2 Ảnh

30.8.14

“Nếu ai dám mất mạng sống mình ở đời này vì Thầy thì sẽ được nó ở đời sau”



Chúa nhật XXII thường niên, năm A: Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Phúc Âm hôm nay nói tới cái mất và cái được. “Nếu ai dám mất mạng sống mình ở đời này vì Thầy thì sẽ được nó ở đời sau”. Mất mạng sống tức từ bỏ mình vác thập giá theo Chúa; được đời sau tức được nước thiên đàng, được Thiên Chúa, được hạnh phúc muôn đời. Như vậy nếu so sánh chúng ta sẽ thấy mình mất những cái gì tạm thời để được những cái gì vĩnh cửu; mất những thú vui chóng qua để được hạnh phúc trường tồn, mất thân xác mục nát để được linh hồn bất tử, mất tội lỗi và hình phạt để được ân điển và phần thưởng, mất sự cắn rứt lương tâm để được bình an tâm hồn. Cái mất này là “tấm vé” vào Nước Trời. Nước Trời là thực tại không thể mua bằng quyền lực, tiền bạc, sống lâu, danh vọng, tài giỏi… Nước Trời chỉ có thể mua bằng việc dám mất mạng sống, dám từ bỏ mình.

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, NĂM A:
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa 
Lời Chúa: Gr. 20, 7-9; Rm. 12, 1-2; Mt. 16, 21-27
------†------

PHÚC ÂM:   Mt 16, 21-27
"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm".

1. Mất và được

Ông Vincio, người Ý, 58 tuổi, là giáo sư môn toán. Hôm đó ngày 23.12.1993 đang trên đường đi thì chiếc xe hơi của ông bị nổ lốp. Ông xuống xe loay hoay thay bánh “sơ cua”. Đúng lúc đó, có người tới giúp ông một tay. Khi gần ráp xong bánh xe, thì người đàn ông này kiếu từ phải đi. Ráp xong bánh xe, ông Vincio thu lại đồ nghề mới biết hộp đồ nghề của mình bị mất cắp một số đồ mắc tiền do người đàn ông “tốt bụng” kia lấy. Ông buồn thở dài, nhưng ông thấy một vé số rơi xuống đường có lẽ của tên ăn trộm. Ông lượm bỏ vào túi. Dịp xổ số đầu năm 1994, ông mang vé số đó ra dò thì may quá vé số trúng 50 triệu lire tiền Ý tức khoảng 60.000 đôla, ai mà chẳng thích. Nhưng lương tâm ông Vincio áy náy vì vé số này không phải của ông. Lòng ông dường như đeo một tấn đá nặng nề. Ông bỏ tiền đăng quảng cáo để tìm ra chủ nhân của tấm vé số đó. Nhiều người tham tới nhận là của mình. Nhưng chỉ vài câu hỏi, ông biết là kẻ tham lam. Ba tuần sau, tên trộm đồ sửa xe điện thoại tới nhận và tả lại mọi chi tiết. Ông Vincio mang 50 triệu lire tới trả cho chủ nhân. Tên trộm quá cảm động, xin lỗi ông Vincio và nói vì anh ta đang thất nghiệp lại nuôi 2 đứa con thơ nên buộc lòng phải lấy đồ sửa xe bán lấy tiền. Tên trộm hỏi tại sao ông Vincio không giữ lấy 50 triệu lire mà xài vì có ai biết gì đâu. Ông Vincio trả lời, lương tâm ông không cho phép. Ra về, ông Vincio cảm thấy nhẹ nhõm tâm hồn hơn bao giờ hết. Mất đồ sửa xe, nhưng được tiền nhiều, được tiền đó nhưng lại mất bình an tâm hồn. Cái vòng mất - được đó cứ luẩn quẩn xoay tròn. Cuối cùng ông Vincio chấp nhận mất số tiền để được bình an tâm hồn.

