2 Ảnh

25.5.14

"Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi"

Chúa nhật VI Phục Sinh (A): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loài cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa… Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.


Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm A

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Cv. 8, 5-8. 14-17; 1Pr. 3, 15-18; Ga. 14, 15-21
------------

PHÚC ÂM:  Ga 14, 15-21
"Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác".
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".


1. Thiên Chúa Ở Cùng

Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi. Qua giòng thời gian, chúng ta thấy Thiên Chúa đã thực hiện điều Ngài đã phán hứa là ở cùng nhân loại chúng ta.

Thực vậy, với ông Giôsuê, Ngài phán: Đừng sợ, vì Thiên Chúa ở cùng ngươi. Với Ghiđêon, Ngài bảo: Hỡi người dững cảm, Thiên Chúa ở cùng ngươi. Với Maisen, Ngài nói: Ta luôn ở với ngươi. Với Mẹ Maria, thiên thần loan báo: Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi phụ nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Và ngày hôm nay, với các môn đệ, Ngài đã hứa: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Còn chúng ta thì sao? Có lẽ nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã than phiền: Nếu Thiên Chúa thực sự hiện diện, thì Ngài ở đâu bây giờ? Tại sao Ngài lại xa cách và dường như lại còn đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước những nhu cầu cần thiết của chúng ta?

Cũng như hai môn đệ trên đường đi Emmaus, Chúa ở bên cạnh chúng ta, nhưng chúng ta lại chẳng nhận ra Ngài. Nhất là trong những giây phút buồn sầu và thất vọng, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa dường như vắng bóng và chẳng đoái hoài đến những lời chúng ta kêu xin. Nhưng thật ra, đó lại là những giây phút Ngài ở gần chúng ta hơn bao giờ hết.

Sau khi đã thoát khỏi một cơn cám dỗ nặng nề, và được Chúa hiện ra, thánh nữ Catarina đã thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, giữa lúc con đang phải chiến đấu, thì Chúa ở đâu? Và Chúa đã trả lời: Cha ở trong trái tim con, vì nếu cha không ở bên con để giúp đỡ, thì con đã sa ngã, đã vấp phạm từ lâu.

Sở dĩ chúng ta không nhận ra Ngài là vì chúng ta đã không nhớ đến Ngài. Ngài đứng đó, giơ bàn tay nâng đỡ, mà chúng ta lại cho rằng không và chẳng chạy đến xin Ngài phú trợ. Chúng ta nên nhớ rằng: Ngài đã trao ban cho chúng ta sự tự do, nên Ngài sẽ không bao giờ bắt ép chúng ta, ngay cả với ơn cứu độ, nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn. Có lẽ con mắt đức tin của chúng ta đã khép lại, đề rồi chúng ta không còn nhận ra Ngài.

Nhiều lúc chúng ta quá chú trọng đến bản thân và những nhu cầu của mình, nên khi gặp phải khổ đau và thử thách, chúng ta thường than thân trách phận.

Chúng ta hãy nhớ lại những hậu quả kỳ diệu của ơn Chúa trợ giúp. Các tông đồ đánh cá ở biển hồ Tibêriade, suốt đêm vất vả mà chẳng bắt được một con cá nào, nhưng vâng lời Chúa, các ông đã thả lưới và lập tức các ông có được một mẻ cá ngoài sự mong muốn của mình. Khi gặp phải sóng gió, nhưng với uy quyền của Chúa, thì lập tức sóng liền yên và biển liền lặng. Giữa tiệc cưới tại Cana, mọi người đang lúng túng vì thiếu rượu, Chúa Giêsu đã làm phép lại cho nước lã biến thành rượu ngon. Giữa hoang địa cằn cỗi, Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều, để nuôi sống đám đông dân chúng đang đói mệt. Bà góa thành Naim, cũng như hai chị em Martha và Maria, đang than khóc tuyệt vọng vì người thân yêu của mình không còn nữa, nhưng Chúa đã làm phép lạ cho người đã chết được sống lại, hầu xoa dịu nỗi đớn đau tang tóc.

