1. Đặt vấn đề
Con người làm gì cũng đòi hỏi phải có mục đích, ý nghĩa của việc mình làm. Vậy đi đạo để làm gì? Có được tiền được gạo không mà đi?
Bài Liên Quan: Có Thiên Chúa không?
Bài Liên Quan: Có Thiên Chúa không?
2. Nhìn nhận
- Thời đại ngày nay, tâm thức thực dụng của con người là “lãi làm lỗ bỏ”. Người ta thiên về các hoạt động kinh tế, đặt tiền của lên địa vị độc tôn có giá trị hàng đầu.
- Tuy nhiên, chân giá trị của một con người không chỉ tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn kinh tế. Giàu có nhưng bất hiếu với cha mẹ ông bà tổ tiên, không chung thuỷ trong đời sống vợ chồng, thất tín, lừa thầy phản bạn, tàn ác, ích kỷ, hại nhân, thì hạng người đó có đáng được tôn trọng, tin tưởng không?
- Do đó, để sống xứng là một con người, ngoài hoạt động kinh tế kiếm ra nhiều của, còn phải có những sinh hoạt thể hiện chữ đức, lòng hiếu nghĩa nữa mới có giá trị nhân bản đáng mọi người tôn trọng. Cụ thể chữ đức thể hiện qua lòng hiếu kính với cha mẹ tổ tiên, tình chung thủy vợ chồng, nhân nghĩa với bạn bè bà con lối xóm.
- Trong lãnh vực hiếu nghĩa, ta không thể áp dụng phương châm “lãi làm lỗ bỏ” như trong lãnh vực kinh tế được. Trái lại, để giữ lòng hiếu nghĩa thì dù lỗ thiệt đến mấy đi nữa cũng phải làm. Sẵn sàng từ bỏ tất cả (thời gian cũng như tiền của) để thực hiện công việc hiếu nghĩa, không tính toán hơn thiệt hay vụ lợi… Nếu chỉ tính toán lợi nhuận kinh tế mà không để ý đến tình nghĩa thì chưa đủ là một con người nhân bản: “Chỉ biết nắm sôi dẻo mà không biết nẻo đường đi”. Thí dụ: khi bố mẹ về già không còn giúp ích gì cho con cái nữa, trái lại còn gây nhiều phiền hà; nhưng không phải vì thế mà con cái tính toán“lãi làm-lỗ bỏ” để đẩy bỏ bố mẹ ra đường cái. Bởi vì, con cái đã chịu ơn bố mẹ quá nhiều rồi, bây giờ đền đáp chưa đủ huống hồ còn tính toán hơn thiệt.
- Đi Đạo chính là việc hiếu nghĩa, chứ không phải việc vụ lợi làm ăn kinh tế. Đạo là Đạo Hiếu, hiếu với cha mẹ ông bà tổ tiên và hiếu với Ông Trời (hay còn gọi là Thiên Chúa) là Đấng tạo dựng nên cả tổ tiên mình nữa. Do đó, đặt vấn đề theo đạo có được tiền được gạo không thì thật là thô lỗ và bất kính.
- Đi đạo cũng không phải để cầu khấn Thiên Chúa ban cho mình được khoẻ mạnh, làm ăn tấn tới, khỏi tai bay vạ gió, được như ý mình muốn. Đó là thứ đạo khấn vái cầu lợi, muốn các vị thần thánh trở thành công cụ giúp mình đạt được ý muốn, chứ không phải tôn thờ các vị đó. Đạo mà là Tôn giáo thuần khiết thì phải làđạo ngưỡng mộ tri ân, nghĩa là cảm phục quyền phép của Thiên Chúa thì bái thờ, thấy cái Đức Độ thánh thiện của Ngài thì cảm mến, thấy công ơn của Ngài thương ta vô bờ bến thì biết ơn, hiếu kính.
- Đạo Công Giáo chính là đạo hiếu. Hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên là hạ phụ; hiếu với ông Trời làThượng phụ… Do đó, không nên nghe luận điệu xuyên tạc: “theo đạo Công giáo là bỏ tổ tiên”.
- HĐGMVN đã ra thông báo ngày 14/11/1974 về việc tôn kính ông bà tổ tiên, trong đó có viết: “… việc tôn kính ông bà tổ tiên và các vị anh hùng liệt sỹ, theo phong tục địa phương là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu…,và chính Chúa cũng đã truyền phải thảo kính cha mẹ, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa”. HĐGMVN dạy các gia đình công giáo nên lập bàn thờ tổ tiên trong nhà ngay bên dưới bàn thờ Chúa, tổ chức các ngày giỗ kỵ theo phong tục địa phương, theo đúng đường hướng hội nhập văn hoá mà công đồng Vatican II chủ chương.
- Nếu ta có nghĩa vụ hiếu với cha mẹ ông bà tổ tiên vì đã sinh dưỡng ta, thì ta càng phải hiếu với Trời hơn nhiều. Ông Trời ban cho ta dư dật những nhu cầu khẩn thiết cho đời sống như: không khí, nắng mưa, hơi thở từng giây từng phút, chỗ đứng, chỗ ngồi trong môi trường sinh thái hài hoà. Ngài ban cho những thứ đó mà cha mẹ không thể nào cho ta được, mặc dù ta quá quen coi là bình thường, nhưng lại là những thứ thiết yếu không thể thiếu được trong đời sống con người. Như câu ca dao Việt Nam đã nói: (Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đum bếp).
- Ta phải lệ thuộc mãi vào Ông Trời cho đến hết đời, trong khi ta chỉ phụ thuộc vào cha mẹ từ khi nhỏ tới lúc trưởng thành thôi. Do đó, ta phải hiếu với ông Trời hơn hẳn hiếu với ông bà cha mẹ.
Kết luận
Đi đạo là để tỏ lòng báo hiếu với tổ tiên và đặc biệt với Ông Trời chứ không phải vì vụ lợi.
Hiếu nghĩa thuộc sinh hoạt lãnh vực đạo đức không thể tính toán hơn thiệt. Đi Đạo thuộc lãnh vực hiếu nghĩa. Hiếu với tổ tiên mà không hiếu với ông Trời sinh ra tổ tiên mình thì chưa hết ý.
Đi Đạo là thể hiện tình hiếu nghĩa với Ông Trời còn gọi là Thiên Chúa. Vậy có Ông Trời hay không chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài sau.
(Trích tài liệu GLDT của Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất)