2 Ảnh

9.7.12

ĐẠO HIẾU: HIỆN THỰC HAY TRUYỀN THỐNG?


Nhiều người thường nhận định: “Người Á đông có truyền thống đạo hiếu sâu xa hơn người Tây phương” hoặc “Người Việt Nam có truyền thống đạo hiếu rất tốt”. Nhưng, hiện nay thì sao? Truyền thống đó đã đứt đoạn chăng? Có phải vì hội nhập văn hóa mà chúng ta đang đánh mất dần những truyền thống tốt đẹp? 

Thật ra, truyền thống chính là hệ quả của một nền triết lý nhân sinh và là hình ảnh phản chiếu từ mô hình xã hội. Còn ý thức Đạo Hiếu đã được Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn mỗi người như các giá trị nhân bản khác khiến con người phải là NGƯỜI. Các loài vật không hề có ý thức đạo hiếu cho dù sống cá thể hay quần cư. Con vật khi trưởng thành sẵn sàng quay lại tranh giành mồi với cha mẹ nó như một quy luật tự nhiên của tiến hóa và sinh tồn. Con người thì không thể như thế! Kinh Phật có câu: “Tột cùng thiện không có gì bằng HIẾU, tột cùng ác không có gì bằng BẤT HIẾU”. Sách Tam tự kinh mở đầu bằng câu “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện”, chẳng phải điều đó đã khẳng định HIẾU (tột cùng thiện) đã được đặt để sẵn trong bản chất con người hay sao? Chúng ta thử lắng nghe tâm sự của một vài người đứng trước cái chết, khi mà họ không cần màu mè tô vẽ thì sẽ thấy hai chữ Đạo Hiếu đã được đặt trong tâm mỗi người một cách huyền nhiệm thế nào:
“Mẹ ơi! Con xin tạ tội trước bình minh/ Lòng nguyện hứa từ nay không vương tội/ Thương con nhiều mẹ ơi thứ lỗi/ Để con được sám hối với đời… Con mong bố mẹ vui lòng để con ra đi được thanh thản. Lúc này con muốn chạy thẳng về nhà, tới chỗ bố mẹ và sà ngồi vào lòng mẹ để được sưởi ấm và che chở vuốt ve như hồi con còn thơ ấu. Mắt con nhoè đi vì dòng lệ tuôn trào nỗi ân hận, xót thương. Xin gửi mẹ những dòng thơ trên…”

Đó là lời sám hối muộn màng của một tử tội với người mẹ già của anh ta mà chúng tôi ghi lại trong bức thư cuối cùng trước khi anh ra pháp trường. Một cán bộ quản giáo kể: “Có những người con phạm tội phải lãnh án mức cao nhất, trước lúc ra đi, lại nhớ đến cha mẹ mình đang phải buồn tủi nơi quê nhà; có người nữ tử tù, chồng cũng bị tù vì tội buôn bán ma tuý, đêm đêm không quên chắp tay quỳ lạy để tạ tội với mẹ, và để sám hối với hai đứa con thơ dại; có người không quên viết vội vài dòng ngắn ngủi gửi về cho mẹ cha…”

Như vậy, trước khi trở thành truyền thống, Đạo Hiếu đã là một hiện thực trong xã hội loài người. Xây dựng hiện thực đó như thế nào là do chính chúng ta; do mô hình xã hội, do nền giáo dục, do quan niệm sống, do niềm tin của chính chúng ta chứ không hề do ảnh hưởng ngoại giới như nhiều người thường quy kết.

I. Đạo Hiếu và Giáo Dục: 
Tuy ý thức Đạo Hiếu có sẵn trong tâm mỗi người, nhưng vẫn cần một nền giáo dục để định hướng. Ngày xưa, chúng tôi được học gương Nhị Thập Tứ Hiếu qua sách giáo khoa bằng thể thơ song thất lục bát của tác giả Lý Văn Phức mà đến nay vẫn chưa quên:
“Người tai mắt đứng trong trời đất
Ai là không cha mẹ sinh thành
Gương treo đất nghĩa, trời kinh
Ở sao cho xứng chút tình làm con”
Thật là một mũi tên bắn trúng 5-7 đích, vừa dễ thuộc, vừa hiểu thêm về văn học, vừa định hướng chữ hiếu, lại vừa giáo dục được nhân cách:
“Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thì suy ra trăm nết đều nên
Chẳng xem thuở trước thánh hiền
Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu”

