2 Ảnh

16.12.12

Chúa nhật III Mùa Vọng (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa


Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.


Lời Chúa: Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18

Tin Mừng Lc 3: 10-18

Bấy giờ dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì ?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”. Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gio-an: biết đâu ông chẳng là Đấng Mê-si-a. Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.


 1. Chuẩn bị

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau tìm hiểu về sứ điệp của Gioan bên bờ sông Giođan để rồi từ đó áp dụng vào Mùa Vọng, mùa chuẩn bị đón mừng Chúa đến.

Gioan xuất hiện rất khác biệt, không những khác biệt trong cách sống mà cả trong tư tưởng nữa. Đang khi tất cả những phe nhóm tôn giáo ở thời đại ông như nhóm Pharisêu, nhóm Saducêo, nhóm Etxenien, tất cả đều trông chờ một sự chiến thắng của Do Thái giáo trên mọi kẻ thù của họ thì Gioan đến như một dấu chứng đối kháng, một sự kết án và huỷ diệt cả Israel.

Gioan là một tiên tri loan báo sự đau khổ và tàn phá. Sứ điệp của Gioan rất đơn sơ: Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ với dân Ngài, Ngài đã hoạch định chương trình để phạt họ. Ngài sắp can thiệp vào lịch sử để lên án và thiêu huỷ họ. Gioan diễn tả cuộc tàn phá đó như một cuộc cháy rừng, đốt tất cả rơm rạ và cây cối, tiêu huỷ mọi dân tộc trong biển lửa. Gioan tiên tri rằng cuộc xử phạt nghiêm khắc của Thiên Chúa đối với Israel sẽ được một con người đến thực hiện.

Gioan nói về con người đó như Đấng phải đến. Ngài đã sẵn sàng, đang đứng, tay cầm rìu cầm sàng. Để có thể tránh cái án phạt mà Thiên Chúa sắp đổ xuống, Gioan kêu gọi sự sám hối. Nghi thức thanh tẩy là một dấu chỉ về sự sám hối ấy: họ đã xưng các tội của họ ra và nhận lấy nghi thức thanh tẩy của Gioan. Nếu tất cả cộng đoàn Do Thái hay có thể nói một số đông con cái Abraham thành tâm hối cải, có thể Thiên Chúa sẽ nguôi cơn giận và bỏ qua cuộc sử phạt này. Còn nếu Israel không hối cải, Thiên Chúa sẽ huỷ diệt và thiết lập một dân tộc mới. Chính vì thế mà Gioan đã kêu gọi hết mọi người, nào tội lỗi đĩ điếm, nào thu thuế lính tráng, nào luật sĩ và Pharisêu. Ở đây tất cả đều được mời gọi hãy hoán cải, hãy biến đổi cả cuộc đời.

Điều Gioan nhấn mạnh là một nếp sống luân lý mới đầy tính chất xã hội, lấy anh em làm gốc chứ không phải là lề luật, để sống vì con người: Kẻ nào có hai áo hãy chia cho người không có và kẻ có ăn cũng hãy làm như thế. Với người thu thuế ông nói: Chớ đòi điều gì quá mực đã định cho các ông. Với lính tráng, ông bảo: Đừng sách nhiễu, đừng vu khống, hãy bằng lòng với lương bổng của mình.

Từ xưa đến nay, khi nói đến việc chuẩn bị đón mừng Chúa, chúng ta nghĩ ngay tới việc đi xưng tội, lo dọn mình sạch mọi tội lỗi, trong khi đó Thánh Kinh lại nhắm vào việc cải đổi đời sống, một cuộc sống đầy tình người. Chỉ có cuộc sống chân chính không gian dối, không bóc lột, không lừa đảo, không gian tham; chỉ có cuộc sống liêm chính, công bình, yêu thương, chia sẻ và phục vụ mới dần dần tạo cho tâm hồn mình tinh sạch, mới giúp chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến một cách đầy đủ và có ý nghĩa nhất.


2. Kẻ tội lỗi

Vào một ngày Chúa nhật tháng chín năm 1972, tại góc phố đông người qua lại, người ta thấy xuất hiện một nhà giảng thuyết. Ông đưa cánh tay phải lên và chỉ vào một người nào đó và nói: Anh là kẻ có tội. Hành động này đã gây nên một hậu quả kỳ lạ. Mọi người lấm lét nhìn ông rồi cúi mặt xuống trong thinh lặng.

Từ mẩu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Chắc hẳn lời giảng của Gioan Tiền hô bên bờ sông Giócđan cũng đã tạo ra một hậu quả như thế. Trong đám đông, có những người đã cười nhạo ông. Có những người đã tức giận ông, nhưng cũng có những người đã nhận biết sự sai trái của mình.

Chẳng hạn những người thu thuế nhận ra có lúc mình đã đòi hỏi quá mức ấn định. Những người lính có lúc đã đối xử tàn bạo với dân chúng. Còn tất cả thì có lúc đã khước từ sự giúp đỡ cần thiết cho những người chung quanh. Ông đã đụng vào vùng thâm sâu và dễ thương tổn nhất của họ, ông đòi buộc họ phải nhìn lại tâm hồn mình, khám phá ra những khuyết điểm, để rồi dứt khoát từ bỏ tội lỗi mà quay trở về cùng Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã ý thức được những hậu quả mà tội lỗi gây ra cho bản thân, cho gia đình cũng như cho xã hội, thế nhưng chúng ta lại không có đủ can đảm dứt bỏ tội lỗi, trái lại nhiều lúc chúng ta còn chạy theo những mời mọc, những quyến dũ, những lôi kéo của tội lỗi, để rồi như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm.

Chúng ta giống như một người muốn nhảy xuống sông để tắm cho được sạch, nhưng lại ngại trời rét. Vì thế, cứ ngồi trên cầu ao, thò một chân xuống rồi lại co lên. Cứ thế, cứ thế, nửa muốn tắm nửa lại sợ rét.

Hay như một con bò, nửa muốn uống nước, nửa muốn ăn cỏ, thành thử hết nhìn qua bên này lại nhìn qua bên kia, mà bụng thì vẫn đói và khát.

Vậy cho đến lúc này, chúng ta đã có thái độ dứt khoát hay chưa? Chúng ta hãy nhớ lại lời thánh Gioan Tông đồ: Nếu chúng ta nói rằng mình vô tội, thì chúng ta chỉ là kẻ nói dối.

Mặc dù tâm hồn chúng ta rất xinh đẹp vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó lại rất yếu đuối và có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Chúng ta giống như một chiếc bình sành dễ vỡ. Có nhiều khía cạnh trong cuộc sống chúng ta cần được Chúa tha thứ và chữa lành qua Bí tích Giải tội.

Mùa vọng chính là thời gian giúp chúng ta nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, rồi sám hối ăn năn để được ơn tha thứ, cũng như được hưởng sự bình an mà Chúa sẽ đem đến trong đêm Giáng sinh.


3. Chúng tôi phải làm gì? – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:

Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mắc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.

Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.

Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.

Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?

2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?

3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào?

4. Hãy canh tân cuộc sống của mình

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)

HÃY CANH TÂN CUỘC SỐNG CỦA MÌNH ĐỂ ĐƯỢC NIỀM VUI VÀ VUI THẬT

Linh mục Antony de Mello Dòng Tên đã kể lại câu chuyện sau đây về một nhà tu Ấn Độ nổi tiếng. Vị tu sĩ đáng kính này đã nhận định về cuộc đời của mình như sau: “Khi còn trẻ, tôi là một con người hăng say cách mạng và lời cầu nguyện của tôi lúc đó dâng lên Thiên Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để thay đổi trọn cả thế giới này”. Nhưng rồi khi tôi sống đến nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa thay đổi được ai cả, tôi ít tự phụ hơn và cầu nguyện cùng Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con một ơn này mà thôi, là có thể thay đổi được những ai mà con gặp hằng ngày, những người thân trong gia đình, những bạn bè. Chỉ được như thế thôi thì con cũng mãn nguyện lắm rồi”. Nhưng giờ đây đến lúc già, tháng ngày đời tôi sắp tàn, tôi ý thức mình đã tự phụ và điên rồ, tôi chỉ còn cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính bản thân con”. Nếu tôi đã sống và cầu nguyện như thế ngay từ đầu cuộc đời của tôi, thì tôi đã không uổng phí cuộc sống của mình”.

Lời tự thú trên đây của nhà tu hành người Ấn Độ nhắc chúng ta một điều căn bản là, hãy thay đổi chính bản thân của mình trước để có thể giúp anh chị em mình, xã hội mình thay đổi sau đó. Truyền thống đạo đức từ ngàn xưa còn nhắc mỗi người chúng ta hãy “tu thân, tề gia” rồi mới mong “trị quốc, bình thiên hạ”. Tất cả đều bắt đầu với cuộc nhỏ. Đó là tu thân, là thay đổi chính cuộc sống của mình theo tinh thần Tin Mừng của Chúa. Đây là một điều rất khó.

Các bài đọc hôm nay dường như muốn nhắc chúng ta điều này. Bài Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại lời mời gọi ăn năn hối cải mà Gioan Tẩy Giả công bố cho tất cả mọi người. Nhưng trước khi công bố lời mời gọi ăn năn hối cải đó, Gioan đã sống thật trong cuộc đời của mình, điều mà ngài truyền dạy cho kẻ khác, đến xin ngài hướng dẫn: “Thưa Ngài chúng tôi phải làm gì?” Gioan đã lên tiếng kêu gọi: thực thi tình liên đới bác ái, thực thi công bằng, từ bỏ bạo lực, sống tôn trọng trật tự, sống hòa bình. Chỉ khi nào con ngươì và nhất là đồ đệ của Chúa Kitô thực hiện thật sự một cuộc trở lại của chính con người của mình, thì lúc đó, con người mới hưởng được niềm vui của Chúa, mới có thể sống an vui theo như lời mời gọi của tiên tri Sôphônia mà chúng ta đọc qua trong bài đọc thứ nhất của thánh lễ hôm nay, và lời mời gọi của thánh Phaolô tông đồ nơi bài đọc thứ hai: “Anh em thân mến! Hãy vui luôn trong Chúa”. Làm sao chúng ta có thể sống an vui được khi tâm hồn chúng ta chưa thật lòng trở lại cùng Chúa, chưa dứt khoát chừa được những tội lỗi, chưa bỏ đi được những tâm tình tiêu cực, ghen tương, hận thù đố với anh em xung quanh.