Chúng ta hôm nay là những người đã bước theo Chúa trên một chặng đường đời, nhưng con đường sắp tới chắc chắn sẽ có những chông gai, những khúc quanh, những triền dốc, chúng ta nên nhớ rằng: Điều đó không quan trọng cho bằng việc ý thức Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta. Và một khi đã có Chúa cùng đi, chắc chắn thuyền đời chúng ta sẽ cặp bến hạnh phúc. Có Chúa cùng đi, chúng ta sẽ tìm ra được sức mạnh và ánh sáng, để vượt thắng mọi trở ngại, bởi vì như lời Ngài đã phán: Không có Thầy, các con chẳng làm được gì. Hay như lời Thánh Vịnh: Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cùng là uổng công.


2. Điều răn Chúa dạy

Ai yêu mến Thầy, thì tuân giữ những điều răn của Thầy. Bên cạnh trung tâm huấn luyện của quân đội, có một người giáo dân rất hăng say với việc tông đồ. Anh muốn giới thiệu Tin Mừng Đức Kitô cho hàng ngàn tân binh quân dịch. Thế nhưng các vị chỉ huy lại không cho phép anh được ra vào trung tâm. Bởi đó, anh đã nghĩ ra một sáng kiến truyền giáo thật hay. Anh đặt làm hàng ngàn chiếc gương nhỏ với một giá rẻ. Mặt sau chiếc gương, thay vì hình một cô gái hay một bông hoa, anh cho in những lời Chúa phán trong Phúc Âm. Chẳng hạn: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì sẽ không phải chết”. Bên dưới lời Chúa là hàng chữ chỉ dẫn như sau: “Nếu bạn muốn biết người được Chúa yêu, thì hãy nhìn ở mặt kia”. Thật là tuyệt vời, mỗi quân nhân khi nhìn ngắm mình trong gương, họ sẽ thấy chính bản thân họ là người được Chúa yêu thương.

Mặt sau chiếc gương khác, có in lời Chúa phán quan đoạn Tin Mừng chiều hôm nay: “Ai yêu mến thầy, thì tuân giữ những điều răn của Thầy”. Và khi soi gương, những quân nhân sẽ tự hỏi: “Mình đã tuân giữ những giới răn của Chúa để được Chúa yêu thương hay chưa?”

Thực vậy, chúng ta chứng minh tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng sự tuân giữ những điều răn của Ngài bởi vì lề luật của Ngài là những chỉ dẫn yêu thương tuyệt hảo nhất. Chúng nói cho chúng ta biết những gì Thiên Chúa muốn và không muốn. Nhưng đồng thời cũng chỉ cho chúng ta hay đâu là điều tốt lành nhất cho bản thân, gia đình và xã hội.

Chẳng hạn điều răn thứ I: “Thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự”, sẽ giúp chúng ta chu toàn những bổn phận đối với Đấng Tối Cao đã đành, mà còn giúp chúng ta tránh đi được những mê tín dị đoan và những sự thờ phượng nhảm nhí làm giảm giá trị con người, như thờ con bò, con rắn, thờ tiền tài, danh vọng, lạc thú.

Chẳng hạn điều răn thứ IV: “Hãy hảo kính cha mẹ”, sẽ giúp chúng ta chu toàn những bổn phận đối với cha mẹ, là những người đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta đã đành, mà còn nhờ đó đem lại cho gia đình chúng ta một bầu khí hoà thuận, cảm thông và hạnh phúc.

Chẳng hạn điều răn thứ V: “Tôn trọng thân xác và mạng sống của mình cũng như của người khác”. Rồi điều răn thứ VII và thứ X: “Tôn trọng đức công bằng, không được lấy hay giữ của người ta một cách trái phép”. Tất cả những điều răn này không phải chỉ đem lại cho cá nhân một sự bảo đảm an toàn, mà hơn thế nữa còn đem lại cho xã hội một sự ổn định và trật tự.

Và như chúng ta đã nói, bên trên những lợi ích cá nhân, gia đình và xã hội, việc tuân giữ những điều răn của Chúa sẽ là một phương thế giúp chúng ta biểu lộ tình yêu mến và gắn bó của chúng ta đối với Chúa, vì tình yêu mà không có việc làm thì chỉ là một tình yêu chết mà thôi. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu đã phán dạy chúng ta: Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ những điều răn của Thầy.