Có những mẫu gương đã trở thành thần tượng của chúng tôi lúc ấy như Chu Diễm Tử hay Mẫn Tử Khiên đến nỗi nhớ nằm lòng cả bài cho đến nay:
“Thầy Mẫn Tử vốn đường hiếu nghĩa
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu
Thờ cha sớm viếng khuya hầu
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo
Hai em thời kép áo dày bông
Chẳng thương chút phận long đong
Hoa lau nở để lạnh lùng một thân

Cho hay hiếu cảm nên từ
Thấm lâu như đá cũng nhừ lọ ai?”
Hình ảnh hiếu thuận còn thể hiện qua tác phẩm Lục Vân Tiên phản ánh phần nào cuộc đời của chính tác giả: cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Trên đường đi thi trạng nguyên, nghe tin mẹ mất, Lục Vân Tiên đã bỏ về chịu tang và khóc đến nỗi mù cả đôi mắt. Điều đó “ám ảnh” chúng tôi đến nỗi khi gặp bất cứ người mù nào, chúng tôi đều tin rằng họ là những người rất hiếu nghĩa. Rồi Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, với từng câu chữ chắc nịch như khẳng định chân lý:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”
Đó là chưa kể những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn được đưa vào sách giáo khoa. Những tác giả như Thanh Tịnh, Thạch Lam đã dùng giọng văn nhẹ nhàng, bay bổng để chuyển tải rất nhiều thông điệp về tình mẫu-phụ tử, tình gia đình, tình anh chị em… Tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” của Edmond de Amicis cũng có mặt trong sách giáo khoa đã để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng!
Mỗi nhân vật trong các tác phẩm nêu trên đều có thể trở thành thần tượng của chúng tôi lúc nào không hay. Ý thức thần tượng có thể nói góp phần rất lớn trong việc định hình nhân cách trong mỗi con người ở tuổi niên thiếu. Tiếc thay, giáo dục hiện nay đã không tạo cho lớp trẻ những thần tượng như thế!

2. Đạo Hiếu và Văn Hóa:
Có thể nói, văn hóa Đọc ngày nay đã đi thụt lùi rất nhiều so với trước kia. Sản phẩm dành cho văn hóa Đọc lại càng ít chú trọng hai chữ: Đạo Hiếu. Từ những truyện tranh được đánh giá cao như Đôrêmôn, chúng ta vẫn nhận thấy vai trò của cha mẹ rất mờ nhạt, đôi khi những hành xử của cha mẹ Nôbita rất vô lý và trở thành trò cười cho chính con cái. So với truyện cậu bé Tí hon thần lực ngày xưa, chúng ta dễ nhận thấy sự khác biệt này! Lớn hơn một chút, chúng tôi được tiếp cận tủ sách Tuổi Hoa với những truyện Hoa Xanh thật hay của Kim Hài như: “Đường về quê mẹ” hay “Cao như đỉnh Thái”… Ngay cả những truyện Hoa Đỏ mang màu sắc phiêu lưu dành cho tuổi mới lớn hay Hoa Tím dành cho tuổi mới lớn cũng thể hiện được vai trò rất quan trọng của cha mẹ đối với con cái.

Rồi văn hóa Nghe-Nhìn đang chiếm ưu thế hiện nay cũng vậy. Những nhạc phẩm về tình cha nghĩa mẹ ngoài đời chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các thể loại khác. Phim ảnh cũng thế! Có khá nhiều phim (nhất là phim truyền hình) có bối cảnh gia đình, nhưng chỉ là để quảng cáo thời trang hay nội thất và bất quá chỉ diễn tả những xung đột của hai luồng tư tưởng, hai thế hệ… chứ không làm nổi bật vấn đề đạo lý. Chúng ta cũng không lạ gì khi phần đông các bà, các chị thích phim truyền hình Hàn quốc. Họ cũng văn minh, phát triển nhưng phim ảnh của họ vẫn thể hiện được những đạo lý phương đông trong bối cảnh gia đình. Mô hình “tam đại đồng đường” vẫn phát huy giá trị trong những tác phẩm điện ảnh của họ. Nhưng, tất nhiên, khi xem phim nước ngoài chúng ta chỉ có thể “cảm” chứ rất khó để “nhận” vì hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa còn nhiều khác biệt!