Trong tập sách “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có những suy tư sau đây về niềm vui của đức tin Kitô. Chúng ta có thể chia sẻ lại những suy tư của Đức Thánh Cha như sau: “Tin Mừng có nghĩa là tin mang đến niềm vui mừng và Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi. Tin Mừng là một lời xác nhận cao cả cho giá trị của thế giới và giá trị của con người. Bởi vì Tin Mừng là chính sự mạc khải sự thật về Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch nguyên thủy của niềm vui và hy vọng cho con người. Tin Mừng trước hết là niềm vui của công cuộc sáng tạo. Thiên Chúa khi tạo dựng đã nhìn thấy tạo vật Ngài đều tốt đẹp. Ngài là nguồn mạch của niềm vui cho mọi tạo vật và trước hết cho toàn thể nhân loại. Ngài nói với mọi tạo vật như sau: Sự hiện hữu của con là điều tốt đẹp. Và niềm vui của Thiên Chúa được phổ biến ra nhất là qua Tin Mừng. Theo đó, điều tốt lành luôn luôn cao cả hơn mọi điều xấu trong thế giới này. Thật vậy, sự xấu không phải là điều căn bản và không có tính cách quyết định vĩnh viễn. Đây là điểm phân biệt rõ ràng đạo Kitô ra khỏi mọi hình thức của thuyết bi quan hiện sinh, ra khỏi mọi hình thức nhận định bi quan về cuộc sống con người. Thiên Chúa là nguồn mạch của niềm vui và hy vọng cho con người”.

Chúng ta hãy đến với Thiên Chúa, hãy đến gần Thiên Chúa hơn, hãy canh tân cuộc sống của mình để được niềm vui và vui thật.

Lạy Chúa, nếu chúng con không đủ can đảm để đến với Chúa, thì xin Chúa thương hãy đến với chúng con. Hãy đến chứng tỏ tình yêu thương của Chúa và tha thứ mọi tội lỗi chúng con đã phạm. Xin hãy tẩy sách tâm hồn chúng con khỏi những tâm tình oán hờn, ghen tương, hận thù, để chúng con thật sự sống trong ân sủng của Chúa, thật sự sống trong niềm vui và hưởng được niềm vui vì được Chúa thương ngự đến.


5. Niềm vui làm cho con người tươi trẻ

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)

NIỀM VUI LÀM CHO CON NGƯỜI TƯƠI TRẺ LÂU GIÀ VÀ SỐNG LÂU HƠN

Trong bầu khí chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta sống trong niềm vui. Ngay từ ca nhập lễ, Giáo Hội dùng lời thánh Phaolô tông đồ kêu gọi tín hữu thành Philipphê để nhắc nhở tất cả: “Anh em hãy vui lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa đã gần đến”. Và khởi đầu bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Sôphônia, chúng ta nghe những lời đầy khích lệ: “Hỡi thiếu nữ hãy cất tiếng ca. Hỡi Israel hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn”. Rồi đến câu đáp ca cũng kêu gọi: “Hãy nhảy mừng và ca ngợi vì ở giữa ngươi có Đấng thánh của Israel thật cao cả”. Như thế Giáo Hội muốn chúng ta đón Chúa Cứu Thế với một tâm hồn thật vui vẻ. Niềm vui rất cần cho đời sống con người, ai cũng mong cho đời sống mình được luôn vui tươi.

Trong những cánh thiệp chúc mừng dịp lễ tết, người ta đều chúc nhau vui tươi hạnh phúc. Khoa tâm lý ngày nay còn chứng minh niềm vui làm cho con người tươi trẻ lâu già và sống lâu hơn. Và trên thực tế, con người cố tạo được nhiều cuộc vui chừng nào tốt chừng nấy và mỗi cuộc vui càng kéo dài càng hay. Nhưng phải là những niềm vui nào? Vì có những niềm vui mà sau đó con người cảm thấy trống rỗng buồn sầu và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó con người mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui mà sau đó con người lo âu hối hận. Vậy niềm vui mà Giáo Hội cầu chúc và mong muốn con cái mình đạt được đây phải là niềm vui thật. Niềm vui lâng lâng của Mùa Giáng sinh, khi thấy những trang hoàng rực rỡ với đèn màu, với ngôi sao hang đá máng cỏ, khi nghe những bản thánh ca du dương dịu vợi, khi nhận cánh thiệp với những lời cầu chúc êm đềm từ những người thân yêu. Tất cả vẫn luôn là niềm vui chính đáng. Nhưng chưa phải là niềm vui thật. Vì lễ Giáng sinh sẽ qua đi, mọi trang hoàng sẽ được dẹp lại, mọi người đều trở về với cuộc sống hằng ngày. Niềm vui thật phải là niềm vui phát xuất từ bên trong của con người. Đi tìm nguồn vui bên ngoài mà thôi chỉ là một sự chạy trốn thực tại trong tâm hồn và thường thì không bao giờ đạt được kết quả vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Niềm vui chân chính phải bắt nguồn từ một trạng thái của tâm hồn và đặt nền tảng trên sự bình an. Đó là niềm vui đã làm cho thánh Phanxicô trong cảnh nghèo khó tự nguyện hòa tâm hồn mình cùng vạn vật ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Đó là niềm vui mà thánh Têrêxa Hài Đồng đã nói: “Niềm vui mằm trong cuộc sống con người và con người có thể đạt được nó bất cứ lúc nào và ở đâu, ngay cả trong lâu đài tráng lệ của hoàng cung hay trong chốn thâm u của ngục tù”.

Làm thế nào để đạt được niềm vui đó? Trong bài Phúc Âm, thánh Luca ghi lại: Gioan Tiền Hô, người hô hào: “Hãy sửa đường cho Chúa bằng phẳng và ngay thẳng”, đã trả lời câu hỏi cho từng lớp người đến hỏi ông. Dân chúng hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì?” Gioan đã trả lời: Hãy sống yêu thương và bác ái. Biết nghĩ đến người khác, biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình, đừng lợi dụng địa vị, quyền hành hà hiếp người khác. Nói tóm lại, vì Chúa quên mình phục vụ anh chị em và chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, đó là đường dẫn đến niềm vui thật sự.