3. Sự sống mới – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.

Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc củanhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.

Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ta đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí?

2- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?

3- Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?

4. Anh em cũng sẽ sống

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Marina Picasso là cháu của họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso. Từ năm 73-75, bà phải chịu nhiều cái tang lớn: ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời. Đây thật là những mất mát không sao bù đắp, dù bà năm trong tay một gia sản khổng lồ.

Năm 1990, bà nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi, và giúp cho các trẻ mồ côi được có nơi ăn học. Từ lúc ấy, bà thấy một sự thay đổi nơi nội tâm: “Nhờ giúp đỡ con em của nước này mà tôi đã tìm lại được chính mình. Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em.”

Hẳn có những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina, kinh nghiệm thấy mình được sống lại nhờ biết ra khỏi nỗi đau của mình để cúi xuống trên nỗi đau của người khác. Kinh nghiệm tìm lại được chính mình trong bình an, khi không còn bận tâm lo cho mình nữa, kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội khi được đem chia sẻ tận tình.

Kitô giáo là tôn giáo của Đấng đã sống lại, Đấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa.

Đức Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra một đôi lần, Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế. Một sự hiện diện hai chiều, thâm sâu và mới mẻ: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (c.20) Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào: “Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (c.19).

Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh, nhờ thông hiệp với Đấng đang sống là Đức Kitô. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Mùa Phục sinh nhắc ta nhìn lại sự sống nơi mình.

Lắm khi tôi sống èo uột, chỉ vì không dám yêu thương. Bắt đầu yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình, thấy sự sống Chúa bùng lên mạnh mẽ.

Thế giới hôm nay cố làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn, tiện nghi hơn và kéo dài hơn. Nhưng thế giới hôm nay vẫn đầy nguy hiểm. Mạng sống bi đe dọa bởi chiến tranh, tội ác, đói nghèo... Cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa. Thế giới đói khát sự sống đích thực.

Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Đức Kitô, chúng ta có thể trao cho thế giới sự sống đó qua việc phục vụ trong yêu thương.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Để cảm nghiệm được Thiên Chúa, cần phải can đảm sống theo lời Ngài dạy, dù phải từ bỏ và chịu thua thiệt trước mắt. Có khi nào bạn thấy Chúa thật gần gũi, vì bạn đã dám sống cho tha nhân không?

2. Khi tinh thần bạn sa sút vì những nỗi đau riêng tư, bạn thường làm gì để ra khỏisự sa sút đó?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.


5. Trở nên hình ảnh Chúa Giêsu

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)

Nhiều lần Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khiến các môn đệ đâm ra tò mò. Chúa Cha là Ai? Ngài ở đâu? Ngài là Đấng thế nào?

Thế nên Philípphê mới đề nghị với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."

Dùng ngôn ngữ vốn rất hạn hẹp của con người để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha thì khác chi lấy gang tay đo chín tầng trời. Vì vậy, thay vì dùng lời để diễn giải, Chúa Giêsu dùng phương pháp trực quan. Ngài chỉ cho Phi-líp-phê cũng như các môn đệ xem chân dung, xem hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha. Chân dung đó, hình ảnh đó chính là Ngài: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha".

Tiếp theo, Chúa Giêsu cũng tỏ cho các môn đệ biết giữa Ngài và Chúa Cha có một mối hiệp thông hết sức mật thiết. Những lời Chúa Giêsu nói chính là những lời của Chúa Cha được phát ra qua môi miệng Chúa Giêsu: "Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (Ga 14,10). Những gì Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời đều cũng là những hành động của Chúa Cha...

Thế là Chúa Cha tự tỏ mình qua Chúa Giêsu. Nhìn vào Chúa Giêsu, nhân loại sẽ biết được Thiên Chúa Cha.

* * *

Thánh Athanasiô đã diễn tả chân lý nầy như sau: "Chúa Cha được bày tỏ qua Chúa Con và Chúa Con được bày tỏ qua Giáo Hội." Nói khác đi, Chúa Con là hình ảnh trung thực của Chúa Cha, còn Giáo Hội là hình ảnh trung thực của Chúa Con, và chúng ta, vì là thành phần của Giáo Hội, nên cũng phải là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu.

