Ảnh conglyvahoabinh.org |
Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Thư ký Ủy ban Công lý và Hoà bình
Cộng đồng Vatiacan II đã nhắc nhở rằng: Những vấn đề về xã hội và văn hóa hiện nay có liên quan đến tất cả anh chị em giáo dân, để mời gọi họ đối diện với những vấn đề trần thế và xếp đặt nó theo ý muốn của Thiên Chúa (x. LG, 31). Trước mặt nhân loại, mỗi người tín hữu giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng và truyền bá cho thế giới tinh thần của những người sống Tám Mối Phúc Thật. Người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống (x. LG 38). Trong tinh thần ấy, Mẹ Giáo Hội, qua Huấn quyền, bằng Giáo huấn Xã hội của mình đã và đang nỗ lực hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa, trong đó có Giáo dân là lực lượng đông đảo nhất, dấn thân sâu rộng vào mọi cảnh sống thực tại của xã hội để đem sức sống của Đấng Phục Sinh cho con người và thế giới hiện tại này.
Báo Financial Times, nhật báo nổi tiếng của nước Anh, ngày 19.12.2012 vừa qua đã đăng bài viết của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, nhan đề: “Một thời đại dành cho Kitô hữu dấn thân vào thế giới”. Trong đó, theo sát Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Ngài đã dẫn giải cụ thể: “Chính Tin Mừng đã khơi nguồn cảm hứng cho các Kitô hữu trong cuộc sống đời thường và dấn thân vào các việc trần thế – có thể là tại Quốc hội hay tại thị trường chứng khoán. Các Kitô hữu không thoát ly nhưng cần sát cánh cùng trần gian. Tuy nhiên, khi tham gia chính trị hoặc hoạt động kinh tế, họ cần phải vượt qua mọi loại ý thức hệ.
Các Kitô hữu đấu tranh chống đói nghèo do nhìn nhận phẩm giá tối cao của từng con người đã được Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và ban cho sự sống đời đời. Họ làm việc nhằm đến sự chia sẻ công bình hơn các nguồn tài nguyên của trái đất, vì xác tín mình được Chúa trao phó trông coi mọi thụ tạo được Chúa dựng nên, do đó có trách nhiệm chăm sóc những người yếu ớt và dễ bị xúc phạm nhất. Các Kitô hữu chống lại sự tham lam và bóc lột, bởi tin vào con đường dẫn đến sự sống viên mãn là sống quảng đại và yêu thương quên mình, những điều đã được Đức Giêsu Nazaret dạy bảo và thực thi bằng chính cuộc sống của Người. Niềm tin vào vận mệnh siêu việt của mỗi người đang đặt ra yêu cầu khẩn cấp cho mọi người là phải cổ võ hòa bình và công lý. Những mục tiêu trên đây được nhiều người chia sẻ, nên sự hợp tác giữa các Kitô hữu và những người khác sẽ càng gặt hái nhiều kết quả. Các Kitô hữu chỉ trả lại cho Caesar chỉ những gì thuộc về Caesar, chứ không phải những gì thuộc về Thiên Chúa. Trong lịch sử đã từng có những lần các Kitô hữu không thể làm theo yêu cầu của Caesar. Từ việc bị buộc phải tôn thờ hoàng đế thời La Mã cổ đại đến những chế độ toàn trị trong thế kỷ vừa qua, các Caesar đã cố chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa. Sở dĩ các Kitô hữu khước từ việc cúi mình trước các thần giả tạo được thời nay xướng xuất, không phải vì một thế giới quan cũ rích, mà chính vì họ không bị lệ thuộc vào những ràng buộc của ý thức hệ, và đồng thời, lại được thúc đẩy bởi nhãn quan cao quý về vận mệnh con người, khiến họ không thể thỏa hiệp với bất cứ điều gì làm giảm giá trị của nhãn quan đó.” (Nguồn WHĐ 21 12.2012)
Vì vậy, Giáo huấn Xã hội (GHXH) của Giáo Hội cần được mọi người tín hữu giáo dân đón nhận và thực thi để có thể sống chứng nhân Tin Mừng cách hiệu quả.
