2 Ảnh

28.4.13

Yêu thương anh em


Chúa Nhật V Phục Sinh (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Trong cuộc sống hằng ngày không phải chúng ta không biết rằng thương yêu là đòi hỏi căn bản nhất của Tin Mừng, thương yêu là giới luật mới của Chúa Giêsu, thương yêu là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Thế nhưng, từ chỗ biết đến chỗ sống, từ chỗ hiểu đến chỗ làm luôn luôn có một khoảng cách. Chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho người khác. Chúng ta vẫn muốn giới hạn tình thương ấy trong một phạm vi hạn hẹp nào đó. Chúng ta vẫn thích tính toán cộng trừ để tình thương không làm chúng ta bị thiệt thòi mà trái lại còn đem đến những lợi ích riêng tư. Chúng ta vẫn muốn dựa vào màu cờ, sắc áo hay danh xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta không dám chứng tỏ bằng những hành đông yêu thương và hy sinh mạng sống của mình. Quan hệ của chúng ta còn quá vụ lợi.


Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C

Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Lời Chúa: Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35

*********

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.


1. Yêu thương anh em

Thầy truyền cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau.

Không phải chỉ có Kitô giáo mới giảng dạy về tình yêu thương. Văn hoá Á đông đã từng nhấn mạnh: Tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em. Cha ông chúng ta thuở trước cũng đã khuyên nhủ: Thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng yêu thương rộng mở đối với mọi người trong xã hội. Vậy giới luật của Chúa có điều chi mới mẻ?

Dựa vào những lời tâm sự cuối cùng của Chúa, chúng ta có thể tìm thấy được những nét độc đáo của tình thương yêu trong Kitô giáo. Nét độc đáo thứ nhất đó là hãy yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, cái khuôn mẫu lý tưởng, cái thước được dùng để đo tình yêu thương của chúng ta, không còn là mối liên hệ máu mủ, cũng không còn là chính bản thân của mình nữa, nhưng là chính tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta như lời Ngài đã nói: Không ai có tình yêu cao quý hơn người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu. Chỗ khác Ngài cũng bảo: Ta là mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành thì hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Tình yêu ấy không bị giới hạn, không bị ngăn cách nhưng được dành cho hết mọi người.

Bên cạnh thập giá Đức Kitô không ai là không có chỗ của mình, kể cả những kẻ tội lỗi, đĩ điếm và trộm cướp. Ngài không huỷ diệt một khả năng nào để vươn lên. Đứa con hoang đàng cũng có chỗ trong nhà cha mình. Người trộm cắp cũng được mời gọi tham dự tiệc cước và người phụ nữ nhẹ dạ cũng có thể hôn chân Ngài. Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ và thương xót đối với mọi người, không trừ một ai. Tình yêu thương vô bờ ấy phải trở nên mẫu mực để chúng ta noi theo: Hãy yêu thương như như Thầy đã yêu thương các con.

Nét độc đáo thứ hai đó là tình yêu thương phải trở nên dấu chỉ của những người thuộc về Chúa. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau. Thực vậy, Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ của mình phải thông thái như các tiến sĩ luật, cũng không bắt họ phải sống gò bó nhiệm nhặt như nhóm biệt phái. Điều duy nhất Ngài đòi hỏi nơi các ông đó là tình yêu thương.

Ngay từ đầu các tín hữu đã thực sự sống tình bác ái yêu thương để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh và trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, các tâm hồn ở mọi nơi và trong mọi lúc, vẫn nhận ra Thiên Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của những người tin Chúa, được biểu lộ bằng hành động bác ái yêu thương.

Trong cuộc sống hằng ngày không phải chúng ta không biết rằng thương yêu là đòi hỏi căn bản nhất của Tin Mừng, thương yêu là giới luật mới của Chúa Giêsu, thương yêu là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Thế nhưng, từ chỗ biết đến chỗ sống, từ chỗ hiểu đến chỗ làm luôn luôn có một khoảng cách. Chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho người khác. Chúng ta vẫn muốn giới hạn tình thương ấy trong một phạm vi hạn hẹp nào đó. Chúng ta vẫn thích tính toán cộng trừ để tình thương không làm chúng ta bị thiệt thòi mà trái lại còn đem đến những lợi ích riêng tư. Chúng ta vẫn muốn dựa vào màu cờ, sắc áo hay danh xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta không dám chứng tỏ bằng những hành đông yêu thương và hy sinh mạng sống của mình. Quan hệ của chúng ta còn quá vụ lợi.

2. Yêu thương

Từ ngàn xưa và cho đến ngày hôm nay, tình yêu vốn là một đề tài được khai thác nhiều nhất. Nào sách báo và phim ảnh; nào âm nhạc và tuồng kịch; nào truyền thanh và truyền hình…tất cả đều nói đến tình yêu. Tuy nhiên, nhiều khi tình yêu lại được nhìn từ một góc cạnh lệch lạc và què quặt, khiến cho tình yêu ngày hôm nay như đang đi trên bờ một vực thẳm với những sa đoạ trong nếp sống, những suy đồi trong luân lý và những đổ vỡ trong hôn nhân.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đến và Ngài đã xác định cho chúng ta một lập trường rõ rệt, Ngài đòi hỏi nơi chúng ta một tình yêu chân thành dành cho Ngài cũng như dành cho tha nhân: Các con phải kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình.

Nhìn vào xã hội, chúng ta thấy: mặc dù tình yêu đang bị thui chột và tàn úa đi rất nhiều, nhưng không phải là không còn những tình yêu chân thành vá tốt đẹp. Tình yêu không chết, nhưng nó phát triển một cách âm thầm, không ồn ào, không rùm beng quảng cáo.

Đúng thế, ngày hôm nay vẫn còn có những người vì yêu thương mà hết năm này qua năm khác, hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc cho những kẻ ốm đau. Ngày hôm nay vẫn còn có những người dâng hiến bản thân để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Ngày hôm nay vẫn còn có những ông chồng, mặc dù đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, vẫn trung thành với người vợ bệnh tật và vẫn luôn chịu khó làm lụng để chăm sóc cho đàn con thơ dại. Ngày hôm nay vẫn còn những người vợ ân cần lo lắng cho chồng, cho con, mặc dù người chồng thì độc ác và con cái thì ngang bướng ngỗ nghịch.

Vậy đâu là suối nguồn mang lại sức mạnh nâng đỡ cho những tình yêu yêu cao đẹp ấy? Câu trả lời duy nhất, đó là sức mạnh và vẻ cao đẹp của tình yêu chỉ có thể xuất phát từ nơi Thiên Chúa, từ nơi Đức Kitô mà thôi.

Đúng thế, tình yêu cũng có cái gia phả, cũng có cái gốc gác và cội nguồn của nó. Nó xuất từ nơi Thiên Chúa, bởi vì Ngài là nguồn mạch mọi thương yêu, như lời thánh Gioan Tông Đồ đã xác quyết: Thiên Chúa là tình yêu. Rồi từ đó, vũ trụ vạn vật và nhất là con người đều là những dấu chỉ, những biểu hiện của một tình yêu bao la mà Ngài đã thực hiện mà thôi.

Hơn thế nữa, mặc dù biết trước con người sẽ phản bội, quay lưng chống lại Ngài, thế mà Ngài vẫn yêu thương và đi bước trước đến với chúng ta qua mầu nhiệm cứu độ và thập giá, như lời thánh Gioan Tông đồ cũng đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Ngài đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để những ai tin vào danh Con Một Ngài thì sẽ được sống. Chính vì thế, Ngài có quyền đòi hỏi nơi chúng ta một tình yêu thương chân thành, bởi vì tình yêu chỉ có thể được đáp trả bằng tình yêu mà thôi.

Đồng thời Đức Kitô cũng đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu tuyệt vời nhất: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Đúng thế, Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc chúng ta, nhờ đó chúng ta được xoá bỏ bản án của tội nguyên tổ, lấy lại địa vị làm con cái Chúa. Kể từ nay, chúng ta là anh em một nhà vì có chung cùng một người cha là Thiên Chúa. Chính vì thế, Ngài đã truyền dạy: Phải kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình. Đồng thời, nhờ tình bác ái yêu thương đối với anh em, mà chúng ta trở nên người môn đệ đích thực của Chúa: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.

Như vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân chỉ là hai phương diện của một giới luật duy nhất, đó là giới luật yêu thương. Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta nơi những người anh em. Ngài hẹn gặp chúng ta nơi những kẻ bất hạnh và khổ đau, như lời Ngài đã phán: Tất cả những gì các con làm cho một trong số những kẻ bé mọn nhất, là các con đã làm cho chính Ta vậy. Thế nhưng, liệu chúng ta có thực sự tìm gặp Chúa nơi những người anh em của mình hay không?

3. Điều răn mới

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Gandhi được coi là bậc đại thánh của dân Ấn Độ. Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài giảng trên núi. Ông nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng cho những xung đột giữa các giai cấp ở Ấn. Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ. Nhưng người giữ cửa ngăn ông lại, và bảo ông nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen. Ông đã bỏ đi và không bao giờ quay trở lại.

Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi chỉ vì có sự phân biệt màu da nơi nhà thờ.

Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi, họ sống tinh thần Đức Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Lời trăn trối của Đức Giêsu vẫn làm chúng ta nhức nhối.

Ở đây Ngài không nhắc chúng ta yêu thương người ngoài, nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ Ngài yêu thương nhau.

Yêu thương nhau trở thành điều răn mới, mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ.

Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.

Trước khi công bố điều răn mới này, Đức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa. Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu. Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa như đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26)

Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý. Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31). Đức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình. Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá.

Đức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau.

Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta, thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.

Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu: đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn… Nhưng theo Đức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau: cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại…

Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào. Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.

Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị… Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga, giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen. Đến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha, mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày, cử hành chung với nhau một phụng vụ.

Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu. Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi mời mọi người đặt chân tới.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương lẫn nhau? Có những dấu hiệu nào để nhận ra tình yêu thương đó?

Bạn thấy nhóm của bạn, giáo xứ của bạn, cộng đoàn của bạn có làm chứng đủ về tình yêu thương nhau trước mặt mọi người chưa?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng và thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau, xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình, để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha, xin sai Thánh Thần đến trên chúng con, để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển nở không ngừng và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

4. Yêu người như Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Bề trên một tu viện Công giáo đến tìm vị ẩn sĩ trên vùng núi Hi mã lạp sơn để trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.

Trước kia tu viện này là một trung tâm sầm uất. Khách hành hương tấp nập. Nhà thờ lúc nào cũng vang lừng tiếng hát ca cầu nguyện. Tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu.

Vậy mà giờ đây tu viện chẳng khác một ngôi nhà hoang phế. Nhà thờ vắng lặng. Tu sĩ thưa thớt già nua. Cuộc sống buồn tẻ.

Cha Bề trên hỏi vị ẩn sĩ nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã khiến tu viện rơi vào tình trạng suy sụp như hiện nay. Vị ẩn sĩ ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Người”.

Nhận được lời giải đáp, Cha Bề Trên hớn hở ra về. Cha tập họp các tu sĩ lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang ẩn mình giữa cộng đoàn. Nghe nói thế, mọi người mở to mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang? Nhưng chắc chắn nếu Đấng Cứu Thế đã cải trang thì chẳng ai có thể nhận ra Người. Mỗi người sống chung với ta đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Từ ngày ấy mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Mọi người kính trọng nhau. Mọi người quan tâm chăm sóc nhau. Mọi người phục vụ nhau. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sự sống và niềm vui lại trở lại với tu viện. Khách hành hương bốn phương lại tấp nập tuốn về. Lời kinh tiếng hát lại vang lừng trong tu viện. Bị cuốn hút bởi bầu khí vui tươi thánh thiện, nhiều thanh niên đến xin gia nhập cộng đoàn.

Trước kia tu viện mất hết sức sống vì mọi người không thực hành Lời Chúa dạy. Sống cá nhân chủ nghĩa, thờ ơ lãnh đạm với nhau. Nay tu viện tràn đầy niềm vui và sức sống nhờ mọi người biết quan tâm đến nhau, yêu mến và phục vụ nhau.

Trước kia khách hành hương không muốn đến tu viện, các bạn trẻ không muốn vào tu viện vì tu viện không là dấu chỉ môn đệ của Chúa. Không sống theo Lời Chúa, các tu sĩ trở thành những hình ảnh mờ nhạt, không phản chiếu được nét đẹp của Thiên Chúa. Nay khách hành hương nườm nượp kéo đến, các bạn trẻ xếp hàng xin nhập tu, vì họ đã thấy nơi các tu sĩ có dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô, có lòng yêu thương nhau. Lòng yêu thương đã khiến các tu sĩ trở nên hình ảnh của rõ nét của Thiên Chúa, chiếu toả sự sống của Thiên Chúa, loan báo hạnh phúc Thiên đàng. Lòng yêu thương ấy có sức hấp dẫn, có sức thuyết phục, có sức mời gọi mãnh liệt vì qua đó, mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

Yêu thương nhau đó là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, có lợi cho mình, theo bản tính ích kỷ của mình. Thiên Chúa muốn các môn đệ của Người phải yêu như như Thiên Chúa đã yêu.

Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải hy sinh quên mình, hạ mình phục vụ anh em. Yêu như Thiên Chúa nghĩa là phải yêu những người bé nhỏ nghèo hèn. Yêu như Thiên Chúa là phải yêu thương cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa. Yêu như Thiên Chúa là phải không ngừng tha thứ, làm hoà với nhau.

Yêu như Thiên Chúa đó là sự sống của Giáo Hội. Yêu như Thiên Chúa làm nên nét đẹp của đạo. Nét đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Theo bạn, thế nào là một tập thể có tình yêu thương?

2. Bạn đã có tình yêu thương đoàn kết với những anh chị em trong giáo xứ chưa?

3. Yêu thương như Chúa là yêu thương theo cảm tính hay theo lý trí? Tuần này, bạn sẽ làm gì để thực hiện điều răn mới của Chúa?


5. Như Thầy đã yêu – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Vào năm 1995, xảy ra một trận động đất lớn chưa từng có ở Kôbê, nước Nhật, cả một thành phố hầu như đổ xuống thành một đống gạch vụn khổng lồ. Thiệt hại về người và của không biết cơ man nào mà kể. Các đội cứu hộ làm việc ngày đêm để lôi ra khỏi những đống gạch vụn vô vàn người chết, người bị thương. Trong các tai hoạ vô cùng khủng khiếp ấy, người ta lại khám phá ra một câu chuyện hết sức cảm động, mà tiếng vang của nó còn mạnh hơn cả sức chấn động của cơn động đất. Người ta kể lại rằng, đến ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm nạn nhân, họ đào lên được dưới toà nhà đổ nát hai mẹ con vẫn còn sống: Đứa con nhỏ khoảng mấy tháng tuổi vẫn còn thoi thóp, và người mẹ đã hoàn toàn bất tỉnh.. Sau khi cấp cứu cho hai mẹ con vượt qua cơn thập tử nhất sinh, các nhà báo đã phỏng vấn bà mẹ: Làm thế nào mà cả hai mẹ con chị có thể sống được hai ngày dưới đống gạch vụn ấy Chị đáp: Tuy bị chôn vùi dưới toà nhà đổ nát, nhưng có một cái đà đã che chắn cho mẹ con tôi. Sau vài tiếng đồng hồ thì con tôi quá đói vì hai bầu sữa của tôi cháu đã uống cạn. Tôi liền mò mẫm trong bóng tối và đụng phải một vật sắc bén. Tôi liền vồ lấy và rạch một đường nơi cổ tay, đẩy miệng con tôi vào cho cháu mút giòng máu nóng. Cháu yên lặng được vài tiếng thì cơn đói lại cào cấu, và cháu lại gào lên khóc. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay bên kia, đưa vào miệng cháu. sau đó, tôi không còn biết gì nữa? Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ chết hay sao? Tôi không hề nghĩ đến cái chết của mình, mà chỉ nghĩ làm cách nào cho con tôi được sống.

Tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu hiến dâng mạng sống của người mẹ dành cho đứa con trong câu chuyện trên đây, là lời minh chứng hùng hồn cho lời dạy của Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy đã yêu chính là cúi xuống rửa chân cho nhau để bày tỏ một tình yêu sâu thẳm, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội tình yêu. Yêu như Thầy đã yêu chính là hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như bạn hữu thân tình. Yêu như Thầy đã yêu chính là yêu cho đến cùng, yêu cho đến chết và chết trên thập giá. Vâng, kể từ khi Con Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, thì luật yêu thương đã trở thành điều răn mới, mới ở đây chính là yêu như Thầy đã yêu.

Chúng ta chỉ có thể yêu như Thầy đã yêu khi chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu sâu nặng mà Người đã dành cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể yêu như Thầy đã yêu khi chúng ta dám quên mình, bắt chước Thầy, cúi xuống trước anh em. Chúng ta chỉ có thể yêu như Thầy đã yêu khi chúng ta dám xả thân, yêu cùng mức độ như Thầy, hiến dâng mạng sống cho anh em. Như vậy, yêu như Thầy đã yêu không phải là tình yêu vị kỷ (Eros) yêu người khác nhưng chỉ để lợi dụng, chiếm đoạt cho riêng mình, vì mình mà thôi; nhưng chính là tình yêu vị tha (Agapé) sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho kẻ khác. Yêu như Thầy đã yêu chính là một dòng chảy không ngừng. Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống chúng ta, qua Thánh Thần Tình Yêu của Người, rồi từ con tim tràn đầy yêu thương của chúng ta, dòng suối tình yêu lại tuôn tràn sang những người anh em khác.

Nếu tình yêu như một dòng chảy liên kết chúng ta lại với Chúa, thì chính tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta lại với nhau. Và đó cũng chính là dấu chỉ của môn đệ Đức Kitô: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy. Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Lạy Chúa, nếu “đồng phục của người Kitô hữu là yêu thương” thì xin cho chúng con luôn tỏa sáng trong cuộc sống những lời nói yêu thương, những nghĩa cử nhân hậu, những hành động xả thân cho anh em, để xứng đáng làm môn đệ Đấng đã yêu thương chúng con cho đến cùng.

Xin cho suối nguồn tình yêu của Chúa tuôn chảy vào tâm hồn chúng con, không đọng lại như nước ao tù, nhưng luôn là dòng chảy tình yêu đến với mọi người, để khắp thế giới tràn đầy tình yêu. Amen.


6. Giới răn yêu thương – R. Veritas

Ngày nay, nếu có ai ghé thăm Tientina Alba, một làng nằm ở phía bắc Rumani, đều trông thấy bên ngoài làng có một gò đất lớn, bên trên cắm một cây Thánh Giá thật to. Đó là nấm mồ tập thể của 5,000 tín hữu Công giáo thuộc Giáo hội Đông phương nước Rumani đã bị quân xâm lược sát hại vào buổi sáng ngày lễ Phục Sinh ngày 1/04/1941.

Tientina Alba trong tiếng Rumani có nghĩa là “Suối trắng”. Nhưng vào một buổi sáng cách đây hơn nửa thế kỷ nó đã trở thành một con suối máu của 5,000 người Công giáo chết vì Chúa Kitô. Quân xâm lược đã triệt để thi hành chính sách tiêu diệt tôn giáo. Người dân Rumani sống tại vùng này đều thuộc Giáo hội Công giáo Đông phương, nên đó là một chướng ngại lớn đối với đường lối xâm lăng diệt chủng này.

Anh chị em thân mến!

Biến cố thương đau trên đây trong lịch sử Giáo hội Rumani giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp của Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay. Đó là điều giúp chúng ta có thể bước vào cuộc sống Phục Sinh vinh quang trên thành thánh Giêrusalem thiên quốc. Người Kitô hữu cũng phải đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô bước đi trên con đường tăm tối của bắt bớ, khổ đau và cái chết.

Thành thánh Giêrusalem thiên quốc như đã diễn tả trong chương 21 của sách Khải Huyền là một kinh thành kỳ lạ, nó là điểm thành toàn của lịch sử cứu độ cứu độ sau khi vượt thắng tất cả mọi lực lượng lịch sử xã hội tiêu cực và chiến thắng kinh thành thế tục gian ác tội lỗi của trần gian này. Sau khi chiến thắng kinh thành Babylon hiện thân của mọi quyền lực chính trị, ý thức hệ và kinh tế trần gian bắt bớ chống đối Giáo hội, sau khi đánh tan mọi lực lượng sự dữ do ma quỉ chỉ huy, cộng đoàn Kitô hữu hân hoan khải hoàn bước vào kinh thành thiên quốc. Họ bước vào trời mới đất mới, nơi không còn khóc than, khổ đau, chết chóc, buồn thương và mệt nhọc nữa.

Bởi vì, thế giới cũ đã qua rồi và mọi sự đã được đổi mới. Giờ đây, họ được sự hiện diện rạng ngời của Thiên Chúa, Đấng ở cùng chúng tôi. Nhưng trước đó, con đường của Giáo Hội lữ hành là con đường khổ nạn của Chúa Giêsu.

Trong khung cảnh thân tình của bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ lời tâm huyết. Sau khi Giuđa, kẻ phản bội Ngài rời khỏi nhà Tiệc Ly để đi vào đêm tối mịt mù. Đêm tối của tâm hồn và cuộc đời Giuđa và đêm tối của thế giới.

Qua đó, Chúa Giêsu mới thổ lộ cho các tông đồ biết rõ hơn con đường dẫn Ngài tới chỗ vinh quang, đó là con đường của Thập Giá. Chính khi bị treo khổ nhục trên Thập Giá, cũng là chính lúc Chúa Giêsu được tôn vinh và thành toàn chương trình cứu độ trần gian của Ngài.

Như vậy, những khổ hình Thập Giá thay vì dấu chỉ của hình phạt, thì nó lại trở thành dấu tích yêu thương cao vời nhất mà Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã dành cho con người. Do đó, chỉ những ai sống yêu thương mới hiểu được cái logic ngược đời ấy của Thập Giá. Đồng thời đây cũng là kiểu cách hành động của Thiên Chúa.

Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu trăn trối lại cho các tông đồ và cho cộng đoàn Giáo hội thật mới mẻ, vì nó diễn tả thái độ dấn thân tuyệt đối và trọn vẹn mà Chúa Giêsu đã ký kết với loài người bằng chính máu của Ngài. Tình yêu thương ấy là tình yêu thương hai chiều bình đẳng giữa các tín hữu. Bởi vì trong cộng đoàn ai cũng cần yêu thương và được yêu thương. Nhưng từ nay không còn chuyện yêu người như yêu mình nữa, mà yêu người như chính Thầy đã yêu chúng con, nghĩa là Kitô hữu phải yêu thương nhau với cùng cường độ trong cùng tâm tình và kiểu cách của Chúa Giêsu là tận hiến vô biên và trọn vẹn. Tình yêu thương của Chúa Giêsu là suối nguồn, mẫu mực và linh hồn tình yêu thương của Kitô hữu. Và sau cùng, tình yêu ấy là căn cước, là chứng tích sống động giúp nhận ra ai là thành viên thực sự thuộc cộng đoàn Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô.

