2 Ảnh

4.11.12

ĐIỀU RĂN NÀO TRỌNG NHẤT


Chúa nhật 31 Thường niên (B): Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
Tin mừng Mc 12,28b-3: Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó".

Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh".
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.


1. Mến Chúa yêu người

Vào một buổi sáng mùa đông, nhóm tù công giáo quây quần bên nhau, chia sẻ Lời Chúa với dụ ngôn về người Samaritanô nhân lành. Họ trao đổi với nhau và tìm cách áp dụng tinh thần yêu thương vào cuộc sống hằng ngày. Căn phòng không đủ ấm vì từng cơn gió lạnh thổi tới. Một tù nhân nghèo túng, trên người chỉ có một bộ quần áo mỏng manh, đang ngồi mà cứ run lập cập. Bên cạnh đó, một bạn tù khoác những hai chiếc mềm. Và thế là, trong lúc mọi người bàn luận về cách thức tương trợ lẫn nhau, người bạn tù đột nhiên đúng dậy, tiến đến và choàng một chiếc mềm lên người tù nghèo túng. Cử chỉ của người bạn tù đã gây được một ấn tượng mạnh mẽ cho cả nhóm hơn bất cứ lời nào họ nói ra để chia sẻ.

Và cũng từ mẩu chuyện này, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Thực vậy, chúng ta thường nói: Con người đầu đội trời, chân đạp đất, vì thế sống trên đời chúng ta có hai bổn phận phải chu toàn, đó là mến Chúa và yêu người. Hai bổn phận này phải luôn luôn đi đôi với nhau, như hai mặt của một đồng tiền. Nói cách khác, đó chỉ là hai phương diện của một giới luật duy nhất, giới luật yêu thương. Chúng ta không thể cầu nguyện và gắn bó mật thiết với Chúa, nếu như chúng ta không đối xử với những người bên cạnh chúng ta bằng những hành động bác ái. Thánh Gioan Tông đồ đã xác quyết: Nếu ai nói rằng mình kính mến Chúa là lại ghét bỏ anh em, thì quả thật kẻ ấy chỉ là một tên nói dối, bởi vì hắn ta không thể kính mến Chúa là Đấng hắn chẳng hề trông thấy bao giờ, nếu hắn không yêu thương anh em, là những người hắn luôn thấy được. Chính Đức Kitô cũng đã dạy: Ai kính mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em. Hai lệnh truyền này tương quan mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta không yêu thương anh em thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ không còn kính mến Thiên Chúa nữa. Có một câu danh ngôn đã bảo: Tôi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng làm sao thấy được bởi vì Ngài là Đấng thiêng liêng. Thế nhưng khi tôi tìm kiếm người anh em, thì tôi sẽ gặp được chính Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với những người anh em nghèo khổ: mỗi khi chúng ta cho người đói được ăn, người khát được uống, người trần trụi được mặc, người đau yếu và bị cầm tù được viếng thăm là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy.

Thế nhưng, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình của chúng ta. Không yêu thương những người thân cận ruột thịt, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ khó mà yêu thương những kẻ xa lạ cho được. Vậy chúng ta đã dành tình yêu thương cho những người thân cận trong gia đình thế nào? Nếu chúng ta trả lời là chưa đậm đà cho lắm, thì có lẽ tình yêu thương chúng ta dành cho bà con lối xóm cũng sẽ chẳng khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu thương bà con lối xóm cho mặn nồng thì chắc chắn chúng ta cũng không thể kính mến Thiên Chúa một cách nồng nàn được.

Trái lại, nếu chúng ta yêu quý những người thân cận trong gia đình, thì chúng ta mới có thể yêu quý những người bà con lối xóm. Và một khi đã yêu quý những người bà con lối xóm, thì chắc chắn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng kính mến Thiên Chúa. Dấu chỉ và bộ đồng phục của người môn đệ Chúa phải là lòng bác ái, và ngôn ngữ của người Kitô hữu, thứ ngôn ngữ mà nhờ đó bất cứ ai cũng có thể hiểu được về Thiên Chúa và về bản thân chúng ta, đó phải là ngôn ngữ của tình yêu thương.


2. Điều răn đứng đầu

Suy Niệm

Đối với một số bạn trẻ, yêu chẳng có gì khó. Yêu là gặp nhau, quen nhau, nhớ nhau. Yêu là hẹn hò, viết thư, tặng quà sinh nhật. Nhưng dần dần quan niệm về tình yêu trở nên sâu xa hơn. Các bạn nhận ra yêu là trao hiến bản thân, là hy sinh chính mình để sống cho người khác.

Tình yêu đích thực không dễ như nhiều người lầm tưởng. Vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.

Một vị kinh sư tốt lành hỏi Đức Giêsu về điều răn đứng đầu trong số 613 khoản luật. Ngài trích Ngũ Thư để tóm lại trong hai điều răn chính: yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình. Tất cả lề luật cô đọng trong một thái độ là yêu mến.

Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật. Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu.

"Yêu mến là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).

Thánh Âu-tinh phàn nàn là mình đã yêu Chúa quá muộn. Còn chúng ta lại thấy mình yêu Chúa quá ít và hời hợt.

Khi nghe Đức Giêsu nhắc lại lời kinh của người Do Thái: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với trọn cả trái tim ngươi, với trọn cả linh hồn ngươi, với trọn cả trí khôn ngươi, với trọn cả sức lực ngươi...", ta mới thấy đòi hỏi quyết liệt của Thiên Chúa. Ngài muốn ta yêu Ngài bằng tất cả con người mình. Cụm từ "với trọn cả" được lặp lại nhiều lần như nhắc ta chẳng nên giữ điều gì lại.

Sống điều răn thứ nhất là đặt Chúa lên trên hết, là dành ưu tiên một cho Chúa giữa những ưu tiên. Coi Chúa là tất cả, mãn nguyện vì có Chúa. Dành cho Chúa tất cả, để Chúa chiếm trọn mình.

Điều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất: yêu người thân cận như chính mình. Người thân cận là mọi người chẳng trừ ai. Chỉ trong Chúa tôi mới có thể yêu thương đến vô cùng. Trong Chúa, tôi nhận ra tha nhân là anh em, con một Cha, là hình ảnh của Đức Kitô đang cần tôi giúp đỡ. Trong Chúa, tôi cảm nhận phẩm giá đích thực của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí.

Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa tôi về với anh em. Tình yêu anh em đòi tôi gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục hiến trao. Đó là nhịp đập bình thường của trái tim người Kitô hữu, cứ đong đưa giữa hai tình yêu. Hay đúng hơn chỉ có một tình yêu: tôi yêu tha nhân trong Chúa và tôi yêu Chúa nơi tha nhân.

Đức Giêsu đã sống đến cùng hai điều răn Ngài dạy. Ngài sống để yêu và chết vì yêu. Tình yêu của Ngài là lễ toàn thiêu và hy tế.

Mỗi tối tôi lại xét mình về tình yêu để thấy mình còn yêu quá ít.

Gợi Ý Chia Sẻ

· Đâu là chỗ đứng của Thiên Chúa trong đời bạn? Nếu bạn xếp hạng, bạn thấy Ngài bị đặt dưới những thụ tạo nào?

· Bạn thấy yêu tha nhân có dễ không? Bạn làm gì khi phải sống với một người không hợp tính với bạn?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con. Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con. Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con. Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con. Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con. Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con. Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con. Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con. Trước khi con đặt Chúa lên trên hết, Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con, Chúa luôn đi trước con. Chúa làm trước khi Chúa dạy. Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi. Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.


3. Luật tối thượng 

TGM Ngô Quang Kiệt

Không có dân tộc nào say mê luật như dân tộc Do Thái. Người Do Thái đặt ra đủ các thứ luật. Họ giữ luật cặn kẽ chi li. Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ. Họ đeo cả lề luật trên trán, trên tay. Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan trọng đâu là luật bình thường. Hôm nay, nhân một thắc mắc rất hợp lý, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ những điểm then chốt trong lề luật. Đó là:

Thiên Chúa là độc nhất vô song. Đây là một chân lý nhưng nhiều khi bị lãng quên. Thiên Chúa là chủ tể muôn loài. Ngài là Đấng duy nhất cao cả. Không ai có thể sánh bằng. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống của muôn loài muôn vật. Ngài là mục đích của muôn loài muôn vật. Vũ trụ chỉ tồn tại trong Ngài. Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự.

Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Tuy nhiên Chúa là chúa tể mọi loài. Quyền uy vô song tuyệt đối. Nhưng Ngài là Thiên Chúa rất mực yêu thương. Ngài ban cho ta sự sống. Ngài nhận ta làm con của Ngài. Ngài cai quản vũ trụ không bằng quyền uy nhưng bằng tình thương. Ngài là người cha luôn yêu thương con cái. Ngài mong muốn ta đáp lại bằng tình yêu mến Ngài. Yêu mến Thiên Chúa không những là điều công bằng và hợp tình hợp lý, mà còn đem lại cho ta sự sống và hạnh phúc. Xa lìa Thiên Chúa đưa ta đến diệt vong vì mất sự sống và mất hạnh phúc. Nhưng con người yếu hèn, lại bị ma quỉ cám dỗ, nên thường lãng quên Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa và phản bội tình yêu của Ngài.

Yêu tha nhân như chính mình. Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng tình yêu là quan trọng nhất. Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười điều răn: Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Như lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn giúp ta xây dựng một thế giới mới chan chứa tình người. Thế giới còn chiến tranh, xã hội còn nhiều bất công vì con người chưa tuân giữ luật Chúa. Nếu mọi người biết yêu mến Chúa và yêu mến nhau, thế giới sẽ tươi đẹp, cuộc sống sẽ hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1)     Yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Bạn có thấy điều này là hợp tình hợp lý không?

2)     Tại sao ta phải yêu mến tha nhân?

3)     Bạn hãy tưởng tượng ra một thế giới trong đó mọi người giữ luật yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Bạn thấy thế giới đó thế nào?


6. “Tôi không biết điều tôi không thể”

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller).

Khi tổng thống Harding chết vào mùa hè 1923, phó tổng thống Calvin Coolidge, đang giúp cho cha ông ở nông trại tại Verment, cha của ông là một công chứng ở tòa án. Lúc vẫn còn ở nông trại ông đã chứng nhận lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống cho con ông. Một người nào đó sau đó đã hỏi ông: “Ông có biết là ông đã chứng nhận lời thề tổng thống cho con ông không?”. Ông trả lời: “Tôi không biết điều tôi không thể”.

Một câu trả lời ngắn gọn đầy ấn tượng của Coolidges, đã diễn tả cảm tính của nhiều người mà chúng ta chia sẻ. Chúng ta muốn sự tự do. Chúng ta muốn tin rằng bất cứ những gì không bị cấm thì được phép. Có lẽ với sự ngạc nhiên của chúng ta là Chúa Giêsu cũng cảm thấy như thế, Người yêu thích sự tự do.

Câu hỏi và luật sĩ đã đặt cho Chúa Giêsu thì không phải là vô bổ: “Điều gì là quan trọng nhất trong các Lề Luật”. Dĩ nhiên ông ta đã suy nghĩ về những điều luật được tìm thấy trong Cựu Ước. Theo những thầy Rabbi giải thích luật đã quyết định rằng nó có 613 khoản luật, 248 khoản tích cực và 165 khoản tiêu cực. Vị luật sĩ đã chân thành khi ông hỏi: “Điều nào là điều quan trọng nhất”. Bởi điều mà ông ta muốn nói, điều luật nào là điều luật lớn nhất? Chúa Giêsu đã trả lời không do dự, Ngài lập tức trích dẫn sách Đệ nhị luật, bài đọc I mà chúng ta đọc trong ngày chúa nhật hôm nay: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”.

Chúa Giêsu đã không hề bối rối trước 613 khoản luật của các thầy Rabbi. Chỉ trong một khoảnh khắc, Ngài đã dạy rằng tất cả Lề Luật tóm tắt trong một điều luật lớn nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu đã không dừng lại ở đây, mặc dù câu hỏi là: “Điều luật nào trọng nhất?”. Thay vì chỉ có một câu trả lời, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh thêm câu thứ hai: “Ngươi sẽ yêu mến tha nhân như chính mình”, luật này không phải Người trích từ sách Đệ nhị luật nhưng là từ sách Lêvi.

Chúng ta có thể cũng hỏi Chúa Giêsu: “Có một điều luật lớn nhất hay là hai?” Chúa Giêsu trả lời: “Chỉ có một điều luật duy nhất, bởi vì các con không thể yêu Thiên Chúa thật nếu các con không yêu mến anh em và các con không thể yêu mến anh em nếu các con không yêu mến Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã vươn ra khỏi sách Đệ nhị luật để đến với sách Lêvi và nối kết hai điều luật riêng biệt thành một.

Một số người Công giáo đã phàn nàn về những cáo thị của Công Đồng Vatican II nói về tình yêu tương quan. Họ muốn chúng ta đi trở lại với cung cách cũ, nhấn mạnh đến những điều luật và những quy tắc. Họ có một quan điểm. Chúng ta không hề coi nhẹ những Lề Luật trong Thánh Kinh và những quy tắc khác của Giáo Hội. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu không hề giảm nhẹ hay coi thường những Lề Luật của Cựu Ước. Ngài không hề nói chúng vô ích. Nhưng Người đã tiếp tục duy trì và tóm kết tất cả trong một Lề Luật của tình yêu. Thông thường dễ dàng hơn khi theo một Lề Luật, đó là yêu mến Thiên Chúa cách hoàn toàn và yêu mến tha nhân như chính mình. Tình yêu giải thoát chúng ta khỏi tính tự mãn, điều đó là nền tảng của mọi tội lỗi. Sự tự do thất không cho chúng ta làm những gì chúng ta muốn. Đó là sự tự do làm những gì mà chúng ta phải làm để yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân.

Theo truyền thuyết khi thánh Gioan đã già, ngài luôn luôn nhắc đi nhắc lại trong bài giảng của mình: “Hãy yêu mến Thiên Chúa, hãy yêu mến anh em của mình”. Khi một số môn đồ của ngài cảm thấy bực bội bởi ngài cứ nhắc đi nhắc lại điều duy nhất, đã hỏi ngài tại sao nhấn mạnh cùng một sứ điệp tình yêu như thế. Ngài trả lời: “Bởi vì nếu chúng ta tuân giữ nó thì điều đó đã đủ rồi”.


4. Chúng ta có hướng về tâm điểm không?

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)

Vẻ độc đáo của Kinh Thánh là do ở điều này: Kinh thánh mạc khải thánh ý Thiên Chúa muốn làm cho con người trở nên như thể một người bạn ‘đôi lứa’ trong một liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, một liên hệ yêu thương mà nhân loại thụ tạo chúng ta sự sống, Người khai triển trong con người 1 khả năng nhận biết, nghênh tiếp và đáp ứng Thiên Chúa, khả năng này thần hóa con người. Cựu Ước từng công bố nhu cầu cấp thiết phải kính mến Thiên Chúa, một nhu cầu đưa đến hệ quả: phải yêu mến tha nhân. Do đó Cựu Ước chuẩn bị cho một mạc khải viên mãn mà Tân Ước đem đến cho nhân loại. Một luật sĩ chất vấn Chúa Giêsu. Hai bên đối đáp, đi tới chỗ ông phải đọc lên giới luật thứ nhất, và Chúa nói: Ông không xa nước Thiên Chúa đâu. Câu nói ngắn đó là chìa khóa để hiểu đoạn Phúc Âm hôm nay.

Thật vậy, Chúa loan báo rằng Nước Thiên Chúa được bao thế kỷ lịch sử Israel chuẩn bị cho người ta nghênh đón nay đã tới. Nước Thiên Chúa tới như thế nào? Tới trong con người Chúa Giêsu. Nói rằng luật sĩ không xa Nước Thiên Chúa, tức là nói rằng ông không xa bao nhiêu giây phút ông sẽ tân đồng, sự giảng dạy của Chúa Giêsu. Đức Kitô làm cho sự mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa được đầy đủ, và Người đến với thế gian trong tư thế đó. Con người có một nhu cầu cấp thiết cho nhân loại và nhân loại được chuẩn bị nghênh đón Đức Kitô. Nếu ta thắc mắc: ‘Làm thế nào để đem giới luật kính mến Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta? Trường hợp đó ta phải chia câu hỏi trên thành hai câu hỏi khác: ‘Nghênh đón Đức Kitô thế nào, và trả lời Người thế nào?’