3. Đạo Hiếu và Xã Hội:
Điều kiện sống tác động rất nhiều đến ý thức Đạo Hiếu! Tôi không dám lạm bàn về cách sống thực dụng hiện nay khiến con cái chỉ nghĩ đến việc chu cấp thay vì thăm nom cha mẹ; thậm chí, anh chị em phải “ăn đồng chia đều” trong việc chu cấp này. Tôi chỉ xin mạn phép đề cập đến một vấn đề khá bức xúc và nhạy cảm hiện nay là “kế hoạch hóa gia đình”. Tự thân việc này không xấu nhưng cách áp dụng nó đã gây nhiều hệ quả không hay. Giáo lý Công giáo vẫn khuyến khích người Kitô hữu phải có kế hoạch và trách nhiệm trong những việc mình làm. Tuy nhiên, với niềm tin Kitô giáo, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận Thánh Ý trong từng hoàn cảnh. Vì thế, chương trình giáo lý Hôn nhân đã hướng dẫn cặn kẽ những phương pháp tự nhiên để hai vợ chồng có thể hạn chế con cái mà vẫn tôn trọng nhau và khuyến khích giữ đức khiết tịnh trong đời sống gia đình. Thế nhưng, ngoài xã hội thì đầy dẫy những áp-phích quảng cáo bao cao su, vòng tránh thai .v.v… Ủy ban KHHGĐ đến từng nhà để yêu cầu ký cam kết về biện pháp tránh thai.

Những mỹ từ như “hút điều hòa” đã mặc nhiên công nhận việc phá thai là một phương pháp cần thiết bất chấp đạo đức! Thay vì giáo dục đạo đức, xã hội chỉ tìm cách đối phó với những hệ quả của nếp sống thiếu đạo đức. Những đứa con đã nhìn cha mẹ bằng cặp mắt khác đi khi mà đời sống tình dục của cha mẹ (việc mà trước đây chỉ nghĩ tới thôi, chúng tôi đã mang nặng mặc cảm tội lỗi) nay vô tình được phơi bày - trực tiếp hay gián tiếp - qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thêm nữa, từ việc chỉ có 1-2 con, người ta chỉ lo chăm chút cho đứa con mà quên đi sự hiện diện của cha mẹ. Giá trị của đứa con được nhân lên bao nhiêu lần thì giá trị của cha mẹ cũng bị hạ thấp đi bấy nhiêu lần. Có khi, chính cha mẹ lại trở thành vật cản lớn trong việc chăm sóc con cái. Chuyện Quách Cự đành hy sinh đứa con 3 tuổi để phụng dưỡng mẹ già trong Nhị Thập Tứ Hiếu chỉ còn là… chuyện của bác Ba Phi!

4. Đạo Hiếu và Chủ Nghĩa Hưởng Thụ:
Nền văn minh và kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu hưởng thụ, một nhu cầu có thật đã được các chiến thuật gia quảng cáo tận dụng tối đa để phát triển thị phần. Những giá trị cao cả của sự hy sinh đã lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho nhu cầu chăm chút bản thân. “Đời ngắn quá, không hưởng thì phí!” – đó là câu nói cửa miệng ta thường nghe hiện nay. Trong các phim HK hay sử dụng câu nói mà nhiều người thường nhắc lại một cách tâm đắc: “Người sống không vì mình thì trời tru đất diệt”. Vị tha thành quân tử dại, vị kỷ mới là quân tử khôn?!? Lòng hy sinh đã không được ai khuyến khích, lại bị cho là gàn dở! Mackeno trở thành châm ngôn trong việc đối nhân xử thế.