Trong chương 14 sách Tông đồ Công vụ, thánh Phaolô cũng chỉ cho chúng ta con đường chắc chắn giúp tiến về kinh thành Giêrusalem. Đó là noi gương Chúa Giêsu can đảm tiến bước trên con đường Thập Giá của lòng tin.

Phần thứ hai của sách Tông đồ Công vụ, các chương 13-28 nêu bật sự truyền giáo của thánh Phaolô. Các trình thuật cho chúng ta thấy ba nhân tố thần học song song quan trọng sau đây:

1. Gương mặt của Saolô lòng đầy hận thù, hăng hái tìm cách bắt hại và bỏ tù tất cả những ai tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu và gương mặt của một Phaolô không ngừng thôi thúc Kitô hữu vững vàng trong lòng tin và kiên trì chịu đựng mọi bắt bớ gian lao thử thách vì Chúa Giêsu Kitô.

Kinh nghiệm cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô Phục Sinh đã khiến cho Phaolô xác tín rằng con đường duy nhất giúp hiện thực ơn gọi làm người toàn vẹn là bước theo Chúa Giêsu Kitô và sống Tin Mừng của Ngài, cho dù có phải trả giá đắt đỏ bằng chính sự sống của mình đi nữa.

2. Nhân tố thần học song song thứ hai là kinh nghiệm đau khổ mà thánh Phaolô phải chịu vì Thập Giá Chúa Kitô và kinh nghiệm bách hại mà cộng đoàn Kitô phải sống. Phaolô đã lâm cảnh lao đao lận đận, ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng của Ngài. Và Kitô hữu trong cộng đoàn tiên khởi thời đó cũng như trong các thế hệ sau này khắp nơi trên thế giới đều phải sống kinh nghiệm Thập Giá như thầy mình là Chúa Giêsu Kitô.

Chỉ khi biết phám phá ra cái logic lạ lùng ngược đời ấy, con người và thế giới mới tìm được thế quân bình hạnh phúc trọn vẹn thời khai nguyên vũ trụ và mới thực hiện được chương trình sống mà Thiên Chúa muốn.

Nói cách khác, con đường dẫn đến cuộc sống giờ đây là con đường dẫn tới Thập Giá và khổ đau mà Kitô hữu cần phải chấp nhận mỗi ngày trong tâm tình của Chúa Giêsu Kitô, để sinh vào cuộc sống và thế giới này, để mở mắt nhìn thấy cha mẹ, người thân, mặt trời, trăng sao, thú vật và hoa cỏ xinh tươi. Đứa bé nào cũng phải xé lòng mẹ và khóc tiếng chào đời. Nó chào đời và đời chào đón nó bằng tiếng khóc pha trộn nỗi vui mừng và niềm hy vọng.

3. Mấu điểm thần học song song thứ ba được nêu bật trong phần 2 của sách Tông Đồ Công Vụ là cái song song giữa kiểu cách mà Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của thánh Phaolô với kiểu cách Thiên Chúa hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu, Giáo hội và thân mình mầu nhiệm của Ngài.

Trên con đường cuộc sống lòng tin, chúng ta tất cả đều cần đến người hướng đạo có nhiều kinh nghiệm chỉ bảo, khuyên nhủ và khuyến khích. Thánh Phaolô đã được Annania chỉ bảo, giảng giải và hướng dẫn trên con đường cuộc sống mới do Chúa Kitô Phục Sinh chỉ vẽ cho ông. Giờ đây thánh nhân chọn lựa các linh mục, các vị hữu trách có nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn Kitô hữu. Đó là những vị bô lão. Bô lão ở đây không ám chỉ sự già dặn của tuổi tác cho bằng sự già dặn kinh nghiệm trong cuộc sống lòng tin, lòng tin cậy trông và lòng mến.

Vị linh mục, người lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn già dặn về tuổi tác là một phần thứ yếu, nhưng phải già dặn về kinh nghiệm sống thân tình với Thiên Chúa và thông hiểu giáo huấn Tin Mừng của Chúa cũng như giáo huấn của Giáo hội, đó là điều thiết yếu mà linh mục cần phải có. Chúng ta hiểu tại sao trước khi trao cho Phêrô trọng trách hướng dẫn Giáo Hội, Chúa Giêsu đã ba lần hỏi xem ông có yêu mến Ngài hơn những người này không? Chính tình yêu là linh hồn của công tác rao giảng nước Chúa và là hộ chiếu giúp tín hữu được bước vào kinh thành hạnh phúc. Nó là một tình yêu trọn vẹn trong mọi chiều kích thần học cũng như xã hội ở đời này cũng như trong cuộc đời mai sau. Amen.

7. Giới răn yêu thương

Thánh Gioan đã mở ra một tương lai tươi đẹp cho toàn thể nhân loại. Trong bài đọc thứ hai được trích từ chương áp cuối của sách Khải Huyền, tức chương 21,2-5, sẽ có một trời mới, đất mới, một thành thánh Giêrusalem mới, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Người sẽ lau sạch nước mắt của họ, nhưng trong thời lữ hành tại thế, các tín hữu cũng như toàn thể Hội Thánh phải chịu nhiều gian lao thử thách. Bài đọc một thuật lại cuộc viếng thăm của hai tông đồ Phaolô và Barnaba tại các giáo đoàn Listra, Ticonio và Antiokia. Hai vị tông đồ khuyên nhủ các tín hữu giữ vững đức tin mặc dù những gian lao thử thách: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”.