Mảnh đất tốt cho niềm vui thật phát triển là tình thương yêu nhau giữa con người. Sống trong một thế giới đầy dẫy hận thù chiến tranh, sống trong một xã hội cá lớn nuốt cá bé, sống trong một môi trường tranh đấu lừa đảo, gạt gẫm nhau để sống làm cho chúng ta có một tư tưởng bi quan: con người chắc là không bao giờ yêu thương nhau được, con người khó thực hiện những điều Gioan Tiền Hô chỉ dạy trong Phúc Âm. Dầu vậy, chúng ta đừng bi quan mà hãy nhớ đến phúc thật thứ bảy Chúa Giêsu đã dạy: “Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy”. Và một điểm nữa giúp chúng ta lạc quan là mẫu số chung của tất cả mọi người, mọi phe nhóm, mọi xu hướng, mọi chủ trương đều là hòa bình và huynh đệ yêu thương nhau.

Thật vậy, nếu chúng ta có dịp hỏi tất cả mọi người, tất cả mọi tổ chức kể cả những tổ chức đang cầm súng lăn xả vào chiến tranh xâm lược, thì trong thâm tâm họ, họ vẫn tin là họ yêu mến hòa bình và huynh đệ, dầu cho họ sai lầm trong phương tiện. Đó có thể là mẫu số chung, là điểm phát xuất chung để dựng một thế giới an vui. Và điều những người có đức tin càng tin tưởng vững chắc là Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong lịch sử của con người, lịch sử cứu độ nhất là kể từ sự nhập thể của Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là một sự hiện diện sống động như chính Chúa Giêsu đã nói: “Cha ta làm việc liên lỉ; Ta cũng thế”. Sự hiện diện đó không bao giờ để một bên những nghịch cảnh, những đau buồn của con người nhất là những con người bị áp bức, bị kìm kẹp.

Trong những ngày chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh này, chúng ta hãy có cái nhìn lạc quan vào vũ trụ, vào đời sống con người trên mặt đất này. Vì hãy biết rằng, công việc tạo dựng cũng như công việc cứu chuộc là công việc của Thiên Chúa, và công việc Chúa làm thì không bao giờ thất bại. Bằng chứng là gương của Chúa Giêsu, sau sự đau khổ cùng cực và cái chết đau thương nhục nhã là sự sống lại vinh quang làm vua cai trị trời và đất. Với cái nhìn lạc quan đó và với lòng tin tưởng Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy lòng từ bi thương xót, chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui và hy vọng. Niềm vui và hy vọng đó phải thúc đẩy mỗi người chúng ta cộng tác tích cực vào công trình cứu rỗi, nhờ ơn Chúa và với những người thành tâm thiện chí.

Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi sẽ cố gắng năng nhớ đến lời tiên tri Sôphônia trong bài đọc thứ nhất để sống tin tưởng vào Chúa hơn: “Hỡi Sion đừng sợ, Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi”. Và cụ thể hơn, tôi sẽ cố gắng không than van về những cực nhọc hoặc đau buồn tôi đang gánh chịu, nhưng biết chấp nhận cho người khác được vui và luôn cố gắng tươi cười niềm nỡ với tất cả mọi người, nhất là những người trong gia đình của tôi.


6. Hãy vui lên

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hàng Ngày’)

Alqua Robil là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng nhất trong các thiên tài dương cầm trên thế giới hiện nay. Tuy tự xưng mình là người vô thần, nhưng ông đã nói về Chúa Giêsu như sau: “Đối với tôi, Đức Giêsu Kitô đã và luôn luôn là một nhân vật siêu việt cao vời và lý tưởng nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Sự kiện Ngài là người Do Thái khiến cho tôi kiêu hãnh lây, vì tôi cũng thuộc dòng giống Do Thái. Cuộc sống của Ngài, các lời Ngài giảng dạy, sự hy sinh và lòng tin của Ngài đã trao ban cho thế giới món quà quí báu cao trọng nhất mà thế giới chưa bao giờ nhận được. Đó là món quà của “tình yêu thương”; tình yêu thương đối với tha nhân, tình yêu thương đối với người nghèo khó, tình thương xót, tình nhân loại và sau cùng là tất cả các tâm tình khiến cho con người trở thành cao thượng.”

Phải! Nhận xét trên đây của nhạc sĩ Alqua Robil thật sâu sắc và chí lý. Đúng thế! Ở đâu có tình yêu thương, thì ở đó có hạnh phúc tươi vui và an bình đích thực. Bởi vì, tình yêu thương là phương thế duy nhất hữu hiệu giúp con người xây dựng một thế giới tốt lành hơn mà không gây đổ máu, chết chóc và tàn phá thương đau cho con người.

Qua các bài đọc hôm nay, Mẹ Giáo hội kêu mời chúng ta thực thi tình yêu thương ấy trong cuộc sống mỗi ngày. Trong chương III, thánh Luca trình thuật biến cố ngôn sứ Gioan Tẩy Giả rao giảng phép rửa thống hối bên bờ sông Jordan, để nêu bật tính cách đại đồng của ơn cứu độ. Thánh sử Luca lồng khung sinh hoạt này của thánh Gioan Tẩy Giả trong những môi trường và với những lớp người vẫn thường bị Do Thái giáo cho là tội lỗi, như đám đông dân chúng dốt nát, ô hợp, bọn thu thuế gian tham xảo trá và lũ lính tráng vô đạo ác độc.

