2 Ảnh

20.12.13

TƯỢNG VÀ NHỮNG VẬT TRƯNG BÀY TRONG DỊP LỄ GIÁNG SINH CÓ Ý NGHĨA GÌ?

Ý NGHĨA CỦA CÁC HÌNH TƯỢNG

Về các tượng được trưng bày trong Hang đá, mỗi tượng đều có một ý nghĩa tượng trưng riêng biệt:
1) Chúa Hài Đồng
Là tượng nhỏ nhất trong Hang đá. Tuy là tượng nhỏ nhất nhưng lại là trung tâm của hang đá, được đặt trong một cái máng ăn của loài vật lót đầy cỏ khô. Chúa Hài Đồng được quấn bằng một chiếc khăn màu trắng.
Chiếc máng ăn của chiên bò và nắm cỏ khô lót trên đó tượng trưng cho sự nghèo hèn tột độ của Chúa.  Ngài nghèo đến độ chẳng có gì là tài sản của mình. Còn chiếc khăn trắng quấn Chúa Hài Nhi Giêsu là dấu hiệu báo trước chiếc khăn sẽ liệm xác Ngài sau khi Ngài chết trên núi sọ vì tội lỗi của nhân loại.
2) Mẹ Maria
Từ năm 1400, tượng Mẹ Maria mới được trưng bày trong hang đá như một người đang chìm sâu trong sự thờ lạy, yêu mến và suy ngắm mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Tuy vậy, khuôn mặt của Mẹ Maria cũng không thiếu những băn khoăn, những lo âu như của bao người mẹ khác khi sinh đứa con đầu lòng cùng với những vui - buồn lẫn lộn. Như suy nghĩ về con trẻ sẽ lớn lên thế nào? Nó sẽ sống ra sao trong một thế giới thiếu tình người, ích kỷ, hận thù, ghen ghét?....  Tuy băn khoăn lo lắng, nhưng Mẹ không bao giờ thất vọng trước tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn tín thác tất cả cho Đấng đã tin tưởng Mẹ.
3) Thánh Giuse
Thánh Giuse thường mang một chiếc áo choàng rộng, tượng trưng cho sứ mệnh cao cả nhưng đầy khó khăn mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho thánh nhân: Đó là sứ vụ bảo vệ Con Một của Người là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ nhân loại và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người.
Chiếc đèn thắp sáng mà thánh Giuse cầm trong tay nói lên sứ mạng chăm sóc và gìn giữ Hài Đồng Giêsu. Tượng thánh Giuse được đặt đứng ở phía bên tay phải, bên cạnh các con bò đang chiêm ngắm Chúa Hài Đồng với vẻ mặt vui sướng và tin tưởng.
4) Các Thiên Thần
Vào đêm Chúa giáng sinh trong hang chiên lừa xa xôi hẻo lánh, thiếu bóng người qua lại thăm viếng, nhưng ca đoàn các Thiên Thần từ trời cao xuất hiện thờ lạy và ca hát mừng Chúa Hài Đồng với những điệu nhạc du dương huyền diệu: «Gloria in excelsis Deo», “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Chính các Thiên Thần là những vị đi báo tin cho các mục đồng đang ngủ ngoài đồng một tin vui: “Hôm nay, Đấng cứu độ đã sinh ra cho loài người”.
5) Các Mục đồng
Các mục đồng với nét mặt vô cùng vui mừng và ngạc nhiên chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu mới sinh đặt nằm trong máng cỏ. Họ biểu tượng cho từng lớp người nghèo mà Thiên Chúa đặc biệt quan tâm ưu ái. Họ cũng là đối tượng được Chúa Cứu Thế yêu thương, bảo vệ và đề cao, vì họ sẽ được “Nước Trời là của họ”. Con Thiên Chúa đã muốn trở nên một trong những người bé nhỏ như họ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn và khiêm tốn. Người còn tự đồng hóa với họ khi tuyên bố: «mỗi lần các ngươi làm như thế cho những kẻ bé mọn nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40).
6) Các con bò và lừa
Các loài vật là «các bầy tôi» dễ thương phục dịch cho Chúa Giêsu Hài Đồng ngay từ giờ phút đầu tiên khi Người cất tiếng chào đời. Những con bò tượng trưng cho người Do-thái đang phải gồng mình dưới sức nặng của luật pháp, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Còn những con lừa tượng trưng cho dân ngoại mang thân phận loài vật chuyên chở trên mình bao gánh nặng tội lỗi, trong đó gánh nặng nề nhất là tội không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao duy nhất và là Tạo Hoá của muôn loài. Đồng thời những con lừa cũng tượng trưng cho sự lao công và sự thờ tự. Sự hiện diện của những con bò và lừa trong Hang đá Bê-lem muốn diễn tả ý nghĩa: Đức Kitô đã gánh mọi tội lỗi nhân loại, và sau cùng Ngài hiến tế chính bản thân Ngài làm của lễ đền tội cho nhân loại.
7) Ba Vua
Nghe tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra, ba nhà đạo sĩ từ Phương Đông tên là: Melchior,Balthasar, Casparđến để triều bái và dâng tiến Hài Nhi những lễ vật. Những nhân vật đó là:
• Melchior : quì gối dâng lên Chúa vàng, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang. Ông là người Âu Châu.
• Balthasar : đứng ôm trên tay bình đựng nhũ hương, tượng trưng của lễ hiến tế và sự cầu nguyện. Ông là người Á Châu.
• Caspar : là vị đạo sĩ trẻ nhất, đứng sau hai vị kia và ôm trên tay bình đựng mộc dược, tượng trưng cho sự đau khổ và sự chết. Ông là người gốc Phi Châu với nước da đen sậm.
Ngoài ra, còn có một vị vua thứ bốn tên là Artaban, ông là người ít được nhắc đến và được trưng bày trong Hang đá, tượng trưng bằng viên đá quý.
8) Các hình tượng khác
Tuỳ theo quan niệm văn hóa và sở thích của mỗi nơi, mỗi miền mà người ta trưng bày trong hang đá những tượng khác nữa; mặc dù trên thực tế, những tượng đó không có chỗ đứng chính thức và quen thuộc trong hang đá, nhưng mỗi tượng cũng mang một ý nghĩa tượng trưng, sâu sắc. 
Vòng hoa Mùa Vọng
Vòng lá Mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí - dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Lutheran ở Đức vào năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ và 4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng sinh được đốt thêm một cây nến.
Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu củaMùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday). 


Ông già noel  
 Nguồn gốc của từ “ông già Noel” (Santa Claus) hay thánh Nicôla bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kì từ thế kỉ thứ IV. Từ lúc còn nhỏ thánh Nicôla đã là một người rất ngoan đạo và đã dâng hiến cả cuộc đời của mình cho đạo Thiên Chúa. Thánh Nicôla đặc biệt được ca tụng vì tình yêu đối với trẻ em và sự hào phóng của ngài. Thánh Nicôla là người bảo trợ cho các thuỷ thủ, đảo Xi-xin-li, nước Hy Lạp và nước Nga và tất nhiên thánh Nicôla cũng là người bảo trợ của trẻ em.
Vào thế kỉ thứ 16, ở Hà Lan trẻ em thường đặt những chiếc giầy gỗ của mình bên cạnh lò sưởi với hy vọng là chúng sẽ được thánh Nicôla thết đãi no nê. Người Hà Lan phát âm từ St. Nicôla thành Sint Nicholaas, sau đó nói chệch thành Sinterklaas và cuối cùng được những người theo Anh giáo đọc thành Santa Claus.
Năm 1882, Clê-mơn C.Mo-rơ đã viết bài hát nổi tiếng của mình “A visit from St. Nick” (chuyến thăm của thánh Nick) và sau đó được xuất bản với cái tên “The night before Christmas” (Ðêm trước Giáng Sinh). Mo-rơ được coi là người đã hiện đại hóa hình tượng ông già Noel bằng hình ảnh một ông già to béo, vui tính trong bộ đồ màu đỏ.
Ông già Noel là biểu tượng của sự nhân hậu tốt bụng luôn đem điều may mắn, an lành cho mọi người. Ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng Sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc tất.
Bộ quần áo đỏ của ông già Noel
Ông già tuyết chưa trở thành ông già tuyết, vì ông vẫn mặc bộ quần áo tiều phu cũ kỹ, cưỡi ngựa mỗi khi đến cho quà bọn trẻ. Một ngày nọ, ông địa chủ làng Nicôla đi ngang qua nhà ông, và lập tức Nicôla bị mê hoặc bởi chiếc xe kéo với hai con tuần lộc xinh đẹp, xe có gắn những cái chuông kêu lanh canh dễ thương. Ông địa chủ mặc một bộ đồ đỏ tươi, đầu đội mũ lông cùng màu. “Mình cũng đáng để có nó lắm chứ, con ngựa nhà mình đã quá già và hay than thở, còn bộ quần áo này thì không chịu nổi cái giá rét mùa đông nữa”.
Nicôla tìm đến bà thợ may giỏi nhất vùng để có bộ đồ đỏ mơ ước ấy. Nhưng lạ lùng thay, khi bộ đồ hoàn thành thì nó to đến độ trông Nicôla như lọt thỏm vào trong ấy “Ôi tôi đã làm hỏng bộ đồ của ông rồi, nó mới thùng thình làm sao!“. ”Không sao cả, tôi sẽ ăn bánh kẹo cho người to lên như bộ quần áo. Cái quần dài này ư? Tôi sẽ mang một đôi ủng đen để bớt độ lùng xùng. Bà cứ yên tâm, trông tôi sẽ tuyệt vời trong bộ quần áo này đấy!”.
Và như thế, ông già Noel đã ra đời như một huyền thoại, nhưng đến mấy mươi năm sau, thì bộ trang phục đỏ gắn liền với huyền thoại ấy mới có.
Còn bây giờ, hãy tự tin mà bảo với với mọi người rằng: “Ông già Noel trên xe trượt tuyết với hai con tuần lộc là hoàn toàn có thật”.
Tuần lộc Rudolph


“Ông Già Tuyết huýt sáo, hét lên và gọi tên chúng: Nào Dasher! Nào Dancer! Nào Prancer và Vixen! Tiến lên Comet, tiến lên Cupid! Tiến lên Donder, Blitzen và Rudolph!.”Rudolph” là chú tuần lộc thứ 9 đã được thêm vào từ năm 1939 (Ban đầu chỉ có 8 chú tuần lộc kéo xe trượt tuyết (the sleigh) của ông già Noel), nó có nhiệm vụ soi sáng đường nhờ vào chiếc mũi đỏ và sáng chói của nó. Bạn nào thường coi phim hoạt hình sẽ thấy 1 con tuần lộc rất hiếu động đó là Rudolph đó.
Cây thông Noel
Người ta kể rằng vào thế kỷ thứ VII có một nhà tu người Đức, Thánh Boniface (sinh năm 680), muốn thuyết phục các tu sĩ Đức tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là một loài cây thiêng liêng. Ông đốn một cây sồi và khi cây ngã, nó đè tan nát hết tất cả mọi vật, trừ một cây thông non. Từ huyện thoại này, chuyện kể thêm rằng Thánh Boniface đã cho rằng sự ngẫu nhiên trong sáng đó là một phép lạ và tuyên bố “kể từ nay, ta gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Giê-su. Từ đó người ta trồng cây thông con để làm Lễ Giáng sinh.