I. Khái quát về Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG)
1. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội chính là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, bởi vì làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công trình phục vụ công lý, hoà bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng. ĐGH Gioan Phaolô II trong thông điệp Centesimus Annus số 5 đã minh định: “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao giảng những điểm quan trọng của Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội… chúng ta cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. GHXHCG không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, GHXHCG như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo Hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo Hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.” Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hoá”, và Giáo huấn ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội. Nếu hiểu như thế thì Giáo huấn Xã hội chính là một phương cách đặc biệt để Giáo Hội thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm ngôn sứ. “Thật vậy, giảng dạy và phổ biến Giáo huấn Xã hội là những việc làm có liên quan tới sứ mạng Phúc Âm hoá của Giáo Hội và là một phần thiết yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì Giáo huấn ấy cho biết những kết quả cụ thể của thông điệp này trong đời sống xã hội, cũng như đặt những việc làm hằng ngày và những cuộc đấu tranh cho công lý mỗi ngày vào trong bối cảnh làm chứng cho Đức Kitô Cứu Thế”. Đây không phải là một bận tâm hay một hoạt động bên lề, hoặc chỉ là một bận tâm hay một hoạt động gắn thêm vào sứ mạng của Giáo Hội, mà đúng hơn đó chính là trọng tâm công tác phục vụ của Giáo Hội: với Giáo huấn Xã hội, Giáo Hội “công bố Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Đức Kitô cho hết mọi người, và đó cũng chính là cách để giúp con người biết mình là ai”. Đây là một tác vụ không chỉ xuất phát từ việc công bố mà còn phát xuất từ việc làm chứng (TLGHXH số 67)
2. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội là một sự trình bày chính xác những thành quả suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của sự trình bày này là lý giải các thực tại ấy, xác định xem chúng có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin Mừng liên quan đến con người và thiên chức của con người, một thiên chức vừa trần thế vừa siêu việt; mục đích là để hướng dẫn người Kitô hữu biết cách cư xử cho đúng. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội vừa bắt nguồn từ Kinh Thánh, vừa tích lũy những suy tư và kinh nghiệm của Giáo Hội suốt dọc lịch sử, vừa trung thành với sứ vụ muôn thuở của Kitô giáo, vừa thích nghi và đổi mới không ngừng để trả lời cho những thách đố của mỗi thời đại. Hơn nửa thế kỷ vừa qua, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng ước muốn đọc những dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng của Tin Mừng và quyết tâm đối thoại với nhân loại hôm nay là một trong những mục tiêu của Giáo Hội trong thời hiện đại.
Theo một số chuyên gia, nét độc đáo của Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội nằm ở tính chất vừa đặc thù, vừa đa dạng và khác biệt, nhưng lại bổ sung và phong phú hóa cho nhau. Hầu như chúng ta luôn luôn bắt gặp hai mặt của cùng một sứ vụ muôn thưở. Đó là trách nhiệm rao giảng Tin Mừng vĩnh hằng cho muôn dân; mặt khác, đòi hỏi phải không ngừng thích nghi và hội nhập sứ điệp Tin Mừng này vào mỗi môi trường văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của mỗi thời đại. Đây là hai đòi hỏi căn bản, vừa dằng co và đối lập, vừa bổ khuyết và phong phú hóa cho nhau. Bên cạnh yêu sách thích nghi không ngừng, trong Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội luôn hiện diện yêu sách trung thành và tiếp nối truyền thống xã hội của Kitô giáo từ buổi ban sơ cho đến thời hiện đại. Đây là những hình thức thể hiện nguyên tắc nền tảng của Tin Mừng về tình yêu phổ quát, phẩm giá con người, huynh đệ đại đồng, thái độ liên đới với những người bị áp bức, hành động bảo vệ người nghèo, can đảm chống lại bất công, tranh đấu cho công ích, dấn thân xây dựng một xã hội hòa bình, công bằng và nhân ái hơn… trong điều kiện chính trị, kinh tế, kỹ thuật luôn biến thiên và khác biệt nhau. (Gm. Nguyền Thái Hợp, OP. Một Cái Nhìn về Giáo huấn Xã hội Công Giáo, Nhà xuất bản Phương Đông, 2010, trang 11)
3. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công giáo đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài theo bước chân của các sứ giả ra đi loan báo Tin Mừng, khởi từ thời các Thánh Tông Đồ. Đó chính là một nỗ lực rao giảng và dùng ánh sáng Lời Chúa để soi chiếu các thực tại của con người trong bối cảnh xã hội của mỗi thời đại. Nơi Giáo huấn này, mọi thành phần Dân Chúa khi đối diện hay phải đương đầu với những thực tại xã hội phức tạp, khó khăn sẽ kín múc được những nguyên tắc đế suy tư, các tiêu chuẩn để phán đoán và các chỉ dẫn để thực hành. Với những ai thành tâm thiện chí và mọi thành phần trong xã hội thì Giáo huấn này như là một đóng góp tích cực của Giáo Hội Công giáo nhằm đưa ra những ý kiến, giải pháp cũng như định hướng để xây dựng một nền văn minh tình thương, xây dựng một xã hội có công lý và hòa bình. Quả thật ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, khi