Là người có nếp sống chay tịnh khắc khổ, khi nghe ngài giảng, người ta tưởng đâu là thánh Gioan cũng nghiêm ngặt đòi buộc mọi người sống khổ hạnh tiết chế như ngài. Nhưng không, thánh nhân không đòi buộc họ làm những việc lạ thường khó khăn, mà chỉ khuyên mọi người thay đổi kiểu cách sống và thái độ hành xử đối với người khác. Thánh nhân đề nghị với một thái độ sống quân bình, biết thực thi công lý và yêu thương, chia sẻ cụ thể với tha nhân như:

- Ai thuộc lớp người giàu có, dư tiền dư của và phương tiện vật chất thì từ nay đừng sống ích kỷ, bo bo vơ vét tích trữ cho mình như trước nữa, mà hãy biết chia sẻ cơm áo, quảng đại trợ giúp cho họ có công ăn việc làm, tạo điều kiện sinh sống cho các anh chị em nghèo khó thiếu thốn hơn mình, cốt sao để họ có cuộc sống hạnh phúc sung sướng và đầy đủ, xứng đáng với phẩm giá con người.

- Ai thuộc lớp công nhân viên nhà nước, nắm giữ các nhiệm vụ trong các guồng máy hành chính, thuế má và mọi dịch vụ ngành nghề của cuộc sống, thì từ nay đừng ỉ nại quyền bính mà gian tham, hối lộ, chèn ép, áp bức, hà hiếp và khai thác bóc lột người dân nữa, nhưng hãy sống công bằng.

Nhà nước và các giới chủ hãng hãy trả tiền lương công nhân viên của mình, còn các công nhân viên hãy chu toàn bổn phận của mình với lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và phục vụ cao độ. Bởi vì, khi thăng tiến công ích là mọi người phục vụ và lo lắng cho chính gia đình mình, cho tương lai của con cái và những người thân yêu của chính mình, chứ không phải cho ai khác.

- Giới quân nhân là những người có phận vụ phụng sự quê hương và bênh đỡ kẻ cô thân, cô thế thì hãy biết chu toàn phận vụ với tinh thần hào hiệp và ý thức trách nhiệm, chứ đừng dùng vũ khí và chức vụ của mình để hà hiêp bóc lột người dân.

Nói cách khác, thánh Gioan Tẩy Giả khuyên mọi người có kiểu cách sống và hành xử công bằng, yêu thương, liên đới và biết tôn trọng tha nhân, làm thế nào để loại trừ ra khỏi cuộc sống của chúng ta mọi hình thức bạo lực, ích kỷ, tính gian dối lừa đảo, lòng ham hố của cải và tư lợi, gây thiệt thòi và đau khổ cho nhau. Dĩ nhiên, kiểu cách sống trên đây chưa đủ để con người có thể trở thành môn đệ và con cái của Chúa, nhưng nó là một bước khởi đầu cụ thể tốt đẹp, giúp sửa soạn tâm hồn đón nhận Chúa Cứu Thế đến.

Ngoài những kiểu cách hành xử kể trên, cuộc sống lòng tin của người tín hữu còn phải mang một đặc thái khác, đó là thái độ tươi vui mà ngôn sứ Sôphônia nói đến trong chương 3,14-18. Ngôn sứ Sôphônia sống vào cuối thế kỷ VII, và thời đó có rất đông dân thành Jérusalem và vùng Judéa chạy theo các thần linh ngoại giáo. Họ chủ trương hòa đồng các thói tục tôn thờ thần ngoại này với việc phụng sự Thiên Chúa. Ngôn sứ Sôphônia đã mạnh mẽ tố cáo thái độ lệch lạc và bất trung này của họ. Ông báo trước cho họ biết các hình phạt họ sẽ phải gánh chịu, đó là cảnh thành thánh Jérusalem sẽ bị đạo quân Babylon bủa vây đánh chiếm.

Để diễn tả tai ương này, ngôn sứ dùng kiểu nói “Ngày Của Giavê”. Trong ý nghĩa Kinh Thánh, “Ngày Của Thiên Chúa” ám chỉ biến cố Thiên Chúa phán xử con người và mọi loài, mọi vật trong thời cánh chung. Trong ngày lịch sử thế giới kết thúc, Thiên Chúa ra tay uy quyền can thiệp để tạo dựng trời mới đất mới. Đó là thời gian quyết liệt định đoạt đối với vận mệnh con người, hoặc rộng mở tâm hồn đón nhận ơn cứu độ hoặc tự loại trừ khỏi hàng ngũ những người sẽ được cứu thoát.

Tuy nhiên, ngôn sứ Sôphônia cũng hé mở cho dân Do Thái lòng xót thương nhân lành của Thiên Chúa và sự hiện diện cứu độ của Ngài. Thiên Chúa sẽ đến để thu hồi án phạt, chấm dứt tình trạng đọa đày buồn thương cho họ và cứu thoát họ. Chính vì thế, ông mời gọi mọi người “hãy vui lên”, hãy reo hò hớn hở hân hoan, vì Sion là người con gái yêu của Thiên Chúa. “Con gái” là kiểu nói hay được thơ văn của các dân tộc vùng Trung Đông cổ dùng để gọi các thành phố vùng biển.

Trong truyền thống Kinh Thánh, “con gái Sion” ám chỉ nhóm tín hữu còn sót của dân Israel, tức những người đã kiên trung tin tưởng vào Thiên Chúa, tuân giữ luật Ngài và mong chờ Đấng Cứu Thế đến. “Vui lên” cũng là động từ thánh sử Luca dùng trong trình thuật thiên thần Gabriel truyền tin cho Trinh Nữ Maria. Biến cố Chúa Giêsu Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu chuộc nhân loại là một tin vui vĩ đại. Chính vì thế, nên sứ thần mới chào Mẹ Maria với lời chào lạ lùng: “Hãy vui lên, Đấng đầy ơn phúc”.

