2 Ảnh

11.1.14

Chúa Giêsu chịu phép rửa

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa (A): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay nhắc chúng ta xác tín hơn vào mầu nhiệm nhập thể làm người của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô đang ở giữa chúng ta, một Thiên Chúa đã kết thân với con người và gần gũi với nhân loại. Tầng trời bị che lấp bởi tội lỗi nay được mở ra với Đấng Cứu Thế để Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Đấng mà Chúa Cha yêu thương và gọi là “Con Yêu Dấu”. Chính biến cố này còn nhắc nhở chúng ta về ơn phép Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta được tái sinh để trở nên người mới, nghĩa là chúng ta đã thực sự trở nên con cái của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Chúng ta không còn phải là kẻ xa lạ mà là người nhà của Thiên Chúa. Vì chính qua bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được tháp nhập làm chi thể mà Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta còn được tham dự vào các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Giêsu…

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM A

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17
-------------

PHÚC ÂM: Mt 3, 13-17
"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".

1. Dấu Thánh Giá

Câu chuyện sau đây xảy ra vào thời Giáo Hội bị cấm cách tại một địa phương truyền giáo. Hôm ấy trong một nhà nguyện chặt ních người dự lễ, khi thanh lễ vừa mới bắt đầu. thì một người lính trang bị đầy đủ vũ khí xuất hiện ngay trước cửa của nhà nguyện khiến mọi người hết sức lo sợ. Vị linh mục bình tĩnh, ngài quay ra nhìn người lính. Anh ta cảm thấy một sức hút kỳ lạ, anh mỉm cười và làm dấu thánh giá. Hiểu ý, vị linh mục gật đầu mỉm cười và quay vào bàn thờ để tiếp tục thanh lễ. Dấu thánh giá chứng tỏ rằng anh lính đó là người có đạo, là người công giáo.

Nhiều lần chúng ta dùng nước phép để làm dấu thánh giá. Nghi thức này có nhiều ý nghĩa. Trước hết nó nhắc nhở cho chúng ta việc Đức Kitô bước xuống sông Giođan, cũng như bí tích Rửa Tội, nhờ đó chúng ta được gia nhập cộng đoàn dân Chúa, là Giáo Hội. Đồng thời còn nói lên việc thanh tẩy tâm hồn để được xứng đáng tiến đến với Chúa. Ngoài ra nó còn nhắc nhở chúng ta hãy loại bỏ những chia trí, những cám dỗ của thế gian để được thuộc hẳn vào Chúa. Hơn thế nữa nó còn cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá vì tất cả chúng ta, người ngay lành thánh cũng như kẻ tội lỗi.

Mỗi khi làm dấu thánh giá, thì niềm tin của chúng ta được củng cố. Niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Dấu thánh giá còn tỏ ra sự dâng hiến hồn xác con người để phụng sự Chúa. Nó là lời tuyên xưng thật đơn sơ, nhưng lại vô cùng đẹp đẽ. Nó chứng tỏ chúng ta là người công giáo.

Cũng như người lính trong câu chuyện đã làm dấu thánh giá để tỏ ra anh là người công giáo. Đối với anh lính đó, cũng như đối với chúng ta, dấu thánh giá chứng tỏ rằng chúng ta là thành phần của một cộng đoàn, được tụ hợp để thờ phượng Thiên Chúa.

Ngay khi được mai táng với Đức Kitô trong bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng được sống lại với Ngài. Sự chết và phục sinh của Ngài được làm lại mỗi ngày trong thánh lễ. Rồi trước khi ra về, chúng ta cũng làm dấu thánh giá để được thêm sức mạnh, để được khích lệ hầu sống xứng đáng là những chứng nhân Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.

Chính vì thế, với những ý nghĩa phong phú kể trên, chúng ta hãy làm dấu thánh giá cho trang nghiêm và sốt sắng. Đồng thời chúng ta hãy ý thức rằng thánh giá là dấu chỉ của một tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng ta, như lời thánh Phaolô: Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.

2. Chọn lựa

Chúa Giêsu chịu thanh tẩy hẳn không phải là để thú nhận tội lỗi. Tin Mừng cho thấy: Là người Do Thái, Chúa Giêsu đã giữ trọn tất cả những gì lề luật đòi hỏi nơi một người Do Thái. Sinh ra được 8 ngày, Ngài đã chịu phép cắt bì. Rồi khi đã đủ ngày, Ngài được dâng tiến cho Thiên Chúa tại đền thờ. Và năm 12 tuổi, Ngài đã theo cha mẹ đi Giêrusalem vào những dịp lễ lớn. Vì thế, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu xuất hiện bên bờ sông Giođan để chịu phép rửa.

Tuy nhiên, đọc lại Tin Mừng chúng ta có thể nhận ra điều này là tuy tham dự tất cả những nghi lễ theo luật dạy, nơi Chúa Giêsu vẫn có một cái gì khác, vượt ra ngoài điều các nghi lễ muốn ám chỉ, khiến cho những nghi lễ ấy có một cái gì mới mẻ hơn, hoàn thiện hơn.

Chẳng hạn khi Ngài chịu cắt bì và được đặt tên. Nhưng tên được đặt cho Ngài lại là tên do thiên thần gọi trước khi Ngài đầu thai trong lòng mẹ. Khi tiến dâng nơi đền thờ, Ngài đã được đón chào như ánh sáng chiếu soi muôn dân.

Hiện tượng vượt khung này lại càng tỏ rõ hơn qua việc Chúa chịu phép rửa ngày hôm nay. Thực vậy Tin Mừng cho chúng ta thấy có sự tương phản giữa Gioan và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là người đến sau nhưng lại là người quyền thế hơn, mạnh sức hơn. Còn Gioan người đi trước thì chỉ là kẻ tôi tớ, không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Việc thanh tẩy của Gioan chỉ là một thứ thanh tẩy bằng nước, trong khi đó việc thanh tẩy của Chúa Giêsu lại chính là thanh tẩy bằng Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, chóp đỉnh của sự kiện này đó là việc giới thiệu Chúa Giêsu, Đấng vừa chịu phép rửa, là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ đến để cứu chuộc nhân loại. Đúng thế, công cuộc cứu chuộc không thể được hiểu như một cái gì có thể đạt được qua công nghiệp, nhưng qua cuộc sống. Chúa Giêsu đã sống ơn cứu chuộc nơi mình Ngài. Bởi đó, Ngài đã xuống sông Giocđan như mọi kẻ tội lỗi khác, nhưng lại với tính cách là Con Thiên Chúa. Cả cuộc hành trình cứu chuộc được thu gọn lại nơi việc Chúa Giêsu chịu thanh tẩy.

Sở dĩ như vậy là vì các chi tiết trong việc thanh tẩy đã gợi lại những gì diễn ra trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu: Ngài xuống dưới nước như xác Ngài bị chôn trong mồ. Trời mở ra như bức màn của đền thờ bị xé. Thánh Thần đáp xuống với tiếng từ trời phán ra gợi lại việc Chúa phục sinh, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần xuống.

Với chúng ta cũng vậy, là người Kitô hữu, chúng ta đã được chịu phép thanh tẩy, không phải bởi tay Gioan, nghĩa là bằng nước, mà từ sự chết và sống lại của Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phép thanh tẩy này không chỉ là một nghi lễ tẩy sạch tội tổ tông, mà còn là một biến cố mở đầu cho một cuộc hành trình, hay nói đúng hơn, một cuộc đấu tranh và chiến thắng tội lỗi. Như thế, con đường cứu rỗi là một sự lựa chọn dứt khoát: chọn Thiên Chúa thay vì ma quỷ, chọn điều thiện thay vì điều ác. Phép thanh tẩy như thế không phải chỉ là một bí tích được chịu một lần rồi thôi, mà còn là chính cuộc sống người Kitô hữu nữa.

3. Con yêu dấu

(Trích từ ‘Manna’)

Suy Niệm

Xếp hàng chung với những người thu thuế, tội lỗi, Đức Giêsu chờ đến phiên mình được Gioan làm phép rửa.

