh vững chắc, được xác nhận. Quân cảnh Nhật thường xuyên lui tới các nhà thờ để thanh tra việc tuân thủ các qui định về truyền giáo, đồng thời xách nhiễu giáo sĩ và giáo dân.

Các qui định về truyền giáo được thu hồi vào thập niên 1920 nhờ Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba, nhưng các nhà cầm quyền thực dân tiếp tục kiểm soát và can thiệp vào các vấn đề riêng của Giáo Hội mãi tới lúc Đại Hàn được giải phóng năm 1945. Thời Thế Chiến II, chính phủ Nhật tống xuất nhiều nhà truyền giáo ngoại quốc và đàn áp hàng giáo sĩ địa phương và các nhà truyền giáo còn ở lại Đại Hàn. Các vị giám mục Pháp bị buộc phải từ chức, không được làm bản quyền các giáo phận.

Khi chính phủ Nhật chính thức thừa nhận tự do tôn giáo, Giáo Hội cố gắng tổ chức lại giáo phận, hy vọng nó sẽ phát triển. Năm 1911, Tông Toà Đại Diện Taegu được lập thêm và một vị thừa sai người Pháp đã được cử cai quản tòa mới. Tuy nhiên, sau khi chia giáo phận, đà phát triển của Giáo Hội bị chậm lại một cách đáng kể. Mức gia tăng người Công Giáo hàng năm từ năm 1910, năm Đại Hàn bị sát nhập vào Nhật, tới năm 1919, năm Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba diễn ra, chỉ còn là 2.1, chậm so với mức 6.9 gia tăng hàng năm thời Chính Sách Mở Cảng, cuối thế kỷ 19, và gần tương đương với mức tăng dân số vào lúc đó. Ta có thể thấy cỗi nguồn của việc nguội lạnh lòng nhiệt thành tôn giáo này trong việc sát nhập Đại Hàn vào Nhật, trong chính sách đàn áp Giáo Hội Công Giáo của nhà cầm quyền thực dân và trong thái độ thỏa hiệp của Giáo Hội. Từ năm 1919 tới năm 1944, Giáo Hội cho thấy một mức tăng hàng năm khá thấp vào khoảng 3 phần trăm.

Từ ngày có Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba năm 1919 cho tới ngày giải phóng năm 1945, Giáo Hội tiếp tục tiến triển, bất chấp bầu khí đen nghịt, nhờ các nhà truyền giáo ngoại quốc, các dòng tu và các nhà lãnh đạo Công Giáo Đại Hàn. Các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres tới Đại Hàn năm 1888, Dòng Biển Đức Othilien đến Đại Hàn năm 1909. Năm 1920, Dòng Biển Đức Othilien được trao cho việc cai quản tông toà đại diện Wonsan. Tông tòa đại diện Yenki được tách khỏi tông toà đại diện Wonsan năm 1937. Năm 1940, Đan Viện Độc Lập Dokson và Tông Tòa Đại Diện Hamheung ra đời. Một phủ doãn tông tòa Maryknoll được thiết lập năm 1927 và các cha Dòng Columban được trao cho phủ doãn tông tòa Ch’unchon và Kwangju lần lượt trong các năm 1937 và 1939. Trong các thập niên 1920 và 1930, nhiều nhà truyền giáo nói tiếng Anh đã tới Đại Hàn.

Thời này được đánh dấu bằng việc hàng giáo sĩ Đại Hàn đóng góp vào việc phát triển Giáo Hội. Việc huấn luyện trọn vẹn hàng giáo sĩ Đại Hàn bắt đầu ngay từ năm 1895, nhờ vậy, tới năm 1900, Đại Hàn đã có 12 linh mục người bản xứ. Năm 1910, con số này lên tới 15, và tới năm 1944, có tất cả 132 giáo sĩ Đại Hàn toàn tâm toàn lực phục vụ Giáo Hội. Con số này cao hơn con số 102 giáo sĩ ngoại quốc đang phục vụ Giáo Hội Đại Hàn vào lúc đó. Năm 1937, phủ doãn tông toà Chonju ra đời dưới sự cai quản của hàng giáo sĩ Đại Hàn. Phủ doãn này dọn đường cho việc chuyển giao quyền kiểm soát các giáo xứ do các nhà truyền giáo ngoại quốc săn sóc cho hàng giáo sĩ địa phương. Năm 1942, giám mục Đại Hàn đầu tiên được cử làm Giám Quản Tông Tòa Hán Thành.

