2 Ảnh

5.11.13

Lược sử Giáo xứ Phú giáo

Lược sử Giáo xứ Phú giáo do thầy Vicente Phạm Văn Thản tổng hợp và biên soạn qua những dữ kiện lịch sử và chứng nhân, do vậy, có những giai đoạn lịch sử có thể bỏ sót theo lời bộc bạch của tác giả, tuy nhiên nhìn tổng thể cuốn sách về lược sử có thể nói là cuốn sách đầu tiên được viết về Gx Phú giáo đã phần nào cho mọi người có được cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành và phát triển của Phú Giáo.

Tổng quát về cuốn sách.
Được viết thành III Chương
Chương I. Điều kiện và  địa lý tự nhiên; Gồm IV phần
I. Vị trí địa hình, địa mạo
II. Khí hậu
III. Thuỷ văn
IV. Dân sinh kinh tế
Chương II. Quá trình hình thành và phát triển; Gồm IV phần
I. Giai đoạn đón nhận Tin Mừng < 1794 – 1850>
II. Giai đoạn thành lập giáo họ    < 1850 – 1900>
III. Giai đoạn thành lập giáo xứ   < 1900 – 2006>
IV. Giai đoạn hiện nay                 < 2006 đến nay>
Chương III. Nguồn gốc và ý nghĩa danh xưng; “phú giáo”
I. Nguồn gốc
II. ý nghĩa
Phần II. Lược sử các giáo họ - Giáo xứ phú giáo
Chương I. Lơược sử  giáo họ văn quan (quán)
Chơơng ii. Lơược sử giáo họ bùi
Chương III. Lược sử giáo họ nhân lý
Phần III. danh sách quý đấng bậc và quý chức
I. Danh sách các cha phụ trách giáo xứ Phú Giáo
II. Hoa trái thiêng liêng của giáo xứ Phú Giáo
III. Danh sách các ban trùm giáo họ Phú Giáo 
IV. Danh sách các ban phục vụ Huynh Đoàn Đaminh giáo họ Phú Giáo
V. Danh sách trưởng các ban ngành - Hội đoàn Phú Giáo
Phần IV. Học tập nơi  thánh vinh sơn
I. Cuộc đời dâng hiến của Thánh Vinh Sơn
II. Những câu chuyện phép lạ Thánh Vinh Sơn trên quê hương Phú Giáo

Lời giới thiệu
Tìm hiểu về lịch sử là cả một chặng đường dài mà con người luôn hướng về quê cha đất tổ, cội nguồn của mình. Ông cha ta có câu:     
“Con người có tổ có tông     
Như cây có cội, như sông có nguồn”.
  Câu nói trên đã thức tỉnh những ai yêu mến quê hương đất tổ, muốn tìm lại lịch sử truyền đạo và giữ đạo của ông cha mình thời trước.
Vào năm 2003, giáo xứ Phú Giáo do nhà thờ xuống cấp nên đã dỡ bỏ và làm lại nhà thờ mới. Trong khi dỡ bỏ nhà thờ cũ, đồng thời kiệu tượng Thánh Vinh Sơn Quan Thầy đến nơi thờ phượng mới đã phát hiện dưới đế tượng có một cái tráp, trong tráp có lưu giữ cuốn Sắc Chỉ thành lập giáo họ Thánh Vinh Sơn. Khi đó, cộng đoàn giáo họ đã bàn hỏi với các cụ cao niên trong làng về lịch sử thành lập giáo họ và quá trình xây dựng nhà thờ cũ.
Ngày 20 tháng 5 năm 2009, thực hiện thư ngỏ của Đức Giám mục Giáo phận Thái Bình về việc chuẩn bị cho Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, ủy ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ thực hiện cuốn Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam và Kỷ Yếu kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đức cha Giuse Vũ Duy Thống - Chủ tịch ủy ban Văn Hóa gửi thư cho Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang- Giám mục Giáo phận, xin đóng góp những thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của Giáo phận Thái Bình.
     Đồng thời, từ ngày 08 đến 14 tháng 11 năm 2010 trong kỳ họp tĩnh tâm linh mục, Đức Giám mục Giáo phận thông báo chuẩn bị xuất bản cuốn Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình nhân dịp mừng Đại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Giáo phận vào ngày 01 tháng 12 năm 2011. Trong cuốn Kỷ Yếu đó có lịch sử các giáo xứ, dòng tu, tu đoàn, các đoàn hội đã và đang hoạt động tại Giáo phận Thái Bình, để có được thông tin, tư liệu chính xác, rất cần được nhiều sự tham gia đóng góp, cộng tác của mọi tổ chức, tập thể, cá nhân trong Giáo phận.
    Đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 05 năm thành lập giáo xứ vào ngày 02 tháng 12 năm 2011.           
    Những điều nói trên đã thúc bách những người yêu mến quê hương tìm hiểu và viết lại về lịch sử giáo xứ của mình. Nhưng đây là công việc thực sự khó, vì không còn một tư liệu gì ngoài Sắc Chỉ thành lập giáo họ Thánh Vinh Sơn năm 1894, giấy phép đặt Đàng Thánh Giá ký ngày 09 tháng 9 năm 1909 và cuốn Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình xuất bản năm 1996. Hơn nữa, chúng ta sống quá xa với thời truyền đạo nên việc tìm hiểu lịch sử lại càng khó.
Với khả năng và thời lượng hạn chế, tư liệu lịch sử này không có tham vọng hướng cộng đoàn tìm hiểu một cách chính xác các sự kiện và mốc lịch sử được. Vì thiết nghĩ nó thuộc phạm vi chuyên ngành tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử, nhưng có ý hướng phác hoạ lại đôi dòng lịch sử của thời đón nhận Tin Mừng và tinh thần giữ đạo của ông cha thời trước. Tuy nhiên, để có thể tìm hiểu, viết một cách chính xác và chi tiết, phần chính yếu vẫn dành cho công việc tự tìm hiểu và nghiên cứu của từng người trong giáo xứ.         
Trong quá trình tìm hiểu và viết lược sử giáo xứ, chắc chắn tư liệu này không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được sự đóng góp của quý đấng bậc và cộng đoàn để tập sách "Lược Sử Giáo Xứ Phú Giáo" ngày càng hoàn thiện hơn.
Cầu chúc quý đấng bậc và cộng đoàn gặt hái được nhiều ơn lành của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Quan Thầy Vinh Sơn.
                          Phú Giáo, ngày 11 tháng 11 năm 2011
                                          Vinh Sơn Phạm Văn Thản
Phần I
 phú giáo theo dòng lịch sử
Chương I
Điều kiện và địa lý tự nhiên
I. Vị trí địa hình, địa mạo
   Giáo xứ Phú Giáo tọa lạc tại thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Nhà thờ giáo xứ Phú Giáo cách nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Thái Bình  khoảng 30km, về hướng Đông Nam. Ngôi Thánh Đường xây dựng trên một khu đất rộng lớn được bao bọc xung quanh bởi những dòng nước của ao hồ và đường làng ngõ xóm; những ngôi nhà của giáo dân mọc lên san sát như một bức tường thành vững chắc bảo vệ ngôi Thánh Đường.
* Phía Đông giáp đường 224A liên huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ.
* Phía Tây giáp đường 224B liên xã Hùng Dũng và Điệp Nông (đi lên sông Luộc Việt Yên); cách nhà thờ giáo họ Chấp Trung 01km.
* Phía Nam giáp Trường THPT Đông Hưng Hà, cách đường 39A khoảng 6km.
* Phía Bắc giáp một cánh đồng, cách nhà thờ xứ Quỳnh Lang khoảng 04km và  cách sông Luộc Việt Yên 03km.
Trục đường 224A và 224B là cầu nối giao thông thuận tiện giúp giáo xứ Phú Giáo có sự liên hệ mật thiết với các giáo xứ, giáo họ lân cận trong mọi hoạt động. Chính điều kiện thuận lợi đó đã nuôi dưỡng hạt giống Đức Tin của giáo xứ trổ sinh hoa trái trong tình yêu Thiên Chúa.  
II. Khí hậu
Địa bàn dân cư giáo xứ Phú Giáo nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ châu thổ sông Hồng, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa.
1. Chế độ nhiệt
 Nhiệt độ cao nhất trong năm 41,60C
 Nhiệt độ thấp nhất trong năm 120C
2. Chế độ mưa
 Lượng mưa lớn nhất trong năm 2230 mm
 Lượng mưa nhỏ nhất trong năm 1177 mm
3. Chế độ gió
 Hướng gió Nam và Đông Nam từ tháng 5 - 10
 Hướng gió Bắc và Đông Bắc từ tháng 11 - 4
III. Thủy văn
Khu vực nhà thờ giáo xứ khá phát triển: hệ thống sông ngòi, hồ ao, kênh mương. Các sông ngòi hồ ao, kênh mương thường xuyên có nước, mực nước và chế độ thủy văn phụ thuộc vào khí hậu, khí tượng và chế độ điều tiết thủy nông của ngành thủy lợi.
IV. Dân sinh kinh tế
Khu vực địa bàn dân cư toàn thể giáo xứ Phú Giáo thuộc xã Hùng Dũng và xã Duyên Hải của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Dân cư đông đúc, kinh tế phát triển chủ yếu canh tác nông nghiệp và  một số làm nghề phụ.

Chương II
Quá trình hình thành và phát triển giáo xứ phú giáo

   Như một hạt giống tốt được gieo trên mảnh đất “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Hạt giống Đức Tin này không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Vậy hạt giống Đức Tìn này được gieo và phát triển như thế nào? Đó là sự kỳ diệu trong tình yêu Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Maria và Thánh Quan Thầy Vinh Sơn. Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển giáo xứ qua bốn giai đoạn.

I. Giai đoạn đón nhận Tin Mừng  (1794 – 1850)  
            Khi tìm hiểu về lịch sử giáo xứ Phú Giáo thì được các cụ cao niên trong giáo xứ, đó là các cụ:
            Cụ bà Philomena Phạm Thị Dụng thọ 103 tuổi, mất năm 1997 - Cựu trùm
            Cụ ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Tiêm thọ 93 tuổi, mất năm 2009 - Cựu thư ký
            Cụ ông Vinh Sơn Phạm Văn Sai thọ 92 tuổi, mất năm 2008 – Thừa tác viên ngoại lệ
            Cụ bà Maria Phạm Thị Hưởng (95 tuổi), vẫn còn sống - Cựu trùm
            Ông Vinh Sơn Phạm Văn Hức (77 tuổi), vẫn còn sống - Cựu chánh trùm.
            Các cụ đều cho biết và đặc biết cụ Philomena Phạm Thị Dụng nói rõ cụ tổ thân sinh ra cụ có kể chuyện là: "Đúng vào năm cụ tổ sinh ra cụ thì Đức Giám mục Tông Tòa Địa phận Trung ban Sắc Chỉ thành lập  giáo họ Thánh Vinh Sơn, đồng thời mừng kỷ niệm 100 năm ngày hạt giống Tin Mừng được gieo trên quê hương Phú Giáo thân yêu  (lúc đó vẫn còn gọi chung là làng Nhân Lý) và bắt đầu khởi công xây dựng nhà thờ sang khu đất mới”.
Đến năm 2003, giáo họ đã tìm thấy một cái tráp, trong tráp có Sắc Chỉ thành lập giáo họ Thánh Vinh Sơn, viết bằng chữ Hán - Nôm, ban trùm đã nhờ:
            Cụ ông Nguyễn Văn Đức (85 tuổi) thôn Nhân Lý - Thầy thuốc
            Cụ ông Nguyễn Văn Suyền (85 tuổi) thôn Mỹ Đình - Bác sỹ, dịch ra tiếng Việt.
Đến tháng 10 năm 2010, người viết nhờ cụ ông Giuse Nguyễn Văn Lạc (85 tuổi) - Giáo xứ Bồng Tiên rất giỏi về chữ Hán - Nôm dịch lại, đối chiếu ba bản dịch đều giống nhau và có nội dung như sau:
“Vào năm 1894, Đức cha Simon Wenceslao Onate Thuận - Giám mục Tông Tòa Địa phận Trung ký Sắc Chỉ thành lập giáo họ Thánh Vinh Sơn và chấp thuận cho giáo họ nhận Thánh Vinh Sơn làm Quan Thầy”.                            
            Vào khoảng năm 1794, có 3 gia đình gồm: một gia đình họ Nguyễn, một gia đình họ Phạm và một gia đình họ Vũ. Cả 3 gia đình làm nghề thuyền chài (chài lưới), chuyên đánh bắt cá ở các sông ngòi, đầm hồ, đều quê ở giáo xứ Quỳnh Lang. Các vị đó đã đánh bắt cá trên con sông dọc theo đường 224A từ Quỳnh Lang tới làng Nhân Lý (ngày nay tách ra là làng Phú Giáo). Làng Phú Giáo trước đây toàn là đầm hồ nên các vị đó đã thường xuyên đến đây đun te, kéo vó, quăng chài và thả lưới (các nghề đánh bắt cá này vẫn còn lưu truyền đến những năm gần đây). Khi họ thấy mảnh đất Phú Giáo làm ăn được và để thuận lợi cho việc đi lại, lúc đầu họ đã dựng lều trú ngụ qua đêm. Một thời gian về sau, họ đưa cả gia đình vợ con đến đây sinh sống, lúc này nhân danh toàn thể 3 gia đình là 27 người. Các ông chồng làm nghề đánh bắt cá, còn các bà vợ và con cái  làm nghề trồng trọt, chăn nuôi. Cả ba gia đình đều có một đời sống tạm yên ổn nên đã về quê đưa thêm một số con cháu tới lập nghiệp tại nơi đây. 
            Khi số lượng người gia tăng, việc đọc kinh cầu nguyện tại các gia đình không đủ chỗ nên họ đã dựng tạm một ngôi nhà nguyện nhỏ lợp rạ, cột vì kèo gỗ xoan. Ngôi nhà nguyện này dựng trên phần đất của các gia đình ông Liên, Tường, Duyênh; anh Được  ngày nay (theo các cụ truyền lại thì đó là phần đất của nhà thờ cũ), xung quanh khu đất có 2 cái hồ mà hiện nay giáo họ vẫn đang thả cá. Khi đã có nhà nguyện riêng nhưng họ vẫn liên lạc với quê hương Quỳnh Lang, giáo xứ Lai ổn và Bồ Ngọc (Kẻ Bái), nên đã được các nhà thừa sai hỏi thăm về khu địa danh làng Phú Giáo này. Các vị thừa sai này từ Lai ổn đến Phú Giáo thăm con chiên giáo hữu của mình, đồng thời nhận thấy nơi đây rất thuận lợi cho việc làm ăn kinh tế và thuận tiện việc truyền giáo cho người lương dân xung quanh. Các ngài liền đưa một vị thừa sai đến đây. Sau một vài năm, vị thừa sai đó đã rửa tội thêm cho được 3 gia đình (họ là bạn chài lưới với các gia đình có đạo). Họ cùng nhau làm nhà xung quanh ngôi nhà nguyện nhỏ bé này. Như vậy, một cộng đoàn nhỏ bé đã được hình thành, sáng tối đọc kinh cầu nguyện sốt sáng, số nhân danh cứ mỗi ngày một gia tăng.

II. Giai đoạn thành lập giáo họ (1850 - 1900).    
            Trước khi thành lập giáo họ, các cụ đã có ý định làm một ngôi nhà thờ rộng lớn hơn, nhưng làm trên phần đất cũ khì không đủ diện tích. Các cụ đã hướng tới một khu đầm hồ rộng lớn giáp khu đất của nhà thờ cũ về phía Bắc (nay là cạnh đường 224A). Cũng theo lời các cụ kể lại, khu đầm hồ này đã được một cụ cựu trùm giầu có dâng cúng để xây dựng ngôi Thánh Đường mới.
            Giáo họ huy động nhân lực đào xung quanh làm hồ nuôi cá và vượt thành khu vườn trồng chuối ở giữa khu đầm hồ; tiếp tục đào một cái hồ giáp với đường 224A. Trong thời gian chờ đợi khu vườn lún đất, các cụ tập kết nguyên vật liệu để chuẩn bị làm nhà thờ mới.       
                        Trước khi làm nhà thờ trên khu đất mới, cha xứ và cộng đoàn đã làm đơn xin Đức cha Simon Wenceslao Onate Thuận - Giám mục Tông Toà Địa phận Trung cho thành lập giáo họ và nhận Thánh Vinh Sơn làm Quan Thầy.
Năm 1894, Đức Giám mục chính thức ban Sắc Chỉ thành lập giáo họ Thánh Vinh Sơn thuộc giáo xứ Lai ổn và cho phép xây dựng ngôi nhà thờ sang khu đất mới. Giáo họ phó thác công trình cho Thánh Quan Thầy. Số giáo dân khoảng 350 người.
Sau 5 năm xây dựng (1894 – 1899) vào thời vua Thành Thái ngôi Thánh Đường được hoàn thành (Theo dòng chữ ghi trên cột vì kèo và Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình xuất bản năm 1996), với chiều dài 30m, chiều rộng 12m, tổng diện tích 360m2, chia làm7gian, cột, vì kèo bằng gỗ lim, lợp ngói mũi.
Điều đặc biệt trên tường cuối nhà thờ có ghi lại hai dòng chữ Hán- Nôm song song nhau, các cụ đã dịch ra tiếng Việt có nội dung như sau:
“Lộ Đức Đông Nam Dinh Cùng Hướng
Giang Hồ Tây Bắc Thủy Trường Thanh”.       