1) Nghênh đón Đức Kitô thế nào? Nghênh đón Người bằng niềm tin vào Người, tin vào sứ điệp của Người. Niềm tin ấy không dễ gì có được, mà phải nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Tại sao khó có được niềm tin ấy? Bởi vì nếu ta nhân định về chỗ đứng nhỏ mọn của mình trong vũ trụ; nếu ta ngó vào bản ngã mình mà chỉ thấy một thứ gì mong manh, chóng qua đi, nếu ta trông thấy đại dương mênh mông khổ ải và chết chóc, tất nhiên ta khó chấp nhận rằng Thiên Chúa quan phòng và yêu thương từng cá nhân trong một đám chúng sinh. Vậy mà Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người thương yêu chúng ta bằng một tình yêu hiện diện trong mỗi người. Người thân mật âu yếm gọi tên từng người. Chỉ có hành vi tin mới giúp ta nghênh tiếp Chúa Giêsu thân thiết ngự đến trong chúng ta.

2) Trả lời Chúa thế nào? Bằng cách chấp nhận để Chúa chiếm lấy chỗ của Người trong ý thức tôn giáo của ta: một cuộc điều tra của tổ chức SOFRES năm 1972 phát hiện rằng trong số 84 người Pháp tự nhận là công giáo, chỉ có 41 người tin rằng ngày nay Chúa Giêsu đang sống động. Người ta tự hỏi có gì trong một ý thứ Kitô hữu vắng bóng Đức Ki-tô sống động. Tình yêu theo Phúc Âm và thiếu nguồn mạch sống động sẽ biến thành gì? Điều cần thiết phải có, nếu thiếu sẽ mắc họa chết về phần hồn, là trong linh hồn, trong trí tuệ, trong trái tim chúng ta, chúng ta phải để Chúa Giêsu Kitô ngự ở tâm điểm. Bằng cách nào? Chúng ta chớ nên lấy làm thỏa mãn vì ta ấp ủ lý tưởng Phúc Âm, vì ta thuộc về Giáo Hội. Hễ là Kitô hữu, thì phải ý thức rằng một Đấng mời mọc chúng ta hãy liên hệ mật thiết với Người. Liên hệ đó là Thiên Chúa, Đấng vô biên, tự hiến cho con người qua Đức Kitô – và qua Đức Kitô, con người tự hiến cho Thiên Chúa.



5. Một tình yêu duy nhất.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Không dễ gì tìm được trong Tin Mừng một luật sĩ đã tìm đến Chúa Giêsu với thành tâm thiện chí như trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta bắt gặp một luật sĩ được Chúa Giêsu ca ngợi rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Luật sĩ này đã tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi Ngài giới răn nào là giới răn trọng nhất. Chúa Giêsu đã cho ông thấy hai giới răn trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Mến Chúa và yêu người thực ra cũng là điều đã được dạy trong Cựu Ước. Nhưng điều độc đáo ở đây là Chúa Giêsu liên kết hai giới răn này lại với nhau và cho đây là giới răn trọng nhất.

Luật sĩ đã tỏ ra đồng ý với Chúa Giêsu. Chính ông cũng đã lập lại: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình thì hơn là dâng mọi lễ vật toàn thiêu và hy lễ”.

Mến Chúa và yêu người là nội dung căn bản của toàn bộ lời giảng dạy và việc làm, toàn bộ cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu. Ngài đã mạc khải tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua việc sai Con Một của Ngài nhập thể làm người, sống giữa mọi người để làm nền tảng cho lòng mến Chúa và yêu người của những người tin Chúa. Qua những dụ ngôn, như dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, dụ ngôn “cảnh phán xét cuối cùng” v.v… Chúa Giêsu đã đi tới chỗ nhập cả hai giới mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất: mến Chúa thì yêu người, yêu người thì mến Chúa. Một tình yêu người được diễn tả một cách cụ thể, qua việc cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, cho người không có áo mặc, băng bó vết thương tích cho người không quen biết… Tình yêu thương người đồng loại được diễn tả qua những cử chỉ, việc làm dù là nhỏn mọn, theo giáo huấn của Chúa Giêsu đều hơn cả những nghi lễ, những lễ vật người ta muốn dâng cho Thiên Chúa để tỏ lòng yêu mến và tôn kính Ngài. Bởi vì Thiên Chuá đã chọn, đã muốn được tôn vinh, được yêu mến nơi con người, và những con người bé mọn, nghèo hèn, hẩm hiu… được tôn vinh và được yêu mến. Những cử chỉ của lòng thương người, vẫn theo giáo huấn của Chúa Giêsu, đã thay thế mọi nghi lễ, lễ vật người ta cử hành và dâng cúng để tỏ lòng yêu mến Chúa.

Yêu Chúa không hệ tại tuân giữ một cách hình thức một số lề luật, tham dự một số nghi lễ. Việc tuân giữ này không làm nên tình yêu đích thực, nếu không phát xuất từ tâm tình thâm sâu bên trong.

Yêu người cũng không phải là “cho của dư thừa”, cũng không chỉ là “cho cái mình có”, mà là trao thân hiến mạng cho kẻ khác, là chấp nhận bị tước đoạt, là xác tín rằng nơi con người có cái gì đó của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, được Ngài cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu, xứng đáng được phục vụ và yêu thương đến cùng.

Vì vậy, tình yêu Chúa phải là căn nguyên, là động lực, là điều kiện để yêu người, yêu tha nhân. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa như cội nguồn và phải quay trở về Thiên Chúa như là cùng đích của nó. Hơn nữa, chỉ có tình yêu Chúa mới nuôi dưỡng tình yêu tha nhân bền chặt lâu dài. Ngay trong tình yêu vợ chồng, nếu không được nuôi dưỡng bằng tình yêu mến Chúa, một tình yêu quên mình, tha thứ, hy sinh, phục vụ người mình yêu, thì tình yêu vợ chồng cũng sớm phai nhạt và có nguy cơ tan rã… chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa bằng cách sống gắn bó với Ngài, chúng ta mới có thể tôn thờ Thiên Chúa đích thực và thực sự yêu thương tha nhân.

Giới răn mới mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ giúp chúng ta đi vào trong ý định của Thiên Chúa và góp phần đổi mới cộng đồng nhân loại. Giới răn mới cải thiện mối tương quan giữa người với người, từ các mối tương quan hạn hẹp giữa hai cá nhân cho đến các mối tương quan rộng lớn giữa nước này với nước khác, giữa dân này với dân kia. Bác ái phá đổ mọi hàng rào chủng tộc hay màu da, vượt trên mọi phân biệt quốc gia hay tôn giáo, xoá bỏ mọi thành kiến hay những hiềm khích quá khứ. Yêu người đồng loại đâu chỉ là yêu kẻ gần gũi hay thích hợp với ta, nhưng còn là “bước tới”, là làm cho mình trở nên gần gũi với tha nhân, dù người ấy có ở xa hay ở ngoài vòng thân bằng quyến thuộc của mình. Vì thế, người Kitô hữu có thể yêu thương người mình không chọn. Bác ái thực sự vượt trên cảm tình. Nó đòi hỏi phải có một sự trao ban không hoàn lại, ngay cả khi làm ơn mà phải mắc oán, làm phúc và phải mang hoạ vào thân…

Cuối cùng, người Kitô hữu không yêu bằng lời nói, bằng môi mép, nhưng bằng hành động cụ thể. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai có của cải đời này, thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà đóng lòng dạ lại với anh em, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa lưu lại trong người ấy được?” (Ga 3, 17// Gc 14-17). Một tình yêu chân thật bắt ta đem hết tài năng và của cải mà phục vụ người khác. Như Chúa Giêsu đã thí mạng cho nhân loại, người Kitô hữu cũng phải là những người dấn thân xây dựng công lý và hoà bình, để hết thảy, dù xa hay gần, đều đạt đến hạnh phúc Nước Trời.

Đối với chúng ta, yêu thương anh em là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như Thánh Gioan còn nói: “Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em. Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 3,16; 4,11).

“Đây là lệnh truyền chúng ta đã lãnh nhận nơi Chúa Kitô là: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến anh em mình” (1Ga 4, 20-21).

Nhìn ngắm Chúa Kitô trên thập giá và nhất là được hiệp thông với Ngài trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cầu xin được thêm lòng yêu mến Cha trên trời và yêu thương anh em đồng loại như Ngài đã yêu thương chúng ta.


6. Với cả tâm trí bạn 

Gm. Arthur Tonne

Một người mẹ nói với cô con gái nhỏ của bà về tình yêu Thiên Chúa. Cô bé bối rối: “Mẹ ơi, làm sao con có thể yêu Chúa? Con chưa bao giờ thấy Người”. Ít ngày sau, cô bé nhận được một bưu kiện, trong đó có một cuốn sách hình rất đẹp, trên trang bìa cuốn sách đề hàng chữ: “Tặng Maria thân yêu, Dì Rosa”. Bé Maria chưa bao giờ gặp dì Rosa và họ sống xa nhau hàng ngàn cây số. Khi Maria nhìn những bức hình đẹp trong cuốn sách, em nói với mẹ: “Mẹ ơi, con yêu dì Rosa quá! Dì cho con cuốn sách đẹp này”. Người mẹ phản đối: “Nhưng con chưa bao giờ thấy dì Rosa mà”. Maria trả lời: “Con biết, nhưng con yêu dì, vì dì gởi cho con cuốn sách đẹp này”. 

Nhiều người trong chúng ta có thể thắc mắc: “Làm sao chúng ta có thể yêu Chúa nếu chưa bao giờ chúng ta thấy Người?”. Tất cả chúng ta đã nhận quà của Chúa, những món quà này dẫn chúng ta yêu Đấng đã gởi tới. Dĩ nhiên một cách nào đó, chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa trong hình dung của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Chúa làm người. Hôm nay nói lại cho chúng ta rằng: Chúng ta phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa chúng ta hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn và hết sức lực. Sẽ giúp chúng ta hiểu và giữ luật này nếu hôm nay chúng ta chỉ nhìn một góc cạnh của giới răn: “Yêu Chúa… với tất cả tâm trí.

Để yêu ai, trước tiên chúng ta phải biết người ấy. Để biết ai, chúng ta phải dùng tâm trí. Làm sao chúng ta có thể biết Chúa?

Làm sao tôi biết một người trong các bạn? Tôi phải nói với bạn và lắng nghe khi bạn nói. Đối với Chúa, chúng ta gọi là cầu nguyện. Bạn hãy gọi như thế nếu bạn muốn. Chúng ta không thể biết Chúa, trừ khi chúng ta nói với Người. Đó là lý do tại sao Giáo Hội kêu gọi chúng ta cầu nguyện với Chúa, ít nhất là sớm mai và chiều tối. Đó là lý do bạn và tôi cầu nguyện với Chúa bất cứ lúc nào trong kinh nhật tụng, và nhất là trong Thánh Lễ. Chúng ta biết một người do công việc họ làm hoặc họ là thợ mộc, là họa sĩ biếm họa hay một đầu bếp. Chúng ta biết Chúa qua những việc Chúa đã làm. Cỏ cây, chim chóc, gió mây, sao trời… nói với chúng ta về Chúa. Tất cả những cái đó đòi hỏi chúng ta phải sử dụng lý trí.

Muốn hiểu một người, chúng ta cố gắng gặp người đó càng nhiều càng hay. Chúng ta gặp Chúa trong mỗi ngày, trong mỗi cuộc sống chung quanh, nhất là chúng ta gặp Chúa trong Giáo Hội, trong Thánh Lễ, rước lễ và các bí tích.

Chúng ta cũng biết một người do những điều một người khác biệt về người đó nói lại cho chúng ta. Linh mục của bạn, ngài đã dùng nhiều thì giờ học hỏi về Chúa, nói về Chúa. Các ngài có thể nói nhiều về Cha trên trời, về Thiên Chúa Làm người, về Chúa Thánh Thần cho bạn. Cha mẹ nói cho chúng ta về Chúa. Thực sự các ngài là thầy tốt nhất nói về Chúa. Giáo lý viên, báo chí, tạp chí và sách vở Công giáo nói với chúng ta nhiều sự thật về Chúa.

Sử dụng lý trí để tìm hiểu mọi cái về Chúa. Như thế bạn yêu Chúa với tất cả lý trí của bạn.



7. Giới răn trọng nhất 

Noel Quesson

Ngày đầu tiên Betty vào trường nội trú. Cô bé đọc bản nội quy của trường và chán ngán. Cô tự hỏi không biết làm sao mình giữ nổi cả cuốn luật lệ đủ thứ loại này. Nhưng đến chiều, Betty gặp bà hiệu trưởng, cô thấy bà thật hiền hậu, dễ mến, bà có nụ cười đầy thiện cảm. Cô thấy mến bà, và thấy việc giữ những luật lệ của trường cũng chả có gì khó khăn lắm. Tình yêu đã làm cho những khó khăn mệt mỏi biến tan.

Trong Do Thái giáo có tất cả 613 điều luật. Học thuộc những điều luật này đã là khó, nói chi việc cắt nghĩa cho chính xác và tuân thủ vẹn toàn. Vì thế trong đầu óc một tín đồ Do Thái giáo luôn thấp thoáng câu hỏi: Luật nào quan trọng nhất? Nhưng khi câu hỏi đạo đạt lên Chúa Giêsu. Chúa chỉ trả lời một câu thật chính xác và đầy đủ: Giới răn trọng nhất là hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức ngươi. Và giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất là: ngươi hãy yêu người khác như chính mình ngươi. Như vậy Chúa Giêsu đã tóm gọn hơn sáu trăm khoản luật vào một câu vắn tắt: mến Chúa và yêu người. Hay đúng hơn, Chúa đã tóm vào một chữ: Yêu.

Đối với Thượng Đế, các triết gia, các tôn giáo thường diễn tả như một nhân vật đòi buộc người ta tôn thờ, kính sợ và tuân phục. Đối với người Do Thái thì vẫn cần giữ những tâm tình ấy đối với Thiên Chúa, nhưng trước hết phải yêu mến Thiên Chúa. Độc đáo của Cựu Ước là hướng dẫn con người trung thành trong một Giao Ước tình yêu. Đặc biệt Chúa Giêsu đã đặt mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa trong bầu khí gia đình thân thương. Tình phụ tử đó Thiên Chúa đã biểu lộ ở mức độ cao nhất và hoàn hảo nhất: Chúa đã yêu ta đến nỗi đã ban Con của Người đến làm lễ vật đền tội chúng ta. Phần chúng ta, cũng phải biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa bằng hết khả năng của mình, tinh thần cũng như thể xác và cả linh hồn nữa.

Còn đối với anh chị em đồng loại, chúng ta phải yêu thương mọi người. Điều quan trọng là tình yêu đó không xây dựng trên liên hệ máu thịt, không do cảm tính, nhưng do liên hệ tình yêu với Thiên Chúa. Chúng ta coi Thiên Chúa là cha, và mọi người là anh chị em ruột thịt.

Chúa Giêsu đã đẩy tình yêu anh em lên một trình độ tuyệt đỉnh. Phải yêu anh em như yêu Chúa: Ai giúp đỡ một người thấp hèn nhất là giúp đỡ chính Chúa. Và yêu với mức độ như Chúa đã yêu: Các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con, và không có tình yêu nào lớn bằng hiến mạng sống vì bạn hữu.

Chúa bảo mến Chúa và yêu người phải đi đôi với nhau. Thiên Chúa đòi ta yêu mến Thiên Chúa như một người cha, nhưng tình yêu đó phải biểu lộ trong tình yêu đối với anh em. Phải yêu anh em mới chứng tỏ mình mến Chúa. Vì yêu anh em là chứng thực mình là con Thiên Chúa, và chứng tỏ mình tuân giữ lời Chúa dạy.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn nhận ra tình thương bao la của Chúa đối với chúng con để chúng con có thể yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và sống tình huynh đệ với mọi người. Xin giúp chúng con chu toàn mọi giới răn Chúa vì yêu mến Người.


8. Giới luật yêu thương

Nếu chúng ta xem truyền hình hay nghe truyền thanh, chúng ta thấy chương trình nhiều lúc bị gián đoạn, xen vào đó là những khẩu hiệu của nhà nước, chẳng hạn:

- Thanh niên hăng hái làm nghĩa vụ quân sự.

- Đồng bào hãy tích cực đóng thuế.

Hồi trước năm 1975, người ta tổ chức những chương trình phát thanh thương mại, để quảng cáo các sản phẩm bày ban trên thị trường. Những lời quảng cáo ấy ăn sâu vào đầu óc thính giả đến nỗi ra chợ muốn mua một hộp kem đánh răng là người ta bèn nhớ ngay đến “anh bảy Chà Hynos”, muốn mua mấy viên thuốc bổ cho con, người ta bèn nhớ ngay đến Activit, “thuốc bổ gan bò tươi Hà Lan”. Sự lặp đi lặp lại đã tác động mạnh trên tâm trí và dẫn đến những hành động thích hợp.

Giáo hội là một người mẹ luôn để tâm giáo dục chúng ta, không phải là không biết đến cái định luật tâm lý ấy. Giáo hội đã áp dụng định luật ấy để mưu cầu phần rỗi cho chúng ta. Giáo hội không ngừng lặp đi lặp lại cho chúng ta biết cái bí quyết tạo hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau. Qua lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Giáo hội muốn nhắc cho chúng ta hai giới luật quan trọng, đó là mến Chúa và yêu người.

Hãy thử xét mình xem chúng ta đã thực hiện như thế nào? Hay chúng ta chỉ là những kẻ giả dối vì việc chúng ta làm không phù hợp với lời kinh chúng ta đọc. Ngày nào chúng ta cũng đọc kinh kính mến, chúng ta thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng… lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy”. Chúng ta không cảm thấy ngượng ngùng khi đọc như thế hay sao?

Khi kính mến ai hết lòng, chúng ta tránh làm cho họ buồn lòng và cố gắng đem lại hạnh phúc cho họ. Đằng này, chúng ta không vâng lời Chúa, thì làm sao chúng ta có thể nói được rằng chúng ta kính mến Chúa hết lòng. Chúng ta mong ước cho kẻ khác gặp phải tai ương. Chúng ta giận hờn họ, nói hành nói xấu họ, chúng ta không thèm chào hỏi họ, thì làm sao chúng ta có thể nói được rằng chúng ta yêu thương họ như chính mình chúng ta.

Chúng ta tưởng rằng mình là kẻ ngoan đạo chỉ vì chúng ta chăm chỉ đi lễ, siêng năng đọc kinh và cảm thấy yên lương tâm. Nhưng nếu tạm gác những hình thức bề ngoài ấy để căn cứ vào tình bác ái: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau, thì liệu người ta có nhận ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hay không? Nếu chịu khó đọc lại những bức thư của thánh Gioan, chúng ta thấy ngài luôn luôn lặp đi lặp lại cái chủ đề yêu thương. Chính ngài đã xác quyết:

- Nếu ai bảo rằng mình mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em, thì họ chỉ là phường nói dối, vì ai không yêu thương kẻ khác là người mình trông thấy, thì làm sao có thể kính mến Thiên Chúa, Đấng mà mình chẳng nom thấy bao giờ. Phải chăng đó là một lời kết án gay gắt nhất cho những kẻ không yêu thương.

Tuy nhiên, nói thì dễ mà làm thì lại khó, vì trong đời sống chúng ta có quá nhiều va chạm. Nào là cạnh tranh nghề nghiệp, củng cố địa vị, giành giật quyền lợi. Nào là những khác biệt về tính tình, tuổi tác và văn hóa… Vì thế, để yêu thương người khác, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, nhất là phải cần đến ơn Chúa. Chúng ta phải nhớ rằng: Muốn chiếm đoạt nước trời, thì phải kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Tình Chúa và tình người là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta vào nước trời.

Để kết luận, tôi xin kể lại mẩu chuyện như sau: Shirieda là một thanh niên Nhật Bản, trong phi đội Thần Phong, sống sót sau một lần ném bom khi phi cơ bị trúng đạn. Tuyệt vọng vì nước Nhật đầu hàng, khi quả bom nguyên tử rớt xuống Nagasaky. Để trả thù cho dân tộc, anh quyết định đi ăn trộm bất cứ cái gì của những người Âu Châu. Trưa hôm ấy, anh lẻn vào kho của nhà dòng Salésien, nhưng chẳng may bị phát giác. Anh định bỏ chạy, nhưng liền bị bắt. Anh thú nhận vì cần đanh mà anh đã ăn trộm. Cha bề trên dân anh trở lại nhà kho,lấy cho anh một túi đanh và bảo:

- Lần sau, nếu cần gì, anh cứ đến với với tôi.

Anh ngạc nhiên trở về nhà và suốt đêm hôm ấy anh đã suy nghĩ về hành động bác ái trên. Sáng hôm sau, anh trở lại nhà dòng và nói với cha bề trên:

- Xin cha dạy con cũng biết sống yêu thương như cha. Và cuối cùng, anh đã trở thành một linh mục Công giáo.

Hãy tuân giữ giới luật yêu thương, để chúng ta xứng đáng là những người môn đệ của Chúa. Và hơn thế nữa, chính cuộc sống ngập tràn tình bác ái yêu thương của chúng ta sẽ là một bài giảng hùng hồn, có sức lôi cuốn người khác đến cùng Chúa.


