2 Ảnh

2.7.12

LY DỊ VÀ TIÊU HÔN KHÁC NHAU THẾ NÀO


LY DỊ VÀ TIÊU HÔN KHÁC NHAU THẾ NÀO ? 
Hỏi ; ?
Thưa cha, trong Phúc âm Chúa có nói : “…vì lòng dạ các ngươi chai đá nên Maisen đã cho phép rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không được như thế”. Vậy, một cách nào đó Chúa Giêsu muốn khẳng định lại luật nguyên thủy của hôn nhân. Thế thì tại sao:


a) Ngày nay, đi đến đâu con cũng nghe nói đến việc tiêu hôn (annulment) giữa hai người đã thành hôn theo nghi thức và bí tích của Giáo hội Công giáo? Việc ấy có hợp pháp (legal) với đạo Công giáo không?


b) Tại sao hầu như trong mỗi giáo phận đều có Tòa Án Hôn Phối để cứu xét và cấp giấy cho phép người ta tái hôn? Phải chăng là luật ‘cả nể’ của Maisen vẫn còn được áp dụng?
Ngọc Anh Hồ.

Câu hỏi của ông liên quan đến 2 trường hợp cần phải phân biệt rõ ràng: Tiêu hôn (annulment) và Ly dị (divorce).


a) ‘Tiêu hôn’ khác biệt hoàn toàn với ‘ly dị’. Tiêu hôn là xác nhận rằng một cuộc hôn nhân đã không thành bí tích (sacramentally invalid) vì những yếu tố như bị ép buộc cưới nhau, gian dối hay bị lừa gạt tình cảm, thiếu sự hiểu biết và ưng thuận rõ ràng về bản chất, mục đích, quyền lợi căn bản của hôn nhân (xem Giáo luật từ số 1095 đến số 1107), và vì những điều đã được Giáo hội quy định (xem Giáo luật số 1083 đến số 1094). Ngược lại, ly dị là tự ý phân ly, phá đổ một khế ước hôn nhân đã thành bí tích (sacramentally valid).


Như vậy, một giao ước hôn nhân tuy đã được cử hành theo nghi thức Công giáo (bên ngoài) vẫn có thể được coi là không thành bí tích (bên trong) khi bị mắc vào những yếu tố nêu trên. Nếu cuộc hôn nhân quả thật không thành sự, thì hôn nhân ấy cũng không có giây bí tích ràng buộc (sacramental bond). Do đó, tự nó, việc tái hôn trong trường hợp này sẽ không bị ngăn trở, hoặc bất hợp pháp, xét theo luật đạo Công giáo.


Tuy nhiên, để việc cử hành hôn nhân mới được thật sự hợp pháp, giáo luật yêu cầu hai người phải làm thủ tục tiêu hôn, và phải nhận được phán quyết tiêu hôn chính thức (nullity decree) của giáo quyền trước khi tiến hành nghi thức hôn phối lại (xem Giáo luật số 1085: 2).


b) Trong bổn phận mục vụ của mình, “vị Chủ Chăn (Giám mục) phải lo liệu sao cho các tín hữu của mình bảo toàn bậc sống hôn nhân theo tinh thần Kitô giáo, thăng tiến ơn gọi gia đình theo đường trọn lành” (GL. 1063). Và, các ngài phải thu xếp sao cho “sự lo liệu, trợ giúp nói trên được tổ chức cẩn thận” (GL. 1064). Điều đó nghĩa là Tòa án Hôn phối trong Giáo hội được thiết lập như một cơ quan cụ thể để chăm sóc cho sự thiện ích thiêng liêng về nhiều mặt của gia đình Công giáo.  Chắc chắn Tòa án ấy không phải chỉ ‘để cấp giấy cho phép người ta tái hôn’ hầu ‘áp dụng luật cả nể của Maisen’.


Thật ra, ở đây cũng không phải là vấn đề ‘cả nể’. Vì, không có luật lệ nào của con người (cho dù là luật Maisen thời xưa hay luật Giáo hội thời nay) được đặt cao hơn và phải ‘cả nể’ hơn là luật Thiên chúa. Nếu một cuộc hôn nhân đã thành sự bí tích, nghĩa là đã thật sự được Chúa đóng ấn và liên kết, thì Giáo hội không bao giờ có quyền tháo gỡ. “Sự gì Thiên chúa đã liên kết, con người không được phân ly” (Mt. 19:6). Nhưng, khi tuyên bố một cuộc hôn nhân ‘tiêu hôn’, Giáo hội chỉ làm công việc điều tra, suy xét và xác định rằng hôn nhân ấy đã không thành sự vì những lý do đặc biệt nêu trên.


Lm. Đa Minh Trần Quốc Bảo, DCCT
nguồn"trungtammucvudcct"


LY DỊ VÀ TIÊU HÔN KHÁC NHAU THẾ NÀO
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top