Cùng với sự gia tăng con số các tông tòa đại diện, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn cũng thực hiện nhiều sinh hoạt sùng kính, văn hóa và xã hội khác nhau, dù với phạm vi hạn chế. Lòng sùng kính Đức Mẹ, Phép Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giêsu mà người Đại Hàn vốn thực hành từ những ngày bị bách hại nay được tăng cường. Với việc phong chân phước cho 79 vị tử đạo Đại Hàn, lòng sùng kính các vị tử đạo cổ truyền lâu đời nay được rực sáng lên. Đồng thời, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn cố gắng gia tăng các công trình phúc âm hóa của mình ngõ hầu lên sinh lực mới cho Giáo Hội. Các cố gắng lớn lao được đưa ra nhằm cổ vũ việc xuất bản các tập san định kỳ và các sách vở có thể đóng góp vào việc phát triển Giáo Hội.

4. Kết luận

Sau cuộc sát nhập Đại Hàn vào Nhật năm 1910, việc phát triển Giáo Hội bị chậm lại hẳn. Các nhà truyền giáo Pháp cảm thấy có cuộc khủng hoảng truyền giáo nên đã cố gắng mời các nhà truyền giáo của các nước khác để phát huy công việc truyền giáo. Thái độ của Giáo Hội tại Đại Hàn đối với chủ nghĩa quốc gia phần nào có trách nhiệm đối với đà phát triển chậm này. Thực vậy, đa số người Công Giáo ở Đại Hàn khát khao được độc lập, nhưng giáo quyền thì lại đứng đàng sau nguyên tắc phân lập Giáo Hội và nhà cầm quyền thực dân, để ra lệnh cho tín hữu phải dửng dưng với các khát vọng quốc gia của nọ. Thành thử, người dân Đại Hàn ít lưu tâm tới các cố gắng truyền giáo của Giáo Hội.

Tuy thế, Giáo Hội vẫn tiếp tục thực hiện nhiều tiến triển nhờ các cố gắng của hàng giáo sĩ Đại Hàn và các nhà truyền giáo ngoại quốc. Ngoài ra, Giáo Hội còn phát huy các việc sùng kính cổ truyền trong đời sống tín hữu. Các việc sùng kính này là động lực duy trì đức tin của họ và giúp họ vượt qua việc đàn áp và can thiệp của các nhà cai trị thực dân.

VII. Giáo Hội Công Giáo và Xã Hội Đại Hàn dưới ách cai trị thực dân (1)

1. Bối cảnh thời gian

Giai đọan giữa năm 1910 và năm 1945 được đánh dấu bằng nhiều thay đổi xã hội tại Đại Hàn vì nay nó đã trở thành một xã hội đa tôn giáo dưới sự cai trị thực dân của Nhật. Chính từ bối cảnh lịch sử này, ta có thể hiểu được lịch sử của Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn và lịch sử của nước này vào lúc đó.

Bề ngoài, các nhà duy đế quốc Nhật thừa nhận tự do tôn giáo và tự do biểu lộ đức tin cho người Đại Hàn. Chính vì lý do này, phần lớn các nhà truyền giáo Kitô giáo đã khoan dung chấp nhận chế độ thực dân Nhật tại Đại Hàn. Tuy thế, các nhà cai trị thực dân đòi một phân lập nghiêm nhặt giữa Giáo Hội và nhà nước nhằm hạn chế phạm vi của tôn giáo vào đời sau mà thôi. Trên thực tế, họ muốn kiểm soát tôn giáo và can thiệp vào mọi vụ việc tôn giáo của người dân Đại Hàn chỉ vì chính sách thực dân của họ. Nhưng họ không thể bách hại tôn giáo một cách bừa bãi vì đã cho phép tự do tôn giáo.