Mẹ Maria là người được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, nên được tràn đầy ơn thánh Chúa. Mẹ là hiện thân số còn sót lại của Israel, của cộng đoàn nhỏ bé gồm các tín hữu đã biết sống trung thành với Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Đồng thời Mẹ cũng là toàn thân của Israel đang trông đợi ơn cứu độ thực hiện trong lịch sử loài người. Mẹ Maria là Sion mới, nơi Thiên Chúa sẽ xuống ngự trị và sống với con cái loài người.

Trong chương 4,4 thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê, Ngài cũng lập lại sứ điệp Tin Mừng ấy và khuyến khích tín hữu sống vui tươi, để trong cuộc đời hãy quên hết mọi khó khăn đau đớn tủi nhục và gian truân cay đắng để chỉ còn cảm thấy niềm vui. Niềm vui đó được phát xuất từ chính tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, và Ngài giải thích lý do của niềm vui đó là: Kitô hữu có nhiều lý do thuận tiện để luôn có thái độ sống vui tươi. Bởi vì kể từ khi Chúa Giêsu nhập thể làm người, thì Thiên Chúa đã hiện diện giữa lòng trần gian và Ngài đồng hành với họ, chia sẻ mọi biến cố vui buồn trong đời họ.

Qua bí tích rửa tội, Ngài đã giải thoát họ khỏi xích xiềng nô lệ tội lỗi, trả lại cho họ sự tự do, ơn làm con cái Thiên Chúa. Tin vui cứu độ ấy không cho phép Kitô hữu buồn sầu thất vọng như những người không có niềm tin. Có Chúa trong lòng, có Chúa trong đời, có Chúa kề bên thì người Kitô hữu có được tất cả.

Vì thế, họ phải sống tin yêu phó thác và an bình, tươi vui, không âu lo, không sợ hãi. Kết hợp với Chúa qua lời cầu nguyện, qua cuộc sống đối thoại thân tình với Ngài. Họ phó thác mọi sự cho Chúa, và noi gương Chúa Giêsu sống nhân hậu, sống tốt với mọi người, yêu thương, thông cảm và quảng đại với mọi người. Nếu Giáo Hội đánh mất đi sự tươi vui của mình, thì điều đó có nghĩa là Giáo Hội đã đánh mất đi tất cả. Khi đó Giáo Hội không làm chứng cho niềm hạnh phúc là hôn thê của Chúa Kitô nữa, và điều đó cũng có nghĩa là tình yêu đã chết hay đang hấp hối. Tuy nhiên, khi đó Giáo Hội sẽ không còn khả năng yêu thương con người hay yêu thương với một tình yêu buồn sầu, mà tình yêu buồn sầu thì không phải là tình yêu.

Cũng thế, một tín hữu không còn khả năng sống tươi vui là dấu chỉ họ chưa gặp gỡ Thiên Chúa đích thực, Khi người Kitô hữu đánh mất đi niềm vui, thì họ phải tự vấn lương tâm mình xem nó có phải là ấu trĩ hay không? Và nếu quả thật có như vậy, thì đây là lúc chúng ta phải nghe lời thánh Phaolô kêu mời: Anh chị em hãy tìm lại Chúa Kitô, nghĩa là món quà và ơn thánh quí báu nhất trong Mùa Vọng hay sao?

7. Chúng tôi phải làm gì?

(Trích trong ‘Tin Mừng Chúa Nhật – Năm C’)

Bác sĩ Karl Menniger, trưởng khoa tâm bệnh học của Mỹ làm nhiều người kinh ngạc khi đọc cuốn “Whatever became of sin” (Điều gì đang xảy đến cho tôi?) Ông bắt đầu cuốn sách với câu chuyện khiến mọi người phải suy nghĩ. Vào một ngày Chủ nhật tháng 9 năm 1972, trên góc phố đông người qua lại, xuất hiện một nhà giảng thuyết. Vào lúc các nhân viên văn phòng vội vã lo đi ăn trưa, ông thình lình giơ cánh tay gầy guộc dùng ngón tay xương xẩu chỉ vào một nhân viên nào đó la lên: “Anh là kẻ có tội”, đoạn ông đứng im, nghỉ vài giây, rồi lại chỉ vào một người khác và la lên: “anh là kẻ có tội”.

Bác sĩ Menniger nói: “Tác động mà nhà giảng thuyết gây ra nơi những người bộ hành đi qua đó thật là kỳ lạ”. Họ lấm lét nhìn ông rồi quay mặt đi chỗ khác, rồi lại lén nhìn nữa, và cuối cùng vội vàng đi tiếp…

Chắc hẳn Gioan Tẩy Giả cũng gây được tác động tương tự trên đám dân khi Ngài xuất hiện bên bờ sông Giođan. Hẳn nhiên, một số chế nhạo Ngài, một số tức giận khó chịu, một số khác giật mình như bị chích vào vùng nhạy cảm, tự tận thâm sâu của lòng họ nhận ra sự sai quấy đã làm. Chúng ta đọc thấy phản ứng đó qua câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”. Trong cuốn sách nói trên, bác sĩ Menniger cho thấy người thời nay làm nhiều điều sai quấy, nhưng điều đó không làm cho ông ưu tư, điều ông ái ngại là có rất nhiều người không chịu chấp nhận rằng mình làm điều sai quấy, chính vì thế mà nhà giảng thuyết trên chỉ nói: anh là kẻ có tội đã tạo ra một tác động kỳ lạ nơi những nhân viên làm việc tại Chicago.