Bản dịch Sắc chỉ  thành lập
giáo họ thánh vinh sơn
Nhân Danh Đức Chúa Giời  Amen           
Đức cha  Si-mon Wenceslao - Onate Thuận dòng ông Thánh Đaminh  ơn Đức Chúa Giời và ơn Đức Thánh Cha làm Giám mục - Hiệu Tòa Issus - Giám mục Tông Tòa Địa phận Trung trong nước An Nam xin cho các kẻ xem tờ này được bình an cùng làm phép biên xong cho được mọi sự lành.             
            Vốn thói lành các nước có đạo bên phương tây đã quen chọn lấy Đức Chúa Giêsu Đức Bà hay là ông Thánh bà Thánh nào làm quan thầy riêng trong nhà trong nước trong thành trong làng cùng trong nhà Thánh ấy mà có ý cậy công nghiệp và nhờ các Thánh kêu van bầu cử trước mặt Đức Chúa Giời cho ta khi còn sống ở đời này được bắt chước việc lành các Thánh biết đường giữ đạo nên được bình an phần hồn phần xác đời này và đời sau cũng nên thói lành trong Thánh I-Ghê-Li-Xa làm vậy cùng ước ao cho bổn đạo được bắt chước như thể ấy mà đang khi ước ao làm vậy thì dầy thấy bổn đạo làng Nhân Lý là con chiên Địa phận Đức cha có nhiều kẻ muốn hợp một ý cùng nhau cho được giúp đỡ nhau phần hồn phần xác mà chọn lấy ông Thánh Vinh Sơn làm Quan Thầy riêng mình cho nên xin Đức cha cho được lập làm một họ gọi là họ ông Thánh Vinh Sơn thì lòng Đức cha mừng rỡ bội phần cùng cho lập như vậy và truyền cho cha xứ đang coi sóc địa phương này rầy cùng các cha xứ sẽ coi sóc sau này phải ra sức coi sóc họ này cho một ngày một đi đàng nhân đức hơn nữa song le việc chung phải có kẻ cai quản và có thứ tự cùng lề luật phép tắc cho nghiêm trang mới được tốt lành cho nên các kẻ ăn mày thông công trong họ này phải ra sức giữ những điều đã chép trong sách lề luật về họ này thì mới chóng cho được vững vàng chắc chắn mà chớ
Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần   Amen     
 Mà cho ai lấy được làm chắc chắn thì Đức cha đã đóng con dấu cùng phê tên Đức cha và tên thư ký Đức cha trong tờ này
               Ký
Đức Chúa Giêsu ra đời là một nghìn tám trăm chín mươi tư năm (1894)
+ Pr.  Wenceslao - Onate Thuận Giám mục  
Giám mục Tông Tòa Địa phận Trung ký
Votdrins Petrus Khâm ký (Tên cha thư ký văn phòng TGM).

Ghi Chú:
Bản dịch này được sửa theo nghĩa Tiếng Việt thời nay, nhưng vẫn không có dấu chấm câu. Ông Giuse Trần Văn Lạc - giáo xứ Bồng Tiên dịch vào năm 2010 lúc này ông đã 85 tuổi (ông sinh năm 1925).     
  
III. Giai đoạn thành lập giáo xứ (1900- 2006)   
            Năm 1901, Đức cha Maxime Fernandez Định - Giám mục Tông Toà Địa phận Trung thành lập giáo xứ Quỳnh Lang tách ra từ giáo xứ Lai ổn, giáo họ thuộc về giáo xứ Quỳnh Lang.      
            Ngày 09 tháng 09 năm 1909, Đức Giám mục Giáo phận cho phép cha xứ đặt Đàng Thánh Giá trong nhà thờ được xây dựng năm 1899 và ban ơn Đại Xá cho những ai tham dự.  
Theo sử ký Địa phận Trung xuất bản năm 1916 thì số nhân danh của giáo họ Phú Giáo năm đó là 438 người.
            Năm 1933, Đức cha Trung (P. Munagorri Y Obineta)-   Giám mục Tông Toà Địa phận Bùi Chu cắt một số giáo họ của giáo xứ Quỳnh Lang thành lập giáo xứ Mỹ Đình, lúc này giáo họ lại thuộc về giáo xứ Mỹ Đình. 
            Năm 1940, giáo họ xây thêm một cây tháp cao 16 m về phía nam, cách đầu nhà thờ 10m và xây nhà Phòng trên trục tuyến nhà thờ - hướng Nam, cách đầu nhà thờ 30m, chia làm 7 gian, dài 16m, rộng 8m, cao 6m.
            Với biết bao thử thách về mặt đức tin, nhiều người đã đổ máu để bảo vệ và trung thành với Đức Tin. Các cụ thời xưa đã để lại cho con cháu cả một kho tàng Đức Tin quí báu, tinh thần giữ đạo vẫn bền vững cho tới ngày nay.
            Thời kỳ khốc liệt nhất đến với giáo họ đó là biến cố di cư năm 1954, theo lời các cụ vẫn còn sống đã chứng kiến biến cố này, kể lại: số giáo dân di cư vào miền Nam khoảng 50% trên tổng số giáo dân của toàn thể giáo họ là 900. Hầu hết di cư vào giáo xứ Long Hương- Giáo phận Bà Rịa Vũng Tầu và giáo xứ Bình Đông- Giáo phận TPHCM. Một số giáo dân khác di tản khắp miền Nam. Sau biến cố này, cùng ảnh hưởng chung cả Giáo phận và Giáo Hội miền Bắc, Giáo họ rơi vào tình trạng gần như bị tê liệt, các hoạt động tôn giáo đều bị ngưng lại. Các cha, các thầy không thường xuyên đến làm mục vụ được. Sống trong thời thế khó khăn, phụ thuộc vào sự cho phép của xã hội nên mọi hoạt động sinh hoạt tôn giáo không được liên tục.
            Năm 1989, Đức cha Giuse Đinh Bỉnh Giám mục Giáo phận bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Quang Phục nhiệm sở tại giáo xứ Mỹ Đình. Cha đã đối thoại dần với các cấp chính quyền để cho các hoạt động tôn giáo ngày một hoạt động trở lại. Cha xứ đã thành lập thêm một số các ban ngành, hội đoàn. Nhà thờ được sửa chữa lại năm 1991. Giáo dân lúc này tăng lên đến 921 người. Nhưng ngôi nhà thờ gỗ xây dựng năm 1899 đã xuống cấp theo thời gian và thời tiết. Đồng thời, giáo họ muốn có một ngôi Thánh Đường mới trước khi trình đơn lên Đức Giám mục xin thành lập giáo xứ. Cha xứ cùng cộng đoàn giáo họ chuẩn bị xây dựng lại nhà thờ mới trên nền đất của nhà thờ cũ. Giáo họ đã có kế hoạch chuẩn bị nguyên vật liệu gần chục năm (1994 - 2002).
            Vào đầu năm 2002, ban trùm làm sổ sách tổng kết báo cáo giáo họ và cha xứ trước khi đệ đơn lên Đức Giám mục Giáo phận và chính quyền các cấp cho phép dỡ bỏ nhà thờ cũ và làm lại ngôi Thánh Đường mới, đã thống kê được:
            50 vạn gạch (do giáo dân tự làm)
            50 tấn vôi
            500 triệu đồng = 62 cây vàng
(Đơn giá 01cây vàng = 8.000.000 đồng)
Ngày 03 tháng 9 năm 2002, cha xứ và cộng đoàn đệ đơn lên Đức Giám mục Giáo phận xin xây dựng lại ngôi Thánh Đường mới.     
Ngày 03 tháng 10 năm 2002, Đức Giám mục Giáo phận đã thương ký Giấy Ban  Phép xây dựng lại ngôi Thánh Đường giáo họ Phú Giáo.

Đến ngày 06 tháng 08 năm 2003, cha xứ Giuse Nguyễn Quang Phục dâng Thánh Lễ tạ ơn, dỡ bỏ nhà thờ cũ (xây dựng năm 1899).
Đến ngày 13 tháng 10 năm 2003, Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang chủ sự Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi Thánh Đường mới, được cử hành trọng thể.
Trong vòng 2 năm, vào ngày 08 tháng 12 năm 2005 một ngôi nhà thờ mới chính thức được khánh thành để dâng kính Thánh Vinh Sơn Quan Thầy, với kích thước dài 55m, rộng 18m, cao 13m, 2 tháp cao 45m, 01 tum cao 33m, tổng diện là 990m2. Tổng kinh phí vật liệu và nhân công là 2,0 tỷ đồng Việt Nam = 200 cây vàng, chưa kể gạch, gỗ lim còn tận dụng được từ nhà thờ cũ để lại.
(Đơn giá 01cây vàng = 10.000.000 đồng theo định giá năm 2005).

Trong thời gian xây dựng ngôi Thánh Đường,  giáo họ còn xây dựng thêm bốn tượng đài bốn Thánh xung quanh khuôn viên nhà thờ, phía đầu nhà thờ hai tượng đài, phía cuối nhà thờ hai tượng đài.
Năm 2005, giáo họ thống kê được:   
Tổng nhân danh là: 1120 người.
1. Cơ sở vật chất
+ 01 ngôi nhà thờ diện tích 990m2, bên dưới cung thánh có phòng khách, phòng cha xứ và thầy xứ.
            + 01 phòng giáo lý có 50 chỗ cho học sinh.
            + 5275 m2 sân vườn        
            + 8810 m2 ao hồ           
2. Ban ngành đoàn thể 
+ Huynh Đoàn Đaminh 63 người   
+ Gia Trưởng 140 người
+ Hiền Mẫu 58 người
+ Kèn Nam 55 người
+ Ban Ca 30 người
+ Hội Trống 33 người
+ Hội Trắc 26 người
+ Hội Thanh Thiếu Niên Nữ (Têrêsa) 40 người
+ Thiếu Nhi Thánh Thể khoảng 160 người
Theo số liệu thống kê trên, cùng với nhu cầu mục vụ cho đời sống đức tin của cộng đoàn ngày một lớn mạnh, cha xứ và cộng đoàn đệ đơn lên Đức Giám mục Giáo phận xin nâng giáo họ lên hàng giáo xứ. Được Đức Giám mục Giáo phận chấp nhận đơn của cha xứ và cộng đoàn giáo họ.
Đến ngày 02 tháng 12 năm 2006, Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang chính thức ký Văn Thư  thành lập giáo xứ Phú Giáo và Ngài tách hai giáo họ Bùi và Văn Quan từ giáo xứ Mỹ Đình sang giáo xứ Phú Giáo. Tổng số giáo dân của toàn giáo xứ là 1350 người.
Ngày 30 tháng 5 năm 2006, Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang - Giám mục Giáo phận cho phép cha xứ Giuse Nguyễn Quang Phục đặt Đàng Thánh Giá trong nhà thờ và ban ơn Đại Xá cho những ai tham dự.

            Như vậy sau một thời gian chờ đợi khá dài, nhờ hồng ân Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Quan Thầy, Phú Giáo đã bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn mà tất cả giáo dân Phú Giáo đều mong chờ. Một ngôi Thánh Đường nguy nga lộng lẫy cùng dòng chữ Giáo Xứ Phú Giáo là niềm vui khôn tả của mỗi giáo dân nói riêng và toàn thể giáo xứ Phú Giáo nói chung. Niềm vui đó như một động lực lớn thúc đẩy mọi thành phần trong giáo xứ tích cực, hăng say đóng góp công xức xây dựng mọi hoạt động Đức Tin trên mảnh đất Phú Giáo thân yêu.

IV. Giai đoạn hiện nay (2006 đến nay)     
            Với một truyền thống nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa từ thời đón nhận Tin Mừng (1794) tới nay, giáo xứ luôn giữ vững niềm tin, luôn gương mẫu về đời sống đạo đức và bác ái...v.v... Đặc biệt dưới thời cha Giuse Nguyễn Quang Phục coi sóc 19 năm (1989-2008), giáo họ luôn được cha nâng đỡ về mọi mặt. Cha luôn ưu tiên củng cố đức tin cho giáo xứ  non trẻ, đông nhân danh này.
            Mọi người đều tự hào về một xứ đạo luôn luôn hăng say trong các hoạt động Đức Tin. Mỗi khi tiếng chuông vang lên, mọi người nô nức gọi nhau đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và kinh sách nguyện ngắm. Giáo dục Đức Tin là một việc vô cùng quan trọng đối với thế hệ trẻ nên hàng năm các lớp giáo lý thường xuyên được mở; giúp các em tìm hiểu sâu sắc về Kinh Thánh để thêm phần mến Chúa và yêu người.
Một minh chứng không thể thiếu của giáo dân nơi đây. Các ngày Lễ trọng trong năm được tổ chức một cách linh thiêng và long trọng: Cờ hoa khắp nơi trong giáo xứ tung bay trước gió như reo mừng chào đón giáo dân khắp nơi về quy tụ nơi Thánh Đường Thánh Vinh Sơn. Mọi người nô nức, chờ đón buổi rước xung quanh hồ thật là trang trọng, được diễn tả qua các đoàn hội : Trống, Kèn, Ban Ca, Gia trưởng, Hiền Mẫu, Thiếu Nhi Thánh Thể… Với những bộ đồng phục cùng những chiếc áo dài thướt tha, mềm mại in bóng xuống mặt hồ hòa quyện với bóng Giáo Đường thật đẹp biết bao. Nhìn đoàn rước, người viết chợt nghĩ đến ngày dân It-ra-en vui mừng đón Chúa vào thành Thánh với những lời ca tụng danh Thánh Chúa. Nhờ các hoạt động đạo đức bình dân (chưa có chiều sầu thần học) nói trên mà đời sống giữ đạo của giáo xứ mỗi ngày một thăng tiến về mọi mặt. Xin Chúa cho giáo xứ Phú Giáo có một niềm tin và sức mạnh để đời sống Đức Tin của chúng con ngày càng sinh nhiều hoa trái.
            Từ ngày 12 tháng 06 năm 2008 đến nay, cha Đaminh Phạm Quang Trung tiếp tục sứ mệnh truyền giáo và củng cố Đức Tin cho giáo xứ.  Đặc biệt, cha luôn chú trọng đến việc gia tăng nhân danh. Qua bí tích Hòa Giải, cha khuyên nhủ các gia đình luôn tích cực cộng tác vào công trình Tạo Dựng của Thiên Chúa. Mỗi gia đình được Thiên Chúa giao trách nhiệm quản lý sự sống. Do đó, người quản lý thì phải biết làm tăng phần thức ăn trên bàn ăn sự sống của gia đình mình. Tất cả mọi gia đình không nên dùng bất cứ một phương thức nào đó để hủy diệt các mầm sống (hoa trái tình yêu) mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.
Năm 2010, cha xứ cho phép xây dựng Đàng Thánh Giá xung quanh khuôn viên nhà thờ và thành lập ban Kèn Nữ.
Hiện nay, cha xứ đang tổ chức giáo dân xây dựng Nhà Giáo Lý và đã được Đức Ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh – Tổng đại diện chủ sự thánh lễ và nghi thức Đặt Viên Đá Góc Tường vào ngày 01 tháng 11 năm 2011.
            Tới nay (2011), tổng số giáo dân toàn giáo xứ là 1443 người, riêng họ nhà xứ là 1233 người, giáo họ Bùi là 160 người và giáo họ Văn Quan là 50 người.               
          