Gioan bối rối, khước từ. Đấng ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa sám hối.

Đức Giêsu mời gọi ông cứ làm, dù ông không hiểu, vì đó là điều hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Matthêu (3,15) tóm gọn cả cuộc đời tương lai của Ngài. Ngài chỉ muốn giữ trọn, làm trọn điều Thiên Chúa muốn.

Đức Giêsu hạ mình trước mặt Gioan, và Ngài còn dìm mình thật sâu trong dòng nước. Ngài chia sẻ cùng một dòng nước với những hối nhân. Ngài liên đới với sự hoán cải của cả dân tộc.

Chính lúc Ngài tự hạ vì vâng phục, Thiên Chúa lại muốn long trọng tôn vinh Ngài.

“Vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra.” Tầng trời mở ra là dấu hiệu Thiên Chúa muốn ngỏ lời.

“Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự trên Người.” Đức Giêsu đã được thụ thai nhờ Thánh Thần, nay Ngài lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ.

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Chúa Cha trìu mến giới thiệu cho ta Con của Ngài. Cha tấn phong Ngài làm Mêsia, nhưng theo kiểu một Tôi Tớ.

Đức Giêsu hiểu những gì Cha mới vén mở cho mình.

Qua bao năm cầu nguyện, Ngài đã được Cha tỏ lộ về căn tính và sứ mạng thiên sai của Ngài.

Nhưng hôm nay, nơi sông Giođan, Cha đã chuẩn nhận một cách long trọng và dứt khoát. Cả con người Ngài bừng lên ánh sáng và sức mạnh.

Đức Giêsu biết giai đoạn ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc. Đã đến lúc Cha muốn Ngài lên đường.

Kinh nghiệm bên sông Giođan, Đức Giêsu chẳng thể quên. Kinh nghiệm ấy được sống và lớn lên trong suốt đời Ngài.

Ngài không chỉ đứng chung với tội nhân, Ngài còn gần gũi họ, nâng dậy và gánh tội của họ.

Ngài chết với những tội nhân và chết như một tội nhân.

Các tầng trời đã mở ra và không bao giờ khép lại. Sự hiện diện, lời nói, hành động của Ngài đã luôn là một vén mở về khuôn mặt của Thiên Chúa.

Thần Khí Thiên Chúa đã ngự trên và ngự trong Ngài. Thần Khí là bạn đường, hướng dẫn Ngài vào hoang địa, đưa Ngài đi giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật.

Thần Khí làm Ngài hớn hở mừng vui cất lời ca ngợi.

Nhờ Thánh Thần, Ngài đã luôn sống như Con của Cha, luôn làm điều đẹp lòng Cha và sống đơn sơ phó thác.

Phép rửa ở Giođan chuẩn bị cho phép rửa nơi thập giá.

Chúng ta được mời gọi sống phép Rửa mình đã lãnh nhận. Mai táng cái tôi ích kỷ và rạng rỡ trong cái tôi tự do.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, đâu là khuôn mặt của một Kitô hữu lý tưởng? Tương quan của người này với Ba Ngôi, với Hội Thánh và với thế giới có những nét đặc biệt nào?

Đối với Đức Giêsu là một chuỗi những tự hạ vì vâng phục Cha và yêu thương con người. Bạn có thể kể một số tự hạ của Ngài không? Bạn nghĩ gì về sự tự hạ của bạn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

4. Dòng sông Chúa dẫn tôi về

(Suy niệm của Lm. Giuse Lê Quan Trung)

Mỗi khi có dịp xem lại những bộ phim tường thuật lại cuộc đời sứ vụ của Đấng Cứu Thế, tôi luôn cảm thấy gai người, cảm thấy lạ lùng, cảm thấy hạnh phúc, khi thấy Đấng Cứu Độ thong thả hòa mình cùng đoàn người nhấn mình vào dòng sông Gio-đan để đến cùng vị Tiền Hô, bày tỏ lòng sám hối về những lầm lỗi trong quá khứ của mình. Một hình ảnh cảm thông và đồng hành quá đẹp! Một hình ảnh sẻ chia và nâng đỡ, mà trước đó chưa từng có, và mãi mãi ngàn sao cũng không thể tìm! Một hình ảnh khởi báo cho dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” mà thánh sử Luca sẽ ghi lại sau này (Lc 15,11-32) để tôi hiểu được: Chúa không chỉ diễn tả lòng yêu thương của Đấng Tạo Thành dành cho nhân loại bằng lời, mà Ngài còn thể hiện lòng yêu thương ấy bằng cách đến với, ở với và sống với thụ tạo mà Ngài yêu thương nhất qua hành động cụ thể, rõ ràng và thiết thực nhất. Một bài học sống động hình thành trọn vẹn Giới Luật Yêu Thương.

Không chỉ có thể, đọc lại trình thuật của thánh sử Matthêu ghi lại quang cảnh trên (Mt 3, 13-17), chính thái độ đối đáp giữa đôi anh em bạn dì, nơi mà mỗi vị điều mang một sứ vụ rất đặc biệt trong Chương Trình Cứu Độ mà Thiên Chúa đã trao ban, Hai Đấng đã giúp tôi hiểu ra nhiều điều mà lâu nay tôi vẫn lầm lẫn trong đời Sống Đạo của mình.

I. Giữ luật Giáo Hội là sống đúng theo Thánh ý Chúa:

Đấng Cứu Thế tự nguyện đến gặp vị Tiền Hô để xin ông làm phép rửa cho mình với lời khẳng định: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Một Đấng toàn thiện toàn hảo! Một Đấng trong trắng vẹn tuyền! Một Đấng không chút ô nhơ! Vậy mà Người chấp nhận phép rửa sám hối của Gioan Tiền Hô để trở nên “người công chính” đúng nghĩa của nhân gian: giữ và sống đúng luật mà Thiên Chúa đã mách bảo, đã hướng dẫn, đã quy định cho các tổ phụ từ ngàn xưa. Vậy mà tôi…

- Khi thấy luật Giáo Hội có lúc không giống như ý mình muốn! Có lúc không hợp với cung cách sống của mình! Có lúc như rào cản làm mình không thể thực hiện sự tự do theo quan niệm cá nhân! Tôi đã vội trách Chúa, lên án Giáo Hội, và lắm khi còn lăm le trở thành đối nghịch nữa!!! Thật đáng thương nhưng cũng đáng sợ cho cách sống đạo của tôi. “Chiến thắng chính mình”! quả không phải lúc nào cũng dễ!

- Nhìn lại quá khứ sống đạo của bản thân, tôi mới thấy thấm thía cho sự bộp chộp, nóng vội của mình vì cạn nghĩ, vì không thấm sâu lời Chúa, vì tầm nhìn chỉ đóng khung trong tính tự ái cao ngạo của mình! Từ đó lắm khi chính tôi đã tự đẩy mình ra khỏi dòng nước tái sinh mà chính Chúa đã làm mẫu mực để tôi biết sống vâng phục hơn, để đời tôi được thanh thản hơn, để dòng nước Gio-đan thánh thiêng giúp tôi gội sạch ý mình đúng như ý Chúa hơn!

II. Giữ luật Giáo Hội là cùng Chúa đến với tha nhân:

Khung cảnh Chúa Giêsu trầm mình dưới làn nước trong xanh của sông Gio-đan qua sự tuân phục của vị Tiền Hô khi cử hành nghi thức sám hối đã đưa tôi đến sự cảm phục cả hai Đấng: tất cả ý riêng đã được gạt hẳn một bên để ý Thiên Chúa Cha được thể hiện trọn vẹn. Dòng nước không chỉ ôm lấy Đấng Cứu Độ, Đấng Tiền Hô, mà còn mở rộng, ôm hết tất cả những ai thành tâm đến với nó. Tình liên đới của Hai Đấng đã giúp tôi hiểu được một điều: Chúa muốn tôi nổ lực thoát vòng kiềm chế của sự ác. Sự nỗ lực ấy luôn được sự cổ vũ, sự đồng hành, sự đỡ nâng của Người trên mọi nẻo đường đời, bởi Chúa vẫn biết: tâm nguyện thì thiện hảo nhưng thân xác lại bất toàn. Chuyện đứng lên lại vấp té dúi dụi trên con đường lữ hành là chuyện thường tình. Điều quan trọng là tôi có dám đứng lên để tiếp tục đi nữa hay không thôi!