Thế kỷ thứ XI, cây Noel được trang hoàng bằng những trái táo đỏ, tượng trưng cho cây thiên đàng, trên đó người ta treo trái táo của bà Eva. Bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, cây thông Noel được xuất hiện tại Âu Châu, nói chính xác hơn là vùng Alsace (Pháp).
Người ta gọi “cây Noël” lần đầu tiên tại Alsace vào năm 1521.
Thế kỷ thứ XIV, người ta trang trí cây thông bằng những trái táo của bà Eva, kẹo và bánh. Cũng vào thời kỳ đó, một ngôi sao trên đỉnh cây tượng trưng cho ngôi sao Bethleem bắt đầu được phổ biến.
Từ năm 1560, những người theo đạo Tin Lành phát triển truyền thống cây thông Noël.
Thế kỷ XII và XIII các cây thông chiếu sáng đầu tiên xuất hiện. Người ta dùng những vỏ trái hồ đào (noix) đựng đầy dầu, trên mặt để tim đèn, hay đèn sáp mềm, cột quanh cành thông.
Năm 1738, Marie Leszczynska, vợ vua Louis XV nước Pháp, đã trang hoàng một cây Noël trong lâu đài Versailles.
Tại Alsace-Lorraine, người ta thấy càng ngày càng nhiều cây thông, nơi đầu tiên có truyền thống này.
Các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy thường trang hoàng nhà cửa bằng cây xanh nhân dịp năm mới để xua đuổi ma quỉ. Họ còn dựng cây cho chim trú ngụ trong mùa Giáng-Sinh.
Năm 1837, bà công tước Orléans, Hélène de Mecklembourg, gốc người Đức cho người trang hoàng một cây thông tại điện Tuileries .
Làm Lễ Giáng sinh quanh một cái cây, biểu tượng của cây trên Thiên Ðàng và đủ loại kẹo đã  trở thành một truyền thống nhanh chóng bên Ðức. Phải chờ đến gần một thế kỷ để truyền thống đó đến mọi gia đình người Pháp, nhất là sau chiến tranh 1870, có hàng ngàn gia đình người Alsace-Lorraine di cư qua Pháp. Chính nhờ thời kỳ đó mà cả nước Pháp thu nhập truyền thống này.
Đầu thế kỷ thứ 19 Cây Noël được nhập vào nước Anh từ và rất được tán thưởng, nhờ ông hoàng Albert, chồng của Nữ hoàng Victoria. Vào thời đó, người ta gọi cây Noël là Victorian Tree. Cây Victorian Tree được trang trí bằng đèn sáp, kẹo, cùng các thứ bánh treo ở cành cây bằng dây giấy đủ màu.
Cây Noël được thịnh hành nhất vào thế kỷ thứ 19. Cây Noël cũng được những nước Áo, Thụy sĩ, Phần Lan, Hòa Lan, tán thưởng trong thời kỳ này. Hiện nay, khắp nơi trên thế giới đều tổ chức Lễ Giáng sinh và trưng cây Noël.
Giờ đây cây Noel là hạnh phúc của mọi người, từ trẻ con cho tới người già.
Chiếc gậy kẹo

Vào những năm 1800, một người làm kẹo ở Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của Lễ Giáng sinh qua một biểu tượng được làm bằng kẹo. Ông bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình bằng cách uốn cong một trong những thỏi kẹo của mình thành hình một chiếc gậy kẹo. Qua cây gậy kẹo của mình, ông đã kết hợp những biểu tượng thể hiện tình yêu và sự hi sinh của Chúa Giê su. Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của chúa Giê su. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập ác. Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người. Khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì chúa Giê su chính là người chăn dắt con người. Nếu bạn lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ J tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên chúa Giê su (Jesus). Nhờ có người thợ làm kẹo đó mà mọi người đều biết được Lễ Giáng sinh nói về điều gì.
Qua cây gậy kẹo là biểu tượng thể hiện tình yêu và sự hy sinh của Chúa Giêsu. Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của Chúa Giêsu. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Đức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập tự giá. Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần).
Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người. Khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì Chúa Jesus chính là người chăn dắt con người. Nếu bạn lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ J tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên Chúa Giêsu.
Ngôi sao Giáng Sinh

Ngôi sao 5 cánh thường xuất hiện rưc rỡ đủ màu sắc trong mùa Giáng sinh. Một ngôi sao to lớn được treo ở chỗ cao nhất của tháp chuông nhà thờ. Từ đó căng giấy ra bốn phía,có nhiều ngôi sao nhỏ, treo đèn lồng và kết hoa rất đẹp mắt.
Ngôi sao trong Lễ Giáng sinh co ý nghĩa đặc biệt, theo tương truyền lúc Chúa vừa chào đời thì xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm còn nhìn thấy. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran va Syria, có 3 vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp phép lạ gọi là lễ ba vua. Từ đó, 3 vị tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được thành Bêlem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này thân quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các vật phẩm trầm hương và vàng bạc châu báu.
Ngôi sao trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và luôn được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, trên các cây thông Noel…  Hình ảnh ngôi sao chính là tượng trưng của Thiên Chúa (Thượng Đế hay Chúa Trời) về điều hẹn ước từ thủa trước. Thiên Chúa hứa sẽ gửi một Đấng Cứu Thế cho thế giới , và ngôi sao chính là sự cam kết cho lời hứa của Ngài. Người Ky-tô giáo tin rằng ánh sáng ngôi sao chính là sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa, xóa tan bóng tối đêm đông lạnh giá, thắp lên một mùa xuân mới ấm áp và hạnh phúc cho muôn dân.
Nến Giáng Sinh (Candles)
Có nhiều truyền thuyết kể về những cây nến đêm Giáng Sinh. 
Có một huyền thoại khác kể rằng một bé trai nọ bị đi lạc đêm Giáng Sinh nhang nhờ ánh đèn nến nới cửa sổ phòng mẹ, đã tìm được lối về đến nhà.
Lại có một truyền thuyết khác kể rằng thánh Maria và Giu-se đêm Chúa Giáng Sinh đã tìm ra nơi trú ngụ nhờ lần theo ánh đèn hắt ra từ cửa nhỏ một cái chuồng bò lừa.
Quà tặng trong những chiếc bít tất

Tương truyền rằng, nhà kia có 3 cô gái đến tuổi lập gia đình nhưng không có chàng trai nào nhòm ngó đến vì gia cảnh quá nghèo. Đức giám mục Myra rất thương xót nên đã ném những đồng tiền vàng xuống ống khói nhà của 3 cô gái. Những đồng tiền vàng rơi từ trên nóc nhà xuống đúng các đôi bít tất mà các cô treo hong bên lò sưởi. Khỏi phải nói cũng biết rằng các cô vui mừng đến mức nào. Họ đã có cơ hội để thực hiện nguyện ước của mình.
Câu truyện thần kỳ kia được lan truyền đi khắp nơi, trong ngày Lễ Giáng sinhai ai cũng muốn mình trở thành người may mắn nên đều bắt chước 3 cô gái treo bít tất bên lò sưởi dể hy vọng nhận được quà. Trẻ em hy vọng nhận được nhiều quà nhất. Mọi người trong nhà cũng nhân cơ hội này để tặng quà cho các em với mong muốn là các em sẽ ngoan ngoãn và học giỏi. Từ đó có tục trẻ em treo bít tất bên cạnh lò sưởi dể nhận quà như ước mơ từ ông già Noel.
Bánh Buche Noel
Tổ tiên người phương Tây thường nhóm củi trong ống khói nhà, họ tin rằng lửa càng kêu lách cách thì các thần dữ sẽ tránh xa. Ngày nay, tập tục mất dần vì không mấy nhà còn ống khói.
Thay vào đó, theo sáng kiến của một thợ làm bánh ở Pháp, năm 1875, người ta làm chiếc bánh ngọt có hình cây củi để mọi người thưởng thức trong đêm Noel và lưu truyền cho đến nay.
Thiệp Giáng Sinh
Vào thời cổ Ai Cập và La Mã, người ta có thói quen gửi lời chúc mừng đầu năm khắc trên những mảnh gỗ. Đến năm 1843, tại Anh quốc, Sir Henry Cole, vì quá bận bịu trong công việc làm ăn không thể viết thư được nhân mùa Giáng Sinh và muốn giúp phát triển hệ thống Bưu điện nên đã in một số thiệp gửi đến các đồng sự của ông. Lần ấy, đã có hàng ngàn tấm thiệp được in và bán với giá một "shilling".
Bài hát Giáng sinh

Bài Jingle bell do nhạc sĩ J.Pierpont sáng tác nhưng lại đặt vào chùm bài hát trong danh sách những bản nhạc dân ca nổi tiếng của Mỹ với tên gọi American song bag của nhà thơ Carl Sandburg. Bài này không phải sáng tác cho đêm Noel như người ta lầm tưởng.
Lời bài hát đậm tính dân dã mộc mạc, diễn tả tâm hồn của người dân Mỹ hướng đến một mùa tuyết rơi thật tốt lành. Hình ảnh ông Noel với túi quà đồ chơi, ngồi trên xe tuần lộc với tiếng chuông leng keng diễn tả sinh động, quyến rủ làm cho người ta thích nghêu ngao, nó vô tình trở thành bài hát Giáng sinh.
Bài Silent Night, holy night có xuất xứ từ Đức với tựa đề “Stille Natch, Heiligo Natch” do linh mục Joseph Mohr sáng tác khi cuộc chiến Đức – Áo - Phổ kết thúc. Sau này được phổ biến sang Áo, Mỹ... nay đã được dịch ra gần 100 thứ tiếng.
Chuông Thánh Đường
Trong vài nền văn hóa Á Châu, tiếng chuông được dùng báo hiệu cho quần chúng biết một biến cố hoan hỉ hay một sự kiện buồn não vừa xảy đến. Sau khi Chúa hài đồng giáng sinh, tục lệ này được truyền đến cho những quốc gia Tây phương để rung lên chào mừng Chúa Cứu thế xuống trần. Tại đất nước Tây Ban Nha, các chuông nhà thờ ngân vang vào lúc nửa đêm báo hiệu Chúa ra đời.
************
BẠN BIẾT GÌ VỀ LỄ GIÁNG SINH
Lễ Giáng sinh ngày nay có thể nói chính xác là ngày lễ nghỉ của toàn thể nhân loại. Đây là mùa của đèn nến và kim tuyến, thánh ca và ca đoàn, hương vị của cây thông và hạt dẻ nướng. Giáng Sinh đến với chúng ta với những bữa ăn ngon, những tiếng cười vui vẻ, và những nụ hôn dưới cây tầm gửi.
Khung cảnh Giáng Sinh được trang trí lộng lẫy khắp nơi, từ thôn quê tới thành thị, vô số những tấm thiệp được gởi để chúc mừng nhau. Hơn 2.000 năm qua, thế giới đánh dấu việc giáng sinh của Chúa Giêsu là lễ hội vui mừng nhất. Không có ngày nào trong năm vui mừng như vậy.
Chưa một Công đồng nào hoặc một Giáo hoàng nào công bố như vậy. Nhưng mỗi năm, Giáng Sinh đến như làn gió Đông bất ngờ thổi vào Tháng Mười Hai, như ánh nắng lấp lánh phản chiếu trên tuyết trắng xóa. Cảm giác rất lạ, đang từ mùa Đông cằn cỗi tới mùa ánh sáng vui mừng.
Giáng Sinh đầu tiên – ngày Chúa Giêsu giáng trần – là “cú sốc” đối với lịch sử nhận loại.
