2 Ảnh

2.7.12

HÔN NHÂN TÌNH YÊU VÀ TÔN GIÁO


HÔN NHÂN TÌNH YÊU VÀ TÔN GIÁO 
Hỏi ; ?
Thưa Cha, con là một thanh niên Công giáo rất tin tưởng đạo của mình. Con có quen một người bạn gái ngoại đạo. Trước đây cô ta có ý muốn xin học đạo và rửa tội, nhưng sau này, cô ta tự ái và bỏ ý định ấy chỉ vì một lần nghe thấy cha mẹ con đặt điều kiện bắt ép cô phải theo đạo mới cho con làm đám cưới.Hiện nay, cô ấy vẫn còn bất mãn lắm. Cô chủ trương “đạo nào cũng tốt”, nếu con muốn cưới cô thì đạo ai nấy giữ. Nếu con không chịu thì cô sẽ chia tay. Xin cha góp ý giúp con phải suy nghĩ và làm sao cho đúng.
N.V. Dần


Đây là một vấn nạn rất phổ thông nơi các gia đình Việt nam. Câu hỏi của anh có thể gợi ý suy tư về nhiều vấn đề khác nhau như : cách hướng dẫn của cha mẹ, hôn nhân và tín ngưỡng trong đời sống vợ chồng, tình yêu và đức tin nơi người trẻ,.


Trước nhất, ý kiến của cha mẹ anh rất chí lý. Tuy là luật Hội thánh hiện nay cho phép người tín hữu Kitô lấy người không công giáo qua phép chuẩn dị giáo, nhưng giáo hội cũng nhắn nhủ rằng chỉ xin phép chuẩn này trong những trường hợp mà bên không công giáo có lý do chính đáng khiến chưa sẵn sàng tòng đạo (dĩ nhiên là với điều kiện rằng người phối ngẫu công giáo phải được tự do giữ đạo, đồng thời con cái phải được rửa tội trong Đức tin công giáo) (xc. GL. 1125). Kinh nghiệm cho thấy rằng, có những người phối ngẫu không công giáo, trước thành hôn thì hứa theo đạo, nhưng khi đã làm đám cưới xong thì quên bẵng lời hứa hoặc thiện chí tìm hiểu, nhập đạo.


Tuy nhiên, nếu cha mẹ tỏ bày lập trường cách khéo léo, mềm mỏng thì sẽ tốt đẹp hơn. Xét về mặt tâm lý và văn hóa Việt nam, sự đối thoại giữa những người khác biệt tín ngưỡng luôn luôn là một vấn đề tế nhị. Như chúng ta thấy, thái độ ‘đóng cửa lòng’ của cô bạn anh không có nghĩa là cô có ác cảm với đạo công giáo, mà chỉ là do sự ‘bất mãn’ với cách thức có vẻ ‘ăn chắc mặc bền’ của cha mẹ anh. Điều này cũng là một sự tự vấn cho người công giáo trong nghệ thuật cảm hoá người chưa biết Chúa.


* Nhưng, phải nghĩ sao về việc lấy nhau rồi đạo ai nấy giữ ?
Trong hôn nhân, chủ trương ‘đạo ai người ấy giữ’không phải là một điều tốt nhất. Đời sống vợ chồng phải là một sự kết hợp trọn vẹn, từ thể xác đến tinh thần, khi hạnh phúc cũng như lúc buồn phiền. Theo nguyên tắc thì, khi đi vào hôn nhân, các người phối ngẫu phải cố gắng làm tất cả những gì có thể làm để san bằng những dị biệt hầu hiệp thông trọn vẹn hơn trong mọi phương diện. Vấn đề tâm linh là một phương diện rất quan trọng của đời người. Thế nên, sẽ thật đáng tiếc nếu, trong khi cảm thông và chia sẻ với nhau mọi sự, vợ chồng còn giữ lại sự dị biệt về tín ngưỡng, và chia cách nhau ở mức độ sâu thẳm nhất của tâm hồn là niềm tin tôn giáo. Làm sao hai người phối ngẫu có thể chia sớt cho nhau trọn vẹn niềm vui những khi thành công, hạnh phúc, và an ủi, đỡ nâng tinh thần nhau trong những cơn rủi ro, bệnh hoạn, tang tóc, nếu quan điểm tâm linh của hai người về những thực tại này khác biệt?


Hơn nữa, đi vào đời hôn nhân, tất nhiên ta phải nghĩ đến việc sinh sản con cái. Mà nói đến việc sinh con, thì cũng phải nghĩ đến việc giáo dục con. Trong việc giáo dục tinh thần, đào tạo tâm hồn con cái, nếu vợ chồng không nhìn cùng một hướng, không nói chung một ngôn ngữ, không dạy cùng một bài học thì làm sao có thể hoàn thành sứ mạng ấy? Nếu bị chi phối vì sự khác biệt tôn giáo giữa cha và me, con cái sẽ không có một hướng đi rõ ràng về tâm linh; và do đó, chúng có thể sinh ra hoang mang, khủng hoảng tâm hồn.


* Vậy cụ thể, phải làm gì trong hoàn cảnh hiện nay của anh ?
Hiện tại, điều làm anh băn khoăn có lẽ là không biết có nên...‘bỏ của chạy lấy người’ hay ‘bỏ người mà giữ lấy của’. Chuyện của anh cũng là một kinh nghiệm giá trị cho các bạn trẻ. Thường thường, chẳng ai mong muốn rơi vào trường hợp khó xử thế này. Nhưng để tránh khỏi trường hợp ấy, không gì tốt hơn là nên đề phòng. Nghĩa là, từ khi bắt đầu đi vào tình yêu và nghĩ đến chuyện hôn nhân tương lai, các bạn trẻ phải can đảm ghi vào ‘danh sách tiêu chuẩn’ của mình yếu tố tôn giáo. Phải thẳng thắn và thực tế trao đổi với nhau về vấn đề hệ trọng này trước khi con tim hai người phát biểu tiếng ‘yêu’. Ông bà ta thường nói ‘cắm sào sâu khó nhổ’. Một khi con tim đã ‘khởi động’, lý trí thường ‘đứt bóng’. Lúc ấy, có băn khoăn hay không thì cũng chỉ còn biết ca bài ‘..nói ra nhiều cũng vậy thôi!’.


Tóm lại, vì sự hoà hợp hôn nhân và niềm tin Kitô hữu rất quan trọng cho hạnh phúc gia đình anh trong tương lai, anh nên cố gắng tạo một cơ hội để cha mẹ và bạn gái mình có thể trao đổi lại về vấn đề này trong tinh thần cảm thông và xây dựng. Sự đối thoại chân thành, với tinh thần xây dựng sẽ giúp giải quyết nhiều phức tạp trong tương quan con người.
Lm. Đa Minh Trần Quốc Bảo, DCCT
nguồn"trungtammucvudcct"

HÔN NHÂN TÌNH YÊU VÀ TÔN GIÁO
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top