các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng là bắt đầu một cuộc nhập thế dấn thân đối diện với các thực tại của xã hội. Từ việc chia sẻ bác ái, đến những thách đố của cuộc sống. Chính những thánh đố, những vấn đề của cuộc sống nhân sinh đòi hỏi Huấn quyền phải dùng ánh sáng Tin Mừng để chiếu soi, để tìm cách can thiệp theo đúng Thánh Ý Chúa, từ đó giúp người ta cũng như xã hội biết chọn lựa sự công chính, công lý của Thiên Chúa để tiến tới mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Giáo Hội không lãnh lấy trách nhiệm về hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội mà chỉ lên tiếng trong phạm vi chuyên môn của mình, tức là công bố Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc: “Đức Kitô không để lại cho Giáo Hội một sứ mạng thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục tiêu Người trao cho Giáo Hội là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Giáo Hội tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa”. Nói thế có nghĩa là Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề kỹ thuật qua Giáo huấn Xã hội của mình, cũng không đề xuất hay thiết lập những hệ thống hoặc những mô hình tổ chức xã hội. Đó không phải là sứ mạng Đức Kitô muốn trao cho Giáo Hội. Sở trường chuyên môn của Giáo Hội bắt nguồn từ Tin Mừng: từ thông điệp làm cho con người được tự do, đã từng được Con Thiên Chúa làm người công bố và làm chứng (TLHTXH sổ 68). Qua công cuộc loan báo Tin Mừng, quá trình Tin Mừng tác động, soi sáng, hội nhập vào các cảnh vực của cuộc sống con người và xã hội đã làm cho Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội ngày càng sáng tỏ, rõ ràng và hệ thống hơn. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nhận định trong Thông điệp Bác ái trong Chân lý của Ngài: “Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội soi sáng các vấn đề luôn luôn mới xuất hiện bằng một ánh sáng không bao giờ thay đổi. Điều này bảo vệ đặc tính liên tục và lịch sử của gia sản giáo thuyết, vốn là thành phần của truyền thống sống động trong Giáo Hội. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng được các Tông đồ truyền đạt cho các giáo phụ và được các tiến sĩ nổi tiếng của Hội Thánh tiếp nhận và đào sâu. Giáo huấn này hướng đến Con Người mới, vị Ađam cuối cùng, “Đấng là thần khí ban sự sống” (1Cr 15,45) và là nguyên lý của đức ái “không bao giờ tàn tạ” (1Cr 13,8). Giáo huấn này được xác nhận bằng chứng tá của chư thánh và của tất cả những ai dâng hiến cuộc sống mình cho Đức Kitô, Đấng Cứu độ, trong lãnh vực công lý và hòa bình. Trong giáo huấn này chúng ta thấy được trách nhiệm ngôn sứ của các vị giáo hoàng: hướng dẫn Giáo Hội Chúa Kitô theo cách thức các tông đồ và nhận ra những đòi hỏi mới mẻ của việc Phúc Âm hóa” (CV số 12)
II. Giáo huấn Xã hội Công giáo cần thiết cho đời sống của Kitô hữu giáo dân
1. Nhờ Bí tích Thanh tẩy người tín hữu giáo dân được tháp nhập vào Đức Kitô và đựơc mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chính vì thế, cũng được Đức Kitô chia sẻ và chọn gọi để thực thi sứ vụ dấn thân Loan báo Tin Mừng. Tín hữu giáo dân sẽ thực thi sứ vụ này ngay chính trong môi trường sống và làm việc của mình. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế như gia đình; sự dấn thân vào chuyên môn trong thế giới lao động, văn hoá, khoa học và nghiên cứu; việc thực hành các trách nhiệm xã hội, kinh tế và chính trị. Tất cả những thực tại con người trần thế – cả cá nhân lẫn xã hội, bao gồm những môi trường và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cũng như các cấu trúc và các định chế – là bối cảnh mà trong đó người tín hữu giáo dân sống và làm việc. Những thực tại này là những nơi mà người ta đón nhận được tình yêu Thiên Chúa. Sự dấn thân của họ phải phù hợp với tầm nhìn này và được nhìn nhận như một cách diễn tả lòng bác ái theo Tin Mừng. Đối với tín hữu giáo dân, sự hiện diện và hoạt động của họ trong thế giới không chỉ là một thực tại mang tính nhân học và xã hội học, nhưng theo một cách thức đặc biệt, đó còn là một thực tại mang tính thần học và Giáo Hội học nữa. Bởi vì, giáo dân sẽ hoạt động với tư cách của một con người có phẩm giá cao quí được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, hơn thế nữa, với tư cách mang một phẩm giá mới cao trọng hơn, tư cách là người Con Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô. Bên cạnh đó, người tín hữu giáo dân khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy họ được gia nhập vào cộng đoàn Dân Chúa, là thành phần của Giáo Hội và làm nên Giáo Hội. Họ sẽ hoạt động với tư cách là thành viên của Dân Chúa. Do đó, sự hướng dẫn của Huấn quyền, qua GHXHCG, giúp cho họ sống đúng phẩm giá làm người, làm con Chúa trong lòng thế giới và có khả năng hiệp nhất cùng toàn thể Giáo Hội thực thi sứ vụ là điều cần thiết và quan trọng. Công đồng Vatican II đặc biệt đề cao vai trò của giáo dân trong xã hội trần thế. Giáo dân phải dấn thân vào các sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Mảnh đất nhân bản và trần thế phải là môi trường để giáo dân thực hiện sứ mạng làm người và lý tưởng kitô hữu của mình. Dưới sự hướng dẩn của Tin Mừng, họ được gọi để thánh hóa thế giới như men trong bột bằng việc chu toàn nhiệm vụ của mình. Như thế họ có thể đem Chúa Kitô đến cho người khác bằng chứng tá đời sống thấm nhuần các nhân đức Tin, Cậy, Mến. (LG. SỔ 31).
