2 Ảnh

25.10.13

Giáo Hội của người Nghèo



Một Giáo Hội cho người Nghèo
“Biết bao người nghèo vẫn còn đang hiện diện trên thế giới! Và họ phải chịu đau khổ lớn lao đến chừng nào!”. Với những lời lẽ này, đức tân giáo hoàng Phanxicô đã giải thích cho các nhà ngoại giao quốc tế tại Vatican ngày 22 tháng Ba lý do tại sao ngài chọn tên Phanxicô lúc được bầu. Và từ ngày đó, ngài không ngừng nói tới tai tiếng nghèo khó của thế giới dư thừa như thách đố luân lý xé lòng nhất đối với Giáo Hội và toàn thể cộng đồng nhân loại.

Một phần, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng kêu gọi ta đích thân hồi tâm, vì đã để cho các mẫu mực duy vật chủ nghĩa thống trị đời ta và làm méo mó nhân tính ta. Đức Phanxicô làm tất cả chúng ta cảm thấy khó chịu đến nỗi trong sự khó chịu này, ta buộc phải thừa nhận và đối chất với việc ta đã ra xa lạ đối với nhân tính ta. Sự ra xa lạ này diễn ra khi ta tìm hạnh phúc nơi các đồ vật thay vì, nơi mối tương quan với Thiên Chúa và người khác.

Sứ điệp của Đức Phanxicô cũng là lời mời gọi ta hồi tâm về văn hóa, bằng cách bóc trần 3 nền văn hóa giả tạo mà chủ nghĩa duy vật đã tạo nên trên thế giới: văn hóa tiện nghi tức nền văn hóa khiến ta chỉ nghĩ đến ta; văn hóa phí phạm, tức nền văn hóa chỉ biết nắm lấy các quà phúc của tạo thế để hưởng thụ chốc lát rồi vứt bỏ; và văn hóa dửng dưng, tức nền văn hóa khiến ta vô cảm đối với đau khổ của người khác, bất kể đau khổ này cùng cực như thế nào, được chịu đựng ra sao. Lời lẽ của Đức Phanxicô về hiện tượng “hoàn cầu hóa sự dửng dưng” khiến ta nhớ tới nhận xét sắc cạnh của Đức Bênêđíctô trong thông điệp “Bác ái trong chân lý” (2009): “Xã hội càng trở nên hoàn cầu hóa, nó càng biến ta thành người hàng xóm, chứ không làm ta thành anh em”.

Và sau cùng, sứ điệp của Đức Phanxicô cũng nói tới cải tổ cơ cấu trên thế giới. Vào tháng Sáu, ngài giải thích rằng “Phải tìm ra cách để giúp mọi người thừa hưởng được hoa quả của trái đất, chứ không chỉ để lấp khoảng phân cách giữa người giầu có và những ai phải bằng lòng với các mẩu bánh rớt từ trên bàn xuống”. Đức Phanxicô từng cho thấy rõ: không thể lấy cuộc trì trệ kinh tế hiện nay làm cớ để không hành động. Đúng hơn, ta cần phải tức khắc khởi sự “một kích thích mới để buộc quốc tế phải hành động vì người nghèo, một kích thích được gợi hứng bởi một điều gì khác hơn là thiện chí đơn thuần, hoặc, tệ hơn, bởi những lời hứa rất thường bị quên lãng”.

Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng về quyền lợi của người nghèo có nhiều hệ luận lớn lao đối với nền văn hóa và chính trị của Hoa Kỳ và Giáo Hội tại nước này. Giáo huấn này đòi cuộc bàn luận về chính trị của người Công Giáo Hoa Kỳ hiện nay phải có sự biến đổi, một biến đổi phản ảnh 3 chủ đề: ưu tiên hóa vấn đề nghèo đói, chú mục không những vào các sự ác nội tại mà vào cả tội lỗi có tính cơ cấu nữa, và hành động khôn ngoan khi đem áp dụng các nguyên tắc luân lý Công Giáo vào các luật lệ đặc thù.

Ưu tiên hóa vấn đề nghèo đói

Trách nhiệm luân lý sâu xa của Hoa Kỳ trong trận tuyến chống nghèo đói khắp địa cầu phát khởi từ sức mạnh lớn lao của nước này đối với nền kinh tế thế giới. Hơn bất cứ quốc gia nào, Hoa Kỳ có khả năng ảnh hưởng tới các liên hệ giao thương, có sẵn vốn và điều kiện thuận lợi về thị trường. Nếu phải thực thi viễn kiến của Đức Phanxicô về một thế giới với các cơ cấu giao thương và tài chánh thực sự công bình, thì Hoa Kỳ và Âu Châu hẳn phải đóng vai trò hàng đầu trong việc thay đổi các qui định hiện nay, là những qui định thường biến các thị trường mới khai sinh tại các nước nghèo thành nạn nhân.