Phúc Âm hôm nay cũng nói tới cái Mất và cái Được. “Nếu ai dám mất mạng sống mình ở đời này vì Thầy thì sẽ được nó ở đời sau”. Mất mạng sống tức từ bỏ mình vác thập giá theo Chúa - được đời sau tức được nước thiên đàng, được Thiên Chúa, được hạnh phúc muôn đời. Như vậy nếu so sánh chúng ta sẽ thấy mình mất những cái gì tạm thời để được những cái gì vĩnh cửu - mất những thú vui chóng qua để được hạnh phúc trường tồn, mất thân xác mục nát để được linh hồn bất tử, mất tội lỗi và hình phạt để được ân điển và phần thưởng, mất sự cắn rứt lương tâm để được bình an tâm hồn. Cái mất này so với cái được thì mất quá nhỏ nhoi, còn cái được thì bao la vô tận. Cái mất này là “tấm vé” vào Nước Trời. Nước Trời là thực tại không thể mua bằng quyền lực, tiền bạc, sống lâu, danh vọng, tài giỏi... Nước Trời chỉ có thể mua bằng việc dám mất mạng sống, dám từ bỏ mình.

Từ bỏ mình là khi chúng ta giữ 10 điều răn Chúa, là khi chúng ta yêu thương và tha thứ kẻ thù, là khi chúng ta chấp nhận cái nóng lạnh của thời tiết, là khi chúng ta chấp nhận những bệnh tật Chúa gởi đến, là khi chúng ta chu toàn bổn phận của cha mẹ hay con cái trong nhà, là khi chúng ta phục vụ những công tác của giáo xứ, là khi chúng ta dám bỏ giờ để thăm viếng bệnh nhân... Nói chung là khi chúng ta chấp nhận phải hy sinh hơn, phải vất vả hơn, phải thiệt thòi hơn.

Thiên Chúa không hứa hạnh phúc mau qua, Thiên Chúa không chiều chuộng để chúng ta hư đi. Nhưng Thiên Chúa nói thẳng và nói thật “Ai dám mất mạng sống thì người đó được lại”. Mỗi người chỉ sống một đời, đời đó lại rất cá biệt không ai thay thế được, cho nên chúng ta đừng dại mang đời mình ra chơi trò may rủi. Vì được lời cả thế gian mà sau này mất thiên đàng thì chúng ta còn gì mà chuộc lại. Cái chắc ăn nhất là dám chọn cái “mất” tạm thời để nhận cái “được” thiên thu.

2. Con đường thập giá

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay cho chúng ta tiếp xúc với một khuôn mặt Phêrô, hoàn toàn khác hẳn với khuôn mặt Phêrô trong Chúa nhật tuần trước.

Như chúng ta đã biết: Phêrô vừa được Thiên Chúa mạc khải để ông nhận biết Đức Kitô là vị cứu tinh. Ông vừa được Chúa Giêsu ca ngợi, đặt làm nền tảng của Giáo Hội. Thế nhưng chỉ sau đó ít phút, Phêrô lại là người đầu tiên vấp ngã khi Chúa Giêsu loan báo cách thức Hoặc hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó.

Đây là lần đầu tiên Ngài nói với các môn đệ về cuộc hành trình đi lên Giêrusalem của Ngài. Tại đây, Ngài sẽ phải đau khổ, bị giết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Một viễn tượng không có gì sáng sủa. Thấy vậy, Phêrô bèn lên tiếng can ngăn. Lời can ngăn ấy có thể đã xuất phát từ niềm tin của ông vào tình thương của Thiên Chúa Cha. Bởi vì ông đã từng được nghe Chúa Giêsu giảng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha đối với từng cánh chim, từng bông hoa. Thiên Chúa là một người cha chỉ muốn những điều tốt cho con cái. Một người cha thế gian còn không nỡ cho con mình cục đá, khi nó xin cái bánh, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho người con yêu dấu của Ngài gặp phải sự khốn khó. Và như thế, điều Chúa Giêsu vừa mới loan báo, làm sao có thể xảy ra được.

Mặt khác, Phêrô cũng đã từng được chứng kiến quyền năng của Thầy mình. Chúa Giêsu đã nhiều lần làm phép lạ cho kẻ đau yếu được khỏi bệnh, cho kẻ chết được sống lại, dẹp yên được cả phong ba bão táp, thì làm sao Ngài lại để cho mình gặp phải sự khốn khó?

Phêrô đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời, vì ông đã đơn giản hoá vấn đề, và do đó đã vô tình làm công việc của Satan. Thực vậy, khi Satan đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ, nó đã rỉ tai: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống vì các thiên thần Chúa sẽ nâng đỡ để chân Người khỏi vấp phải đá. Thiên Chúa và quyền năng của Đức Kitô ở đây bỗng trở nên một thứ phương tiện cho người ta sử dụng để thực hiện những ý đồ phù phiến của mình.

Sự thực thì đây không phải là một cơn cám dỗ đặt ra cho một mình Chúa Giêsu mà hơn thế nữa, rất nhiều lần bản thân chúng ta cũng đã gặp phải. Rất nhiều lần chúng ta đã nêu lên câu hỏi: Tại sao Chúa không cho tôi trúng số để tôi thoát khỏi cảnh nghèo nàn, để tôi có thời giờ làm những công việc đạo đức, hay để tôi có tiền dâng cúng, làm phúc bố thí. Tại sao Chúa không cho Giáo Hội gặp được những điều kiện thuận lợi, để làm cho Nước Chúa được mở rộng và danh Chúa được cả sáng.

Thế nhưng, chúng ta quên rằng sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng của người tôi tớ đau khổ. Con đường Ngài đã chọn để cứu độ trần gian là con đường thập giá. Lẩn tránh những xác tín này là phản bội lại sứ mệnh của mình, và đó chính là cơn cám dỗ lớn nhất đối với Giáo Hội và đối với bản thân chúng ta. Bởi vì, thay vì thực thi thánh ý Chúa trong việc phục vụ người khác, thì chúng ta lại muốn xin Chúa phục vụ cho những quyền lợi riêng tư của chúng ta.

3. Đầu tư cho cuộc sống mai sau – Lm Ignatiô Trần Ngà

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Hầu như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều quy về việc củng cố, đầu tư cho thân xác, cho cuộc đời tạm thời vắn vỏi nầy.

-         Cái tôi như một quả bong bóng mà cá nhân mỗi người cố thổi cho phồng lên tối đa.

-         Cái tôi như một trung tâm điểm mà tất cả mọi năng lực của bản thân đều quy về đó.

24 giờ mỗi ngày đều được người ta dành trọn vẹn cho thân xác: giờ để ăn, giờ để ngủ, giờ để giải trí vui chơi, giờ để làm việc nuôi thân xác...

168 giờ mỗi tuần, 720 giờ của mỗi tháng cũng được dành trọn cho thân xác.

8,766 giờ của mỗi năm cũng chỉ được dành trọn để thổi phồng thân xác dòn mỏng nầy cho đến lúc nó nổ tung ra như quả bong bóng đầy hơi.

Châm ngôn của người ta là: Tất cả cho thân xác. Tất cả cho cuộc sống đời nầy.

Người ta cố đầu tư xây dựng cho cuộc sống đời nầy như những con dã tràng đua nhau xe cát, tạo nên những đụn cát nhỏ bé trên bãi biển bao la để rồi một lát sau sóng biển sẽ xoá đi chẳng để lại vết tích gì. Người ta chăm lo vun quén cho thân xác thật sung mãn như những đứa bé thi nhau thổi ra những chiếc bong bóng xà phòng trông thật long lanh và hấp dẫn... nhưng rồi... bụp, bụp, bụp..., bong bóng nầy nối tiếp bong bóng kia, đua nhau nổ tan tành chẳng còn chi.

Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực... đều được dốc ra để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời nầy, để rồi kết cuộc đời người, theo như thi hào Nguyễn Du, chỉ còn là một nấm đất:

"Trăm năm còn có gì đâu?

"Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!"

Tiếc thay, ngay nay đất đai khan hiếm, kết cục đời người không còn được một nấm cỏ khâu như xưa, nhưng chỉ là một lọ nhỏ chứa nắm tro tàn sau khi thiêu xác!

Thế là đúng như lời Chúa Giêsu dạy: "quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất"; và cho dù người ta có thu tóm "được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?"

Đầu tư hết vốn liếng và khả năng để bồi đắp thân xác và xây dựng cuộc sống đời nầy để rồi rốt cục chỉ còn là "một nấm cỏ khâu" hay đơn giản hơn, là "một lọ tro tàn" thì kiếp người đúng là một thảm kịch bi đát nhất. Trong lĩnh vực kinh tế, có ai dại dột đến nỗi đầu tư kiểu đó không?

Nhưng làm sao để tránh khỏi thảm kịch bi đát nầy? Có giải pháp nào làm cho đời sống triển nở tốt đẹp hơn không?