Sắc lệnh về Truyền giáo đặc biệt khuyến khích các tín hữu chu toàn trách vụ công dân trong môi trường văn hóa xã hội của mình: “Kitô hữu đến từ mọi dân tộc kết hợp thành Giáo Hội không phân cách với người khác về quốc gia, về ngôn ngữ cũng như về cách thế sống, do đó, họ phải sống cho Thiên Chúa và Đức Kitô theo tập tục và đường lối xử sự của dân tộc mình, với tư cách là công dân tốt họ phải phát triển một cách thực sự và hữu hiệu lòng ái quốc.” (Sắc Lệnh Truyền Giáo số 31). Sự khuyến khích này bao hàm một sự hội nhập thực sự của nếp sống Tin Mừng vào trong những giá trị cao quý của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đồng thời, thúc đẩy người Kitô hữu biết dùng những giá trị Tin Mừng để thể hiện lòng ái quốc và cộng tác với mọi thành phần khác trong cộng đồng quốc gia, dân tộc để xây dựng và phát triển quê hương đất nước mình. Nói cách khác, Kitô hữu phải sống tinh thần dấn thân phục vụ của Tin Mừng ngay tại quê hương xứ sở, ngay tại môi trường sống và làm việc của mình. Từ đường hướng dấn thân phục vụ nàỵ, Công đồng Vatican II đã mời gọi các tín hữu nối kết đời sống của mình với vận mệnh của nhân loại, của Dân tộc và của Giáo Hội: “Với tư cách là công dân nước Trời và nước Trần thế, tín hữu phải nỗ lực và trung thành chu toàn trách nhiệm trần thế của mình theo sự hướng dẫn của tinh thần Tin Mừng. Thực là sai lầm khi có những người cho rằng quê hương của họ không ở trần gian này và họ đang hành trình về quê hương vĩnh cửu, cho nên họ nghĩ rằng họ có thể dửng dưng với nhiệm vụ trần thế. Khi lãng quên những bổn phận đối với đồng loại, tín hữu cũng không chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và hành động này có phương hại đến phần rỗi đời đời của họ. Ngược lại cũng sai lầm không kém đối với những ai nghĩ rằng có thể dấn thân hoàn toàn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh họat ấy xa lạ với đời sống tôn giáo vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ hệ tại những hành vi phụng tự và một vài bổn phận luân lý phải chu toàn. Sự phân ly giữa đức tin và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại hôm nay.” (GS số 43)
2. GHXH của Giáo Hội sẽ trang bị cho tín hữu giáo dân những giá trị nền tảng rút ra từ Tin Mừng để họ có thể sống đúng phẩm giá của mình và góp phần tích cực xây dựng đời sống xã hội đạt tới tầm mức viên mãn. Người giáo dân sống trong thế giới và giữa những thực tại trần gian với ơn gọi thánh hóa những gì trần tục. Chính ơn gọi này và cuộc sống của họ gắn liền với những thực tại trần thế, bối cảnh xã hội, không gian sống đã định hướng cho đời sống của giáo dân là nên thánh và làm cho mọi thực tại xã hội gắn liền với mình nên thánh. Một khi mang trên vai sứ vụ như thế, người giáo dân rõ ràng đã được thúc đẩy bởi lệnh sai đi vào giữa thế gian của Đức Kitô (X. Ga 17, 18). Được sai đi như thế, một mặt người giáo dân phải sống theo Tin Mừng của Đức Kitô, một mặt phải chấp nhận hòa mình vào dòng chảy của cuộc đời. Sống như thế, không phải là đi tìm một lối sống hai mặt trái nghịch nhau, nhưng luôn phải nỗ lực không ngừng để ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Sống ở thế gian mà không thuộc về thế gian là một thách đố lớn cho người Kitô hữu, vì những giá trị thế gian rất hấp dẫn, cần thiết cho cuộc sống nhân sinh nhưng chạy theo nó thì dễ làm cho người giáo dân từ chối con đường Tin Mừng. Thách đố này đòi hỏi người giáo dân phải biết sống và chọn lựa những giá trị cuộc sống theo ánh sáng Tin Mừng. Trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và đặc biệt qua kinh nghiệm sống cũng như nhiều nỗ lực suy tư cẩn trọng, lâu dài, nhưng phát triển liên tục, phù hợp với môi trường xã hội của mọi thành phần Dân Chúa khi dấn thân vào trong môi trường xã hội để sống đức tin của mình, Huấn quyền đã đúc kết được những Giáo huấn giá trị đặt nền tảng cho người giáo dân sống đúng phẩm giá và ơn gọi của mình giữa dòng đời thay đổi vạn trạng. Sự hiện diện của giáo dân trong đời sống xã hội được thực hiện bằng việc phục vụ, đó là dấu hiệu và sự biếu lộ của tình yêu, được thể hiện trong lĩnh vực gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế và chính trị theo những khía cạnh đặc trưng. Tuân theo những đòi hỏi khác trong lĩnh vực lao động đặc biệt của mình, giáo dân nam nữ diễn tả sự thật của lòng tin và đồng thời cũng diễn tả sự thật của Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, làm cho Giáo huấn này hoàn toàn trở thành một thực tại khi Giáo huấn ấy được sống một cách cụ thể với mục đích để giải quyết các vấn đề xã hội. Mọi người sẽ tìm thấy trong GHXHCG những giá trị nền tảng rất phong phú từ những giá trị liên quan đến phẩm giá con người cho tới những giá trị liên đới trong cộng đồng nhân loại. Những giá trị ấy là những hành trang quý giá để mỗi người có thể chuẩn bị cho mình để tiến bước vào cuộc sống nhân thế trong tư cách người môn đệ Đức Kitô lòng tràn đầy tin tưởng, yếu mến và hy vọng dấn thân.