Thêm vào đó, Hoa Kỳ và các nước giầu có nhất trong cộng đồng thế giới có trách nhiệm luân lý phải chia sẻ sự dư thừa của họ với các dân tộc nghèo nàn nhất trong gia đình nhân loại. Năm 2002, các nước giầu có trên thế giới từng hứa dành 0.7 sản lượng sổi nội địa để giảm nghèo cho tới năm 2015. Mức đầu tư này đáng lẽ đã loại trừ phần lớn cảnh nghèo cùng cực trên thế giới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và phần lớn các cường quốc kinh tế hàng đầu đã thoái thác cam kết của mình. Hiện nay, Hoa Kỳ chỉ dành 0.2 phần trăm sản lượng sổi nội địa cho các trợ giúp phát triển. Kết quả, hàng triệu trẻ em chết mỗi năm do bệnh tật và thiếu dinh dưỡng, thẩy đều có thể ngăn cản được. Đây là tội xã hội, phát sinh từ các quyết định cá nhân. Đây chính là “nền văn hóa dửng dưng có tính hoàn cầu” khiến ta quay mặt để mặc các chính phủ cố tình đưa ra nhiều quyết định nhằm tăng tiến nền văn hóa tiện nghi mà quên mất hằng hà sa số nhân mạng bị hy sinh vì cái tiện nghi này.

Tại Hoa Kỳ, ta cũng đã quay mặt làm ngơ sự bất quân bình ngày càng lớn ở trong nước; sự bất quân bình này đang tiêu diệt nhiều cuộc đời và làm tan nát nhiều tinh thần. Đức Phanxicô trực tiếp nói về điều này: “Trong khi lợi tức của một thiểu số tăng theo lũy thừa, thì lợi tức của đa số xuống đến mức tận cùng. Sự bất quân bình này là kết quả của các ý thức hệ chủ trương tính độc lập tuyệt đối cho thị trường và việc đầu tư tài chánh, và do đó, bác bỏ quyền can thiệp của nhà nước, là cơ cấu có nhiệm vụ cung cấp ích chung”. Trong lịch sử vĩ đại của mình, Hoa Kỳ vốn tượng trưng cho tính linh động về kinh tế và giai cấp trung lưu, nay đang phản ảnh một sự cách biệt trắng trợn về lợi tức và giầu có, gây trở ngại cho tính linh động kia. Người nghèo bị cuộc tranh luận chính trị của Hoa Kỳ quên lãng và đang phải gánh chịu nhiều cắt giảm trong trợ giúp của chính phủ, nhất là ở cấp tiểu bang.

Nếu Giáo Hội Công Giáo thực sự muốn là một “Giáo Hội cho người nghèo” tại Hoa Kỳ, nó phải nâng vấn đề nghèo đói lên hàng đầu trong nghị trình chính trị của mình, coi nghèo đói, giống như phá thai, là vấn đề luân lý nổi bật được cộng đồng Công Giáo theo đuổi lúc này trong lịch sử Hoa Kỳ. Cả phá thai lẫn nghèo đói, với sự hỗ trợ của các chính phủ, đang là nguyên nhân cho cái chết của hàng triệu trẻ em trên thế giới. Cả phá thai lẫn nghèo đói, theo cách và mức độ riêng, đều đang tấn công vào chính cốt lõi nhân phẩm, biến sự sống thành dụng cụ trong nền văn hóa vứt bỏ. Tiếng kêu của trẻ chưa sinh và tiếng kêu của người nghèo phải nằm ở cốt lõi các bàn luận chính trị của người Công Giáo trong những năm sắp tới vì các thực tại này đang bỏ xa các đe doạ khác đối với sự sống và phẩm giá con người trong xã hội hiện nay.

Tội lỗi có tính cơ cấu

Một khía cạnh nữa trong việc thay đổi các tranh luận chính trị của người Công Giáo là phải chú mục hơn nữa vào tội lỗi có tính cơ cấu, một thay đổi hết sức cần thiết. Trong việc theo đuổi các yếu tố chủ chốt của ích chung, tội lỗi có tính cơ cấu thực sự có liên quan hơn là tội lỗi có tính nội tại (intrinsic evils).

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo định nghĩa ích chung là “tổng số các điều kiện xã hội giúp người ta, trong tư bcách nhóm hay cá nhân, đạt tới sự thành toàn của họ một cách trọn vẹn và dễ dàng hơn”. Có ba yếu tố trong ích chung: tôn trọng các quyền căn bản và bất khả nhượng của con người nhân bản, an vui và phát triển xã hội, ổn định và an ninh của trật tự chính đáng. Ích chung chủ yếu được thực hiện bởi nhiều định chế xã hội: gia đình, cộng đồng tôn giáo, cơ sở kinh doanh, nghiệp đoàn và các cơ quan phục dịch, là các định chế ở bên ngoài chính phủ. Tuy nhiên, muốn nó thành tựu, yếu tố chủ chốt vẫn phải do chính phủ đảm nhiệm. Linh mục John Courtney Murray, Dòng Tên, gọi yếu tố chủ chốt này là “trật tự công cộng”.

Sứ mệnh của cộng đồng Công Giáo trong lãnh vực trật tự công cộng tại Hoa Kỳ là thúc đẩy một cách toàn bộ để chính phủ tập chú vào việc thăng tiến nhân quyền, phát triển và hoà bình xã hội. Một phần trong thúc đẩy này phải đề cập tới vấn đề sự ác nội tại (intrinsic evil), tức các hành vi không bao giờ được biện minh bất chấp ý hướng và hoàn cảnh, như giết người, diệt chủng, phá thai, an tử, kỳ thị chủng tộc, tra tấn, tự tử và nạn nô lệ.

Sự ác nội tại luôn luôn xấu ở bất cứ đâu, nhưng không phải mọi hành vi ác ngay trong chúng đều thuộc lãnh vực trật tự công cộng và thuộc vai trò của chính phủ. Các hành vi ác ngay trong chúng như ngoại tình và phạm thượng luôn luôn xấu, nhưng chúng đâu thuộc quyền tài phán của chính phủ. Một số hành vi tự chúng xấu như kỳ thị chủng tộc một phần thuộc phạm vi chính phủ, một phần không thuộc phạm vi này. Kỳ thị chủng tộc trong lãnh vực nhà ở và việc làm tất nhiên phải bị luật lệ nghiêm cấm, nhưng những nhận xét kỳ thị chủng tộc trong các truyện trò tư riêng đâu có thể nghiêm cấm được như thế. Cuối cùng, có những hành vi ác một cách nghiêm trọng và đi ngược lại luật lệ xã hội đến độ chống đối chúng là điều chủ yếu đối với sứ mệnh tìm kiếm ích chung của người Công Giáo. Phá thai và an tử thuộc loại ác này vì chúng liên lụy tới bổn phận nền tảng nhất của chính phủ, là phải ngăn cản việc sát hại mạng sống những người ngây thơ vô tội.

Điều chủ yếu là phải hoàn toàn thừa nhận bản chất của cái ác nội tại và mối liên hệ của nó với ích chung. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, nhiều luận chứng đã được nêu ra trong các bàn luận chính trị của người Công Giáo nhằm mục đích cho rằng các vấn đề liên quan tới các hành vi ác nội tại tự động chiếm ưu tiên trong trật tự công cộng hơn các vấn đề ác khác như nghèo đói, chiến tranh, luật lệ di dân bất chính và việc thiếu công lý phục hồi (restorative justice) trong hệ thống hình sự. Hậu quả là nhiều người Công Giáo coi các vấn đề chủ chốt khác trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội chỉ có tính nhiệm ý.

Các tuyên bố của Đức Phanxicô về nghèo đói cho thấy tại sao các vấn đề thuộc sự ác nội tại không tự động có tính ưu tiên trong việc phát huy ích chung. Phạm trù sự ác nội tại rất cần để nhận diện sự ác nội tại ngay trong một số loại hành động. Tuy nhiên, nghèo đói không phải là hành động một lần mà có. Nó là kết quả của vô số hành động nhân bản với những mức độ trách nhiệm khác nhau, nhằm tạo ra các cơ cấu và thực hành xã hội đầy rẫy vị kỷ và sự ác. Phạm trù sự ác nội tại không nắm bắt được loại sự ác cố thủ sẵn trong nghèo đói. Ấy thế nhưng Đức Phanxicô rõ ràng muốn dạy ta rằng giảm nghèo đói phải nằm ở tâm điểm sứ mệnh của Giáo Hội. Nó không có tính nhiệm ý hoặc phụ thuộc.