Dầu con người chấp nhận hay không chấp nhận, sự thật vẫn là con người là một tội nhân:

Mọi người đều phạm tội, Thánh Kinh chép: “Chẳng một người nào công chính dù chỉ một người thôi. Mọi người đều trở mặt, đi vào đường lầm lạc. Chẳng một ai làm lành, dù chỉ một người cũng không. Vì mọi người đều phạm tội không còn phản chiếu vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,10.12.23).

Nếu vua tiên tri Đavít có thú nhận: “Lúc chào đời, con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” thì cũng chỉ nói lên thân phận của kiếp người trước cái nhìn của Thiên Chúa.

“Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối, và không chịu nhìn nhận sự thật. Nếu chúng ta bảo mình vô tội là cho Chúa nói dối” (1Ga 1,8.10).

Chúa Giêsu khẳng định với Nicôđêmô: “Thể xác chỉ sinh ra thể xác. Thánh Linh mới sinh ra tâm linh”. Như vậy cần phải tái sinh.

Nhưng việc tái sinh này, Gioan Tẩy Giả không làm được, ông có thể cho con người biết mình tội lỗi, như các người thu thuế nhận ra mình có lỗi trong việc thu thuế quá mức, đám lính tráng nhận ra mình hay bắt nạt dân chúng, còn tất cả dân chúng đều nhận ra tội ích kỷ không chia sẻ của cải cho những ai túng thiếu. Ông đòi buộc dân chúng xét lại tâm hồn mình và nhận biết lỗi lầm. Ông còn đòi họ phải từ bỏ tội lỗi để quay về với Thiên Chúa… Nhưng còn việc tha tội thì ông không làm được. Ông không làm được nhưng có thể chỉ cho người ta Đấng có thể làm điều ấy: “Tôi thì lấy nước mà rửa cho các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người. Chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa”. Rửa trong Thánh Thần là cách nói khác của tái sinh, là lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi do công ơn cứu chuộc của Đức Kitô trên thập giá. Đó chính là lý do vui mừng mà thánh Phaolô đã kêu gọi và là cao điểm của Thánh Lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay.

Chúng ta phải hết sức ngạc nhiên khi xét đến bối cảnh mà vị tông đồ đã đưa ra lời kêu mời vui mừng này. Đây không phải là như một người đang vui say lạc thú trần gian đưa tay cầm ly rượu kêu mời bạn hữu, nhưng là một con người đang sống trong ngục tù, Phaolô đã được đưa về giam tại Rôma, đang chờ đợi bản án chung kết, có thể là tử hình (và sau này là tử hình thật). Chỉ trong một bức thư gửi giáo đoàn Philipphê, ngài đưa ra lời kêu gọi vui mừng này tới hai lần, và lần nào cũng “tôi nhắc lại” với một tâm tình tha thiết đặc biệt. Người cha tinh thần ấy đang động viên tinh thần đoàn con của mình trong hoàn cảnh khó khăn mà họ đang phải đương đầu. Ông không thuyết giảng một cách mơ hồ, nhưng khích lệ họ với chính kinh nghiệm của bản thân mình, tại sao ông có thể vui và vui luôn, dầu trong bất cứ hoàn cảnh nào?

Ông có thể vui vì ông đã được tha thứ. Không ai có thể vui vì mình là tội nhân, nhưng vì tội nhân đã được tha thứ: “Đây là lời trung thực, đáng được mọi người tin nhận: Chúa Cứu Thế Giêsu đã đến trần gian để cứu vớt những người tội lỗi. Trong những người được cứu, ta nặng tội nhất” (1Tm 1,15). Ông nặng tội, bởi vì “trước kia, ta là người phạm thượng, tàn bạo, khủng bố người theo Chúa, nhưng Chúa còn thương xót vì ta không hiểu điều mình làm khi chưa tin nhận Ngài” (1Tm 1,13). Chỉ những ai nếm trải được sự tha thứ này mới cảm nhận được điều mà thánh tông đồ chia sẻ. Mỗi lần chúng ta phạm tội, lòng chúng ta luôn áy này, tâm hồn chúng ta nặng chĩu như bị một khối nặng đè lên, nhưng khi vừa được ơn tha thứ, biết rõ tội mình được tha, lòng chúng ta được thanh thoát, khối nặng đã bị cất đi…

Phaolô vui mừng vì tội được tha, vì ngài biết rõ Đấng ngài đặt niềm tin vào: “Vì ta biết rõ Đấng ta tin cậy, chắc chắn Ngài có quyền bảo vệ mọi điều ta uỷ thác cho đến ngày cuối cùng” (2Tm 1,12). Ông đã ký thác linh hồn mình cho Chúa Giêsu, và ông biết chắc chắn cuộc đời ông sẽ kết thúc như thế nào, sẽ dẫn ông đến bến bờ nào. Được như thế là nhờ: “Ta cứ chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu là căn nguyên và cứu cánh của đức tin. Nhằm vào niềm vui tối hậu, Chúa đã kiên nhẫn vác cây thập giá xem thường sỉ nhục, và hiện nay ngồi trên ngai uy quyền tuyệt đối, bên phải ngai Thiên Chúa” (Dt 12,2). Cả cuộc đời đã như thế, còn gì mà không vui mừng: “Riêng phần ta, ta biết gần đến ngày từ giã trần gian, về thiên đàng. Ta đã chiến đấu anh dũng, chạy xong cuộc đua, giữ vừng niềm tin. Từ đây mão miện công chính đã dành sẵn cho ta. Chúa là Chánh án chí công sẽ ban cho ta trong ngày Ngài trở lại, cũng như cho tất cả những ai yêu mến, trông đợi Ngài” (2Tm 4,6-8).