Trong tình huống trên, Khổng Giáo, vốn là tôn giáo hàng đầu của Triều Đại Joseon, đã liên tục thịnh trị. Cả Phật Giáo nữa, tôn giáo này từng bị bách hại thời Joseon, nay bắt đầu được truyền lan trở lại. Dưới ảnh hưởng của Phật Giáo Nhật, một số bộ phận trong Phật Giáo Đại Hàn cũng đã chấp nhận chính sách thân Nhật. Ngoài ra, nhiều tôn giáo bản địa đã nở rộ trở lại, trong đó có Daejong-gyo, thờ Dangun, người, theo dã sử, vốn lập ra Đại Hàn, và Cheondo-gyo (Đạo Trời) được thành lập vào giữa thế kỷ 19. Một số đạo này bị nhà cầm quyền thực dân bách hại vì đã trở thành các lực lượng tranh đấu cho độc lập quốc gia. Trong Giáo Hội Thệ Phản, các giáo phái cực đoan giữ một vai trò tích cực trong hoạt động truyền giáo.

2. Các liên hệ của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo khác

Sau Thời Chính Sách Mở Cảng, là thời bảo đảm tự do tôn giáo, cùng với người Thệ Phản, người Phật Giáo và tín hữu các tôn giáo bản địa khác, người Công Giáo cũng được tự do phát biểu đức tin của mình. Thực thế, nhiều tôn giáo mới bắt nguồn từ xã hội Đại Hàn trong thời này và đem lại nhiều đặc điểm cho một xã hội đa tôn giáo.

Tuy nhiên, trong quá trình này, Giáo Hội Công Giáo, vì xác tín ý niệm "Extra ecclesia, nulla salus" (bên ngoài Giáo Hội, không có cứu rỗi), nên đã sống tách biệt với các tôn giáo khác và bác bỏ việc thông đạt với họ. Giáo Hội coi Phật Giáo như đạo thờ tà thần. Rõ ràng vì cuộc tranh cãi tại Trung Hoa năm 1742 liên quan tới việc tham dự các lễ nghi tôn kính tổ tiên, Tòa Thánh đã ngăn cấm người Công Giáo không được thực hành việc dâng cúng tổ tiên theo nghi lễ, một việc mà người dân Đại Hàn rất trân qúi như một phong tục truyền thống và tin rằng đây là các biểu lộ tự nhiên lòng hiếu kính con thảo đối với các bậc cha ông. Tới tận năm 1939, Giáo Hội vẫn còn coi việc thờ cúng tổ tiên này là mê tín, nhưng sau đó, đã cho phép tín hữu tham dự với một số hạn chế.

Ngăn cấm thờ cúng tổ tiên có nghĩa: người Đại Hàn phải từ bỏ các giá trị và phong tục truyền thống riêng của họ. Các nhà trí thức Đại Hàn truyền thống đương nhiên phản ứng bằng cách quay lưng lại với Đạo Công Giáo và coi Giáo Hội như là đồng lõa với những kẻ xâm lăng ngoại quốc.

Để làm gia trọng tình thế, Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn còn mở rộng cuộc khủng hoảng với các Giáo Hội Thệ Phản nữa. Thệ Phản được du nhập lần đầu vào Đại Hàn khoảng năm 1884, một thế kỷ sau Đạo Công Giáo và người Công Giáo được cảnh giác về các giáo phái này từ năm 1840. Tại một số nơi, người Công Giáo và người Thệ Phản chạm trán nhau vì các vấn đề truyền giáo. Tới năm 1907, số người Thệ Phản vượt hẳn số người Công Giáo dù Giáo Hội Công Giáo du nhập sớm hơn nhiều và đã hiến cho xứ sở nhiều vị tử đạo. Các Giáo Hội Thệ Phản cũng phát triển nhanh hơn Công Giáo thời thực dân và cho tới nay, vẫn vượt con số người Công Giáo.