Có vấp ngã, có té trợt, có bưu đầu sứt trán, tôi mới dễ cảm thông với sơ suất của người khác. Tôi mới có thể tự nguyện hòa mình vào dòng nước mát để đến với họ hầu giúp nhau gội sạch bụi trần: “Người là Cha giàu lòng lân ái, và Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ, ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm vào cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,3-4). Hình ảnh tự nguyện, hình ảnh vâng phục, hình ảnh đồng hành của Đấng Cứu Độ đã soi rọi cho tôi rất là nhiều điều, để: TRÍ của tôi được sáng suốt hơn! TÂM của tôi được mở rộng hơn! Ý của tôi được đúng đắn hơn! Dòng sông nội tâm sẽ giúp tôi hiểu được tình Chúa đang dành cho tôi, và sự mát mẻ thần thiên ấy Chúa muốn tôi cùng Chúa chuyển đến cho bất cứ ai mà tôi có dịp gặp gỡ trên đường đời: một lời chào thân mật! Một nụ cười thân thiết! Một nghĩa cử thân quen! Tình yêu của dòng Gio-đan năm ấy, Chúa muốn tôi chuyển tải trọn đời…

Bây giờ tôi đã hiểu: bao lâu tôi còn đắm mình trong dòng sông hạnh phúc với Chúa, dù nhớp nhơ vẫn chưa tẩy sạch, bởi lâu ngày chày tháng rong rêu phủ đầy, tôi vẫn được bình an và hạnh phúc! Bởi vì chính Chúa, phải chính Người đang đích thân kỳ cọ, tắm rửa cho tôi! Hạnh phúc thật giản đơn! Mãi tới giờ này, vẫn có người sao vẫn chưa tìm thấy? Bởi tại ai?

5. Người Con yêu dấu

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)

Thái độ ỷ lại của con người.

Thật, người ta khó tìm trong Tân Ước tâm tình sám hối, ít nhất là cách thể hiện bề ngoài, của những người Pharisêu và các Kinh sư. Có một trường hợp hiếm hoi khi nhiều người thuộc phái Pharisêu và Xa-đốc, hòa vào dòng người đông đảo từ nhiều nơi, cùng đến xin chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả ở sông Gio-đan, nhưng những người Pharisêu này chẳng những bị ông từ chối làm phép rửa sám hối cho họ, mà còn hơn thế nữa, ông đã lên án nặng nề thái độ của họ, vì cho rằng họ chỉ là những kẻ giả hình.

“Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: ‘nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: chúng ta đã có tổ phụ Ápraham. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sẵn gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quẳng vào lửa” (Mt.3,7-10).

Thái độ ỷ lại vào Ápraham mà Gioan đề cập, đã có nhiều người suy gẫm đến thái độ của những người đã được Rửa Tội, đã có Đức Tin Công Giáo đạo giòng, hay, đã là Kitô hữu. Hơn thế nữa, là tu sĩ, Giáo sĩ, những nhà Tu Đức thông thái…

Một sự ỷ lại vào “cội nguồn” như vậy, nghe có vẻ chắc chắn, nhưng rõ ràng, rất nguy hiểm, dễ đưa con người đến sự trống rỗng bề trong, “hữu danh vô thực” !

Chuyện Đời cũng thế, biết bao người “con ông cháu cha”, ỷ lại vào bề thế “gia phả”, “lý lịch”, “cái ghế” của cha ông, làm sụp đổ cả đời, có khi làm liên lụy, lung lay cả gốc rễ mình nương tựa!

Ngày xưa còn đi học, nhớ trong lớp có một thằng bạn du côn lắm, nó đánh lộn 6 lần, mà vẫn không bị đuổi học, vì nó là “con” một ông Cha giáo. Nó thông minh và học giỏi, nhưng sự ỷ lại vào bố nuôi của nó đã làm hỏng ước nguyện của nó. Nó không thể sửa đổi tính tình của nó.

Sự ỷ lại vào người khác làm mất sự phát huy tiềm năng của bản thân mình. Đó là loại cây không còn khả năng sinh hoa trái tốt. “Không ai là hoàn thiện”. “Nhân vô thập toàn”. “Bảy mươi chưa gọi mình lành”. “Sai lầm là thường tình của con người”. Sự ỷ lại dễ đưa người ta đến sai lầm và không biết ăn năn sám hối. Người Pharisêu là một thí dụ. Con người không biết sám hối, không thể thăng tiến được. Lòng sám hối đem lại hoa quả xứng đáng cho con người. “Hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối”. Sám hối không phải là nghi lễ bên ngoài, mà là hành động ở bên trong. “hãy xé lòng chứ đừng xé áo”.

Biết hối hận, ăn năn, con người sẽ làm những điều lành để phục thiện, từ đó, cây sẽ lại sinh hoa kết trái. Ngược lại, con người lún sâu trong lầm lỗi, lấy điều dữ làm lẽ sống, như cây không còn có khả năng sanh quả lành trái ngọt. Lúc ấy “Cái rìu đã đặt sẵn gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quẳng vào lửa” (Mt.3,10).

Khi đó, dù là Abraham có muốn cứu giúp, cũng chẳng thể nào được.

“Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ lên lưỡi con cho mát, vì ở đây, con bị lửa thiêu đốt khổ lắm ! Ông Ápraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc.16,24-26).

Niềm tin vào Giêsu.

Cũng tự xếp vào hàng những người tội lỗi, Chúa Giêsu đến với Gioan để chịu phép rửa sám hối. Gioan cũng từ chối không chịu thực hiện phép rửa cho Chúa Giêsu, nhưng không phải từ chối vì Chúa Giêsu không thật lòng sám hối, như đã từ chối đối với Pharisêu và Xa-đốc, nhưng vì Ngài không có gì để sám hối. Ngài là Đấng Thánh. Gioan còn khẳng định: chính ông mới là người cần được Chúa Giêsu làm phép rửa. “Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt.3,13-14).

Chúa Giêsu không chịu phép rửa sám hối vì bản thân mình – “Ngài xuống thế mang thân phận hoàn toàn như con người ngoại trừ tội lỗi” – nhưng, vì thân phận tội lỗi của nhân loại mà Ngài tự nguyện gánh lấy. Ngài chịu dìm mình xuống sông Gio-đan thay cho con người để rồi sẽ chết thay cho con người và rửa sạch tội trần gian bằng dòng máu hiến tế của Ngài. Ngài là Đấng Cứu Thế. “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga.1,29).

Tất cả nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và chương trình cứu độ ấy được mạc khải tỏ tường sau khi “Thiên-Chúa-làm-người” chịu trầm mình dưới sông Gio-đan vì nhân loại.

“Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt.3,16-17).

Sự hài lòng của Thiên Chúa là vì con Thiên Chúa đã vâng phục theo thánh ý Chúa Cha. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt.3,17).

Chúng ta hạnh phúc biết bao nếu một ngày nào ta gọi Thiên Chúa là Cha: “Cha ơi !”, và được Ngài đáp lại bằng lời khen ngợi âu yếm ngọt ngào: “Con là con yêu dấu của Ta, ta hài lòng về con”.

Ước mơ ấy đòi hỏi ta đi theo con đường Chúa Giêsu Kitô. “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống”. (Ga.14,6).

Đi trọn con đường đó, ta được Chúa Kitô thánh hiến và trở nên là đứa con đẹp lòng Thiên Chúa. “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga.17,18-19).

Đi trọn con đường đó là con đường khiêm hạ theo Chúa Giêsu từ sự nghèo nàn cùng cực ở Hang Đá Bê-lem đến sự nhục nhã tận cùng trên Thập Giá đồi Can-vê.

Đi trọn con đường đó là con đường yêu thương phục vụ từ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ đến hiến mạng sống vì người mình yêu.

Không thể đi con đường đó nếu con người không biết khiêm nhường, hạ mình, theo gương Đấng Cứu Thế.

Nói như cách nói của ĐHY Nguyễn Văn Thuận “Không một thánh nhân nào không có một quá khứ, vì thế, chẳng có một tội nhân nào mà chẳng có một tương lai”.

Quá khứ để biết ăn năn, và tương lai để có niềm hy vọng.

Ăn năn trong niềm tin yêu, chứ không phải ăn năn trong sợ hãi.

“Tình yêu không biết đến sợ hãi ; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga.4,18).

Hy vọng vào chân lý vững chắc chứ không phải hy vọng mơ hồ.

“Tôi biết tôi đã tin vào ai và xác tín rằng: Đức Kitô là vị thẩm phán chí công có đủ quyền năng bảo toàn Giáo lý đã được giao phó cho tôi. Mãi cho tới ngày Ngài ngự đến” (2Tm 1,12; 4,8).

Tương lai ấy là Thiên Đàng Hạnh Phúc, nếu chúng ta chung thủy đến cùng đối với Tình Thương đến cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

“Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loại thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. (Rm.8,38-39).

Lạy Chúa Giêsu,

Xin nâng đỡ con,

để con được luôn gần gũi Chúa,

để con được hồn nhiên gọi Chúa là Cha,

và được Chúa ôm vào lòng trìu mến:

“Con là con yêu dấu của Cha !”. Amen.

6. Chúa Giêsu chịu phép rửa

(Trích từ ‘LÀM NỤ HOA TRẮNG’ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống)

Tuần trước là lễ Ba vua cũng gọi là lễ Hiển Linh. Một em bé đến với tôi tâm sự và cho biết: gọi là lễ Ba Vua thì em hiểu có ba vua dâng của lễ như Phúc Âm đã tường thuật và như Hang đá thường trình bày, nhưng gọi là Hiển Linh thì em không hiểu. Em xin giải thích cho em hiểu “hiển linh” là gì. Tôi giải thích bằng cách cắt nghĩa chữ đơn giản: hiển là tỏ lộ ra, linh là linh thánh (là Thiên Chúa); hiển linh là Chúa tỏ mình ra. Em “vâng dạ”, nhưng nhìn vào mắt em tôi biết em chưa hiểu.

Trên bàn tôi lúc đó có tấm phim nhựa nhỏ và tấm ảnh màu rửa cỡ lớn. Tôi đưa tấm phim cho em xem và hỏi em có nhìn thấy không. Em xoay ngược xoay xuôi xoay ngang xoay dọc biết rằng có hình người nhưng chịu không nhìn rõ ai cả. Tôi đưa tiếp cho em tấm ảnh mới rửa từ tấm phim ấy và em reo lên mừng rỡ đồng thời kể tên vanh vách những người trong ảnh. Thấy em vui tôi cũng vui lây. Và trong niềm vui ấy tôi tiếp tục giải thích cho em về chữ “hiển linh” một cách cụ thể. Thiên Chúa vẫn có đó như hình vẫn có ở trong phim, nhưng ta chỉ thấy Ngài khi Ngài tự tỏ mình ra như hình được in rõ ra trong tấm ảnh vậy. Tôi thấy mắt em cười và bước ra khỏi phòng tôi trong tư thế nhảy chân sáo như vừa khám phá ra một điếu gì lớn lao lắm. Tôi nhìn theo em và thầm nghĩ: có lẽ Thiên Chúa đang tỏ mình ra cho em.

Thiên Chúa tỏ mình ra là một chủ đề lớn đã trở thành mối bận tâm cho mọi người Kitô hữu trên đường tìm Chúa, mà em bé tôi kể ở trên chỉ là một điển hình; đồng thời đó cũng là chủ đề xuyên suốt cả toàn bộ Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, các chiến tích lẫy lừng, và cũng rất thường trong những biến cố kinh thiên động địa như biến cố “Vượt Qua” với vách nước vựng đứng mở lối cho dân Do Thái ra đi trên biển, rồi cột lửa soi sáng ban đêm và áng mây tạo bóng mát ban ngày… Nhưng từ ngày Con Chúa làm người, Thiên Chúa lại chỉ tỏ mình ra qua con đường tự hạ. Bài Phúc Âm hôm nay là khởi đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu tự hạ chịu phép Rửa và tỏ mình trong vinh quang Ba Ngôi là một ví dụ rõ rệt. Nhưng Chúa Giêsu tự hạ thế nào và tỏ mình ra sao trong suốt cuộc đời của Người? Ngày nay Chúa còn tỏ mình ra cho con người hay không?

Tự hạ.

Ngày Giáng Sinh, Thiên Chúa đã tự bỏ trời cao bước xuống thế trần để nhận lấy kiếp người trong Hình hài một thơ nhi bé bỏng, lại sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo hèn. Ngài là Thiên Chúa vinh quang nhưng đã để vinh quang đó lại trên trời như lời hoan ca của các thiên thần xác định, mà chỉ ôm hai chữ “bình an” xuống thế làm một con người bình thường giữa muôn người bình thường khác.

Thiên Chúa sinh ra mọi loài nay chịu sinh ra bởi một người phụ nữ. Thiên Chúa vô hình nay bước xuống hữu hình, Thiên Chúa vô biên nay đón nhận mình vào những giới hạn. Thiên Chúa giàu sang nay tự hạ làm kẻ nghèo hèn.

Khởi đầu cuộc sống công khai, Thiên Chúa làm người ấy – Chúa Giêsu, lại tự hạ hơn một bước nữa khi rước vào đời mình kiếp sống tội nhân đến song Giođan và xin ông Gioan chịu phép Rửa. Người chấp nhận bầu bạn và đánh chén với những người tội lỗi đã đành như Phúc Âm vẫn kể, Người còn chịu nhận mình là một tội nhân xếp hàng đứng chung với những tội nhân khác để đợi tới phiên mình cuối đầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa đã thánh thiện mà nhận mình là người tội lỗi, Thiên Chúa tuyệt đối không mang tì vết mà lại cầu xin ơn tha thứ làm lại cuộc đời như một người hư hỏng. Sự tự hạ của Chúa thật không hiểu nổi. Chưa hết, kết thúc cuộc đời trần thế, trên đỉnh Núi Sọ cũng gọi là cao điểm tuyệt đối của sự tự hạ, Chúa Giêsu chịu chết nhục hình giữa hai tên trộm cướp. Người bị giết như một kẻ tử tội. Cái chết thê thảm mà ngày nay các tượng thánh giá bằng kim loại quý đeo trên ngực hay được vẽ vời đánh bóng trong các giáo đường không diễn tả được. Phúc Âm kể: Người chết dữ.

Thiên Chúa quyền uy đã để cho người ta trói lại và xét xử. Thiên Chúa hằng sống đã tự hạ để người ta giết chết. Ôi lạ lùng!

Tỏ mình.

Nhưng tự hạ lạ lung đến thế để làm gì? Nếu để phô trương danh thế tiếng tâm thì chỉ là dại dột mà kẻ dại nhất trong loài người cũng không dại dột đến thế. Sự tự hạ của Chúa Giêsu là một phương tiện để Người tỏ mình ra:

Sinh ra như một trẻ nghèo hèn giữa cánh đồng trong Hang đá Bêlem, Người tỏ mình ra là một Thiên Chúa vinh quang, như lời hát đồng thanh của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời…”

Bước xuống đất đen của con người cần được thanh tẩy và xếp hàng đứng chung với các tội nhân chờ được dìm xuống trong nước, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối có quyền quyết định trên trời dưới đất, như Phúc Âm mô tả: “các tầng trời mở ra”. Lãnh nhận phép Rửa trong nước, Người tỏ mình ra là Đấng sẽ khai sinh phép Rửa trong Thánh Thần, như hoạt cảnh Tin Mừng trình bày: “Chúa Thánh Thần ngự xuống trên người như chim bồ câu”. Mang vào mình thân phận tội lỗi nhân loại đến tận gốc nguồn là sự phản bội của Adam, Người tỏ mình ra là Con Chí Ái của Chúa Cha từ thuở đời đời, như tiếng từ trời giới thiệu: “Này là con Ta yêu dấu hằng làm đẹp lòng Ta”.

