Lễ Hiển Linh (A): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.
LỄ HIỂN LINH – NĂM A
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
-------------------
PHÚC ÂM: Mt 2, 1-12
"Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
MỤC LỤC
1. Ra đi
2. Ngôi sao dừng lại
3. Thiên Chúa tỏ mình
4. Ánh sao đạo đức – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
5. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
6. Con đường đức tin
7. Tìm gặp Thiên Chúa giữa lòng đời
8. Gặp Chúa – Lm Jos Tạ Duy Tuyền
9. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
10. Cuộc hành trình đức tin
************************
1. Ra đi(Trích từ ‘Manna’)
Suy Niệm
Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho dân Israel. Ngài còn tỏ mình cho các dân tộc khác, vì Ngài muốn cứu độ mọi người chẳng trừ ai.
Các nhà chiêm tinh vùng Babylon là đại diện cho dân ngoại.
Đối với họ, bầu trời là một cuốn sách, các vì sao nói về những biến cố trên địa cầu. Có thể Thiên Chúa đã muốn dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu Con Ngài chào đời.
Thiên Chúa chấp nhận dùng thứ ngôn ngữ đầy khiếm khuyết đó để mời họ lên đường đi gặp Đấng Cứu Độ.
Hôm nay, Ngài vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết Ngài bằng muôn vàn cách thức khác nhau, khiến họ hiểu được.
Thiên Chúa vẫn làm sáng lên muôn ánh sao, không ở trên trời cao, nhưng ở trong lòng người.
Ánh sao có thể là một lý tưởng, một khát vọng mãnh liệt: khát vọng sự thật, tự do, ấm no, hạnh phúc?
Ánh sao đưa con người lên đường tìm kiếm, và Ngài không ngừng ban niềm vui trong suốt cuộc hành trình.
Các nhà chiêm tinh đã phải ra khỏi nhà, ra khỏi mình, ra khỏi những định kiến, để đón tiếp cái bất ngờ.
Họ chỉ mong được bái lạy vị Vua mới sinh. Nhưng vị Vua này chẳng ở Giêrusalem cao sang, mà lại ở vùng Bêlem bé nhỏ.
Vị lãnh tụ dân Israel chỉ là một hài nhi bình thường, sống trong một căn nhà bình thường.
Hêrôđê bối rối lo sợ khi nghe tin sinh hạ Vua Do thái.
Các thượng tế và kinh sư tuy biết rõ nơi Ngài sinh, nhưng họ không muốn lên đường tìm kiếm.
Các nhà chiêm tinh chỉ có một cái biết mơ hồ, nhưng họ đã can đảm ra đi, tích cực tìm kiếm, tin tưởng sấp mình bái lạy và cung kính dâng lễ vật.
Vẫn có đám đông những người không phải là Kitô hữu đang miệt mài nghiên cứu trong mọi lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, tư tưởng…, đang gắng công tu tập trong các tôn giáo, hay đang tận tụy làm cho trái đất được tốt đẹp hơn. Có ánh sáng nào soi chiếu nẻo đường họ đi. Họ đã chấp nhận bao hy sinh từ bỏ, để nhẹ nhàng, thanh tịnh mà tiến bước.
Các nhà chiêm tinh ngày xưa đã gặp được Đấng họ tìm.
Hôm nay, còn bao người vẫn trên đường dong ruổi. Thiên Chúa đồng hành với họ mà họ chẳng hay. Họ đã ở gần Chúa ngay khi chưa gặp Ngài.
Lễ Chúa Hiển Linh mời ta nhận ra và trân trọng hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em ngoài Kitô giáo.
Có khi chúng ta giống các thượng tế và kinh sư tự mãn với cái biết lý thuyết của mình về Thiên Chúa, nên chẳng muốn lên đường gặp mặt Ngài.
Ước gì chúng ta không coi mình như người đã tìm thấy, nhưng khiêm tốn học hỏi nơi những người đang tìm kiếm.
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn có nhìn thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi những anh chị em ngoài Kitô giáo không? Bạn có quen ai làm bạn cảm phục không?
Thiên Chúa đến với bạn qua những đại lộ (là Thánh Lễ, các Bí Tích…) Nhưng Ngài cũng đến với bạn qua các ngõ hẻm (một biến cố, một bài báo, một câu nói bâng quơ…). Đâu là những ngõ hẻm Chúa thường đến với bạn?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
2. Ngôi sao dừng lại
(Trích từ ‘Manna’)
Suy Niệm
Người Do Thái đợi chờ Đấng Mêsia từ bao thế kỷ. Đấng Mêsia được ví như một vì sao từ nhà Giacóp (x.Ds 24,17).
Nói một cách thi vị, chờ đợi Đấng Mêsia là chờ đợi một vì sao xuất hiện.
Hình ảnh vì sao gợi lên trong lòng người Do Thái niềm nôn nao đợi chờ Đấng Cứu Độ cho dân tộc mình và cho cả thế giới (x. Ds 24,7).
Nhưng không phải chỉ người Do Thái mới biết đợi chờ. Theo các sử gia đáng tin cậy ở thế kỷ đầu, cả dân ngoại cũng tin rằng Đấng cai trị thế giới sẽ được sinh ra từ xứ Giuđê.
Phải chăng đó là lý do khiến các nhà chiêm tinh từ vùng Ba tư, Ả rập xa xôi đã lặn lội đến Giêrusalem để bái yết tân vương, khi họ thấy trên bầu trời xuất hiện vì sao lạ?
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều phản ứng khác nhau trước sự hạ sinh của Vua dân Do Thái.
Hêrôđê thì sợ hãi vì thấy ngai vàng bị lung lay. Ông dò hỏi về nơi sinh và ngày sinh của vị Vua mới để âm mưu loại trừ một đối thủ.
Các thượng tế và kinh sư ở Giêrusalem lại có thái độ dửng dưng thụ động. Họ rành rẽ Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Vua Mêsia, nhưng họ chẳng buồn cất bước tới Bêlem.
Còn các nhà chiêm tinh là đại diện cho dân ngoại, đã hăm hở lên đường, lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm. Họ làm tất cả miễn sao gặp được Đấng quân vương. Dù Đấng ấy chẳng uy nghi ngự trong lầu vàng điện ngọc, nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận với cả lòng thành.
Lễ Hiển Linh nhắc chúng ta về việc truyền giáo.
Các nhà chiêm tinh đã đến gặp Chúa nhờ ánh sao. Con người hôm nay nhờ ánh sáng nào mà gặp được Chúa?
Mỗi môi trường cần một thứ ánh sáng riêng. Mỗi con người nhạy cảm với một loại ánh sáng. Chúng ta phải tìm hiểu xem đâu là thứ ánh sáng thu hút được lòng con người.
Ánh sáng của sự chân thành, của phục vụ yêu thương;
Ánh sáng của niềm vui an bình, của can trường bất khuất.
Một nụ cười, một ánh mắt, một lời khích lệ cũng bừng sáng rực rỡ chẳng kém một vì sao.
“Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy tỏa sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).
Chúng ta chỉ là những vì sao sáng khi chúng ta để mọc lên trong lòng chúng ta (x. 2Pr 1,19) ngôi sao mai là chính Đức Kitô (x.Kh 2,28).
Ước gì mỗi Kitô hữu trở thành một ánh sao: ánh sao nói được điều gì đó với người đang chờ đợi, ánh sao đồng hành với nhân loại trên mọi nẻo đường, ánh sao ngừng lại trước nhà của Con Thiên Chúa để Con Thiên Chúa và thế giới hôm nay gặp nhau.