Tâm điểm của Lời Chúa Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh năm C, chính là giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu ban bố và trăn trối cho các môn đệ trước khi Người ra đi chịu chết: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Giới luật yêu thương của Cựu Ước: “Ngươi không được để lòng ghét anh em. Ngươi không được trả thù, không được oán hận. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” (Lêvi 19,17-18). Giới luật đó đã được Chúa Giêsu hoàn tất và ban bố như luật tối thượng của giao ước mới, của luật mới: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất, còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môisen và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40).

Luật yêu thương này là cốt tủy của đạo Chúa và cũng là nền tảng của mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Mến Chúa yêu người đi song đôi với nhau. Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu tha nhân và tình yêu tha nhân là thước đo tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là mẫu mực để tình yêu con người trở nên hoàn thiện. Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước để mỗi người noi theo: Tình yêu cốt tủy ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,10-11).

Yêu thương bằng cả con tim và bằng hy sinh cả mạng sống chứ không phải chỉ yêu thương bằng môi miệng. Tình yêu bao giờ cũng minh chứng bằng việc làm, bằng hành động. Luật yêu thương còn là điểm nòng cốt để chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Đây cũng là dấu chỉ để người khác nhận ra chúng ta là người Kitô. Và đây cũng là chứng tá của các môn đệ Kitô cho thế giới đầy bất hoà hôm nay. “Mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy ở điểm này, là các con có lòng yêu thương nhau”.

Lời Chúa Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh mời gọi mỗi tín hữu Chúa Kitô, những người môn đệ của Chúa hôm nay hãy xây dựng trời mới, đất mới, bằng chính lòng tin sắt đá và tình yêu tinh ròng. Hãy kiểm điểm lại cách ăn nết ở của mình, xem đã nhập tâm giới luật yêu thương của Chúa đến đâu. Bao lâu còn bất hoà chưa sẵn lòng tha thứ, còn để bụng thù oán, bấy lâu mình chưa phải là môn đệ của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con thực thi giới răn yêu thương. Xin đổ tràn tình yêu của Chúa xuống trên chúng con để chúng con có thể yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật lòng trong mọi hoàn cảnh.

8. Ai là gương mẫu của chúng ta? – Achille Degeest

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Giuđa đi khỏi, bầu khí phòng tiệc trở lại đầm ấm. Chúa đối thoại thân thiết với các môn đệ. Người nói ra những điều Người đang suy nghĩ. Sắp tới giờ Người được tôn vinh. Lời nói Chúa phát xuất từ thâm tâm và muốn động tới thâm tâm các môn đệ. Đối với Chúa, tôn vinh nghĩa là, sau khi hoàn tất sứ mạng, Người sẽ tỏ rõ phẩm vị của Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Chịu khổ nạn và sống lại, hành vi tuyệt đỉnh ấy của sứ mạng đang tiến đến gần, do đó có câu: Thiên Chúa sắp tôn vinh Con Người. Mầu nhiệm sự sống qua cõi chết, vinh quang qua ô nhục và sống lại, sắp hoàn tất. Mầu nhiệm đã kết thúc ở sự biểu dương đời sống Thiên Chúa trong Con Người, không những vì được Thiên Chúa thêm sức sống, mà chính vì Người là Con Thiên Chúa. Từ ngữ các con bé nhỏ Chúa dùng để nói với các môn đệ biểu lộ niềm thương mến của một người Cha. Chúa nghĩ đến nỗi buồn sầu sắp tới của các môn đệ, nỗi hoang mang của họ trước cuộc Thương Khó. Chúa dạy họ hãy sát cánh đương đầu với thử thách, và lệnh truyền của Người là thương yêu nhau bằng một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Chúng ta nêu hai câu hỏi:

1) Lệnh truyền của Chúa mới lạ ở điểm nào?

Trong Cựu Ước đã có huấn lệnh thương yêu tha nhân như chính mình (Lêvi 19,18). Lề Luật tuy không minh thị đặt người ngoại chủng ra ngoài, nhưng trực tiếp nhắm vào những thành phần khác trong dân Chúa, coi họ là tha nhân. Mặt khác, sự giải thích của người đồng thời với Đức Giêsu về huấn lệnh trên, nói đúng ra, nặng phần tiêu cực, người ta phải tránh gây thiệt hại cho tha nhân để khỏi bị tha nhân ăn miếng trả miếng. Đức Giêsu nhắc lại huấn lệnh, trả lại cho huấn lệnh giá trị tích cực. Người đi a hơn Lề Luật, dạy người ta phải thương yêu cả những kẻ thù nghịch. Và điểm hoàn toàn mới lạ, chính là gương Đức Giêsu sắp nêu cao về tình yêu của Người bằng cách chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chính những kẻ giết Người. Gương mẫu ấy phải soi sáng tình yêu của người Kitô hữu.

2) Lện truyền của Chúa thực hiện theo cách nào?

Lời đáp nằm trong chỉ dẫn: như Ta đã thương yêu các con. Tình yêu của Đức Kitô đối với nhân loại phát xuất từ đâu? Như Cha đã yêu Ta, Ta cũng đã yêu các con (15,9). Tình yêu của Đức Kitô đối với nhân loại bắt nguồn từ Chúa Cha. Tình yêu của chúng ta đối với tha nhân bắt nguồn từ Chúa Kitô, và chung cục bắt nguồn từ Thiên Chúa. Người ta chỉ thật sự thương yêu nếu tình yêu phát xuất từ nguồn mạch. Giả sử nguồn mạch bị giới hạn, ví dụ nguồn mạch là trái tim con người cho dẫu trong sạch chăng nữa, tình yêu tất bị giới hạn. Nếu nguồn mạch là Thiên Chúa, là trái tim Đức Kitô, thì tình yêu trở nên bất tận. Hơn nữa, trong Đức Kitô không một tình yêu nào làm giảm tình yêu khác. Nếu tình yêu của chúng ta phát xuất từ Thánh Tâm Chúa, tình yêu ấy có thể biểu hiện như một thực tại thần hoá, nghĩa là dẫn đưa con người đến đích của niềm khát vọng.


