TÒA GIÁM MỤC THÁI BÌNH
06 Trần Hưng Đạo – Tp. Thái Bình
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY NĂM 2014
TÂN PHÚC ÂM HOÁ GIA ĐÌNH
Kính gửi:
Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng Sinh
và Anh Chị Em Giáo dân Giáo phận Thái Bình.
Ngày thứ Tư Lễ Tro (5/3/2014) Giáo hội Công giáo toàn cầu bước vào Mùa Chay thánh. Mùa Chay là mùa sám hối để chuẩn bị mừng Đại lễ Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô, mừng Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu chết đau thương trên Thập giá, nhưng đã sống lại, phục sinh vinh quang trong Thiên Chúa.
Mùa Chay kéo dài 40 ngày, khởi đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc trước Thánh lễ Tiệc Ly thứ Năm Tuần Thánh. Ý nghĩa và mục đích chính của mùa chay, theo nghĩa thông thường, là mọi người tín hữu (trong độ tuổi) giữ chay và kiêng thịt trong các ngày thứ sáu mùa chay, theo tinh thần dè sẻn, tiết kiệm các chi phí, tiêu dùng hằng ngày, như ăn uống, mua sắm v.v... cách riêng ăn chay và kiêng thịt trong 2 ngày Thứ tư lễ tro và Thứ sáu Tuần Thánh để dành số tiền tiết kiệm đó vào việc chia sẻ cho người nghèo túng hơn mình.
Còn ý nghĩa thiêng liêng và tinh thần đích thực của mùa chay hệ tại ở lòng sám hối, ăn năn, dốc lòng chừa mọi tội lỗi xấu xa của mình, chứ không phải để khóc lóc thương hại Chúa như nhiều người lầm tưởng, cũng không phải để đọc thật nhiều kinh hay đi thật nhiều đàng Thánh giá, rước sách thật linh đình hoành tráng, nhưng rồi vẫn tính nào tật nấy !
Chính Chúa đã nhiều lần khuyến cáo chúng ta: “các con hãy coi chừng thói đạo đức giả” (Lc 12,1), “… bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác” (Mt 23,27-28).
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến, truyền thống mùa chay của người Công giáo chúng ta là mùa làm việc bác ái từ thiện, bằng hành động cụ thể, thiết thực, hơn là những lời nói suông, trống rỗng. Vì thế việc tiết kiệm, hy sinh, dành dụm tiền bạc để chia sẻ với người nghèo là một trong những việc làm đương nhiên và thường xuyên của Bác ái Ki-tô giáo; việc này phải trải dài trong suốt cả đời sống Ki-tô hữu, chứ không phải chỉ trong mấy ngày mùa chay.
Thật vậy đạo Chúa Ki-tô là đạo bác ái, đạo tình thương, “thương người như thể thương thân”. Trong suốt năm qua, Giáo phận chúng ta, dù còn nghèo và thiếu thốn, nhưng cũng đã nỗ lực hết mình để dành nhiều thời giờ, công sức và tiền bạc đến với người nghèo, người ốm đau bệnh tật, người già nua tuổi tác, cách riêng với các bệnh nhân phong Văn Môn. Nếu tổng cộng lại mọi việc bái ái của chúng ta trong suốt năm qua, con số lên tới hàng tỉ đồng.
Để tiếp nối truyền thống đạo đức bác ái này, trong suốt mùa chay năm nay, toàn Giáo phận chúng ta, từ giám mục, linh mục , tu sĩ, chủng sinh đến anh chị em giáo dân, mỗi ngày sẽ làm một việc hy sinh cụ thể : nhường cơm sẻ áo thật sự cho người nghèo bằng việc ý thức, vui vẻ, tự nguyện “cắt giảm một phần tiền ăn, uống, chi tiêu hằng ngày” (tối thiểu từ 5 đến 10%) gom số tiền này lại gửi về Tòa Giám Mục dành cho người nghèo.
