Quan tâm, chia sẻ với người nghèo là chuyện không của riêng ai. Hễ là người, trong cõi lòng chạnh thương ít nhiều gì ai cũng nhớ đến những người nghèo, những người thiếu thốn, người kém may mắn hơn mình.
Với tấm lòng đó, trong xã hội, chúng ta thấy ngày càng nhiều tổ chức tập thể cũng như cá nhân tìm đủ mọi phương cách để chia sẻ với người nghèo.
Quanh ta vẫn có những trại dưỡng lão, trung tâm nuôi bệnh nhân sida, trại mồ côi, trung tâm khuyết tật... Những năm gần đây, nhiều dự án mới đã mọc lên như: nhà trọ sinh viên do nhóm này nhóm kia lập ra để quy tụ sinh viên nghèo sống chung với nhau trong một mái nhà. Có những dự án thực tiễn mỗi ngày đó là những quán cơm 2000đ, quán cơm miễn phí ở các xứ đạo, ở các chùa chiền...
Mỗi ngày trong các bệnh viện vẫn có những suất cơm từ thiện giúp cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tối cuối tuần, nhóm G8 đã quy tụ với nhau để chia sẻ những chén cháo đêm cho những người ngủ vỉa hè cũng như các sạp chợ...
Những việc làm như thế rất cần nhân rộng thêm nữa để chung chia phần nào nỗi đau của những người nghèo, những người kém may mắn. Những việc làm này rất tốt nhưng cũng đừng quên đến những người nghèo khác mà ta ít khi để ý đến.
Câu chuyện cô bé chia sẻ với tôi vẫn còn văng vẳng bên tai:
"Cha ơi! Nếu cha cần giúp ai đó, cha có thể liên lạc với hai cô của con. Hai cô của con tốt lắm, hay chia sẻ cho người nghèo lắm. Nhưng... cô chỉ chia sẻ cho người ngoài thôi. Con là cháu ruột, nhà con nghèo nhưng cô không giúp... Lần kia, cô nhờ con chở cô vào Trung Tâm Ung Bướu để giúp người nghèo. Cô cầm một xấp tiền trong tay và đi phát cho bệnh nhân nghèo. Con đứng kế bên cô, con thèm được cô cho một tờ thôi nhưng không được. Cô đâu có biết là đứa cháu gái của cô phải mượn xe để chở cô đi làm việc từ thiện. Giá như mà cô cho cháu của cô 1 tờ để đổ xăng cũng đỡ..."
Nghe dòng tâm sự thật buồn! Có lẽ đau lắm cô cháu mới nói những lời này. Thật sự, chẳng ai muốn nói ra nhưng trong cuộc đời, sự thật vẫn là sự thật để rồi trong những sự thật đó lòng ta lại quặn đau. Có những sự thật không ai muốn nghe nhưng khi nghe xong thì đau thật. Có những sự thật người ta cố giấu nhưng chẳng thể nào giấu được.
Lần kia, gặp một cô cũng đã luống tuổi. Cô chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại của cô là cô phải lo cho mẹ già của cô. Cô thích đi hát ca đoàn nhưng mỗi lần đi tập hát như thế là hai mẹ con lại cắng đắng nhau. Mẹ cô không muốn cô đi sinh hoạt ca đoàn để cô ở nhà với Mẹ nhưng cô lại thích đi sinh hoạt và hai mẹ con cứ lục đục nhau suốt.
Nghe thế, tôi nói với cô rằng sinh hoạt ca đoàn rất tốt nhưng tốt hơn là nên ở bên Mẹ và đừng làm cho Mẹ buồn bởi lẽ mẹ của cô cũng chẳng còn sống lâu nữa ở cái tuổi ngoài tám mươi đau lâu ốm dài. Bà già yếu nên cần sự hiện diện của cô trong những năm tháng cuối đời như thế này. Tôi minh chứng cho cô bằng câu chuyện thật của một người đến với tôi và đã khóc. Cô khóc vì hối hận. Hối hận vì sự cay nghiệt của cô mà Mẹ của cô phải mất sớm. Bà mất được 2 tháng nhưng nỗi ray rứt về người mẹ vẫn chưa nguôi. Cô đến chia sẻ với tôi cho nhẹ lòng.
Khi nghe kể như thế, một câu chuyện rất gần và rất thật trong cuộc sống, cô đã nghĩ lại và ngưng sinh hoạt ca đoàn một thời gian để có thời gian ở gần bên mẹ hơn.
Có người nói với tôi rằng: "Dạo này bố con lẩm cẩm lắm rồi! Lúc nào cũng cau có và khó chịu... nên con hay cau có với bố..."
Nghe người con "xả" cơn bực mình, sau đó tôi nói lại: "Cô à! Nhìn cô vậy mà thấy tếu nhỉ? Cô nhớ lại một tí đi! Nhớ lại cái ngày mà cô lên năm lên ba đó. Bao nhiêu lần cô chạy nhảy té xuống té lên và vớ vẩn đòi bánh xin kẹo và cực kỳ nhõng nhẽo... những năm tháng tuổi thơ đó ai là người bồng ẵm cô trên tay. Giờ đây, bố cô kém trí nhớ và cũng nhõng nhẽo với cô một tí mà cô lại..."
Nghe tôi chia sẻ như thế, lòng cô chùn xuống và cô chợt nhớ lại ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và thay đổi lối nghĩ và cách sống của mình. Cô tự nhủ sẽ nhẹ nhàng và cảm thông với tuổi già sức yếu của bố mình hơn.
Nghĩ đến đây tôi chợt nhớ tâm tình của Chúa Giêsu: "Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu" (Ga 12, 8).
"Người nghèo luôn bên cạnh các ngươi". Người nghèo đó là ai? Xin thưa, người nghèo đó có thể là người cha người mẹ già nay đã tàn hơi và kém trí nhớ. Người nghèo đó có thể là chính người anh, người chị, người em, người con, người cháu đang sống trong mái nhà của chúng ta. Những người nghèo đó thật gần với chúng ta, họ gần hơn những người nghèo mà ngày mỗi ngày ta chăm sóc cho họ.
Nhiều khi ta bận rộn với công việc giúp người nghèo ở bên ngoài nhưng ta quên bẵng đi người nghèo ở bên cạnh ta.
Những người nghèo sống trong mái nhà của ta chưa hẳn họ cần tiền bởi lẽ họ không thiếu tiền. Điều họ cần không phải là cần tiền, họ cần một chút tình người nhưng đôi khi tình người đó bị quên lãng.
Có khi người mẹ già già yếu thèm một chút tình người của đứa con mà cả đời lo cho nó nhưng lại bị nó hất hủi.
Có khi người vợ thèm một chút tình thương của người chồng dành cho họ trong khi cả cuộc đời vợ lại lam lũ chịu cực chịu khổ vì chồng.
Có khi người em thèm tình thương của người anh trong khi người anh lại phung phí tình cảm dành cho ai đó ngoài đường để tìm danh thơm tiếng tốt.
Thật khó nghĩ khi ta giúp cho người nghèo ở bên ngoài gia đình ta, trong khi người nghèo gần và thật gần, họ ở ngay trong gia đình của ta mà ta quên lãng họ.
Lm. An Mai, CSsR.(Nguồn Tổng Giáo Phận TP Hồ Chí Minh)