Và chính khi trần trụi bên dòng nước cầu ơn tha thứ, Người xuất hiện là một ngôi vị trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa ngời sáng uy linh. Nếu có bài hát “lung linh lung linh hai tiếng gia đình”, thì ở đây có lẽ phải hình dung là ca khúc “uy linh uy linh gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Cuối cùng, chết nhục hình như tên tử tội bị kết án, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa hằng sống, Đấng ban ơn cứu độ giải xá cho hết mọi người.

Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình.

Thiên Chúa vinh quang tỏ mình ra cho nhân loại bằng con đường tự hạ. Cái sang của đạo dường như ấn giấu trong bức màn tăm tối, đúng như Lão tử nhận xét về một đạo chân chính: “Minh đạo nhược muội”. Nếu lịch sử cứu độ là lịch sử của Thiên Chúa tỏ mình ra, thì ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho ta, dĩ nhiên trong Phụng Vụ, Bí Tích và Giáo Hội, nhưng Ngài còn thích hơn khi tỏ mình ra cho ta qua cuộc sống thường nhật, qua những biến cố, những sự kiện, qua những con người ta gặp gỡ và qua những bổn phận âm thầm mỗi ngày. Cánh Ngài tỏ mình ra cũng vẫn là cách tự hạ khiêm nhường nhỏ bé tối tăm và thầm lặng.

Trời chỉ mở ra với vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa khi Chúa Giêsu vì yêu thương đứng chung với hàng ngũ tội nhân và cầu nguyện. Muốn gặp thgấy Thiên Chúa tỏ mình, chúng ta cũng phải liên kết với Ngài bằng sám hối cầu nguyện và bằng tinh thần liên đới yêu thương chia sẻ cuộc sống với những người khác.

Giữa năm 1984, ở Thụy Sĩ người ta đã phát thử thành công tivi màu với hình ảnh nổi, nghĩa là có chiều sâu của khung cảnh và người xem dường như thấy mình đang góp mặt trong khung cảnh ấy. Nhưng muốn thưởng thức, phải mang một gọng kính có hai tròng mắt khác màu nhau, một xanh một đỏ và phải ngồi đúng vị trí đối diện trực tiếp với màn ảnh. Thiên Chúa vẫn tỏ mình nổi bật trên cuộc sống từng người. Muốn gặp Ngài, hãy ngồi vào vị trí đức tin và đeo gọng kính với hai tròng cầu nguyện và yêu thương.

7. Chúa Giêsu chịu phép rửa – Damiano

(Trích từ ‘Sống Lời Chúa’)

Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay mang một ý nghĩa quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu như là Đấng Messia, thời kỳ cuối cùng của chương trình cứu độ.

Có người thắc mắc: Chúa Giêsu có tội tình gì mà phải chịu phép rửa?

Vì Chúa đến gánh tội trần gian,

Vì Chúa lập Bí tích rửa tội thật, phép rửa trong Chúa Thánh Thần, mà phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa thống hối chuẩn bị cho phép rửa này mà thôi. Phép rửa này được Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần công nhận: Trời mở ra, Chúa Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha phán: đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.

Thánh Grêgôriô viết: Chúa Giêsu chịu phép rửa để chôn vùi trọn vẹn con người Adam cũ trong dòng nước.

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, tầng trời liền mở ra. Tội Adam đã đóng cửa trời lại, nay phép rửa của Chúa Giêsu, Adam mới, là chìa khóa lại mở cửa trời ra, mở đầu cho một giai đoạn mới.

Thánh Gioan Tẩy Giả nói với Chúa Giêsu: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa. Và thánh giáo phụ Grêgôriô viết: đó là đèn nói với mặt trời, tiếng nói với Lời, phụ rể nói với chàng Rể, người cao trọng nhất trong số người do người nữ sinh ra nói với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ nói với Đấng được thờ lạy từ trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai nói với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện.

Chim bồ câu xưa kia đã báo tin cho ông Noê là đại hồng thủy đã bắt đầu bị đẩy lùi, Bồ câu hôm nay từ trời đến cũng để nói lên rằng thời kỳ hồng thủy của tội lỗi đã bắt đầu bị đẩy lùi, đem đến niềm vui cho nhân loại. Thiên Chúa lại đến với xác phàm để con người trong xác phàm trở thành con cái Thiên Chúa. Nhờ Đức Kitô, Đấng đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng mà con người chúng ta có khả năng sống đẹp lòng Thiên Chúa.

Phép rửa của Chúa Giêsu thúc dục mọi người chúng ta tiếp tục thanh tẩy mình sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Việc thanh tẩy này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều, như Đức Kitô phải chịu thanh tẩy trong máu sau nầy.

Cuộc đời Kitô hữu là để hoàn thành những gì mà phép rửa tội đã mở đầu, là tiếp tục thống hối ăn năn để thánh hóa con người chúng ta. Những đau khổ thử thách trong cuộc sống chỉ mang bộ mặt tiêu cực đối với mọi người, nhưng đối với người Kitô hữu lại có giá trị cứu chuộc vì nó đang giúp ta hoàn thành phép rửa của chúng ta. Bởi lẽ khi chịu phép rửa, người Kitô hữu hứa bước theo Đức Kitô, chiến đấu với tội lỗi, chấp nhận mọi đau thương của cuộc đời như Đức Kitô đã chấp nhận những đau khổ của cuộc đời Ngài để thánh hóa chúng ta.

Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay mời gọi mọi người chúng ta dứt khoát với tội lỗi, lên đường xông vào cuộc chiến với Đức Kitô, tự thánh hóa mình mỗi ngày.

Vui vì được giải phóng.

Trong một trại giam những người nô lệ ở Nam Mỹ, những người da đen ban ngày thì lam lũ làm việc quần quật trên nương mía, dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, ăn không đủ no, bị hành hạ đánh đập như một đàn vật; ban đêm lại bị lùa vào giam trong trại như một đám tù nhân. Bổng một đêm nọ một người trong bọn họ rỉ tai với những người chung quanh rằng một người da đen đang tìm cách để giải thoát họ. Dấu hiệu để nhận ra người đó là một cây Thánh Giá trên trán người ấy. Niềm hy vọng dâng trào trong tâm hồn của tất cả mọi người; mấy đêm liền họ không sao chợp mắt được, sống trong hồi hợp đợi chờ. Rồi giây phút đó đã đến: trong đêm khuya, một người da đen, đã đến, lẻn vào mở cửa và giải thoát họ, dẫn họ chạy, chạy suốt đêm và cuối cùng họ đã đến miền đất tự do. Rồi người da đen đó biến mất. Đêm hôm sau, sau một buổi nhảy múa vì niềm vui được tự do, mọi người an giấc thì bổng một luồng ánh sáng giữa đêm khuya làm sáng rực cả cánh rừng nơi họ đang ngủ. Mọi người choàng tỉnh dậy, thì thấy Chúa Giêsu hiện đến với họ với cây Thánh Giá trên trán. Họ liền nhận ra người đã đến giải thoát cho họ chính là Chúa Giêsu.

Bị giam hãm trong cảnh nô lệ tội lỗi, chúng ta cũng đã được Chúa đến giải thoát, nhưng ta có sẵn sàng chạy theo Chúa Giêsu đến miền đất tự do hay không? Hay ta lại làm như một người Israel đã ra khỏi đất nô lệ Ai cập nhưng lại muốn quay trở lại với những củ hành Ai cập xưa?

