2 Ảnh

25.11.12

LỄ CHÚA KITÔ VUA


Lễ Chúa Kitô Vua: Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận. Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: "Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu". Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.


Tin Mừng Ga 18,33b-37
Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”


1. Kitô Vua

Trong lịch sử nhân loại, không thiếu gì những ông vua bị đem ra xét xử và bị đem ra hành quyết. Nhưng khi một ông vua bị đem đi hành quyết thì ông ta đã bị truất quyền hay bị cướp quyền. Đối với những kẻ hành quyết hay lên án ông, thì ông không còn được nhìn nhận là vua nữa. Đó là trường hợp vua Louis 16 của nước Pháp chẳng hạn. Vì thế, người ta không bao giờ nói xử tử vua Louis 16 mà xử tử một người với cái tên thật của người ấy chứ không phải là tên hiệu.

Trường hợp Chúa Giêsu thì khác hẳn. Trước khi bị điệu ra trước tòa án Philatô, Ngài chưa bao giờ thực sự là vua, theo kiểu các vua chúa trần gian, tuy rằng Ngài đã có cơ hội lên ngôi nếu như Ngài muốn. Trái lại chỉ khi bị bắt và bị giải ra trước tòa tổng trấn Philatô, Ngài mới dõng dạc tuyên bố công khai: Phải, tôi là vua, tôi đã sinh ra và đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật.

Thực ra thì Chúa Giêsu không bao giờ trực tiếp khẳng định Ngài là vua, nhưng Ngài nói với Philatô: Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng quả thật, nước tôi không thuộc về thế gian này.

Câu trả lời muốn nói lên rằng Chúa Giêsu có một vương quốc, thế nhưng vương quốc đó ở đâu? Ở trên trời hay ở một hành tinh nào khác? Hay là vương quốc ấy chỉ có ở đời sau? Chúa Giêsu không bảo rằng: Nước tôi không ở thế gian này, mà Ngài nói: Nước tôi không thuộc về thế gian này.

Cũng như các môn đệ tuy ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, chúng ta có thể nói: Nước Thiên Chúa ở ngay giữa thế gian này, nhưng lại không thuộc về thế gian này. Bởi vì như thánh Phaolô cũng đã xác quyết: Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.

Điều ấy có nghĩa Nước Thiên Chúa là một thực tại tâm linh đã bắt đầu hình thành ngay giữa lòng thế giới hiện đại, nhưng không thuộc về trật tự hay những lãnh vực trần gian, do đó người ta không thể nói rằng: Nước Thiên Chúa đây này hoặc kia kìa, mặc dầu nước ấy đang thực sự ở giữa chúng ta.

Vương quốc của Chúa Giêsu không phải là một lãnh thổ, mà trước hết là cộng đoàn những con người tin theo Chúa và sống tinh thần bác ái yêu thương đối với mọi người. Bởi đó, những ai sống theo chân lý của tình thương, nghĩa là xác tín rằng chỉ có tình thương mới thực sự đem lại công lý hòa bình và hoan lạc cho loài người. Một khi xác tín như vậy, chúng ta sẽ đem hết tài năng, sức lực và thời giờ vào công trình xây dựng một cộng đồng huynh đệ bác ái: tất cả những người ấy sẽ tạo nên nước Đức Kitô ngay hôm nay, ở trong thế giới này.

Thế nhưng, không một công trình xây dựng nào mà lại không đòi hỏi mồ hôi nước mắt và đôi khi cả xương máu nữa. Bởi vì để hạt giống có thể trở thành cây lúa đâm bông kết trái, thì hạt giống đó phải chết đi, đó chính là lý do khiến Đức Kitô đã lấy chính thân mình làm nền tảng, làm nguyên lý hay làm mầm phát sinh vương quốc Ngài muốn thiết lập.

Bởi thế, cây thập giá chính là ngai Ngài đã chọn để lên ngôi, mạo gai là vương miện Ngài chọn cho lễ đăng quang và trái tim Ngài bị đâm thâu và mở rộng là biểu tượng của vương quốc mở ra cho mọi người.


2. Vua tình yêu

Ngày nay, người ta thường gán chức vua cho những ai thành công trong một lãnh vực nào đó, chẳng hạn như ông Honda là vua xe máy, vì ông rất thành công trong việc chế tạo các loại xe tự động vừa bền lại vừa đẹp. Ông Henri Ford là vua xe hơi. Cầu thủ bóng đá Maradona là vua sân cỏ. Còn Đức Kitô, khi chúng ta tuyên xưng Ngài là vua, thì Ngài là loại vua nào? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta có thể xác quyết mạnh mẽ mà không sợ lầm lẫn: Ngài là Vua, nhưng lại là Vua Tình Yêu, vì Ngài đứng đầu trong lãnh vực yêu thương phục vụ.

Thực vậy, không một ai đã yêu thương như Ngài. Vì yêu thương, Ngài đã chịu chết ngay cả khi chúng ta là kẻ tội lỗi. Cái chết của Ngài là một bằng chứng hùng hồn, là một đỉnh cao tuyệt vời của tình yêu như lời Ngài nói: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Vì yêu thương, Ngài đã tự xoá bỏ mình đi, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài đã hiến thân như người mục tử hy sinh tính mạng để bảo vệ cho đoàn chiên.

Ngài cảm thông thân phận yếu đuối của chúng ta nên không nghiêm khắc kết án. Ngay cả người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài nhân từ dạy chúng ta: Hãy nghiêm khắc với bản thân và rộng rãi với người khác. Không bới lông tìm vết, không nguyền rủa chửi bới. Hãy yêu thương kẻ thù và tha thứ cho nhau mãi mãi. Ngài đề cao phục vụ và kêu gọi chúng ta phục vụ, vì thế Ngài nói: Ta không đến để được phục vụ, nhưng đến để phụv vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Ngài muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài, cũng sống tình bác ái yêu thương và phục vụ.

Và để cho việc yêu thương không chỉ là một lời khuyên tuỳ ý, nhưng là một mệnh lệnh có tính cách bắt buộc, Ngài đã ban bố giới luật yêu thương: Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Và tình yêu thương đã trở thành một giới răn quan trọng nhất như là lòng kính mến Thiên Chúa.

Tình yêu thương của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhiêu sáng kiến, bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu dòng tu chuyên lo việc yêu thương phục vụ. Chúng ta thử thưởng tượng xem: Thế giới này sẽ ra sao, nếu đã không có những người, những phong trào, những tổ chức, những dòng tu như thế. Nhân vật hiện nay đang được cả thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh đó là Mẹ Têrêsa Calcutta. Vì sao? Vì Mẹ đã noi gương Đức Kitô và thực hành lời Ngài dạy, đó là đem tình thương đến cho những người nghèo khổ và bất hạnh.

Quả thực, trong lịch sử nhân loại, không có một nhân vật nào giàu lòng nhân từ thương xót như Đức Kitô. Thật lạ lùng vì mặc dù là Đấng Tối Cao, Ngài vẫn tự nguyện làm người tôi tớ, phục vụ chúng ta. Và còn lạ lùng hơn nữa vì mặc dù Ngài không cần ai, song Ngài lại muốn cần đến chúng ta và tình yêu của chúng ta. Và sau hết, điều lạ lùng hơn cả vì mặc dù là Thiên Chúa, Ngài lại khao khát trở nên bạn hữu của chúng ta và chờ mong chúng ta tiếp nhận Ngài qua những kẻ khổ đau và bất hạnh.


3. Một vị vua khác thường – Guy Marin

Vua chúa trần gian có một lãnh thổ mà họ thống trị và họ tìm cách mở rộng: Chúa Giêsu Kitô không có nơi gối đầu. Vua chúa trần gian cho phát hành tem và đồng tiền mang hình ảnh của họ, như thể họ muốn kiểm soát mọi thư từ và mọi việc buôn bán vậy; Chúa Giêsu không có như vậy. Những kẻ quyền thế ở đời có quân đội và cảnh sát, bom và súng đại bác, và sử dụng chúng khi cần, trong vườn Cây Dầu, Chúa Kitô chỉ có hai thanh gươm và cấm Phêrô sử dụng. Vua chúa và những người làm lớn ở đời này cai quản dân tộc của họ bằng sự khéo léo, mưu mô và những thủ đoạn, thậm chí đôi khi bằng dối trá, bất công và tội ác nữa; Chúa Giêsu Kitô không thể dùng phương tiện nào trong những phương tiện cấy, vì Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Nếu Chúa Giêsu Kitô không có chút gì trong những điều làm nên các vị vua, vậy có thể thực sự xưng Ngài là vua không? Kinh Tin Kính trả lời chúng ta… “vương quốc Ngài sẽ vô cùng tận”. Và tất cả Tin Mừng cũng nói như vậy: Thiên sứ Gabriel loan tin cho Đức Maria rằng con của bà sẽ lên ngôi Đavit; Ba vua thờ lạy Ngài như một vị vua; suốt ba năm Chúa Giêsu không ngớt nói về vương quốc.

Tuy nhiên, các sách Tin Mừng kể lại một sự kiện lạ lùng, đó là thái độ của Chúa Giêsu đối với quyền làm vua. Khi dân chúng hăng say muốn tôn Ngài lên làm Vua, Ngài đã từ chối. Trái lại trước mặt Philatô, trong lúc không ai đặt Ngài làm vua cả, Chúa Giêsu lại khẳng định vương quyền của Ngài. Ngài nhất thiết đòi cho được vương quyền, trong lúc không ai muốn trao cho Ngài cả. Khi người ta hiến dâng nó cho Ngài thì Ngài lại tránh né. Thái độ lạ lùng thật: khi có thể dễ dàng làm Vua, thì Ngài từ chối. Khi điều này không thể xẩy ra thì Ngài lại cố đòi cho được. Chúa Giêsu quả là một vị Vua lạ lùng.

Chứng nhân cho sự thật.

Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Vua ở điểm nào: “Tôi đến để làm chứng cho sự thật”. Sự thật mà Ngài tuyên bố là độc nhất, đó là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến để cứu độ thế gian. Mỗi lần bằng lời nói và và việc làm, Chúa Giêsu biểu lộ ý định này, là mỗi lần Ngài thực thi quyền là vua của Ngài. Có thể nói rằng cuộc đời của Ngài là cuộc đời vương giả, vì nó hoàn toàn diễn tả ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Khi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, mù, què, bất toại, phong cùi, nhưng hành động này đối với dân chúng là dấu hiệu cho thấy vương quốc đã đến gần, tức là Thiên Chúa đang can thiệp. Cũng vậy khi, bởi quyền năng của Thiên Chúa, Ngài trừ quỷ là Ngài minh chứng về sự hiện diện hữu hiệu của Thiên Chúa nơi dân Ngài. Khi Ngài lui tới với những người thu thuế, khi Ngài cứu người phụ nữ ngoại tình là Ngài biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa không muốn cho kẻ tội lỗi phải chết. Khi Ngài khóc thương Giêrusalem, Ladarô là Ngài biểu lộ lòng ưu ái của Chúa Cha đối với những nỗi khốn khó của loài người chúng ta.

Một hôm, Chúa Giêsu tuyên bố là có phúc những kẻ bất hạnh đủ loại: nghèo, đói, khát, buồn rầu, bị bách hại. Ngài không khôi hài đâu, nhưng Ngài loan báo cho họ rằng họ sẽ là những người đầu tiên được hưởng Nước Trời sắp đến. Đối với những kẻ bị trói buộc bởi những luật lệ tỉ mỉ, Ngài nói với một lời giải phóng: “Ngày sabat được đặt ra vì con người…”. Trong các dụ ngôn, như dụ ngôn về đứa con hoang đàng, Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh của Thiên Chúa và những mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

Làm chứng cho sự thật bằng cuộc sống của mình, Ngài lại càng làm chứng hơn nữa bằng cái chết. Vì những giá trị mà Ngài đề cao chính là nguyên nhân của cái chết này. Vì làm chứng như vậy về Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu chống lại những tư tưởng quen thuộc, Ngài thay đổi những cách đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân. Ngài làm cho các chức trách tôn giáo căm thù. Tóm lại Ngài trở thành kẻ xách động. Người ta nói với một kinh sư rằng Đấng Mêsia đã đến. Ông chạy ra cửa sổ nhìn và trở về lắc đầu mà nói: “Không tôi không thấy gì thay đổi cả”. Kinh sư này có lý, Chúa Giêsu là Vua khi sự việc thay đổi nhân danh Tin Mừng. Và trước hết là lòng con người. Chúa Giêsu là Vua khi con người hoán cải theo các mối phúc thật và từ bỏ các giá trị theo tinh thần thế gian: Nghèo còn hơn là bóc lột, bị bách hại còn hơn là bách hại, hiền lành còn hơn là hung dữ, thà khóc còn hơn làm cho kẻ khác khóc, tha thứ hơn là được giải oan.

Khi con người biết Tin Mừng họ sẽ không thể dửng dưng đối với những gì thuộc lãnh vực chính trị. Họ không dửng dưng khi chính phủ kỳ thị chủng tộc, tạo nên bất bình đẳng, áp bức kẻ yếu hoặc bóc lột thế giới thứ ba. Nhân danh Tin Mừng người Kitô hữu có một cái nhìn phê phán trên tất cả những điều này. Chúa Giêsu đã từ chối quyền bính chính trị, nhưng Ngài đã để lại những nguyên tắc hướng dẫn lương tâm chính trị. Hôm nay chúng ta hãy nhớ rằng Ngài chỉ làm Vua theo mức độ chúng ta sống theo chân lý của Ngài mà thôi.


4. Ai là vua của bạn? – Charles E. Miller

(Trích trong ‘Mở ra những kho tàng’)

Vào năm 1925 Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập lễ tôn kính Đức Kitô Vua, lễ này được đặt vào ngày chúa nhật cuối tháng 10. Giáo Hội qua nhiều thế kỷ đã tôn kính Đức Kitô như là Vua trong cuộc rước vào ngày Lễ Lá nhưng Đức Giáo Hoàng thấy có nhu cầu thiết lập một lễ đặc biệt, để chống lại chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất của kỷ nguyên này. Trong xứ sở Hoa Kỳ, kỷ nguyên được gọi là tiếng gầm thứ hai mươi.

Đức Giáo Hoàng Piô XI đã đặt lễ vào Chúa nhật cuối tháng 10 và tiếp đó là lễ Các Thánh. Sự nhận biết của phụng vụ mừng các môn đệ đã bước vào trong vương quốc trên trời. Công đồng Vatican II đã đổi mới và chuyển lễ Kitô Vua vào chúa nhật cuối năm phụng vụ như đặt một biểu hiệu của vương quốc, mặc dầu đang hiện diện giữa chúng ta và vẫn còn đang đến: “Chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng vui mừng ngày Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta sẽ đến”. Đấng sẽ mang lại vương quốc của Ngài tới sự hoàn hảo khi Ngài trở lại trong vinh quang cho ngày Phục Sinh chung.

Theo sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô XI vào năm 1925 liên quan đến Đức Kitô Vua, Ngài muốn làm cho cả thế giới chú ý tới nhu cầu thiết lập những giá trị tinh thần như là những hướng dẫn cho đời sống. Những lời của Đức Giáo Hoàng hầu như không được mấy ai chú ý đến. Nước Mỹ đặc biệt vẫn tiếp tục tinh thần tham lam, nhấn mạnh là mọi người đều có thể trở nên giàu có, có thể có tài sản mà không cần làm việc. Người ta có nhiều cấp độ kinh tế khác nhau, “ngay cả những chàng trai đánh giày” cũng như một sử gia đã nói “cũng lao vào chợ hàng hóa”. Cuộc khủng hoảng vào năm 1929 đã đổ vỡ là một điều không thể tránh được.

Thất là đau buồn khi nhận biết rằng sắc lệnh đã được viết bởi Đức Giáo Hoàng vào năm 1925, có thể là bản chúc thư mà ngài đã sáng tác vào những tuần cuối đời Giáo Hoàng của ngài. Chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất đi đến sự thất bài trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1929, dẫn đến trong thời đại của chúng ta một hậu quả khôn lường, đó là khủng hoảng về tiết kiệm và những món nợ chồng chất trong những năm gần đây. Việc cử hành phụng vụ của chúng ta về Đức Kitô là Vua, thách đố chúng ta bất chấp những thất bại trong lãnh vực tài chính hoặc trong thái độ thiêng liêng của chúng ta, điều quan trọng nhất không phải sự tham lam đã dẫn tới sự sụp đổ tài chính nhưng chính việc loại bỏ những giáo huấn và gương mẫu của Đức Kitô Vua.

Chủ nghĩa thế tục nhấn mạnh rằng, đất nước giàu có thì ở trên mặt đất này. Nó loại bỏ mọi hình thức của đức tin tôn giáo và thờ phượng. Chủ nghĩa vật chất rao giảng giáo lý tìm sự an ủi, vui thú và giàu có như là những mục đích cao nhất của đời sống. Chúa của chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa vật chất thì không đụng móng chân đến thánh giá hy sinh nhưng là chìm vào trong ăn uống xa hoa và những ăn chơi dâm dật.

Trái lại, làm nhân chứng cho sự khôn ngoan của Phúc Âm Kitô giáo; họ là những công dân của Nước Trời. Họ trình bày cho chúng ta về tính vô vị lợi, là con đường hạnh phúc còn con đường tham lam là không, những thực tại thiêng liêng là thật sự và những tạm bợ của những chủ nghĩa thế tục là không, và tôn giáo là phần thưởng tuyệt đối còn chủ nghĩa vật chất là không.

Kinh Tiền Tụng ngày chúa nhật hôm nay tuyên bố rằng Đức Kitô Vua cai trị một vương quốc đời đời, một vương quốc của sự thật và sự sống, một vương quốc của sự thánh thiện và ân sủng, một vương quốc của sự công chính tình yêu và bình an. Đó là vương quốc ngự trị mãi mãi.

Một lời nài xin cho được trung thành với Đức Kitô Vua.

Ngày chúa nhật hôm nay là thời gian thích hợp để nài xin trung thành với Đức Kitô Vua. Theo hình thức đề nghị được rút ra từ kinh Tiền Tụng, kinh nguyện Thánh Thể trong lễ trọng này có thể dùng tại Thánh Lễ hoặc mọi người có thể lập lại những lời nài xin theo sau vị linh mục chủ tế của họ.

Chúng con nài xin sự trung thành với Đức Kitô Vua.

Chúng con trân trọng vương quốc đời đời và phổ quát của Người.

Chúng con nhận biết vương quốc của Ngài là vương quốc của chân lý và sự sống.

Của sự thánh thiện và ân sủng.

Chúng con ước mong làm những gì chúng con có thể làm trong cầu nguyện và hành động.

Để mang lại cho thế giới này vương quốc của Người. Một vương quốc của sự công chính và tình yêu bình an.


5. Dung mạo của vương quyền Đức Kitô

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)

Đoạn Phúc Âm hôm nay cho chúng ta dự khán một hồi trong cuộc thương khó, Chúa sắp bị Philatô lên án tử hình. Để hiểu rõ bản văn, cần nhớ rằng Chúa và Philatô ở hai mức độ khác biệt. Khi Philatô nói lên tiếng ‘vua’, ông nghĩ đến một vương quyền chính trị. Khi Chúa tự nhận là Vua, Người nói đến vương quyền Cứu Thế của Người. Chúng ta diễn giải rõ hơn. Chúa xưng mình là Vua Cứu Thế với một ý nghĩ vô cùng rộng lớn so với quan niệm của cấp lãnh đạo Do Thái, Chúa đặt câu hỏi: Tự mình ông, ông nói thế, hay có ai khác đã nói với ông về tôi? Để cho Philatô biết rằng Người là Vua, nhưng không theo quan niệm của ông, cũng không theo dự tính của người Do Thái. Vì thế, sau câu đáp của Philatô, Chúa nói: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Thật là một xử án lạ đời. Người Do Thái muốn cho Chúa bị kết án vì Người tự nhận từ 1 thế giới khác mà đến, tức là được Thiên Chúa sai đến. Đối với Philatô, đó không phải là cớ để buộc tội Chúa. Vì vậy người Do Thái đưa ra một cớ khác, mà trớ trêu thay, cớ này lại chính là điều Chúa không muốn chút nào, là làm một ông vua đối lập với hoàng đế La mã. Chúa bị kết án theo hai thẩm quyền xét xử. Thẩm quyền pháp lý La-mã dựa theo một đế quyền thế gian, tuy nhiên Philatô nhận thấy Chúa bác khước quyền đó. Thẩm quyền pháp lý Do Thái buộc tội Chúa vì lẽ Người tự nhận là từ Thiên Chúa mà đến, mà chính vấn đề pháp lý này lại chẳng liên quan gì đến Philatô.

Minh định xong điểm rắc rối đó, chúng ta tự hỏi: Khi mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta tôn vinh điều gì?

1) Vương quyền của Chúa làm chứng về sự thật.

Chúa không phải là Vua của thế gian. Nhưng là vua trong thế gian và trong thế gian Người làm chứng cho một thực tại thần linh. Thật vậy, cần hiểu rõ nghĩa ‘sự thật’ ở đây. Trong Phúc Âm theo thánh Gio-an, sự thật không chỉ là sự hiểu biết của trí tuệ phù hợp với điều có thật. Sự thật là thực tại của Thiên Chúa đến trong con người. Con người do đó được thấm nhuần tất cả bản thể và tất cả đời mình. Tuy nhiên muốn được như vậy, phải nghênh đón thực tại của Thiên Chúa. Nghênh đón không chỉ bằng trí tuệ mà cả bằng tấm lòng, bằng ý chí, bằng tất cả bản thể mình. Chúa làm chứng cho sự thật, bởi vì trong tư thế một con người được thấm nhuần và biến hóa nhờ một cuộc thực nghiệm thần linh, Chúa đề nghị với tất cả mọi người hãy tiến tới một sự hiệp thông có hiệu năng thần hóa, đó là sự hiệp thông với Chúa, vì lẽ Người đích thật là Con Thiên Chúa. Chúa là Vua khi mà trong nhân loại, quá nhiều phen làm phản chống lại Thiên Chúa, cũng vẫn còn những kẻ nghênh đón ‘lời chứng’, nghĩa là dâng hiến Chúa niềm tin và tư hiến mình để được Chúa thần hóa.

2) Phàm ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Tôi

Vậy ‘thuộc về sự thật’ là gì? Là có tâm hồn sẵn sàng đón nhận thực tại thần linh do Chúa đem đến cho loài ngừoi. Về thực tế, đối với chúng ta ngày nay, điều đó là sự ăn ở ngay thẳng đối với Lời Thiên Chúa, là theo chân Chúa Giêsu mà ta gặp trong Phúc Âm, trong Giáo Hội, trong các bí tích, trong anh em đồng loại. Vương quyền Chúa chẳng giống chút nào một sự thống trị của loài người, tuy nhiên Vương quyền đó trở nên hữu hiệu khi nào con người, về mặt bản thân và về mặt xã hội, trong đời sống thật sự, đạt tới chỗ hiểu biết rằng mình từ Thiên Chúa mà đến và về với Thiên Chúa, để rồi trong hướng nghĩ đó biết cư xử và hành động làm cho nhân loại nhận biết sự thật với những nét đẹp nhất, đó là dung mạo tuyệt vời của Tình yêu.


6. Vua Sự Thật – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Chúa Giêsu thật là ngược đời. Khi làm phép lạ cho bánh hoá ra nhiều, dân chúng hân hoan phấn khởi, muốn tôn Ngài làm vua thì Ngài không muốn. Ngài phản đối bằng cách trốn đi. Cũng như hôm vinh quang vào thành Giêrusalem, dân chúng hân hoan, cởi áo lót đường, cầm cành lá phất phơ đón chào. Hôm ấy mà Chúa xưng vương thì quá thuận lợi. Thế mà Chúa phản đối bằng cách cỡi con lừa bé nhỏ, yếu ớt. Còn hôm nay, phận tội đồ đứng trước mặt quan án, bị dân chúng khinh khi chối bỏ, thân tàn ma dại, chẳng còn hình tượng con người nữa, thì Ngài lại hiên ngang xưng mình là vua. Chẳng phải vô tình, nhưng là cố ý. Hôm nay, đối diện với cái chết, đối diện với quyền lực và đối diện với sự hận thù, Chúa Giêsu muốn xưng vương trong hoàn cảnh này để làm chứng cho sự thật.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là có một vương quốc khác, vượt xa mọi vương quốc trần gian. Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu: Ngoài cuộc đời này còn có một cuộc đời khác. Ngoài thế giới này còn có một thế giới khác. Đó là vương quốc của Chúa. Đó là Nước Trời. Vương quốc ấy là vương quốc sự sống vì sẽ không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết vương quốc của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là quyền năng của Chúa là trên hết. Khi một mình yếu đuối nhưng vẫn hiên ngang đối diện với Philatô tượng trưng cho quyền lực của đế quốc La mã bao trùm thiên hạ, Đức Giêsu muốn cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi quyền năng như Ngài đã trả lời Philatô: “Ông có quyền không bởi tự mình mà có, nhưng từ thành công ban cho”. Thánh nữ Xêxilia cũng nói: “Quyền uy ở đời giống như quả bong bóng. Nó không triển nở ở tự nó. Nó không tự mình tròn trịa được. Phải nhờ đến không khí. Nhưng chỉ một mũi kim cũng làm nó xẹp xuống”. Quyền uy trần gian mau tàn. Chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới bền vững. Chính vì thế Đức Giêsu không xưng vương khi tràn đầy uy tín, khi được dân chúng ngưỡng mộ. Vì nếu Ngài xưng vương khi được dân chúng tung hô vạn tuế, khi làm những việc kỳ lạ lớn lao, khi tràn đầy uy tín, thì vương quyền ấy chẳng hơn gì vương quyền của vua chúa trần gian khác. Nhưng hôm nay, khi mất hết mọi uy tín, không còn ai tung hô ủng hộ, Đức Giêsu xưng vương để cho ta thấy Ngài siêu thoát mọi quyền lực và vinh quang theo thói thế gian. Ngài chỉ trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế những ai muốn vào vương quyền của Ngài phải biết coi thường mọi vinh quang quyền thế ở trần gian.

Sự thật mà Đức Giêsu làm chứng đó là tình thương chiến thắng thù hận. Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới.

Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa vương quốc của Ngài. Đó là vương quốc của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời.

Lạy Đức Giêsu là Vua của chúng con, xin cho chúng con được làm dân của Chúa, được thuộc về Nước Chúa, nước đầy tràn Sự Thật và Sự Sống, nước công chính và tình yêu muôn đời.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Chúa Giêsu cho biết gì về vương quốc của Chúa?

2- Chúa Giêsu cho biết gì về quyền năng của Chúa?

3- Chúa Giêsu cho biết gì về cuộc chiến giữa tình thương và thù hận?

4- Muốn sống trong vương quốc của Chúa, ta phải làm gì?
Nguồn :giaophanvinh"

LỄ CHÚA KITÔ VUA
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top