Trải qua nhiều thế kỷ, nhân loại đã sống và đã chết trong tội mà không biết, cảnh khốn khổ của thế gian này không thể tránh khỏi và niềm vui quá ít mà mau qua. Giáng Sinh tới, lịch sử được chia làm đôi: Trước ngày đó (trước Công nguyên), và sau ngày đó (sau Công nguyên). Thế giới hoàn toàn thay đổi. Vì Ơn Cứu Độ khởi đầu từ khi Thiên Chúa hóa thành nhục thể, khi Thiên Chúa hạ sinh tại Belem.
Thiên Chúa đến ở với chúng ta trên thế gian này. Thánh Gioan khởi đầu Phúc Âm bằng cách diễn tả một Thiên Chúa rất quyền năng, rất xa xôi, nhưng Ngài đã vượt qua tất cả vì yêu thương nhân loại:
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:1-5).
Đó là Thiên Chúa mà chính các triết gia ngoại giáo cũng biết, họ gọi Ngài là Động Lực Đầu Tiên, Tạo Hóa, Thượng Đế. Kịch bản của Thánh Gioan lên tới đỉnh điểm: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).
Đây là tin “giật gân”. Từ trời cao xa, từ thời điểm xa nhất, chính Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và “cắm lều” ở giữa Dân Ngài. Từ đời đời, Thiên Chúa là Ngôi Lời, nhưng không ai nắm bắt được Ngôi Lời. Bây giờ Ngài hóa thành Hài Nhi, và người ta có thể bồng bế hoặc ôm ấp Hài Nhi.
Theo sự thật lạ lùng của Kitô giáo, không gì táo bạo như điều này: Ngôi lời sinh ra tại một ngôi làng nhỏ, trong một hang đầy thú vật, vào một đêm vừa lạnh giá vừa tăm tối. Ngôi Lời đã làm người và đã thay đổi mọi thứ. Điều này làm cho Lễ Giáng sinh trở thành lễ gây sốc nhất trong lịch.
Ý nghĩa Lễ Giáng sinh được gom lại trong điều này. Thiên Chúa đã sống trong một gia đình như chúng ta. Ngài cũng run người vì lạnh như chúng ta. Ngôi-Lời-mặc-xác-phàm cũng đã bú sữa mẹ như các em bé khác, cũng khóc lóc khi cơ thể bất an. Hoàn toàn như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi.
Truyền thống cho chúng ta biết rằng Thánh Gioan viết đoạn mở đầu cho Phúc Âm của ngài khi được linh hứng cao độ. Bạn bè của ngài đã bảo ngài viết chuyện đời Chúa Giêsu, thế nên ngài bảo họ ủng hộ ngài bằng cách ăn chay và cầu nguyện. Khi ăn chay xong, Thần Khí ngự xuống trên Thánh Gioan, và ngài như không còn là chính mình. Ngôn từ cứ tuôn trào – có thể chính là những từ mà ngài cố gắng tìm mà chưa bao giờ tìm được.
Chúng ta có thể thấy lạ trong giọng điệu khi ngài nói với chúng ta rằng Ngôi Lời trở nên người phàm. Khi ngài viết, hẳn là ngài cũng cảm thấy rất hưng phấn, như lần đầu đến nhà của thợ mộc Giêsu ở làng Nadarét, Đấng Được Xức Dầu, Con Thiên Chúa.
Sự ngạc nhiên này cũng có trong thư thứ nhất của Thánh Gioan. Theo truyền thống, Thánh Gioan viết lá thư đó 66 năm sau khi Chúa Giêsu về trời, nhưng vẫn có sự ngạc nhiên trong lối hành văn của ngài. Ngài vẫn như thể không tin được rằng “điều đó là từ khởi đầu” cũng là “điều mà chúng ta nghe, thấy và sờ được”.
* * *
Trong thời Giáo hội sơ khai, Lễ Giáng sinh không là lễ quan trọng. Cuộc đời Chúa Giêsu vẫn là ký ức sống, và sự phục sinh của Ngài vẫn chiếm vị trí trung tâm trong lịch. Nhưng theo thời gian, các thầy dạy giả mạo bắt đầu không chịu nhận nhân tính nơi Chúa Giêsu. Họ cho rằng cơ thể Chúa Giêsu là cách cải trang tinh vi, chứ Thiên Chúa không bao giờ hạ giá chính Ngài bằng cách “mặc lấy xác phàm”. Sau đó, các tà thuyết từ chối việc Đức Mẹ sinh ra Ngôi Lời. Họ nói rằng Đức Mẹ sinh ra “thùng” chứa đựng Ngôi Lời. Các tà thuyết vẫn cho rằng Chúa Con là phần phụ, như thần thánh, chứ không đồng bản thể và vĩnh hằng với Chúa Cha.
Các tà thuyết này có một điểm chung: Không chấp nhận việc làm người của Con Thiên Chúa. Arius là người lập ra tà thuyết Arian, ông là người giỏi về luận lý. Ông từ chối tín điều Tam Vị Nhất Thể (Chúa Ba Ngôi), ông cho rằng ba không thể là một, đó là số học sơ đẳng. Thiên Chúa vô hạn không thể làm người hữu hạn, đó là triết học sơ đẳng. Do đó không thể có việc Thiên Chúa làm người.
Những người lạc giáo như Arius muốn dành cho Thiên Chúa sự sỉ nhục không thể lý giải của sự lệch lạc vì kết hợp quá sát với bản tính nhân loại. Đó cũng là vấn đề tương tự mà nhóm Pharisêu không thể vượt qua: Nếu Ông Giêsu này quá tốt, tại sao Ngài thân thiết với người tội lỗi và người thu thuế? Thật vậy, mặc dù những người theo tà thuyết khăng khăng cho rằng họ bảo vệ sự hoàn hảo của Thần tính, họ vẫn thực sự từ khước sự hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa. Cuối cùng, tình yêu có thể có vẻ bất khả lý luận. Bất kỳ ai đánh giá người khác như chính mình đều có vẻ hoàn toàn thái quá.
Hầu như không thể trùng khớp việc kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu theo lịch sử và theo nghĩa đen, Ngài là con bác thợ mộc bắt đầu đảm trách việc quan trọng hơn khi đức tin đích thực bị choán bởi các sai lầm rất nguy hiểm là tứ chối việc hóa thành nhục thể. Mừng Con Thiên Chúa giáng sinh là tách điều chính thống với tà thuyết. Mừng Chúa Giáng Sinh đưa Giáo hội tới nguyên tắc rõ ràng.
* * *
Từ đầu, không có sự thống nhất về ngày Lễ Giáng sinh. Giáo hội ở Ai Cập đặt ngày Đức Kitô giáng sinh vào tháng Tư hoặc tháng Năm. Các Giáo hội khác đặt vào tháng Ba, hoặc bất kỳ tháng nào mà họ thích. Điều cũng phổ biến là kết hợp Lễ Giáng sinh với lễ Hiển Linh (Ba Vua), đặ cả hai lễ này vào ngày 6 tháng 1. Nhưng khoảng thập niên 400, Lễ Giáng sinh được ấn định ngày 25 tháng 12 cho tới ngày nay.
Có ít nhất ba giả thuyết về Lễ Giáng sinh được mừng vào ngày 25 tháng 12. Cả ba đều hợp lý.
Giả thuyết thứ nhất đơn giản nhất. Chuyện xưa kể rằng, khoảng năm 350, ĐGH Julius I tìm ngày Chúa Giêsu giáng sinh trong hồ sơ điều tra dân số. Không thấy trong hồ sơ có thông tin về 350 năm sau đó. Chúng ta biết qua Phúc Âm theo Thánh Luca rằng Chúa Giêsu sinh ra trong thời gian điều tra dân số. Người Rôma, với sự tôn trọng mệnh lệnh, có thể đã giữ hồ sơ quá kỹ ở nơi nào đó tại Rôma nên không thể phát hiện.
Giả thuyết thứ nhì cho rằng các Kitô hữu không thể bỏ lễ kỷ niệm giữa mùa Đông của người ngoại giáo, nên dùng ngày đó luôn. Xuyên suốt lịch sử, người ta đã bỏ qua những ngày ngắn trong năm như ngày Đông chí hoặc Hạ chí. Khi ngày bắt đầu dài trở lại, nghĩa là mùa Đông cũng qua, và thế giới sẽ tái sinh vào mùa Xuân.
Nguồn gốc ngoại giáo của ngày này không làm chúng ta thành xấu xa. Thật vậy, nhiều truyền thống Kitô giáo đã có nguồn gốc từ ngoại giáo. Chẳng hạn cây Giáng Sinh không liên quan gì tới ngày Chúa Giêsu giáng sinh, nhưng chắc chắn mang ý nghĩa là nghi lễ giữa mùa Đông của ngoại giáo: Nhờ sự thông cảm, chúng ta đem tinh thần này vào ngày lễ bằng một cây xanh – cây này vẫn sống khi các cây khác đã chết khô. Và đó cũng là biểu tượng xứng hợp đối với các Kitô hữu. Cây xanh là phép ẩn dụ minh nhiên về niềm hy vọng của cuộc sống mới mà Đức Kitô mang lại cho chúng ta.
Còn nữa, đèn nến mà chúng ta thắp sáng khắp nơi trong Lễ Giáng sinh có thể là sự sống còn của nghi lễ ngoại giáo – một lần nữa lại là dạng thông cảm, lửa thắp sáng để làm mặt trời chết sống lại. Nhưng ánh sáng luôn là biểu tượng ưa thích của Kitô giáo.
Chúng ta biết rằng Giáo hội thời sơ khai thường lợi dụng niềm tin hoặc tục lệ của dân địa phương để loan truyền Phúc Âm. Chính Thánh Phaolô đã có một câu nổi tiếng được khắc trên bàn thờ dâng kính một vị thần ở A-thê-na (Athens): “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết.23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: Kính thần vô danh. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17:23). Tinh thần của Thánh Phaolô có rất nhiều trong Giáo hội trong việc phát triển cách hiểu của Kitô giáo về các lễ hội được ưa thích của người ngoại giáo, giải thích cho những người chuyển đạo rằng họ thực sự tôn thờ không chỉ Thần ánh sáng mà là Chúa Nguồn Sáng.
Giả thuyết thứ ba giải thích về ngày 25 tháng 12 là nó thích hợp với khái niệm của Giáo hội sơ khai về sự sống hoàn hảo của Chúa Giêsu. Truyền thống nói rằng Chúa Giêsu chết ngày 25 tháng 3. Các thần học gia lý luận rằng, để sự sống của Ngài hoàn hảo, Ngài cũng phải được thụ thai vào ngày 25 tháng 3, rồi sinh ra 9 tháng sau đó.
Ý tưởng về sự sống của Chúa Giêsu có sự hoàn hảo về mỹ học phải làm thỏa mãn thời đại cho tới thời triết học tân Platon. Điều đó đã làm thỏa mãn các nhà thông thái cũng như lễ hội giữa mùa Đông làm thỏa mãn tình cảm của dân chúng.