III. Giáo huấn Xã hội Công giáo là kim chỉ nam cho sự dấn thân của tín hữu giáo dân trong xã hội:
1. GHXHCG cung cấp các nguyên tắc Nhân Vị – Công ích – Bổ Trợ và Liên Đới: Huấn quyền của Giáo Hội khẳng định rõ ràng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (GS Số 1). Không có gì liên quan đến cộng đồng nhân loại, những tình huống và những vấn đề liên quan đến công lý, tự do, phát triển, quan hệ giữa các dân tộc, hoà bình mà lại nằm ngoài công cuộc Phúc Âm hoá; việc Phúc Âm hoá sẽ thiếu sót nếu không xét tới các đòi hỏi liên tục của Tin Mừng đối với đời sống cá nhân và xã hội cụ thể của con người. Giữa việc Phúc Âm hoá và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ hết sức sâu xa: “Trong đó có mối liên hệ thuộc phạm vi nhân học, vì con người được Phúc Âm hoá không phải là một hữu thể trừu tượng mà là một hữu thể lệ thuộc các vấn đề kinh tế và xã hội… Trên bình diện cứu chuộc đụng chạm tới chính những tình huống bất công cụ thể cần phải đấu tranh và những tình huống công bằng cụ thể cần phải được khôi phục. Trong đó còn có mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng, tức là phạm vi Đức Ái: làm sao có thể công bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hoà bình. (TLHTXHCG, số 66).
Chính vì thế, những nguyên tắc của Giáo huấn đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng giúp người tín hữu khi dấn thân trong môi trường xã hội biết phải hành xử như thế nào để luôn kiên định với đường lối Tin Mừng. Hơn thế nữa, mục tiêu sứ mạng của Kitô hữu là mục tiêu tôn giáo, nghĩa là thực thi lệnh sai đi của Đức Kitô, Thầy Chí Thánh. Môi trường được sai đến là môi trường sống và làm việc của người Kitô hữu với tất cả các khía cạnh vốn có của xã hội loài người, vì vậy làm sao thực thi sứ mạng nếu như không chấp nhận phải đối diện, đương đầu với những thực xã hội. Nói cách khác dấn thân vào xã hội là để làm men, làm muối, làm ánh sáng cho con người và thế giới này đón nhận được Tin Mừng, đón nhận Đức Kitô. Khi ấy cộng đồng nhân loại sẽ được củng cố phát triển theo đúng đường lối của Thiên Chúa. Chính khi dấn thấn như thế các nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội sẽ là những giá trị căn bản soi sáng người tín hữu giáo dân biết định hướng, phán đoán và quyết định hoạt động của mình trong đời sống xã hội theo đúng phẩm giá của người môn đệ Đức Kitô. Các nguyên tắc của Giáo huấn này được rút ra từ ánh sáng của Luật tự nhiên và ánh sáng của Tin Mừng cho nên tự nó có giá trị vĩnh cửu đối với mọi nền văn hóa, với mọi định chế, cơ cấu xã hội và với mọi người.
Khi Nhân vị hay phẩm giá con người không được tôn trọng mới nảy sinh áp bức, bất công, mới đưa tới tình trạng vi phạm nhân quyền, chà đạp nhân phẩm, con người trong xã hội không có cơ hội để vươn lên, để trưởng thành. Khi người ta không tôn trọng công ích thì người ta dễ dàng vì tư lợi vì sự ích kỷ tham lam mà hành xử, quyền lợi phe nhóm sẽ lấn át chi phối mọi sự vận hành của xã hội. Khi người ta sống mà không biết bổ trợ, nâng đỡ nhau, liên đới với nhau thì trong xã hội sẽ nảy sinh lối sống thờ ơ vô cảm, mạnh ai nấy sống, mạnh được yếu thua.
a. Nguyên tắc Nhân Vị (Phẩm Giá con người): Có thể khẳng định không sợ sai lầm con người là trung tâm là nền tảng của xã hội. Tất cả vì con người, phục vụ con người. Bởi vì con người là hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này được làm sáng tỏ, sâu sắc hơn nhờ Đức Kitô nhập thể làm người, Người là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1, 15). Nhờ Người, con người đã được nâng lên thành con Thiên Chúa (x. Gỉ 1, 4-5). Như thế, con người được Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ đã mang một phẩm giá rất cao trọng trong vũ trụ vạn vật, trước mặt Chúa và trước mặt nhau: Con người là hình ảnh, là con Thiên Chúa. Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Con người nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội. Nguồn gốc của đời sống xã hội là chính con người, xã hội luôn phải nhìn nhận con người là chủ thể tích cực và hữu trách của mình, mọi biểu hiện của xã hội luôn phải quy hướng về con người (TLHTXHCG, số 106). Do đó, nguyên tắc tôn trọng phẩm giá và quyền con người đi theo phẩm giá ấy là nguyên tắc tối thượng trong mọi quan hệ xã hội cũng như việc điều hành xã hội. Không thể dung túng, thừa nhận một thể chế xã hội, một hoạt động xã hội, một nghề nghiệp hàm chứa hay tạo nên sự bất công, bất bình đẳng gây tha hóa, chà đạp nhân phẩm của con người.