Gợi Ý Chia Sẻ
Những người dân ngoại ở xa có thể gặp Chúa, còn những kinh sư thông thạo Kinh Thánh ở sát Bêlem lại không gặp được Ngài. Theo bạn, để gặp được Chúa, cần có thái độ nào, điều kiện nào?
Ở môi trường bạn đang sống và làm việc, người ta cần thứ ánh sáng nào? Bạn có thứ ánh sáng đó không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.
Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng.
Đó là vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối của hận thù và bất công, của buồn phiền và thất vọng. Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, và biết vâng theo những soi sáng của Chúa qua từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới và trong lòng chúng con.
Ước gì chúng con đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.
3. Thiên Chúa tỏ mình
Ngày hôm nay Thiên Chúa tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông, nghĩa là những người ở ngoài dân Chúa và bị người Do Thái xếp vào hàng dân ngoại. Chính vì thế lễ Hiển Linh có thể được coi như là lễ Giáng sinh của người ngoại. Tuy nhiên, qua phụng vụ chúng ta thấy được tính cách bi đát của chương trình cứu độ như thánh Gioan đã diễn tả: Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà các người thân đã không tiếp nhận Ngài.
Thực vậy, Isaia đã đưa ra những lời tiên đoán đầy phấn khởi về Giêrusalem vào ngày Đấng cứu thế xuất hiện. Ngày ấy, Giêrusalem sẽ trở thành trung tâm ánh sáng và mọi người từ bốn phương trời sẽ tiến về đó với muôn vàn lễ vật. Nhưng trớ trêu thay, vào ngày Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, theo như lời tiên tri Isaia loan báo, ánh sáng đã chiếu trên Giêrusalem, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới nhận ra ánh sáng ấy, còn dân trong thành thì vẫn tiếp tục sống trong u tối. Giêrusalem đã có thể chỉ rõ nơi vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới tới thờ lạy Ngài.
Một ngôi sao xuất hiện trên bầu trời thì có chi đáng quan tâm. Nhưng tất cả cuộc hành trình kỳ diệu lại khởi đầu từ đó. Đêm hôm ấy, hẳn cũng đã có nhiều người nhìn lên trời, ngắm những vì sao nhưng lại không thấy được vì sao của Ngài. Cũng thế, những biến cố, những sự kiện diễn ra hằng ngày trên đường phố, trong xã hội. Chúng ta cũng có thể đọc được những sự kiện, những biến cố ấy trên cùng một trang báo, qua cùng một chương trình thời sự, nhưng có mấy khi chúng ta thấy được trong một biến cố, trong một sự kiện dấu chỉ về một đòi hỏi của Chúa?
Tuy nhiên, các nhà đạo sĩ đã không chỉ bằng lòng với việc thấy được vì sao của Ngài. Các ông còn chuẩn bị lễ vật và hăm hở lên đường với một cuộc hành trình mang tính cách phiêu lưu, tiến tới một nơi vô định mặc dầu có ánh sao dẫn lối. Tin Mừng cho thấy là cũng đã có lúc không còn ánh sao nữa và các ông đã phải hỏi thăm về nơi các ông phải tới với những người không quen biết. Và không phải là không có những cạm bẫy. Hêrôđê có đó với tấm lòng nham hiểm đằng sau những lời nói đầy vẻ ân cần. Vượt không biết bao nhiêu dặm đường để rồi cuối cùng đứng trước một hài nhi yếu ớt, nhưng các ông cũng đã sấp mình thờ lạy, và dâng lễ vật với lòng hân hoan toại nguyện. Phải chăng đó chính là thái độ của một lòng tin đích thật. Các thượng tế và luật sĩ, mặc dù thông hiểu Kinh Thánh, nhưng vẫn ngồi yên tại chỗ. Sự hiểu biết của họ như đã không đủ sức để lay chuyển họ. Là những người ở trong, họ đã tự đặt mình thành những kẻ ở ngoài. Trong khi đó, những người vẫn bị xếp vào hạng ở ngoài, vì đã đi theo tiếng gọi của Chúa, mà đã trở thành những người ở trong. Những điều chúng ta thấy và hiểu biết về Tin Mừng, về Đức Kitô, về Nước Trời, về ơn cứu độ, có đủ sức lay chuyển chúng ta đi theo tiếng gọi của Chúa hay không?
4. Ánh sao đạo đức – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Hôm nay, Ba Vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba Vua là những người phương xa, không có đạo. Các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ. Theo ngôi sao, các Ngài đến được Giêrusalem và được nghe giải nghĩa Thánh Kinh. Theo ngôi sao đưa đường dẫn lối các Ngài đã gặp được Chúa. Ánh sao đã chiếu sáng bầu trời đen tối, giúp các Ngài nhận định được hướng đi. Lời Thánh Kinh là một ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp họ sáng lên niềm tin. Nhưng chính Đức Giêsu mới là ngôi sao mai dẫn họ đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến.
Ngày nay có nhiều người đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa. Nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.
Tìm đâu ra ngôi sao xưa đã soi đường cho Ba Vua? Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao soi dẫn mọi người đến với Chúa.
Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng hy vọng. Niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa giúp ta vừng bước trên đường lý tưởng. Niềm hy vọng vào một trời mới đất mới cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng giúp ta đánh gía đúng mức của cải vật chất đời này. Hy vọng là ánh sáng làm tươi đẹp con người và cuộc đời.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng tin yêu. Tin yêu Chúa và tin yêu người. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu đẻ tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối thù hận, chia rẽ, bất hoà. Tin yêu là làn ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi, con người trở nên thân thiện, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng mến.
Người Kitô hữu phải chiếu lên làn ánh sáng công bình, bác ái. Niềm hy vọng, niềm tin yêu được chứng minh bằng đời sống công bình, bác ái. Tin Chúa được biểu lộ qua sự công bình trong đời sống. Yêu Chúa được thể hiện qua tình bác ái với tha nhân.
Tất cả những làn ánh sáng nói trên góp lại thành ánh sáng đạo đức. Đắm chìm vào vật chất sẽ khiến con người rơi vào bóng tối tuyệt vọng, không lối thoát. Nghi ngờ con người sẽ khiến cuộc đời chìm vào bóng tối cô đơn. Thiếu công bình bác ái sẽ phủ lên thế giới mới một bóng tối phi nhân, tàn nhẫn. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới đủ sức phá tan những bóng tối ấy. Chỉ có ánh sáng đạo đức mới làm cho thế giới thành vui tươi hạnh phúc.
Thế giới đang mong chờ ánh sao dẫn đường. Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành một ngôi sao chiếu lên làn ánh sáng đạo đức. Chính qua làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp con sống xứng đáng là người con của Chúa sự sáng. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn nghĩ gì về cuộc tìm kiếm của Ba Vua? Bạn có kiên trì tìm Chúa như Ba Vua không?
2. Bạn nghĩ gì về bổn phận làm chứng cho Chúa? Bạn có mong ước trở thành ngôi sao dẫn đưa mọi người đến với Chúa không?
3. Đâu là những ánh sáng người Kitô hữu phải có để dẫn người khác tới Chúa? Trong năm mới này, bạn sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa?
5. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
THÀNH TÂM THIỆN CHÍ SẼ GẶP CHÚA.
Lễ Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình ra. Việc Chúa sinh ra được loan báo cho mọi người biết dưới nhiều hình thức khác nhau như: lời các ngôn sứ loan báo từ nhiều thế kỷ trước, đạo binh thiên thần ca hát, ngôi sao lạ xuất hiện… Tuy nhiên không phải ai cũng gặp được Chúa.
Có những người không gặp Chúa, dù biết rõ những chỉ dẫn về Người.