Các giả thuyết này đều có thể là thật. Chẳng hạn, người ta tưởng tượng rằng Đức giáo hoàng đã khám phá ngày tháng trong cuộc điều tra dân số, và Giáo hội lợi dụng sự thích hợp đó với ngày tháng của lễ hội ưa thích của người ngoại giáo, cũng như các Kitô hữu lợi dụng tính cân xứng với ngày chết của Chúa Giêsu. Các Kitô hữu đã tới các quốc gia theo cách mà các quốc gia đã được chuẩn bị để nghe biết. Nhờ đưa ra cách hiểu về Kitô giáo đối với phong tục địa phương hoặc ý tưởng triết học hợp lý, Giáo hội đã cho những người mới theo đạo cách hiểu lịch sử của việc Chúa giáng sinh theo cách mà họ có thể hiểu.
* * *
Khi lễ hội này lan tràn khắp các nước mới gia nhập Kitô giáo ở Âu châu và Đông phương, người ta gom các phong tục ngoại giáo cổ xưa hơn và tạo cách hiểu mới. Lễ Giáng sinh lan truyền tới đâu thì đều có vẻ mới nhưng vẫn quen thuộc với những người mới theo đạo. Có thể chính sự quen thuộc đó đã làm cho Lễ Giáng sinh được người ta yêu thích.
Khoảng năm 1100, Lễ Giáng sinh đã trở nên lễ quan trọng nhất trong năm. Suốt thời Trung cổ, Lễ Giáng sinh được cử hành ở khắp nơi với những cảnh đẹp lộng lẫy và niềm vui mừng. Người ta hát những bài ca giáng sinh mà họ thích; những đám rước nhộn nhịp qua các con đường nhỏ ở các thành phố thời Trung cổ; và bất kỳ nơi nào cũng tỏa mùi thơm từ những món ăn mừng Lễ Giáng sinh.
Tuy nhiên, với cuộc Cải cách Tin Lành, có những thay đổi về văn hóa. Họ hăng hái chống lại mọi sự lạm dụng trong Giáo hội, nhiều nhà cải cách đã nhắm vào Lễ Giáng sinh chỉ là một trong các lễ hội ngoại giáo. Theo nghĩa nào đó, dĩ nhiên họ đúng: Nhiều truyền thống có nguồn gốc ngoại giáo. Nhưng các phe chống Lễ Giáng sinh đã chỉ phê phán bằng “cái gốc” đáng lẽ họ phải phê bình bằng “hoa trái”.
Khi những người theo Thanh giáo chiếm lĩnh ở Anh quốc, họ đã cấm Lễ Giáng sinh. Các cửa tiệm phải mở toang ra. Bất kỳ ai bị phát hiện một miếng bánh nào sẽ gặp rắc rối. Người Thanh giáo cho rằng các loại bánh khúc cây, bánh mận, và những bài hát giáng sinh tạo nên Lễ Giáng sinh truyền thống Anh quốc đều không là gì khác ngoài việc tôn sùng ngẫu tượng ngoại giáo, thế thì phải dẹp bỏ. Có một số người phản đối, thậm chí một số người còn sẵn sàng chết vì bảo vệ Lễ Giáng sinh, nên dân chúng vẫn theo truyền thống dùng Lễ Giáng sinh là ngày nghỉ – nhưng người Thanh giáo vẫn chiếm ưu thế, dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Để phản kháng, người Thanh giáo ra lệnh rằng Lễ Giáng sinh phải là ngày ăn chay. Truyền thống này không bao giờ được tiếp nối. Dễ dàng nói rằng việc ăn chay không bao giờ được theo vì tính yếu đuối nhân loại – cuối cùng, người ta thích ăn mừng lễ hơn ăn chay vì tự nhiên như người ta thích vui hơn thích buồn. Nhưng Mùa Chay không bao giờ bị bỏ ra ngoài lịch. Các Kitô hữu tốt lành sẵn sàng chịu đựng sự từ bỏ mình khi thích hợp. Nhưng điều đó có vẻ không thích hợp với Lễ Giáng sinh.
Có điều người Thanh giáo không hiểu, và có điều nhiều người tốt vẫn không hiểu, đó là không có sự mâu thuẫn giữa việc tôn thờ Thiên Chúa và tận hưởng sự sáng tạo của Thiên Chúa. Không gì xấu để tận hưởng những điều tốt lành mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Phép lạ thứ nhất của Chúa Giêsu là hóa nước thành rượu – mà không chỉ là rược thường, thánh Gioan tỉ mỉ cho biết đó là loại rượu hảo hạng. Rõ ràng Con Người có vị giác rất tốt theo nhân tính.
Một số các Kitô hữu sai lầm như Thanh giáo đều xấu hổ vì hiểu đức tin với niềm vui trần tục. Nhưng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh là mầu nhiệm Ngôi Lời làm người. Thánh Athanasiô nói rằng chữ “nhục thể” (xác thịt) là sự chính thống anh hùng vô địch khi những đám mây tà thuyết có vẻ đen tối nhất, “nhục thể không loại bỏ vinh quang của Ngôi Lời, tư tưởng còn xa hơn. Ngược lại, nhục thể được Thiên Chúa làm cho vinh quang”.
Một số các Giáo phụ gọi Lễ Giáng sinh là lễ Hóa Thân, theo nghĩa gốc tiếng Latin. Khi Thiên Chúa mặc xác phàm, chính nhục thể trở thành vật thánh, là điều được cử hành bằng hình ảnh, tượng và thiệp giáng sinh.
Thế kỷ VIII, một bè rối nổi lên trong Giáo hội và tự nhận là “Iconoclasts”, tiếng Hy Lạp nghĩa là “những người đập nát hình ảnh” (tức là phá ngẫu tượng). Họ cố gắng “thanh lọc” và “tâm linh hóa” đời sống Kitô giáo bằng cách xóa bỏ mọi biểu tượng về Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và các thánh. Họ phá hủy mọi hình ảnh tôn giáo trong thời Đế quốc La Mã Đông phương, và họ chặt tay các Kitô hữu nào không loại bỏ các ảnh tượng. Họ nói rằng Thiên Chúa không thể được thể hiện qua ảnh tượng; ai làm vậy là thờ ngẫu tượng. Nhưng đây là cách mà Thánh Gioan thành Damascô trả lời họ: “Thời xưa, Thiên Chúa không được thể hiện bằng bất kỳ cách nào. Nhưng ngày nay, vì Thiên Chúa đã mặc xác phàm và sống giữa chúng ta, tôi có thể biểu hiện điều nhìn thấy ở Thiên Chúa. Tôi không tôn thờ chất liệu, mà tôi tôn thờ Đấng tạo nên chất liệu và trở nên chất liệu vì tôi… Qua chất liệu, Ngài hoàn tất ơn cứu độ cho tôi”.
Nói cách khác, sự “hóa thân” làm thành nghệ thuật, và cũng là đồ thánh, cũng như điều đó làm co cơ thể thành vật thánh. Các họa sĩ đã vẽ tranh giáng sinh qua nhiều thế kỷ mà không tạo ra ngẫu tượng. Cách thể hiện của họ là những bài Thánh ca (hymns) ca tụng Thiên Chúa vô hình được làm thành hữu hình.
Nhìn vào bất kỳ tranh giáng sinh cổ điển nào đều có thể cảm nhận Thiên Chúa. Mỗi con vật trong hang đá là một thụ tạo; mỗi cọng rơm trong máng cỏ đều được rút ra bằng sự cẩn thận vô cùng. Trong các cảnh của Kinh thánh, các họa sĩ đã yêu quý vẽ ra từ nhiều thế kỷ qua, Lễ Giáng sinh gợi nhớ sự vui mừng nhất trong niềm vui vẽ tranh, và Thiên Chúa hiện hữu trong từng chi tiết đó.
* * *
Câu chuyện giáng sinh của mọi người là câu chuyện trong Phúc Âm theo Thánh sử Luca. Điều làm cho câu chuyện đó được yêu mến là sự thân thiện. Thánh Luca có vẻ như viết cho dân ngoại, cố gắng tới đúng chỗ Chúa Giêsu sinh ra về phương diện lịch sử và địa lý. Chúa Giêsu giáng sinh không là một ẩn dụ hoặc ngụ ngôn như những câu chuyện thời Trung cổ, mà đó là sự kiện thật ở nơi thật mà lịch sử có thể chứng minh.
Thánh Luca tiếp tục cho chúng ta thấy kỹ năng viết của một sử gia, chính xác các chi tiết mà chúng ta cần biết về sự giáng sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta biết Thánh Giuse và Mẹ Maria cảm thấy thế nào khi không có chỗ trọ, và các ngài vui thế nào khi tìm được cái hang chiên lừa, và khiến chúng ta cũng cảm thấy như Thánh Giuse và Mẹ Maria. Rất chi tiết. Còn các tác giả Phúc Âm khác không cho chúng ta biết chi tiết như vậy, mà chỉ nói các điểm chính.
* * *
Ngôi Lời hóa thành nhục thể không chỉ là sự kiện một lần trên Thập giá hoặc Thăng thiên. Chúa Giêsu Kitô không chỉ đến trong thế gian ở một nơi đặc biệt và vào thời điểm đặc biệt, mà Ngài còn thiết lập Giáo hội là Nhiệm Thể Ngài trên thế gian này. Các cộng đoàn tín hữu sinh sống ở mọi nơi trên hành tinh này – họ là các chi thể của Đức Kitô. Nếu bạn muốn biết Chúa Giêsu như thế nào, hãy vào nhà thờ và nhìn xung quanh bạn.
Hơn nữa, chúng ta còn gặp Đức Kitô hiện thân trong Bí tích Thánh Thể, vì Ngài nói: “Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6:55). “Hóa thân” không là điều trừu tượng – đó là điều “cụ thể kỳ diệu” trong đời sống thường nhật của chúng ta. Điều đó không chỉ xảy ra hơn hai ngàn năm trước mà vẫn đang xảy ra từng ngày trong thời đại chúng ta ngày nay.
“Hóa thân” là “hiện thân” của tình yêu hiện hữu trong những điều thực tế mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta. Đó không chỉ vì sự hiểu biết của phàm nhân yếu đuối mà các bí tích đều được cử hành bằng các dấu bề ngoài. Chúa Con đã hóa điều đó nên sự thánh.
Chính trong Thánh Thể, chúng ta thấy sự nuôi dưỡng dành cho tinh thần được mô tả trong dạng sơ đẳng nhất của sự nuôi dưỡng dành cho thân xác. Thiên Chúa vĩnh hằng hiện ra với chúng ta trong dạng tạm thời của bánh và rượu: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:26-28). Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta được gợi nhớ rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã trở nên xác thịt thực sự để xẻ ra và máu thực sự để đổ ra.
Sự hóa thân đó cho chúng ta cảm thấy niềm vui thực sự thích hợp với Lễ Giáng sinh. Qua sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu thành Nadarét đã chữa lành các bệnh nhân và làm no thỏa những người đói khát. Ngài yêu thương chúng ta không chỉ để đưa chúng ta về Thiên đàng với Ngài, mà Ngài còn muốn chúng ta tận hưởng hạnh phúc ngay khi chúng ta còn sống trên thế gian này. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta một điều duy nhất là yêu mến Ngài, đồng thời yêu thương tha nhân như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Người ta vẫn thấy dấu vết của tình yêu Kitô trong các phong tục cổ và thói quen tặng quà giáng sinh. Việc mua thiệp giáng sinh cũng là sự thôi thúc của Kitô giáo là “trao tặng”, như Chúa Giêsu đã dạy: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20,35).
Chúa Giêsu luôn thấy điều tốt nơi chúng ta và tha thứ lỗi lầm cho chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta phải làm cho người khác hạnh phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều đó hiện thực nơi mỗi chúng ta.