Có một số lý do tốt đẹp hơn cho sự thành công của người Thệ Phản. Thứ nhất, Giáo Hội Thệ Phản, song song với việc phúc âm hóa trực tiếp, đã đặt nặng các việc truyền giáo gián tiếp như giáo dục và chăm sóc y tế. Những công việc gián tiếp này khiến người ta trở lại đức tin Thệ Phản cách dễ dàng hơn. Đàng khác, Giáo Hội Công Giáo chỉ có thể tiếp xúc với một số người có giới hạn qua việc phúc âm hóa trực tiếp của mình nhờ số ít các linh mục và các nhà truyền giáo Đại Hàn.

Thứ hai, Giáo Hội Thệ Phản thành công trong việc huấn luyện thành phần ưu tú Đại Hàn. Nhờ thế, họ có khả năng đào tạo được một số mục sư Đại Hàn có trình độ cao. Dù họ được lãnh đạo bởi các nhà truyền giáo ngoại quốc, nhưng các mục sư người Đại Hàn này thực hiện được nhiều công trình truyền giáo rất có hiệu năng và đóng góp lớn lao vào sự phát triển của Giáo Hội Thệ Phản.

Thứ ba,các mục sư và tín hữu Thệ Phản thành thực dấn thân vào việc phát triển xã hội và các chính nghĩa quốc gia. Gương sáng của họ có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với quảng đại quần chúng Đại Hàn hơn là các nhà lãnh đạo Công Giáo mà ảnh hưởng chỉ quanh quẩn diễn ra bên trong Giáo Hội.

Thứ tư, người Thệ Phản có nguồn tài nguyên về người và về vật tư để yểm trợ công cuộc truyền giáo của họ hơn Giáo Hội Công Giáo.

Các nhân tố trên gây tác động đáng kể đối với sự gia tăng về thống kê của Giáo Hội Thệ Phản và việc phát triển của nó. Do bầu khí cạnh tranh và sự thất bại của Công Giáo không theo kịp Thệ Phản, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn đã cắt đứt mọi liên hệ với Giáo Hội Thệ Phản và các tôn giáo khác cũng như quyết định đi theo đường riêng của mình, do đó, đã tự cô lập mình.

Cắt đứt đối thoại với các tôn giáo cổ truyền và Giáo Hội Thệ Phản là khía cạnh nổi bật nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn thời thực dân. Lúc đó, chỉ nhờ có tôn giáo, người ta mới tổ chức hay thiết lập được tình liên đới với người khác. Đó là cách thuận tiện nhất để người Đại Hàn đến với nhau vì các viên chức thực dân cấm người Đại Hàn không được thiết lập các hiệp hội dân sự. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhờ lên tiếng trong tình liên đới với người khác, có ảnh hưởng lớn trên công luận.

Giáo Hội Công Giáo, đã tự cô lập với các tôn giáo khác và từ khước bất cứ liên hệ nào với họ, còn hạn chế ảnh hưởng của mình hơn nữa trong xã hội Đại Hàn. Thí dụ, Giáo Hội Công Giáo là tôn giáo lớn duy nhất không có đại diện trong ban lãnh đạo của Phong Trào Độc Lập Một Tháng Ba; phong trào này là phong trào độc lập chống sự cai trị của Nhật quan trọng nhất của Đại Hàn; nó là một phong trào do các nhà lãnh đạo tôn giáo tổ chức và điều hành trước nhất.

Còn tiếp
Tìm hiểu Lược Sử Giáo Hội Đại Hàn nhân dịp Đức Phanxicô sang thăm (2)
  • Title : Tìm hiểu Lược Sử Giáo Hội Đại Hàn nhân dịp Đức Phanxicô sang thăm (2)
  • Posted by :
  • Date : 12 tháng 8
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top