Những thuận lợi và  khó khăn của giáo xứ    
“Phú Giáo” là xứ đạo có cảnh quan đẹp nhất nhì khu vực. Ngôi Thánh Đường được xây dựng trên một mảnh đất, bao bọc bởi những hồ nước xung quanh, khiến Phú Giáo được ví như một ốc đảo lớn. Những ngôi nhà của giáo dân mọc lên san sát như bức tường thành vững chắc bảo vệ cung điện nhà Chúa vậy. Bước ra sân, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như được tái hiện đầy đủ qua 14 Đàng Thánh Giá, cùng với 4 tượng đài được hiện hữu xung quanh khuôn viên Thánh Đường. Tiến lên sân bông, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đang ngự thật lớn biết bao. Có thể nói, mỗi người đến với Phú Giáo đều cảm nhận được sự linh thiêng và tôn nghiêm nơi khuôn viên Thánh Đường. 
Trong những năm gần đây, nhờ tình yêu của Thiên Chúa qua lời cầu bầu của  Đức Mẹ Maria và Thánh Quan Thầy, cuộc sống giáo dân được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Đa số các em được phổ cập ở bậc trung học phổ thông. Học vấn được nâng lên rõ rệt: Số lượng các em thi đỗ đại học và cao đẳng hàng năm chiếm tỉ lệ cao. Mặt khác, Phú Giáo có nhiều giáo dân làm ăn sinh sống ở miền Nam và Quảng Ninh nhưng điều đặc biệt là Phú Giáo không có các tệ nạn xã hội như nghiện hút, HIV…Đây chính là hồng ân lớn mà Chúa đã thương ban cho Phú Giáo.    
Tuy nhiên, giáo xứ cũng còn có những khó khăn chưa giải quyết được. Phú Giáo là một giáo xứ lớn nhưng chưa có cha xứ nhiệm sở trực tiếp tại giáo xứ. Người cha quản hạt phải coi sóc hai giáo xứ lớn : Mỹ Đình và Phú Giáo. Tuổi cha đã cao, sức khỏe đã yếu nên nhiệm vụ này quá nặng trên đôi vai của cha.
Mặt khác do nhà thờ mới được xây dựng lại nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn chưa có nhà cha xứ, chưa có nhà học giáo lý riêng, số lượng giáo lý viên ít …Điều đó đã gây khó khăn lớn cho các hoạt động của giáo xứ.
Ngày nay với sự biến động của xã hội, một số bạn trẻ trong giáo xứ dường như đứng ngoài các hoạt động Đức Tin; vấn đề đạo đức - Luân lý bị giảm sút. Đó là tiếng chuông báo động lớn không chỉ với Phú Giáo mà ở khắp nơi trong Giáo phận. 
Chương III
Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa danh xưng "Phú Giáo"
I. Nguồn gốc
Tên gọi “Phú Giáo” có từ bao giờ, ai là người đặt tên và gọi đầu tiên? Khi tìm hiểu về nguồn gốc danh xưng “Phú Giáo” là  một công việc rất khó khăn cho lớp trẻ ngày nay. Qua một thời gian tìm tòi, lấy tư liệu lịch sử và được sự giúp đỡ của các cụ cao niên trong giáo xứ. Người viết xin được đưa ra một số các tài liệu, các mốc lịch sử, lời truyền khẩu và tục truyền lễ giáo của giáo họ, giáo xứ, giáo phận như sau:
  Một là theo tục truyền lễ giáo của giáo họ cũng như quê hương Thái Bình, mọi người không quen gọi rõ tên ông A, bà B là tên của ông bà bố mẹ mình, mà. Họ thường gọi tránh đi bằng một danh từ khác có ý ám chỉ các vị đó như: Ông nội, bà ngoại… v…v… Nên tên ông Thánh Vinh Sơn cũng vậy, các cụ cũng gọi với một danh từ như Thánh Quan Thầy, Thánh Bổn Mạng ...v...v…    
   Hai là năm 1894, Đức cha Simon Wenceslao Onate Thuận dòng ông Thánh Đaminh - Giám mục Tông Tòa Địa phận Trung là người nước Tây Ban Nha ký Sắc Chỉ thành lập giáo họ và trong đó ghi rõ: "Thành lập giáo họ Thánh Vinh Sơn cho bổn đạo thuộc làng Nhân Lý". Như vậy tên Phú Giáo đã được các cụ đổi sau năm thành lập (1894).      
Ba là theo Sử Ký Địa phận Trung xuất bản năm 1916, đã ghi tên giáo họ Phú Giáo trong danh sách các giáo họ thuộc giáo xứ Quỳnh Lang. Số nhân danh của Phú Giáo lúc đó là 438 người; Quỳnh Lang 571 người; Mỹ Đình 335 người; Phục Lễ 341 người; Tân Mỹ 362 người; Chấp Trung 87 người.        
  Bốn là các cụ cao niên kể chuyện lại: “ Cụ cựu trùm đã cúng toàn bộ đầm hồ và nhiều tiền của vàng bạc để làm khuôn viên Thánh Đường mất vào đầu năm 1924. Giáo họ đã xin cha xứ Quỳnh Lang cho phép chôn thi thể cụ trong đất nhà thờ nhưng cha không đồng ý và giải thích chỉ có thi thể của các cha mới được chôn trong đất nhà thờ”. Cụ cựu trùm tên là “ Phú”. Song các cụ còn giải thích: Từ “ Phú” không phải là tên khai sinh của cụ trùm, giáo dân trong giáo họ thấy cụ trùm giầu sang phú quí nên mới gọi là cụ trùm Phú . Để nhớ ơn cụ trùm, giáo họ đã chọn từ “ Phú ” là tên của cụ trùm ghép với từ “ Giáo” thành tên “ Phú Giáo ”.
Năm là năm 1924, giáo họ mừng kỷ niệm 130 đón nhận Tin Mừng và 30 năm thành lập giáo họ và chính thức công bố đổi tên giáo họ Vinh Sơn thành giáo họ Phú Giáo. Bởi vì theo lời cụ Maria Phạm Thị Hưởng kể lại: “ Lúc cụ còn nhỏ, khoảng gần chục tuổi, cụ đã chứng kiến giáo họ tổ chức lễ mừng kỷ niệm này rất long trọng: Rước kiệu Thánh Quan Thầy Vinh Sơn xung quanh thôn Phú Giáo và mở tiệc ăn mừng linh đình”.
Sáu là năm 1924, Tòa Thánh ban Sắc Chỉ cho các Giáo phận đổi tên theo đúng tên địa danh thôn làng, thành thị của nhà thờ đó. Ví dụ như: Địa phận Trung có nhà thờ Chính Tòa  thuộc làng Bùi Chu thì đổi lại cho đúng là "Địa phận Bùi Chu".
   Từ sáu sử liệu trên, chắc các cụ đã bắt đầu gọi tên “giáo họ Phú Giáo” trong khoảng thời gian từ năm 1894 đến 1916; và được các Đấng Bậc chính thức công bố đổi tên "giáo họ Thánh Vinh Sơn" thành "giáo họ Phú Giáo" từ năm 1924 trong dịp Đại Lễ mừng kỷ niệm 30 năm thành lập giáo họ và 130 đón nhận Tin Mừng. 
   
II. ý nghĩa
   Trước hết, người viết xin đặt ra câu hỏi tại sao các cụ lại chọn tên giáo họ là “Phú Giáo” mà sao không chọn một tên nào khác. Do đó, các cụ đã chọn từ đó chắc cũng phải có ý nghĩa gì với quê hương giáo họ hay một người nào đó trong giáo họ. Theo từ điển Tiếng Việt thì từ “Phú Giáo” có nghĩa như sau:
Từ “Giáo” được ghép với các từ như: Giáo Hội, Giáo Phận, Giáo Xứ, Giáo Dân, Giáo Phẩm, Giáo Lý, Giáo Dục, Giáo Huấn v.v.
   Từ “Phú” có nghĩa là (Tạo Hóa) cho sẵn một tính chất, một khả năng đặc biệt nào đó, ví dụ như trời phú cho anh này chị kia sự giầu sang phú quí. Từ “ Phú” như Phú Bẩm, Phú Cường, Phú Nông, Phú Quí v.v.
   Chắc các cụ thấy được sự giàu sang phú quí của giáo họ mình và thấy trong giáo họ ngày xưa có nhiều phú hộ, phú nông và phú ông nên mới chọn từ “ Phú” và ghép với từ “ Giáo” thành giáo họ Phú Giáo. Qua đó người viết xin được đơn cử một số sự giàu có về tinh thần cũng như vật chất của giáo họ, giáo dân như sau:

1. Thời trước (Thế kỷ XIX và XX)
   Một cụ cựu trùm đã dâng cúng giáo họ mấy héc ta đầm hồ để cho làm khuôn viên Thánh Đường.
      Nhiều gia đình đã dâng cúng giáo họ mấy héc ta ruộng cấy lúa ở bên kia đường 224A, đối diện với nhà thờ, nhưng đã bị nhà nước tịch thu vào năm 1956.
      Ngôi nhà thờ cột, vì kèo gỗ lim và có tòa sơn son thiếp vàng, các cụ chỉ xây dựng trong vòng 5 năm (từ năm 1894 đến 1899). Ngôi nhà thờ lớn nhất nhì khu vực lúc bấy giờ. Một công trình thật là công phu. Các cụ đã lặn lội vào tận Thanh Hóa mua các cây gỗ lim, ghép thành bè di chuyển qua đường sông, biển từ Thanh Hóa về tới đoạn sông Luộc Việt Yên, rồi tiếp tục di chuyển qua con sông nhỏ dọc theo con đường liên xã từ Việt Yên về tới làng Phú Giáo.
      Từ thời các cụ (có lẽ từ thời thành lập giáo họ) tới những năm gần đây, giáo họ luôn có một hội Trống lớn nhất nhì Giáo phận.   
       Ngày xưa các cụ hay dùng các câu vè khiêm tốn nhưng đối nghĩa như: "Phú Giáo nghèo ăn cơm bát Sứ, rửa tay thau Đồng và chỗ ăn chỗ ở như đèn Ba Dây”, thời các cụ chỉ có những nhà giàu có mới mua được bát Sứ, thau Đồng và đèn Ba Dây.
        Năm 1940, giáo họ xây dựng một cây Tháp, khánh thành xong, cụ cựu trùm Cùi đã bán đi mấy héc ta ruộng để đúc một quả Chuông dâng cúng giáo họ.
        Năm 1956, nhà nước lập danh sách những gia đình giàu có (địa chủ) thì giáo họ cũng có mấy gia đình bị ghi vào danh sách đó.
        Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, nhân dịp Đức cha Giuse Đinh Bỉnh đi Rôma viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, giáo họ đã gửi Ngài mua cho một bộ Mặt Nhật để chầu Thánh Thể. Đồng thời Ngài mua cho giáo xứ Chính Tòa thêm một cái nữa. Khi Đức Giám mục từ Rôma về đến Toà Giám Mục thì ban trùm xuống nơi đó kiệu Mặt Nhật về giáo họ. Ban trùm gặp Đức Giám mục và chuyện trò thì Ngài có kể chuyện: "Ngài đã đi kinh lý, chuyện trò với nhiều linh mục và ban trùm nhiều giáo xứ thì chỉ có hai nơi là giáo xứ Chính Tòa và giáo họ có hai bộ Mặt Nhật (to 0,5m cao 1,0m) lớn nhất nhì Giáo phận lúc bấy giờ.    
2. Thời nay (Thế kỷ XXI)
         Ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ đang hiện hữu giữa làng quê được giáo họ xây dựng trong hai năm (2003 - 2005) là khánh thành.
         Năm 2010, Đức Giám mục Giáo phận tập trung toàn bộ các doanh nghiệp và doanh nhân trong toàn Giáo phận về Tòa Giám Mục nhân dịp đầu năm, nhân cơ hội đó ban trùm giáo xứ lập danh sách gửi về Tòa Giám Mục. Giáo xứ Phú Giáo có 03 công ty lớn, 02 xưởng cơ khí, 02 cây xăng và 18 đại lý kinh doanh; chưa kể các công ty, xí nghiệp và đại lý kinh doanh của người Phú Giáo đóng trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, miền Nam và khắp nơi trong nước.
          Từ những yếu tố tinh thần vật chất, cùng với tư duy mộc mạc đơn sơ trên, ta có thể kết luận chắc các cụ thấy được tình yêu của Thiên Chúa, qua lời cầu thay nguyện giúp của Đức Mẹ Maria và Thánh Quan Thầy Vinh Sơn đã ban cho giáo họ sự giàu sang phú quí về vật chất cũng như tinh thần, nên các cụ đã chọn từ " Phú" rồi ghép với từ " Giáo" trở thành giáo họ Phú Giáo như ngày nay.   
               
Phần II
Lược sử các giáo họ - giáo xứ phú giáo
Chương I
Lược sử  giáo họ văn quan (Quán)
1. Vị trí địa lý
Giáo họ Văn Quan (Quán) tọa lạc tại thôn Quán, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Nhà thờ giáo họ Văn Quan cách nhà thờ giáo họ Nhà Xứ Phú Giáo 02km về phía Đông Bắc.
2. Giai đoạn đón nhận Tin Mừng   
Một là theo lời các cụ cao niên kể lại: “Vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX, thời vua Tự Đức có ra chiếu chỉ cấm đạo gay gắt. Khi đó, một thầy tu xuất quê gốc giáo xứ Cao Xá, mang họ Nguyễn và Thánh Hiệu là Ghêgôriô đang giúp một cha truyền giáo tại họ đạo Quỳnh Lang. Vào một ngày, thầy đó bị quân dân lùng bắt nên trốn xuống làng Quán lánh nạn và lập gia đình tại đây”.
Hai là theo lịch sử toát yếu các Thánh tử đạo Địa phận Trung đã ghi lại hoạt động của cha Thánh Đaminh Cẩm thời vua Tự Đức như sau:
Hồi đó Đức cha An cử thầy Cẩm về coi sóc giáo họ Trần Xá - Giáo xứ Cao Xá. Sau một thời gian thầy Cẩm được phong chức Linh mục tại giáo xứ Cao Xá. Được cử làm việc Tông đồ tại Quỳnh Lang (Lúc đó thuộc giáo xứ Lai ổn) và bị bắt tại đó ngày 21 tháng 01 năm 1859.
Từ hai sử liệu trên, ta có thể khẳng định: Thầy tu xuất đó quê ở giáo xứ Cao Xá. Thầy đ• giúp cha Thánh Cẩm ngay từ khi cha còn coi sóc ở giáo xứ Cao Xá.  Khi cha Thánh được cử về làm Tông đồ tại Quỳnh Lang, cha đã cho thầy đi cùng. Đến ngày 21 tháng 01 năm 1859, quân dân lùng bắt hai người. Cha đ• bàn cách cho thầy chạy trốn còn cha tình nguyện ở lại cho họ bắt và chịu tử đạo.
Ngày đó, thầy đã trốn xuống thuyền của giáo dân đang đánh bắt cá trên sông dọc theo đường 224A về phía Nam. Thuyền đánh bắt cá của giáo dân cứ vậy lênh đênh trên sông, cách Quỳnh Lang chừng 2km thì tới giờ cơm trưa. Chủ thuyền đã dẫn thầy vào làng Quán bên sông, nghỉ cơm trưa tại gia đình ông Quyền giầu có (địa chủ) mà chủ thuyền đã quen biết từ lâu. Ông Quyền quê gốc ở Mỹ Đình, đã thành lập gia đình với một người phụ nữ thôn Quán và lập nghiệp tại đây. Gia đình ông có một cô con gái lớn và mấy cậu con trai nhỏ đang tuổi học trò, xong lại rất hiếu khách nên đã hỏi thăm chuyện trò. Gia đình ông đã mời thầy ở lại lánh nạn, làm thuê và dạy học văn hóa cho con cái họ. Sau một thời gian lánh nạn, thầy làm thuê và dạy học cho mấy cô cậu học trò này đã được gia đình quý mến, cứ muốn thầy ở lại. Vì sự quý mến và lưu luyến của gia đình nên thầy ở lại. Trong thời gian dạy học văn hóa, thầy còn tranh thủ dạy đạo cho các em đó và giới thiệu đạo cho ông bà chủ. Nhưng thật tiếc thay, không lâu sau thì chính thầy cũng bị sa ngã với cô con gái lớn của gia đình, ông bà chủ cũng thương và gả luôn cô con gái lớn đó cho thầy; đồng thời chu cấp cho mấy mẫu ruộng gần nhà để cày cấy.
            Nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, thầy vẫn nung nấu tâm trí truyền đạo cho các cô cậu học trò con ông bà chủ. Sau một hai năm, được như lòng mong muốn, tất cả các em đó cùng có ước nguyện theo đạo. Nhân việc cấm đạo có phần tạm lắng, nên thầy đã mời cha về rửa tội cho các em đó và đồng thời làm lễ cưới cho mình. Các em nam đều nhận Thánh Bổn Bạng là Ghêgôriô cùng với thầy.
            Một thời gian ngắn về sau, toàn thể các con cháu đã theo đạo, nên thầy đã khích lệ, mời gọi ông bà chủ (bố mẹ vợ) theo đạo và đã được ông bà vui vẻ nhận lời xin theo đạo.
            Khi đã mời gọi được ông bà chủ theo đạo, thầy liền bàn bạc và thuyết phục ông bà cho lấp khu ruộng mà ông bà đã cho vợ chồng thầy canh tác để làm nhà nguyện.
3. Giai đoạn thành lập giáo họ
Từ một gia đình địa chủ giầu có và thế giá trong làng, đặc biệt là lòng đạo đức của thầy, số người theo đạo ngày một gia tăng. Đến năm 1920, số nhân danh đã lên tới 120 người (Theo kỷ yếu Giáo phận Thái Bình xuất bản năm 1996). Cũng chính từ năm này, cậu con trai lớn của thầy trình lên cha xứ Quỳnh Lang xin phép Đức Giám mục Địa phận Trung cho thành lập giáo họ, nhận Thánh Ghêgôriô làm Quan Thầy và cho phép xây dựng nhà thờ mới trên nền đất ngôi nhà nguyện cũ. Đức Giám mục chấp nhận đơn và cho phép thực hiện những điều đã xin. Cậu con trai trưởng của thầy đã mời gọi cộng đoàn giáo họ xây dựng một ngôi nhà thờ cột vì kèo làm bằng gỗ bạch đàn và lợp rạ.            
4. Giai đoạn từ 1920 tới nay.
Sau năm 1920, giáo họ đã có một ngôi nhà thờ làm bằng gỗ bạch đàn vững chắc, tưởng rằng đã yên ổn giữ đạo, nhưng thật tiếc thay do cơn bão lớn đã làm nhà thờ xiêu vẹo. Năm 1935, giáo họ đã tập trung mọi nguồn vốn và công sức xây dựng lại ngôi nhà thờ mới. Lần này, các cụ đã chấp nhận tốn kém và tính đến việc xây tường gạch xung quanh, nhưng vì kèo vẫn bằng gỗ xoan, bạch đàn và vẫn lợp rạ. Đến năm 1980, nhà thờ mới được chuyển sang lợp ngói và xây thêm nhà Phòng.          
            Biến cố di cư năm 1954, giáo họ có tới đến 90% giáo dân đã bỏ quê hương ra đi không hẹn ngày trở về. Theo lời các cụ kể lại: Số giáo dân năm đó khoảng 200 người. Trong giáo họ chỉ còn lại một vài gia đình.
            Đến năm 2005, ngôi nhà thờ đã quá xuống cấp, nên cha xứ Giuse Nguyễn Quang Phục đã tổ chức bà con giáo dân xây dựng lại ngôi nhà thờ mới.  Nhờ ơn Thiên Chúa thương, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria và Thánh Quan Thầy Ghêgôriô, ngôi nhà thờ chỉ xây dựng trong vòng hai năm (2006 - 2007) là hoàn thành với chiều dài là 21m, rộng 07m, 01 tháp cao 19m, diện tích sử dụng 150 m2, chia làm 07 gian.
Hiện nay số nhân danh của giáo họ là 50 người.                     