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp tốt. Người dạy chúng ta đầu tư đúng hướng để được hưởng lợi nhuận vững bền. Đó là đầu tư theo hướng tâm linh, mà điều kiện tiên quyết là hãy từ bỏ mình và vác thập giá.

"Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?"

Phanxicô Xavie lúc còn thanh xuân quyết dồn mọi nỗ lực để phụng sự thân xác, muốn đầu tư hết tài trí, sức lực để chiếm hữu địa vị xã hội và vinh hoa thế gian. May thay, Thiên Chúa đã gửi đến cho anh người bạn tốt, đó là thánh Inhaxiô, một người bạn lớn tuổi học cùng trường. Inhaxiô thường dùng câu lời Chúa chúng ta nghe hôm nay để nhắc bảo Phanxicô Xavie: "Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?"

Anh sáng của Lời Chúa đã loé lên trong tâm hồn chàng trai đầy tham vọng trần thế và đã làm xoay chuyển cuộc đời anh. Phanxicô giã từ việc theo đuổi phù du ảo ảnh đời nầy (đó là từ bỏ mình) để dấn thân không mệt mỏi vào những vùng đất xa xôi (đó là chấp nhận vác thập giá) để chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa nên đã được hạnh phúc vinh hiển muôn đời.

"Từ bỏ chính mình" tức là đừng lấy thân xác làm mục tiêu cho mọi phấn đấu, mọi nỗ lực của ta; cụ thể là không dành toàn bộ công sức, thời gian, tài năng, trí tuệ để phụng sự thân xác.

"Vác thập giá mình" là chấp nhận khổ chế, cụ thể là khước từ những đòi hỏi vô độ của thân xác- sự khước từ nào cũng là một thập giá, đều để lại đau thương - để dành thời giờ và nghị lực cho sự phát triển tâm linh. Chúa Giêsu đã đầu tư đời Người theo hướng đó và Người đã đạt tới vinh hiển khải hoàn. Hôm nay, Người muốn chúng ta đầu tư theo hướng Người đã đầu tư, bước đi theo con đường Người đã bước, để chúng ta được chung hưởng vinh hiển như Người.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho Lửa Thánh Linh soi chiếu tâm hồn để chúng con nhận ra rằng con người gồm cả hồn lẫn xác. Thân xác nầy nay còn mai mất và rốt cục chỉ còn là tro bụi thì chỉ cần đầu tư vừa phải. Còn linh hồn trường tồn bất diệt thì phải đầu tư cho hồn nhiều lần hơn để mai sau được hưởng vinh phúc muôn đời với Chúa. Amen.

4. Đau khổ và hạnh phúc – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Cuộc đời luôn có đau khổ và hạnh phúc. Hai trạng thái này luôn đan quyện vào một đời người. Con người vốn dĩ sợ đau khổ và mong tìm hạnh phúc. Thế nhưng đau khổ lại cứ bám riết lấy đời người, còn hạnh phúc lại thật mong manh.

Phật Thích Ca khi nhìn vào cuộc đời chỉ thấy toàn là bể khổ. Sinh - bệnh - lão - tử dường như là định mệnh bể khổ dành cho con người. Phật Thích Ca đã đưa ra một con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ. Đó là con đường diệt dục. Diệt mọi lòng ham muốn mới mong tìm được hạnh phúc.

Biết bao nhà lãnh tụ các quốc gia luôn nỗ lực hạn chế nỗi khổ và gia tăng niềm vui hạnh phúc cho người dân. Phải chăng là một nghịch lý khi Đức Giêsu đề nghị ta hãy đi vào đau khổ? Phải chăng Ngài chỉ muốn các tín đồ của Ngài sống trong đau khổ?

Nhìn vào cuộc đời của Chúa, đó là một cuộc đời đi vào đau khổ. Từ trời cao Ngài đã đi vào dòng đời trong thân phận con người. Sinh ra trong thân phận thấp hèn, nghèo khó, thuộc giai cấp cùng đinh và hòa lẫn trong giới lao động cùng khổ. Ngài đến trần gian không nhằm mục đích xóa bỏ đau khổ mà là hiện diện cùng với những con người đau khổ. Suốt 30 năm sống đời ẩn dật trong một xóm nghèo lao động. Phải chăng Ngài đã phí thời gian khi ở với gia đình, khi cùng với cha mẹ lao động để kiếm sống như bao con người khác? Tại sao Ngài đã làm phép lạ hóa bánh nuôi trên năm ngàn người ăn mà lại phải chắt chiu từng hạt cơm, chén mắm từ công thợ khi có khi không?