Có lẽ trong chúng ta có người tự nghĩ: ai được như Phaolô, ai được Chúa đích thân gặp gỡ. Đúng thế, nhưng chúng ta cũng rất tự hào vì đã có một anh hùng tử đạo, không những có tinh thần của Phaolô, nhưng còn mang tên Phaolô nữa, đó là cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh.

Trong bức thư viết từ nhà giam tại Hà Nội đề ngày 24.04.1843 gửi cho các bạn ở chủng viện Vĩnh Trị, thầy viết: “’Tôi, Phaolô Lê Bảo Tịnh, đang mang gông xiềng vì Đức Kitô, từ ngục thất tôi gửi về các bạn những lời chào thân ái, và chắc chắn là những lời chào sau cùng… Tù ngục này quả là hình ảnh sống động của hoả ngục muôn đời. Không kể gông cùm xiềng xích, tôi còn phải nghe, phải chứng kiến, phải chịu đựng những oán ghét, thù hằn, những lời phỉ báng Thiên Chúa, những lời nói dâm ô, những cuộc xô xát, những hành vi bỉ ổi, những lời thề nguyền gian dối. Ngoài ra, tôi còn phải chịu phiền cực, chịu muỗi đốt, rệp cắn. Đã hết đâu, người ta còn luôn tuôn ra những lời căm hờn chửi rủa vua quan, bạn hữu, cha mẹ… Ngoài những đau khổ nói trên, mùa hè tôi phải chịu cái nóng nung người, mùa đông chịu rét buốt. Qua nhiều năm không bao giờ nhìn thấy mặt trăng hay ánh sao. Suốt đêm tôi không ngủ được, hoặc chỉ chợp mắt một vài trống canh là cùng… Nhưng nhờ ơn Chúa, ở giữa những cực hình thường làm cho các tù nhân khác phải sầu khổ, tôi lại được tràn ngập hoan lạc, vì tôi không cô đơn, nhưng Chúa Kitô ở với tôi. Chính Người, Thầy của chúng ta, chịu đựng sức nặng của cây thập giá, phần tôi, tôi chỉ vác cách nhẹ thôi. Vì Người không phải chỉ đứng xem chiến đấu nhưng chính Người chiến đấu và đắc thắng. Chính Người sẽ kết thúc cuộc chiến đấu…”.

Nhưng xem ra cuộc chiến chưa kết thúc, thầy lại được ra khỏi ngục, tiếp tục tu, làm linh mục chui, trở thành giám học chủng viện Vĩnh Trị, để rồi lại bị bắt giam tại nhà tù Nam Định, ngày 6.04.1857, tức là mười hai ngày trước khi chịu tử đạo, cha viết cho chủng sinh: “Chúng con hãy ca tụng Chúa nhân lành vì việc Người đã thực hiện nơi cha”, sau đó cha kể sơ qua về đời sống khổ cực trong lao tù, rồi tâm sự: “Cha cảm tạ Chúa đến muôn đời vì Người cho cha được sống trong yên lặng, cha có thể cầu nguyện và suy niệm tuỳ ý. Cha sung sướng tin tưởng rằng không gì có thể phân ly cha khỏi tình yêu Chúa Kitô, dù tù tội, đói khát, gươm giáo hay cái chết, vì Chúa Kitô là sự sống của cha”. Và rồi cha nhắc lại hầu như đúng lời vị đại tông đồ: “Cha có thể nói rằng: đã đến giờ cha phải ra đi, cha đã giữ vững đức tin, đã chạy hết chặng đường và cha đã trông đợi rằng: vị Thẩm phán sẽ trao cho cha vòng hoa dành cho người công chính, không phải chỉ cho cha, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người đến”. Cha kết thúc bức thư: “Sau khi khuất đi, nếu có thế lực gì bên Chúa, cha hứa sẽ không bao giờ quên chúng con. Vĩnh biệt”.

Chính nhờ thế lực của các vị anh hùng đức tin bên toà Chúa, và gương sáng của cha ông để lại mà chúng ta có được như ngày hôm nay. Tôi xin kết thúc bài chia sẻ với câu truyện sau đây: “Khi đạo Chúa được truyền bá ở thành phố lớn nhất miền Nam, có rất ít người tin Chúa. Một hôm có người ga trưởng là thầy Lê theo đạo. Thầy về thuyết phục những người trong gia đình và bạn hữu ở Bình Trị Đông, nhưng không ai chịu theo. Mấy tháng sau, thầy đau nặng rồi qua đời. Khi an táng, các tín hữu chung quanh tới cử hành, họ đau buồn vì mất một người anh em thân yêu, nhưng tất cả đều có niềm an ủi lớn và vui thoả khác thường trong Chúa, vì biết chắc thầy Lê đang an nghỉ trong Nước Chúa như lời Chúa dạy. Niềm an ủi và vui thoả khác thường đó đã gây một ấn tượng sâu xa nơi những người dự đám tang. Sau đó ít lâu, cả gia đình thầy Lê xin theo đạo, và rất nhiều người ở Bình Trị Đông quyết định theo Chúa. Những người ấy khi tin Chúa đều nói rõ, tuy trước kia họ không muốn nghe Phúc Âm, nhưng niềm vui an ủi vui thoả của các tín hữu giữa đám tang thầy Lê đã khiến họ lưu ý đặc biệt, rồi tìm hiểu đạo và tin Chúa”.

Nguồn "giaophanvinh"

Chúa nhật III Mùa Vọng (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
  • Title : Chúa nhật III Mùa Vọng (C): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
  • Posted by :
  • Date : 16 tháng 12
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top