Giống như chiến tranh, hay việc bóc lột các di dân không có giấy tờ và hệ thống công lý hình sự bị bóp méo của Hoa Kỳ, nghèo đói là tội cơ cấu bắt nguồn từ chính sinh hoạt của xã hội và của chính phủ. Tội cơ cấu là hậu quả của các tội bản thân từng hợp quần tạo ra các tình huống và định chế xã hội hoàn toàn đi ngược lại lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Đức Phanxicô cho thấy rõ thực tại và tính phi ngã của tội cơ cấu khi ngài tới thăm Lampudesa, nơi hàng trăm di dân không giấy tờ chết vì đắm tầu khi đi tìm cuộc sống mới tại Ý. Ngài đặt câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm đối với máu của những anh chị em này của ta? Không ai cả! Đó là câu trả lời của ta. Không phải tôi; tôi đâu có liên quan gì tới họ; chắc chắn phải là ai khác, chứ nhất định không phải tôi. Ấy thế nhưng Thiên Chúa từng hỏi mỗi người chúng ta: ‘máu của em ngươi đang kêu tới ta hiện đang ở đâu?’”.

Trong việc phát huy ích chung, có yếu tố tuỳ ở việc chống lại các hành vi tự chúng xấu. Có yếu tố liên quan tới vấn đề tội cơ cấu. Thông điệp “Chân Lý Sáng Ngời” năm 1993 nhắc ta nhớ tới các yếu tố khác nữa, thuộc phạm trù sự thiện vĩ đại, như viễn kiến liên đới xã hội của Đức Gioan Phaolô II, hay các suy tư đầy tính khám phá về việc quản lý tạo dựng của Đức Bênêđíctô XVI. Không hề có một phạm trù đơn độc nào về tội hay sự ác, sự thiện xã hội hay nhân đức, giúp ta biện phân các ưu tư của Giáo Hội về trật tự công cộng. Ý niệm ích chung, tự bản chất, vốn có nhiều chiều kích, do đó, bất cứ cố gắng nào nhằm tối thiểu hóa các chiều kích này đều bóp méo di sản và giáo huấn của ta.

Vai trò của khôn ngoan

Vai trò khôn ngoan vốn là một trong các yếu tố bị sử dụng sai lạc hơn hết trong các bàn luận chính trị của người Công Giáo Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Nhất là trong những năm có tổng tuyển cử, người ta thường quả quyết rằng các vấn đề liên quan tới sự ác nội tại không nhất thiết đòi sự phán đoán khôn ngoan, trong khi các sự ác nghiêm trọng khác như chiến tranh, nghèo đói hay xử bất công với di dân mới là các vấn đề nặng về khôn ngoan; đối với các vấn đề này người thiện chí có thể bất đồng với nhau.

Thực ra, khôn ngoan là yếu tố cần thiết của bất cứ cố gắng nào nhằm phát huy ích chung qua hành động của chính phủ. Từ nguyên tắc luân lý rõ ràng nhất bước qua luật lệ hay hành động hành chánh đặc thù đều đòi phải có chiến thuật, đặt ưu tiên và tính thực tiễn. Dù là thế chăng nữa, cũng không có luật lệ hay chương trình nào có thể nói hết được sự minh nhiên và viên mãn của nguyên tắc luân lý này.

Chỉ cần xét vấn đề phá thai, là vấn đề có lẽ đại diện cho việc áp dụng đơn giản nhất vào luật một nguyên tắc luân lý Công Giáo hết sức rõ ràng và có tính trói buộc. Giáo huấn Công Giáo rõ ràng đòi ta phải có các luật lệ cứng rắn và hữu hiệu chống lại việc phá thai. Nhưng luật có nên kết tội phá thai cho người mẹ hay cho những người thi hành việc phá thai không? Hoặc giả ta nên có những chế tài phi hình sự? Đâu là phương thức tốt nhất để đặt việc phá thai ra ngoài vòng pháp luật: thông báo cho phụ huynh và ngăn cấm phá thai ở giai đoạn cuối, hay áp lực ngay lập tức để có được những ngăn cấm toàn diện? Đây là những câu hỏi mà người thiện chí có thể bất đồng mà vẫn phù hợp với giáo huấn Công Giáo, vì mọi đề xuất này đều tìm cách thực hiện nguyên tắc nòng cốt là luật phải bảo vệ mạng sống của trẻ chưa sinh. Điều này hoàn toàn khác với một ứng cử viên từ khước không chịu bỏ phiếu cho bất cứ dự luật hạn chế phá thai nào và biện luận rằng mình thực sự làm nhiều hơn trong việc giảm thiểu con số phá thai qua các chương trình trợ giúp người nghèo và chăm sóc sức khỏe. Một ứng cử viên như thế quả đã bác bỏ bản chất nòng cốt của giáo huấn Công Giáo về phá thai và luật dân sự.

