2 Ảnh

8.12.13

"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến"


Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng.

Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này.

PHÚC ÂM:  Mt 3, 1-12
"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".

Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan.

Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối.  Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Đấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt".

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM A
Các bài suy nệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa: Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12

1. Đấng sẽ đến
2. Trở về cùng Chúa
3. Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
4. Nước Thiên Chúa đã đến gần
5. Chúa chỉ cần tôi một tấm lòng

1. Đấng sẽ đến

Mùa vọng là mùa trông đợi. Chúng ta trông đợi Chúa đến trong đêm giáng sinh. Đó là một sự trông đợi có tính cách nghi lễ nhằm kỷ niệm sinh nhật Chúa Giêsu tại Bêlem. Nhưng đồng thời mùa vọng còn là trông đợi Chúa lại đến vào ngày sau hết như lời Ngài đã hứa. Và lời rao giảng của Gioan được coi như là một lời kêu mời chúng ta tích cực chuẩn bị để bước vào thời đại mới ấy. Vậy thì đâu là sứ điệp của Gioan?

Trước hết ông đã rao giảng sự ăn năn hối cải vì Nước Trời đã gần đến. Những hình ảnh ông sử dụng gợi lên một cảnh tượng tiêu điều của sa mạc cát nóng, của hoang địa khô chồi cằn cỗi. Thế nhưng, người Do Thái và nhất là giai cấp lãnh đạo đã coi thường lời kêu gọi ấy. Họ nghĩ rằng mình là dân riêng của Chúa, nhưng thực ra họ chỉ là một loài rắn độc. Con rắn của ma quỷ, đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Gioan đòi buộc họ phải sám hối ăn năn, đừng nại vào dòng dõi xác thịt. Dân riêng của Chúa trong thời đại mới được tạo nên nhờ sám hối khi lãnh nận dòng nước thanh tẩy.

Trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng, Gioan giới thiệu Đấng đến sau ông nhưng lại quan trọng hơn ông gấp bội. Gioan tự nhận không xứng đáng làm một kẻ nô lệ hèn hạ nhất của Ngài.

Theo tục lệ Do Thái, thì một kẻ nô lệ không buộc phải cởi giày hay xách dép cho chủ. Người môn đệ có thể giúp việc thầy như một nô lệ, trừ việc xách dép hay cởi giày. Trong việc tế tự, trước khi tư tế hành lễ thì một trong các nô lệ phục dịch tại đền thờ, sẽ cởi giày dép để tư tế đi chân không. Hạng người này bị loại vĩnh viễn khỏi mọi đặc quyền Do Thái. Người Do Thái không bao giờ được cưới hỏi với loại người này.

Nếu có ám chỉ đến tục lệ này thì Gioan cũng vạch rõ sự khác biệt giữa ông và Đấng Cứu Thế sẽ đến. Đấng sẽ đến có quyền phán xét, thiêu huỷ kẻ dữ và thánh hoá người lành. Trong khi đó, thanh tẩy của Gioan được hiểu như là một nghi thức áp dụng cho đoàn người hối cải, trông nhờ vào thanh tẩy của thời cứu chuộc để thoát khỏi sự phán xét sắp đến.

Trông chờ Chúa đến, cũng có nghĩa là chuẩn bị đón mừng Chúa trong đêm giáng sinh cũng như trong những biến cố cuộc đời. Và lời kêu gọi của Gioan vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay: Hãy sám hối, hãy trở nên người mới, trong cách suy nghĩ, trong cách cư xử đối với Chúa và đối với anh em. Bởi vì đón nhận Chúa là đi vào một cuộc sống mới, một thời đại mới.