8. Chúa Giêsu chịu phép rửa

(Trích từ http://vi.radiovaticana.va – Suy niệm của Hà Thanh Bình)

Quý vị và các bạn thân mến,

Để ra mắt dân chúng nhân dịp nào đó, người ta thường phô trương uy tín và quyền lực của họ. Nhưng Đức Giêsu thì ngược lại, Ngài khởi đầu sứ vụ công khai của mình bằng một cử chỉ không mấy oai phong: chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Ngài chấp nhận đứng vào hàng tội nhân để đến xin ông Gioan làm phép rửa. Con Thiên Chúa khai trương công việc của Thiên Chúa bằng một dấu chỉ khiêm tốn nhất mà con người có thể làm được.

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa vô tội, nhưng Ngài hoà mình vào đoàn người sám hối để cùng chia sẻ thân phận tội nhân của anh em đồng loại. Ngài là Đấng Cứu Độ, đến để cứu tội nhân, nhưng Ngài không tỏ ra xa cách họ, ngược lại Ngài đặt mình ngang hàng với họ. Cùng với đoàn người xin chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng đã đứng xếp hàng để chờ đến lượt mình. Gương mặt của một Đấng Cứu Thế dường như bị lẫn trong đám đông. Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò Cứu Thế của Ngài bị hạ giá; ngược lại, chính vì cùng hòa mình với tội nhân nên Ngài có thể cứu được hết mọi người, kể cả những người thấp bé nhất.

Không phải vì vô tình hay theo phong trào mà Đức Giêsu đã xin ông Gioan làm phép rửa cho mình. Chính Ngài ý thức rõ việc Ngài làm: Ngài biết Ngài là ai và phép rửa ông Gioan dành cho ai.

Ông Gioan đã làm phép rửa để tỏ lòng sám hối. Ai đến với ông đều nhận thức rằng mình có tội. Tuy nhiên, lãnh nhận phép rửa của Gioan người ta cũng chưa được tha tội, bởi vì phép rửa của Gioan không phải để tha tội. Phép rửa ấy chỉ để tỏ lòng sám hối về tội lỗi của mình. Muốn được tha tội, người ta phải cần phép rửa của Đấng đến từ Thiên Chúa, vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Vậy mà Đức Giêsu, Đấng đến để tha tội lại xin Gioan làm phép rửa. Đức Giêsu biết về chính mình; và chính Gioan cũng biết Đức Giêsu – người đang xin ông làm phép rửa – là ai, và ông nhận mình mới là người cần được Đức Giêsu làm phép rửa.

Hãy chiêm ngắm sự giằng co giữa hai thế đứng trên dòng sông Gio-đan. Một bên là kẻ dọn đường, bên kia là nhân vật chính. Ai trọng hơn ai? Điều khiến cả người ngoài cuộc lẫn kẻ dọn đường phải ngạc nhiên là: nhân vật chính cúi mình xin kẻ dọn đường làm phép rửa cho mình để tỏ lòng sám hối!

Đức Giêsu đã sám hối thật. Ngài không có thái độ giả tạo khi bước xuống dòng sông Gio-đan. Ngài không có tội, nhưng Ngài sám hối cho và vì tội lỗi của anh em đồng loại. Khi dấn thân cho con người, Đức Giêsu đã để sang một bên địa vị Thiên Chúa của Ngài. Để cứu con người, Ngài phải cùng đi với con người và cùng san sẻ kiếp người với anh em. Thánh Phaolô đọc thấy tấm lòng của Đức Giêsu và Ngài chia sẻ cùng các tín hữu Philipphê rằng: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Từ nay, Ngài thiết lập một nền công chính mới. Nơi đó không còn cảnh kẻ có tội tự khép mình trong tội lỗi, còn kẻ thấy mình trong sạch thì đứng ra tố cáo. Ngược lại, chính Đấng hoàn toàn vô tội đang đứng ra mang lấy gánh nặng tội lỗi thay cho anh em mình. Ngài thiết lập nền công chính mới để ai bước theo Ngài cũng biết dấn thân cho sự công chính ấy. Nơi đó, không còn có nguyên cáo hay bị cáo nữa, nhưng chỉ còn những con người nâng đỡ nhau trong hành trình mà ai cũng có những yếu đuối. Yếu đuối của người này có thể là điểm mạnh của người kia, và ngược lại. Nhờ thế, bước chân khập khiểng của người này sẽ được người kia nâng dậy; lỗ hổng của người kia sẽ được người này bù đắp. Trong sự công chính mới, người ta cần đến nhau để bổ túc cho nhau. Nơi đây, những người bước theo chân Đức Giêsu sẽ học được từ thầy chí thánh của mình mẫu gương san sẻ gánh nặng và đau khổ với anh chị em đồng loại.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta được mời gọi làm mới lại ân sủng của Bí Tích Rửa Tội mà mình đã lãnh nhận. Đức Giêsu đã chịu rửa trong nước để ban cho chúng ta ân huệ được rửa trong Thánh Thần. Ngài đã tỏ lòng sám hối từ phép rửa trong nước, để chúng ta được tha tội nhờ phép rửa trong Thánh Thần; và hơn thế nữa, được trở nên con người mới, được làm con Thiên Chúa với quyền thừa kế nước của Người (x. Rm 8, 16-17). Một khi nhận ra giá trị của Bí Tích Rửa Tội, chúng ta sẽ sống xứng đáng hơn với ơn mà Bí Tích này mang lại, như lời khuyên của Thánh Phao-lô dành cho các tín hữu Roma: chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu… hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu (Rm 6, 3.11).

Biến cố khai mạc công trình cứu độ của Thiên Chúa được xác chuẩn bởi cuộc thần hiện của cả Ba Ngôi. Nơi đó, chính Chúa Cha đã chứng thực cho Đức Giêsu. Vì thế, những ai bước theo con đường của Đức Giêsu, trong phép rửa của Ngài, sẽ không sợ lạc lối.

9. Khai mở thời đại mới – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa qúy OBACE, Báo chí thế giới trong những ngày cuối năm 2012 đã bầu chọn 10 gương mặt quyền lực có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2012, thì người đứng đầu danh sách là Tổng thống Mỹ, kế đến là Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga, Bill Gates và kế đến là Đức Giáo Hoàng Benedicto 16. Những con người này được ghi nhận đã có những ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới trong năm qua. Riêng đối với Đức giáo Hoàng, Ngài không phải là một nhà lãnh đạo chính trị hay quân sự, cũng không phải là người đứng đầu một quốc gia giàu có to lớn như nước Mỹ, Ngài cũng không phải là nhà điều hành kinh tế như Bill Gates, vậy mà tiếng nói và ảnh hưởng của Ngài vẫn lan rộng trên thế giới và góp phần xây dựng hòa bình cho thế giới và làm thay đổi bộ mặt thế giới. Vậy thì quyền lực và sức mạnh của Đức Giáo Hoàng đến từ đâu? Thưa quyền lực và sức mạnh ấy đến từ chính Đức Giêsu, và sứ mạng của ngài là tiếp nối sứ mạng của chúa Giêsu là đem tình yêu thương cứu độ và bình an đến cho toàn thế giới.

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa để khai mở một thời kỳ mới, một sứ mạng mới. Nếu như với màu nhiệm Giáng Sinh, Đức Giêsu đã đến trần gian trong âm thầm đơn sơ dưới hình hài của một em bé, và liền sau đó là những năm sống đời ẩn dật một cách bình thường tại thôn làng Nazareth, thì hôm nay, với biến cố chịu phép rửa tại sông Giodan, Chúa Giêsu đã chính thức, và công khai bắt đầu sứ mạng rao Giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa cho mọi người.

