2 Ảnh

2.7.12

Quan hệ trước hôn nhân


Quan hệ trước hôn nhân
Hỏi ; ?
Thưa cha, chúng con có được quan hệ “tính dục” trước hôn nhân hay không ? Có người bảo không được phép, nhưng hầu như một số lớn bạn bè của chúng con đều cho rằng khi hai người đồng ý để mang laị “sung sướng” cho nhau và để bảo vệ tình yêu thì điều ấy hoàn toàn tốt... Điều đó có sai luật của Giáo Hội hay không? Xin cha giải thích và hướng dẫn để chúng con có thể lý luận với bạn bè
Câu trả lời

Bạn thân mến!
Việc nam nữ sống chung và giao hợp tính dục trước khi kết hôn là một hiện tượng lan tràn trong những thập niên gần đây, kể cả nơi các tín hữu công giáo. Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này. Chẳng hạn như nhiều người trẻ hiện nay lo sợ trước một tương lai bất định, không dám dấn thân; hoặc vì lý do kinh tế, nạn thất nghiệp gia tăng, đe dọa đời sống lứa đôi. Thêm vào đó các phương tiện ngừa thai nhân tạo hiệu nghiệm được phổ biến rộng rãi. Và sau cùng là đức tin sa sút nơi nhiều ngươì do trào lưu tục hoá đang lan rộng khắp nơi.

Giáo Huấn cuả Giáo Hội 
Giáo Hội đã taí khẳng định giáo huấn về việc giao hợp tính dục chỉ được phép trong hôn nhân mà thôi. Bộ giáo lý Đức Tin trong Tuyên Ngôn “Persona humana” ngày 29.12.1975 về luân lý tính dục cũng đã quả quyết rằng: “Nhiều người ngày nay đòi quyền được giao hợp với nhau trước khi thành hôn, miễn là hai người quyết tâm kết hôn với nhau và thực tình thương yêu nhau. Họ coi tương giao tính dục là điều tự nhiên trong mối quan hệ giữa họ với nhau, nhất là khi việc cử hành hôn lễ bị cản trở vì những hoàn cảnh bên ngoài, hoặc vì họ nghĩ rằng việc giao hợp là việc cần thiết để bảo toàn tình yêu của họ. Quan niệm như vậy là trái ngược với giáo lý Ki-tô Giáo, theo đó, mọi tương giao tính dục trọn vẹn chỉ được phép thực hiện trong hôn nhân mà thôi”. ( Số 7 )

Giáo huấn trên đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô II tái khẳng định trong tông huấn Familiaris Consortio về đời sống gia đình ( Số 80 ). Sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo cũng dạy một cách rõ ràng:

“Hành vi tính dục chỉ được chấp nhận trong hôn nhân; ngoài hôn nhân luôn luôn đó là một tội trọng và không được chịu các Bí Tích” ( Số 2390 )

“Ngày nay nhiều người đòi hỏi một thứ “quyền thử nghiệm” khi có ý định kết hôn với nhau. Những người dấn thân trong các quan hệ tính dục tiền hôn dù họ có quyết tâm mạnh mẽ thế nào đi nữa, “những giao hợp tính dục ấy vẫn không thể bảo đảm quan hệ giữa họ với nhau trong sự chân thật và thủy chung giữa một người nam và một người nữ, và nhất là không thể bảo đảm giữ cho quan hệ này khỏi những ý muốn hay thay đổi và thất thường”. Về phương diện luân lý, sự giao hợp chỉ hợp pháp khi đã chính thức kết hôn. Tình yêu không chấp nhận thử nghiệm, nhưng đòi hỏi hiến thân cho nhau một cách trọn vẹn và dứt khoát ( 2391 )

Kinh nghiệm thực tế
Dựa trên giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, thiết tưởng ở đây xin ghi lại một thắc mắc của một sinh viên ở Mỹ với lời giải đáp trên bình diện tự nhiên. Tờ “Campus Life” ( Đời sống Đại học xá ) một tờ báo Ki-tô giáo dành cho các bạn trẻ Hoa Kỳ, với số ấn bản là 250.000 bản, có một mục với tựa đề “Tình yêu, tính dục và nhân vị toàn diện”. Mục này thường đăng những thắc mắc của sinh viên gởi về và có lời giải đáp những thắc mắc ấy dựa trên tinh thần Ki-tô Giáo. Một trong những thắc mắc ấy như sau:

“Tôi có một người bạn gái, chúng tôi đang theo học năm thứ hai đại học. Chúng tôi quen nhau từ lúc mới lên đại học, nhưng đến nay, chúng tôi chưa hề ăn ở với nhau. Mùa xuân vừa qua, chúng tôi đã đính hôn và dự định sẽ làm lễ cưới sau khi tốt nghiệp. Nhưng càng ngày chúng tôi càng cảm thấy khó chịu vì phải kiềm hãm những quan hệ tình dục với nhau. Trong thời gian gần đây, người bạn gái của tôi thường bảo: “Tại sao chúng mình phải kiềm hãm mà không làm tình với nhau ? Có gì là xấu đâu bởi vì chúng mình đã đính hôn và thương yêu nhau thật tình mà ?” Tôi vẫn nghĩ nên đợi đến lúc thành hôn rồi mới làm những hành động. Vậy anh có cách gì giúp chúng tôi kiên nhẫn đợi chờ mà không cảm thấy bị dồn nén hay không ?”

Ông Tim Stafford, người giữ mục “gỡ rối tơ lòng” trong tờ Campus Life, đã trả lời bức thư của sinh viên ấy bằng cách nêu lên một số lý do để thuyết phục các bạn trẻ nam nữ đợi đến khi thành hôn mới có quan hệ tính dục với nhau.

Lý do thứ nhất: Sự chờ đợi như vậy giúp đào sâu thêm mối tương giao và tình yêu giữa hai người nam nữ. Quả thật vậy, quan hệ tình dục là một cách thức biểu lộ tình yêu, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Để thắt chặt tình yêu, cần phải có thời gian tìm hiểu nhau. Nếu bạn chỉ nghĩ đến việc làm tình thì sẽ không còn thời giờ cần thiết để tìm cách biểu lộ tình yêu bằng những phương thức khác nhau. Hơn nữa, việc tập chờ đợi trong kiên nhẫn sẽ giúp bạn tự chế trong đời sống lứa đôi sau này. Vì cho dù đã thành hôn, nhiều khi bạn cũng phải kiên nhẫn trước khi đạt được điều bạn mong muốn.

Lý do thứ hai: Thời kỳ đính hôn, trên nguyên tắc, là thời kỳ thử thách và tìm hiểu nhau. Khoảng 50% những người kết hôn đã từng đính hôn hơn một lần trước đó. Điều này có nghĩa là người ta vẫn có thể rút lui hoặc thay đổi khi đã đính hôn với nhau và việc đính hôn không nhất thiết phải đi tới hôn nhân trong mọi trường hợp. Vì thế, nếu hai người đính hôn mà ăn ở với nhau thì họ khó lòng từ bỏ nhau ngay cho dù thấy có những xung khắc với nhau. Và điều này có ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống chung sau này.

Lý do thứ ba: Quan hệ tính dục này không nhất thiết phải thành công ngay, kể cả trong những đôi vợ chồng. Có nhiều trường hợp, hai người phải kiên nhẫn trong nhiều năm mới đạt được sự hòa hợp về tính dục.

Như vậy có nghĩa là quan niệm của nhiều người chủ trương phải làm tình thử với nhau xem có hợp sinh lý không thì mới kết hôn là không đúng.

Phúc trình có tên là Soerenson, một nghiên cứu được coi là đầy đủ về thái độ tính dục của thanh thiếu niên, có tường thuật kết quả cuộc điều tra về những thiếu nữ đã từng có tương giao tính dục với người nam. Người ta yêu cầu các cô mô tả cảm tưởng về tương giao đầu tiên đó. Những từ ngữ được các cô dùng nhiều nhất là “kinh sợ” “lo lắng”, “xáo trộn”, “bối rối”... chỉ một số rất ít nói là cảm thấy “sung sướng”, “thỏa mãn và hoan lạc”... ( xem Tim Stafford, unehistoire d’amour, EBV, 1981, tr. 16) (X. Giải đáp thắc mắc về luân lý của cha Agostino Nguyễn Văn Dụ, tr.47 - 50) 

nguồn"trungtammucvudcct"

Quan hệ trước hôn nhân
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top