Nói đến hối cải chúng ta thường chỉ dừng lại ở việc xét mình xưng tội, nhưng lại không mấy nghĩ rằng mình phải trở thành một con người mới, sống trong một thời đại mới, thời đại cứu chuộc, thời đại ân sủng và tình thương của Chúa.
************************************
2. Trở về cùng Chúa

Trong khi thực hiện bức hoạ nổi tiếng “Bữa tiệc ly” Leonard de Vinci đã cãi vã với một người bạn. Ông nhiếc mắng bạn ấy bằng những lời gay gắt và những cử chỉ doạ nạt. Khi cuộc cãi vã đã qua, ông trở lại công việc đang làm là vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu. Nhưng ông không thể phác hoạ được một nét. Cuối cùng ông nhận ra sự lo lắng phiền lòng. Ông liền bỏ bút vẽ, đi tìm người bạn mà ông đã xúc phạm và xin người bạn ấy tha thứ cho mình. Thế rồi ông trở về và bình tĩnh vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu.

Như nhà hoạ sĩ, chúng ta đang cố gắng đặt Chúa Giêsu vào tác phẩm của mình là lễ Giáng sinh. Chúng ta muốn Chúa Giêsu là trung tâm của việc chúng ta cử hành. Và chúng ta nghe tiếng Gioan Tiền hô khuyên nhủ: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến. Vậy đâu là sự liên kết giữa tâm tình sám hối và việc chuẩn bị đón mừng Chúa đến?

Như chúng ta đã biết trở ngại lớn nhất cho việc đón mừng Chúa đến chính là tội lỗi. Vì thế để dọn đường cho Chúa, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, phải sống tinh thần sám hối. Léonard de Vinci đã không thể vẽ được khuôn mặt Chúa Giêsu khi ông cảm thấy mình còn tội lỗi, mình còn xúc phạm đến người khác. Chúng ta cũng không thể đặt Chúa Giêsu vào bức hoạ giáng sinh bao lâu chúng ta chưa sám hối. Vậy sám hối là gì?

Tôi xin thưa sám hối là lo buồn về điều đã vấp phạm hay hối hận vì điều mình đã không làm. Thực vậy, tâm tình sám hối không phải chỉ là việc quay trở về dĩ vãng, bằng cách ăn năn những gì đã lỗi phạm, mà hơn thế nữa còn phải hướng tới tương lai, bằng cách dốc quyết uốn nắn sửa đổi lại những sai lỗi vấp phạm ấy, để thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời. Và như vậy, sám hối đòi hỏi phải có một cái nhìn mới, một thái độ mới, một cuộc sống mới, và cốt lõi của nó bao gồm sự trở về cùng Chúa.

Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta đã không thực hiện những điều làm vui lòng Chúa chẳng hạn như: cầu nguyện, học hỏi giáo lý, cảm thông và giúp đỡ những người chung quanh. Trái lại, chúng ta thường hay làm những điều Chúa không muốn, và chẳng bao giờ làm điều Chúa muốn cã. Đó chính là hàng rào cản ngăn Chúa đến với chúng ta, và chúng ta đến với Chúa, nhất là trong mùa Giáng sinh này.

Chính vì thế, trong những ngày nay chúng ta hãy chạy đến nơi toà giải tội để được tha thứ. Việc xưng tội không chỉ để tẩy xoá những vết nhơ tội lỗi mà hơn thế nữa còn giúp chúng ta xa tránh tội lỗi, nhờ đó mà phục vụ Chúa một cách chân thành hơn.

Hãy ra sức khử trừ tội lỗi, Hãy cố gắng phá huỷ cho bằng được những chướng ngại vật trên con đường Chúa sẽ đến viếng thăm. Khử trừ tội lỗi sẽ giúp chúng ta nhìn thấy Đức Kitô một cách rõ ràng hơn. Khử trừ tội lỗi sẽ làm cho con đường Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Chúa được trở nên bằng phẳng và dễ dàng hơn. Khử trừ tội lỗi sẽ biến tâm hồn chúng ta trở thành một hang đá, máng cỏ sống động cho Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã làm được những gì để dọn đường Chúa đến?

3. Suy niệm của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ

Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?

Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.

1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.

Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.

Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.

Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.

Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.

Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.

Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.

Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.

3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.

Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.

Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.

Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:

Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…

Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.

Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen.

GỢI Ý SUY NIỆM

1) Thánh Gioan Tiền Hô chuyển đến ta những sứ điệp nào?