Tin Mừng Luca hôm nay đã phân biệt rõ ràng cho chúng ta về sứ mạng của Gioan và sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng như phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu sau này. Sống trong một thời kỳ khao khát Đấng Cứu Thế, thì việc xuất hiện của Gioan, với lời giảng mạnh mẽ và cương quyết, với sự thu hút đám đông và việc làm phép rửa, thì nhiều người đã nghĩ rằng Gioan chính là Đấng Mesia. Gioan đã không ảo tưởng về mình, ông cũng không vượt quá giới hạn của mình, chỉ là người dọn đường, vì thế ông đã không ngại ngần để thanh minh cho mọi người khỏi sự lầm tưởng khi quả quyết với họ rằng: Tôi không phải là Đấng Mesia. Ông đã nói về sự giới hạn của mình để làm nổi bật sứ mạng và sự vô hạn của Đấng đến sau ông: Tôi rửa anh em bằng nước, nhưng có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi… sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. Như thế Gioan đã xác định cho thấy phép rửa của ông không có sức mạnh tha tội, mà chỉ là một dấy hiệu bày tỏ lòng sám hối để đón chớ một phép rửa thực sự bằng thánh Thần và bằng lửa, tức là một phép rửa trong quyền năng và lòng yêu mến.

Giữa đám đông như thế, Chúa Giêsu – Đấng không hề có tội, lại khiêm nhường bước xuống dòng sông, đứng chung hàng với tội nhân và cũng xin được chịu phép rửa từ tay Gioan. Việc làm này không chỉ diễn tả sự hạ mình thẳm sâu của Thiên Chúa, mà còn là đánh dấu một thời đại mới, thời mà Thiên Chúa không còn ở xa, nhưng Ngài đã bước đến để tìm kiếm con người để gánh vác tội lỗi con người. Thánh Luca đã thuật lại: Đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã khiến cho cửa trời mở ra, hình ảnh này gợi nhớ lại ngày xưa khi Adam Eva cắt đứt mối dây liên hệ với Thiên Chúa, phá hủy các cuộc chuyện trò với Thiên Chúa, đã làm cho cửa trời đóng lại, thì hôm nay Đức Giêsu là Adam mới đã nối lại mối dây thân tình với thiên Chúa, qua những cuộc trò chuyện và cầu nguyện thân mật với Thiên Chúa. Cửa trời được mở ra kể từ đây, qua Chúa Giêsu,Thiên Chúa có thể dễ dàng đến với con người và con người cũng có thể dễ dàng đến với Thiên Chúa.

Kể từ biến cố này sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu đã bắt đầu, và sứ mạng này đã được ghi dấu bởi sức mạnh và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, đó là sứ mạng yêu thương và phục vụ, tha thứ và cứu chữa, tìm kiếm và chăm sóc cho nhân loại chúng ta. Tiếng từ trời phán: Con là con yêu dấu của cha, cha hài lòng về con, vừa là lời Thiên Chúa cha giới thiệu Đức Giêsu của cho toàn thể nhân loại, vừa là lời xác định về sứ mạng mà Thiên Chúa cha đã trao phó cho Ngài mà Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục đón nhận. Chính từ sự hài lòng về sứ mạng của Chúa Giêsu và hiến tế của Ngài mà Thiên Chúa Cha đã ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Sứ mạng của Chúa Giêsu đã mở ra một thời kì mới và có ảnh hưởng trên toàn thể thế giới cho đến ngày tận thế, tuy nhiên để có thể tiếp nhận và sống trong thời đại mới, thì cũng cần phải có những con người mới, thích ứng được với những đòi hỏi mới như lời Isai đã kêu gọi: Thời nô dịch thời hủy diệt đã mãn, và hãy mở một con đường thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi, để cho Thiên Chúa ngự đến. Lời kêu gọi này là một đòi hỏi canh tân đổi mới, uốn nắn lại cuộc đời và sống cho ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa và mọi người, vì để tiếp nhận được Tin mừng của Đức Kitô, đòi mỗi người phải chấp nhận một cuộc biến đổi, lột xác để trở nên con người mới, con người của Tin mừng, để có thể sống trong tình yêu thương chăm sóc của vị mục tử Giêsu.

Bài đọc hai, Thánh Phaolô đã chỉ rõ cho chúng ta phải sống con người mới của Tin mừng như thế nào. Tất cả chúng ta đã lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa của Đức Kitô, và được tha thứ tội lỗi và được đón nhận vào nhà Thiên Chúa, chính vì thế Thánh Phao lô mời gọi chúng ta phía từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, sống chừng mực công chính và đạo đức ở trần gian này.

Thưa quý OBACE, qua Bí Tích Rửa tội, chúng ta đã được cứu chuộc, được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa, đó là một ân phúc Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Tuy nhiên ân phúc này sẽ chỉ sinh hiệu quả và đem lại hạnh phúc cho chúng ta khi chúng ta tích cực cộng tác và làm cho những ơn này trổ sinh trong cuộc đời mỗi người. Trở nên con cái Thiên Chúa đòi chúng ta phỉ sống cho xứng đáng với vinh dự ấy, tức là phải loại trừ những gì là phàm tục tầm thường ra khỏi cách sống, cách suy nghĩ và hành động của chúng ta, và phải tích cực làm nhiều việc thiện việc tốt cho mình và cho mọi người; là những người được cứu chuộc, chúng ta không thể để mình bị rơi lại vào sự ràng buộc của tội lỗi dục vọng và tật xấu, vì Thiên Chúa đã ban cho ta sức mạnh Thánh Thần của Ngài giúp ta chiến đấu và chiến thắng trước những ràng buộc lôi kéo đó, hãy dựa vào sức mạnh của Thánh Thần để chống trả lại những tấn công của ma quỷ và cám dỗ.

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay nhắc cho mỗi người nhớ đến sứ mạng của mình trong đời sống thường ngày, là những bậc cha mẹ, chúng ta cũng cần tẩy rửa chính bản thân mình khỏi những đam mê như rượu che cờ bạc, cá độ, lô đề… nó đang bôi bẩn hạnh phúc và sự bình an của gia đình, thanh tẩy khỏi gia đình mình khỏi sự gian dối, chửi bới cãi vã, mà thay vào đó là sự quan tâm thông cảm chia sẻ với nhau nhiều hơn, và mỗi người hãy góp phần làm cho gia đình nên ấm cúng thuận hòa, cùng nhau vun đắp cho hạnh phúc gia đình mình bằng những giờ kinh những giờ cầu nguyện sớm tối, sống như thế là chúng ta đang chung tay đổi mới gia đình và con cái nên những con người được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.

Ngày lễ này cũng nhắc cho các bạn trẻ nhớ rằng mỗi người chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và thuộc về Đức Kitô, vì thế chúng ta không thể để mình thuộc về hay là rơi vào tay của ma quỷ và sự xấu, nhưng đòi mỗi người phải dám sống cho xứng đáng là một người Kitô hữu trong xã hội hôm nay, tự hào vì mang danh là Kitô hữu. Vì đã thuộc về Đức Kitô, nên chúng ta cũng phải thi hành sứ mạng mà Chúa trao phó cho mỗi người, tùy theo hòan cảnh môi trường sống của mình, sứ mạng ấy là tiếp tục đem tình yêu thương đến cho thế giới, cùng nhau xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hòa bình, cùng nhau làm cho tinh thần của Tin Mừng lan tỏa trong xã hội hôm nay, nơi nhà trường, nơi xí nghiệp, nơi gia đình của mỗi người.

Khi mỗi người chúng ta cố gắng sống với một quyết tâm đổi mới bản thân, gia đình và xã hội, hoàn thành tốt sứ mạng Chúa đang trao phó, thì Nước Trời cũng sẽ mở ra cho chúng ta và cho mọi người và chính Thiên Chúa cũng sẽ nọi với ta rằng: Con là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về con. Amen.