Tôi nhớ lại chuyện cách đây vài mươi năm, một anh bạn lãnh tháng lương đầu tiên liền mua cho cha mẹ anh mỗi người một đôi dép nhựa, chỉ vì cha mẹ anh mang đôi dép cao su bị “ăn chân” (dị ứng). Chuyện như thế rất bình thường ở thế hệ chúng tôi, thuở ấy lương chúng tôi không nhiều, chỉ vừa đủ sống một cách dè sẻn nhất cho cá nhân mình; nên chi, có ai dám mơ mua một món quà gì to lớn cho cam! Và hầu hết chúng tôi đều ôm ấp giấc mơ mua cho cha mẹ một thứ gì đó vừa túi tiền bằng tháng lương đầu tiên của mình. Vừa là một cử chỉ thể hiện nghĩa hiếu của mình đối với công sinh thành dưỡng dục; lại vừa là một niềm tự hào sâu kín về sự trưởng thành của bản thân. Hôm nay, hầu hết các bạn trẻ đều dùng tháng lương đầu tiên để sắm áo quần, giày dép hoặc “nâng cấp” điện thoại để… khẳng định mình! Cũng dễ hiểu thôi, vì trong thời đại “hiện đại hóa” từng ngày, con người xét nét nhau theo ngoại hình nhiều hơn nội tâm. Nhu cầu tạo ấn tượng để dễ dàng hòa nhập và thăng tiến là một thực tế bức thiết và khắc nghiệt đối với nhiều người! Đến khi nhu cầu “tự trang bị” không còn bức thiết nữa thì người ta đã quá quen “sống vì mình” rồi. Lại phát sinh tư tưởng “tự thưởng” cho mình sau những ngày tháng làm việc mỏi mệt, căng thẳng, nhiều áp lực… Những cuộc liên hoan sang trọng, những chuyến xuất ngoại du lịch, một ngôi nhà tiện nghi, một trang trại ở miền quê để tĩnh dưỡng, điều chỉnh nhà cửa theo phong thủy, vân vân và vân vân… Đó là chưa kể việc lo cho con được những điều kiện sống và học tập tốt nhất (kể cả du học nước ngoài) để có thể trở thành “danh gia vọng tộc” đời mới! Có thể nói, nhu cầu của con người là vô giới hạn! Ít ai nghĩ đến ý nghĩa cao cả của 2 chữ “Hy Sinh” và những hạnh phúc mà nó mang lại. Câu chuyện “Quả Cam” đã gây xúc động cho chúng tôi một thời, nay nhớ lại, tôi chợt nghĩ: Giá như gia đình nọ thuộc loại khá giả thì hẳn là họ đã có vài chục cam trong tủ lạnh. Họ có cảm nếm được mùi vị của hạnh phúc khi trái cam mang thông điệp hy sinh lần lượt chuyền từ bố, con, bà nội, mẹ rồi lại trở về tay bố không nhỉ?

5. Đạo Hiếu và Tôn Giáo:
Có thể nói, tôn giáo nào cũng đề cao đạo hiếu, bởi vì đó chính là nền tảng của các giá trị nhân văn. Riêng Công giáo, Đạo Hiếu được đưa vào ngay giới răn đầu tiên trong 7 giới răn đối nhân (chỉ sau 3 giới răn đối với Thiên Chúa): Thứ tư, thảo kính cha mẹ. Trong suốt Thánh kinh Cựu Ước, chúng ta cũng nhận thấy hình ảnh cha mẹ được tôn vinh, vì Chúa muốn dùng hình ảnh cha mẹ thế gian để mạc khải về Cha trên Trời và bổn phận của chúng ta đối với Người. Ngay như Chúa Giêsu - trong suốt cuộc đời rao giảng đã hết sức giới thiệu về một người Cha trên Trời cao cả xứng đáng cho ta bỏ cả cha mẹ trần gian để theo đường công chính Người - lúc sắp trút hơi trên Thánh giá, cũng đã trao Mẹ Người cho Thánh Gioan chăm sóc. Đạo Công giáo với 4 đặc tính: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền là bất biến. Xã hội có thể thay đổi nhưng Đạo chúng ta không thể đổi thay.
Chính vì thế, vai trò của Đạo đối với chữ Hiếu là không thể phủ nhận. Chỉ có Đạo mới mong cải thiện được tình trạng sa sút của chữ Hiếu hiện nay. Tiếc thay, lắm lúc ta cứ lo chăm chút cho Đạo mà quên mất Hiếu! Trong khi, chính Hiếu mới là nền tảng cho Đạo. Có Hiếu mới có Đạo, ai không có Hiếu thì không thể có Đạo. Ở các lớp giáo lý, các em hay bị căn vặn một tuần đi lễ mấy lần, hoặc bao lâu xưng tội một lần. Ít thấy ai hỏi: “Ở nhà, em cãi lại cha mẹ mấy lần? Không vâng lời cha mẹ mấy lần? Có giúp đỡ cha mẹ không? Có quan tâm, chăm sóc cha mẹ không?” Trong các cuộc thi giáo lý cũng vậy, toàn những câu hỏi “đánh đố” về kiến thức Kinh thánh nọ kia mà không hề hỏi một câu trong sách Huấn Ca viết về đạo hiếu. Một vài nơi, cha sở có “máu văn chương” một chút thì cũng tổ chức những cuộc thi Thơ - Văn nhân dịp Giáng sinh, Phục sinh, Lễ Bổn Mạng, Tết… Họa hoằn lắm mới có một cuộc thi Viết về Cha Mẹ!