9. Trời mới đất mới – Lm. Jos. Phạm Thanh Liêm

Thiên Chúa là Đấng luôn mới, Ngài luôn có những chương trình và sáng kiến tuyệt vời để can thiệp và cứu độ con người trong những tình huống khác nhau. Ngài vẫn tiếp tục làm mới tất cả và đặc biệt con người. “Này đây Ta làm mới tất cả”

“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?

Núi bao nhiêu tuổi, vẫn là núi non!”

Một đồ vật, cũ theo thời gian. Một cái máy, không làm cái gì “mới” vì người ta biết cái gì sẽ xảy ra. Làm một cách “máy móc”, nghĩa là người ta có thể biết những hành động tiếp sau.

Con vật không có tự do, thế nên người ta có thể kiểm soát và chi phối chúng, bắt chúng làm theo ý người ta; chẳng hạn những con vật được dùng để làm xiếc. Khi một người nô lệ tiền bạc, người khác có thể dùng tiền bạc để chi phối hay điều khiển họ. Một người ham sắc, có thể bị điều khiển bởi người nữ. Chuyện Bao Tự- Kỷ vương là một thí dụ. Những người như vậy, tuy tự do mà chẳng tự do. Ai mà không thể cưỡng lại điều gì, e rằng người đó không còn tự do nữa.

Con người luôn luôn mới vì con người luôn tự do. Con người, có thể thay đổi. Đổi thành tuyệt hơn hoặc tệ hơn. Tốt hơn và tuyệt hơn, không phải là chuyện “đã qua”, nhưng luôn là chuyện “hiện tại”. Vấn đề không là “quá khứ tôi tốt”, nhưng chính yếu là “lúc này tôi có tốt không?” Vấn đề không là “hôm qua nó xấu”, nhưng chính yếu là “bây giờ người đó thế nào?” Con người, luôn luôn có thể mới. Không ai biết được! Những lần trước, họ như vậy, nhưng không có nghĩa họ như vậy lần này. 999 lần trước, họ như vậy, nhưng lần này, có thể họ khác. Con người có thể mới, con người luôn luôn có thể mới.

Con người có tự do, không ai bắt họ “đổi” được. Cha mẹ, anh em, những người thân, muốn điều tốt cho họ, thế nhưng tất cả đều bất lực. “May ra Thiên Chúa có thể làm gì được chăng!” Thiên Chúa có thể làm được, nhưng Ngài lại cho con người “tự do”, nên dường như Ngài cũng “bất lực”!

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể biến đổi con người mà con người vẫn tự do. Thiên Chúa có thể làm điều đó, vì Ngài yêu con người vô cùng. Ngài có cách làm con người biến đổi. Dường như chỉ Thiên Chúa mới có thể làm con người biến đổi, vì “dường như” chỉ Thiên Chúa mới yêu thương “ai đó” vô cùng! Tình yêu có sức biến đổi con người mà con người vẫn tự do.

Thiên Chúa vẫn đang làm mới tất cả, qua Đức Yêsu chết và phục sinh.

Yêu nhau như Thầy yêu anh em

“Thầy để lại cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Như Thầy yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau. Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau”.

Luật Cựu Ước dạy: “yêu thương tha nhân như chính mình” (Lv.19, 18). Chúa Yêsu dạy: “yêu thương tha nhân như chính Chúa yêu thương chúng ta”. Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ Ngài sẵn sàng chết để chúng ta được sống, và Ngài mời gọi mỗi người hãy yêu thương người khác như Ngài yêu họ.

Yêu thương người khác như chính mình, đã là một điều khó; phương chi bây giờ Ngài mời gọi yêu thương đến hiến mạng sống cho tha nhân. Ai dám nói yêu thương là điều dễ? Yêu, phải hy sinh quên mình, và làm tất cả những gì là tốt lành cho người mình yêu.

Dấu chỉ để nhận ra một người là môn đệ Chúa, không là “được rửa tội”, không là “có đi lễ Chúa Nhật”, cũng không là “mặc áo dòng”, mà là “yêu thương nhau”! Không yêu thương nhau mà nhận mình là người theo Chúa, là phản chứng. Không yêu thương mà nói mình biết Thiên Chúa, là nói dối; vì “ai yêu thương thì biết Thiên Chúa; ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga.4, 7-8). Cái biết ở đây, không là biết nói “như con vẹt”, nhưng là biết bằng hành động, bằng con tim, bằng cảm nhận.

Thiên Chúa đang làm mới tất cả qua những trung gian

Thánh Thần Thiên Chúa đã dùng các Kitô hữu sai gởi Phao-lô và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng. Thiên Chúa đã dùng Phao-lô và Barnaba để rao giảng và củng cố đức tin của các tín hữu.

Thiên Chúa vẫn đang dùng những con người hôm nay, những Ki-tô hữu, để làm con người đương thời tin vào Tin Mừng, tin vào Thiên Chúa, tin vào con người. Thiên Chúa đang làm mới tương quan giữa con người và Thiên Chúa qua các chứng nhân rao giảng Tin Mừng, qua thừa tác viên bí tích hoà giải. Thiên Chúa đang làm mới tương quan giữa người với người qua việc làm con người tin vào nhau, khi Thiên Chúa làm cho con người biến đổi, khi Thiên Chúa làm cho con người tin vào Thiên Chúa để có thể tin vào nhau.

Thiên Chúa vẫn đang làm mới con người, trái đất này, vũ trụ này qua những trung gian và phương tiện khác nhau. Khi tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Kitô, chúng ta trở thành con người mới, tạo vật mới.