10. Điểm hẹn bất ngờ – ĐGM Vũ Duy Thống

(VỚI CẢ TÂM TÌNH – Trg. 37)

Gần nhà thờ Đức Bà là cả một quần thể panô, người ta dựng lên để quảng cáo cho những phim ảnh đang được trình chiếu tại các rạp trong thành phố. Dù muốn hay không muốn, mỗi lần đi qua, những tựa phim cứ trải ra như tấm thực đơn thơm nức mời mọc, đến nỗi một người bạn thấy thế có lần đã thốt lên câu đùa: “Nếu chịu khó xem hết những panô quảng cáo này, người ta có thể trở thành nhà điểm phim nghiệp dư đấy”. Ừ nhỉ! Không xem phim thì xem tựa phim, biết đâu lại chẳng là một cái thú?

Mấy tuần lễ gần đây, thử để ý, đã thấy xuất hiện một cuốn phim mới tựa đề “Điểm hẹn bất ngờ”. Chẳng biết nội dung thế nào, nhưng tựa phim ấy đã âm thầm đi vào bộ nhớ, để rồi chợt lóe lên khi tiếp cận với trang Tin Mừng hôm nay, đến nỗi cũng muốn gọi lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa như là một điểm hẹn bất ngờ.

1) Điểm hẹn bất ngờ giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu.

Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra ba bản văn song song rất giống nhau về việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa, nhưng riêng bản văn của Matthêu mới có mẩu đối thoại ngắn giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu như được trích đọc trong Tin Mừng hôm nay. Và chính mẩu đối thoại tưởng như trầm chìm ấy lại là một bất ngờ lý thú làm nên điểm hẹn cho phép Rửa nơi sông Giođan.

Khi giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố rằng mình chỉ là tiếng kêu bên ngoài, còn Đức Giêsu mới là Lời làm nên ý nghĩa; mình chỉ là cát hoang trải dài sa mạc, còn Đức Giêsu mới là Nẻo Đường thênh thang đi tới; mình dẫu đến trước nhưng lại có sau, còn Đức Giêsu dẫu đến sau nhưng hằng có trước; và mình chỉ rửa trong nước, còn Đức Giêsu mới là Đấng sẽ rửa chính thức trong Thánh Thần. Ông tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế. Ấy thế mà, bất ngờ thay, chính Đức Giêsu lại đến với Gioan Tẩy Giả nằng nặc đòi ông làm phép Rửa cho mình: chủ sự bước xuống làm thụ nhân, còn thụ nhân lại miễn cưỡng đóng vai chủ sự.

Điều bất ngờ là điều người ta không chờ đợi. Ở đây còn mạnh nghĩa hơn, bởi điều đó Gioan Tẩy Giả không hề nghĩ tới nên dám đâu đợi chờ. Và vì thế, bất ngờ lại càng bất ngờ hơn. Nhưng chính điều bất ngờ ấy đã thành điểm hẹn giao ca thế hệ giữa Cựu Ước mà Gioan Tẩy Giả là đại biểu kết thúc với Tân Ước mà Đức Giêsu là Đấng khởi đầu.

Đồng thời, đó cũng là điểm hẹn gặp gỡ bất ngờ trong việc “chu toàn thánh ý Chúa”. Nơi Đức Giêsu, đó là việc Người sống lấy thái độ công chính của Israel, nhưng lại đưa sự công chính ấy tới đỉnh cao hoàn thiện, cũng như khi chịu phép Rửa bởi nước, Người đã thánh hóa chính nguồn nước tái sinh. Còn nơi Gioan Tẩy Giả, đó là việc ông đổ nước cho Đức Giêsu, một vinh dự đến bất ngờ, nhưng cũng chính vào giờ phút ấy, ông cảm nhận rất rõ rằng sứ vụ của mình tới đây đã mãn: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Hình như ông đã sẵn sàng để chịu một phép Rửa khác, cũng là điểm hẹn bất ngờ cho ông: đó là kiếp ngục tù.

2) Điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ đau khổ và Người Con chí ái.

Nếu bên ngoài, việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã là một điểm hẹn cho Gioan Tẩy Giả gặp gỡ Đấng Cứu Thế, thì đi sâu vào chính mầu nhiệm, đó còn là điểm hẹn bất ngờ giữa người Tôi Tớ mà Tiên tri Isaia đã ghi lại trong bài ca thứ nhất (bài đọc thứ nhất) và Người Con chí ái của Chúa Cha mà phần sau trích đoạn Tin Mừng đã nêu lên, làm thành một lễ Hiển Linh mới cho tất cả những ai cần được cứu độ.

Khi bước xuống dòng sông phép Rửa, Đức Giêsu tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của họ, để trọn vẹn liên đới với họ mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối tăm tối đớn hèn nhất là thân phận tội nhân. Người là tôi tớ của Giavê đã tự nguyện gánh tội trần gian, đã tự hạ chịu hết mọi nỗi đau của toàn thể dân mình, và mặc dầu chẳng vướng tội nhơ, Người đã nhẫn nhục cúi xuống lãnh nhận phép Rửa thống hối chỉ vì muốn liên đới đến cùng với mọi tội nhân.

Nhưng bất ngờ làm sao, chính khi bước lên từ dòng sông phép Rửa ấy, Đức Giêsu lại tỏ mình ra trong một quang cảnh hoàn toàn khác lạ, làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ. Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, và Người tự hạ xóa mình ra không lại bất ngờ nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha, vừa làm thỏa lòng mong ước của bao thuở đợi chờ.

Và như thế, dòng sông phép Rửa đã nên điểm hẹn bất ngờ để Chúa Giêsu tỏ mình cho nhân loại: Người vốn là Con chí ái của Chúa Cha, nhưng đã tự hạ làm người Tôi Tớ, và khi đi đến cùng trong đau khổ, Người là Đấng thuộc về Trời cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

3) Điểm hẹn bất ngờ giữa đời làm người và đời làm con Chúa.

Điểm hẹn bất ngờ nơi sông Giođan, đối với Chúa Giêsu, đã như một dự báo về công cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, để từ đó mở ra những điểm hẹn mới cho tất cả những ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Được trở nên chi thể Chúa Kitô, được thông phần sự sống thiên linh và được trở nên con Thiên Chúa: đó là thiên chức của đời tín hữu. Nhưng thiên chức ấy không miễn chuẩn cho họ khỏi phải chu toàn những trách vụ trong đời sống trần thế mà họ là thành phần. Do đó, đời tín hữu chính là một điểm hẹn bất ngờ giữa cuộc sống đời và cuộc sống đạo, giữa phận làm con người và phận làm con Chúa, giữa sự sống nhân linh và sự sống thiên linh. Vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai mặt sống trong cùng một cuộc đời, làm sao cho mặt ân sủng không bị nhận chìm vì nhu cầu cơm áo, và làm sao cho mặt đời thường được nâng lên ngang tầm với sức mạnh của thánh ân?

Sẽ là một điểm hẹn đáng buồn nếu như hai mặt sống không có sự đồng bộ, sẽ là một điểm hẹn đáng trách nếu đạo đời vẫn tiếp tục ly thân; nhưng sẽ là một điểm hẹn của niềm vui nếu như đời tín hữu là một đời biết chu toàn thánh ý Chúa, cho dẫu nhiều khi vì thánh ý mà phải chấp nhận một số thiệt thòi nào đó trong đời.

Và bởi vì việc Chúa chịu phép Rửa là một bất ngờ về tình liên đới, nên giới luật yêu thương với những hành động cụ thể cũng là một điểm hẹn đem lại những hiệu quả bất ngờ nhất cho những kẻ sống tinh thần của con Chúa trong phận kiếp của con người. Biết liên đới là biết dẹp bỏ mọi hàng rào cản lối yêu thương, và sống liên đới cũng có nghĩa là không mệt mỏi vượt qua những ranh giới vị kỷ của bản thân mình, để không chỉ đón nhận người khác mà còn quan tâm thăng tiến họ nữa.

Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên. Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui. Bởi cuộc đời Chúa Kitô là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để bất ngờ mở ra mùa cứu độ, cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng muốn là điểm hẹn giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực con người để xin được vươn tới những bất ngờ hạnh phúc.
Chúa Giêsu chịu phép rửa
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top