2) Đối với bạn, sứ điệp nào cấp bách hơn cả?

3) Cấp bách và triệt để là hai đặc tính của sám hối Phúc Âm. Bạn có quyết tâm làm lại cuộc đời của mình hoàn toàn và ngay hôm nay không?

4) Bạn đã bao giờ cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng do cầu nguyện, sám hối và tự chế chưa? 

****************************************
4. Nước Thiên Chúa đã đến gần

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 3,1-12) bắt đầu bằng sự kiện ông Gioan “đến”. “Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê” (c.1). Tác giả Tin Mừng không cung cấp các thông tin chính xác về thời điểm ông Gioan xuất hiện, nhưng cẩn thận cung cấp thông tin về nơi chốn: “trong hoang địa miền Giuđê”. Đây không chỉ là một ghi chú địa dư, mà chính yếu là một ghi nhận thần học. Quả thực, trong truyền thống Thánh Kinh, “hoang địa” là nơi chốn lý tưởng của những cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, và chính trong hoang địa, Thiên Chúa đã nói lời của Ngài với ông Môsê, với ông Êlia và với Israel (Xh 3; 1V19; Xh 19).

Vậy, trong nơi chốn đặc biệt như thế, ông Gioan rao giảng. Động từ “rao giảng” là một thuật ngữ của Tân Ước để chỉ việc công bố Tin Mừng. Chủ từ của động từ này là ông Gioan (3,1), Chúa Giêsu (4,17) và các tông đồ (10,7). Nội dung lời rao giảng của ông Gioan là: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” (c.2). “Nước Trời đã đến gần” là thông tin được công bố, và điều kiện để có thể “đi vào” Nước đó chính là sự hoán cải đời sống (metanoia). “Nước Trời” là một kiểu nói sêmít để tránh đọc tên Thiên Chúa, vì thế, có ý nghĩa như kiểu nói “Nước Thiên Chúa” trong các Tin Mừng khác. Để gia nhập Nước Trời, người ta phải hoán cải (metanoeô), tức là thực hiện một sự thay đổi con người mình, từ nội tâm bên trong đến thái độ bên ngoài, hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa. Sự hoán cải đời sống hay cuộc metanoia đó có nền tảng trong lời giảng dạy ngôn sứ, như được trình bày trong Is 1,16-17: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ”.

Trong niềm trông chờ Nước Thiên Chúa, vốn rất mãnh liệt suốt lịch sử Israel, dân chúng nói chung nghĩ rằng Nước ấy sẽ được thực hiện nhờ Đấng Mêsia, vị Vua thuộc dòng dõi Đavít, Đấng sẽ chiến thắng muôn dân và đem lại vinh quang vĩ đại cho Israel. Tuy nhiên, khi rao giảng về sự hoán cải đời sống như là một điều kiện để được gia nhập Nước Thiên Chúa, ông Gioan đã cho thấy rằng Nước Thiên Chúa không chỉ là kết quả can thiệp của Thiên Chúa, mà còn đòi hỏi sự cộng tác của con người.

Tác giả Mt quy chiếu lời rao giảng của ông Gioan về một bản văn ngôn sứ Isaia. Ông viết: “Ông [Gioan] chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (c.3). Đây là lời trích từ Is 40,3tt theo bản LXX, khác biệt một chút với bản văn Hípri. Bản văn Hípri viết: “Có tiếng người hô: ‘Trong hoang địa hãy dọn sẵn một con đường cho Đức YHWH; trong hoang giao, hãy san bằng một lối đi cho Thiên Chúa chúng ta”. Lời ngôn sứ này nói đến cuộc giải thoát và hồi hương từ chốn lưu đày của dân Do Thái. Tác giả Tin Mừng áp dụng lời này vào sự kiện ông Gioan rao giảng và công cuộc Đức Giêsu sắp khởi sự. Ngoài ra, cả bản Hípri lẫn bản LXX đều không xác định ai là người cất tiếng hô, nhưng Mt gán vai trò đó cho ông Gioan, và thay thế hạn từ “Thiên Chúa” trong bản văn Is bằng đại từ “Người” để áp dụng cho Chúa Giêsu. Kiểu nói “hô trong hoang địa” không có nghĩa là tiếng hô vô vọng trong nơi hoang vắng không người, mà là tiếng hô từ hoang địa, nhưng vọng vang ra bên ngoài hoang địa, vang đến tận Giêrusalem và khắp miền Giuđê (c.5).

Thần học của các rabbi Do Thái, dựa trên Ml 3,23 (“Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng”), đã khai triển sâu rộng một quan điểm, theo đó, ngôn sứ Êlia sẽ đến như người tiền hô của Đấng Mêsia, để thanh luyện Israel và chuẩn bị cho dân đi vào Vương quốc Mêsia. Chính với hậu cảnh thần học đó mà ông Gioan được miêu tả trong hình dung của chính ngôn sứ Êlia: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (c.4). Quả thực, hình ảnh ông Gioan mặc áo dệt bằng lông lạc đà và nhất là thắt lưng bằng dây da, khiến người đọc nhớ đến ngôn sứ Êlia (x. 2V 1,8; chú ý: chỉ Êlia và Gioan mới được Kinh Thánh mô tả là thắt lưng bằng dây da). Có thể nói, trong ý hướng của mình, tác giả Mt có ý khẳng định ông Gioan chính là ngôn sứ Êlia. Mà nếu như thế, thì có nghĩa là biến cố sắp xảy đến chính là “Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng”, vì nhiệm vụ của ngôn sứ Êlia quy chiếu về chính Thiên Chúa, và ông không chuẩn bị cho biến cố “đến” của bất cứ ai khác.

Đáp lại lời rao giảng của ông Gioan là một sự kiện đặc biệt.“Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông Gioan” (c.5). Rõ ràng đám đông kéo đến bao gồm hai “cánh” khác nhau: một bên là những người đến từ trung tâm quyền lực tôn giáo – chính trị (Giêrusalem) và bên kia là từ khắp vùng xung quanh “hoang địa miền Giuđê”. Đám đông dân chúng, như vậy, đã tỏ rõ thái độ không hài lòng đối với các thiết chế tôn giáo – chính trị đương thời và đối với những nhà lãnh đạo thuộc về các thiết chế đó.

Đám đông đó kéo đến với ông Gioan, đoạn “họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan” (c.6). Đương thời, người Do Thái rất quen với những nghi thức thanh đẩy theo luật lệ và thói tục. Nhưng phép rửa của ông Gioan ở đây có những yếu tố khác thường. Thay vì cử hành nghi thức thanh tẩy cho chính mình tại một nơi do Luật ấn định và nước phải được giữ sạch theo quy định, ông Gioan lại làm phép rửa cho những người khác và là trong dòng nước sông Giođan . Đàng khác, phép rửa này được ban với dấu chỉ của một sự hoán cải luân lý, và có ý nghĩa đánh dấu sự thay đổi đã hoặc sắp xảy đến nơi người lãnh nhận.

Trong số những người kéo đến với ông Gioan, có nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc. Những người Pharisêu thường tự hào về sự trung thành của họ đối với Luật được giải thích theo các truyền thống rabbi. Họ có ảnh hưởng trên dân chúng và đại diện cho một thứ quyền bính thiêng liêng. Những người Xađốc thì thuộc về tầng lớp lãnh đạo, gồm phần đông là những nhà quý tộc hoặc giới tăng lữ quý tộc giàu có. Họ là những đại diện cho quyền lực kinh tế, chính trị và tôn giáo. Họ kéo đến với ông Gioan để chịu phép rửa, nhưng lại không ý thức đầy đủ về tình trạng bất chính của mình, trái lại, hình như còn có thể làm cho dân chúng tưởng rằng những hệ thống áp bức bất chính đó không đối nghịch với hình ảnh ngôn sứ của ông Gioan và biến cố mà ông công bố rằng sắp xảy đến.