Chương II
Lược sử  giáo họ bùi
1. Vị trí địa lý
    Giáo họ Bùi toạ lạc tại thôn Bùi, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Nhà thờ giáo họ Bùi cách nhà thờ giáo xứ Phú Giáo 03km về phía Đông Bắc.
2. Bối cảnh và sự hình thành giáo họ Bùi
Các cụ cao niên trong giáo họ kể lại chi tiết diễn tiến sự hình thành giáo họ Bùi:
Bên giáo họ Đồng Trực thuộc giáo xứ Quỳnh Lang có một gia đình công giáo: Thánh hiệu của chồng là Antôn, vợ là Têrêsa. Đây là một gia đình đạo đức, đông con nhưng đều được học tập đến nơi đến chốn; kinh tế khá giả và lại hiếu khách. Họ đã quen với một người lái buôn bên thôn Bùi, xã Duyên Hải. Qua một thời gian quen biết, cậu con trai của người lái buôn bên thôn Bùi đã nẩy sinh tình cảm với cô con gái của gia đình công giáo. Cô này nhan sắc bình thường nhưng rất khôn khéo, nói năng dịu dàng dễ nghe.
Khoảng năm 1900, cô con gái này đã nhận lời yêu anh chàng đó và đồng ý cho tổ chức đám cưới. Do sự khôn khéo của cô con dâu công giáo, cô đã được gia đình nhà chồng và thôn xóm quí mến. Gia đình nhà chồng làm nghề lái buôn nên rất giàu có, đã cho vợ chồng cô một mảnh vườn nằm giữa thôn Bùi tương đối rộng. Vợ chồng cô đã làm một ngôi nhà nhỏ trên khu đất đó.   
Cô luôn ý thức mình là người có đạo. Mỗi khi bên giáo họ Đồng Trực có Lễ, cô đều mời gọi chồng con sang bên đó dự Lễ. Vốn là người có học, đạo đức, khôn khéo nên cô đã giải thích và thuyết phục được gia đình nhà chồng cho tất cả con cháu cô rửa tội và gia nhập đạo. Công việc gia đình có bận đến mấy nhưng cô vẫn động viên, tổ chức cho gia đình đọc kinh tối trước khi đi ngủ. Do có nhà riêng, chồng cô làm nghề lái buôn, ít khi ở nhà nên việc dậy dỗ con cháu đều do cô đảm nhận. Tất cả con cháu đều nghe theo lời chỉ dậy của cô. Trong số con cháu đó, có một người con trai tên là Antôn Nguyễn Văn Vòi. Ông Vòi đã thành lập gia đình với con gái cụ bà Đoàn Thoan. Cụ Đoàn Thoan chỉ có một cô con gái duy nhất do chồng mất sớm. Sau một thời gian, cụ Đoàn Thoan cũng trở lại đạo.     
 Khi các con đều khôn lớn và trưởng thành, vợ chồng cô bàn bạc với nhau làm một ngôi nhà lớn hơn ở giữa khu vườn. Một vài năm sau kinh tế của gia đình khá giả hơn, gia đình cô mua thêm một khu nhà đất bên cạnh và dành trọn ngôi nhà mới làm đó để làm nhà nguyện.    
Đến năm 1920, toàn thể gia đình cô có 15 người; thôn Quán bên cạnh có một khu công giáo khoảng 120 người muốn xin Đức Giám mục Địa phận Trung cho thành lập giáo họ Văn Quan (Quán). Nhân dịp đó, cô cũng làm đơn xin thành lập giáo họ Bùi và xin nhận Thánh Nữ Têrêsa là Bổn Mạng của cô làm Quan Thầy chung của cả giáo họ. Đơn của cô và khu công giáo bên thôn Quán được cha xứ Quỳnh Lang xác nhận và trình lên Đức Giám mục. Một vài tháng sau Đức Giám mục chấp nhận đơn xin thành lập giáo họ của hai nơi và cho thực hiện điều đã xin.    
3. Giai đoạn từ năm 1920 tới nay.
Khoảng từ năm 1930 - 1935, ngôi nhà nguyện bị cơn bão lớn làm xiêu vẹo, tốc mái. Cụ Đoàn Thoan đã chuyển về ở chung với gia đình ông Antôn Nguyễn Văn Vòi và dâng cúng giáo họ toàn bộ đất đai cùng bốn gian nhà gỗ xoan để làm nhà thờ. Trong thời gian này gia đình ông Antôn Bùi Văn Thơ cũng dâng cúng giáo họ một cái ao nuôi cá, diện tích là 600m2. Hiện nay, tổng diện tích đất đai khuôn viên Thánh Đường giáo họ là 1950m2 và diện tích ruộng cấy lúa là 600m2.   
Đến năm 1950, giáo họ xây dựng lại ngôi nhà thờ mới, tường xây gạch và mái lợp ngói với chiều dài 15m, rộng 5m, diện tích 75m,2  chia làm 5 gian. Ngôi nhà thờ này được sửa chữa vào năm 1994.
Năm 1994, giáo họ xây dựng thêm ba gian nhà giáo lý, đổ bê tông cốt thép bốn khung cột tháp chuông cao 12m và mua một quả chuông nặng 150kg.
Năm 2003, giáo họ sơn son thiếc vàng Bàn Tòa  và lát gạch men nền nhà thờ.
Năm 2007, giáo họ đổ đường bê tông từ đường làng vào sân nhà thờ dài 20m, rộng 4m.     
Hiện nay, giáo họ đang xây dựng lại ngôi nhà thờ mới và đã được cha hạt trưởng Đaminh Phạm Quang Trung chủ sự Thánh Lễ và nghi thức Đặt Viên Đá Góc Tường vào ngày 11 tháng 06 năm 2011, được cử hành trọng thể.
Xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Têrêsa Quan Thầy ban muôn ơn lành cho giáo họ để sớm hoàn thành công trình nhà thờ. 
Số giáo dân hiện tại 160. 

Chương III
Lược sử  giáo họ nhân lý
1. Vị trí địa lý
   Giáo họ Nhân Lý toạ lạc tại thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Nhà thờ giáo họ Nhân Lý cách nhà thờ giáo xứ Phú Giáo 300 m về phía Tây Bắc.
2. Bối cảnh và sự hình thành giáo họ Nhân Lý
    Giáo họ Nhân Lý đón nhận Tin Mừng từ năm 1947.
       Với tinh thần nhiệt tâm truyền giáo của cha Giuse Lộc (lúc đó đang coi sóc giáo xứ Mỹ Đình), cha đã lắm bắt được tình thế của đất nước sau năm 1945. Một sự nghèo đói của xã hội lúc bấy giờ đã làm cho tình cảm bà con lương giáo trong các giáo họ thuộc giáo xứ Mỹ Đình mà cha coi sóc ngày một đoàn kết nhau hơn. Đặc biệt, trên khu vực giáo họ Phú Giáo có số giáo dân đông nhất trong giáo xứ nên sự tương trợ đoàn kết lương giáo cũng rộng lớn hơn.
Thật là ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, cha Giuse Lộc đã hướng ngay đến việc truyền giáo cho người lương dân có tình liên đới với giáo dân của giáo họ Phú Giáo. Cha đã khôn khéo dùng ngay chính những người giáo dân giầu tình cảm, thân thiết với các gia đình lương dân mà khích lệ truyền giáo cho họ. Sau đó, cha đã trực tiếp dậy đạo cho họ.   
            Sau hai năm truyền giáo (1945 – 1947), cha đã rửa tội cho 21 gia đình, 103 người.  Ông cựu chánh trùm Vinh Sơn Phạm Văn Hức đã thống kê được như sau:
            1. Gia đình Giuse Vũ Xuân Tôn             6 người
            2. Gia đình Giuse Phạm Văn Các                      5 người
            3. Gia đình Giuse Vũ Xuân Bốc                        7 người
            4. Gia đình Giuse Phạm Văn Cơ                        4 người
5. Gia đình Giuse Vũ Xuân Trưởng                   7 người
6. Gia đình Giuse Vũ Xuân Sằn                         6 người
7. Gia đình Giuse Vũ Xuân Đốm                       7 người
8. Gia đình Giuse Vũ Xuân Bạn                         6 người
9. Gia đình Giuse Vũ Xuân Bề                          7 người
10. Gia đình Giuse Vũ Xuân Đúc                      6 người
11. Gia đình Giuse Phạm Văn Nuôi                   5 người
12. Gia đình Giuse Phạm Văn Đỏ                      7 người
13. Gia đình Giuse Vũ Xuân Chình                    5 người
14. Gia đình Giuse Vũ Xuân Tế             2 người
15. Gia đình Giuse Vũ Xuân Phỏng                   2 người
16. Gia đình Giuse Phạm Văn Xoang    7 người
17. Gia đình Giuse Phạm Văn Lọ                      5 người
18. Gia đình Giuse Vũ Xuân Thực                     2 người
19. Gia đình Giuse Phạm Văn Đỗ                      4 người
20. Gia đình Giuse Phạm Văn Thùng     2 người
21. Gia đình Maria Phạm Thị Thìu                     1 người
Sau khi đã rửa tội cho 21 gia đình vào năm 1947 nói trên, cha Giuse Lộc đã cho bầu ban trùm gồm:
1. Cụ Giuse Vũ Xuân Tôn                     Trùm trưởng
2. Cụ Giuse Phạm Văn Các      Trùm phó     
3. Cụ Giuse Vũ Xuân Bốc                    Thư ký
Đồng thời, cha Giuse Lộc đã làm đơn xin Đức cha Santos Ubeirna Ninh - Giám mục Tông Tòa Giáo phận Thái Bình cho thành lập giáo họ Nhân Lý và nhận Thánh cả Giuse bổn mạng của cha làm quan thầy chung cho cả giáo họ. Cùng năm đó, cha đã tổ chức giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ.    
 Đến tháng 8 năm 1950, Đức cha Santos Ubeirna Ninh ban sắc chỉ thành lập giáo họ Nhân Lý trùng vào ngày khánh thành ngôi nhà thờ.
 Ngôi Nhà Thờ giáo họ có kích thước: Rộng 6m, dài 15m, cao 8m, diện tích 90m2. Cột, vì kèo, cửa bằng gỗ lim và lợp ngói đỏ.
Do biến cố di dân năm 1954, cha Giuse Lộc không còn được coi sóc giáo xứ Mỹ Đình nữa. Các linh mục coi sóc các giáo xứ của giáo phận đã thiếu hụt một cách trầm trọng. Cha già Gioan Trịnh Xuân Thu chánh xứ Quỳnh Lang đã phải coi sóc tới 9 giáo xứ nên không thường xuyên đến làm mục vụ và củng cố đức tin cho giáo họ được; cùng với thời thế khó khăn, chính quyền đã sử dụng nhà thờ làm phòng học văn hóa vào năm 1958. Giáo dân không còn nhà thờ để tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện được nữa nên bắt đầu bỏ đạo từ năm 1958. Các gia đình lần lượt bỏ đạo gần hết, chỉ còn lại một vài gia đình.     
Ngôi nhà thờ của giáo họ do chính quyền thôn, xã sử dụng vào nhiều việc khác nhau:  
            Năm 1958 – 1961, chính quyền thôn sử dụng nhà thờ làm phòng học lớp 1.
Năm 1962 – 1976, chính quyền thôn sử dụng nhà thờ làm kho hợp tác xã, đựng thóc quỹ, phân đạm, phân lân, thuốc trừ sâu.
Năm 1977- 1985, hợp tác xã quy mô toàn xã chuyển kho về trung tâm hành chính xã Hùng Dũng, chính quyền thôn lại sử dụng nhà thờ làm nhà coi trẻ.
Năm 1985, ban quản trị hợp tác xã Hùng Dũng dỡ về làm nhà hội trường của xã hiện bây giờ. Từ đó ngôi nhà thờ họ giáo Nhân Lý không còn nữa.
Diện tích đất nhà thờ khoảng 720m2, hiện giờ 3 hộ ở:
1. Gia đình Phạm Thị Sơn
2. Gia đình Nguyễn Văn Quynh                 
3. Gia đình Vũ Xuân Vương
Số nhân danh giáo họ Nhân Lý hiện nay (2011) còn  15 gia đình, 47 người thuộc giáo họ Nhà Xứ Phú Giáo như sau:
1.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Khúc              2 người
2.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Thống             2 người
3.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Tường             2 người
4.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Khích              2 người
5.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Thìn                5 người
6.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Sáu                 4 người
7.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Thức               4 người
8.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Thích              4 người
9.         Gia đình Giuse Vũ Xuân Chiến              4 người
10.       Gia đình Giuse Vũ Xuân Lực                3 người
11.       Gia đình Maria Vũ Thị Ngành               4 người
12.       Gia đình Maria Vũ Thị Thẩn                  2 người
13.       Gia đình Giuse Vũ Xuân Mởn               3 người
14.       Gia đình Giuse Vũ Xuân Bắc                 3 người
15.       Gia đình Giuse Vũ Xuân Thự                3 người.
Hiện nay, cộng đoàn giáo họ mong muốn các cấp chính quyền trả lại quyền sử dụng đất cho giáo họ Nhân Lý.       
Xin Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Đức Maria, Thánh Quan Thầy Giuse cho chúng con luôn được vâng theo thánh ý Chúa.

Phần III
Danh sách quý đấng bậc và quý vị quý chức
Chương I
Danh sách quý đấng bậc   
I. Danh sách các cha phụ trách giáo xứ
Cha Nhượng, cha Quyền, cha Mỹ, cha Phú, cha Sùng, cha Hiếu, cha Lực, cha Thạnh, cha Kính, cha Cẩn, cha Tường, cha Toàn, cha Lộc
Cha Gioan Trịnh Xuân Thu (1954 -1978)
Cha Gioakim Nguyễn Duy Thiện (1978 – 1989)
Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Phục (1989 – 2008)
Hiện nay là cha Đaminh Phạm Quang Trung.
Đặc biệt thầy Đaminh Phạm Văn Trí sinh năm 1889, quê gốc ở giáo xứ Hoàng Xá, giáo phận Thái Bình đ• phục vụ Phú Giáo; tạ thế ngày 22 tháng 08 năm 1951, đang an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Phú Giáo.
II. hoa trái thiêng liêng của giáo xứ Phú Giáo

Số TT        Thánh hiệu họ và tên         Quê quán         Chức danh       Nơi phục vụ
1          Vinc. Phạm Văn Huỳnh Nhà Xứ            Linh mục          Đã qua đời
2          Vinc. Phạm Văn Tính    Nhà Xứ            Linh mục          Giáo phận TPHCM
3          Vinc. Phạm Văn Quynh            Nhà Xứ            Nam tu Tu tại gia Giáo phận TPHCM
4          Maria Vũ Thị Huệ (Tê) Nhà Xứ            Tu sỹ    Bề trên dòng Nữ Tỳ Na-da-rét  G.P.Xuân Lộc
5          Maria Phạm Thị Tốt      Nhà Xứ            Tu sỹ    Dòng Đaminh Lạng Sơn Giáo phận TPHCM
6          Maria Phạm Thị Chuyên  Nhà Xứ   Tu sỹ    Tu hội Đức Mẹ Đi Viếng Giáo phận TPHCM
7          An tôn Bùi Văn Dư       Họ Bùi Tu sỹ    Dòng XiTô Phước Lý Miền Nam
8          Maria Phạm Thị Tươi (Mạnh)   Nhà Xứ    Tu sỹ    Dòng Đaminh    GP.Thái Bình
9          An tôn Bùi Văn Tăng    Họ  Bùi            Chủng sinh        GP. Lạng Sơn
10        Vinc. Phạm Văn Thản   Nhà Xứ            Chủng sinh        GP.Thái Bình
11        Vinc. Nguyễn Văn Đạt  Nhà Xứ            Dự tu   GP.Thái Bình
12        Vinc. Vũ Văn Long       Nhà Xứ            Dự tu   GP.Thái Bình

Chương II
Danh sách quý chức đương nhiệm và mãn nhiệm  
I. Danh sách ban trùm phú giáo từ năm 1950 - 2014(Vinc. Phạm Văn Hức – Cựu chánh trùm)                     