Theo nhật báo Chứng Nhân kitô hữu (Témoignage Chrétien), vào năm 1941 có một vị linh mục bị Đức Quốc Xã giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do thái. Như bao tù nhân khác, ngài cũng bị hành hạ và ngược đãi thậm tệ. Tuy nhiên ngài vẫn vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ đang lâm vào tình trạng khủng hoảng và tuyệt vọng.

Trong cảnh tù đày đói khát, một vụn bánh còn quý hơn vàng, vậy mà ngài dám chia sớt phần ăn ít ỏi của mình cho những bạn tù yếu sức hơn.

Những lúc trời rét buốt xương, tấm áo len được xem là kho tàng vô giá, thế mà có lần ngài tặng không chiếc áo len đang mặc cho bạn tù đang lâm trọng bệnh nằm run cầm cập trong xó nhà.

Ngài là nhịp cầu yêu thương giữa những kẻ bất hoà, đem sự khích lệ tinh thần cho những tâm hồn sầu muộn... Ngài đã cứu được mấy bạn tù tuyệt vọng khỏi tự huỷ mình nhờ những khuyên lơn an ủi... Vì thế, các tù nhân trong trại rất yêu quý và xem ngài như người cha thứ hai. Họ đều gọi ngài cách thân thương là... Bố.

Trong trại tù còn có một thanh niên bụi đời, lớn lên nơi đầu đường xó chợ, căm hờn mọi người, không ngần ngại phạm bất kỳ tội ác nào.

Vị linh mục khả ái từng bước tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã cảm hoá được chàng thanh niên chai đá và tưởng chừng như vô phương cứu chữa nầy. Ngài cũng mong ước dần dần dẫn dắt cậu về với đạo thánh Chúa.

Thế rồi, một hôm, có lệnh chuyển cha sang trại Ao-sơ-vích (Auschwitz), một trại tập trung mà chỉ mới nghe danh xưng, mọi trại viên đều phải kinh hoàng. Đó là lò hủy diệt con người bằng những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác.

Trước khi chia tay với các bạn tù và đặc biệt với cậu thanh niên mới hoàn lương, ngài quyết định phải giới thiệu đôi nét về Chúa Giêsu cho cậu với hy vọng cậu sẽ trở thành người con Chúa.

Ngài vỗ vai cậu và ôn tồn nói "Này, con yêu của Bố, đã từ lâu Bố rất mong con nhận biết và trở thành môn đệ Chúa Giêsu ."

Cậu thanh niên thưa lại: "Nhưng con chưa biết gì về Chúa Giêsu cả. Bố có thể kể sơ lược về Ngài cho con biết được không?"

Biết mình không còn thời gian để giới thiệu dông dài vì giờ chuyển trại sắp đến, vị linh mục già thinh lặng cúi đầu, cầu nguyện giây lát, rồi ngài ngẩng lên khiêm tốn đáp: "Chúa Giêsu mà Bố muốn cho con tin và yêu mến, Ngài giống như Bố đây!"

Bấy giờ cậu thanh niên nhìn thẳng vào mắt ngài cách trìu mến và chân thành đáp lại: "Nếu Chúa Giêsu mà giống Bố thì có thể một ngày nào đó, con sẽ tin và yêu mến Chúa Giêsu!"

Sau thế chiến thứ hai, người ta không còn gặp lại vị linh mục nầy nữa. Còn cậu thanh niên thì được sống sót qua các trại tập trung trở về với gia đình và đã thuật lại câu chuyện trên đây về một mục tử đã thực sự trở thành hình ảnh trung thực của Chúa Cứu Thế. Cũng chính nhờ hình ảnh Chúa Giêsu ngời sáng lên nơi con người và cuộc đời của vị mục tử tốt lành nầy, chàng thanh niên được cảm hoá và trở thành người con Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Đã bao lần chúng con làm cho khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống không đẹp của chúng con.

Xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để đào tạo bản thân mình thành con người mới, có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và văn hoá để nhờ đó, chúng con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay.

Nguồn" Giaophanvinh "
no image
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top