Tôi biết có một em nọ không được vào lớp Giáo lý chỉ vì không tuân thủ Nội quy: Phải mang dép có quai hậu cho nghiêm túc. Không ai chịu khó tìm hiểu một thực tế rằng: Em mồ côi cha, mẹ em đi cắt cỏ thuê nên nhiều lần, em không dám xin vì sợ mẹ… khổ! Khi cha xứ biết chuyện, ngài phân trần: “Vì ở trường cũng đã có quy định này, nên tôi chỉ muốn các em sử dụng đôi dép sẵn có. Không lẽ đi học ở trường thì nghiêm túc, còn đi học Giáo lý lại lôi thôi?” Cha phải ngồi trong phòng soạn bài giảng nên không hề biết thực trạng “tái mù chữ” của xã hội Việt nam hiện nay, và em bé kia là một điển hình. Em đã phải nghỉ học khi hết lớp 4 vì nhà không có điều kiện! Chỉ riêng một điều “sợ mẹ khổ” của em cũng đủ để hơn hẳn nhiều bạn khác cùng trang lứa. Tôi nghẹn ngào mường tượng cảnh Chúa Giêsu kéo em vào lòng: “Hãy để em đến gần ta” và “Nếu các ngươi không như trẻ này sẽ không thể vào nước Thiên Đàng.” Thế mà lại bị cấm vào lớp Giáo lý!?!

Kết:
Hơn lúc nào hết, Đạo Công giáo chúng ta cần phải nhập cuộc để tái thiết nền tảng Đạo Hiếu trên quê hương. Hàng giáo phẩm, tu sĩ, thừa tác viên và giáo dân phải cùng hợp lực để bổ sung những thiếu sót về Đạo Hiếu của xã hội chứ không phải chỉ ngồi phê phán. Đưa Đạo Hiếu vào chương trình giáo lý, sưu tầm những câu chuyện về Đạo Hiếu, quảng bá những ấn phẩm viết về Đạo Hiếu, tổ chức những cuộc thi viết, thuyết trình và cả thực hành Đạo Hiếu ở các giáo xứ, các chủng viện, các tu hội, các đoàn thể; tôn vinh những gương sống Đạo Hiếu nhằm tạo nên những hình tượng đáng ngưỡng mộ trong lớp trẻ hiện nay… Từ nền tảng đó, chúng ta mới mong xây dựng Nước Thiên Chúa giữa trần gian này.

  Pio X Lê Hồng Bảo
Nguồn"ubmvgiadinh"
ĐẠO HIẾU: HIỆN THỰC HAY TRUYỀN THỐNG?
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 Reviews:

Đăng nhận xét

Hãy để lại nhận xét của bạn về bài này: Nếu không có tài khoản, hãy bấm vào: Nhận xét với tên --> Tên/URL --> Ghi tên và bấm tiếp tục.

Top