Khi nói đến Thánh Vincente có lẽ ai trong chúng ta cũng hình dung ra ngay, bởi tên của ngài thường được gắn với tước hiệu: “Đấng hay làm phép lạ”. Quả vậy, không chỉ người giáo dân Việt Nam , mà nhiều người anh chị em tôn giáo bạn cũng thường chạy đến với ngài để xin khấn và rất hay được ngài nhận lời. Cách đây vài chục năm về trước, khi nền y khoa chưa phát triển, những đứa trẻ sinh ra thường hay bị chết yểu, thế nên, để bảo vệ cho những đứa con của mình, các bà mẹ Công Giáo thường hay đem con tới “bán” cho ông thánh Vincente, với ước mong được ngài che chở giữ gìn. Niềm tin đó mặc dù không công khai chính thức, nhưng cứ được lưu truyền nơi các bà mẹ, và sau này, cả những bà mẹ không phải Công giáo cũng tìm đến với ngài để dâng con.
Tuy nhiên, sẽ là không phải nếu như trong ngày lễ kính thánh nhân, chúng ta lại chỉ dừng lại ở việc ngài là đấng hay làm phép lạ. Có rất nhiều câu chuyện ly kỳ xoay quanh cuộc đời của ngài, nhưng tựu trung lại, để đánh giá về ngài, chúng ta chỉ có thể nói rằng: đó là một con người phi thường nhưng lại rất mực khiêm nhường.
Ngài sinh tại Valence , nước Tây Ban Nha vào năm 1350. Ngay từ nhỏ, ngài đã tỏ ra là một đứa trẻ có trí thông minh vượt bậc. 12 tuổi ngài đã học Triết học và 14 tuổi đã học Thần học - điều mà các đại chủng sinh tại các Đại Chủng viện mới được học. Mặc dầu vậy, nhưng lúc nào Ngài cũng tỏ ra là người hiền lành, từ tốn, nên được nhiều người yêu mến. Năm 18 tuổi, ngài quyết định tận hiến cuộc đời của mình trong Dòng Đaminh. Sau khi mãn năm tập viện, ngài được gửi học ở Barcelone. Tại đây, ngài đậu bằng tiến sĩ thần học và được chọn làm giáo sư thần học tại Lêriđa. Ngài là một người có tài giảng thuyết. Những bài giảng của ngài đều có sức thuyết phục và lôi cuốn, vì thế ngài thường được mời đi giảng ở Pháp, Anh, Ý và Ái Nhĩ Lan. Đi tới đâu, ngài cũng đều cảm hóa được nhiều người quay trở về với Chúa. Riêng tại Tây Ban Nha, ngài đã thu phục được hơn 25 ngàn người Do Thái quay trở lại với đạo Công Giáo.
Không những cảm hóa được nhiều người, ngài còn đem lại sự bình an, bầu khí thánh thiện và đạo đức cho những nơi ngài đặt chân tới. Ngài luôn dạy người ta yêu mến việc cầu nguyện, năng xưng tội và rước lễ.
Mặc dù là người nổi tiếng, nhưng ngài lại rất mực khiêm nhường. Là một tu sĩ Dòng Đaminh, nên ngài luôn ý thức sự vâng lời bề trên là vô cùng quan trọng. Đã có lúc bề trên truyền ngài không được làm phép lạ nữa và ngài đã một mực vâng theo mà không hề phản kháng.
Cùng với đức vâng lời, ngài còn là một tu sĩ có một đời sống hết sức nhiệm nhặt, thanh bần theo gương Chúa Kitô. Khi chiêm ngắm đời sống của ngài, nhiều người còn cho rằng, ngài mang dáng dấp của một Phanxicô Assisi khiêm nhường và nghèo khó. Có lẽ chính vì vậy mà ngay lúc còn sống, Thiên Chúa đã cho ngài làm nhiều phép lạ để củng cố lời giảng của mình.
Năm 1419, thánh nhân lâm bệnh nặng sau nhiều năm phục vụ Chúa và các linh hồn. Ngài đã trút hơi thở trong tay Chúa, sau khi lãnh phép lành toàn xá của Đức Giáo Hoàng và chịu Mình Thánh Chúa thật sốt sắng.
***
Sơ qua vài nét về tiểu sử của thánh nhân, để giúp chúng ta hiểu được rằng, sự vĩ đại của một con người, không hề hệ tại ở những lời giảng dạy hùng hồn, hay ở những phép lạ cả thể như chuyển núi dời non, nhưng là ở đời sống kết hợp với Thiên Chúa và qua đó là mối tương quan thân tình với anh chị em mình, đặc biệt là với những người nghèo khổ và bất hạnh.
Tất cả những phẩm tính đó đều đã được hội tụ nơi con người và cuộc đời của thánh Vincente Phêriô. Ngài đã trở nên khí cụ để Thiên Chúa dùng hầu mang lại lợi ích cho tất cả những nơi mà ngài đã hân hạnh phục vụ, mặc dù, chính bản thân ngài không hề dám mơ ước tới điều đó. Quả đúng như lời thánh tông đồ Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô rằng:“Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào có thể tự phụ trước mặt Người” (1Cr 1,27-28).
***
Ngày hôm nay, dường như người ngại ngần khi phải nói đến hai chữ “khiêm nhường”. Mà tại sao lại phải khiêm nhường trong khi ai cũng muốn chứng tỏ mình, muốn được người khác ca tụng và tung hô! … Đúng như vậy, tuy nhiên, họ không biết được rằng, khiêm nhường là một đức tính hết sức cần thiết trong đời sống. Vì thiếu khiêm nhường mà ông bà nguyên tổ đã phạm tội chống lại Thiên Chúa; Vì thiếu khiêm nhường mà Cain đã ra tay giết hại đứa em ruột của mình là Aben; Vì thiếu khiêm nhường mà những cuộc chiến lớn nhỏ vẫn hằng ngày nổ ra khiến cho tiếng súng không lúc nào ngớt trên hành tinh chúng ta; Vì thiếu khiêm nhường mà nơi giáo xứ giáo họ, trong các hội đoàn vẫn còn những tranh giành xâu xé; Cũng vì thiếu khiêm nhường mà biết bao gia đình phải đổ vỡ, vợ chồng phải lìa xa nhau…
Vâng, nếu như ngồi mà liệt kê thì còn biết bao nhiêu hệ lụy nữa bởi sự thiếu khiêm nhường mà ra. Nhưng có ích gì, nếu như chúng ta chỉ ngồi đó mà liệt kê, trong khi lại chẳng nghĩ xem, mình phải làm một điều gì đó ?!
Khiêm nhường thật cần thiết, nhưng cũng thật khó thực thi. Tuy nhiên, chúng ta đã có một mẫu gương tuyệt hảo, đó là Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta. Đấng mà bài thánh ca trong thư gửi tín hữu Philipphê nói rằng: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Mừng lễ thánh Vincente Phêriô hôm nay, chúng ta hãy nài xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh nhân giúp mỗi chúng ta biết sống khiêm nhường, vì đó cũng là điều duy nhất, Đức Giêsu muốn chúng ta học với Ngài khi Ngài phán: “Anh em hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
0 Reviews:
Đăng nhận xét
Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.