Đây là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta: Chúng ta có thể xác để dùng nó mà thờ lạy Thiên Chúa, như Chúa Giêsu thành Nadarét đã làm. Chúng ta có thể xác để dùng nó mà phục vụ tha nhân, như Chúa Giêsu thành Nadarét đã làm. Chúng ta có thể xác để dùng nó mà đem lại sự thuận lợi, an ủi và chữa lành, như Chúa Giêsu thành Nadarét đã làm. Chúng ta có thể xác vì mục đích làm vinh danh Thiên Chúa.
Lễ Giáng sinh chan hòa niềm vui: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2:14). Chúa Giêsu sinh ra nơi hang bò lừa hôi tanh cho những gia đình lao động nghèo. Đó là điều vinh dự đích thực. Không gì lý tưởng bằng việc Chúa Giêsu giáng sinh làm người. Con Thiên Chúa sinh ra theo cách rất ư bình thường, thậm chí còn tệ hơn bình thường. Những người đầu tiên biết Tin Vui này là những mục đồng chăn chiên nghèo khổ, chứ không phải những người cao sang quyền thế hoặc hoàng đế Augustô tại dinh thự ở Rôma, cũng chẳng phải bạo chúa Hêrôđê. Đó là sự kỳ diệu của Ngôi-Lời-Làm-Người: Ngôi Lời thực sự là người như chúng ta.
Câu chuyện giáng sinh là câu chuyện kể về cách mà xác thịt hóa thành thánh thiêng, thân xác được thánh hóa, và niềm vui trần tục trở nên thánh ca chúc tụng Thiên Chúa. Như vậy, Lễ Giáng sinh là lễ dành cho ngũ quan. Chúng ta thích nghe đi nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu giáng sinh mà không chán, và câu chuyện đó vẫn ở mãi trong chúng ta.
(Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ FathersOfTheChurch.com)
-------------
ÔNG GIÀ NOEL LÀ AI?
Mỗi năm Giáng Sinh về, hình ảnh Ông Già Noel xuất hiện khắp mọi nơi. Ông Già Noel thân thương gần gũi vui vẻ trao quà cho trẻ em. Ông Già Noel thăm viếng và chia sẽ cho những người kém may mắn. Ông Già Noel làm MC trong các chương trình ca nhạc mừng Giáng Sinh...
Ông Già Noel là nhân vật lịch sử hay chỉ là huyền thoại ?
Thánh Nicôla và Ông Già Noel là cùng một người. Thánh Nicôla là một Giám Mục của Giáo Phận Myra, bên Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Pháp gọi là: Le Père Noel (ông Cha, linh mục Noel), người Anh gọi trực tiếp là Santa Claus (Thánh Nicôla), Thánh Giám mục,lễ mừng ngày 6 tháng 12 hàng năm.
Người Pháp thân mật gọi Ngài là "Le Père Noel" (ông cha Noel) vì ngài liên hệ nhiều đến lễ Noel, nhất là với trẻ em, đến nỗi sau khi Ngài qua đời đã lâu rồi, mà hình ảnh Ngài còn được lưu truyền cho hậu thế. Đầu tiên ở Châu Âu, rồi tới toàn thế giới qua bóng dáng một cụ già đẹp lão, râu tóc bạc phơ, mặc áo choàng đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội mũ chóp đỏ, lưng vác một giỏ lớn đây đồ chơi và bánh kẹo cho thiếu nhi.
Người ta còn thi vị hóa, đem niềm vui cho trẻ em, bằng cách "bắt ông cha Noel đêm 24 tháng 12 chui qua lò sưởi vào phòng ngủ của các em, bỏ đồ chơi, bánh kẹo vào những chiếc giày các em để bên lò sưởi, hay bỏ vào những chiếc vớ mà các em treo ở chân giường". Thật ra là cha mẹ các em bỏ vào đó để khuyên các em phải ngoan thì "Cha Noel" mới cho quà! Một cách giáo dục hay!
Khi tới Việt Nam, dân chúng không hiểu rõ nguồn gốc, thấy hình cụ già râu tóc bạc phơ, nên gọi là Ông Già Noel.
Ông Già Noel ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến lu mờ đi ý nghĩa chính của câu truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị Giám mục thánh thiện, Thánh Nicôla.
Cả hai giáo hội Ðông Phương và Tây Phương đều vinh danh ngài. Có thể nói, sau Ðức Mẹ, ngài là vị thánh thường được các nghệ sĩ Kitô giáo mô tả. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicôla là giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư. Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một tỉnh của Tiểu Á. Tuy nhiên, như nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối quan hệ giữa thánh nhân và Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô hữu dành cho ngài. Sự ngưỡng mộ được diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ.
Có lẽ câu truyện nổi tiếng nhất về Thánh Nicôla là lòng bác ái của ngài đối với một gia đình nghèo khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô con gái làm của hồi môn. Vì không muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm, Thánh Nicôla đã bí mật ném ba gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường hợp khác nhau, để giúp các cô con gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền thoại này trở thành thói quen tặng quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế giới nói tiếng Anh, Thánh Nicôla trở thành Santa Claus và người Việt thường gọi là Ông Già Noel.(x.nguoitinhuu.com)
1. Cuộc đời Thánh Nicôla
Năm 1969, Giáo Hội Công Giáo đã chính thức đặt vấn đề tra cứu về thân thế của Thánh Nicôla. Ngài là một vị thánh thực sự hay chỉ là một huyền thoại?
Sử liệu còn để lại đã chứng minh rằng Ngài là một nhân vật có thật.
Thánh nhân sinh năm 280 scn, tại một ngôi làng nhỏ tên Batara thuộc vùng Tiểu Á (ngày nay thuộc lãnh thổ nước Thổ Nhỉ Kỳ). Cha mẹ đặt tên cho con trai bằng tiếng Hy Lạp là Nicôla. Lúc ấy nền văn minh và văn hóa Hy lạp còn thống trị nhiều vùng đất rộng lớn trong đó có Thổ Nhỉ Kỳ. Theo tiếng Hy Lạp, Nicôla có nghĩa là Người Anh Hùng của Dân Tộc. Cái tên định mệnh đó rất xứng đáng đối với ngài ít nhất ở lãnh vực đạo đức và tôn giáo. Ông bà thân sinh tuy không giàu có lắm nhưng luôn giúp đỡ người nghèo. Hấp thụ nền đạo đức bác ái từ cha mẹ : "Phải luôn là người lương thiện, nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình", Nicôla đã trở thành một mẫu người thánh thiện ngay khi ngài còn ở độ tuổi thiếu niên. Một cơn dịch bệnh tràn qua thôn xóm. Cha mẹ qua đời, lúc này Nicôla mới 12 tuổi. Tuy vậy, cậu bé vẫn tiếp tục đem tiền bạc giúp đỡ cho những người cùng khổ. Nicôla miệt mài học tập giáo lý. Ngài có một khả năng siêu nhiên lạ lùng là có thể cảm nghiệm được nỗi khổ đau đang xảy ra ở đâu đó và lập tức đến nơi cứu giúp.
Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, có lẽ thánh Nicôla là người được phong chức Giám Mục thành Mira ở độ tuổi trẻ nhất. Lúc đó ngài mới có 19 tuổi. Vì vậy, bạn bè đặt cho ngài biệt danh vui nhộn là "chú nhóc Giám Mục". Ngài cười đón nhận và chẳng phiền lòng tí nào.
Năm 303, lúc Nicôla 23 tuổi, Vua La Mã là Dio Pletian buộc mỗi vùng thuộc đế quốc La Mã phải tôn phục ông là thượng đế. Dĩ nhiên Giám Mục Nicôla và giáo dân địa phận Mira không chịu tuân phục. Ðối với Kitô hữu, chỉ có một Thượng Ðế duy nhất, đó là Thiên Chúa. Vì vậy, thầy trò Nicôla đều được ưu ái mời vô khám nằm đếm lịch, ăn bánh mì đen và uống nước lã. Riêng Nicôla bị biệt giam trong một cái nhà tù nhỏ xíu, bị bỏ đói, khát và lạnh đến 10 năm. Vô cùng mầu nhiệm, ngài vẫn sống.
Đến năm 313, hoàng đế Constantine lên ngôi, ra sắc chỉ Milan, đại xá thiên hạ. Lao lý 10 năm đã làm cho đức tin và con người của Nicôla thêm bền vững. Ngài dốc tâm giảng đạo, phát triển Giáo hội, bố thí của cải và đem vô số người về với Chúa.
Ngày 6 tháng 12 năm 343, ĐGM Nicôla từ trần, hưởng thọ 63 tuổi. Ngài để lại cho trần thế một công nghiệp đồ sộ, một tên tuổi rực chói và những câu chuyện có thật lẫn huyền thoại mà vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
Một thời gian ngắn sau khi ĐGM Nicôla từ trần, người dân Mira dựng lên một ngôi đền thờ tôn kính ngài, lưu giữ tất cả các vết tích và các vật dụng của ngài.
Ðến năm 800 Giáo Hội Công Giáo Đông Phương chính thức tuyên dương ngài là thánh.
2. Từ một vị Thánh trở thành Ông Già Noel.
Làm cách nào mà từ một vị Thánh đầy lòng bác ái lại trở thành Ông Già Noel, một biểu tượng mang tính tiêu dùng vào mỗi mùa Giáng Sinh?
Jeremy Seal, một nhà văn chuyên viết về các đề tài du lịch (hay một nhà văn lãng du, travel writer), đã lao vào một cuộc tìm kiếm mang tính quốc tế để trả lời cho câu hỏi trên và Ông đã cho viết lại những tìm kiếm của Ông trong cuốn sách có nhan đề: "Nicôla: Cuộc Viễn Du Mang Tín Thiên Hùng Ca từ Một Vị Thánh trở thành Ông Già Noel" (Nicôla: The Epic Journey from Saint to Santa Claus) do nhà sách Bloomsbury xuất bản.
Ông đã chia sẽ cho hãng tin Zenit về những gì mà Ông đã khám phá ra, bằng việc dõi theo sự sùng kính Ông Già Noel trên khắp địa cầu và lý do tại sao Ông nghĩ Thánh Nicôla và lòng bác ái từ nhân của vị Thánh này vẫn còn âm vang mãi cho đến ngày hôm nay, mặc cho chủ nghĩa tiêu thụ hóa của mùa Giáng Sinh.
Hỏi (H): Thưa Ông, điều gì đã khiến Ông có cảm hứng để viết ra cuốn sách này? Và Ông định tìm kiếm mãi cho đến tận đâu?
Ông Seal (T): Thưa, tôi bị lôi cuốn vào đề tài này bởi vì chính tôi cũng có hai cô con gái nhỏ, 6 và 2 tuổi khi tôi bắt đầu dự án này. Chúng nhắc nhở cho tôi biết được nhân vật Ông Già Noel có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với các trẻ em.
Tôi cũng bị lôi cuốn vào Thánh Nicôla vì lẽ câu chuyện của vị Thánh này có tính chất thiên hùng ca hay thiên sử thi. Tôi là một nhà văn chuyên viết về các đề tài du lịch và ý thức rằng mãi cho đến khi vị Thánh này chết đi thì mọi người mới biết được vị Thánh đã thực hiện một cuốn viễn du lạ kỳ bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tận Châu Âu, Manhattan và sau cùng là vùng Bắc Cực lạnh giá.