Vậy, “thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ sắp giáng xuống? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng hối cải” (cc.7-8). Ông Gioan không chấp nhận họ, trái lại, còn thẳng thắn và gay gắt khiển trách họ. Ông gọi họ là “nòi rắn độc”, tức là ông xác định bản chất gian ác của quyền bính chính trị – tôn giáo mà họ có trong tương quan với dân chúng. Sau này, chính Đức Giêsu cũng nặng lời như thế đối với những người Pharisêu và các kinh sư (12,32; 23,33). Ông khẳng định rằng điều họ cần phải làm là “sinh hoa quả xứng với lòng hối cải”.

Rồi ông Gioan tiếp tục nói với họ: “Đừng tưởng có thể tự nhủ rằng: “Chúng ta có tổ phụ là ông Abraham.” Quả thật, tôi bảo các anh: Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham” (c.9). Họ tưởng rằng để được cứ, chỉ cần là con cháu ông Abraham là đủ. Ông Gioan cho họ biết rằng không phải dòng dõi mà chính hành động của người ta mới là yếu tố quan trọng. Ông chơi chữ khi cho biết có là con cháu (benayyâ’) của ông Abraham hay chỉ là những hòn đá (abenyyâ’) thì cũng chẳng khác gì. Hơn nữa, “cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (c.10).

Như thế, không phải sự tinh tuyền về di truyền (là người Do Thái chính hiệu), không phải sự thực hiện các nghi lễ phụng tự tại đền thờ (phái Xađốc), cũng chẳng phải sự trung thành giữ những quy định chi li của Luật (phái Pharisêu), mà chính thái độ sống với những người khác trong thực tế, mới là yếu tố làm cho người ta không “bị chặt đi và quăng vào lửa”.

Cuối cùng, ông Gioan so sánh mình với Đấng sắp đến. Ông nói: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh hối cải. Còn Đấng đang đến sau tôi thì quyền thế hơn (ischyroteros) tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì sẽ thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (cc.11-12). Ông Gioan tự nhận mình không đáng xách dép cho Đấng đang đến, tức là không đáng làm một công việc bình thường mà người đầy tớ vẫn làm cho chủ mình. Đồng thời, ông cũng cho thấy Đấng đang đến có ba đặc điểm quan trọng: (1) có “quyền thế”, (2) “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”, và (3) là thẩm phán cánh chung rất nghiêm khắc “sẽ rê sạch lúa trong sân”.

Việc gắn tính từ “thánh” vào hạn từ “Thần Khí”, trước hết, có nghĩa là phép rửa trong Thần Khí mà Đấng đang đến sẽ thực hiện chính là thực tại thuộc về cảnh vực thần linh của Thiên Chúa. Thứ hai, điều đó có nghĩa là hoạt động của Đấng đang đến sẽ là hoạt động thánh hóa, tức là đưa con người vào cảnh vực thần linh của Thiên Chúa. Sự thông ban sự sống thần linh từ bên trong sẽ biến đổi con người, làm cho con người gắn kết với Thiên Chúa và trung thành với Người (Ed 36,26t).

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

Đọc bài Tin Mừng hôm nay trong khung cảnh Mùa Vọng, chúng ta có thể suy niệm về ba điểm quan trọng:

1. Đấng đang đến chính là Đức Chúa.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của bài Tin Mừng hôm nay là việc giới thiệu Đấng đang đến trong dung mạo Đức Chúa. Sứ điệp của ông Gioan (“Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần”: c.2) liên quan đến chính Đức Chúa. Việc giới thiệu ông Gioan là ngôn sứ Êlia cho thấy Đấng sắp đến sau ông sẽ chính là Đức Chúa, vì ngôn sứ Êlia có nhiệm vụ chuẩn bị cho Đức Chúa ngự đến chứ không phải chuẩn bị cho một ngôn sứ khác xuất hiện. Bằng việc cử hành phép rửa, ông Gioan nhấn mạnh sự cần thiết phải thanh luyện để đến gần Đức Chúa đang đến. Khi so sánh mình với Đấng đang đến, ông Gioan nhấn mạnh quyền thế hơn hẳn của Đấng ấy, và nhất là ông khẳng định rằng Thánh Thần (vốn là sự sống và sức mạnh của chính Thiên Chúa) sẽ hiện diện với Đấng đang đến; Đấng ấy sẽ hành động trong quyền năng của Đức Chúa và sẽ ban cho người ta sự sống của Thiên Chúa. Với Đấng ấy, chính Thiên Chúa đến để ban sự sống và đồng thời để phán xét.