Số TT        Thánh hiệu  họ và tên     Năn sinh      Chức vụ      Ghi chú
Khóa I   (1951 - 1954)
1          Vinc. Phạm Văn Khuông          1897    Trùm trưởng    
2          Vinc. Phạm Văn Châm 1915    Thư ký
3          Vinc. Vũ Văn Điệt        1894    Quản nam        
4          Maria Phạm Thị Vĩnh (Cuội)     1887    Quản nữ          
5          Vinc. Phạm Văn Các    1913    Hương mục     
6          Vinc. Nguyễn Văn Hiếng          1914    Hương mục     
Khóa II   (1954 - 1956)
1          Vinc. Nguyễn Văn Hải  1905    Ban quản lý     
2          Vinc. Nguyễn Văn Tiễu 1913    Thư ký
3          Maria Trần Thị Ky (Lợi)           1924    Quản nữ          
Khóa III  (1956 - 1961)
1          Vinc. Phạm Văn Dụng  1987    Trùm trưởng    
2          Dom. Nguyễn Văn Côn            1910    Trùm phó        
3          Vinc. Nguyễn Văn Tiêm            1921    Thư ký
4          Jos. Nguyễn Văn Thăng            1915    Quản nam        
5          Maria Phạm Thị Trà (Thiên)      1921    Quản nữ          
6          Vinc. Vũ Văn Hưởng    1919    Hương mục     
7          Vinc. Phạm Văn ấu       1925    Hương mục     
Khóa IV  (1961-1969)
1          Vinc. Nguyễn Văn Dư  1912    Trùm trưởng    
2          Vinc. Nguyễn Văn Hiếng          1914    Trùm phó        
3          Vinc. Nguyễn Văn Tiêm            1921    Thư ký
4          Jos. Nguyễn Quang Khiết         1915    Quản nam        
5          Maria Phạm Thị Ca (Hiển)        1930    Quản nữ          
6          Vinc. Vũ Văn Hưởng    1919    Hương mục     
7          Vinc. Phạm Văn ấu       1925    Hương mục     
Khóa V  (1969 - 1972)
1          Vinc. Phạm Văn Nghi   1899    Trùm trưởng    
2          Dom. Nguyễn Quang Khiết       1915    Trùm phó        
3          Dom. Nguyễn Văn Khoan        1928    Thư ký
4          Vinc. Nguyễn Văn Mỗi 1914    Quản nam        
5          Maria Phạm Thị Ca (Hiển)        1930    Quản nữ          
6          Vinc. Vũ Văn Giá         1933    Hương mục     
7          Vinc. Phạm Văn Điểu   1939    Hương mục     
Khóa VI  (1972 - 1976)
1          Vinc. Nguyễn Văn Tìu  1915    Trùm trưởng    
2          Vinc. Vũ Văn Hưởng    1919    Trùm phó        
3          Vinc. Phạm Văn Đốc    1938    Thư ký
4          Vinc. Phạm Văn Kiềm  1935    Quản nam        
5          Maria Phạm Thị Ngoạt (Hoàn)  1918    Quản nữ          
6          Vinc. Vũ Văn Giá         1933    Hương mục     
7          Vinc. Phạm Văn Điểu   1939    Hương mục     
Khóa VII  (1977 - 1980)
1          Vinc. Phạm n Nghi 1899    Trùm trưởng     Cụ Nghi nghỉ,
 cụ Hoài kiêm trưởng
2          Vinc. Nguyễn Văn Hoài            1919    Trùm phó        
3          Vinc. Phạm Văn Đốc    1938    Thư ký
4          Maria Phạm Thị Ca (Hiển)        1930    Quản nữ          
5          Vinc. Vũ Văn Giá         1933    Hương mục     
Khóa VIII  (1981 - 1985)
1          Dom. Nguyễn Văn Khoan        1928    Trùm trưởng     Từ trần
2          Vinc. Phạm Văn ấu       1925    Trùm phó         Ông ấu kiêm trùm trưởng từ 1982
3          Vinc. Phạm Văn Chai   1939    Thư ký
4          Vinc. Phạm Văn Kiềm  1935    Quản nam        
5          Maria Phạm Thị Ngoạt (Hoàn)  1918    Quản nữ          
6          Vinc. Vũ Văn Chí         1938    Hương mục     
Khóa IX  (1985 - 1989)
1          Vinc. Phạm Văn Đốc    1938    Trùm trưởng    
2          Vinc. Phạm Văn Kiềm  1935    Thư ký + Quản nam
3          Vinc. Phạm Văn Điểu   1939    Quản nam         Ô. Điểu nghỉ  giữa khóa
4          Maria Phạm Thị Ca (Hiển)        1930    Quản nữ          
5          Vinc. Vũ Văn Giá         1933    Hương mục     
Khóa X  (1989 - 1994)     
1          Vinc. Phạm Văn Truật  1930    Chánh trùm       Từ trần
2          Vinc. Nguyễn Văn áng  1938    Trùm phó         Ô. Hưng kiêm trùm trưởng
 từ 1993
3          Dom. Nguyễn Quang Hưng      1949    Thư ký
4          Vinc. Vũ Văn Chí         1938    Quản nam        
5          Maria Vũ Thị Khuy (Thạch)      1938    Quản nữ          
Khóa XI  (1994 - 2000)
1          Giuse Nguyễn Đình Thung         1953    Chánh trùm      
2          Vinc. Phạm Hồng Quảng          1962    Trùm phó        
3          Vinc. Phạm Văn Triều   1954    Thư ký
4          Vinc. Vũ Văn Nhuận    1953    Quản nam        
5          Maria Phạm Thị Bay (Chừng)   1953    Quản nữ          
6          Vinc. Vũ Văn Đính       1938    Hương mục     
Khóa XII  (2001- 2005)
1          Vinc. Phạm Văn Phôi    1957    Trùm trưởng     Ông Phôi lên chánh trùm
từ năm 2003
2          Vinc. Phạm Văn Đông  1951    Trùm phó        
3          Vinc. Phạm Văn Hức    1933    Thư ký +
Quản nam        
4          Maria Nguyễn Thị Láng            1960    Quản nữ          
5          Vinc. Vũ Văn Đính       1938    Hương mục     
Khóa XIII  (2006- 2009)
1          Vinc. Phạm Văn Hức    1933    Chánh trùm       Từ tháng 1/2006 đến hết
12/2009
2          Vinc. Nguyễn Văn Chừng         1952    Trùm phó        
3          Vinc. Phạm Văn Khung            1950    Thư ký
4          Vinc. Phạm Văn Quả    1947    Quản nam        
5          Maria Nguyễn Thị Núi (Khích)  1958    Quản nữ          
6          Vinc. Lưu Văn Tạc       1953    Hương mục     
Khóa XIV  (2010- 2013)
1          Dom. Nguyễn Văn Khoa          1953    Chánh trùm       Từ tháng 1/2010 đến hết  tháng 6/2013
2          Vinc. Vũ Văn Đinh       1962    Trùm phó        
3          Vinc. Vũ Văn Hịnh       1967    Thư ký
4          Vinc. Vũ Văn Giảng      1963    Thủ quỹ           
5          Vinc. Phạm Văn Quả    1947    Quản nam        
6          Maria Nguyễn Thị Mất (Hoằng)            1953    Quản nữ          
7          Vinc. Phạm Văn Điểu   1939    Hương mục     
II. Danh sách ban phục vụ huynh đoàn đa minh (1995 - 2013)(Vinc. Phạm Văn Nga – Trưởng Huynh Đoàn Đaminh)

SốTT        Thánh hiệu     họ và tên          Năn sinh           Chức vụ           Ghi chú
Khóa I   (1995 - 1998)
1          Vinc. Nguyễn Văn Kích  1940    Huynh trưởng   Từ ngày 8/8/1995 đến ngày 8/8/1998
2          Maria Nguyễn Thị Thiếu           1945    Huynh phó       
3          Vinc. Phạm Văn Kiềm  1935    Thư ký
4          Maria Nguyễn Thị Hằng (Nga)  1945    Thủ quỹ           
Khóa II  (1998 - 2001)
1          Vinc. Nguyễn Văn Kích   1940    Huynh trưởng   Từ ngày 8/8/1998 đến ngày 8/8/2001
2          Maria Nguyễn Thị Thiếu           1945    Huynh phó       
3          Maria Vũ Thị Khoáng (Hưng)   1948    Thư ký
4          Maria Nguyễn Thị Hằng (Nga)  1945    Thủ quỹ           
Khóa III  (2001 - 2004)
1          Vinc. Nguyễn Văn Kích   1940    Huynh trưởng   Từ ngày 8/8/2001 đến ngày 8/8/2004
2          Maria Nguyễn Thị Thiếu           1945    Huynh phó       
3          Maria Nguyễn Thị Cư (Đông)               Thư ký
4          Maria Nguyễn Thị Hằng (Nga)  1945    Thủ quỹ           
Khóa IV  (2004 - 2007)
1          Vinc. Phạm Văn Chai   1939    Huynh trưởng   Từ ngày 8/8/2004 đến ngày 8/8/2007
2          Maria Nguyễn Thị Thiếu           1945    Huynh phó       
3          Vinc. Vũ Văn Sung       1944    Thư ký
4          Maria Vũ Thị Khoáng (Hưng)   1950    Thư quỹ          
Khóa V  (2007 - 2010)
1          Vinc. Phạm Văn Chai   1939    Huynh trưởng   Từ ngày 8/8/2007 đến ngày 8/8/2010
2          Maria Nguyễn Thị Loạn                        Huynh phó       
3          Maria Nguyễn Thị Mất (Hoằng)            1953    Thư ký
4          Maria Vũ Thị Khoáng (Hưng)   1950    Thư quỹ          
Khóa VI  (2010 - 2013)
1          Vinc. Phạm Văn Nga    1945    Huynh trưởng   Từ ngày 8/8/2010 đến ngày 8/8/2013
2          Maria Nguyễn Thị Thiếu           1945    Huynh phó       
3          Maria Vũ Thị Khoáng (Hưng)   1950    Thư ký
4          Maria Nguyễn Thị Mất (Hoằng)            1953    Thư quỹ          

III. Danh sách trưởng các ban ngành - hội đoàn
theo(Vinc. Phạm Văn Hức – Cựu chánh trùm)

I. Hội Quý Chức Tân Cựu thành lập năm 2008
Dom. Nguyễn Quang Hưng
II. Hội Gia Trưởng thành lập năm1996 (Thánh Cả Giuse và Giuse thợ)
1. Vinc. Nguyễn Văn Tiêm
2. Vinc. Phạm Văn Hức
3. Vinc. Nguyễn Quang Huân
4. Vinc. Phạm Văn Thuyên
5. Vinc. Phạm Văn Quận
6. Vinc. Nguyễn Văn Chừng
7. Vinc. Phạm Văn Sang
8. Vinc. Nguyễn Văn Thưng
9. Vinc. Phạm Văn Trịnh
             
III. Hội Hiền Mẫu – 1998
(Hội Mân Côi + Vô Nhiễm)
1. Maria Vũ Thị Ngọt (Vền)
2. Maria Nguyễn Thị Hấn
3. Maria Phạm Thị Vân
4. Maria Phạm Thị Vui
5. Maria Phạm Thị Ngoan
IV. Hội Trống - 1954
1. Vinc. Phạm Văn Tiến
2. Vinc. Nguyễn Văn Mỗi
3. Đaminh Vũ Văn Giá
4. Vinc. Vũ Văn Đính
5. Vinc. Phạm Văn Vền
6. Vinc. Vũ Văn Đinh
7. Vinc. Phạm Văn Thứ
8. Giuse Nguyễn Văn Thinh
V. Ban Kèn Nam - 1993
1. Vinc. Vũ Văn Mậm
2. Vinc. Phạm Văn Hoằng
3. Dom. Nguyễn Văn Khoa
4. Vinc. Phạm Văn Phôi
5. Vinc. Vũ Văn Hịnh
6. Giuse Vũ Xuân Thức
7. Vinc. Nguyễn Văn Mai
8. Vinc. Vũ Văn Giảng
9. Vinc. Phạm Văn Ngo•n
VI. Ban Kèn Nữ - 2010
1. Maria Phạm Thị Thâu
VII. Hội Trắc - 1972
1. Vinc. Phạm Văn Thái
2. Vinc. Phạm Văn Loan
3. Vinc. Phạm Văn Tầu
4. Vinc. Phạm Văn Duyênh
5. Vinc. Lưu Văn Tạc
VIII. Ban Giáo Lý Viên thành lập năm 1992
1. Vinc. Vũ Văn Nhuận
 IX. Ban Ca (Ca Đoàn)
X. Hội Thanh Thiếu Niên Nữ (Têrêsa) - 2002
XI. Thiếu Nhi Thánh Thể 
 (Ông, bà quản phụ trách)
                                          
Phần IV
Học tập nơi Thánh Vinh Sơn               
Mỗi giáo xứ, giáo họ trước khi thành lập đều nhận một vị Thánh làm Quan Thầy. Các Ngài sẽ bảo trợ cho giáo xứ, giáo họ; đồng thời cộng đoàn cố gắng học tập noi gương nhân đức sáng ngời của các Ngài. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhờ lời cầu bầu của Thánh Quan Thầy Vinh Sơn mà giáo xứ Phú Giáo luôn bảo tồn và phát huy được các giá trị tốt đẹp, sống tốt đời đẹp đạo. Ngày nay, khi Giáo Hội đang đứng trước những thử thách lớn về luân lý, tín lý thì việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống đó là công việc vô cùng khó khăn đối với thế hệ trẻ. Vì vậy, việc tìm hiểu, học tập noi gương nhân đức Thánh Quan Thầy là việc cấp thiết đối với mỗi người con Phú Giáo.