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,
Một chương trình khác cũng rất quan trọng để Giáo phận chúng ta thực sự sống tinh thần Mùa chay 2014 đó là “Phúc Âm Hóa Gia Đình” - Tân Phúc Âm Hóa các gia đình Công giáo trong toàn Giáo phận. Nghĩa là xin Chúa đến lại, hiện diện lại trong trái tim của từng người trong gia đình chúng ta, cách riêng trong trái tim của vợ chồng, cha mẹ, và con cái. Có thể, hiện tại trong nhiều gia đình Công giáo chúng ta, nhiều thành viên trong gia đình đã không còn Chúa, không có Chúa trong trái tim mình, thay thế vào đó là các thần ô uế, tội lỗi xấu xa, rượu chè, cờ bạc, mại dâm, xì ke, ma túy. Chính vì những nguyên nhân này mà gia đình sụp đổ, tan nát !
Mọi người đều biết gia đình là nền tảng của tất cả mọi tổ chức xã hội và Giáo hội. Gia đình ấm cúng, hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái thảo hiền thì xã hội và Giáo hội, Giáo phận, Giáo xứ, Giáo họ mới được ấm cúng hạnh phúc. Gia đình đổ vỡ, vợ chồng chia rẽ, con cái hư hỏng, phá làng, phá xóm v.v.. thì không chỉ bản thân và gia đình đó bị đổ vỡ, tan nát, mà cả xã hội và Giáo hội, cũng đều bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề !
Quý Cha và Anh Chị Em thân mến,
Phương thuốc duy nhất có thể cứu vãn, canh tân, thăng tiến tình trạng gia đình của mỗi người chúng ta, đó là “Phúc Âm Hóa Gia đình” . “Tái Phúc Âm hay Tân Phúc Âm Hóa” Gia đình mình, nghĩa là đem “Lời Chúa” về trong gia, sống và thực hành “Lời Chúa” ngay trong gia đình mình.
Người đầu tiên phải đem “Lời Chúa” về lại trong gia đình, sống và thực hành “Lời Chúa” trong gia đình mình, không ai khác, chính là người Cha, người Mẹ, hay vợ chồng và con cái ! Ngôi nhà có đứng vững trước sóng gió, bão táp hay không là nhờ các trụ cột, thì gia đình cũng cần đến những trụ cột sống động, đầy gương sáng của cha mẹ hay vợ chồng như thế, nhất là về mặt đức tin, luân lý, và đạo đức.
Muốn được như thế, chúng ta cần ơn Phục Sinh, ơn Sám hối, ơn đổi mới của Chúa Phục Sinh. Chỉ khi tâm hồn vợ chồng đã được đổi mới, được đầy ơn Chúa, có Chúa đầy ắp trong tâm hồn, thì gia đình mới được bình an, ấm cúng, hạnh phúc !
Các phương thế truyền thống để kín múc ơn Phục Sinh của Chúa Ki-tô chính là cuộc cấm phòng, tĩnh tâm mùa chay cho từng thành phần, từng giới trong các giáo xứ. Đây là những việc làm vô cùng cần thiết và bổ ích thiêng liêng cho đời sống của giáo dân. Nhiều giáo xứ đã tổ chức rất long trọng và sốt sắng, ngay tại giáo xứ mình hay liên kết với các giáo xứ khác và mời nhiều cha khác nhau đến giúp giảng huấn và ban ơn hòa giải.
Riêng trong mùa chay năm nay, năm “Phúc Âm Hóa Gia Đình”, Giáo phận sẽ tổ chức một “Tuần Đại phúc đặc biệt” dành cho tất cả các bậc cha mẹ, cách riêng các cha mẹ trẻ và các đôi vợ chồng trẻ, để giúp họ biết “Sống và thực hành Tân Phúc Âm Hóa” trong gia đình mình. Xin mời tất cả các bậc cha mẹ và vợ chồng trẻ sốt sắng tham gia (xem bản đính kèm lịch trình tổ chức Tuần Đại Phúc mùa chay).
Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Chủng Sinh và Anh Chị Em thân mến,
Xin kính chúc Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Chủng Sinh và Anh Chị Em bước vào Mùa chay thánh tràn đầy ơn sám hối và mừng Lễ Chúa Phục Sinh trong niềm hân hoan canh tân đổi mới, để cùng sống lại thật với Chúa Ki-tô.
Xin Quý Cha và Anh Chị Em cầu nguyện nhiều cho tôi.
Thân ái trong niềm vui sống lại của Chúa Ki-tô.
Thái Bình, ngày 28 tháng 02 năm 2014
Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Sdb
Giám Mục giáo phận Thái Bình