b. Nguyên tắc Công ích: Mỗi một con người đều mang một phẩm giá cao trọng như nhau, cho nên, khi mọi người chung sống với nhau thành hình nên xã hội thì xã hội ấy phải bảo đảm cho mọi người, tập thể hay cá nhân có được những điều kiện đạt tới sự phát triển cách đầy đủ, dễ dàng xứng hợp với nhân phẩm của mình. Các điều kiện ấy chính là công ích. Đó là ích lợi chung, không chỉ đơn giản là tổng số các thiện ích riêng của mỗi người trong xã hội cộng lại. Công ích không thể phân chia nhưng tất cả mọi người đều được thừa hưởng nó với sự đóng góp chính đáng của mọi người. Một xã hội mong muốn và có ý định tiếp tục phục vụ con người ở mọi cấp độ là một xã hội phải lấy công ích, tức là lợi ích của hết mọi người và của con người toàn diện làm mục tiêu tiên quyết. Con người không thể sống một mình mà tự bản chất con người là một hữu thể có tương quan, con người luôn phải sống với người khác, vì thế, luôn cần phải biết sống cho, sống vì và sống nhờ người khác. Mọi tổ chức xã hội từ gia đình cho đến cộng đồng dân tộc, quốc gia, quốc tế … luôn phải lo việc tìm kiếm công ích, vì đó chính là yếu tố làm nên ý nghĩa và là lý do làm nên sự hiện hữu của các tổ chức ấy. Công ích có liên quan đến mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn trừ cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tùy theo khả năng của mỗi người. Mỗi người cũng có quyền hưởng những điêu kiện của đời sống xã hội do việc tìm kiêm công ích mang lại. Nguyên tắc công ích cũng đòi buộc và lên án con người hay xã hội không đựơc chủ trương tìm kiếm ích lợi riêng cho mình hay cho một nhóm đặc quyền, đặc lợi. Ngay cả quyền hành chính trị, quyền bính chính quyền cũng phải thấy rõ công ích là lý do khiến các quyền hành chính trị tồn tại.
c. Nguyên tắc Bổ Trợ: Theo thánh Phaolô có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều việc phục vụ khác nhau, có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì lợi ích chung (X. 1Cr 12, 4-11). Mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho có những khả năng, ơn huệ như là những nén bạc không ai giống ai, nhưng không loại trừ nhau mà để chia sẻ, phục vụ lẫn nhau. Do đó, trong đời sống cộng đồng người ta luôn cần đến nhau, sống cho nhau, vì nhau và bổ túc cho nhau. Trên bình diện xã hội, các tổ chức cấp thấp cần được nhìn nhận và bổ trợ từ cấp cao hơn. Đấy chính là nền tảng của nguyên tắc Bổ trợ. Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Giáo huấn Xã hội Công giáo. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới những cộng đồng, những tổ chức, những hiệp hội trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội dân sự do chính dân chúng tự động tạo ra nhằm cùng nhau thực hiện việc tăng trưởng xã hội cách hiệu quả. Bổ trợ theo nghĩa tích cực là sự giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý cho các đơn vị xã hội nhỏ hơn. Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền cũng đựơc mời gọi giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng đòi buộc mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đoàn thể trung gian đều phải có gì đó đóng góp cho cộng đồng. Nguyên tắc Bổ trợ chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của nhà nước trong guồng máy công cộng. Nguyên tắc này cũng mời gọi mọi người cùng tham gia vào đời sống xã hội, cùng có trách nhiệm với cộng đồng mà mình là thành viên, góp phần mình vào đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Tham gia vào đời sống cộng đồng không chỉ là ước nguyện lớn lao nhất của người công dân đã đựơc mời gọi thi hành vai trò công dân của mình cùng với người khác và vì người khác một cách tự nguyện và có trách nhiệm, mà đó còn là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn bền vững. Người tín hữu, nhờ ánh sáng Lời Chúa soi sáng cần phải thấy rằng mình có bổn phận trách nhiệm chung tay, chung sức với mọi thành phần trong cộng đồng xã hội vì sự tiến bộ, phát triển của cộng đồng.