Giáo huấn nòng cốt của Giáo Hội về vai trò của chính phủ trong việc chống nghèo đói nói rằng song song với việc phát huy các điều kiện có thể cung cấp công ăn việc làm có ý nghĩa cho công dân của mình, các chính phủ còn phải cung cấp các định mức lương bổng, y tế và nhà ở hợp nhân phẩm nữa. Ngoài ra, như Đức Phanxicô từng dạy nhiều lần, các quốc gia giầu có còn có nghĩa vụ phải cố gắng hết sức để giảm thiểu các bất quân bình lộ liễu về giầu có bên trong biên giới của mình và cả bên ngoài nữa.

Thực hiện các mục tiêu này đòi một loạt các quyết định khôn ngoan phức tạp liên quan tới cơ cấu tài chánh, các sáng kiến tạo ra của cải và các chương trình trợ giúp thu nhập để thăng tiến đời sống gia đình, chứ không xâm hại đời sống này. Nhiều thứ chọn lựa loại này tương hợp hoàn toàn với các giáo huấn Công Giáo về công bằng kinh tế.

Tuy nhiên, các quyết định nào của công dân hay của viên chức công nhằm giảm thiểu một cách có hệ thống, và do đó, một cách bất công, sự trợ giúp tài chánh của chính phủ dành cho người nghèo, đều rõ ràng bác bỏ các giáo huấn Công Giáo về nghèo đói và công bằng kinh tế. Các quyết định về chính sách nào nhằm giảm thiểu việc trợ giúp các nước nghèo phát triển đều bác bỏ các giáo huấn nòng cốt của Công Giáo. Các chính sách thuế khóa nào nhằm gia tăng thay vì giảm thiểu các bất quân bình đều cũng bác bỏ các giáo huấn Công Giáo nòng cốt. Bản chất và cung giọng các tuyên bố của Đức Phanxicô về nghèo đói và sự ác trên thế giới mạnh mẽ cho ta thấy điều nnày: dù khôn ngoan là điều cần thiết đối với việc lên chính sách lành mạnh cho kinh tế, bản chất tuyệt đối của giáo huấn Công Giáo về công bình kinh tế vẫn là điều rất rõ ràng và có tính trói buộc.

Giáo huấn của Đức Phanxicô về “một Giáo Hội cho người nghèo” không những nói đến tính trung tâm của việc giải quyết nghèo đói, coi nó như một mệnh lệnh đối với người Công Giáo trong lãnh vực công, mà còn kêu gọi ta nhìn một cách mới mẻ vào bản chất của ích chung trong xã hội và làm cách nào thực hiện được nó. Chúng ta được mời gọi coi các vấn đề phá thai và nghèo đói, hôn nhân và quyền di dân, an tử và chiến tranh, tự do tôn giáo và công lý phục hồi, không như các giải pháp chống chọi nhau thường thấy trong khuôn khổ đảng phái, mà như một chuỗi liên tục (continuum) có tính bổ túc cho nhau giữa sự sống và phẩm giá. Ta được kêu gọi tạo ra một cuộc đàm đạo chính trị của người Công Giáo biết chủ trương rằng các vấn đề lớn lao nhất của thời ta chỉ có thể được giải quyết với một viễn kiến bắt nguồn từ phẩm giá siêu việt của con người nhân bản. Vì nhiên hậu, mục đích mọi cuộc đàm đạo chính trị của người Công Giáo phải là giúp đất nước mình biết nhìn các đau thương và cố gắng nhân bản không qua lăng kính chính trị mà qua tầm nhìn của chính Thiên Chúa.

Phóng dịch bài “A Church for the poor” của Đức Cha Robert W. McElroy, giám mục phụ tá San Francisco, America, số 21 tháng Mười, 2013.

Nguồn"vietcatholic"
Vũ Văn An10/22/2013
Giáo Hội của người Nghèo
  • Title : Giáo Hội của người Nghèo
  • Posted by :
  • Date : 25 tháng 10
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top