Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
09.01.2013
Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Lời Chúa: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Lc 3,15-16.21-22
Hồi đó, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gio-an: biết đâu ông chẳng là Đấng Mê-si-a. Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa… Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
1. Con cái Chúa
Như chúng ta đã biết: Geoge Wasinhton là vị tướng tài ba và là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Thế nhưng, rất ít người biết ông còn là một tấm gương sống động về lòng hiếu thảo đối với người mẹ của mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, cũng như giữa những công việc bề bộn và nặng nề nhất của một vị nguyên thủ quốc gia, ông vẫn dành thời giờ về thăm hỏi và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già. Một hôm mẹ đã hỏi ông như sau: Tại sao con dành nhiều thời giờ thăm nom mẹ như vậy? Ông liền trả lời: Thưa mẹ, ngồi bên mẹ để lắng nghe mẹ nói thực không phải là việc mất giờ. Chính sự bình thản và lòng tốt của mẹ dạy con muốn tiếp tục sống.
Đoạn Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Đức Kitô với Chúa Cha, cũng như giữa chúng ta với Thiên Chúa. Trước hết là mối liên hệ giữa Đức Kitô và Chúa Cha.
Như chúng ta đã biết Đức Kitô chính là người con duy nhất của Chúa Cha. Vì vâng phục Ngài đã xuống thế làm người để cứu độ chúng ta. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, nỗi ưu tư số một của Ngài là chu toàn thánh ý Chúa Cha, đến nỗi thánh Phaolô đã phải viết: Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.
Chính vì thái độ vâng phục vô điều kiện này, mà hôm nay bên bờ sông Giođan, cũng như mấy năm sau trên đỉnh Taborê, chính Chúa Cha đã tuyên phong Ngài: Này là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con. Hãy vâng lời Ngài.
Còn mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa thì sao? Như chúng ta đã biết nhờ công nghiệp tử nạn của Đức Kitô qua dòng nước của bí tích Rửa Tội, chúng ta được tẩy xoá khỏi mọi dấu vết tội lỗi, lấy lại được địa vị làm con cái Thiên Chúa. Thế nhưng để xứng đáng làm con cái Ngài, thì chúng ta cần phải vâng phục, cần phải chu toàn thánh ý Ngài trong lòng cuộc đời chúng ta.
Thực vậy, một người con ngoan sẽ không phải là một người con vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại phải là một người con mau mắn vui vẻ tuân giữ những điều cha mẹ chỉ dạy. Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Để xứng đáng làm con cái Chúa, chúng ta cũng phải vui vẻ và mau mắn thực thi thánh ý Ngài. Thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười điều răn Ngài truyền cho Maisen trên núi Sinai, qua những điều Ngài truyền dạy trong Kinh Thánh, nhất là qua giới luật yêu thương của Phúc Âm. Cũng như qua những điều Giáo Hội, thay quyền Chúa mà chỉ dạy cho chúng ta.
Thế nhưng, nếu như lúc này Ngài nhìn mỗi người chúng ta, liệu Ngài có thể nói lên như xưa Ngài đã nói với Đức Giêsu bên bờ sông Giođan: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng hay không?
2. Chúa chịu phép rửa
Khi suy niệm về biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa, tôi thấy có một cái gì gần gũi với ý nghĩa của hình ảnh “hoa sen nở trên bùn lầy”.
Thực vậy, Đức Kitô là Đấng thánh thiện tuyệt vời, nơi Ngài không hề vương vấn bất cứ vết nhơ nào của tội lỗi, vậy mà Ngài đã làm một chuyện thật lạ lùng và khó hiểu, đó là xin Gioan làm phép rửa cho mình tại sông Giođan.
Bấy giờ Gioan đang kêu gọi người ta chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối ăn năn. Chuyện đó thật bình thường và dễ hiểu đối với con người, bởi vì con người ai mà chẳng có tội. Nhưng Đức Kitô thì có tội lỗi gì mà phải sám hối ăn năn và do đó, Ngài chẳng có lý do để mà chịu phép Rửa.
Thánh Phêrô trong bức thư thứ nhất, có nói một câu thật chí lý: Tội lỗi của chúng ta Ngài đã mang lấy vào thân, hầu đưa lên cây thập giá. Đức Kitô đã không chỉ tha tội và xoá tội cho nhân loại như người ta tha cho một tù nhân, hay như người ta xoá bỏ một món nợ, nhưng Ngài đã gánh vác, đã nhận lấy cho mình mọi hậu quả của tội lỗi.
Sen mọc trên bùn, đã không tránh né cái nhơ bẩn của bùn, trái lại đã thu hút chính cái bùn nhơ đó vào thân mà biến đổi nó thành hoa thơm. Đức Kitô cũng đã mang lấy, cũng đã gánh lấy tội lỗi của loài người, đem nó vào thân thể Ngài, để biến đổi, để gạn lọc, và làm cho nó trở thành hương thơm, trở thành vẻ đẹp. Ngài đã biến đổi trong chính bản thân Ngài tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở thành thánh đức. Đó là ý nghĩa của việc Ngài chịu phép Rửa, bởi vì Ngài đã không chỉ tha tội mà còn thánh hoá nhân loại, không chỉ xoá bỏ tội lỗi con người mà còn làm cho con người tội lỗi trở nên thánh thiện và công chính.
Hay nói khác đi, Con Thiên Chúa làm người không phải chỉ để chuộc tội, tha tội hay đền tội thay cho loài người mà còn mang lấy kiếp người tội lỗi, để biến đổi chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Khi Đức Kitô chịu để cho Gioan rửa mình trong nước sông Giođan chính là lúc, hơn bao giờ hết, Ngài ý thức mình đang ngụp lặn, đang chìm sâu dưới dòng nước tội lỗi của nhân loại chồng chất từ thời Adong Eva. Ngài chấp nhận cho tội lỗi ngập đầu ngập cổ mình để rồi biến đổi chính dòng nước tội lỗi ấy thành một dòng sông của tình thương, một nguồn suối của ơn sủng. Ngài quả là một bông sen mọc lên từ chính chỗ bùn lầy, vươn lên từ chính nước ao tù, biến đổi bùn lầy và ao tù ấy trở thành hương sắc.
Nhập thể đối với Đức Kitô không phải chỉ là việc đội lốt người, một cuộc dạo chơi trong xã hội, mà thực sự là một việc hộp nhập, hơn thế nữa, phải nói là một sự dính dấp hoàn toàn đối với thân phận và định mệnh con người, kể cả thân phận tội lỗi và số kiếp tử vong.
Đức Kitô là Đấng thánh thiện, nhưng đã tự ý chấp nhận thân phận tội lỗi của con người với tất cả những hệ luỵ của nó. Bởi đó chấp nhận dìm mình dưới dòng nước Giođan, chính là chấp nhận cái chết. Vì thế, chúng ta mới hiểu được tại sao Đức Kitô lại nói về cái chết của Ngài như một phép rửa. Và hành động chịu phép rửa hôm nay có tính cách quyết định cho cả sứ vụ của Ngài. Đây là một lời tiên tri loan báo ý định dấn thân tới cùng sẽ dẫn đưa Ngài tới cái chết thập giá, thế nhưng cũng chính nhờ đó mà Ngài đã được Chúa Cha tuyên phong: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
3. Phép Rửa khiêm nhường – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.
Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.
Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.
Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.
Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.
Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.
Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)
Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Chúa Giêsu không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng muốn gìm người khác xuống?
2. Làm thế nào để trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?
3. Hằng ngày, bạn có cảm thấy cần phải chịu phép rửa khiêm nhường của Chúa Giêsu không?
4. Cuộc gặp gỡ sâu xa với Đức Giêsu Kitô
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Sự ăn năn sám hối thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng là âm vang của truyền thống Do Thái. Chúng ta trích dẫn đoạn văn tuyệt tác Ezêkiel sẽ đọc trong phụng vụ Phục Sinh (thật vậy, việc Chúa chịu phép Rửa tiên báo mầu nhiệm Vượt Qua): “Trên các ngươi Ta sẽ rảy nước trong sạch và các ngươi sẽ được trong sạch… Ta sẽ ban cho các ngươi một tâm hồn mới, một tinh thần mới”. Sự thanh tẩy bằng nước là một chủ đề dễ hiểu, nhưng dẫu sao nguồn mạch phải trong sạch để cung cấp một thứ nước trong sạch. Nguồn thanh tẩy thiêng liêng là Thiên Chúa. Mà tác động của Người không chỉ ít hay nhiều nhắm vào bề ngoài con người. Sự thanh tẩy không chỉ là một sự dội nước đơn giản, nó thấm sâu tâm hồn và thần trí như lửa vào sâu trong vật bị nung đốt để loại bỏ tất cả những gì là cặn bã dơ bẩn. Phép Rửa của thánh Gioan khuyên giục dân chúng cải thiện nếp sống, chuẩn bị tâm hồn để gặp gỡ Chúa Giêsu. Phép Rửa của Đức Giêsu thấm sâu nội tâm, cho chúng ta một tâm hồn đổi mới nhờ ơn Chúa Thánh Linh. Chúng ta có được hai kết luật:
1) Nhờ dấu chỉ nào để trong thế giới ngày nay, nhận biết ai là tiền hô đích thật? Người ta nói rất nhiều về thế giới đang đột biến, đang chuyển mình, từ mọi phía nổi lên những tiếng nói tiên đoán về ngày mai của Giáo Hội. Trên bình diện đức tin, người ta không lầm khi tự hỏi: những “tiên tri” ấy có hướng dẫn đến với Đức Giêsu Kitô không? Tiếng nói của Gioan Tiền Hô hướng dẫn thính gỉa đến với Đức Giêsu. Những “tiên tri” ngày nay hô hào thay đổi thái độ, thay đổi điều kiện sinh hoạt, thay đổi cơ cấu xã hội, v.v… nhưng không hướng dẫn người ta đến với Đức Kitô, nghĩa là không hô hào thay đổi tâm hồn nhờ tác động Chúa Thánh Linh. Xét về bình diện Giáo Hội, tiếng nói của họ chẳng có giá trị loan báo Tin Mừng. Những tiền hô đích thật thì hướng dẫn đến cuộc gặp gỡ thật sự và thân thiết với Đức Kitô.
2) Con là Con chí ái của Ta, được Ta hết lòng sủng mộ. Chúng ta đồng quan điểm với thánh Luca rằng: Tiếng phán của Thiên Chúa trên con người của Đức Giêsu là một biến cố. Trong bối cảnh chung là sự thanh tẩy dân chúng và bối cảnh riêng là lời cầu nguyện của Đức Giêsu, thánh chép sử đặt lời phán của Thiên Chúa như một đoạn kết thúc. Đây là một biến cố có hai diện. Trước hết là một sự tiên báo rõ ràng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tiếng phán từ trời cao vọng xuống chính là tiếng nói của Đức Chúa Cha chỉ định Đức Giêsu là Con và Chúa Thánh Linh ngự xuống người ấy mà sau này đức tin sẽ nhận ra là Người –Chúa. Kế tiếp, biến cố cho thấy Đức Giêsu được hưởng trọn vẹn niềm sủng ái của Thiên Chúa. Điều này có nghĩa chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hay ít tuỳ theo mức độ hiệp thông nhiều hay ít với Người –Chúa là Đấng duy nhất được Thiên Chúa hết lòng sủng ái.
5. Ơn gọi người Kitô hữu – McCarthy
Suy Niệm 1. ƠN GỌI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Hiện nay, Giáo Hội rất bận tâm với những ơn gọi. Nhưng ở đây, ơn gọi được hiểu theo một cách rất giới hạn. Một cách cơ bản, chúng ta đang nói về ơn gọi trở thành linh mục. Đây là một ơn gọi quan trọng, nhưng không phải là ơn gọi quan trọng nhất trong Giáo Hội.
Ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất, phổ biến đối với tất cả những người đã được rửa tội, đó là ơn gọi trở thành người Kitô hữu, hoặc ơn gọi làm người môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ơn gọi cốt lõi. Tất cả những ơn gọi khác trong Giáo Hội đều phải được coi như liên hệ với ơn gọi của Đức Giêsu “Hãy đến, hãy đi theo Ta”. Nói cách khác, chúng ta tiếp nhận ơn gọi trở nên người môn đệ của Đức Giêsu.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là có nhiều người được rửa tội đã sống không khác biệt gì, so với người không được rửa tội. Nếu họ thực hành lòng tin của họ, thì đó lại thường là một lòng tin không trưởng thành, dựa trên cách thực hành thường lệ, không dứt khoát. Điều cần thiết là tin tưởng với sự hiểu biết; và đi theo Đức Kitô bằng lòng tin của cá nhân mình.
Lần kia, Đức Hồng Y Newman đã hỏi cộng đoàn của ngài “Việc trở thành một người Kitô hữu tạo ra sự khác biệt gì trong lối sống hằng ngày của chúng ta?”. Câu kết luận là “Tôi e rằng hầu hết chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm, nếu chúng ta cho rằng đạo Công giáo không hơn gì một câu chuyện ngụ ngôn”.
Ơn gọi làm người Kitô hữu bao gồm cái gì? Theo những lời trong Tin Mừng, thì ơn gọi làm người Kitô hữu là một tiếng gọi trở nên “muối đất, ánh sáng thế gian”. Đạo Công giáo nói về lối sống như thế nào, chứ không chỉ nói về lòng tin vào điều gì. Không nên có sự phân biệt giữa sinh hoạt tôn giáo và những hoạt động thường ngày. Lòng tin phải được chuyển thành hành động. “Đừng ngại loan báo điều mà bạn tin tưởng, trừ phi bạn hành động một cách phù hợp” (Catherine de Hueck Doberty).
Với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta đóng một vai trò rất tích cực trong thế giới. Chúng ta có những thứ để hiến tặng, những thứ mà thế gian cần đến một cách tuyệt vọng, mặc dù không nên e ngại hoặc biện hộ về vai trò của chúng ta. Điều này cần đến một lòng can đảm và sự gan dạ nào đó.
Việc đi theo Đức Kitô nghĩa là gì đối với người bình thường? Điều này có nghĩa là trở nên một người Kitô hữu ngay tại nơi bạn sinh sống, và ngay trong nghề nghiệp mà bạn chọn lựa. Có nhiều cách thức để phục vụ Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Lời mời gọi trong trường hợp đầu tiên không phải dành cho vai trò làm Tông đồ, mà là vai trò làm người môn đệ của Chúa.
Chắc hẳn là nếu không bao giờ nghe được tiếng gọi của Đức Giêsu, thì chúng ta sẽ có một cuộc sống dễ dãi hơn. Nhưng liệu chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc hơn và liệu chúng ta có được sống nhiều hơn thế nữa chăng? Đức Giêsu nói “Thầy đến để anh em được sống và sống dồi dào”. Tin Mừng đưa ra cho chúng ta một lối sống chính đáng hơn và sâu xa hơn cho cuộc sống của chúng ta. Và Tin Mừng gieo vào trong tâm hồn chúng ta những hạt giống của sự sống đời đời.
Ơn gọi là người Kitô hữu tạo ra viễn tượng về một cuộc sống cao cả hơn và trong sạch hơn trước mặt chúng ta. Đồng thời, ơn gọi này còn thông truyền cho chúng ta sự hy sinh và phục vụ người khác. Ơn gọi này mở rộng những khả năng yêu thương và can đảm của con người. Đó không phải là công việc chỉ dành cho cá nhân người Kitô hữu, mà còn dành cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu nữa. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được đón nhận vào một cộng đoàn những kẻ tin.
Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội. Mỗi khi vào nhà thờ, và lấy nước thánh làm dấu, là chúng ta đang tự nhắc nhở mình về phép Rửa tội của chúng ta, và tự cam kết sống trọn vẹn với ơn gọi của phép Rửa tội ấy.
Suy Niệm 2. NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG CƠN THỬ THÁCH
Trong một số quốc gia, là một người Công giáo tức là mắc một trọng tội. Ông bà Moran bị kết án là người Công giáo. Thay vì từ chối trách nhiệm, cả hai ông bà đều thừa nhận điều này một cách cởi mở, và họ chuẩn bị đương đầu với những hậu quả. Họ bị đưa ra toà, để bị xét xử trước một bồi thẩm đoàn. Vốn đã bỏ đạo, nên tất cả những người trong họ hàng của hai ông bà đều mong muốn cứu thoát họ khỏi bị tù tội hoặc tệ hơn thế nữa. Vì thế, họ thuê một luật sư, để biện hộ cho hai ông bà khỏi phải chịu trách nhiệm. Lời bào chữa của ông ta ngắn gọn như sau.
“Hai thân chủ của tôi bị cáo buộc là người Công giáo. Mục đích của tôi là muốn chứng tỏ rằng trên thực tế, hai ông bà không phải là như vậy, mặc dù họ có thể cứ khăng khăng tự nhận một cách can đảm rằng mình là người Công giáo. Các sự kiện đều đi ngược lại hai người. Và tôi cần phải nói rằng, trường hợp này sẽ cần phải xét xử dựa trên các sự kiện.
“Tôi xin nói rằng: Hai ông bà Moran đều có lối sống tốt đẹp, chăm chỉ làm việc. Tôi biết chắc chắn rằng cả hai người chưa bao giờ bị lôi cuốn vào bất cứ việc làm nào phi pháp. Họ là những người đáng kính, theo bất cứ tiêu chuẩn nào.
Người ta có thể thán phục nhiều điểm trong cuộc sống của họ. Họ là những con người chân thành. Và người ta có thể thán phục sự trung thành của họ, về việc tuân giữ các lễ nghi bên ngoài trong tôn giáo của họ, như tham dự Thánh Lễ và các phép Bí tích. Trên thực tế, tôi cho rằng họ là những người Công giáo chỉ trên danh nghĩa. Họ tham dự Thánh Lễ vào sáng Chúa Nhật, và là những người rất sốt sắng về mặt này. Nhưng điều này vẫn chưa đủ.
“Ông Giêsu đã nói trong Tin Mừng, và tôi xin trích dẫn “Cứ xem họ sinh quả thế nào, thì biết họ là ai (Mt 7,6). Rõ ràng từ bối cảnh này, ông Giêsu ý muốn nói “hoa quả” là “những hành động tốt đẹp”. Tôi e rằng trong trường hợp của ông bà Moran, hoa quả không đơn giản là điều đó.
“Tôi không tìm được chứng cứ nào trong cuộc sống của họ, hoặc trong thái độ của họ, rằng họ sống theo những lời rao giảng của ông Giêsu một cách nghiêm túc. Chẳng hạn, liệu có bất cứ người nào có thể nghiêm khắc buộc tội hai thân chủ của tôi về bất cứ mối quan tâm đặc biệt nào đối với người nghèo khổ, đau yếu, kém may mắn hoặc bị khinh miệt chăng? Tôi cho rằng không hề có một chút chứng cứ nào xác nhận cho một lời buộc tội như vậy. Họ đã không hề làm điều gì hơn bất cứ một người nào trong chúng ta. Trên thực tế, họ lại còn làm ít hơn, so với một số người nào không bao giờ mơ tưởng đến việc tự nhận mình là người Công giáo.
“Tuy nhiên, đây đúng là mẫu người, mà chính ông Giêsu đã thực hiện theo cách thức của ông ta, để giúp đỡ mọi người, khi ông ta còn tại thế. Và ông ta còn tuyên bố dứt khoát rằng những kẻ đi theo ông ta sẽ bị xét xử, không phải vì số lần họ cầu nguyện, hoặc những hành động thờ phượng mà họ tham dự, nhưng là do cách họ đáp ứng những nhu cầu của những người như vậy.
“Các môn đệ đầu tiên của ông Giêsu đều là những Tông đồ nồng nhiệt, mà ông ta sai đi để biến đổi thế giới. Họ sẽ không thừa nhận rằng hai ông bà Moran thuộc về cùng nhóm của họ đâu”.
(Đến đây, ông Moran nhảy dựng và la lên: “Nhưng chúng tôi đều là người Công giáo”).
“Thưa ông Moran, tôi chưa nói xong. Tôi xin đưa ra để quý toà xem xét rằng hai thân chủ của tôi không phải là người Công giáo theo ý nghĩa thực sự –theo ý nghĩa dành cho những người mà đối với họ, người hàng xóm của họ phải được thương mến như chính bản thân họ vậy. Tất cả lỗi mà họ phạm phải, đó là họ đã tự lừa dối mình, và đó không phải là một tội nặng. Do đó, tôi yêu cầu bãi bỏ lời cáo buộc chống lại hai thân chủ của tôi, bởi vì thiếu chứng cứ rõ rệt”.
Sau đó, thẩm phán tuyên bố “Bồi thẩm đoàn sẽ rút lui, để xem xét lời phán quyết”.
Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở chúng ta về ngày chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội. Khi lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta được đón nhận lời mời gọi trở nên những môn đệ của Đức Giêsu. Do đó, câu hỏi mà chúng ta đều có thể hỏi là: Nếu trở thành người Công giáo là một trọng tội, thì liệu đã có đủ chứng cứ trong cuộc sống của tôi, để đảm bảo cho một niềm tin chưa?
6. Chúa Giêsu chịu phép rửa
Trong lòng của Hội Thánh, từ xưa tới nay, các tín hữu vẫn cố gắng đi tìm câu trả lời cho vấn đề “Tại sao Chúa Giêsu lại đến với Gioan để chịu phép rửa?” Lễ rửa của Gioan là để người ta ăn năn sám hối, và chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là Đấng vô tội. Vậy tại sao Ngài tự động đến xin chịu lễ rửa này. Trong Hội Thánh đầu tiên, có người gợi ý đầy tình cảm rằng Ngài làm thế nào để đẹp lòng Mẹ Ngài, là người đã năn nỉ xin khuyên Ngài. Nhưng chúng ta cần một câu trả lời đúng đắn hơn.
Trong cuộc đời mỗi người, có những giai đoạn như trục chốt cho cả đời sống xoay quanh. Trong đời sống Chúa Giêsu cũng vậy, thỉnh thoảng chúng ta phải ngừng lại để cố gắng nhìn xem cả cuộc đời Ngài khi còn tại thế. Trục chốt thứ nhất là cuộc thăm viếng Đền Thờ lúc Ngài mười hai tuổi, khi Ngài khám phá mối liên hệ độc nhất của Ngài với Thiên Chúa. Đến lúc Gioan xuất hiện thì Ngài đã ba mươi tuổi. Như vậy, mười tám năm trôi qua, suốt thời gian đó, hẳn Chúa Giêsu đã suy nghĩ và nhận thức ngày càng rõ rệt về sự đặc biệt duy nhất của chính mình Ngài. Nhưng lúc đó Ngài vẫn còn là một người thợ mộc vô danh ở làng Nadarét. Hẳn Ngài biết có ngày Ngài phải rời bỏ Nadarét và ra đi cho một công tác lớn hơn, Hẳn Ngài vẫn trong chờ một dấu chỉ báo hiệu cho ngày đó xuất hiện.
Bấy giờ Gioan xuất hiện, dân chúng kéo đến nghe ông giảng và chịu phép rửa. Trong cả xứ nổi lên một cuộc phục hưng chưa từng có, một phong trào quay về với Thiên Chúa. Khi thấy điều đó, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã điểm. Không phải Ngài cảm biết tội lỗi và ăn năn, Ngài biết rằng hiện giờ Ngài phải đồng hoá mình với phong trào quay về với Thiên Chúa này. Đổi với Chúa Giêsu, sự xuất hiện của Gioan là một tiếng kêu gọi của Thiên Chúa và hành động, và hành động thứ nhất của Ngài là đồng hoá mình với dân chúng trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Nhưng trong lễ rửa của Chúa Giêsu có một sự kiện xảy ra. Trước khi Ngài có thể quyết định về bước quan trọng này, Ngài phải biết chắc mình làm việc phải lẽ; và trong lúc Ngài chịu phép rửa, Thiên Chúa đã phán với Ngài. Xin đừng lầm sự việc xảy ra tại lễ rửa là một kinh nghiệm riêng tư cho Chúa Giêsu. Tiếng nói của Thiên Chúa đã đến với Ngài và tiếng đó xác định rằng Ngài đã có một quyết định đúng. Nhưng hơn thế nữa, chính tiếng đó chỉ cho Ngài thấy tất cả con đường của Ngài. Thiên Chúa đã phán với Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta.” Câu này gồm hai phần “Con là Con yêu quý của Cha” là câu trích từ Thánh vịnh 2,17 được coi là lời diễn tả về Đấng Cứu Thế hứa ban. Còn câu “Ta hài lòng về con” là một phần của Isaia 42,1, diễn tả người Đầy tớ Đau khổ của Chúa Gia-vê có hình ảnh trọn vẹn trong Isaia 53. Cho nên trong lễ rửa của Chúa Giêsu có rất nhiều ý nghĩa: có ý nghĩa về Nước Trời đã đến vì lúc đó là lúc Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Nước Trời. Cũng có nghĩa là lúc Đức Giêsu được xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần để thi hành một sứ mạng trọng đại. Cũng có nghĩa là Ngài đồng hoá với loài người tội lỗi, dầu “vốn không biết tội lỗi nhưng trở nên tội lỗi vì cớ chúng ta” và hạ mình nhận lấy phép rửa của Gioan.
Tiếng từ trời “Con là con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về con “là tiếng nói của ân phúc. Đó là tiếng nói thừa nhận. Còn ân phúc nào lớn hơn là được Thiên Chúa thừa nhận. Aben dâng lễ tế được Thiên Chúa thừa nhận, đó là ân phúc đối với Aben. Ngược lại, sự từ khước tế lễ của Cain là một lời nguyền rủa. Còn ân phúc nào lớn hơn là khi được Thánh Thần đáp đậu và nhận lấy quyền phép từ trên cao.
Chúa Giêsu đã đến với ông Gioan để lãnh nhận phép rửa, nhưng chính ông Gioan đã khẳng định ông chỉ làm phép rửa bằng nước, còn Chúa Giêsu mới là Đấng làm phép rửa bằng Thánh Thần. Chúa Giêsu đã khai mở bí tích Thánh Tẩy cho những kẻ theo Ngài bằng việc đích thân Ngài xin lãnh phép rửa từ Gioan. Chúa Giêsu muốn chúng ta có sự tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới, tiếp nối giữa lời rao giảng của vị ngôn sứ cuối cùng –cao đẹp hơn tất cả các vị trước– với lời rao giảng của chính Ngài để thiết lập Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, lễ rửa này Ngài đã biến đổi để có thể thực sự khai mào cho bí tích Thánh Tẩy.
Như thánh Luca kể lại cho chúng ta. Ngài kéo dài nghi thức bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện này mang lại hiệu quả là trời mở ra. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa trời mở ra như sau này trời cũng mở ra mỗi khi bí tích Thánh Tẩy được cử hành, vì bí tích Thánh Tẩy không những chứng tỏ việc được tẩy sạch tội lỗi mà còn cho thấy ơn phúc dư đầy trời tuôn đổ xuống cho. Hơn thế nữa, qua việc cầu nguyện, Chúa Thánh Thần đến với Chúa Giêsu. Chính Thánh Linh này cũng hướng dẫn Chúa Giêsu trong tất cả các hoạt động của Ngài, trong tất cả các công việc giáo huấn và chữa lành bệnh tật… tượng trưng cho ơn cứu độ từ nay được ban cho nhân loại hầu giải thoát khỏi mọi nỗi khổ đau. Việc đến của Chúa Thánh Thần tiên báo ơn Chúa Thánh Thần sẽ được ban xuống cho mỗi thụ nhân để nâng lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu trong hình dạng chim bồ câu. Hình ảnh này thật có ý nghĩa khi chúng ta nhớ lại trong Cựu Ước, trong đại nạn Hồng Thuỷ, chim câu được thả ra đã trở về mỏ ngậm lá ô-liu xanh tươi báo hiệu nạn lút đã chấm dứt (St 8,11). Đến trong hình dạng chim bồ câu là đến mang lại bảo đảm sự hoà giải giữa Thiên Chúa và loài người. Đến như vậy là dấu chỉ lòng nhân từ của ơn cứu độ Thiên Chúa ban.
Trong bí tích Thánh Tẩy, lòng nhân từ ấy được thực hiện, Chúa Thánh Thần ngự xuống trong thụ nhân, bằng tác động tế nhị của tình yêu, chiếm hữu toàn diện con người hầu thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Chúa Thánh Thần trọng dụng tất cả mọi khát vọng và khuynh hướng chính đáng của mỗi người và với mục đích duy nhất là thúc đẩy mọi điều lành điều tốt hầu đưa đến toàn vẹn. Chúa Thánh Thần đã đánh tan mọi lo âu sợ hãi đè bẹp hoặc khép kín tâm hồn không cho phát triển. Hình ảnh của chim câu đặc biệt được lựa chọn để tránh bỏ mọi phản ứng lo âu sợ sệt này.
Điều kết thúc sự hoàn thành trong lễ rửa của Chúa Giêsu là tiếng phán từ Cha: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” lời tuyên bố thần tính này mang lại quan trọng chủ yếu cho Chúa Giêsu, mặc khải cho loài người chúng ta về thân vị Chúa Giêsu, mặc khải ấy đòi hỏi chúng ta phải đặt niềm tin nơi Ngài.
Theo như Phúc Âm kể lại thì lời công bố này chỉ liên quan đến Chúa Giêsu. Tuy nhiên lời công bố ấy vẫn được coi như nguồn gốc của ơn nghĩa tử do bí tích Thánh Tẩy đem lại cho mọi tín hữu. Đức Kitô chỉ được mạc khải là con của Chúa Cha với ý hướng thông ban ơn nghĩa tử ấy cho tất cả mọi người đã liên kết với Ngài bởi niềm tin. Bí tích Thánh Tẩy đặc biệt thực hiện ý định này. Những lời “Con là con yêu dấu của Cha” luôn được vang lên khi có phép Rửa tội, dầu huyền âm này có được nghe không. Do phép rửa của mình Đức Giêsu biết rằng mình đã ban cho mọi tín hữu ơn làm con yêu quý của Cha trên trời.
Đối với Chúa Giêsu, và đối với chúng ta ngày nay, phép rửa là một kinh nghiệm về ân phúc, mà ân phúc liên hệ đến trách nhiệm. Sau khi nhận ân phúc từ Thiên Chúa, Chúa Giêsu tiếp tục con đường vâng phúc để làm đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa phải liên tục tranh chiến với cám dỗ đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa. Đám đông muốn tôn Chúa làm vua, ngài cự tuyệt. Các môn đệ can ngăn Chúa đi đường thập tự, Ngài khiển trách. Với trách nhiệm được giao cho, Chúa can đảm uống chén đau thương mặc dầu không tránh khỏi trận chiến nội tâm giữa sự vâng phục và khước từ. Nhận lấy ân phúc từ trời là lúc Ngài cam kết vâng phục Thiên Chúa, và thật sự, Ngài đã vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập giá.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải xem Ngài như một mẫu mực. Phép Rửa chúng ta nhận lãnh là dấu hiệu cho thấy qua Chúa Giêsu, chúng ta được Thiên Chúa thừa nhận. Đó là ơn phúc, nhưng không phải để chúng ta an nhiên ngồi hưởng nhưng đi kèm với trách nhiệm. Nói cách khác, phép Thánh Tẩy hay phép Rửa cũng là sự cam kết vâng phục ý muốn của Thiên Chúa và nhận lấy trách nhiệm Ngài trao. Bạn hãy tự vấn lương tâm xem phép Rửa đã ảnh hưởng đến đời sống bạn như thế nào trong hiện tại.
7. Tình yêu cứu thế – Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.
Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.
Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.
Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.
Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.
Đấng xóa tội trần gian, lại hòa mình trong đoàn người tội lỗi.
Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông sám hối.
Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.
Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.
Chính thái độ tự hủy tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.
Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hóa thân làm kiếp phàm nhân:
Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.
Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.
Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.
Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,
Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha: “Mọi sự của Cha là của Con”.
Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa: “Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta”.
Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”.
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu: Một tình yêu vui lòng tự hủy để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một tình yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một tình yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em trỗi dậy cùng bước về nhà Cha.
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế là cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giocđan, chúng ta hiểu được thế nào là hiệp thông: Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm: “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.
Ngày nay, chúng ta đã chịu phép rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi hiệp thông thân mật với Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một tình yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn: Tinh yêu cứu thế!
Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen.
8. Chúa Giêsu chịu phép rửa – R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu Châu, đó là sự kiện con số những người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội Công Giáo ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên về nghĩa vụ, rút tên ra khỏi Giáo Hội có nghĩa là mỗi năm không còn phải đóng thuế tôn giáo nữa. Về quyền lợi, người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng sẽ tự rút phép thông công, nghĩa là chấm dứt mọi tham gia vào các Bí tích và đời sống của Giáo Hội. Nói cách khác, rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng đồng nghĩa với chối bỏ mọi cam kết khi chịu phép rửa tội.
Nhìn chung, thế giới Tây phương vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế, trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người Tây phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành hôn phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng.
Khi Giáo Hội chỉ được mời để có mặt ba lần như thế trong cả một đời người, thì quả thật người ta chỉ mang danh hiệu Kitô nhưng không sống trọn những cam kết của phép rửa. Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép rửa tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ. Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người. Tuy nhiên, biết đâu những đêm đông chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, sợ chia sẻ lòng cảm thông và sợ tha thứ. Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.
Khi đến nhận phép rửa của Gioan tại sông Giođan, nghĩa là khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài muốn sống trọn thân phận con người mà thành phần tất yếu là cái chết. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói lên sự vâng phục trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết như thể hiện tận cùng của tình yêu.
Sống như một con người như Chúa Giêsu đã từng sống, chính là sống yêu thương và yêu thương đến độ sẵng sàng thí ban mạng sống mình. Đức Chúa Cha đã gọi Đức Chúa Giêsu là Người Con chí ái đẹp lòng Ngài mọi đàng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống trọn ơn gọi làm người của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội qua phép rửa ấy. Người Kitô hữu được mời gọi để sống trọn thân phận làm người như chính Chúa Giêsu đã từng sống. Thật thế, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được thập giá và ơn gọi cao cả của con người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là sống cho ra người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu thế nào là sống yêu thương.
Anh chị em thân mến,
Thập giá vừa là biểu hiện cái chết của Chúa Giêsu, vừa là dấu chứng tình yêu của Ngài. Với phép rửa chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên người, chúng ta làm dấu Thánh Giá mỗi ngày và biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta treo Thánh Giá khắp mọi nơi, chúng ta đeo Thánh Giá trên người, và ước gì Thánh Giá ấy không chỉ là thứ trang sức trên ngực, trên cổ hay trên tai của chúng ta, mà phải là một nhắc nhở về tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ thí ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ước gì Thánh Giá luôn là động lực thúc đẩy chúng ta ngày càng sống cho ra người hơn.
Nguyện xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những người đã thà chết hơn là bước qua Thánh Giá để chối bỏ Chúa Giêsu, nay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được luôn luôn trung thành với đức tin, thể hiện đức tin ấy bằng cuộc sống chúng ta, đó là giá trị của Tin Mừng.
9. Ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa – R. Veritas
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
Châu Á là vùng thường hay có bão lụt. Các trận bão lụt lớn trong các năm qua tại Philippines và Trung Quốc khiến cho hàng chục ngàn người phải thiệt mạng. Hình ảnh các cuộc tàn phá do nước lụt gây ra khiến cho người ta dễ đồng hóa nước với chết chóc và quên rằng nước cũng là nguyên lý của cuộc sống mới, của sự thanh tẩy và tái sinh, bởi vì nước là nguyên lý của sự sống. Sự thật này được Giáo Hội nhắc nhở chúng ta qua các bài đọc lễ hôm nay.
Phép rửa Chúa Giêsu lãnh nhận trong tình liên đới trọn vẹn với loài người chúng ta là hình ảnh bí tích Rửa Tội trao ban cho chúng ta cuộc sống mới, cuộc sống làm con cái Thiên Chúa. Isaia chương 40 loan báo Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi cảnh sống lưu đày bên Babylon, sau khi thành Giêrusalem bị vua Babylon đánh chiếm và tàn phá thành bình địa năm 587 trước Tây lịch. Dân Israel bị đày sang Babylon, 50 năm sau đó, vua Cyrus cho họ trở về quê cha đất tổ tái lập quốc gia, xây lại thành thánh và đền thờ. Tin vui của cuộc xuất hành thứ hai trong lịch sử Israel ấy được tiên tri Isaia loan báo qua một vài hình ảnh biểu tượng và kiểu cách đặc thù của ông. Sự kiện Thiên Chúa để ý xót thương dân Ngài được diễn tả qua kiểu nói: Hãy nói với con tim của Thành Giêrusalem”. Trong ngôn ngữ của Kinh Thánh “nói với con tim” là kiểu nói diễn tả tình yêu thương và mối liên hệ hôn nhân. Thiên Chúa đối xử với dân Israel dân Ngài như một vị hôn phu âu yếm, to nhỏ với hôn thê của mình. Nếu trong cuộc xuất hành đầu tiên Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng than khóc của dân Ngài, thì giờ đây, trong cuộc giải phóng thứ hai này, Ngài nghiêng mình xuống trên dân Israel với tất cả lòng dịu hiền, thương mến. “Nói với con tim của Giêrusalem”, như thế có nghĩa là Thiên Chúa Tạo Hóa, giờ đây lại mở rộng bàn tay nhân từ ôm ấp lấy Israel với tất cả lòng thương mến.
Hình ảnh thứ hai, tiên tri Isaia dùng diễn tả tin vui giải phóng khỏi kiếp sống lưu đày là hình ảnh sa mạc. Trong cuộc xuất hành thứ nhất, sa mạc Sinai là nơi Thiên Chúa giáo dục, thanh tẩy và chuẩn bị dân Israel bước vào vùng đất Hứa. Giờ đây sa mạc Syria và sa mạc Giuđa, nóng bỏng ban ngày, giá buốt ban đêm cũng không cản ngăn được đôi bàn tay và con tim thương yêu, trìu mến của Giavê Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ biến chúng trở thành các con đường bằng phẳng, rộng rãi thênh thang, tươi vui chào đón người bị đày trở về quê cũ.
Ngoài các hình ảnh kể trên, tiên tri Isaia II còn dùng thứ ngôn ngữ quân sự và ngôn ngữ du mục diễn tả tình yêu thương bao bọc của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Thiên Chúa đến với sức mạnh, các chiến lợi phẩm đi trước Ngài và cánh tay vững mạnh của Ngài nắm giữ quyền thống trị. Thiên Chúa của Israel, không phải chỉ với đôi tay tượng trưng cho sự bênh đỡ và che chở, mà cả với con tim biểu tượng cho tình yêu thương hiền dịu và cả với đôi cánh tay tượng ttrưng cho sức mạnh và quyền uy của Ngài nữa. Và Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài như một mục tử chăn dắt đoàn chiên, luôn yêu thương chăm sóc và hiện diện bênh đỡ, không khi nào rời.
Cuộc xuất hành thứ ba trong lịch sử cứu độ được Chúa Giêsu Kitô hiện thực qua bí tích Rửa Tội, là bí tích trao ban ơn giải phóng và cuộc sống ấy cho người tín hữu. Qua phép rửa của Chúa Giêsu (Luca 3), nêu bật một vài biểu hiện thần học quan trọng.
Trước khi dầm mình trong nước để lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã trà trộn giữa đám đông dân chúng giống y như mọi người khác, khiêm tốn và chia sẻ với mọi người nhu cầu sám hối và thanh tẩy. Con đường của Chúa Giêsu đi cũng là con đường của tất cả mọi người. Đây là nét đặc thù diễn tả sâu đậm các hệ lụy của biến cố nhập thể, Chúa Giêsu trở thành người và sống như mọi người, giữa mọi người.
Lời thánh Gioan Tẩy Giả xác định bản chất của bí tích Rửa Tội mà Chúa Giêsu trao ban cho con người gồm hết mọi lễ nghi thanh tẩy của Cựu Ước, bởi vì Chúa Giêsu sẽ thanh tẩy con người với Chúa Thánh Thần và với lửa. Bí tích Rửa tội mà Chúa Giêsu hiện thực là lửa đốt cháy sự dữ. Nó như lửa luyện lọc và như thuốc giặt thanh tẩy tâm lòng con người như lời tiên tri đã báo trước trong chương 3. Nó như nước tẩy mọi vết nhơ trong tâm hồn con người, trao ban phong phú và sự sống. Và điểm đặc thù nổi bật nhất trong bí tích Rửa Tội Kitô Giáo, là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nguyên lý trao ban sự sống thiêng linh của Thiên Chúa cho con người.