I. Cuộc đời dâng hiến của Thánh Vinh Sơn               
(Maria Phạm Thị Sen - GV + GLV)   
     Thánh Vinh Sơn sinh ngày 23 tháng 01 năm 1346, tại thành Valencia nước Tây Ban Nha, trong một gia đình giầu có và đạo đức.
      Ngay từ nhỏ Thánh Vinh Sơn đã ăn chay ngày thứ 4, thứ 6; năng đọc kinh nguyện gẫm, thích nghe giảng về Đức Mẹ và khổ hình Chúa Giêsu. Đặc biệt, Người rất thông minh. Khi chơi với các bạn, Người thường đứng ở chỗ cao, giảng lại những điều cha sở đã giảng trong nhà thờ. Và điều kỳ diệu là Người đã làm nhiều phép lạ ngay trên quê hương mình (cho một người bạn sống lại để cùng đi học…). Chính vì vậy mà Thánh Vinh Sơn được mọi người trong vùng gọi là:  “Ông Thánh Tý Hon”.
            Ngày 02 tháng 02 năm 1363, Người vào dòng Đaminh, quyết tâm noi gương Thánh Phụ Đaminh siêng đọc, suy gẫm Thánh Kinh; hãm mình phạt xác khiến ma quỷ ghen ghét, quấy phá nhưng không làm gì được Người. Với trí khôn sắc sảo, Người thường giảng lại cho người khác một cách minh bạch. Người thường khuyên môn đệ “Ta phải liên kết học hành với nguyện gẫm thì ta chóng trở nên sốt sáng và thông minh. Vì nguyện gẫm thì giúp việc học hành, việc học hành thì giúp việc nguyện gẫm”. Với tư tưởng này, Người đã giảng thuyết cách xuất sắc trong các nhà thờ.
            Năm 1378, Người thụ phong linh mục và tiếp tục cuộc đời dâng hiến, rao giảng Tin Mừng. Người chính là Người “qua lửa mà không cháy” trừ được nhiều loại ma quỷ, cứu rỗi nhiều linh hồn tội lỗi trở về với Chúa.
            Khoảng năm 1397 – 1398, Người được Chúa chữa lành bệnh và sai đi đem ánh sáng Phúc Âm đến các nước thiên hạ. Nhờ đó Chúa đã ban cho Thánh Vinh Sơn nhiều ơn đặc biệt: Nhân đức trọn lành, khôn ngoan thông thái, biết điều kín nhiệm, nói lời tiên tri, làm nhiều phép lạ nhãn tiền, biết nhiều ngoại ngữ không học, có tài đánh động lòng người nghe, tiếng nói san vang như sấm, dịu dàng như bát âm.
            Khi Người giảng, mọi người chẳng kỳ xa gần, có khi cách tới ba, bốn tiếng đồng hồ đường đất cũng đều nghe rõ cả. Cách người nói thì lay động lòng người, có khi làm cho thính giả ngã xuống đất, có lúc quỳ xuống ăn năn đau đớn vì tội lỗi của mình. Đôi khi, vì động lòng quá, Người cũng khóc lên và ngừng giảng. Người chỉ nói tiếng mẹ đẻ mà mọi người ở các nước nghe đều hiểu như tiếng nước mình vậy. Chính Người đã làm chứng Người thực là khâm sai Đức Chúa Trời.
            Trong quá trình rao giảng Tin Mừng, Người cũng làm nhiều phép lạ; chữa nhiều người lành bệnh.
            Năm 1419, Người qua đời, thọ 73 tuổi với 40 năm dâng hiến trong sứ mệnh thầy giảng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Người được Thiên Chúa đưa về Nước Trời nhưng chân dung Người luôn tỏa ánh hào quang nơi muôn dân, muôn nước. Hình dung Người đẹp đẽ, cân đối không cao không thấp, nước da trắng trẻo. Khi cử hành Thánh Lễ, mặt Người đỏ hồng. Mắt Người chính trực, sắc sảo, tinh anh; vầng trán cao rộng, hai má in dấu bàn tay Chúa Giêsu đặt vào khi hiện đến chữa bệnh và sai Người đi giảng thuyết. Dấu đó lúc thường không thấy, nhưng nổi hẳn nên khi Ngài thổn thức nói về khổ hình Chúa, về phán xét chung hoặc quở trách kẻ có tội.
            Tư thế người hòa nhã, nhân từ. Cách đi đứng nghiêm trang, không lanh không chậm. Lúc đi đường mắt thường nhìn xuống, gặp ai thì chào hỏi vui vẻ, êm đềm. Lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp kẻ đến cùng mình.
            Thân xác và linh hồn Người tỏa một luồng đức hạnh khiêm nhu, uy linh thanh tĩnh biểu lộ đức thanh khiết và kính mến, khiến ai thấy Ngài thì đem lòng cung kính và động lòng kính mến Đức Chúa Trời.
            Khi đã qua đời nhưng Người vẫn làm nhiều phép lạ như khi còn sống. Theo lời thỉnh nguyện của Bề trên Tổng quyền dòng Đaminh. Tòa Thánh đã điều tra nhân đức, giáo thuyết, phép lạ của Thầy Vinh Sơn. Sau khi họp Cơ Mật Viện Hồng Y ngày 29 tháng 06 năm 1455, Đức Giáo Hoàng Calixtô III đã phong Thánh cho Người, sau 26 năm ly trần.
            Ngày nay tại các nơi trên thế giới, giáo dân đã lập đền thờ kính Thánh Vinh Sơn và được ban nhiều ơn phúc.
            Như vậy, cuộc đời Thánh Vinh Sơn đã dâng hiến trọn vẹn cho Chúa. Chúng ta cần học tập, noi gương nhân đức của Người “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian” bằng chính đời sống Đức Tin của mình trong mọi lúc, mọi nơi.
II. Những câu chuyện phép lạ Thánh Vinh Sơn trên quê hương Phú Giáo
1. Câu chuyện số 1
            Vào khoảng năm 2005, ông cố Vinh Sơn Phạm Văn Nga, giáo xứ Phú Giáo (68 tuổi), vẫn còn sống có kể chuyện: khi ông đi ra nhà con trai là anh Ngự chơi thì thấy gia đình anh Công chị Phẩy ở cạnh nhà anh Ngự là người lương dân đang xôn xao đi tìm đứa con gái lớn tên là Nguyễn Thị Vân bỏ nhà ra đi đã mấy ngày rồi. Lý do là cháu này học hết lớp 9 không thi vào được cấp III, suốt ngày buồn chán, thêm vào đó lại bị bố mẹ la rầy nên đã bỏ nhà ra đi. Ông cố sang nhà anh Công chị Phẩy hỏi thăm thì gặp bà cụ Rão là mẹ của anh Công chị Phẩy cũng ở đó. Sau khi chuyện trò hỏi han thì bà cụ Rão nhớ đến ông Thánh Vinh Sơn giáo xứ Phú Giáo hay làm phép lạ, mà cụ đã nghe được từ lâu. Cụ liền nghĩ ngay chắc chỉ có Ngài mới làm phép lạ cho cháu trở về được thôi, nên đã gửi tiền ông cố về xin khấn ông Thánh. Ông cố đã nhận tiền xin khấn, liền gửi ngay tiền vào nhà thờ và nhờ cộng đoàn đọc kinh khấn cho cháu được trở về đoàn tụ cùng gia đình.
            Vào buổi chiều ngày hôm sau, ông cố cũng ra nhà anh Ngự chơi thì thấy cháu gái này đã trở về gia đình rồi. Ông cố liền hỏi chuyện thì gia đình cho biết, sáng hôm nay anh Sanh làm nghề buôn bán cá ở cùng làng Nhân Lý có quen một người bạn cũng làm nghề buôn bán cá ở làng Gạch (cách làng Nhân Lý khoảng 3 km). Cách đây ba năm, hai người chẳng có liên lạc với nhau và cũng chẳng qua bên nhau chơi. Hôm nay sao lại có ý nghĩ sang bên đó chơi, sang tới đầu làng thì gặp thấy cháu Vân đang lang thang ở đó, anh Sanh liền gọi và hỏi cháu làm gì ở bên đây mà gia đình ở nhà đang đi tìm cháu. Đồng thời anh Sanh đã dẫn cháu trở về với gia đình anh Công chị Phẩy. Khi kể truyện đó xong cụ Rão và gia đình anh Công chị Phẩy liền nói với ông cố lời cảm ơn ông Thánh ở bên các ông: Ngài thiêng thật, Ngài đã thương và nhận lời cầu khẩn của chúng tôi và đã thúc dục anh Sanh sang bạn chơi và đã đưa cháu về cho gia đình. Cụ Rão lại gửi tiền về tạ ơn ông Thánh Vinh Sơn.
2. Câu chuyện số 2
 Ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Nho, giáo xứ Phú Giáo thọ 80 tuổi, mới mất hôm 28 tết năm 2010 vừa qua kể chuyện: lúc ông còn nhỏ đi ở giúp việc cho cụ cựu trùm. Ông nhớ có một lần cụ trùm thuê mấy thợ gánh bùn là người lương dân, ở làng bên cạnh (làng Duyên Hải). Họ gánh bùn từ ao lên vườn chè nhà thờ, khi xong việc cụ trùm trả thừa tiền công cho họ, nhưng họ đã lấy hết không trả lại tiền thừa cho cụ trùm. Ngay đêm hôm đó, họ thấy có người gõ cửa, liền ra mở cửa thì thấy có người đàn ông mặc áo chùng trắng chống cây gậy ba tong và bảo: "Chiều tối hôm qua, cụ trùm có trả tiền thừa cho các con, mà sao các con lại tham lam lấy hết của Thầy, mang ngay tới nhà cụ trùm trả cho Thầy". Họ liền rủ nhau đi ngay trong đêm đến nhà cụ trùm trả tiền và nói với cụ là có người đến đòi tiền như vậy.
Qua câu chuyện này, giáo họ vẫn tin Người Đàn Ông Chống Gậy đó chính là Thánh Vinh Sơn, Ngài mặc tu phục của dòng Đaminh, (vì Ngài là tu sỹ dòng Đaminh).   
3. Câu chuyện số 3
 Các cụ trong giáo họ vẫn kể truyện lại rằng: ngày xưa (khoảng năm 1950), thời các cụ có một gia đình ông Tước chuyên buôn bán nước mắm, thôn Cậy – Hải Dương; là người tôn giáo bạn ngụ cư tại mảnh đất của gia đình bà Loạn - Giáo xứ Phú Giáo bây giờ. Một lần kia gia đình ông Tước làm nhà, trước khi làm nhà, ông cắm cọc, chăng dây để đến mai mời thợ đến làm. Ông đã cắm cọc lấn sang đất nhà thờ (vì mảnh đất đó giáp với mảnh đất nhà Đòn của nhà thờ). Ngay đêm hôm đó, ông thấy có Người gõ cửa, liền ra mở cửa thì thấy có Người Đàn Ông mặc áo chùng trắng chống cây gậy ba tong và bảo: "Ra ngay chỗ con cắm cọc mốc làm nhà chiều hôm nay, Thầy chỉ cho con biết được đất của con đến đâu và đất của Thầy đến đâu". Ra tới nơi, Người Đàn Ông mặc áo chùng trắng đang cầm cây gậy trên tay liền vẽ vạch ranh giới giữa đất nhà thờ và đất của ông Tước. Ông Tước liền chạy ra, cúi xuống nhổ cọc mốc để cắm lại. Khi ông ngẩng đầu lên thì không nhìn thấy Người mặc áo chùng trắng đâu cả. Khi đó, ông Tước nhận ra Người vẽ ranh giới chính là Thánh Vinh Sơn. Cuối cùng ông Tước không giám làm nhà ở khu đất đó nữa và đã đưa vợ con về quê (thôn Cậy) sinh sống. Câu chuyện này vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay.  
4. Câu chuyện số 4  
            Ông Vinh Sơn Nguyễn Quang Huân giáo xứ Phú Giáo (63 tuổi), vẫn còn sống có kể chuyện: Khoảng tháng 4 năm 1958, thời cụ Vinh Sơn Phạm Văn Dụng làm trùm giáo họ Phú Giáo. Thời gian đó có bà Phạm Thị Lại, người tôn giáo bạn thuộc thôn Nhân Lý thường xuyên hái chè nhà thờ, đựng chè bằng Ró. Lúc vào nhà cụ trùm Dụng cân chè, bà Lại chỉ cân có một Ró và để lại một Ró không cân.
Ngay trong đêm hôm đó, lúc bà Lại đang ngủ, Thánh Vinh Sơn gõ đầu gọi bà Lại: con mang ngay Ró chè trả lại cho Thầy, sao hai Ró mà con chỉ cân có một Ró. Sợ quá, đến lúc bốn giờ sáng hôm sau, bà đến gọi cụ trùm Dụng xin cân nốt Ró chè còn này. Cụ trùm ngạc nhiên nên bà Lại kể lại đầu đuôi câu chuyện có Người Đàn Ông mặc áo chùng trắng  đến đòi chè. Cụ trùm đã nghĩ ngay ra Người Đàn Ông đó chính là Thánh Vinh Sơn và căn dặn bà Lại lần sau không nên làm như thế nữa.
5. Câu chuyện số 5
  Ông cố Vinh Sơn Phạm Văn Nga, giáo xứ Phú Giáo (68 tuổi), vẫn còn sống có kể chuyện: Thời các cụ có một người lương dân, ban đêm đến cạy cửa nhà thờ và lấy trộm mấy manh chiếu. Khi người đó mang chiếu ra đến cửa thì thấy có người đàn ông mặc áo chùng trắng và chống gậy ba tong đứng chặn ở cửa và bảo: “Con hãy mang mấy manh chiếu đó để lại chỗ cũ cho thầy, vì những manh chiếu này để cho giáo dân của thầy trải xuống ngồi đọc kinh cầu nguyện”. Khi người đó mang chiếu để lại và ra về thì không còn nhìn thấy người chặn cửa đâu cả. Ra về, người đó nói với giáo dân giáo xứ Phú Giáo rằng: sao nhà thờ của các ông bà lại có người mặc áo chùng trắng đứng trông coi nhà thờ ? Nghe thấy vậy, các cụ đoán ngay đó là Thánh Vinh Sơn. Câu chuyện này vẫn còn lưu truyền tới ngày nay.
6. Câu chuyện số 6
            Linh mục Giuse Nguyễn Quang Phục (70 tuổi) vẫn còn sống, lúc đó là cha sở giáo xứ Mỹ Đình và Phú Giáo. Trong quá trình xây dựng ngôi Thánh Đường mới, khi tòa các Thánh đã hoàn thiện, cha xứ kiệu tượng Chúa, các Thánh lên Tòa giữa cung thánh; đặt tòa Đức Mẹ Lavang bên phải cung thánh và đặt tòa Thánh Vinh Sơn bên trái cung thánh nhưng chưa kịp kiệu tượng Ngài lên Tòa. Đêm hôm đó, cha nằm không ngủ được, mà thổn thức mong trời sáng để lên Phú Giáo kiệu tượng Ngài lên tòa (chắc Thánh Vinh Sơn đã thôi thúc cha). Sáng hôm sau, cha lên Phú Giáo sớm và kiệu Ngài lên Tòa mới.
7. Câu chuyện số 7  
            Bà  Maria Vũ Thị Lan (Thung) giáo xứ Phú Giáo (58 tuổi), vẫn còn sống có kể chuyện: “Tôi đi cầu nguyện ở nhà bà Maria Đoàn. Khi nhìn lên bàn thờ , tôi thấy nhiều màng nhện thì thắc mắc, sao bà để Thánh Vinh Sơn xấu thế kia? Ngay đêm đó, Thánh Vinh Sơn đã hiện về với tôi và nói: “Sao con lại chê Thầy xấu vậy?”.     
Được biết, vẫn còn rất nhiều câu chuyện phép lạ khác của Thánh Vinh Sơn. Vậy quí vị nào được biết, hay đã từng nghe kể, xin ghi lại để đóng góp vào trang  “những câu chuyện phép lạ” của Ngài đã thực hiện tại Phú Giáo.  

Phần V
Những Hiền phúc tử đạo giáo xứ phú giáo
theo(Vinc. Nguyễn Quang Huân)
Hiền Phúc Tử Đạo Giuse Phạm Văn Kỳ
            Tiểu sử cụ Giuse Phạm Văn Kỳ, quê gốc tại Hưng Yên, không rõ thôn xã.
            Năm 1840 cụ Kỳ di cư về sống ở Phố Lẻ (làng Nhân Lý ngày nay).
            Cụ là người lương dân đến ở gần nhà thờ Phú Giáo. Sau một thời gian, cụ xin chịu đạo tại Lai ổn, Thánh hiệu là Giuse và làm bạn với cụ Maria Phạm Thị Lan, người Phú Giáo. Cụ Lan là chị cụ Đường và cụ bà Maria Sến. Hai cụ làm bạn theo giáo luật và ở với nhau một thời gian không có tương lai (không có con). Cụ Kỳ bỏ cụ Lan sang làng Nhân Lý lấy vợ hai sinh con. Một thời gian về sau, cụ lại trở về với cụ Lan, bỏ lại vợ con và nói với vợ hai: “Tôi bỏ bà và con trở về chính đạo của tôi”.
            Trong thời gian vua Tự Đức cấm đạo (1859), người con trai của quan cưỡi ngựa đi qua nhà thờ không xuống ngựa. Cụ đã chặn lại và yêu cầu xuống ngựa. Họ đã chất vấn cụ nên cụ đã không ngần ngại xưng mình là người Kitô giáo. Rồi cụ bị bắt và bị chém đầu tại vườn chuối Hưng Yên.
            Trong thời gian quá dài, con cháu đi tìm nhưng không thấy. Đến năm 1953, ông Phóng cháu nội cụ đã đến Hưng Yên gặp được con của một cụ ông chôn cất thi thể cụ Giuse Phạm Văn Kỳ. Người này đã đưa tới vườn chuối và nói cho ông Phóng biết: ông bố của cụ đã chôn cất ngôi mộ này (cụ Kỳ thôn Nhân Lý, cụ chết tử vì đạo).
            Con cháu đã xin thi hài cụ về chôn cất tại cánh đồng mả thôn Nhân Phú.
            Tiểu sử về cụ Kỳ, ông Đốc ở giáo xứ Phú Giáo đã có thời gian chuyện trò với ông Bảy làng Nhân Lý. Ông Bẩy đã chỉ dẫn ông Đốc đến gặp ông Phóng để biết rõ hơn về tiểu sử cụ Kỳ này.
            Tiểu sử này do ông Phạm Văn Phóng cháu nội của cụ Kỳ là tộc trưởng cho biết.
            Ông Phóng đã kể chi tiết tiểu sử của cụ Giuse Phạm Văn Kỳ cho ông Huân giáo xứ Phú Giáo biết vào ngày 11 tháng 06 năm 2011.
            Nếu ai muốn tìm hiểu về cụ Giuse Phạm Văn Kỳ hãy đến gặp ông Phóng thôn Nhân Phú- Hùng Dũng- Hưng Hà - Thái Bình.
Hiền Phúc Tử Đạo
Đaminh Nguyễn quang chiếu

            Các cụ kể lại: Cụ Đaminh Nguyễn Quang Chiếu là một nhà nho tài ba, dạy rất nhiều học trò. Nhiều người học trò đã đỗ đầu quan, có người đỗ quan làm việc tại cung nhà vua. Cụ được rất nhiều học trò quý mến. Khoảng tháng 2 năm 1856, bốn người học trò đã đón cụ đi chơi và để lánh nạn. Sau khoảng một vài năm, trong bốn người học trò đó, có một người báo tin về quê: Cụ đã xưng là người có đạo, nên ba người học trò còn lại đã mang cụ nộp cho quan. Quan đã thưởng rất nhiều tiền cho họ.
            Ngày 08 tháng 12 năm đó, trước khi tử đạo, cụ đã giao lại giấy tờ và thẻ cho cụ Hậu. Cụ đã bị chém đầu tại vườn chuối Hưng Yên. Cụ Hậu giao giấy tờ lại cho cụ Tiễu. Tới năm 1956, cụ Tiễu bị bắt nên giao lại giấy tờ tổ tiên và giấy tờ của cụ Chiếu chết tại Hưng Yên cho cụ Nguyễn Quang Khánh.
            Đến năm 1967, cụ Khánh nhờ ông giáo Thăng dịch ra tiếng Việt và bàn giao lại giấy tờ đó cho con trai là ông Huân. Nhưng thời thế gây khó khăn cho Giáo Hội, ông đã đem cất dấu một thời gian trong ống nứa nên đã bị hư nát.
            Nay giấy tờ của cụ Đaminh Nguyễn Quang Chiếu không còn nữa.
            Từ đó tới nay, ông Huân và ông Thung cùng gia tộc lấy ngày 08 tháng 12 hàng năm để xin lễ cầu nguyện cho cụ. ông Huân viết giấy này theo gia tộc họ Nguyễn để lại năm 1967.

Được biết, vẫn còn rất nhiều Hiền Phúc Tử Đạo khác của giáo xứ. Vậy quí vị nào được biết, hay đã từng nghe kể, xin ghi lại để đóng góp vào trang “Những Hiền Phúc Tử Đạo” của giáo xứ Phú Giáo.  

Phần VI
bài viết về giáo xứ phú giáo
 Chương I
cảm xúc tình quê
Bài viết số 1
Phú giáo quê hương tôi
(Đoạn đầu chế bản theo Nội San Duyên Lãng)            
Cái tên Phú Giáo ấy, không biết nó có từ bao giờ ? Ai là người đầu tiên gọi cái tên đó? Phú Giáo thân yêu ơi!
            Tên sang trọng thật đấy, nghe nó lừng danh, nổi tiếng làm sao! Đã giàu sang phú quí lại còn gia giáo nữa. Bao thế hệ, bao lớp người đã mọc lên, nằm xuống trên mảnh đất Phú Giáo đầy hứa hẹn và cao quí này. Phú Giáo mà!
            Nó mang hình dáng một tam giác đều: Thôn Phú - Làng Giáo - Xứ Đạo  (Thôn Phú - Thôn Giáo - Thôn Đạo). Cái tên đó, nó cũng giống như địa hình của Phú Giáo vậy. Địa hình thôn Phú toạ lạc trên một khu đất hình tam giác đều, các cạnh thật đậm nét tạo bởi một con đường và dòng sông chạy dài song song nhau: Một cạnh tạo bởi con đường (224A) liên huyện Hưng Hà - Quỳnh Phụ, cạnh thứ hai tạo bởi con đường liên xã Hùng Dũng - Điệp Nông, cạnh thứ ba tạo bởi con đường liên thôn, từ đầu thôn Cập đến Uỷ Ban Nhân Dân Xã Hùng Dũng (Đầu thôn Hà Lý).    
            Như một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài ba nỗi lạc, danh tiếng lẫy lừng, thắt ngang lưng một dây thanh tuya hoành tráng; dòng sông gấp khúc chạy quanh thôn tưới mát một cánh đồng hai mùa lúa xanh tươi mơn mởn, giống như một anh hùng hào kiệt đang trong trang phục chiến đấu. Phú Giáo đó bạn ơi!
            Ngôi nhà thờ hiện đại, nguy nga tráng lệ, xếp hạng nhất nhì trong khu vực, có cái mặt tiền đầy tính nghệ thuật của kiến trúc hiện đại, những nét hoa văn đắp đổi tinh vi. Hai cây tháp cao song song như hai kim tự tháp cao nhất làng quê yêu dấu. Một cái tum nhô lên ở đầu nhà thờ tựa như quả cầu, tạo cho cung thánh một vòm trời thu nhỏ. Khuôn viên Thánh Đường tuyệt đẹp, cạnh đường 224A, xung quanh là ao hồ đường làng ngõ xóm, phần đa giáo dân ở xung quanh.
            Xin mời quí khách vào trong nhà thờ của chúng tôi. Nhìn lên cung thánh, loá mắt vì màu sơn son thiếc vàng của nơi cung thánh này; toà gỗ, chạm khắc khéo vô cùng: Những nhánh nho chĩu quả, những vòi bám mảnh dẻ, những biểu tượng của đạo, những bông hoa, những con chim kết lại với nhau dưới đôi tay thành thạo, lãng mạn của nghệ nhân, tuyệt đẹp. Vàng dệt trên son đỏ, hai màu tâng bốc nhau, làm nổi bật nhau lên và tạo cho nơi cung thánh vừa trang nghiêm, vừa sáng quí, vừa vương giả. Nhìn sang bên phải là tượng Đức Mẹ Lavang với các cây cổ thụ đang dủ bóng xung quanh Mẹ. Nhìn sang bên trái là tượng Thánh Vinh Sơn, Ngài đang ngự trên toà sơn son thiếc vàng. Trung tâm gian cung thánh là Bàn Lễ làm bằng đá quí, hình chữ M. Đúng là nhà Cha Ta.
            Thôn Phú là địa danh trung tâm khu vực Đông Hưng Hà, hội tụ nhiều lãnh vực: Tôn Giáo, Văn Hoá, Giáo Dục, Y Tế...v..v...
            Thôn Phú là trung tâm Văn Hoá Giáo Dục. Nơi đây có ngôi trường THPT Đông Hưng Hà là cái nôi giáo dục Văn Hoá cho lớp trẻ, thế hệ tương lai của Giáo Hội và Xã Hội. Mỗi năm có hàng ngàn các bạn trẻ tốt nghiệp ra trường; hàng trăm các bạn trẻ thi đỗ vào các trường Đại học - Cao đẳng trong cả nước. Nơi đây còn là nơi cư trú cho nhiều giáo viên, kỹ sư, bác sỹ.... Thêm vào đó còn có một ngôi trường Mẫu Giáo, giáo dục cho thế hệ măng non.
            Thôn Phú là trung tâm về Tài Chính. Nơi đây có một ngân hàng PTNT  là nơi trao đổi tiền tệ ... Tiền tệ là thứ quí giá để mua bán, sắm sửa; có tiền mua tiên cũng được...
            Thôn Phú là trung tâm về Bưu Chính Viễn Thông. Nơi đây có bưu điện là nơi thông tin liên lạc khắp nơi xa gần; gửi thư từ, điện tín, quà cáp...v..v...
            Thôn Phú là trung tâm về ngành Điện Lực. Nơi đây có trạm điện cao thế: Điện để thắp sáng soi chiếu đường đi, để quạt mát mỗi khi hè đến, để phục vụ sản xuất và  phục vụ nông nghiệp....
            Thôn Phú là trung tâm về y tế. Bên cạnh thôn là trung tâm y tế (Trạm y tế xã Văn Cẩm), chỉ cách một con sông nhưng được nối bởi một cây cầu; là nơi chữa bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân.
            Thôn Phú là trung tâm về Công Thương. Nơi đây giáp danh với một ngôi chợ Văn Cẩm, chỉ cách một con sông nhưng được nối bởi một cây cầu; là nơi buôn bán hàng hoá, phục vụ cuộc sống hàng ngày cho dân.
Thôn Phú là trung về Hành Chính của cả xã Hùng Dũng. Nơi đây có UBND xã Hùng Dũng là nơi hội họp của nhân dân, các vị cán bộ xã; đồng thời cũng là trung tâm Văn Hoá của xã.
            Thôn Phú có sân Chơi Thể Thao là nơi vui chơi giải trí rèn luyện sức khoẻ cho mọi lứa tuổi.
            Thôn Phú có nhà Văn Hoá thôn là nơi hội họp của nhân dân trong thôn và các vị cán bộ thôn xóm.   
            Thôn Phú còn là quê hương xứ sở của Vua Bà (Hoàng Hậu), các vị quan chức các cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
            Thôn Phú có ba công ty TNHH, 2 xưởng cơ khí, 02 cây xăng và 18 đại lý kinh doanh đóng trên địa bàn thôn.
            Như vậy, thôn Phú hội tụ rất nhiều cơ sở, lãnh vực như: Thánh Đường, Điện, Đường, Trường, Trạm, Chợ, Bưu Điện, Ngân Hàng, Văn Hoá..v..v…. Ta có thể:  