Tạ ơn Chúa, và cám ơn tất cả mọi người- những trung gian của Chúa cho tôi.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Bạn có thấy ai chán nản và tuyệt vọng không? Đâu là nguyên do làm con người tuyệt vọng?

2. Con người luôn có thể không trung tín, vậy tại sao con người có thể tin vào nhau? (chẳng hạn vợ chồng, bạn bè)

3. Bạn có kinh nghiệm được Thiên Chúa dùng như trung gian để làm mới ai đó không? Nếu được xin bạn chia sẻ.

10. Ai yêu thương đều là Kitô hữu

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêsa thành Calcutta tiến lại gần một người, người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Đó là một bà lão. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêsa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương nầy đang hấp hối… có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén xúp nóng và tràn đầy tình thương yêu.

Người đàn bàn đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêsa bằng một giọng thều thào: “Tại sao bà lại làm như thế?”

Mẹ Têrêsa trả lời:

- “Bởi vì tôi rất yêu mến bà…”.

Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất tận đáy lòng đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.

- Ôi, bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!

- Tôi rất yêu mến bà, Mẹ Têrêsa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.

- Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà!

Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêsa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời nầy…

Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêsa đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta – “Yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương chúng ta” – Và đó cũng là điều răn mới của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, trong nỗi bồi hồi xúc động của giây phút chia ly, đã dốc hết lòng mình với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”. Lời di chúc của người sắp ra đi thật là trang trọng và thâm sâu! Trước đó, Thầy đã khẳng định đây là mệnh lệnh, là giới răn của Thầy!

Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau.

Nhưng, thưa anh chị em, yêu thương nhau, đâu phải chỉ có kitô giáo mới giảng dạy. Văn hoá Á Đông đã từng nêu châm ngôi: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn biển là anh em. Đạo lý cha ông ta cũng đã răn dạy: thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng thương yêu rộng mở của người đối với người trong một xã hội.

Vậy thì giới răn yêu thương của Kitô giáo có đem đến cái gì mới mẻ hơn chăng?

Chỉ dựa vào lời di chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng ta đã tìm ra được nét độc đáo và đặc thù của tình yêu Kitô giáo. Đó là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.

Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em máu mủ”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa. Mẫu mực, thước đo của tình yêu Kitô giáo là chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu trao ban, là tình yêu dâng hiến. Chúa Giêsu khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Ngài đã khéo so sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13).

Đó là bản đúc kết, là bản tóm tắt nội dung cuộc sống và cái chết của Đấng bị đóng đinh thập giá để nói lên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, đầy tình thứ tha đối với hết mọi người không trừ ai. Tình yêu thương vô bờ bến đó phải là mẫu mực để chúng ta noi theo.

Chúa Giêsu không đòi các môn đệ của Ngài phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Ngài cũng không bắt họ phải sống nhiệm nhặt, gò bó như nhóm người Biệt phái Pharisêu trong việc tuân giữ các giới luật. Điều Ngài đòi nơi các môn đệ, chỉ một điều duy nhất mà thôi, là phải yêu thương anh em, yêu thương người khác như chính Ngài đã yêu thương mọi người đến tột cùng, đến hết khả năng yêu thương của Thiên Chúa.

Chính tình yêu thương vô vị lợi, phổ quát, bao dung nầy sẽ là dấu chứng của những người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người môn đệ Chúa Giêsu là người biết yêu thương tha nhân và ngược lại. Ngay từ cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi, dấu chứng tình yêu đã trở thành chứng tá của Chúa Kitô Phục Sinh. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, các người bên ngoài Giáo Hội cũng vẫn nhận ra Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của một tấm lòng vị tha, bác ái của người tín hữu.

Thưa anh chị em,

Trong cuộc sống hằng ngày, không phải chúng ta không biết đến đòi hỏi căn bản nhất của Tin Mừng là yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương họ. Chúng ta cũng vẫn được giảng dạy: Tình yêu là dấu chứng thuộc về Chúa. Thế nhưng, từ chỗ biết đến chỗ sống, luôn luôn vẫn có một khoảng cách: chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho tha nhân. Chúng ta vẫn muốn giới hạn tình yêu tha nhân trong một mức độ nào đó để khỏi phải quá thiệt thòi cho mình. Chúng ta vẫn muốn dựa vào tấm áo hay một danh xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chứ chúng ta chưa dám “liều mạng” để chỉ khẳng định chân tính Kitô hữu của mình bằng ý nghĩa và hành động yêu thương chân thật. Vì thế mà ngay đối với người bên cạnh, có thể là linh mục chánh hay phó xứ, có thể là một anh chị em trong cộng đoàn, có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cái lý luận trần tục: người ta đối xử với tôi thế nào, tôi đối xử lại như thế ấy! Quan hệ của chúng ta với tha nhân còn mang nặng tính vụ lợi, đổi chác, mua bán. Và cách sống thấp hèn như vậy chẳng nói được với ai điều gì về niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa Tình Yêu cả! Trái lại, cách sống ấy là một phản chứng về Thiên Chúa, không làm cho ai tin được Thiên Chúa của chúng ta. Bởi vì “người ta cứ dấu nầy mà nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau”. “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau”. Vậy, ai không yêu thương nhau, người ấy không phải là Kitô hữu, hay đúng hơn, đó là kẻ chối đạo. Thiên Chúa là tình yêu. Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Không yêu thương nhau là không biết Thiên Chúa, là chối đạo.

Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục làm chứng bằng cuộc sống Kitô hữu của chúng ta rằng: Đạo Thiên Chúa là đạo yêu thương nhau. Hãy để cho lòng mình lắng đọng để ân sủng Chúa giúp chúng ta thấy hết tầm mức của giới răn mới và những khoảng cách xa vời trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta quyết tâm sống giới răn yêu thương của Chúa như chính Chúa đã sống và truyền dạy chúng ta.


Yêu thương anh em
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top