Bài Phúc âm hôm nay còn cho thấy, khi danh tiếng Ngài đã vang dội khắp nơi. Uy tín Ngài đã bao trùm mọi nơi. Khi mọi người chỉ còn chờ Ngài đi vào thành Giêrusalem là họ sẽ tung hô Ngài làm vua để giải thoát dân khỏi cảnh đói khổ lầm than. Thế mà Ngài lại nói đến đau khổ và sự chết. Ngài còn đòi hỏi các môn sinh của mình phải từ bỏ danh lợi thú để đi vào con đường thập giá, con đường mà nhiều người đang muốn vượt ra, nay Ngài lại mời gọi đi vào.

Tuy nhiên, con đường Chúa Giêsu đi không dừng lại ở đau khổ và sự chết. Nếu kết thúc cuộc đời của Ngài chỉ dừng lại ở bi kịch thập giá thì cửa mồ của sự chết sẽ khép lại toàn bộ sự nghiệp của Ngài đã vun trồng. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã đi qua sự chết để mở ra cánh cửa phục sinh vinh hiển. Giá trị đau khổ Ngài chịu đã đem lại niềm vui cứu độ cho toàn thể nhận loại. Sự chết của Ngài đã khai mở cánh cửa thiên đàng cho tất cả những ai tín trung theo Ngài.

Con đường Chúa Giêsu đã đi không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang. Đó là con đường hẹp và đầy chông gai. Con đường từ bỏ hằng ngày. Từ bỏ thiên tính của mình để hòa nhập với khối đông của nhân loại. Từ bỏ quyền lợi của mình để phục vụ lợi ích nhân loại. Từ bỏ những tiện nghi vật chất để sống rầy đây mai đó, để thi ân giáng phúc cho tha nhân. Đó là con đường Ngài mời gọi chúng ta. Hãy từ bỏ lòng tự cao tự đại để sống hòa đồng với anh em. Hãy từ bỏ lòng tham của danh lợi thú để sống thanh khiết và công bình bác ái với tha nhân. Từ bỏ đòi hỏi hy sinh. Hy sinh bản thân để đem lại niềm vui cho tha nhân. Hy sinh thời giờ để phục vụ anh chị em chung quanh. Từ bỏ và hy sinh không làm cho ta bé nhỏ đi nhưng được lớn lên và trưởng thành hơn. Một người trưởng thành là một người biết hy sinh và nhường nhịn cho người nhỏ hơn. Một người được gọi là trưởng thành là người dám lãnh lấy trách nhiệm với gia đình và với xã hội.

Thế nên, sợ hãi đau khổ là sợ hãi trách nhiệm. Trốn chạy đau khổ là trốn tránh trách nhiệm. Kẻ sợ hãi trách nhiệm đó là người vô dụng, và người trốn tránh trách nhiệm chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Là người kytô hữu, Chúa mời gọi chúng ta vác lấy thập giá hằng ngày của mình mà theo Chúa. Thập giá ở đây là chính bổn phận và trách nhiệm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Người chồng và người vợ phải có bổn phận và trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc cho nhau. Người cha và người mẹ phải có bổn phận và trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người. Con cái phải có bổn phận thảo hiếu, kính yêu và vâng lời cha mẹ, đồng thời cũng biết chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong khả năng và sức lực của mình.

Nếu mỗi người đều biết chu toàn bổn phận của mình một cách ý thức và trách nhiệm là chúng ta đang trồng cây hạnh phúc ở giữa gia đình và xã hội mà chúng ta đang sống. Thập giá của bổn phận sẽ không còn là nỗi khổ mà là niềm vui, vì chúng ta đang cống hiến tài sức và trí tuệ của mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu chúng ta bỏ bê và thiếu trách nhiệm trong bổn phận là chúng ta đang hủy diệt cây hạnh phúc và trồng cây Thập giá đau khổ cho gia đình cũng như xã hội.