Đó là những kinh sư, biệt phái. Họ hiểu biết Thánh Kinh. Khi ba nhà đạo sĩ đến hỏi thăm, họ đã đọc vanh vách lời ngôn sứ loan báo Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem. Nhưng họ không gặp được Chúa, vì họ hiểu biết lý thuyết mà không thực hành. Ngồi một chỗ mà không chịu lên đường. Chỉ chú ý tới chữ nghĩa sách vở mà không chú ý tới cuộc sống con người. Chỉ tìm trong sách vở mà không tìm những dấu chỉ trong đời thường.
Đó là Hêrôđê. Bạo vương này muốn tìm Chúa nhưng không gặp Chúa, dù ông có binh hùng tướng mạnh trong tay. Ông không gặp Chúa vì ông tìm Chúa không phải vì Chúa mà vì quyền lợi của ông. Ông tìm Chúa không phải để thờ lạy nhưng để giết chết. Ông tìm Chúa không phải để tôn vinh Chúa nhưng để tôn vinh bản thân. Ông tìm Chúa không phải để làm theo ý Chúa nhưng để bắt Chúa phải theo ý ông. Vì thế Chúa đã vượt thoát khỏi tầm tay của ông. Vĩnh viễn ông không gặp được Chúa.
Những người xem ra gần gũi nhất, hiểu biết nhất, có phương tiện nhất đã không gặp được Chúa. Trái lại, những người có vẻ nghèo hèn, thiếu thốn phương tiện, xa xôi cách trở lại gặp được Chúa. Đó là các mục đồng và đặc biệt ba nhà đạo sĩ mà ta nhớ đến trong thánh lễ hôm nay.
Họ đã gặp Chúa vì họ đã lên đường. Dù không biết lời tiên tri loan báo, không biết lời hứa, không thuộc Thánh Kinh, nhưng khi thấy ngôi sao lạ, họ đã lên đường ngay tức khắc. Lên đường nói lên thái độ ngoan ngoãn tuân theo ơn Chúa soi sáng. Lên đường nói lên thái độ dấn thân. Lên đường nói lên lòng cương quyết đi tìm. Lên đường là chấp nhận gian khổ để đạt được điều mơ ước.
Họ lên đường và đã gặp Chúa vì lòng họ khao khát. Khao khát chân lý nên đêm đêm họ không ngừng quan sát bầu trời tìm kiếm ánh sao, vì thế cả một bầu trời bao la, chỉ một ánh sao lạ xuất hiện, họ đã nhận biết. Khao khát chân lý nên khi Chúa vừa tỏ mình qua dấu hiệu ngôi sao, họ đã vội vã theo sát dấu ánh sao đi tìm. Khao khát gặp Chúa nên khi ánh sao vụt biến mất, họ đã không nản lòng, quyết tâm dò hỏi cho ra.
Họ đã gặp Chúa vì tâm hồn họ đơn sơ thành thực. Đi tìm Chúa chứ không tìm bản thân. Đi tìm Chúa để thỏa lòng khao khát chân lý chứ không để thỏa mãn những tham vọng đen tối. Đi tìm Chúa để thờ lạy Chúa chứ không vì lợi lộc cá nhân. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra ý Chúa, dù ý Chúa chỉ nhẹ nhàng qua một ánh sao. Với tâm hồn đơn sơ, họ đã nhận ra chính Chúa, dù Chúa có ẩn thân dưới hình dáng một em bé yếu ớt nghèo nàn, trong khung cảnh rất tồi tàn của chuồng bò hôi hám.
Đời sống đạo của tôi cũng là một cuộc đi tìm Chúa. Tôi sẽ chỉ gặp được Chúa nếu tôi noi gương ba vua, có tâm hồn đơn sơ thành thực, có lòng khao khát Chúa vì chính Chúa, và dám dấn thân thực hành những điều Chúa truyền dạy, đặc biệt là giới răn bác ái, phục vụ Chúa trong những anh em nghèo khổ.
Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường lối của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Tại sao những kinh sư, biệt phái và Hêrôđê không gặp được Chúa?
2) Có những người ngoại đạo thành tâm thiện chí như ba vua. Bạn đã gặp ai như thế chưa? Bạn nghĩ gì về họ?
3) Muốn gặp Chúa, bạn phải làm gì?
4) Ba vua nhờ ngôi sao dẫn đến gặp Chúa. Bạn phải làm gì để trở thành ngôi sao đưa người khác đến với Chúa?
6. Con đường đức tin
(Suy niệm của Thanh Thanh – Tinvui.org)
I. Chú giải
- Địa lý: Belem, nơi Chúa sinh ra là một thôn làng nhỏ cách Giêrusalem 6 dặm về phía nam. Itrael thời ấy bị đế quốc Rôma đô hộ. Hêrôđê được Rôma bổ nhiệm cai trị xứ Paléttin 40 năm trước công nguyên. Ông nổi tiếng là người tàn bạo.
- Dân chúng: thời đó họ tin rằng mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh. Ba nhà đạo sĩ đến từ vùng Tiểu Á. Họ là những người thông thái. Sở trường của họ là nghiên cứu về khoa chiêm tinh và được xem là cố vấn của nhà vua về đời và đạo. Họ theo ánh sao đi tìm sự xuất hiện của một Đấng Cứu Thế.
- Lễ vật:
. Vàng: thời xưa, vàng có tính cách quý báu và cao sang, chỉ dành cho vua chúa. Vàng có ý nói hài đồng Giêsu là Vua.
. Nhũ hương: trầm hương chỉ dùng trong việc tế lễ. Hơn thế nửa, trầm hương ở đây nói lên sự ca ngợi và thờ lạy. Trầm hương có ý nói Chúa hài đồng là Thiên Chúa.
. Mộc dược: mộc dược dùng để chữa lành người bệnh và tẩm liệm thi thể người chết thời đó. Mộc dược nói lên nhân tính của hài nhi và cái chết sau này của Chúa Giêsu.
II. Con đường đức tin
1. Hành trình của các đạo sĩ là hình ảnh minh họa cho hành trình cho mọi người tin:
- Đường đức tin đầu bằng một điều gì đó lạ lùng khiến người ta chú ý, như ánh sao lạ chẳng hạn, dấu lạ này mời gọi ta từ bỏ nếp sống đã quen để dấn thân đi tìm một cái gì đó cao hơn, tốt đẹp hơn.
- Kế đến là những bước thăng trầm trong cuộc hành trình, như ánh sao có lúc sáng tỏ trên bầu trời, có lúc nó vụt biến mất. Nhưng nếu ta kiên trì tiến bước thì cuối cùng ta sẽ gặp được Chúa.
2. Tiến bước
Có người ngồi một chỗ như Hêrôđê. Nhưng cũng có người đi tìm kiếm như đạo sĩ, lên đường như Abraham.
Chúa ở đâu? Ở khắp mọi nơi: trong làng quê heo hút, trong xóm làng, trong gia đình nghèo khó, trong những người ta gặp gỡ hằng ngày, nhất là những người đói khát, bệnh tật. Thiên Chúa ở nơi những người biết mở lòng đón nhận Ngài. Muốn biết Ngài ra sao thì: “Khi Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các người đã cho Ta uống… Ta bảo các ngươi: mỗi lần các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,35-40).
Các luật sĩ, các thầy thượng tế hiểu kinh thánh lắm chứ, nhưng họ chỉ biết trưng dẫn, còn thực hành thì không. Hay Hêrôđê thì dùng Kinh Thánh để tìm cách giết Hài nhi, còn các các đạo sĩ thì, bản thân chẳng biết Kinh Thánh, chỉ được Hêrôđê chỉ dẫn, đã lên được tìm kiếm Đức Giêsu và họ đã gặp Người
3. Khó khăn và thuận lợi
Nhà đại thiên văn Kepler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng bất bình thường xảy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau. Năm đó chúng sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng.