Đó chính là Đấng mà chúng ta đang đợi chờ trong suốt Mùa Vọng này. Mùa Vọng không phải là sự chuẩn bị và chờ đợi một lễ hội lớn lao, hoành tráng và vui tươi sẽ được cửa hành vào cuối tháng 12! Mùa Vọng là thời gian đón chờ chính Đức Chúa, Đấng đang đến.

2. Hoán cải là đòi hỏi khẩn thiết.

Nội dung căn bản trong lời rao giảng của ông Gioan là: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” (c.2). Hơn nữa, “cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (c.10). Đấng đang đến là Thẩm Phán cánh chung, “tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì sẽ thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”” (c.12).

3. Những nghi thức và hoạt động bề ngoài không phải là điều chính yếu trong khi chuẩn bị đón Chúa đến.

Những người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc muốn tránh cơn thịnh nộ sắp giáng xuống bằng cách đặt mình vào một nghi thức bề ngoài nhưng không thực hiện đòi hỏi nghiêm túc là phải hoán cải đời sống, tức là không thay đổi hệ thống bất chính đang kềm tỏa mình. Theo ông Gioan, những nghi thức bề ngoài không đủ để người ta được bước vào Nước Thiên Chúa; cần phải thay đổi đời sống thật sự.

Đó cũng có thể là vấn đề của chúng ta trong Mùa Vọng này. Tất nhiên những hành động bề ngoài là cần thiết: trong bài Tin Mừng hôm nay, việc hoán cải được thể hiện qua việc để cho mình được dìm trong một phép rửa tỏ lòng sám hối, tức là qua một hành động bề ngoài. Nhưng chỉ những hoạt động bề ngoài thấy được thôi, thì chưa đủ. Điều chính yếu cần phải làm là “sinh hoa quả xứng với lòng hối cải”. Đó chính là điều quan trọng nhất trong Mùa Vọng này.
***************
5. Chúa chỉ cần tôi một tấm lòng

(Suy niệm của Lm. Giuse Lê Quan Trung)

Một trong những điều tôi cảm thấy thấm buồn khi màu tím mùa vọng ngày càng đậm nét trong mùa Phụng vụ đón mừng kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng trần là: “Rất nhiều người không đủ can đảm tha thứ cho chính mình vì những lầm lỗi đã vô tình hay cố ý mắc phải trong đạo làm chủ quản lý đối với tâm hồn và thân xác mình; trong đạo làm người đối với ông bà cha mẹ và tha nhân; và đặc biệt là đạo làm con đối với Đấng đã yêu thương tạo tác nên mình!”

Đâu phải mỗi lần đối diện với thử thách của cuộc sống, là ai cũng thắng được hết đâu? Không ai muốn mình xấu bao giờ! Không ai muốn mình thất bại bao giờ! Và cũng chẳng ai muốn mình sai lầm bao giờ! Nhưng không ai có thể lường trước được hết những gì sẽ sắp xảy tới cho mình! Những “biển báo giao thông tâm linh” vẫn có đó nhưng đâu phải lúc nào mình cũng chú tâm nhìn chúng để đừng vấp ngã, đừng lỡ chân, đừng trật bước trên vạn nẻo đường đời mà ngày ngày mình dấn bước đâu? Chủ quan luôn là một thói tật không hay, không tốt, không đẹp! Nhưng mấy ai trong đời không từng thất bại, không từng đau đớn, không từng cay đắng ngập lòng bởi cá tính này đâu? Và điều này đã từng được Đức Giêsu thốt lên trong đau khổ nhưng với trọn tấm lòng đầy cảm thông cùng ba môn đệ thân tín trong vườn cây dầu năm xưa: “các con hãy canh thức cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối”(Mt 26,41; Mc 14,38). Một sự thương cảm đầy tình người, bởi ngoài Đấng tối cao, còn có ai hoàn hảo?