Tôi cũng đã đi đến tất cả những nơi có gắn liền với cuộc sống của vị Thánh Nicôla này.
Tôi bắt đầu chuyến viễn du tại Thổ Nhĩ Kỳ là nơi mà Vương Cung Thánh Đường nguyên thủy mang tên vị Thánh đứng sừng sững giữa thành phố Myra, giờ đây là thành phố Demre; rồi lần theo sự sùng kính của vị Thánh này đến vùng phía Tây của Bari, Ý Quốc; và phía Bắc đến thành Venice, Áo Quốc; rồi đến Amsterdam của Hòa Lan và rất nhiều nơi khác nữa tại Châu Âu; rồi đến thành phố Manhattan và sau cùng là đến Lapland ở phía Bắc Phần Lan và Thụy Điển cùng với hai đứa con gái của tôi vào mùa Giáng Sinh năm vừa qua.
(H): Thưa Ông, Thánh Nicôla của thành Myra là ai vậy?
(T): Thưa, chúng ta biết rất ít về vị Thánh này. Vị Thánh chính là Đức Giám Mục của Giáo Phận Myra vào thế kỷ thứ 4. Myra là một thị trấn ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nay được biết đến là thành phố Demre. Không có bằng chứng nào còn sót lại về cuộc sống thật sự của vị Thánh này ngoại trừ việc tham khảo vào bản viết tay của thế kỷ thứ 6.
Chúng ta hoàn toàn chẳng biết gì cả về Thánh Nicôla ngay cả sau khi vị Thánh này mất đi. Nhưng bởi vì vị Thánh là một người rất nổi tiếng, được biết tới sau khi vị Thánh đã chết đi, do đó, có lẽ là do một điều gì đó trong cuộc sống của Ngài mới làm cho Ngài được ca ngợi nhiều đến như vậy; chúng ta tuy không biết được gì nhiều về vị Thánh này, nhưng giác quan cho chúng ta biết được rằng: Ngài là một người rất đặc biệt.
Trông có vẽ là Ngài là một người rất tế nhị nên đã khiến cho tên tuổi của Ngài được đề cập đến trong việc cầu xin một sự trợ giúp về vật chất lẫn một sự trợ giúp mang tính thực tế nào đó. Khía cạnh này vẫn mãi âm vang qua biết bao nhiêu thế hệ bởi vì sự trợ giúp về vật chất là một điều gì đó mà tất cả chúng ta đều cần đến hay có thể liên hệ đến.
(H): Thưa Ông, đâu là những hành động khác thường, nổi bật của vị Thánh này?
(T): Thưa, có rất nhiều loại câu chuyện minh chứng cho những hành động khác thường và nổi bật của vị Thánh này, vì lẽ, Ngài là vị Thánh duy nhất sống rất thọ. Trong thời của Ngài, hầu hết những vị Thánh Kitô Giáo đều bị tử vì đạo, chỉ có Thánh Nicôla là có nhiều câu chuyện được kể về nhất vì vị Thánh sống rất lâu và đã qua đời ngay trên giường ngủ của Ngài.
Bạn có thể chọn lựa một vài mẫu chuyện về Ngài, nhưng hầu hết mọi câu chuyện đều có một điểm chung duy nhất là việc Ngài chủ động giúp đỡ tất cả mọi người. Có vô số câu chuyện về việc Ngài cứu các thủy thủ khỏi bị sóng bão đánh ngoài khơi bờ biển của thành phố Myra. Khi Ngài thuyết phục vị thuyền trưởng của một chiếc tàu vừa mới vượt qua mang các hàng hóa về lúa thóc đến thành phố Myra là nơi mà mọi người đang phải chết đói, tức thì chuyến hàng của vị thuyền trưởng đó tự nhiên được bổ sung thêm rất nhiều.
Một số binh sĩ đang chờ đợi tử hình đã nói dối là thấy được vị Thánh trong giấc mộng, tức thì Thánh Nicôla liền đến an ủi họ và giúp họ được giải thoát.
Khi ý tưởng của Thánh Nicôla đến được Nga Sô vào thế kỷ thứ 11, thì một loạt câu chuyện mới về vị Thánh được nêu ra. Những người Nga Sô gọi Ngài là "ugodnik" tức "người giúp đỡ." Tại Nga Sô, Ngài đã giúp đỡ dân chúng dưới nhiều hình thức khác nhau như: hổ trợ những người chăn cừu trong việc bảo vệ đàn cừu khỏi bị chó sói, bảo vệ các ngôi nhà khỏi bị cháy rụi, vân vân..
(H): Thưa Ông, đâu là những cản trở mà sự sùng kính về vị Thánh này gặp phải qua nhiều thế kỷ?
(T): Thưa, tôi nghĩ là có hai khía cạnh cụ thể.
Khía cạnh đầu tiên là từ thế kỷ thứ 8 trở đi, nơi mà Ngài đã bắt đầu, tại phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị đe dọa từ các thế lực Hồi Giáo đang lớn mạnh tại đó, những người vốn không mấy thích thú gì cả về vị Thánh này.
Những di tích của Thánh Nicôla đã bị đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1087 và được mang đến Bari, Ý Quốc, vốn đã thiết lập nên tên tuổi của Ngài tại Âu Châu và sự sùng kính đó cứ thế mà được lan tràn ra khắp lục địa Âu Châu. Rất đáng ngạc nhiên là nó được dời ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ kịp thời vì lẽ Ngài không bị tách rời ra khỏi nhịp điệu phát triển tại một quốc gia Hồi Giáo tương lai; và tại Bari, một Vương Cung Thánh Đường đã được dựng lên bên trên những di tích của Ngài.
Khía cạnh thứ nhì chính là phong trào cải cách đã càn quét toàn bộ vùng phía Bắc Âu Châu vào các thế kỷ 16 và 17 và việc xem nhẹ / coi thường tầm quan trọng của các vị Thánh. Tôi nghĩ Ngài chính là vị Thánh duy nhất đã tạo ra được sự cảm kích, sâu đậm cho tất cả mọi người vượt qua cả phạm vi của Giáo Hội, vì lẽ Ngài đã trở thành một thành viên yêu mến nhất của tất cả mọi người và mọi nhà.
Thánh Nicôla sẽ đến cứ vào mỗi ngày thứ 6 của tháng 12 để mang các món quà xuống từ ống khói cho các trẻ em ở phía Bắc Châu Âu; và bắt đầu từ thế kỷ thứ 14 Ngài đã trở nên phổ biến và được yêu mến nhiều bởi tất cả mọi người. Chính điều này đã tạo cho việc sùng kính Ngài trở nên ngày một kiên vững và thành trì hơn, đang khi đó, thì tại tất cả những nơi khác những hình ảnh và bức tượng của các vị Thánh khác đều bị phá trụi, bị thiêu hũy, bị đốt cháy hay bị đập tan ra từng mãnh.
(H): Thưa Ông, làm thế nào mà vị Thánh này có liên quan đến hình ảnh của Ông Già Noel thời nay?
(T): Thưa, vì tình yêu thương vào Thánh Nicôla đã giữ cho việc sùng kính Ngài được tồn tại và sống động mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 18 tại thành phố Manhattan, thuộc tiểu bang New York, là nơi mà sự trở lại của Ông Già Noel đã xảy ra.
Cái tên "Santa Claus" (Ông Già Noel) là cách đọc theo giọng Mỹ của từ "Sinterklaas" của người Hà Lan. Thánh Nicôla và Ông Già Noel là cùng một người, thế nhưng rất nhiều người không hề biết được điều này. Cả hai đều là một, nhưng trông có vẽ khác nhau là vì sự tiến triển tại nhiều thời điểm khác nhau sau cái chết của vị Thánh.
Chúng ta không biết được vào thời gian nào mà ý tưởng này được lan truyền từ phía Bắc Châu Âu đến vùng Tân Amsterdam, bây giờ là thành phố Manhattan. Nhưng thật là an toàn khi nói rằng vị Thánh này đã đến cùng thời với những người di cư đầu tiên như là một trí nhớ giả tạo (fake memory) và sau đó bị im lặng tại vùng Bắc Mỹ mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 18.
Điều đã xảy ra chính là việc cho quà, mà vào thời gian đó chỉ đơn thuần là một việc trao đổi các vật gia dụng trong nhà mang tính chất địa phương và nhất thời mà thôi, và rồi sau đó bùng nổ thành một thứ gì đó lớn hơn rất nhiều. Việc sản xuất đại trà cũng từ đó mà bắt đầu, các tiệm bán lẻ bắt đầu mở ra, các loại đồ chơi trở nên thịnh hành từ phía Bắc Châu Âu, và các cuốn sách, các dụng cụ âm nhạc và các đồ vải lanh đều có thể mua sắm được.
Tầm ảnh hưởng của việc này chính là truyền thống trao tặng quà cáp được hoán chuyển trên tất cả mọi khía cạnh nhận thức của con người. Điều này đã tạo ra một nhu cầu cho việc cần phải có một tinh thần trong việc trao tặng quà cáp. Thánh Nicôla chính là người hay trao tặng quà cáp từ thế giới cổ trong các truyền thống của người Hòa Lan và người Anh Quốc, và mọi người chẳng cần phải nghĩ ngợi quá lâu để liên tưởng ngay đến Ngài.
Mọi người ở vào cuối thế kỷ 18 đại chúng hóa ý tưởng về Ông Già Noel, nhưng vào thời đó, họ không có chủ ý là thương mại hóa. Thánh Nicôla cũng từ đó mà nổi trội lên và dần dà tên của Ngài được đổi thành Santa Claus tức Ông Già Noel.
Vào những năm của thập niên 1820, Ngài bắt đầu đạt được những sự công nhận qua các loại đồ trang trí như: nai tuyết, ngựa kéo xe trượt tuyết và các quả chuông. Chúng chỉ đơn thuần là những thứ trang điểm bề ngoài trong một thế giới mà Ngài nổi trội lên. Vào thời đó, xe ngựa trượt tuyết chính là phương tiện để bạn có thể đến được vùng Manhattan.
Bài thơ "Một Cuộc Viếng Thăm của Thánh Nicôla" (A Visit from St. Nicôla) cũng còn được biết đến như "Twas the Night Before Christmas" (Mãi Cho Đến Đêm Trước Giáng Sinh) được xuất hiện ra trước công chúng vào năm 1822 và mô tả đầy đủ các chi tiết về vị Thánh. Khi đó Ngài hút thuốc bằng tẩu, và dần dà trở thành nhân vật mà giờ đây chúng ta được biết đến.
Tất cả những yếu tố này được thành hình nên về Ngài, và càng ngày Ngài càng bị thương mại hóa, vốn là một điều thật dễ hiểu, nhưng đó lại là một sự sai lạc so với ý nghĩa nguyên thủy của việc Ngài là ai và có ý nghĩa như thế nào. Trong thời đại Trung Cổ, Ngài chính là một biểu tượng và một thần tượng về lòng bác ái. Tôi không dám chắc là liệu điều này còn đúng hay không nữa trong thời đại ngày nay, vì có vẽ con người thời nay đã hình tượng hóa Ngài trong một sự pha trộn lạ kỳ giữa lòng bác ái và sự bùng nổ của việc thương mại hóa.
(H): Thế thưa Ông, Ông có đề nghị gì cho các bậc làm cha mẹ Kitô Giáo để họ kể về Ông Già Noel cho các con cái của họ?