liệt kê ghép vần về thôn phú

Thôn Phú, Hùng Dũng quê hương tôi
Quê hương tôi hội đủ bốn mùa
Hai mùa lúa chín, kín cả đồng
Nhãn lồng, rượu nếp thật là ngon
Có con sông gấp khúc giữa phố
Một nhà thờ kiên cố mới xây
Bốn chuông tây trên hai cây tháp
Hàng cao áp, dọc sát đường quê
Là quê hương xứ sở vua Bà
Một nhà trường trung học phổ thông
Ba công ty trách nhiệm hữu hạng
Một trạm y tế, kế bên làng
Tân ngân hàng phát triển nông thôn
Đầu thôn có bưu điện viễn thông
Bên sông là trạm điện cao thế
Kế bên chợ, buôn bán hàng ngày
Trưng bày háng hoá, bán cho dân
Có sân chơi thể thao mỗi ngày
Sân này nằm cạnh nhà Văn Hoá
Thôn Văn Hoá có trường Mẫu Giáo
Lương Giáo có trung tâm Hành Chính
Là chính trung tâm của cả xã
Cả xã có một thôn Công Giáo
Phú Giáo đó, có một không hai
Công khai hoá, trong quá nhiều đời


Bài viết số 2
Tình cảm mẹ con – Anh em        
Từ thời xa xưa tới nay, các cụ vẫn thường kể chuyện về nguồn gốc giáo xứ Phú Giáo bắt nguồn từ giáo xứ Quỳnh Lang. Nhiều cụ còn nhấn mạnh hơn: Từ thời tiền cổ (đón nhận Tin Mừng) tới nay, hai giáo xứ vẫn liên tục giữ được tình cảm mẹ con. Giáo xứ Quỳnh Lang không những là giáo xứ mẹ theo nghĩa trước kia giáo xứ Phú Giáo là họ lẻ thuộc giáo xứ Quỳnh Lang, sau đó thuộc giáo xứ Mỹ Đình rồi lên hàng giáo xứ vào năm 2006. Nhưng giáo xứ Quỳnh Lang còn là giáo xứ mẹ về máu mủ,  ruột thịt. Bởi vì một số con cháu của giáo xứ mẹ đã di cư xuống Phú Giáo làm ăn sinh sống và lập thành giáo xứ Phú Giáo ngày nay.
            Tình cảm hai giáo xứ mẹ con này luôn đậm đà sâu nặng, bất kỳ bên nào có việc gì thì cũng đều có mặt nhau. Khi giáo xứ mẹ yêu cầu giáo xứ Phú Giáo cộng tác giúp đỡ thì đều có mặt ngay, mà còn vui mừng được cộng tác và đồng hành trách nhiệm với giáo xứ mẹ.
            Hơn nữa, hai giáo xứ mẹ con còn được diễn tả bằng tình cảm mật thiết, keo sơn gắn bó qua việc dựng vợ gả chồng với nhau. Tình cảm này của giáo xứ Phú Giáo còn được diễn tả trong tình liên đới với giáo xứ Tân Mỹ anh em trong cùng một mẹ.
“Mẹ cần con, con có mẹ
Mẹ con xum họp có nhau
Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc
Dở hay đỡ đần”.    
Bài viết số 3
Đồng hành tiến bước
Theo Sử Ký Địa phận Trung xuất bản năm 1916, Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình xuất bản năm 1996 và theo lời truyền khẩu của các cụ cao niên trong giáo xứ kể lại:
Từ năm 1901 trở về trước, ba giáo họ anh em Quỳnh Lang – Phú Giáo – Mỹ Đình cùng thuộc giáo xứ mẹ Lai ổn. Giáo xứ mẹ đã sinh ra ba người con lớn và nhiều người con bé khác nữa.
Từ năm 1901 trở lại đây, giáo họ Quỳnh Lang được nâng lên hàng giáo xứ tách ra từ giáo xứ mẹ Lai ổn. Từ đây, hai giáo họ Mỹ Đình và Phú Giáo thuộc về tân giáo xứ Quỳnh Lang. Một lần nữa, hai giáo họ anh em cùng nhau về một mái ấm gia đình mới. Lúc này, giáo xứ Quỳnh Lang như một người mẹ kế tiếp tục nuôi dưỡng các con cho đến khi trưởng thành; nhưng đối với giáo họ Phú Giáo thì giáo xứ Quỳnh Lang là người mẹ đích thực cả về tinh thần cũng như máu mủ, ruột thịt. Hai giáo họ Mỹ Đình và Phú Giáo anh em cùng chung chia trách nhiệm gia đình với giáo xứ mẹ cho tới năm 1933.      
Từ năm 1933, giáo họ Mỹ Đình được nâng lên hàng giáo xứ. Qua sự kiện trọng đại này thì các cụ cao niên đã chứng kiến và kể chuyện rất chi tiết:
Trước năm 1933 một vài năm, các cụ giáo họ Phú Giáo có một tầm nhìn xa trông rộng, thấy được địa danh nơi xứ sở mình rất đẹp, đông nhân danh và thuận lợi về nhiều mặt; nên các cụ đã làm đơn xin Đức Giám mục Giáo phận Bùi Chu một trường Thầy Giảng, Latinh hoặc một dòng tu đóng trên địa bàn Phú Giáo mà không tính việc xin lên xứ. Cùng thời gian năm đó, giáo họ Mỹ Đình khiêm tốn, thấy giáo họ mình ít nhân danh hơn, song địa bàn thì không thuận lợi cho lắm nên chỉ viết đơn xin lên xứ. Vì cả khu vực rất nhiều giáo họ và cách giáo xứ mẹ Quỳnh Lang 4 km. Cả hai giáo họ cùng trình đơn lên Đức Giám mục Giáo phận Bùi Chu. Cuối cùng thì đơn của giáo họ Mỹ Đình được chấp nhận, còn đơn của giáo họ Phú Giáo không được chấp nhận. Bởi vì nó chưa thiết thực, hội đủ các yếu tố để thành lập một nhà trường được như Phố Hiến, Kẻ Riền (Duyên Lãng), Kẻ Rèm (An Lập) đã được các Đấng Bậc đưa trường Latinh về đó lánh nạn trong những năm cấm đạo gay gắt. Tới năm 1938, Đức cha Gioan Casadô Thuận - Giám mục Tông Tòa Giáo phận Thái Bình xây dựng trường Thầy Giàng Hưng Yên tại Phố Hiến.
Do đó, giáo họ Mỹ Đình đã được nâng lên hàng giáo xứ rồi, còn giáo họ Phú Giáo thì vẫn chỉ là giáo họ. Song giáo họ Phú Giáo chỉ cách giáo họ Mỹ Đình có 1km và cách giáo xứ mẹ Quỳnh Lang tới 4 km nên Đức Giám mục tách giáo họ Phú Giáo từ giáo xứ mẹ Quỳnh Lang thuộc về tân giáo xứ Mỹ Đình.
Từ đây (1933), tân giáo xứ Mỹ Đình đóng vai trò như một gia đình anh trưởng để cho các em có chỗ đọc kinh cầu nguyện, dự Lễ, lãnh nhận các bí tích và mọi sinh hoạt khác.
Từ khi giáo họ Mỹ Đình lên hàng giáo xứ tới nay, giáo họ Phú Giáo đã cùng chung chia trách nhiệm với gia đình anh trưởng. Phú Giáo tuy đã đến tuổi thành lập gia đình (trưởng thành) nhưng vẫn đơn côi độc lập một mình, mãi không thành lập gia đình được. Do quá nhiều gian nan thử thách cụ thể như: Biến cố tách Giáo phận, thành lập Giáo phận Thái Bình năm 1936, nạn đói năm 1945, biến cố di cư năm 1954, giải phóng miền Nam năm 1975 đã làm cho Giáo phận điêu đứng vì thiếu chủ chăn một cách trầm trọng. Đặc biệt hơn là sống trong thời kỳ khó khăn, giáo họ đã phải chờ đợi một thời gian quá lâu, mãi tới năm 2006 mới được nâng lên hàng giáo xứ (thành lập gia đình). Sự kiện đó thật là một thử thách quá lớn đối với giáo họ Phú Giáo.
Trong suốt 73 năm, giáo họ Phú Giáo đã cùng đồng hành, đồng trách nhiệm và cùng chung chia biết bao là thử thách gian truân; chia sẻ ngọt bùi đắng cay với giáo họ Mỹ Đình. Hai anh em Mỹ Đình và Phú Giáo đã cùng nhau gánh vác, động viên khích lệ lẫn nhau đứng vững trong Đức Tin.
Tuy nhiên trong suốt ngần ấy năm, Phú Giáo chưa thành lập gia đình nhưng vẫn có nhà cửa và đầy đủ các yếu tố cần thiết riêng. Với sự phát triển về nhân danh, tinh thần và vật chất nhiều khi còn mạnh hơn cả gia đình anh trưởng Mỹ Đình. Nhưng hai anh em vẫn đoàn kết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để cùng nhau tiến bước.
Từ năm 2006 tới nay, Phú Giáo đã được nâng lên hàng giáo xứ, đã đồng hành sánh vai với giáo xứ Mỹ Đình. Từ đó, Phú Giáo đã thành lập gia đình, đã có tổ ấm riêng và cũng rất quảng đại bao dung với anh em mình. Giáo xứ Phú Giáo đã nhận nuôi dưỡng, nâng đỡ và là điểm qui tụ của hai giáo họ đàn em nhỏ bé nhất là giáo họ Bùi và Văn Quan.
Hai giáo xứ Mỹ Đình và Phú Giáo có chung một cha xứ nhưng hai anh em vẫn thực hiện được trình tự trước sau, cơm lần cháo lượt. Các ngày Lễ trọng trong năm đã được phân chia mỗi năm mỗi nơi, một lần để cho tình cảm anh em trước sau như một, đúng truyền thống anh em đồng hành sánh vai.
Ngày 01 tháng 01 năm 2010, giáo xứ Mỹ Đình thật là hạnh phúc, đã được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ Giám mục Giáo phận Thái Bình đặt làm giáo xứ trung tâm của giáo hạt Đông Hưng gồm hai huyện Đông Hưng – Hưng Hà và một phần của huyện Quỳnh Phụ. Cha hạt trưởng kiêm cha xứ luôn.
Mỹ Đình ơi xin chúc mừng nhé!
Phú Giáo ơi ta hãy chúc mừng nhau!
Bài viết số 4
Đời Sống đạo của giáo xứ tôi
(Maria Nguyễn Thị Miền - Sinh viên)
“Như hạt giống, gieo xuống đất mềm, để được sống vươn xa, trổ sinh nhiều hoa trái”. Lời bài hát đã khiến tôi nhớ đến lời dạy của Cha Chí Thánh: “Nếu hạt giống gieo xuống đất mà không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Nhưng nếu chết đi, nó sẽ trổ sinh nhiều hoa trái”. Lời dạy ấy càng thôi thúc tôi tìm hiểu đời sống giữ đạo xưa và nay của giáo xứ. Qua đó, tôi cảm nhận được tình yêu bao la mà Thánh Tâm Chúa Giêsu đã giành cho xứ đạo chúng tôi.
            Qua phần I của cuốn sách, chúng ta sẽ thấy rằng để được như ngày hôm nay, giáo xứ Phú Giáo đã trải qua nhiều chông gai, thử thách nhưng chan chứa hồng ân Thiên Chúa. Lần đầu tiên, hạt giống Tin Mừng được gieo trên quê hương Phú Giáo năm 1794 và nhờ Hồng Ân Thiên Chúa, hạt giống ấy ngày càng phát triển. Khi xưa Chúa Giêsu từng lo buồn “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Thế nhưng “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” nên Ngài đã thương đến Phú Giáo, soi đường chỉ lối cho các vị thừa sai tìm đến đây để gieo mần tin yêu. Chính vì vậy đạo Thiên Chúa ngày càng được mở rộng, nhiều lương dân đã tin vào Chúa và chịu phép rửa tội. Họ đã minh chứng cho Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình. Như vậy đạo công giáo đã thực sự triển nở trên quê hương Phú Giáo.
            Trải qua biết bao thử thách, người dân Phú Giáo vẫn luôn cậy trông vào Chúa, luôn đứng lên để bảo vệ niềm tin của mình. Như vậy ông cha ta đã để lại cả một kho tàng Đức Tin quí báu, truyền lại cho con cháu tinh thần giữ đạo như Chúa Giêsu dạy: “Kẻ nào bền đỗ đến cùng thì sẽ sống”
            Đời sống giáo dân đã gặp quá nhiều thử thách: Biến cố di cư năm 1954 đã làm cho số giáo dân của giáo xứ chia cắt hai miền Nam - Bắc. Hơn thế, cùng với Giáo Hội Việt Nam, giáo xứ cũng gặp phải nhiều khó khăn, sống trong sự cho phép của chính quyền các cấp. Nhưng càng trong hoàn cảnh khó khăn ấy, niềm tin của giáo dân càng thêm vững mạnh và tỏa sáng (họ sẵn sàng thức giậy từ sớm, cơm nắm muối vừng, đi bộ vài cây số xuống Quỳnh Lang, thậm chí là xuống Thái Bình để dự Lễ và lãnh bí tích Giải tội). Từ khi, cha Giuse Nguyễn Quang Phục coi sóc trực tiếp giáo xứ Mỹ Đình, mới không phải đi xa nữa. Mặt khác nhờ ơn Chúa, cùng tài năng lãnh đạo của cha xứ, các hoạt động tôn giáo được trở lại và mạnh mẽ hơn. Số giáo dân tăng lên. Giáo họ mong ước xây dựng ngôi Thánh Đường mới và được nâng lên hàng giáo xứ.
Chứng kiến không khí làm việc hăng hái trong những ngày xây dựng nhà thờ, mới thấy được tinh thần lao động của người dân. Bên cạnh đó không thể  không kể đến tấm lòng hảo tâm của những người con xa giáo xứ. Vì vậy sau hai năm, công trình nhà Chúa đã hoàn thành. Và ngày hồng phúc đã đến, Đức Cha Phanxicô  Xavie Nguyễn văn Sang chính thức ký Văn Thư thành lập giáo xứ. Từ đó đời sống Đức Tin của giáo xứ được nâng lên rõ rệt.  Đến với giáo xứ Phú Giáo, sống cùng giáo dân quý vị sẽ gặp những người môn đệ của Chúa; như Lời Chúa Giêsu đã nói: “ Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em”. Ngày ngày tại ngôi Thánh Đường, giáo dân cùng nhau vang lên những lời kinh dâng lên Thiên Chúa, Mẹ Maria, Thánh Quan Thầy Vinh Sơn cùng các Thánh. Các hoạt động tôn giáo diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Huynh Đoàn Giáo Dân Đaminh đảm nhiệm giờ kinh trưa và mỗi tháng có một buổi sinh hoạt. Các đoàn hội như ban trống, ban kim nhạc, ban ca…hăng say tập luyện phục vụ Thánh Lễ và các buổi rước. Đặc biệt vào các buổi tối, sau tiếng chuông, giáo dân tập trung ở nhà thờ tham dự giờ kinh nguyện. Các đoàn hội thay nhau chầu Thánh Thể. Các lớp giáo lý được mở thường xuyên nhằm giáo dục Đức Tin cho các em thanh thiếu niên- Thiếu nhi.
            Tuy nhiên; hiện nay, đời sống đạo của giáo dân trong giáo xứ vẫn còn nhiều bất cập: Số lượng giáo dân đến nhà thờ còn ít. Đặc biệt là các em thiếu nhi, chúng phải vùi đầu vào đống sách vở, những buổi học thêm từ ca này đến ca khác. Họ đã quên lời Chúa dạy: “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh nhưng còn sống bởi những lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Chính từ những điều nói trên, đời sống đạo của giáo dân cần được xây dựng bằng một Đức Tin mạnh mẽ, Đức Cậy vững vàng và Lòng Mến sắt son. Có như vậy chúng ta mới trở thành người gieo giống hạnh phúc như Thánh Vịnh 125 đã nói:
“Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng”.