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông” (Mt 2,2).
Người xưa cho rằng ngày ra đời của các vĩ nhân thường được báo hiệu bằng sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh thường nghiên cứu những chuyển động của các vì tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra sự sinh hạ của Đấng Cứu Thế, Vua dân Do thái.
Thực sự, người Do thái đã trông đợi Đấng Cứu Tinh từ nhiều thế kỷ, Đấng ấy được ví như một vì sao từ Giacóp, như có lời trong Kinh thánh: “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Israel” (Ds 24, 17). Tiên tri Mikha cũng đã tiên báo: “Hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen ” (Mk 5,1).
Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Người cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Đấng Cứu Tinh. Thế nhưng, thật trớ trêu là: vị Cứu Tinh xuất hiện sau bao thế kỷ đợi chờ, dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm, các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng thụ động, cho dù họ hiểu Kinh thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế. Hêrôđê lại còn hoảng hốt vì sợ ngai vàng của mình bị lung lay.
Đại diện cho lương dân, là đạo sĩ hăng hái lên đường tìm kiếm. Nên sau này, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, lsaac và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 8,11-12).
Lễ Hiển linh hôm nay giúp ta nhìn lại chính mình:
Nếu ta đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù, thì hãy trở thành ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu thương. Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng thì ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.
Chúa gọi ta: “Chúng con là ánh sáng thế gian” (Mt 5, 14), thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề. Ta đừng nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.
Ta hãy tin vào Lời Chúa. Tin là dựa vào Chúa để dấn thân và vượt qua gian nan thử thách.
Các đạo sĩ khi nhìn thấy ánh sao lạ, họ đã tin tưởng vào một Đấng Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, họ vội vã lên đường mà không biết ngôi sao sẽ dẫn đi đâu. Khi ánh sao biến mất họ không thất vọng, không bỏ cuộc, nhưng dò hỏi kiếm tìm. Hành trình của họ là hành trình Đức tin, con đường của họ là con đường thánh giá. Để trắc nghiệm đức tin, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió.
III. Truyện minh hoạ, ông vua thứ tư
Có một truyền thuyết cho rằng những người khách từ phương Đông tìm đến thờ lạy Chúa Hài Đồng là 3 vị vua, tên là Gaspar, Balthasar và Melchior. Có một truyền thuyết khác lại cho rằng ngoài 3 vị ấy, còn một vị vua thứ tư nữa, tên là Artaban. Sau đây là truyền thuyết về ông vua thứ tư ấy.
Cũng như 3 vị vua kia, Artaban thấy ngôi sao lạ. Sau khi chuẩn bị lễ vật gồm một viên bích ngọc, một viên hồng ngọc và một viên ngọc trai, ông lên đường đến điểm hẹn cùng 3 vị kia. Tuy nhiên dọc đường ông gặp một người bị thương nặng nằm bên vệ đường, ông dừng lại đưa người đó đến một quán trọ và nhờ người chăm sóc. Khi đến điểm hẹn thì 3 vị kia đã đi mất rồi.
Đến Bêlem cũng trễ, Thánh Giuse và Đức Maria đã đem Chúa Hài đồng lánh nạn sang Ai cập. Artaban đành tìm một quán trọ để nghỉ đêm. Trong quán ông gặp một người đàn bà bế một đứa trẻ mới 1 tuổi đang sợ hãi trốn tránh cuộc lùng bắt của đám lính Hêrôđê. Dù vậy, cuối cùng đám lính cũng tìm tới. Artaban ra cửa gặp chúng và đưa viên hồng ngọc để chúng khỏi vào trong quán. Ông rất buồn vì lễ vật định dâng Chúa Hài Đồng chỉ còn có mỗi một viên ngọc trai. Viên bích ngọc cũng đã đổi lấy lạc đà để đi qua sa mạc.
Ông tiếp tục lên đường tìm Chúa Hài Đồng. Nhưng ông luôn bị trễ: nghe tin Đức Giêsu đang ở đâu ông đều tìm đến, nhưng khi đến nơi thì Ngài đã đi nơi khác. Khoảng 30 năm sau, ông đến Giêrusalem. Ông hốt hoảng khi nghe tin người ta sắp đem Đức Giêsu đi đóng đinh trên đồi Golgotha. Ông vội vã tìm đến, hy vọng là với viên ngọc trai còn lại, ông có thể cứu sống Ngài. Tuy nhiên trên đường đến Golgotha, ông gặp một cô gái đang bị quân lính rượt bắt. Cha của cô thiếu nợ quá nhiều nên người ta định bắt cô để bán làm nô lệ trừ nợ. Artaban đưa viên ngọc trai ra, và quân lính để cô gái được tự do. Giờ đây Artaban chỉ còn đôi bàn tay trắng.
Chiều hôm ấy, khi mặt trời bắt đầu lặn, một cơn động đất khiến các nhà cửa đều rung rinh. Một viên ngói rơi trúng đầu ông. Thế là ông chết trước khi đến được ngọn đồi Golgotha. Ông đã không gặp được Đức Vua mà bao nhiêu năm qua ông đã khổ cực tìm kiếm.
Vâng, tuy không gặp được Chúa theo cách thức mình muốn, nhưng xét về đường đức tin thì Artaban đã thực sự gặp được Chúa, vì bao nhiêu năm nay Ngài đã ngự trị trong lòng ông. Ngài đã làm cho lòng ông thành quảng đại, dạy ông làm những việc bác ái và luôn duy trì niềm hy vọng trong suốt cuộc hành trình của ông.
7. Tìm gặp Thiên Chúa giữa lòng đời
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Chính những Lời Chúa dạy là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bê-lem năm xưa, soi sáng cho chúng ta biết Chúa đang ở ngay trong gia đình, trong làng xóm chúng ta.
Theo ánh sáng của ngôi sao lạ, ba nhà chiêm tinh đã tìm đến cung điện của vua Hêrôđê để thờ lạy kính bái, vì nghĩ rằng nếu có vị vua mới sinh thì ắt vua đó phải sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, nơi chốn cao sang. Nhưng thực ra không phải thế. Khi ba vị đến ngay cung điện vua Hêrôđê và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người,” thì vua Hêrôđê tỏ hết sức ngạc nhiên. (Mt 2, 2)
Bấy giờ “nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2, 4-6)
Thật bất ngờ, Chúa Cứu Thế không sinh ra trong cung vàng điện ngọc mà lại sinh ra trong nơi quê mùa heo hút, nơi làng Bê-lem là phần đất nhỏ bé của miền Giu-đa.
Như thế, nhờ ánh sáng từ Kinh Thánh soi sáng mà vua Hêrôđê, cả triều thần của vua cũng như ba nhà chiêm tinh biết được nơi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Cũng nhờ ánh sáng nầy, ba nhà chiêm tinh tiếp tục đến tận nơi để thờ lạy và dâng lễ vật cho Người, tại một nơi nghèo nàn tầm thường mà ba vị không ngờ trước được.
Hôm nay, không có ngôi sao lạ nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa, nhưng chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp ta tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa, như lời Thánh Vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Thánh vịnh 119, câu 105)
Vậy ánh sáng Lời Chúa soi đường cho chúng ta tìm thấy Chúa nơi đâu? – Ở nơi mà không mấy ai tin là có: Ở ngay trong nhà, trong xóm chúng ta. Thật quá bất ngờ !