d. Nguyên tắc Liên Đới: Dưới ánh sáng Tin Mừng, Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Quan Tâm Đến Những vấn Đề Xã Hội đã định nghĩa liên đới: “Hành động liên đới không phải là một thứ tình cảm mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những khổ đau của bao nhiêu người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững dấn thân cho công ích, nghĩa là cho lợi ích của mọi người và từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm vì mọi người. Dấn thân phục vụ lợi ích của tha nhân, theo tinh thần Tin Mừng là sẵn sàng chết cho người khác thay vì bóc lột họ và phục vụ thaỵ vì đàn áp để mưu cầu tư lợi.” (Số 38). Chính Đức Kitô, bằng tình yêu đã đến trần gian chấp nhận mặc lấy thân phận con người cùng khôn để mang lấy tật bệnh của con người, đồng cam cộng khổ với kiếp người để cứu độ con người và kết hợp tất cả mọi người nên một trong Người. Người đã chấp nhận chịu chết để mọi người được sống và sống dồi dào. Theo điều răn mới Người để lại: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy ỵêu các con” (Ga 15, 12), người môn đệ được đòi hỏi phải sống một cách cụ thể tình yêu của Thầy Chí Thánh một tình yêu dám chết cho người mình yêu (x. Ga 15, 13). Như thế, liên đới không chỉ dừng lại ở sự công bằng giao hoán, có qua có lại, con người cần nhau thì có trách nhiệm với nhau mà đi xa hơn để đạt tới tình yêu đích thực. Theo Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI: “Liên đới được năng động hóa bởi tình yêu thì vượt qua công bằng, bởi vì yêu thương là trao tặng dâng hiến ‘điều thuộc về tôi’ cho người khác. Liên đới chẳng có thể hiện hữu khi vắng bóng công bằng. Chính công bằng thúc đẩy người ta trả lại cho người khác ‘điều thuộc về họ’. Thật thế, tôi không thể trao tặng người khác ‘điều thuộc về tôi’ nếu trước tiên tôi không trả lại cho họ ‘điều thuộc về họ’ theo lẽ công bằng. (Diễn văn tại trụ sở FA0, số 5). Liên đới là nguyên tắc đòi người Tín hữu phải biết sống có trách nhiệm với tha nhân cách vô vị lợi, ngay cả đó là kẻ thù thì cũng phải yêu thương họ bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu thương mình, sẵn sàng hy sinh cho họ ngay cả thí mạng sống vì anh em mình.
2. GHXH hướng dẫn người tín hữu giáo dân sống đúng tinh thần phục vụ của Đức Kitô, Đấng vì yêu nhân loại đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Giáo huấn này đòi hỏi, trong bất cứ trường hợp nào, mọi lựa chọn dấn thân được thực hiện phải bắt nguồn từ lòng bác ái và hướng tới việc đạt được công ích. Nhờ tinh thần phục vụ trong tình yêu của Đức Kitô, người ta mới có thể đạt được điều đó cách tốt nhất và đúng đắn nhất với lương tâm Kitô hữu. Cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô dù ở bất cứ bậc sống nào giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân trong mọi hoàn cảnh, môi trường sống và làm việc của mình; cho dù là một cuộc vật lộn giữa đời để mưu sinh cho bản thân và gia đình thì dứt khoát luôn luôn phải măc lấy tâm tình yêu thương phục vụ của Đức Kitô. GHXH của Giáo Hội được đúc kết từ kinh nghiệm ngàn đời xuyên suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, đó là kinh nghiệm của người môn đệ khi thực thi sứ vụ phục vụ Tin Mừng, phục vụ con người. Do đó, Giáo huấn này bảo đảm đưa ra cho người tín hữu những hướng dẫn có giá trị tốt nhất, chắc chắn nhất và căn bản nhất giúp họ dấn thân phục vụ giữa lòng đời hôm nay. Nhập thể và nhập thế là huyền nhiệm, là bản sắc và sứ vụ độc đáo của Kitô giáo. Vì mang lấy tinh thần của Thầy Chí Thánh nhập thể, nhập thế để cứu đời, người tín hữu không bao giờ có thái độ bàng quang, thờ ơ với vận mệnh của xã hội mà mình là thành viên. Họ phải nhập cuộc và đảm nhận những vấn đề của nhân loại cùng với mọi người và như mọi người. Họ được mời gọi sẻ chia cuộc sống với tất cả mọi người nhât là những người hèn mọn, đau khổ, nghèo đói chịu nhiều áp bức bất công trong xã hội. Sứ mạng của Kitô hữu là sứ mạng tôn giáo nhưng là một sứ mạng được thực thi trong môi trường xã hội loài người, gắn với tất cả mọi thực tại trần gian. Sứ mạng ấy giúp họ tham gia cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa bằng chính đôi tay, sáng kiến và mọi khả năng mà họ có cho dù có thể là nhỏ bé và tầm thường. Khi thi hành sứ mạng ấy, người tín hữu sẽ ngày càng trở nên giống Đức Kitô, đi theo đúng con đường tự hạ phục vụ của Người để rồi trở nên mọi sự cho mọi người. Một sự dấn thân phục vụ cho đến cùng vì được tình yêu thúc đẩy.