Điểm thần học thứ ba là thái độ cầu nguyện của Chúa Giêsu trong khi lãnh nhận phép rửa thanh tẩy. Phúc Âm thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Ngài cầu nguyện liên lỉ không những trước mọi biến cố quan trọng trong cuộc đời, mà trong mọi lúc cho đến chết. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện và dạy các ông nhiều điều liên quan tới lời cầu nguyện, là cách thế Chúa Giêsu sống mối dây liên hệ yêu thương hiệp thông với Thiên Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần.
Và sau cùng là biến cố Chúa Giêsu được thánh hiến trong sứ mệnh cứu độ ấy. Nó được diễn tả bằng lược đồ giải thích thị kiến, thường được các soạn giả Kinh Thánh dùng đến để trình bày một chủ ý thần học hay một kinh nghiệm thiêng liêng nội tâm. Thị kiến như tường thuật trong Phúc Âm là một lời giải thích biến cố Chúa Giêsu lãnh phép rửa thanh tẩy. Biến cố này minh chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là hiện thân toàn vẹn của Thiên Chúa. Chính trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện, nghĩa là đối thoại thân tình với Thiên Chúa Cha mà Ngài nhận được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong sứ mệnh cứu độ. Sau này, khi các tông đồ tiếp tục sứ mệnh ấy của Chúa Giêsu, các ông cũng sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là ơn đầu tiên mà Chúa Giêsu Phục sinh trao ban cho các môn đệ và cho mọi tín hữu sau này qua bí tích Rửa tội.
Trong thư gởi cho Titô, chương 2,11-14 và chương 3,4-7, thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta biết ơn tái sinh mà Chúa Giêsu Kitô đã trao ban cho chúng ta. Ơn thánh Chúa ban giúp chúng ta tái sinh, nghĩa là có được cuộc sống mới và giúp chúng ta tiếp tục canh tân cuộc sống mỗi ngày. Thánh Phaolô khuyên chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi Kitô bằng cách từ bỏ gian tà, từ bỏ các đam mê xác thịt thế gian, nghĩa là từ bỏ tất cả những gì khiến cho chúng ta xa Chúa và đánh mất đi cuộc sống mới mà Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội. Muốn được như thế, cần phải sống thanh đạm và công chính giữa thế giới này và nhất là không bao giờ được quên rằng: Đích điểm cuộc đời chúng ta là được sống bên Chúa Giêsu Kitô và tham dự vào cuộc sống thiêng linh vĩnh cửu rạng ngời với Ngài.
Lời khuyên trên đây của thánh Phaolô rất là tích cực đối với xã hội chúng ta đang sống hiên nay, là một xã hội bị lôi cuốn vào cơn lốc hưởng thụ và tiêu thụ, một xã hội không còn nghĩ đến công lý nữa và không còn biết chừng mực là gì nữa. Tóm lại, phép rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta ý thức được ơn gọi cao trọng làm con cái Chúa của mình, ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Ơn gọi đó đồng thời cũng bao gồm sứ mệnh làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới này. Và chúng ta chỉ có thể hiện thực được nó khi biết cố gắng sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu mà thôi.
10. Đấng gánh tội trần gian – Lm. Ignatiô Trần Ngà
Thánh Gioan, vị ngôn sứ cao cả bậc nhất thời cựu ước, đã từng giới thiệu cho các môn đệ của mình biết Chúa Giêsu là “Đấng mạnh thế hơn Gioan”, Đấng mà Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người” (Mt 3, 16), “là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian, là Đấng đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi vì Người có trước tôi.” (Ga 1,29-30)
Thánh Gioan còn giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng sẽ cử hành một phép rửa vượt xa phép rửa của Gioan: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Chúa Thánh Thần” (Mc 1, 7)
Thế mà Chúa Giêsu lại đến với thánh Gioan như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc và với bao nhiêu người tội lỗi khác, chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.
Tại sao Chúa Giêsu lại hạ mình đến thế? Hành động nầy xem ra không xứng hợp với một Đấng thánh được Thiên Chúa sai đến, không xứng hợp với địa vị cao trọng mà ngay cả thánh Gioan cũng thú nhận là mình không xứng đáng cởi quai dép cho Người, không xứng hợp với Đấng sẽ làm phép rửa cho muôn dân trong Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội thì cần gì phải xin Gioan làm phép rửa cho mình? Vì như thế là không chân thực.
Phải hiểu thế nào về hành động hạ mình quá đáng nầy của Chúa Giêsu?
Chắc chắn Chúa Giêsu đến chịu phép rửa không phải vì những tội lỗi do Người gây ra -vì Người vốn vô tội – nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giêsu chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Người mà vì tội lỗi của thế gian mà Người đã gánh lấy.
Thánh Gioan đã từng giới thiệu Chúa Giêsu là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai đến trần gian để làm chiên đền tội. Người Do-Thái làm lễ xá tội bằng cách đặt tay lên đầu con bò hay dê, trút hết tội mình cho nó, rồi sát tế nó, để nó chết thay cho người tội lỗi. (Lê-vi 8, 14-15)
Thế nhưng “máu của các con bò, con dê không thể trừ khử được tội lỗi” (Do-thái 10, 4) nên Chúa Giêsu đã hiến mình làm Chiên mới, Con Chiên của Thiên Chúa, đến mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân. Chính vì thế mà Người trở thành tội nhân, như lời thánh Phao-lô dạy: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5, 21)
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” (2 Cr 5, 21), nên Chúa Giêsu hòa mình với những tội nhân khác, xin Gioan làm phép rửa cho mình và cùng với bao tội nhân khác tỏ lòng ăn năn sám hối.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, trở thành “hiện thân của tội lỗi” nên Chúa Giêsu đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc loài người tội lỗi, như lời thánh Phê-rô: “Tội lỗi của chúng ta, Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2, 21-24)
Hình ảnh Chúa Giêsu vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại chen chúc với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng ta phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết thành tâm sám hối những tội lỗi mình đã phạm.
Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng ta. Vậy chúng ta hãy thông phần vào công cuộc cứu độ của Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu chữa các tội nhân.