(T): Thưa, điều mà tôi đã cố gắng làm bằng cách lần theo dấu vết của Ông Già Noel về tận nguồn gốc nguyên thủy của vị Thánh chính là cách để nhắc nhở chính bản thân tôi rằng thật sự có một khía cạnh đạo đức luân lý thật trong việc trao tặng quà. Thánh Nicôla luôn tìm cách giúp đỡ mọi người khi họ rơi vào tình trạng túng quẫn.
Đây chính là bài học mà chúng ta có thể rút ra được từ việc trao tặng quà. Các món quà, nhằm để trao cho những người thân mà họ đã có đầy đủ hay dư thừa, không thể nào phản ánh đúng cho được những gì mà Thánh Nicôla thường hay làm. Làm cách nào mà vị Thánh này trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với tất cả các trẻ em, thì tôi thật sự không biết.
Tôi là một người theo đạo Anh Giáo đã từng sa ngã, nhưng điều thú vị mà tôi tìm được qua Thánh Nicôla này chính là từ các quan điểm về mặt trí thức lẫn về mặt đạo đức, luân lý học. Tôi yêu mến khía cạnh đạo đức luân lý mà vị Thánh này đại diện cho và về những hoạt động mang tính bác ái của Ngài.
Thánh Nicôla có sức lôi cuốn cho bất kỳ ai trên bất kỳ mọi khía cạnh đạo đức, và luân lý học nào, và không có một hệ thống tín ngưỡng nào có thể bất đồng về những gì mà Ngài tượng trưng cho.
Ngài nói chuyện với tất cả mọi người vì lẽ quá nhiều thần học có thể làm cho rối rắm thêm, thế nhưng chính Ngài và những câu chuyện của Ngài là rất đơn giản, mộc mạc. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao mà chúng vẫn còn âm vang mãi qua hàng trăm năm và tại sao chúng lại có tính liên kết tồn tại trong truyền thống của mọi gia đình khi chúng ta đề cập tới Ông Già Noel trong thời đại ngày nay. (nguồn: Vietcatholic 22/12/2005).
3. Vài cầu chuyện về Thánh Nicôla.
a. Thánh Nicôla làm phép lạ trên biển
Câu chuyện kể về người thủy thủ một chiếc tàu sắp bị đắm trong vùng biển Ðịa Trung Hải. Con tàu bị lạc giữa một cơn bão tố và va phải đá ngầm và bị thủng một lỗ to. Nước biển tràn vào ồ ạt. Con tàu chồng chềnh ngã nghiêng và chìm dần xuống. Một vài thủy thủ chợt nhớ lại tên thánh Nicôla hằng cứu giúp, mặc dầu lúc ấy ngài đã tạ thế. Lập tức họ cùng nhau quỳ xuống khấn nguyện tên ngài và khẩn cầu ngài cứu vớt. Ðột nhiên từ trên không, giữa những làn nước giá buốt trút ầm ầm như thác, giữa những cơn sóng gầm thét điên cuồng, thánh Nicôla trong chiếc áo giám mục màu đỏ từ từ hạ xuống giữa khoang tàu. Gió bỗng thôi gào, mưa bão ngưng tạnh. Thánh Nicôla cùng thuỷ thủ đoàn quỳ xuống tạ ơn Thiên Chúa, rồi ngài cùng họ chèo chống con tàu ra khỏi vùng đá ngầm bằng một chiếc sào dài. Khi con tàu đã đến chỗ bình yên, thì ngài vẫy tay từ biệt họ, cất mình lên không và biến mất sau những đám mây trắng. Vẫn chưa chấm hết câu chuyện, khi con tàu cập bến Myra, các thủy thủ cùng vị thuyền trưởng đi đến ngôi đền thờ thánh Nicôla để làm lễ tạ ơn, thật lạ lùng, họ thấy ngài đã hiện ra lúc nào và đang mĩm cười đứng bên đền thờ nhìn họ. Một người hỏi rằng làm thế nào mà ngài đã biết và đến cứu họ. Thánh Nicôla cho biết, ngay từ thuở nhỏ, ngài đã có năng khiếu siêu nhiên là có thể nhìn thấy những người đang lâm nạn và nghe thấy tiếng kêu khóc của họ, vì đó là ý của Chúa. Từ câu chuyện này, mãi cho đến ngày sau, người Hy Lạp thay vì đập chai sâm banh để khánh thành một chiếc tàu mới chuẩn bị hạ thủy thì họ khấn nguyện xin thánh Nicôla bảo hộ cho họ được bình yên trên các nẽo đường hàng hải.
b. Thánh Nicôla làm phép lạ cứu sống 3 trẻ em.
Có một buổi sáng trời giá lạnh, Đức cha Nicôla bước vào một quán ăn nhỏ bên đường cách đô thị chừng 15km. Chủ quán nhận ra Đức Giám mục liền chào Ngài. Đức cha hỏi: "Quán có gì ăn không?". Chủ quán thưa: "Dạ, có thịt, trứng và bánh mì, nhưng hết mất rượu vang. Xin Đức cha vui lòng ngồi nghỉ chờ con ít phút, con vào trong làng mua rượu".
Chủ quán đi rồi, Đức cha Nicôla xuống bếp, mở nắp khạp thịt, vỗ vào hông khạp và gọi:
- Dậy đi, các con!
Thế là có ba bé trai lùng nhùng từ đống thịt tươi mới ướp muối, liền lại, sống lại và bước ra. Ngài chỉ chỗ cho ba đứa trẻ lấy quần áo mặc vào, rồi lên nhà trên ngồi vào bàn ăn chờ. Thì ra đó là ba bé trai nhà nghèo, chiều hôm trước đi mót lúa ngoài cánh đồng, bị đói lạnh, đã vào quán xin ăn, bị chủ quán giết chết, chặt ra bỏ vào khạp ướp muối để sẽ nấu món ăn bán cho khách. Thánh nhân biết được nên đã tới cứu các cháu.
Lát sau chủ quán về tới, giật mình trông thấy ba đứa bé anh đã giết chết, ngồi cạnh Đức Giám mục. Anh sợ hãi qùy xuống trước mặt Ngài thú tội:
- Con nghèo quá nên đã làm nhiều sai trái, xin Đức Cha tha tội cho con!
Ngài giải tội cho anh, lại còn cho anh một túi tiền để làm vốn và khuyên anh từ nay không được làm điều ác. Sau đó Ngài bảo anh dọn bánh mì, chiên trứng, bốn cha con ăn xong, Ngài dẫn ba đứa bé đi theo về trả lại cho gia đình và cấp dưỡng cho chúng được ăn học.
Những truyện về Thánh Giám Mục Nicôla còn rất nhiều. Điều chủ yếu muốn nói đến qua các câu chuyện là Ngài rất gần gũi với Lễ Giáng sinh, hay giúp đỡ dân nghèo, đặc biệt là bạn của các thiếu nhi. Dù khi còn ở gia đình, khi đã đi tu, khi làm linh mục hay khi đã làm giám mục, khi còn trẻ hay khi đã râu dài tóc bạc, mỗi mùa Giáng Sinh về, Thánh Nhân đều mang trên lưng một bao lớn bánh mì bánh kẹo, đem tới từng nhà chia cho trẻ em nghèo mừng Lễ Giáng sinh.
Cuộc đời Thánh Nicôla thắp sáng lên một ngọn đuốc tình yêu trong thế gian.
Xin Chúa cho mỗi người chúng con là một "Little Santa Claus", một ông già Noel nhỏ. Chúa sinh ra, đem mùa xuân hạnh phúc cho cả nhân loại. Cuộc đời Thánh Nicôla mang niềm vui hạnh phúc cho bao người, đặc biệt là trẻ em. Xin cho chúng con biết đem niềm vui Giáng Sinh đến cho mọi người, đặc biệt những người bên Lương hàng xóm láng giềng của chúng con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
********
ÔNG GIÀ NOEL
 Tháng 9 năm 1897, một bé gái 8 tuổi tên là Virginia đã viết cho tờ báo Công Giáo Hoa Kỳ để hỏi về ông già Noel. Câu hỏi của cô bé là: Ông già Noel có thật không?
Vài ngày sau, trên một quan điểm của tờ báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau:"Virginia yêu dấu của bác. Ðiều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu bị tiêm nhiễm bởi trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng không gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.
Virginia yêu dấu, tất cả mọi trí khôn của loài người, dù là của trẻ em, dù là của người lớn, tất cả đều nhỏ bé. Trong cái vũ trụ bao la này, con người chỉ là một con kiến nhỏ bé.
Virginia ạ, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại nhờ đó cuộc sống của cháu trở thành vui tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có những tâm hồn ngây thơ trong trắng của những trẻ thơ như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có một niềm tin của trẻ thơ như cháu thì không có một áng văn, một dòng thơ nào có thể làm cho cuộc sống của chúng ta đáng sống nữa. Không có một niềm tin của trẻ thơ thì ánh sáng vĩnh cửu đang lấp đầy thế giới cũng sẽ tắt dần.
Virginia, nếu cháu không còn tin ở ông già Noel nữa, thì cháu cũng chẳng còn tin ở chuyện thần tiên nữa. Có thể cháu sẽ yêu cầu bố cho người ngồi canh ở lò sưởi, ở cuối giường để bắt cho được ông già Noel... Nhưng dù cháu không bắt được ông già Noel đi nữa, điều đó ý nghĩa gì? Chưa có ai thấy ông già Noel, nhưng cũng không ai chứng minh được là không có ông già Noel. Những điều có thực nhất trong thế giới của chúng ta đó là những điều mà trẻ con và ngay cả người lớn cũng chưa từng thấy.
Cháu đã bao giờ thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên là chưa. Nhưng có ai chứng thực được các nàng tiên không có không? Không ai có thể có khái niệm hay tưởng tượng được bao điều kỳ diệu chưa thấy hoặc không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.
Chỉ có Ðức Tin, chỉ có tình yêu mới có thể vén mở được bức màn bí mật của thế giới chúng ta.
Nhờ ơn Chúa, ông già Noel vẫn sống và tiếp tục sống, cháu Virginia ạ. Ông già Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc".
Lá thư gửi cho cô bé Virginia trên đây đưa chúng ta vào trung tâm điểm của ngày Giáng Sinh: Giáng Sinh là lễ của nhi đồng, bởi vì nhân vật chính của ngày lễ là một Em Bé. Một Em Bé cũng như muôn nghìn em bé sinh ra trên cõi đời này. Em Bé đó chính là niềm vui và hy vọng cho tất cả mọi người.
Cùng với Em Bé đó, tất cả các em bé đều mang lại niềm vui cho mọi người trong mùa Giáng Sinh. Bầu khí Giáng Sinh là bầu khí của nhi đồng. Từ hoa đèn, âm nhạc cho đến quà cáp, tất cả đều hướng về các em nhi đồng... Người cho đã vui mà người nhận còn vui hơn: chính các em bé là những người đã dạy cho người lớn biết vui với niềm vui ban phát. Bao lâu con người còn có thể mở cửa tâm hồn, bao lâu con người còn có thể mở rộng bàn tay để ban phát, để chia sẻ thì bấy lâu ông già Noel của hy vọng, của quảng đại, của hân hoan vẫn còn sống mãi trong tâm trí của trẻ em và không biết bao nhiêu người sầu khổ.
Giáng Sinh là ngày của nhi đồng do đó cũng là lễ của hòa bình. Một em bé sinh ra là một hy vọng mới chớm nở. Hy vọng là tên mới của hòa bình. Còn hy vọng là còn muốn xây dựng. Xây dựng trên mầm sống đã đành mà còn xây dựng trên những đổ vỡ, mất mát.