Xin Chúa giúp chúng con biết noi gương bắt chước Chúa luôn can đảm đón nhận thập giá của bổn phận hằng ngày đối với Chúa và tha nhân. Cho dẫu có chịu nhiều thiệt thòi mất mát khi phải chu toàn bổn phận với Chúa và tha nhân, vì "được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì? Amen.

5. Sống mầu nhiệm Thập Giá – Cố Lm. Hồng Phúc

Phúc Âm Thánh Matthêô mô tả diễn tiến cuộc đời của Chúa và đoạn đường ở Cêsarê Philipphê là một khúc quanh lịch sử. Chúa đi về phía cực bắc xa thành Giêrusalem “hay giết các tiên tri”. Bỗng nhưng Ngài quyết định quay trở lại. Ngài tỏ cho các môn đệ biết rằng “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ hào, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thỉ sống lại”. Mấy lúc gần đây, lời tiên tri về “người tôi tớ đau khổ” hay phảng phất trong trí khôn Ngài, trong khi các môn đệ không hay biết gì cả. Ngài quyết định bầy tỏ rõ ràng những gì sắp xẩy ra. Đối với Ngài, việc phải đến sẽ đến, vì đó là Thiên Ý Chúa Cha và Ngài là “tôi tớ”, là Con sẽ thực hiện tất cả.

Nhưng khi Ngài vừa tiết lộ tất cả sự thật thì Phêrô, con người vừa được đặt làm nền tảng Giáo hội và được trao cho chìa khóa Nước Trời đã đứng lên phản đối. Ông kéo Thầy ra một nơi để can gián: “Lạy Thầy, không thể thế được”. Chúa Giêsu phản ứng lại mạnh mẽ: “Hỡi Satan, hãy lùi ra đàng sau, con làm cớ cho Thầy vấp phạm”. Lần này, chính “xác thịt và máu huyết” đã soi sáng cho Phêrô. Phêrô không hiểu nổi mối tương quan mật thiết giữa Cha và Con, giữa ý muốn của Cha và Con. Ngày xưa, nguyên tổ nhân loại đã nói lên hai chữ “bất tuân”, ngày nay Con Thiên Chúa đáp lại bằng hai chữ “xin vâng”, cho dầu phải đau khổ tột độ, cho dầu phải để cứu vãn nhân loại. Đây là lần đầu tiên Chúa loan báo cuộc Tử nạn của Ngài.

Cũng trong giòng tư tưởng đó, Chúa Giêsu, theo Matthêô đã nói lên luật hy sinh cho những ai muốn làm môn đệ, gồm 3 điểm: từ bỏ mình, vác thập giá, và theo Chúa. Ba điểm đó, tuy là ba nhưng cũng chỉ là một: theo Chúa trên con đường khổ giá. Chúa lấy sự nhẫn nại đau khổ như một điều kiện để theo Ngài, làm đồ đệ Ngài. Ngài long trọng tuyên bố: “Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác Thập giá và theo Ta” (Mt 16, 24).

Chúa phán cùng các Tông đồ: “Này, chúng ta lên Giêrusalem”. Chúa không nói: Thầy lên Giêrusalem, mà chúng ta cùng lên, nghĩa là cả Thầy, cả môn đệ, Chúa và chúng ta. Vì thế mà Thánh Phaolô cũng nói: “Tôi phải hoàn tất trong thân xác tôi những gì thiếu sót trong cuộc thương khó của Chúa Kitô” (Col 1, 24).

Tại Lộ Đức, hàng năm có cuộc hành hương của nhóm “Tự nguyện chịu đau khổ” do Đức Cha Novarese sáng lập. Họ đặt dưới chân Đức Mẹ những bó hoa đỏ để nói lên ý chí muốn thông phần vào cuộc tử nạn của Chúa. Và phép lạ lớn lao hơn cả mà Đức Mẹ đã làm cho bệnh nhân, không phải là 64 phép lạ được công nhận trong số 6000 được ghi nhận, mà là việc Đức Mẹ ban cho họ biết vui lòng lãnh nhận thánh giá.

Văn hào Mauriac nói: “Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng Ngài đã đến để cùng hiện diện với người đau khổ”.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống mầu nhiệm Thánh giá.

Nguồn"Giaophanvinh.net"
no image
  • Title : “Nếu ai dám mất mạng sống mình ở đời này vì Thầy thì sẽ được nó ở đời sau”
  • Posted by :
  • Date : 30 tháng 8
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top