Ba nhà chiêm tinh ngày xưa ban đầu cứ ngỡ rằng vua mới ra đời ắt phải sinh ra trong cung điện Hêrôđê, không ngờ Lời Chúa lại chỉ cho họ tìm gặp Đấng Cứu Thế mới sinh tại một làng quê Bê-lêm hẻo lánh, trong hình hài một trẻ sơ sinh yếu ớt, tại một túp lều nghèo nàn đơn sơ.
Chúng ta cũng thế, ban đầu chúng ta cứ tưởng Chúa chỉ ngự trên chốn trời cao, Chúa chỉ hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, chỉ ngự trong các thánh đường… Nào ngờ Chúa cũng hiện diện trong chính gia đình chúng ta, trong thôn xóm nghèo nàn của chúng ta.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi các gia đình đã viết: “Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con cái trong gia đình.”
Qua dụ ngôn dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu tỏ cho thấy những ai cho những người đói khát đầu đường xó chợ một bát cơm thì Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo, thì Chúa nói là họ đã cho Người mặc. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là họ đã cho Chúa trọ nhà… Nói như thế, Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, bất cứ ai cũng được Chúa Giêsu nhìn nhận là chính Người. (xem Mt 25, 31-46)
Khi chưa nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa, Phaolô ra tay bách hại các môn đệ của Người dữ dội. Vì thế, ông đã bị quật ngã trên đường Đamát và có tiếng Chúa Giêsu vang lên giữa thinh không: “Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Phaolô hết sức kinh hoàng: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Có tiếng từ trời đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. (Cv 22, 6-9). Chính từ hôm đó, Sao-lô (tức thánh Phaolô tông đồ) mới nhận ra các tín hữu cũng chính là Chúa Giêsu nên người thường nhắc nhở mọi người ghi tâm khắc cốt lời nầy: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (I Cr 6, 15).
Chính những Lời Chúa dạy trên đây là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bê-lem năm xưa, soi sáng cho chúng ta biết Chúa đang ở ngay trong gia đình, trong làng xóm của chúng ta, để chúng ta đến hầu hạ phục vụ và dâng lễ vật cho Người.
Lễ vật của chúng ta không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược nhưng là một tấm áo cho cha, một bát cơm cho mẹ, là sách vở bút mực cho con cái học hành, là sự ân cần săn sóc cho những người đau khổ chung quanh chúng ta. Đó là những lễ vật quý báu mà Chúa Giêsu đang thiết tha chờ đợi. Ước gì chúng ta mau mắn và quảng đại hiến dâng cho Người.
8. Gặp Chúa – Lm Jos Tạ Duy Tuyền
Một cậu bé lần nọ quyết định sẽ đi gặp bằng được Thiên Chúa. Cậu biết rằng chuyến đi sẽ dài và vất vả lắm nên xếp vào túi xách bánh và thức uống.
Khi đã đi qua ba dãy phố, cậu bé gặp một bà lão. Bà ngồi trong công viên, đôi mắt dừng lại ở những chú chim bồ câu. Cậu bé đến ngồi cạnh bà và mở túi xách của mình. Hình như bà lão đang đói, cậu bé nhận ra điều này và mời bà một chiếc bánh. Bà lão cười với cậu. Nụ cười dịu dàng đến nỗi cậu bé muốn nhìn thấy nó hiện ra một lần nữa. Cậu lại mời bà thức uống. Nụ cười lại hiện ra trên khuôn mặt phúc hậu của bà làm cậu cảm nhận được sự ấm áp. Họ ngồi suốt buổi chiều ăn uống và không nói một lời.
Mãi đến khi trời sụp tối cậu bé mới rời chỗ. Rồi bất ngờ cậu quay lại, chạy đến chỗ bà lão và ôm lấy bà từ biệt. Món quà mà bà lão đã tặng cho cậu là nụ cười đẹp và rộng mở nhất của mình.
Khi cậu bé mở cửa vào nhà, người mẹ vô cùng ngạc nhiên vì nét rạng rỡ còn ngập tràn trong ánh mắt cậu: – Điều gì hôm nay đã làm con hạnh phúc vậy?
Cậu bé đáp:
- Con đã ăn trưa với Chúa. Mẹ biết không, Chúa có nụ cười tuyệt đẹp trên đời!.
Trong khi đó bà lão cũng bừng tỉnh với niềm vui và trở về nhà. Đứa con trai nhận ra vẻ thanh thản trên gương mặt mẹ và hỏi:
- Điều gì hôm nay đã làm mẹ hạnh phúc?
Bà lão đáp:
- Mẹ đã ăn bánh cùng với Chúa bên cạnh những chú chim bồ câu. Con biết không, Chúa trẻ trung hơn chúng ta ngỡ rất nhiều.
Khi làm người, Con Thiên Chúa đã sinh ra trong thân phận người nghèo. Ngài đã chọn chốn hang bò lừa làm nơi để sinh. Ngài đã chọn gia đình nghèo làm gia đình của mình. Ngài đã hoà mình như bao người lao động nghèo làng quê Nagiaret. Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó đến độ không có nơi gối đầu. Ngài còn tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm than. Ngài còn hứa ban hạnh phúc Nước Trời cho những ai đón nhận Ngài qua những người đói, rách, tù đầy . . .
Cậu bé trong câu chuyện đã tìm gặp Chúa nơi bà lão nghèo ngoài công viên. Và bà lão cũng tìm gặp được Chúa qua tình yêu của cậu bé dành cho bà. Có thể nói tình yêu đã nối kết họ nên một trong tình yêu Chúa. Tình yêu đã giúp họ nhận ra Chúa nơi người mình đang tiếp xúc. Ước mơ của cậu bé là mong được nhìn thấy Chúa đã thành hiện thực khi cậu trao ban miếng bánh thơm ngon cho bà lão. Cậu cũng đâu ngờ rằng tình yêu của cậu làm cho bà lão nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tấm lòng nhân ái của cậu.
Năm xưa, ba nhà đạo sĩ đã tìm gặp Chúa không phải nơi cung điện nguy nga, nhưng lại là nơi đồng hoang mông quạnh. Họ đã gặp vị quân vương vừa mới hạ sinh nơi máng cỏ hôi tanh của đám bò lừa. Họ đã bái quỳ trước một hài nhi bé nhỏ con của một gia đình nghèo khó. Họ đã dâng cho hài nhi những lễ vật quý giá là vàng, nhũ hương và mộc dược, tượng trưng cho quyền bính của vị quân vương.
Hôm nay, Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta qua tha nhân là hình ảnh của Chúa. Chúa còn hiện diện cách đặc biệt qua những người nghèo khó, những người già neo đơn, những người đau yếu đang sống trong cô đơn tuyệt vọng. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta dâng cho Chúa tình yêu hiến thân phục vụ tha nhân một cách quảng đại. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy nhận ra Chúa nơi anh em đang sống bên cạnh chúng ta. Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy dâng tặng cho Chúa món quà quý hoá nhất chính là tấm lòng biết yêu thương.
Ước gì mỗi người chúng ta biết dâng tặng cho Chúa món quà của yêu thương để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Amen.
9. Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
Lễ Chúa Hiển Linh là cao điểm của mùa Giáng Sinh. Ta đã có dịp suy niệm Lời Chúa về ý nghĩa của biến cố Ngôi Hai làm người sinh xuống và ở giữa nhân loại. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế giới luôn luôn là một dấu chỉ, một ngôn ngữ để Thiên Chúa nói với loài người. Vậy qua biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa muốn tỏ mình ra, muốn “lộ diện” với nhân loại, để nhân loại thấy được Thiên Chúa vô hình và kế hoạch ân sủng của Người (xem Ga 1,18).
1. Vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên nhân loại (bài đọc Cựu Ước – Is 60,1-6)
Qua cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, Giêrusalem không còn là thủ đô của dân tộc nhỏ bé Ít-ra-en nữa, nhưng nó đã trở nên “đô thành của Thiên Chúa” và trung tâm cứu độ của toàn thể thế giới rồi. Từ bao lâu nay, thế giới nằm dưới ách thống trị của bóng tối và mây mù tội lỗi. Tình trạng của Giêrusalem cũng không hơn gì thế giới, vì cũng ở trong tối tăm và chẳng dân tộc nào nhận ra nó. Nhưng khi Giêrusalem được mặt trời công chính ngự đến thì chỗ đứng của nó hoàn toàn thay đổi. Giêrusalem đã được chọn làm nơi “vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa”. Vì thế ngôn sứ kêu gọi Giêrusalem hãy đứng cao lên để toàn thế giới nhận được ánh bình minh của Đức Chúa. Giêrusalem sẽ chứng kiến tầm quan trọng của nó vì nó trở nên nguồn sáng lôi cuốn và hướng dẫn toàn nhân loại đến một vương quốc mới.
Ngôn sứ I-sai-a sử dụng hình ảnh giàu có phong phú của một quốc gia trần thế để diễn tả một thực tại thiêng liêng là vương quốc ân sủng của Thiên Chúa. Theo quan niệm Do-thái, một quốc gia hùng mạnh là quốc gia đông dân cư và giàu sang, với của cải vàng bạc từ các nước thiên hạ đổ về qua đường biển, hoặc qua đường bộ và chở đầy trên lưng đàn lạc đà không sao đếm xuể. Hình ảnh ấy tượng trưng cho sự sung mãn ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại khi Con Một xuống thế làm người tại Giêrusalem mới. Muôn dân nước “đều tập hợp, kéo đến” để nhìn nhận “vinh quang của Thiên Chúa”.
Nhưng vinh quang của Thiên Chúa phải chăng là quyền năng cao cả của Người? Đúng vậy. Tuy nhiên hơn thế nữa, quyền năng cao cả ấy được biểu hiện qua việc làm yêu thương của Thiên Chúa khi Người ban cho ta Con Một. “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (l Ga 4,9). Thiên Chúa có cả một kế hoạch để chiếu tỏa vinh quang của Người trên Giêrusalem mới, tức là kế hoạch ân sủng được thực hiện một cách lạ lùng qua Đức Giêsu Kitô và thánh Phaolô Tông đồ gọi đó là Mầu nhiệm Đức Kitô.
2. Mầu nhiệm Đức Kitô được mặc khải cho cả Ít-ra-en lẫn dân ngoại (bài đọc Tân Ước – Ep 3,2-3a.5-6)
Thần học gia Phaolô cho ta một cái nhìn thật rõ ràng về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kế hoạch cứu độ, những từ này nói lên công việc Thiên Chúa làm và sự rỗi của ta là đối tượng của công việc ấy. Những từ này nhấn mạnh về phía Thiên Chúa chủ động. Nhưng đối với thánh Phaolô, việc cứu rỗi không phải là việc làm của mình Thiên Chúa, mà còn phải có sự đáp trả của ta. Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ, nhưng ta là kẻ được lãnh nhận cần phải cộng tác tích cực, sử dụng ân sủng đó để sống như con cái Thiên Chúa hầu đạt tới mức sung mãn trong Đức Kitô. Do đó, thánh Phaolô gọi kế hoạch đó là “kế hoạch ân sủng”, vì Đấng ban ân sủng cũng như những kẻ lãnh nhận ân sủng sẽ cùng cộng tác với nhau mà đến với nhau và làm cho quan hệ đôi bên được vững bền muôn đời. Ta không thể tưởng tượng nổi tại sao Thiên Chúa lại chọn cách thế như vậy để đến với nhân loại và cứu độ con người. Quả thực là một mầu nhiệm! Trong tiếng La-tinh, mầu nhiệm cứu độ thường được gọi là “kế hoạch cứu độ” (economia salutis). Mầu nhiệm này được Thiên Chúa tỏ ra và thực hiện qua Đức Kitô nên thánh Phaolô gọi là “Mầu nhiệm Đức Kitô”.
Thánh Phaolô cho ta một định nghĩa đầy đủ về mầu nhiệm này. “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).
Vậy Thiên Chúa muốn tỏ cho ta biết những gì qua “Mầu nhiệm Đức Kitô”? Có ba điểm cốt yếu trong chân lý mầu nhiệm này. Trước hết Thiên Chúa muốn mọi người không trừ ai, Do-thái cũng như dân ngoại, đều được cùng hưởng phần phúc gia nghiệp của Người, tức là lời hứa được cứu độ. Mầu nhiệm Đức Kitô khẳng định tính cách phổ cập của ơn cứu độ. Dù thuộc bất cứ dân tộc nào, nền văn hóa nào, hoặc giai cấp nào trong xã hội mọi người đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa, vì đây là kế hoạch ân sủng dành cho tất cả nhân loại. Nhờ chia sẻ cùng một bản thể nhân loại với Đức Kitô nên ta được mời gọi lãnh ân sủng Thiên Chúa ban cho ta trong Đức Kitô.
Điểm thứ hai mầu nhiệm Đức Kitô cho ta thấy vai trò quan trọng của Đấng thực hiện kế hoạch ân sủng là Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa không đặt kho tàng ân sủng cứu độ ấy ở trên trời hay một địa điểm đặc biệt nào đó dưới thế gian, vì như thế làm sao con người có thể tìm kiếm được. Nhưng Người đặt nguồn ơn cứu độ ấy “trong Đức Kitô Giêsu”, Đấng được Chúa Cha sai đến “làm người để chuộc tội cho thiên hạ” (Rm 8,3). Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm, cho nên khi Đức Kitô thực hiện kế hoạch ân sủng cứu độ qua bản thể nhân loại và bản thể Thiên Chúa của Người, thì tất cả những lời giảng, việc làm, cái chết và sự phục sinh của Người đều có giá trị của Thiên Chúa và có khả năng cứu độ mọi người. Người chịu cuộc Thương Khó, chết và sống lại, để được Thiên Chúa tôn vinh và đặt làm anh cả của một đoàn em đông đúc, tức là nhân loại mới (Rm 8,29).
Điểm thứ ba nói lên phương thức giúp mọi người nhận biết và tin vào Đấng Cứu Độ. Đó là “nhờ Tin Mừng”. Tin Mừng cứu độ này “những người thuộc các thế hệ trước”, tức là các vị ngôn sứ thời Cựu Ước, không có diễm phúc biết tới. Chỉ có các thánh Tông đồ mới là những người được biết và được Thiên Chúa trao phó cho nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng ấy. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phaolô nói về sứ vụ rao giảng Tin Mừng như sau: “Thế nhưng làm sao người ta kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?… Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ I-sai-a đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,14-17).
3. “Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người” (bài Tin Mừng – Mt 2,1-12)
“Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng”, thánh Phaolô đã phải cay đắng nói lên sự thật phũ phàng ấy. Thánh Gio-an Tông đồ cũng đồng quan điểm khi ngài khẳng định ngay trong lời tựa sách Tin Mừng: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Câu truyện các nhà chiêm tinh phương Đông đến bái lạy Hài Nhi Giêsu trong khi vua Hê-rô-đê bối rối và dân thành Giêrusalem xôn xao đã chứng thực điều các thánh Tông đồ khẳng định là một sự thật. Chúa Giêsu Kitô được sai đến để cứu độ mọi người và mọi người được mời gọi đón nhận Người, đó là một tin mừng. Nhưng người ta từ chối không tin nhận Người là Đấng Cứu Độ. Như thế Tin Mừng đã trở thành tin buồn đối với họ rồi.