Bài viết số 5
Tình đoàn kết lương – giáo thôn nhân phú
(Vinc. Vũ Văn Nhuận - GLV)
Tình liên đới Lương - Giáo trong cùng một thôn Nhân Phú. Trong suốt mấy trăm năm nay, hai bên vẫn luôn giữ được truyền thống đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Do đó chúng tôi xin được sơ lược lại đôi dòng lịch sử thôn làng, dòng họ, di sản văn hóa và ý nghĩa tên gọi thôn làng Nhân Phú:
 Cách đây hằng trăm năm tổ tiên cha ông chúng tôi đã chọn mảnh này đặt niềm tin cho muôn thế hệ mai sau, và cũng chính từ mảnh đất này tổ tiên chúng tôi đã đặt tên gọi Phú Giáo. Hạt giống Đức Tin đã gieo vãi ngay trên mảnh đất này. Mảnh đất mẹ thiêng liêng độc nhất vô nhị mà tổ tiên chúng tôi xây dựng lên ngôi Thánh Đường theo kiểu kiến trúc cổ. Song trải qua bao nhiêu những biến cố của lịch sử: chiến tranh bom đạn… Cộng với sự bào mòn của thiên nhiên như: mưa nắng, dông bão theo năm tháng, ngôi Thánh Đường của chúng tôi đã bị xuống cấp trầm trọng không thể tồn tại được. Với sự cộng tác của quí vị ân nhân trong nước cũng như hải ngoại, sự hy sinh đóng góp hết mình của cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ. Bên cạnh đó, giáo xứ chúng tôi nhận được sự động viên khích lệ của các quý vị tôn giáo bạn xa gần. Quý vị đã giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất, đây cũng là một động lực thúc đẩy lớn để mọi người giáo dân trong giáo xứ chúng tôi vươn lên.
Ngày 08 tháng 12 năm 2005, ngôi Thánh Đường của chúng tôi mang tước hiệu Thánh Vinh Sơn đã chính thức được tổ chức cắt băng khánh thành. Ngày lịch sử ấy đã được ghi nhận trong mọi con tim khối óc, trong công hàm của giáo xứ chúng tôi.
Ngôi Thánh Đường của chúng tôi còn là di sản văn hóa của thôn làng, đã tô thắm cho thôn làng chúng ta một vẻ đẹp kiến trúc. Với cái tên gọi là Phú Giáo mà tổ tiên chúng tôi đặt cho đến nay, nó vẫn còn đó. Song trải qua bao thế hệ, người giáo dân nơi đây vẫn cần cù lam lũ làm ăn, gắn bó keo sơn với mảnh đất này.
Cuộc sống của mọi người trong thôn làng chúng ta dần dần được phát triển trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, ..v..v…Mọi hố sâu đã được lấp đầy san phẳng; những hàng rào ngăn cách cũng đã được dỡ bỏ và thế là cái tên Phú Giáo của chúng tôi cũng được thay đổi từ năm 1973, Làng Phú Giáo và làng Nhân Lý đã sát nhập thành một làng (thôn) Nhân Phú. Trong thôn có hai tôn giáo chính: Đạo Thiên Chúa và Đạo Phật, có 8 dòng họ.
Đến năm 2002, làng Nhân Phú được đón nhận làng Văn Hóa cấp tỉnh, nhân dân làng Văn Hóa Nhân Phú có truyền thống yêu nước hăng hái lao động sản xuất. Tình đoàn kết đã được gắn bó keo sơn, không còn tư tưởng phân biệt tôn giáo,  giầu nghèo và đã giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày; cùng nhau xây dựng và thực hiện những bản qui ước của làng. Đây cũng là một ý chí và nguyện vọng của giáo dân giáo xứ chúng tôi.
Hai giới răn trọng nhất của đạo công giáo chúng tôi: “ Mến Chúa và Yêu Người” là kim chỉ nam xuyên suốt dòng lịch sử đã có từ trước Đời Đời. Trải qua bao thế hệ phấn đấu, rèn rũa, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, người giáo dân nơi đây vẫn kiên trung với Đức Tin, với Giáo Hội dù cho có phải cách trở, khó khăn đến mấy vẫn không sờn lòng nản chí quyết tâm vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Ngày 08 tháng 12 năm 2005 và 02 tháng 12 năm 2006 cách nhau có một năm tròn. Hai ngày lịch sử ấy, nó lại khác nhau xa lắm, bởi vì những gì là hiện vật thì không bao giờ tồn tại lâu dài. Ngày 02 tháng 12 năm nay, chúng tôi vô cùng vinh dự, được Đức Cha Giáo phận, người cha chung muôn vàn kính yêu đã ban cho giáo xứ chúng tôi một sắc chỉ nâng giáo họ Phú Giáo lên hàng giáo xứ. Cũng từ ngày 02 tháng 12 năm 2006 này, giáo xứ Phú Giáo đã được ghi vào thiên sử vàng của Giáo phận và Giáo Hội Việt Nam. Từ nay, giáo xứ Phú Giáo đã mở sang trang sử mới; cũng chính từ ngày này cho mãi đến muôn đời sau: giáo xứ Phú Giáo là vĩnh cửu trường tồn. Giáo xứ Phú Giáo cùng với các giáo xứ trong toàn Giáo phận Thái Bình đã được thay phiên nhau chầu Thánh Thể để cảm tạ, ngợi khen những Hồng Ân Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam, Giáo phận Thái Bình nói chung và giáo xứ Phú Giáo nói riêng. Thật là “Hồng Ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài”. Ngày hôm nay đây, ngày lịch sử trọng đại này còn có những con chiên ngoan đạo của giáo xứ Phú Giáo chúng tôi đang sống và làm ăn rải rác trên mọi miền của Đất Nước và hải ngoại cùng đồng thanh hát vang tung hô: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Viên đá góc tường mà Đức Giám mục Giáo phận đã đặt cho giáo xứ chúng tôi, nay đã trở nên đá góc của lòng người; mối dây liên kết mọi thành phần dân Chúa. Nhìn lên ngôi Thánh Đường nguy nga lộng lẫy với dòng chữ đậm nét: Thánh Đường Thánh Vinh Sơn giáo xứ Phú Giáo đã tô thắm cho thôn làng chúng ta một sắc chỉ văn hóa muôn muôn đời vẫn còn sáng ngời. Thật vinh dự!
Qua đôi dòng lịch sử thôn làng Nhân Phú nói trên. Chúng tôi ước mong, mọi người luôn giữ được tình đoàn kết Lương – Giáo trong cùng đất nước Việt Nam yêu dấu, để xây dựng một xã hội công bằng, văn vinh và luôn đặt hạnh phúc con người lên trên hết.

Chương II
Vườn Thơ quê hương
(Vinc. Phạm Văn Kiềm) 
Bài thơ số 1
Mừng nhà chúa
Vinh dự cho họ giáo nhà
Công trình nhà Chúa thật là đáng vui
Vui ví như cảnh vườn đào
Vui vì chuẩn bị bước vào Lễ nghi
Công trình thế kỷ đáng ghi
Được cha giúp đỡ bất kỳ nhỏ to
Góc tường viên đá phải lo
Được Đức Giám Mục đặt cho góc tường
Lễ này kỷ niệm Thánh Đường
Có cha chăm sóc nói lên mọi phần
Trăm năm, nay có một lần
Xây dựng nhà Chúa góp phần công lao  
Các cha cũng góp mình vào
Tham dự Thánh lễ Mi Sa chúc mừng
Giáo dân phấn khởi tưng bừng
Góp tiền mừng lễ tiệc mừng hoan ca.
Bài thơ số 2
Nhan đề phong cảnh
Ai về Nhân Phú quê tôi     
Xin vào Phú Giáo thăm ngôi nhà thờ
Giáo dân già trẻ mong chờ
Đến nay đã được nhà thờ khang trang
Nhà thờ to đẹp huy hoàng
Có Đàng Thánh Giá xung quanh sân ngoài
Bốn góc lại có tượng đài
ở khu nhà Chúa có làng xung quanh
Trong vườn có cảnh cây xanh
Có hồ thả cá xung quanh vòng nhà
Kính thưa các cụ ông bà
Nhà thờ Phú Giáo thật là đẹp thay  
Nhà thờ xứ Phú từ nay
Có hai ngọn tháp đứng quay ra hồ
Đêm ngày chuông đánh du dương
Trên tòa ông Thánh, dưới hồ thủy giang
Đường ngoài to đẹp khang trang
Nhìn vào phong cảnh Thánh Đường nguy nga
Thánh Đường hai cổng vào ra
Những khi chầu lễ, người ta canh phòng
Để cho giáo hữu yên lòng
 Thờ phượng cung kính thêm phần mến yêu.
Bài thơ số 3
kỷ niệm tuần chầu lượt đầu tiên năm 2007     

Hoan hô giáo hữu khắp nơi
Xin mời về dự xứ tôi có chầu
Năm nay năm mới khởi đầu
Có tuần chầu lượt giáo dân đón mừng
Khắp nơi nô nức tưng bừng
Về chầu xứ mới tiếng lừng xôn xao
Xứ nay sung sướng biết bao
Đang họ lên xứ ơn nhờ Đức Cha
Nhà thờ rộng lớn nguy nga
Có tuần chầu lượt Đức Cha cũng về
ơn trên ban xuống tràn trề
Giờ chầu Thánh Thể, lễ nghi trong ngày
Quý cha cùng với quý thầy
Hiệp dâng Thánh lễ tràn đầy Chúa ban
Hoan hô các xứ các đoàn
Về đây chầu Chúa muôn vàn kính yêu
Cám ơn xứ họ rất nhiều
Về chầu Thánh Thể là điều ước mong
Giáo dân một ý, một lòng
Cùng nhau chầu Chúa thêm phần Đức Tin
Những điều lòng muốn phải xin
Quan Thầy giáo xứ phải in vào lòng.
Bài thơ số 4
ơn cha giuse Nguyễn Quang phục
Cha về hai chục năm tròn
Mấy ngôi nhà cũ chẳng còn như xưa
Công cha dạy bảo sớm trưa
Bỏ hết nếp cũ lại đưa mới vào
Nhà thờ cao đẹp biết bao
Tum cùng hai tháp vút cao huy hoàng
Cha về xây dựng khang trang
Đưa họ Phú Giáo lên hàng cấp cao
Họ con ơn mãi biết bao
Mấy năm xây dựng công lao cũng mừng
Giáo dân phấn khởi tưng bừng
Công trình nhà Chúa Quan Thầy Vinh Sơn
Hoan hô ngày lễ tạ ơn
Công trình nhà Chúa Vinh Sơn đã hoàn
Muôn vàn quý khách xa gần
Hướng về Phú Giáo đón mừng cắt băng
Những người Phú Giáo miền trong
Cùng bên hải ngoại cũng mong khánh thành
Cha nay quyết định thi hành
Lấy ngày mồng tám lễ ngày tạ ơn
Ăn mừng đền Thánh Vinh Sơn
Các nơi đến dự tạ ơn Quan Thầy
Các cha cùng với các thầy.
Về đây Thánh lễ chỉ ngày cắt băng.    
Bài thơ số 5
Ca thán thiên nhiên
Mười ba tháng tám quý mùi
Trận mưa thiệt hại mọi người xót thương
Nước ngập trên khắp nẻo đường
Hồ ao ngập hết cá thời tung tăng
Nhớ lại trận nước bẩy nhăm
To hơn trận nước bẩy nhăm bất ngờ
Vào năm xây dựng nhà thờ 
Còn đang làm móng mưa thời quá to
Giáo dân già trẻ đáng lo
Móng thì chưa hết mùa màng đến nơi
Bấy giờ ai cũng rỗi chơi
Mà nơi nhà Chúa sắt nơi bùn lầy
Móng sâu cát chửa kịp đầy
Trận mưa trút xuống bùn lầy ngập sâu
Vì đâu nên phải làm lâu
Vì thiên nhiên hại, vì đâu cũng cày
Vì đâu vất vả đêm ngày
Mọi người gắng sức có ngày thành công.
Bài thơ số 6
Thời gian thi công rỡ nhà thờ
Mấy ngày trời nắng chang chang
Giáo dân trong họ đã mang hết lòng
Nhà thờ đang đứng chong chong
Chỉ trong vài tiếng đã xong mái rồi
Có người ướt đẫm mồ hôi
Thi nhau chuyển ngói xếp nơi bên vườn
Giáo dân già trẻ thợ thuyền
Cùng nhau chung sức hạ vì mái xong
Còn hai mái hạ bê tông
Mọi người dùng búa táng ngay xuống liền
Đấy là nhờ sức thanh niên
Bàn cho tời kéo tháp cao cũng nằm
Nếu mà tay rỡ vài năm
Ngổn ngang gạch vữa cũng mang gọn gàng
Hai bên gạch xếp thẳng hàng
Công nông xẻng cuốc xe rùa chuyển đi
Giáo dân già trẻ bất kỳ
ở trong bốn xóm tối về chấm công
Nhờ người trong họ rất đông
Công việc nhà Chúa cũng không nỗi dài
Tôi nay lại có một bài
Động viên khích lệ để làm vui tai. 
Bài thơ số 7
Bài thơ người thợ xây dựng
Hoan hô giáo hữu họ nhà
Có tổ thợ ngõa thật là đáng khen
Việc xây nhà Chúa chưa quen
Hiện nay chín thợ quyết đem hết mình
Kỹ thuật bao quát công trình
ở xa không đến lại mình với ta
Ngày mùa cho chí tháng ba
Chưa đầy chín tháng ngôi nhà đã cao
Dù cho mưa nắng gian lao
Công trình nhà Chúa lúc nào cũng đông
Nhưng mà vẫn phải cậy trông
Quan Thầy gìn giữ chẳng ai việc gì
Làm đây trai gái bất kỳ
Phải nên thận trọng kẻo thì xảy ra
Hiện nay còn tổ cốt pha
Một số nam giới thật là cũng hăng
Con gái trèo ráo băng băng
Nhưng phải cẩn thận nhỡ chân thêm phiền
Ráo cao cần phải thanh niên
Hai bên kết hợp tổ chuyên cùng làm
Ngày ngày công việc phải bàn
Nhà cao róng ráo muôn vàn khó khăn
Vật liệu luồng thấy băn khoăn
Rỡ ra chỗ nọ lại làm chỗ kia
Khen thay thợ ráo rất xuya
Khéo tay giàn ráo chẳng thua việc gì.       

Bài thơ số 8
Bài thơ tay thợ có tài
Hoan hô những thợ có tài
Tượng đài ở dưới đưa Ngài lên cao     
Nặng nề khó nhọc biết bao
Người làm phép lạ ai nào có lo
Trong làng đều có thợ to
Hai bên kết hợp ráo cho vững bền
Từ từ vận chuyển người lên
Hai bên điều chỉnh Người lên ngự tòa
Kính thưa các cụ ông bà
Quan Thầy họ giáo thật là kính yêu
Người làm phép lạ rất nhiều
Ngự tòa cao trọng là điều ước mong.

Phần VII
hình ảnh – toàn cảnh nhà thờ
giáo xứ phú giáo

Lời Cảm tạ         
           
Con xin chân thành cảm ơn quý Cha, quý Tu sỹ nam nữ, quý Ông, Bà và các bạn đ• cung cấp tư liệu, hình ảnh, bài viết….cùng những lời động viên, góp ý để hoàn thành cuốn “ Lược Sử Giáo Xứ Phú Giáo” này.
   Trong quá trình thực hiện, chắc chắn còn nhiều thiếu sót, con ước mong nhận được những đóng góp xây dựng của quý đấng bậc và quý vị đồng hương khắp nơi, để cuốn sách này hoàn thiện hơn và cùng chung sức viết nên tập “ Kỷ Yếu” quê hương Phú Giáo mai này.
Cách riêng xin cảm ơn:
1. Cha Đaminh Phạm Quang Trung - Hạt Trưởng Quản xứ đương nhiệm
2. Cha Đaminh Vũ Văn Thiêm - Cha giáo sử GP. Thái Bình
3. Ông Vinh Sơn Phạm Văn Ngự – Nhà tài trợ
                                 Phú Giáo, ngày 11 tháng 11 năm 2011
                                    Người viết
                                            Vinh Sơn Phạm Văn Thản

Mọi góp ý xin gửi về:            
          Ban trùm đương nhiệm giáo xứ Phú Giáo
          Thầy Vinh Sơn Phạm Văn Thản         Đt 0975.630.642

          Địa chỉ: Thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
Lược sử Giáo xứ Phú giáo
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top