Mặc cảm lỗi lầm kéo dần ta ra xa nguồn ân phúc; né tránh mối tình tự hiến mà Con Chúa Trời đang mong mõi ban tặng cho đời, cơn cám dỗ “mình không xứng đáng vì đã xúc phạm quá nặng nề đến Đấng Cao Xanh” nên “ làm sao Chúa có thể tha cho tôi được!” đã đẩy ta vào mạng nhện của sự dữ, làm ta quên hay cố tình quên Đấng Cứu Tinh đã từng khẳng định: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”(Mt 9, 13; Mc 2, 17; Lc 5, 32) bởi vì “người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”(Mc 2,17; Lc 5,32). Biết thụ tạo mạnh sức – yếu hồn, Chúa đã tự nguyện bước tới đưa tay ra trước để chờ đợi ôm ta vào lòng, để Người có cơ hội vỗ về an ủi, để Người có điều kiện thể hiện chức năng của một lương y tâm linh đầy nhiệt huyết, sao ta cứ xa tránh Người?

Khi mở quyển “Vượt Lên Nghịch Cảnh” của loạt sách Chicken Soup for the Surviving Soul” do nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn in ấn, trong câu chuyện đầu tiên “Cậu bé và nhà tỷ phú”, tôi gặp ngay câu tiêu đề cho cả cốt truyện: “Không có cái gọi là tuyệt vọng” (Henry Ford) làm tôi rộn lên trong lòng một niềm vui khó tả vì hiểu rằng, tình đồng loại không thể thiếu cho tôi, nếu tôi biết vượt lên mặc cảm của đời mình. Cậu bé Craig Shergold là niềm vui không những cho gia đình, mà còn cho cả chòm xóm, láng giềng, bạn bè và cả thầy cô nữa. Vậy mà một khối u trong não đã làm cho mọi người thân của cậu bé vùng Carohalton, ngoại ô London hốt hoảng bởi biết rằng sinh mạng của cậu khó được bảo toàn. Nhưng rồi cậu bé đã dũng cảm chấp nhận hoàn cảnh hiện tại để đi vào phòng mổ với lời khuyên của người mẹ thân yêu: “Mẹ muốn con phải thật dũng cảm!” Với khối u ác tính, một dạng ung thư não hoạt tính, mấy ai thoát chết đâu? Nhưng rồi những cánh thiệp khắp nơi đổ về động viên, khuyến khích đã làm cậu bé phấn chấn hơn. Với 1.000.266 thiệp, trong đó có cả những tấm thiệp của một số vị lãnh tụ trên thế giới như Magaret Thatcher, Thái tử Charles, George Bush, Ronald Reagan, Mikhail Gorbachev và cả hai thần tượng của Craig là Michael Jackson và Sylvester Stallone, Craig đã phá vỡ kỷ lục Guinness về người nhận được nhiều thiệp nhất mà trước đây một cậu bé người Anh khác nắm giữ (1.000.265 thiệp). Niềm vui nối tiếp niềm vui, cách đó 6000km nhà tỷ phú 77 tuổi- John Kluge ở Charlottesville, bang Virginia đã nhận được một lá thư từ những người bạn về tình trạng quá hiểm nghèo của cậu bé. Ông đã từng quyên góp hàng triệu đô la cho những người xứng đáng, nhưng chưa bao giờ ông tặng tiền trực tiếp cho một cá nhân nào. Và cũng không muốn tạo thành một tiền lệ hay khơi dậy những hy vọng hư ảo cho gia đình Craig. Nhưng rồi, khi tiếp xúc với gia đình, qua câu nói dũng cảm của cậu bé bởi gia đình không muốn cậu đau đớn nữa vì đã chịu phẫu thuật nhiều lần: “Mẹ ơi, không có thắng lợi nào mà không phải trả giá mà mẹ!” chính ý chí phấn đấu của cậu bé đã làm nhà tỷ phú quyết tâm nổ lực bằng mọi giá giành lại mạng sống cho em.Và rồi nụ cười đã tỏa rạng trên mọi khuôn mặt: Ca phẫu thuật đã thành công vượt quá mong đợi của nền y học hiện đại. Mùa xuân đã trở về trên khắp nước Anh với lời tạ ơn của Manon khi nói với chồng là Ernie lúc nhận được tin nhà tỷ phú John Kluge đã tài trợ trọn vẹn cho ca phẫu thuật của con mình: “Em nghĩ Chúa đã ban cho chúng ta một phép mầu!”.