3. GHXH thúc đẩy người tín hữu giáo dân trở nên những con người hữu ích, tích cực xây dựng một xã hội phát triển vững bền. Khi trung thành bước đi trong ánh sáng Tin Mừng bằng sự soi sáng cụ thể và nhất quán của GHXH, người tín hữu giáo dân sẽ biết vận dụng tất cả năng lực, trí tuệ và công sức của mình để góp phần tích cực vào công cuộc loan báo Tin Mừng, mà qua đó, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, một xã hội, mà Giáo Hội theo lời dạy của Thầy Chí Thánh luôn nỗ lực rao giảng và kiến tạo Nước Trời giữa lòng trần thế. Trong xã hội ấy phẩm giá con người luôn được tôn trọng và được phát triển ở mức cao nhất, quyền con người được nhìn nhận và phát huy mạnh mẽ để tất cả biết cống hiến vì một cộng đồng nhân ái, thịnh vượng và phát triển. Và người ta thực sự biết sống cho nhau, vì nhau và với nhau. Chính vì thế, Đức giáo hoàng Bêniđictô XVI khi Huấn từ cho các Đức giám mục Việt Nam nhân dịp Ad Limina ngày 27.6.2009 đã nhắn nhủ tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quí trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng: là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.” Hiện nay xem ra người ta thích tranh cãi với nhau thế nào là người công giáo tốt, thế nào là người công dân tốt để rồi đưa ra vấn nạn về sự xung khắc, xung đột giữa việc sống đạo và việc thực thi nghĩa vụ hay quyền công dân để biện minh cho việc không dám sống Tin Mừng hay tìm cách bóp méo ý tưởng của Đức giáo hoàng phục vụ cho mưu đồ ích lợi riêng. Điều đó làm cho người ta quên đi rằng dù là công giáo tốt hay công dân tốt, tất cả là hoa quả của việc chính tự thân mỗi người phải rèn luyện, tu dưỡng bản thân có được lòng yêu thương bao dung biết sống vì người khác, có lương tâm trong sạch, biết sống trung thực và luôn sẵn lòng hy sinh phục vụ vì ích lợi chung. Ở đây, lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha là muốn nhấn mạnh đến việc tu dưỡng rèn luyện bản thân: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc qúi trọng công ích,” không có vế này đi trước, làm trước thì không thể có vế sau: “anh chị em phải chứng tỏ rằng: là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.” vế trước là tiền đề để chứng minh cho vế sau; về trước là nền tảng để đạt tới vế sau. Việc làm chứng của tín hữu giáo dân được phát sinh từ ân huệ Chúa ban, được công nhận, nuôi dưỡng và dẫn tới sự trưởng thành (Tông huấn Kitô Hữu Giáo Dân số 24). Đây chính là động lực thúc đẩy tín hữu không ngừng triển nở đời sống đức tin và hoàn thiện nhân cách Kitô giáo của mình. Chính nhờ vậy khi được tái sinh thành những con người mới, được thánh hóa và trở nên những người thánh hóa, được dìm trong màu nhiệm Thiên Chúa và được đặt vào lòng xã hội họ sẽ trở nên những tác nhân hữu ích để xây dựng xã hội trần thế theo đúng ý Chúa muốn và ngang qua đó cũng chu toàn một cách tốt đẹp nhất bổn phận công dân của mình. Như vậy, khi chứng tỏ được rằng ; “là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” thì mặc nhiên họ đã và đang thánh hóa xã hội, thánh hóa các thực tại trần thế. Trong viễn cảnh cánh chung và trong thực tế, sự thánh hóa này mang lại sự phát triển vững bền cho xã hội dẫn đưa xã hội và con người tiến dần đến màu nhiệm Trời mới, Đất mới. Hiểu như thế, lời nhắn nhủ của Đức giáo hoàng trên đây quả thật là một thách đố cho Giáo Hội Việt Nam hôm nay trên đường dấn thân phục vụ quê hương đất nước, đồng thời, lời nhắn nhủ này cũng hàm chứa một lời mời gọi giáo dân Việt nam cần phải đào sâu linh đạo giáo dân mà GHXH đã đề ra: Nên thánh và làm cho người khác nên thánh bằng sự dấn thân phục vụ của mình trong xã hội trần thế. Mảnh đất nhân bản và sinh hoạt trần thế trở thành môi trường riêng biệt của giáo dân. Bởi vì, Bí tích Thanh Tẩy đã trao phó cho họ một thiên chức liên quan mật thiết vời tình trạng của họ giữa lòng đời. Họ được gọi, để nhờ sự hướng dẫn của Tin Mừng, tác động như men dậy lên từ bên trong, ngõ hầu thánh hóa thế giới bằng việc thực thi các nhiệm vụ của mình. (x. Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân số 15)
Ngày nay, trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa, trong bối cảnh của xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn, trì trệ, bất công, nghèo đói đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp làm nhức nhối lương tâm của bao triệu con tim khao khát vươn lên, khao khát tình yêu và công lý, khao khát chân lý và tự do, con người cần phải được tiếp cận, cần phải được lắng nghe công bố Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng đem lại sự cứu độ, tình yêu, công lý và hòa bình. Chính trong bối cảnh này, GHXH của Giáo Hội sẽ giúp người ta khám phá những giá trị cao quí của Tin Mừng. Khi mọi người, cách riêng các tín hữu giáo dân sống theo sự hướng dẫn, soi sáng của GHXH trước những vấn nạn, thách đố của xã hội sẽ có khả năng và cũng giúp cho anh chị em chung quanh có khả năng gia tăng niềm tin vào Thiên Chúa, khả năng thắp sáng niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng và khả năng mở rộng con tim để yêu thương. GHXH của Giáo Hội quả thực đóng vai trò quan trọng và cần thiết cho đời sống Giáo Hội nói chung và đời sống của người tín hữu giáo dân nói riêng.
Nguồn Báo Hiệp Thông số 75 (tháng 3 & 4 năm 2013)