Rõ ràng có hai lớp người khác nhau theo câu truyện trong bài Tin Mừng. Các nhà chiêm tinh đại diện cho những người tin vào Đức Kitô, còn vua Hê-rô-đê và dân Giêrusalem thay mặt cho những kẻ chối bỏ Đức Kitô. Gặp được Đức Kitô, các nhà chiêm tinh đã thay đổi cuộc đời mình. Hình ảnh các ông “đi lối khác mà về xứ mình” thật có ý nghĩa. “Lối khác” đây chính là con đường Đức Kitô dạy trong Tin Mừng của Người. Còn “xứ mình” không phải là phương Đông nữa, mà là quê hương đích thực của họ, tức nhà Cha trên trời.
Bài Tin Mừng là một kết luận của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặt ta trong tư thế phải trả lời dứt khoát: tin Đức Kitô và đón nhận ân sủng cứu độ, hay là chối bỏ Người và hư mất đời đời.
4. Sống Lời Chúa
Thiên Chúa yêu thương ta và muốn tỏ cho ta biết Người yêu thương ta đến ngần nào. Qua biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa cho ta biết Người là ai và muốn làm gì để ta được làm con cái Người và được cứu độ. Điều đáng mừng nhất, đó là ơn cứu độ đã được ban cho mọi người không trừ ai. Dĩ nhiên ta không phải là người Do-thái, nhưng cũng không bị loại bỏ, trái lại được quyền đến chia sẻ cùng một gia nghiệp của Thiên Chúa. Nhưng điều quan trọng là ta có thực lòng và hăng hái đón nhận Đức Kitô như các nhà chiêm tinh phương Đông hay không.
Suy nghĩ: Các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ mình”. Các vị ấy đã từ bỏ lối sống cũ để đi theo lối sống của Đức Kitô. Vậy lối sống cũ của tôi là lối sống nào? Ngôi sao tức là Ánh Sáng Tin Mừng đã soi lối cho tôi bước đi. Vậy tôi có đi theo Ánh sao ấy không hay vẫn “đường xưa lối cũ” từ bao năm nay?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối đưa đường, xin dủ lòng thương đưa chúng con về chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen. (Lời Nguyện Nhập Lễ, Lễ Chúa Hiển Linh).
10. Cuộc hành trình đức tin
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)
TỪ MỘT VÌ SAO LẠ…
Có ba thái độ khác nhau khi con người phát hiện ra một vì sao lạ:
Thái độ Thành Tâm Thiện Chí của các nhà chiêm tinh. (thường gọi Ba Vua)
Khi phát hiện ra một vì sao lạ, các nhà chiêm tinh từ phương Đông đã đến Giêrusalem để tìm “Đức Vua dân Do Thái”.
“Vào thời đó mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh. Họ tin rằng, dựa vào vì sao họ có thể tiên đoán tương lai. Họ cũng tin rằng số mệnh một người được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Điều này cũng dễ hiểu, vì các ngôi sao đi theo một đường cố định, chúng tượng trưng cho trật tự vũ trụ. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, nếu trật tự của từng trời bị dao động bởi một hiện tượng đặc biệt, thì dường như Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự việc nào đó.” (William Barclay).
Lịch sử cho thấy, vào thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh, trong thế giới lúc ấy cũng có sự chờ mong một vị vua sẽ đến. Như ở Roma, sử gia Suetonius đã viết: “Khắp phương Đông có một niềm tin là vào thời đó, nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế giới”, (Suetonius, Đời sống Vespasian 4,5). Sử gia Tacitus cũng đã viết: “Có một xác tín rằng trong chính thời gian này, phương Đông trở nên hùng mạnh và những người cai trị đến từ Giuđê sẽ chiếm được đế quốc toàn cầu” (Tacitus, Biên niên sử 5,13). Người Do Thái cũng tin: “Vào khoảng thời gian đó, một người trong xứ họ sẽ trở thành vua của mọi dân trên mặt đất” (Josephus, Những cuộc chiến tranh của người Do Thái 6,5)…
“Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang thiết tha trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa. Sự khao khát nung nấu lòng người. Họ đã nhận biết mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến với một thế gian đang khắc khoải đợi mong và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên Chúa Giêsu chinh phục thế giới.” (William Barclay).
“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt.2,2).
Họ bái lạy với trọn vẹn lòng thành sau cuộc hành trình xa xôi vất vả. Niềm tin vào “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra” là hoàn toàn chân thật và họ đã dâng lên Hài Đồng Giêsu những lễ vật tượng trưng sự cao trọng và ý nghĩa nhất dành cho Đấng Cứu Thế.
“Vàng là để tặng vua, nhũ hương tặng thầy tế lễ, mộc dược dành cho Đấng phải chịu chết. Đấy là những lễ vật của các nhà chiêm tinh dâng ngay trước nôi của Chúa Giêsu. Những lễ vật đó có ý nghĩa Ngài là vua chân thật, thầy tế lễ trọn vẹn và sau hết, Ngài là Đấng Cứu Thế cao cả của loài người” (William Barclay).
Thái độ Ganh Ghét và Thù Địch của vua Hêrôđê.
“Con vua thì được làm vua. Con sãi ở Chùa thì quét lá đa”.
Vua nào cũng muốn bảo vệ ngai vàng của mình, và cho con cháu sau này. Nên khi nghe nói có một hài nhi sinh ra sẽ là vua thì tất nhiên vua nào cũng lo lắng. Nhưng, đối với con người của Hêrôdê, thì sự lo lắng càng dữ dội hơn nữa, vì cá tính đầy tham vọng của ông.
Lịch sử cho biết ông là một người đa nghi. Về điểm này, ông rất giống Tào Tháo. Sẵn sàng giết chết bất cứ ai mà ông nghi làm tổn hại đến quyền hành của ông. Ông đã giết vợ là Mariamne cùng mẹ nàng là Alexandra. Con cả là Antipater và hai con trai khác là Alexander, Aristobulus cũng bị ông sát hại. Hoàng đế Rôma là Augustus cay đắng nói rằng: “Làm con heo của Hêrôdê còn an toàn hơn làm con trai ông ta”.
Một con người đầy tham vọng như vậy làm sao có thể đón nhận được Thiên Chúa, Vua Tình Thương.
Vì thế, ông tìm cách loại trừ Hài Nhi Giêsu.
Thái độ Dửng Dưng như không hay biết gì của các thượng tế và kinh sư.
“Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mt. 2,4-6).
Các thượng tế và kinh sư quả thấm nhuần Kinh Thánh, nhưng rõ ràng thái độ của họ xem những gì nói đến trong Kinh Thánh như những chuyện huyền thoại xa xưa không dính líu gì với cuộc đời họ. Và rồi, có hay không có Giêsu cũng không thành vấn đề gì đối với họ.
Họ đang no đầy những lợi lộc và cả quyền lực. Họ không thể thay đổi con đường của họ đang đi. Họ bằng lòng với những gì đang có, cuộc sống của người khác mặc họ. Một Đấng Cứu Tinh không như ý họ thì cần gì phải quan tâm đến.
… ĐẾN VÌ SAO THÁNH GIÁ
Ở quê tôi, tôi quen biết một anh công giáo rất tốt. Anh thường xuyên đi lễ ngày thường, và giúp nhiều việc nhà thờ. Nhưng sau 1975, anh không đến nhà thờ nữa. Một ngày kia, sau khi nhận một chức vụ lớn ở xã, anh dẹp bàn thờ Chúa và Đức Mẹ mà anh đang để nơi trang trọng nhất giữa nhà. Bước vào nhà anh, không còn dấu vết gì là người Công Giáo. Sau ba bốn năm làm việc, rồi anh cũng đã quay về, dựng lại bàn thờ xưa. Đường công danh thấy cũng không đến đâu.