Qua Hài Nhi Giêsu, tất cả các em bé trên thế giới đang nhắn gửi đến từng người trong chúng ta niềm hy vọng vào thiện chí của con người. Hòa bình là hoa quả của hy vọng. Còn tin nơi con người, chúng ta còn có thể xây dựng hòa bình.
-------------------
Ý NGHĨA THẬT CỦA NGÀY LỄ GIÁNG SINH
Ngày Lễ Giáng sinh là ngày gì? Ông già Nô-el là ai? Chúa Jêsus thật sự sinh vào ngày 25/12 hay không?... Là những câu hỏi không của riêng những người ngoại đạo mà ngay cả nhiều con cái Chúa đi nhà thờ lâu nay vẫn còn thắc mắc. Loisusong.net xin giải đáp những câu hỏi này để chúng ta một lần nữa hiểu rõ hơn và đúng hơn về "Ý nghĩa thật của ngày Lễ Giáng sinh".
Hỏi: Ngày Lễ Giáng sinh là ngày gì?
Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, lễ Noel, hay Christmas là lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thành Nazareth sinh ra đời. Chúa Giêsu vốn là Con Thiên Chúa hay là Con Thượng Đế, là Con Trời theo cách gọi của người Việt, Ngài trở thành người để cứu rỗi nhân loại khỏi gông xiềng tội lỗi và ban cho những ai tin Ngài một đời sống mới, có sự công bình, thánh khiết của Ngài, để nhờ đó mọi kẻ tin Ngài đều được quyền hưởng sự sống đời đời nơi thiên đàng phước hạnh thay vì phải chịu khổ hình nơi địa ngục. Để mừng ngày Thiên Chúa đến trần gian, người ta kỷ niệm ngày Lễ Giáng sinh cho đến ngày nay.
 Hỏi: Lễ Giáng sinh và lễ Nô-el có khác nhau không?
Lễ Giáng sinh hay Christmas hoặc lễ Nô-el là một. Chữ Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩalà "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1, 23). Chữ Christmas, tiếng Anh gồm có chữ Christ và Mas. Chữ Christ (nghĩa tiếng Việt là Đấng được xức dầu) chính là tước vị của Chúa Giêsu. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ).Chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là "Ngày lễ của Đấng Christ", tức là ngày Lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu.
Hỏi: Tôi tưởng ngày Lễ Giáng sinh là ngày lễ của Ông già Nô-el?
Ông già Nô-el vốn là một truyền thống chỉ về một Giám mục tên thật là Ni-cô-lai (Nicolas), một tín hữu, được mọi người tôn thánh qua đời sống rất yêu mến Chúa và đặc biệt là tấm lòng yêu quý trẻ nhỏ. Ông sinh ra vào khoảng năm 280 tại thành Myra, tức thành Demre, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Sinh thời, ông ảnh hưởng tích cực trên nhiều người, trong đó có cả việc cải đạo Hoàng Đế thứ 57 của Đế chế La-mã Công-xtăng-tin (Constantine). 
Mặc dầu vậy, 16 thế kỷ sau khi ngài qua đơi thì hình ảnh ông già Nô-el mới xuất hiện. Thực ra hình ảnh ông già Nô-el như hiện có ngày nay là hình ảnh tưởng tượng không có thật, xuất hiện lần đầu tiên trong bài thơ "Chuyến thăm của ông già Nô-el" (A visit from St Nicôla, La visit de St Nicolas) của nhà văn, nhà thơ Clement Clarke Moore (15/07/1779 - 10/07/1863). Bài viết đăng trên nhật báo Sentinal tại New York ngày 23/12/1823 miêu tả những con người tí hon đem quà phát cho trẻ con bằng xe được kéo bởi 8 chú tuần lộc (hươu). Trước đó 2 năm, cũng Clarke Moore đã sáng tác tiểu thuyết "Đêm trước Nô-el" mô tả về ông già trên xe trượt tuyết được kéo bởi những con tuần lộc.
Bốn mươi năm sau, năm 1863, Họa sĩ Thomas Nast đăng một bức tranh trên tờ báo Harper's Illustrated, trong đó kí họa một ông già mặc áo lông thú màu trắng thắt dây lưng màu đen. Đó là bức tranh minh họa hình ảnh Santa Clause, hay ông già Tuyết, bụng to, râu bạc dài và cưỡi trên xe có những con hươu kéo.
Từ đó đến nay đã hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, hình ảnh Ông già Nô-el được gán với ngày Lễ Giáng sinh như hình ảnh một người nhân hậu hay đi phát quà, và đặc biệt thân thiện với trẻ nhỏ.
Như vậy có thể nói Ông già Nô-el là nhân vật tưởng tượng của nhà văn Clarke Moore hơn là một nhân vật có thật, mặc dù ông được gán cho thánh Ni-cô-lai. Dù thế nào đi nữa, sự quá khác biệt về hai nhân vật này khiến chúng ta không thể đánh đồng hai là một.
Thánh Nicolas sống vào thế kỷ thứ 3, Ông già Nô-el mãi thế kỷ 19 mới xuất hiện. Thánh Nicolas được biết đến không quá mập tròn và nhiều râu. Thánh Nicolas sống tại thành Myra trong khi ông già Nô-el sống tại Bắc cực cùng những chú tuần lộc. Dường như ông già Nô-el có thể bay trên bầu trời cùng những chú tuần lộc còn thánh Nicolas chắc chắn không. Thánh Nicolas qua đời ngày 6/12/343 SCN còn không ai biết ông già Nô-el thật qua đời ngày nào...
Chung quy lại, chính Chúa Giêsu thành Naxarét mới là nhân vật chính của ngày lễ Nô-el mọi thời đại, chứ không phải ông già Nô-el hay bất cứ một nhân vật nào. Chúng ta quý trọng thánh Ni-cô-lai và mến mộ tấm lòng yêu trẻ của nhân vật Santa Clause trong tác phẩm của Clarke Moore, song mọi sự phải đặt vào đúng vị trí của nó.
Chúa Giêsu mới mãi mãi là nhân vật trung tâm của mọi kỳ Lễ Giáng sinh.
Hỏi: Có phải Chúa Giêsu ra đời vào đúng ngày 25 tháng 12 năm 01 SCN không?
Câu trả lời là không đúng, dù có vẻ bất ngờ đối với nhiều người. Chúng ta tưởng rằng Chúa Giêsu sinh vào đúng ngày 25 tháng 12 nhưng kỳ thực Thánh Kinh không cho biết ngày sinh của Cứu Chúa, mặc dầu có khá nhiều sự kiện được ký thuật lại về ngày Lễ Giáng sinh đầu tiên. Đó là một đêm tối, trong chuồng gia súc của một quán trọ, một số người chăn chiên được thiên sứ báo tin đã tìm đến thờ phượng Ngài. Sau "sự kiện Giáng sinh" đầu tiên này, hơn ba trăm năm sau, loài người mới kỷ niệm ngày lễ này một cách đều đặn, khi Công Giáo trở nên phổ biến vào thế kỷ thứ 4.
Trước đó, các Kitô hữu nhân muốn ăn mừng sự kiện Thiên Chúa giáng thế làm người nhưng luôn phải tránh né sự bắt bớ của chính quyền La Mã. Họ đã khôn khéo chọn ngày 25/12 hàng năm là ngày người La Mã ăn mừng "Thần Mặt trời" (Feast of The SolInvictus) đem ánh sáng đến cho trần gian để kỷ niệm ngày lễ mừng Thiên Chúa giáng sinh. Trong một thời gian, chính quyền La Mã đã không thể phát hiện các Cơ đốc nhân hân hoan mừng vui chào đón sự kiện Chúa Giêsu đến trần gian vì họ đã tổ chức trùng ngày đại lễ của quốc gia La Mã lúc bấy giờ.
Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine I đã bỏ đa thần giáo và theo Công Giáo. Ông đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng "Thần Mặt trời" và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Đến năm 354, Giáo hoàng Libêrô công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễGiáng sinh của Chúa Giêsu.
Như vậy ngày 25/12 chỉ là một ngày quy ước của toàn thế giới, để kỷ niệm một sự kiện có thật của lịch sử, sự kiện Con Đức Chúa Trời giáng thế làm người, để hoàn thành sứ mạng cứu rỗi nhân loại.
Chúa Giêsu đã ra đời là một sự kiện có thật của lịch sử
Hỏi: Vậy thì tín hữu ngày nay có nên tổ chức Lễ Giáng sinh không?
 Dù không ai biết chính xác ngày sinh nhật Chúa nhưng chúng ta cũng nên tổ chức Lễ Giáng sinh hàng năm vì những lý do sau:
Do lịch của nhân loại đã sửa đổi nhiều lần và thậm chí ngày nay người ta vẫn song song sử dụng nhiều loại lịch. Ví dụ Việt Nam sử dụng cả âm lịch và dương lịch, theo đó ngày 25/12/2012 được tính là ngày 13/11 năm Nhâm Thìn.
Năm 1582 giáo hoàng Grêgôriô XIII đã đưa lịch Gregory vào áp dụng phổ biến và trở thành cách tính  lịch thông dụng như ngày nay. Sự chuyển đổi giữa lịch Gregory và lịch Julius trước đó không phải không dẫn đến những trục trặc về ngày tháng. Ví dụ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington sinh ngày 11 tháng 2 năm 1731, nhưng Hoa Kỳ lại tổ chức ăn mừng sinh nhật của ông vào ngày 22 tháng 2. Hoặc Cách mạng tháng Mười Nga nổi tiếng như chúng ta thường gọi trên thực tế lại diễn ra vào tháng 11 dương lịch. Như thế ngày và tháng chỉ là quy chuẩn tương đối để tính thời gian trong những thời đại nhất định.
Chưa kể đến ngày sinh Chúa Giêsu cần tính theo lịch Do-thái và hệ quy đổi sau hàng ngàn năm khó mà chính xác. Do vậy, điều quan trọng là sự kiện lịch sự đã được ghi nhận và đánh dấu, chúng ta cũng nên giữ một ngày để kỷ niệm tưng bừng. Và ngày 25/12 hàng năm là ngày tưng bừng ấy. Là Kitô hữu, chúng ta không nên ngoài cuộc.
Đặc biệt, sau hàng ngàn năm, Lễ Giáng sinh đã thật sự trở thành ngày lễ lớn không chỉ với những nước phương Tây nhưng với cả toàn nhân loại. Tổ chức Lễ Giáng sinh để ghi nhớ sự kiện hệ trọng này và biết ơn Chúa đồng thời là dịp tiện để gia đình quây quần sum họp. Ý nghĩa hơn nữa là khi chúng ta tận dụng cơ hội này hàng năm để làm chứng và rao truyền tình yêu Giáng sinh của Cứu Chúa. 
Các nhà thông thái từ Đông phương xa xôi và những mục đồng cũng tìm thờ Chúa Giêsu, còn bạn, tại sao không?


TƯỢNG VÀ NHỮNG VẬT TRƯNG BÀY TRONG DỊP LỄ GIÁNG SINH CÓ Ý NGHĨA GÌ?
  • Title : TƯỢNG VÀ NHỮNG VẬT TRƯNG BÀY TRONG DỊP LỄ GIÁNG SINH CÓ Ý NGHĨA GÌ?
  • Posted by :
  • Date : 20 tháng 12
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top