Nhìn lại đời mình, tôi cũng đã từng chán nản, đã từng thất vọng, đã từng không ít lần mặc cảm với Chúa, tránh né Chúa, xa lìa Chúa vì phải đối diện, phải đối đầu, phải chứng kiến với quá nhiều nghịch cảnh mà sức mình không kham nỗi bởi chẳng ai đỡ nâng, chẳng ai trợ giúp, chẳng ai đồng hành! Nhưng rồi, trong thanh vắng, trong trầm lặng, trong những đêm hôm khuya khoắt, bỗng nghe như có tiếng thủ thỉ bên tai tôi những lời thánh thi trong kinh sáng ngày thường của mùa vọng vọng về:

“Đừng mê ngủ đứng lên hồn ta hỡi,

Dẫu thấy mình còn hôi hám bùn nhơ,

Vì hào quang chói lọi của kim ô

Làm tiêu tan hết những gì nguy hại.

Chiên Thiên Chúa đã từ nơi thượng giới

Xuống cõi trần đền tội vạ chúng ta.

Nào cùng nhau chạy đến lượng hãi hà,

Xin tha thứ bằng lời kinh thắm lệ”

Rồi lời thánh vịnh 26, 10 lại tiếp tục trấn tĩnh tôi:

“Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,

Thì hãy còn có Chúa đón nhận con”

Và thúc giục tôi hãy xóa đi mặc cảm: mặc cảm thật! bởi thấy mình bất xứng với tình yêu vời vợi từ Trời. Mặc cảm giả! Bởi mình chỉ muốn sống theo ý mình,đạt ý mình mà vẫn biết rõ điều mình đang muốn không phải là ý Chúa! Cũng chẳng đi đúng nền đạo đức nhân gian!

“Hãy cậy trông vào Chúa,

Mạnh bạo lên can đảm lên nào!

Hãy cậy trông vào Chúa.” (Tv 26, 14)

Cậu thiếu niên Craig đã phấn đấu hết mình, cố vượt qua những giây phút chán nản, suy sụp để vươn lên tìm nguồn sống với sự trợ lực của tình người và sự can thiệp thần thiêng của Đấng Tạo Thành. Và cậu đã chiến thắng! Còn tôi? Còn chúng ta? Lời mời gọi từ vị Tiền Hô của Đấng Cứu Tinh thúc giục: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mt 3, 3), không lẽ nào không động lòng ta? Nếu thực lòng ta quay về với NGUỒN BÌNH AN ĐÍCH THỰC, với tâm tình khiêm tốn như thánh Gioan Tiền Hô: “còn Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến sau tôi, quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt 3, 12), chắc chắn cơn cám dỗ với mặc cảm TA KHÔNG XỨNG ĐÁNG sẽ không còn là chướng ngại, không còn là rào chắn, không còn là e dè sợ hãi cản bước ta mở rộng lòng mình, để Đấng Cứu Tinh có thể đến cư ngụ nơi mái nhà đổ nát của ta! Chúa chỉ cần nơi ta tấm lòng chân thành, còn mọi sự, Chúa sẽ tính cho! Ta có tin điều đó không?
"Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến"
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top