Ở quê tôi, có một anh cũng có một chức vụ quan trọng. Anh này không chỉ xoá dấu vết Công Giáo ở nhà, mà muốn khẳng định mình đã đoạn tuyệt với Đạo. Lúc ấy, tôi chưa biết anh, tôi nghe đồn là anh ta đã kích Đạo dữ lắm. Một hôm, tình cờ tôi đi dự tiệc giỗ cùng với một Cha và ngồi cùng bàn với anh ta, và được một người giới thiệu danh tánh và chức vụ của anh. Đang giữa tiệc, anh xé một miếng bánh mì và nói: “Này là mình ta…”, rồi anh cầm lấy ly rượu, nói tiếp: “Này là máu ta…”. Vị linh mục và tôi bước ra khỏi bàn …Sau này, anh mất chức. Nghe nói có một người có chức vụ lớn đã nói về anh ta: “Là một người Công Giáo được dạy dỗ từ nhỏ mà anh ta còn quay lại xúc phạm đến thế, thì có thể tin anh sẽ là người trung thành khi anh là một người mới gia nhập vào một tổ chức nào đó không?”.
Đã hơn hai ngàn năm qua, Thiên-Chúa-làm-người-và-ở-cùng-chúng-ta vẫn mời gọi con người đến với Ngài sau khi Ngài đi bước trước là “đã đến với nhân loại”. Tình yêu không thể đơn phương, tình yêu cần có sự đáp trả. Con người cần có thành tâm thiện chí để đến với Ngài.
Thành tâm thiện chí như các đạo sĩ phương đông. Không ngừng tìm hiểu dấu chỉ của Thiên Chúa (khám phá ra vì sao lạ). Hành trình Đức Tin (tìm đến với Thiên Chúa). Vượt qua mọi thử thách (khi vì sao lạ khuất bóng). Thờ lạy Chúa hết lòng (dâng lễ vật) và luôn biết khôn ngoan để bảo vệ niềm tin (đi con đường khác trở vể quê hương).
Xem đó, chúng ta thấy cần có một con tim yêu thương mãnh liệt để đáp lại tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành cho con người.
Nếu không, tiền, tình, danh vọng; tham, sân, si, sẽ là những chướng ngại vật, những rào cản tách con người xa lìa Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, hờ hững với Thiên Chúa.
Chúng ta có thể tìm thấy trong thế giới hôm nay hình ảnh những Hêrôđê, những thượng tế và biệt phái thời đại, và có khi, chúng ta cũng tìm thấy những hình ảnh ấy ở trong chính ta.
Tôi nhớ ngày xưa có lần tôi xem một câu truyện cổ tích.
Câu chuyện kể về một mối tình thật đẹp của một đôi nam nữ. Nhưng một bà phù thủy độc ác đã ganh tỵ muốn xé lẻ đôi uyên ương ấy, bà hô lên lời nguyền biến chàng trai thành một con dã nhân trông ghê rợn và chỉ trở lại kiếp người như xưa nếu có một ngày nào đó cô gái ấy dám nhìn thẳng vào đôi mắt của anh. Chính anh cũng không biết được chiếc chìa khóa ấy để giải lời nguyền của bà phú thủy độc ác. Nhận ra mình mang lốt loài thú hoang dã, không còn nói được tiếng người, anh đau buồn và âm thầm lánh xa cô gái. Cô gái không hay biết điều gì. Cô vô cùng đau khổ vì người yêu bổng dưng bỏ cô đi đâu biền biệt.
Một bà tiên hiền lành đã thương tình muốn cứu chàng trai và trả lại tình yêu trong sáng cho họ. Bà gặp cô gái và trao cho cô một “viên ngọc dẫn đường” để cô đi tìm người yêu. Cô đặt viên ngọc trước mặt, nó lăn đi qua muôn nẻo đường băng sông vượt núi. Cô gái đáng thương cứ bám theo viên ngọc. Có lúc cô gục ngã và đứng lên tiếp tục cuộc hành trình không có điểm hẹn, không có giới hạn thời gian. Có lúc tưởng như cô bỏ cuộc. Có lúc tưởng như cô không còn đủ sức đứng lên.
Cuối cùng, cô đến một bờ rừng. Cô gặp một dòng suối, cô cố gắng cúi xuống uống vài ngụm nước và mệt mỏi nằm bất động bên bờ suối. Tiếng muôn thú trong rừng về đêm nghe ghê rợn, nhưng cô gái tội nghiệp không hay biết gì. Cô đã chìm sâu trong giấc ngủ.
Cô tỉnh dậy, muôn tiếng chim đua hót líu lo hòa vang khúc nhạc ngày mới. Nắng ban mai xuyên qua cành lá như những sợi tơ vàng óng ánh quanh cô. Cô gái đẹp như tiên nữ dạo chơi trần thế, nhưng nỗi sầu trong lòng cô vẫn đang trĩu nặng. Viên ngọc dẫn đường nằm im lìm và cô không biết phải đi đâu nữa.
Chợt cô nghe tiếng vỡ gẫy của những nhành cây cỏ dại. Cô quay nhìn lại, phía sau cô, nép mình sau gốc cổ thụ, một bóng hình đen đúa như ma quái. Một con quái vật! Cô gái thét lên và bỏ chạy. Cô không còn sức nữa, cô ngã xuống và nằm im một lúc. Cô ngồi dậy, đứng lên định chạy nữa, rồi lại té xuống, cứ thế, đôi ba lần. Cô liết nhìn con quái vật, đầy sợ hãi. Con vật vẫn còn đó. Nó đứng im.
Cuối cùng, cô đứng dậy. Can đảm nhìn về con quái vật. Lúc này, cô thấy rõ đó là con dã nhân. Cô nhìn nó. Nó không có vẻ gì hung dữ. Nó không có vẻ gì đang muốn hãm hại cô.
Con dã nhân tiến lại gần cô. Những ngày tháng đi theo “viên ngọc dẫn đường”, cùng với những giây phút sự sợ hãi hôm nay đã làm cô kiệt sức. Cô đứng im lặng, thu hết can đảm để nhìn con dã nhân đang tiến lại mỗi lúc một gần cô hơn. Gần hơn… rất gần. Mắt cô nhìn thẳng và đôi mắt nó.
Trong khoảnh khắc tột cùng sợ hãi, cô ngỡ ngàng nhận ra một ánh mắt thật quen không thể nào hòa lẫn với ánh mắt nào khác. Cũng trong khoảnh khắc huyền diệu ấy, cô gái nhận ra người yêu cô đang đứng trước mặt.
Viên ngọc dẫn dường nằm ở đâu đó lóe sáng lên và biến mất.
Nếu Giáng Sinh đầu tiên có một vì sao lạ đã dẫn đưa ba nhà đạo sĩ tìm đến Hang Đá thờ lạy Đấng Cứu Thế, thì ngày nay, vì sao Thánh Giá dẫn đưa nhân loại về với Thiên Chúa để cùng chung tôn thờ Thiên Chúa và xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ.
Cuộc hành trình này còn đầy gian nan thử thách. Còn đòi hỏi nhiều hy sinh. Không có tình yêu thánh giá, con người không thể nào đi đến bến bờ đoàn tụ yêu thương.
Lạy Chúa,
Xin cho mọi người nhận ra một vì sao lạ:
-“Vì sao Thánh Giá”
tỏa sáng muôn nơi,
khắp mọi phương trời,
dẫn đưa con người,
về miền đất hứa:
-“Thế giới đệ huynh
anh em một nhà,
Thiên Chúa là Cha.” Amen.
Nguồn"giaophanvinh.net"