9. Yêu người

Những ngày cuối cùng cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu ở Giêrusalem, Ngài luôn bị giới lãnh đạo Do Thái thay phiên nhau chất vấn để gài bẫy Ngài. Họ đã hạch hỏi Chúa lấy quyền gì mà xua đuổi những người buôn bán ở đền thờ? Có nên nộp thuế cho hoàng đế Xêda không? Bài Tin Mừng hôm nay lại cho biết: một ông kinh sư hỏi Chúa điều răn nào đứng đầu? Sở dĩ ông ta hỏi Chúa câu này, là vì luật của Do Thái lúc ấy gồm 613 điều, chia ra 248 điều tích cực buộc phải làm, và 365 điều tiêu cực cấm không được làm. Nhưng giới lãnh đạo không đồng ý với nhau điều nào đứng đầu, tức là điều nào quan trọng nhất, mỗi nhóm đặt nặng một điều. Vì thế, ông kinh sư này muốn hỏi Chúa để biết quan điểm của Chúa ra sao. Chúa đã trả lời ngay bằng cách trưng ra một điều trong sách Đệ Nhị Luật: “Phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức”, và một điều nữa trong sách Lêvi: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Câu trả lời của Chúa hay quá, đúng quá, khiến mọi người hết sức kinh ngạc, và Tin Mừng cho biết: “Từ lúc ấy không ai dám chất vấn Chúa thêm điều gì nữa”.

Như vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta biết: điều quan trọng nhất của đạo Chúa là mến Chúa và yêu người. Đây là hai mặt của một tình yêu, cả hai chỉ là một, bỏ một tức là bỏ cả hai. Nói khác đi, nếu chúng ta muốn dùng một chữ thôi để diễn tả đạo Chúa, thì không chữ nào thích hợp hơn là chữ “yêu”: yêu Chúa và yêu người.

Yêu Chúa thì chắc chắn tất cả chúng ta đều có thể quả quyết dễ dàng chúng ta yêu Chúa. Nhưng lấy gì làm bằng chứng? đó là lòng yêu người, nghĩa là căn cứ vào tình yêu của chúng ta đối với tha nhân mà người ta biết chúng ta có lòng yêu Chúa. Chính Chúa Giêsu đã có lần nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Vậy chỉ còn một vấn đề chúng ta cần tìm hiểu là chúng ta phải thực hiện lòng yêu người như thế nào.

Trước hết, chúng ta phải yêu thương bằng lời nói: yêu ai, người ta ca tụng họ, yêu mọi sự của họ, yêu cả nết xấu của họ nữa: “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Nhưng ghét ai, người ta dùng ba tấc lưỡi để hành tỏi, nói xấu họ hết lời: “ghét ai ghét cả đường đi lối về”, “ghét cả tông chi họ hàng”. Cho nên, một thứ thước đo chính xác để biết mình có yêu thương người khác hay không là mình có nói tốt hay nói hành nói xấu họ. Người ta nói xấu nhau vì ghét nhau, vì không ưa nhau, vì thù oán nhau. Càng có nhiều liên hệ với nhau, người ta càng dễ nói hành nhau, mà cũng vậy, không gì đau khổ hơn và gương mù hơn khi những người thân thuộc nói xấu nhau.

Thể hiện tình yêu thương bằng lời nói, dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng tốt nhất vẫn là yêu thương bằng việc làm. Việc làm đây là sự giúp đỡ bằng tay chân hành động, bằng sức khỏe, bằng thời giờ, bằng đời sống phục vụ… Đây là một cách thể hiện tình yêu thương rõ ràng và cụ thể nhất. Bởi vì yêu thương trong lòng, bằng ước muốn tốt, bằng thông cảm… thì vô hình không kiểm chứng được; yêu thương bằng lời nói có thể bị coi là lý thuyết suông, đầu môi chót lưỡi. Nhưng yêu thương bằng sự tận tâm giúp đỡ, bằng sự chấp nhận những hy sinh phiền toái của phục vụ… thì mới là yêu thương thực sự và dễ gây được kết quả tốt. Chẳng hạn: khi làm việc, biết nhận lấy phần trách nhiệm nặng hơn, không dừa cho người khác, sẵn sàng cho vay mượn khi cần thiết, khi có khả năng, khi có dịp; coi công việc của người khác cũng là của mình. Có những người chỉ cần chúng ta giúp một quyết định, một an ủi, một khích lệ, một lời cầu xin, một sự thông cảm, một lòng tôn trọng, một sự tha thứ… Có biết bao nhiêu dịp và biết bao nhiêu cách chúng ta có thể làm để giúp ích người khác.

Sau hết, yêu người, yêu thương nhau là chứng tích cho người ta nhìn nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ đến nhà thờ để nghe nói đến tình yêu của Thiên Chúa, có nhiều người không bao giờ được thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, nhưng người ta xem thấy cách chúng ta yêu thương nhau thật mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương nhau thì không ai đánh giá sai lầm về đạo của chúng ta.

Vì thế, chúng ta hãy sống điều răn yêu thương Chúa dạy từ trong gia đình và với những người chung quanh. Có những người sống yêu thương trong gia đình rất tốt nhưng lại thiếu sót đối với những người ngoài. Ngược lại, có những người sống lịch sự, vui vẻ, yêu thương rất tốt đối với những người khác nhưng trong gia đình lại rất thiếu sót. Hơn nữa, tình yêu thương của chúng ta có phải chỉ là những tình cảm hời hợt. Ích kỷ, bề ngoài hoặc vụ lợi không? Tình yêu thương thật là biết dùng những lời nói tốt để an ủi nhau, giúp ý kiến xây dựng cho nhau, nhất là sẵn sàng giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau, và yêu người là trắc nghiệm chắc chắn nhất về lòng yêu Chúa của chúng ta.

Hương Trầm Tổng hợp



ĐIỀU RĂN NÀO TRỌNG NHẤT
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments
Top